Năm Tháng Huy Hoàng

Chương 14: Chương 14: Bữa tiệc xã giao đầu tiên của "liễu công tử" (1)


Lời nói của Dương Hiến Dung nhanh chóng được nghiệm chứng.

Bên trong đại sảnh của nhà Vương Khải nhìn rất sáng sủa tinh tế, hầu hết được khảm nạm vàng và bạc. Xung quanh có một nhóm sĩ tộc áo mão uy nghiêm ngồi uống rượu say sưa nói cười vui vẻ với nhau.

Dương Hiến Dung và A Lạc đều mặc y phục của nam nhân, hai người họ ngồi quỳ phía sau lưng A Diệu. Còn A Diệu đang uống rượu với vài người sĩ tộc mà chàng không kịp nhớ rõ tên tuổi, tửu lượng của chàng cũng không tệ, vậy mà lúc này đây chàng cảm thấy có vài phần xây xẩm choáng váng.

A Lạc tiến sát lại gần Dương Hiến Dung, nghiêng đầu khẽ nói: “Hóa ra lời cô nương nói là sự thật. Ngày hôm qua ta còn tưởng cô nương mang công tử nhà bọn ta ra làm trò tiêu khiển đấy.”

Nhìn một lượt khắp đại sảnh, hắn thấy những người nam đều tô son trát phấn và kẻ mắt. Cuối cùng A Lạc cũng hiểu ra tại sao tất cả mọi người đều nhìn chằm chằm vào A Diệu khi đệ ấy mới bước chân vào bữa tiệc. Hắn những tưởng chính vẻ ngoài điển trai của A Diệu đã thu hút họ nhưng không ngờ lại là do A Diệu không trang điểm.

Một vài người sĩ tộc trẻ tuổi tụ họp lại cùng một chỗ, có người hỏi: “Kẻ mắt mà các người dùng có bị chảy ra do mồ hôi và nước không?”

Vài luyến đồng ngồi xung quanh đó đều gật đầu, một người khác thì chỉ vào đôi mắt như gấu trúc của hắn ta mà than thở: “Có khi dụi mắt thôi cũng sẽ tốn tiền nên phải cẩn thận từng li từng tí.”

Người đó đắc ý lấy ra từ trong ngực một lọ sứ cổ dài: “Đây là kẻ mắt nước do nhà họ Sử đứng đầu Giang Nam làm ra, chắc chắn sẽ không tan trong nước, ta vất vả lắm mới lấy được vật này đó.” Hắn ta nhúng ngón tay vào rượu rồi thấm ướt đường kẻ trên mắt, sau đó hắn cho những người xung quanh xem thử: “Các người nhìn đi, thấy thế nào?”

Những luyến đồng đều thốt lên tiếng cảm thán, người nọ tiếp tục thở dài: “Cũng may Thành Đô Vương ở tận Nghiệp Thành xa xôi, chứ nếu ngài ấy biết, chắc ta không thể lấy được cái lọ mới nhất này đâu.”

Có người cười nói: “Yên tâm đi. Thành Đô Vương đã ở lại vùng đất phía bắc hoang vu chim chóc không đậu cũng hơn một năm rồi, một khi ngài ấy trở về Lạc Dương sẽ thấy mình lạc hậu thôi.” Những người ngồi xung quanh đó đều nở một nụ cười ngầm hiểu ý.

Nghe những chủ đề vô cùng nhàm chán mà các vị quý tộc này đang quan tâm, trong lòng Dương Hiến Dung thầm than thở, liệu rằng phu quân mai sau của nàng có phải người như vậy không?

Thế hệ phụ thân của nàng cho dù áo mão uy nghiêm nhưng đối với việc tô son điểm phấn thì chẳng hề tán thành, vậy nên họ vẫn để gương mặt như bình thường. Mấy năm gần đây, Hoàng hậu Giả Nam Phong là người thao túng triều chính, cảnh tượng suy tàn ngày càng trầm trọng, những người sĩ tộc trẻ tuổi lại càng không giống nam nhân.

Mỗi khi có người đến cầu thân, Dương Hiến Dung lúc nào cũng mang những người ứng cử đó ra để so sánh với phụ thân của nàng.

Dương Huyền Chi có một người bác là Dương Hỗ đánh trận rất lợi hại. Từ nhỏ phụ thân nàng đã đi theo người bác Dương Hỗ này luyện tập võ công, nắm vững binh pháp và thường được Hoàng đế phái ra ngoài đánh trận. Ông từng cầm thanh gương đi đến Giang Nam, từng cưỡi ngựa băng qua Hung Nô và cho đến bây giờ Dương Huyền Chi vẫn là người trông giống bậc nam nhân nhất trong nhà họ Dương.

Dương Hiến Dung không đòi hỏi cao, nàng chỉ hy vọng rằng phu quân mai sau của nàng có được khí chất cứng cỏi và mạnh mẽ của một bậc lão trượng mà thôi. Thế nhưng, khi nàng nhìn lại toàn bộ kinh thành, từ vị hôn phu chưa cưới kia và một đám nhà Tư Mã đều là những người trẻ tuổi mảnh mai yểu điệu, tô son trát phấn còn tinh xảo hơn cả nàng, chuyện như vậy nàng làm sao có thể chịu đựng?

Vì nguyên do đó, cho dù Tư Mã Duệ nổi tiếng là mỹ nam, được nhiều nữ nhân coi hắn như người tình trong mộng của họ đi chăng nữa thì đối với Dương Hiến Dung bất luận thế nào nàng cũng không bị vẻ đẹp đó lôi cuốn. Khi còn nhỏ, nàng đã nhìn thấy quá nhiều danh sĩ phong lưu chơi bời và nàng không có cảm giác với kiểu nam nhân xinh đẹp nhưng lại mềm yếu mỏng manh như vậy.

Nghĩ đến điều này, Dương Hiến Dung cảm thấy lòng đau nhói. Trong số những người nàng biết, chỉ có Liễu Quang Minh thực sự là chàng trai phóng khoáng lỗi lạc. Nàng đã từng xem phụ thân luyện kiếm, có thể thấy kiếm pháp của Liễu công tử tuyệt đối không phải kiểu khoa chân múa tay. Bất kể là diện mạo đẹp đẽ, tư thế mạnh mẽ hay giọng nói trầm ấm kia thì tất cả những điều ấy đều thể hiện rõ rệt sức hấp dẫn riêng của nam nhân mà chàng có được.

Nhưng tại sao, chàng lại là thường dân chứ……

Dương Hiến Dung chỉ biết thở dài, bất chợt nàng giật mình vì một bóng người sát lại gần. Đó là A Lặc đang nhướng mày liếc xéo nàng, hắn nhấn giọng nói: “Bây giờ ta đã hiểu tại sao cô nương không bị lộ tẩy rồi.”

Trong đại sảnh nguy nga tráng lệ của nhà Vương Khải, có những luyến đồng đang uống rượu nói cười vui vẻ, cũng có những sĩ tộc trẻ tuổi yếu đuối không tả nổi, trông bọn họ giống nữ nhân hơn cả Dương Hiến Dung.

Việc nuôi dưỡng luyến đồng đã trở thành món đồ chơi thời thượng của tầng lớp vương công quý tộc, thậm chí còn được cho là văn nhã. Những bữa tiệc như thế này của nam nhân không được phép để nữ nhân trong gia quyến tham gia vào, bởi vì, họ không muốn để cho những nữ nhân trong nhà nhìn thấy thói hư tật xấu của phu quân, của huynh đệ mình khi đang cặp kè cợt nhã với luyến đồng.

Không chỉ riêng Dương Hiến Dung mà ngay cả A Lạc cũng không thể hiểu được. Nhìn quanh đại sảnh đầy nam nhân yểu điệu, ngửi thấy mùi hương hăng hắc, A Lạc lắc đầu nói: “Tại sao ngay cả một người có khí phách nam nhân cũng không thấy? Những người ở đây không bằng một con gà chọi trên chiến trường!”

Dương Hiến Dung nháy mắt với A Lạc. Mặc dù các đường nét trên khuôn mặt hắn không đẹp như Liễu Quang Minh, vóc người hắn thấp hơn chàng, ngay cả da dẻ cũng có phần thô ráp. Song, thân hình của hắn lại vạm vỡ hơn và nét đậm giữa hai lông mày cũng đầy khí khái hào hùng của nam nhân. Với nét đặc trưng của người ngoại quốc càng làm hắn tăng thêm sức hấp dẫn khó tả.

Dương Hiến Dung thầm khen ngợi trong lòng, người này cũng là một nam nhân thực thụ.

A Diệu uống cạn ly rượu và thi lễ với người quý tộc tiếp theo đến chúc rượu, chàng áy náy nói: “Tại hạ thực sự không đủ sức để uống thêm nữa, không biết ngài có đồng ý để tại hạ đi sửa sang lại y phục không?”

“Sửa sang y phục” là cách nói thanh nhã ở thời đại này, có người hầu của Vương Khải bước đến dẫn đường cho A Diệu.

Ngay khi A Diệu rời khỏi, một vị nam nhân khoảng ba mươi tuổi đứng dậy. Hắn ta hơi say, thân hình lắc lư chao đảo và nói lớn: “Các vị, dạo gần đây kẻ hèn này có viết một bài thơ, sau đây sẽ ngâm cho các vị nghe để cùng nhau bình phẩm, được không nào?”

Những người khác đều vỗ tay với dáng vẻ say khướt.

Hắn ta lấy ra một tờ giấy từ trong ngực rồi mở ra, sau đó bước đi loạng choạng đến giữa đại sảnh và đọc to với giọng điệu trầm bổng: “Sống mười năm, hay trăm năm rồi cũng chết, thánh hiền cũng chết, ngu ác cũng chết. Sống là Nghiêu, Thuấn hay Kiệt, Trụ, chết là thịt rã xương mục. Đều là thịt rã xương mục thì ai mà phân biệt được là Nghiêu, Thuấn hay Kiệt, Trụ? Thế thì cứ hưởng đời đi, nghĩ làm quái gì tới chuyện sau khi chết.”

Dương Hiến Dung khẽ “hừ” một tiếng: “Sống mơ mơ màng màng như người say rượu, sống không hề có chút lý tưởng mục đích gì, thật vô cùng hoang đường mà!”

A Lạc khẽ hỏi Dương Hiến Dung: “Câu thơ trước của người đó, ta có thể nghe hiểu được. Thế còn câu cuối cùng có ý gì vậy?”

Dương Hiến Dung mang vẻ mặt đầy chán ghét nói: “Câu đó có nghĩa là: Lúc còn sống, nên tận hưởng lạc thú trước mắt. Sau khi chết đi rồi, dù nước có dâng ngập trời ra sao hắn ta cũng không cần biết.”

Có một người đứng dậy vỗ tay vang dội: “Bài thơ này nghe hay quá, thật là hay!”

Một người khác thì gật gù đắc ý, cầm ly rượu lên nói: “Ta chỉ cầu mong có nhà sang, áo đẹp, thức ăn ngon, phu nhân xinh đẹp, có bốn thứ đó rồi thì ta còn cầu gì khác nữa đây?”

Một tràng vỗ tay tán thưởng vang lên.

A Lạc không thể chịu đựng nỗi, bàn tay hắn nắm chặt thành nắm đấm: “Một nhóm người toàn làm quan lớn như thế, trăm dân sinh sống kiểu gì, bọn chúng đã nhìn thấy chưa?”

A Lạc nắm chặt tay đến mức dường như có thể bóp chảy ra máu. Những đại gia tộc quyền quý đã từng áp bức họ canh tác đất đai và chiếm đoạt hơn phân nữa chỗ đất đó. Bọn chúng là dân trộm cướp đã cướp đi toàn bộ số lương thực ít ỏi còn lại của họ. Thiên tai hiểm họa cũng là điều vô cùng mệt mỏi, ngay cả vỏ cây họ cũng đã ăn hết, thế nên tộc trưởng chỉ có thể đưa mọi người rời khỏi mảnh đất nơi họ sinh ra. Song trên con đường chạy nạn ấy đầy rẫy những mối nguy chồng chất, có một số người bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ, còn một số người thì chết đói dọc đường trốn chạy. Huynh trưởng, tẩu tẩu, mẫu thân, còn có điệt nhi chưa đầy hai tuổi của hắn đã bị một toán du kích bắt đi và hiện giờ vẫn chưa rõ tung tích. Người trong bộ tộc dần dần phân tán đi khắp nơi. Năm mười lăm tuổi, hắn dựa vào sự nhanh nhẹn của mình mà trốn đông núp tây, nhưng sau cùng hắn chịu sự đói khát không gì sánh được. Một ngày nọ, hắn trông thấy nhóm binh lính Hung Nô đi ngang qua, hắn liền bước ra ngoài giao nộp chính bản thân, vì chỉ có như vậy hắn mới đổi lấy được bánh màn thầu để cứu sống mình trong cơn đói.

Nghĩ đến những việc đau thương mà hắn đã trải qua, hắn không giấu nổi sự căm phẫn. Dương Hiến Dung vội vàng nắm lấy cánh tay của A Lạc khiến hắn im lặng. Những người ngồi ở đây đều là người có tiếng, có danh thế mà một người hầu nhỏ bé như A Lạc không có khả năng để khiêu khích.

A Lạc vẫn mang vẻ mặt u ám. Khi hắn còn nhỏ, trong làng gặp phải nạn châu chấu, châu chấu ở đâu cứ ùn ùn kéo đến. Dân làng phải bắt những con sâu bọ ấy ở ngoài đồng cả ngày lẫn đêm, song vẫn thể không ngăn được quá nhiều cái miệng háu ăn của bọn sâu bọ đó.

Mẫu thân của hắn chỉ biết ngày đêm cầu nguyện ở một ngôi chùa nhỏ trong làng, bà lấy khẩu phần ăn duy nhất còn lại trong nhà để dâng lên cho vị Bồ Tát làm bằng đất sét. Hắn hỏi mẫu thân tại sao không dùng lửa để đốt hết những con sâu bọ đó đi, thế nhưng bà lại nói, bà không thể đốt chúng. Không đốt thì vẫn còn một tia hy vọng, châu chấu có thể tích phúc đức cho bọn họ, đốt chúng rồi thì sẽ không còn hy vọng gì nữa.

Khi châu chấu ăn những cây mạ ngoài đồng chỉ còn chừa lại vài cọng thì nguyên cả ngày lẫn đêm hôm ấy có ngọn lửa bùng lên dữ dội khiến bọn châu chấu bỏ chạy tán loạn khắp nơi, rất nhanh sau đó ngọn lửa cháy lan ra cả cánh đồng, thiêu rụi tất cả các đồng cỏ trong làng. Dân làng kêu gào than khóc chỉ biết gọi trời cứu giúp. Người huynh trưởng của A Lạc trông thấy hắn cầm bó đuốc trên tay liền quật hắn ngã xuống đất, đấm hắn mấy cú như trời giáng. A Lạc nằm trên mặt đất, mặc kệ những nắm đấm rơi trên người, hắn vẫn một mực nhìn chằm chằm đám châu chấu đang vùng vẫy trong đám lửa cuồng nộ đó, trong lòng hắn dâng lên một sự thoải mái khó tả.

Bắt châu chấu có ích gì? Cầu nguyện lên các vị thần không tồn tại có ích gì? Nếu ngươi muốn ăn hết tất cả những gì ta có được thì ta và người sẽ cùng nhau đi đến chỗ chết! Phải diệt trừ tận gốc, lật đổ hoàn toàn mọi thứ để có thể mở ra một thời kỳ hoàn toàn mới tốt hơn là phải sống trong một đống hỗn độn vỡ nát, giống như một kẻ tham sống sợ chết.

A Lạc quan sát đám sĩ tộc kinh tởm trước mắt như thể năm xưa hắn từng nhìn thấy bọn châu chấu kia. Khoé miệng hắn hiện lên một tia giễu cợt rồi từ từ cúi đầu xuống.

Không lâu sau, A Diệu vội vội vàng vàng bước vào đại sảnh với dáng vẻ ngượng ngùng kỳ lạ, kèm theo đó là một chút giận dữ. Chàng cúi đầu bước đi và định quay lại chỗ ngồi thì bị một ông lão trông rất cố chấp kéo lấy chàng.

Người này hướng về A Diệu thi lễ: “Lão già cổ hủ này chào Tam Liễu công tử đến từ huyện Giải, Hà Đông.”

A Diệu ổn định lại cảm xúc của mình, chàng nhanh chóng khôi phục lại dáng vẻ của một quý công tử và tỏ ý đáp lễ rằng: “Tại hạ vừa mới đến thành Lạc Dương không lâu, không biết danh xưng của ngài là gì?”

Người này vuốt vuốt chòm rầu xoàm xoàm rồi híp mắt lại, ánh mắt nhỏ bé của lão ta giống y như hạt đỗ xanh: “Không dám không dám, ta họ Đỗ, tên gọi là Sùng Ngôn. Có thể thấy, đối với phả học ta đã tìm tòi học hỏi nhiều năm rồi và rất tâm đắc, ta muốn thỉnh giáo Liễu công tử thêm một ít.”

A Diệu rùng mình, chuyện gì phải đến nay cũng đã đến thật rồi.

Vì đây là thời đại mà những người trẻ phải cạnh tranh với nhau dựa trên quyền lực và sự giàu có của cha họ. Thế nên hiển nhiên sẽ có người vắt óc suy tính muốn giả mạo làm con của một người cha quyền quý nào đó. Sẽ có một số người mang theo sự nổi danh đến tận cửa tiếp kiến, dựa trên danh nghĩa mình thuộc chi tộc nào và đến từ nơi nào, vậy những nhà sĩ tộc cần phải phân biệt thật giả ra sao?

Gia phả tất nhiên là điều rất quan trọng. Bởi vì trên gia phả sẽ ghi chép lại một gia tộc nào đó, ai là chi trưởng và ai là chi thứ, thuộc nhà nào, ở đâu, tổ tiên các đời là ai. Tuy nhiên, gia phả cũng có thể bị làm giả. Cho dù việc giả mạo mang theo rất nhiều những rủi ro, song vì lợi ích của việc trở thành nhà quý tộc lớn hơn cả tính mạng, vậy nên luôn có những người không sợ chết mà sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm.

Vì lẽ này nên mới xuất hiện một môn học gọi là: Phả học. Các sĩ tộc sẽ mời một vị tiên sinh có am hiểu về gia phả để phân định, người này sẽ dùng nhiều cách khác nhau để xem xét kỹ lưỡng rồi đặt câu hỏi. Chỉ sau khi vượt qua cửa ải này trót lọt mới có khả năng được các sĩ tộc chấp nhận. Nếu không thể vượt qua thì phải chịu cảnh tù mọt gông.

Rượu mà A Diệu vừa mới uống trong bữa tiệc chớp mắt đã bốc hơi ngay lập tức, chàng lễ phép đáp: “Nghe danh Đỗ tiên sinh như sấm bên tai, Liễu mỗ đã mong mỏi gặp ngài từ lâu. Chỉ là tại hạ đã uống quá nhiều rượu rồi, có phần chịu đựng không nổi nữa, không biết có thể hẹn ngài hôm khác được không?”

Lão ta đã có sự chuẩn bị đầy đủ mới đến đây, làm sao có thể để cho A Diệu rời đi được: “Ây, chọn ngày không bằng gặp ngày. Đỗ mỗ từ lâu đã muốn khảo cứu và dẫn chứng gia phả thư tịch nhà họ Liễu rồi, ngày hôm nay lão nhất định phải được toại nguyện.”

A Diệu vừa mở miệng gọi một tiếng “Đỗ tiên sinh” thì lão ta đã không cho phép chàng cự tuyệt mà mở miệng hỏi ngay: “Liễu công tử chắc hẳn biết tổ tiên của Liễu thị chứ?”

A Diệu buộc phải trả lời: “Đó là điều đương nhiên. Tổ tiên nhà tại hạ chính là Liễu Hạ Huệ, người đã để lại cho đời sau cái danh [Toại hoài bất loạn].

Ánh mắt như hạt đỗ xanh ấy của lão ta đảo qua đảo lại, lão ta nhìn chàng với cặp mắt sắc bén nói rằng: “Thế nhưng tổ tiên đầu tiên của Liễu thị không phải gọi là Liễu Hạ Huệ. Liễu công tử có thể giải thích điều gì đó cho lão phu không?”

Mọi tế bào trong cơ thể A Diệu như dựng đứng hết cả lên, toàn thân chàng đều đang phòng bị với lão già gầy teo trước mặt này, chàng nói: “Tên húy của tổ tiên nhà tại hạ đích thực không phải là Liễu Hạ Huệ. Tên ban đầu của ông ấy là Triển Cầm, sau này vào thời Xuân Thu của vua Lỗ Hiếu Công, ông nhậm chức Sĩ Sư ở nước Lỗ. Bởi vì ông ấy được phong ấp ở đất Liễu Hạ, nên về sau lấy hiệu là [Huệ]. Đó là lý do vì sao ông được người đời tôn xưng là Liễu Hạ Huệ. Thế hệ con cháu sau này đều dứt khoát đổi sang họ Liễu và bắt đầu từ đây mới có nhà họ Liễu ở Hà Đông.”

Với câu trả lời quá rõ ràng này của A Diệu, xem ra đã vượt qua được vòng khảo nghiệm, lão tiên sinh liên tục gật đầu: “Liễu công tử thật xứng làm con cháu nhà họ Liễu, phong thái và dung mạo trông giống như tiên tổ.”

A Diệu thầm thở phào nhẹ nhõm: “Đỗ tiên sinh quá khen.”

Nói xong, A Diệu thi lễ định rời đi, nhưng chẳng ngờ tay áo của chàng bị ông ta nắm lấy, lão ta cười cười nhìn A Diệu và hỏi: “Liễu công tử có thể nói cho lão phu biết, gia phả tổ tiên của Triển Cầm như thế nào được không?”

A Diệu dừng bước, cố gắng nhớ lại gia phả của Triển Cầm, song chàng vẫn không thể nhớ ra thêm bất kỳ ghi chép nào về ông ấy.

Lão ta nhạy bén phát giác ra được chàng trai trước mặt có vẻ đang hoảng loạn, ánh mắt lão tức khắc trở nên sắc bén, giọng điệu cũng thay đổi, lão đánh một đòn cảnh tỉnh A Diệu: “Lẽ nào Liễu công tử không biết rõ nguồn gốc của tổ tiên mình ư?”

A Diệu vẫn đang liều mạng nhớ lại. Tên đầu tiên trong cuốn gia phả chính là Triển Cầm, nhưng trong cuộn giấy ấy không hề nói thêm bất cứ điều gì về Triển Cầm. Lão già chết tiệt, ông ta đã hỏi về thời Xuân Thu rồi, còn định hỏi về thời kỳ thượng cổ nữa sao?”

*****

☆ Chú thích:

1. Luyến đồng: chỉ những người theo tính dục đồng giới. Trong sử sách, những mối tình đồng tính được ghi nhận nhiều nhất là từ vương hầu quý tộc. Dù ghi chép không nhiều và cụ thể nhưng cũng đủ để lại cho các thế hệ sau này vô số tưởng tượng. Quan hệ chủ tớ cũng là hình thức đồng tính thường gặp nhất trong thời cổ đại. Những đầy tớ này được gọi là “Luyến đồng”, “Luyến” có nghĩa là dung mạo xinh đẹp. Trong thời kỳ Ngụy – Tấn – Nam – Bắc triều và Minh – Thanh triều, hoạn dưỡng (nuôi dưỡng vì lợi dụng) luyến đồng đã trở thành trào lưu. Đến cuối triều đại nhà Thanh, có nhiều luyến đồng đã trở thành một công cụ để tiết dục. Không giống như đàn ông có thể tìm được nam sủng, luyến đồng qua các hoạt động xã hội, phụ nữ thời cổ đại có rất ít cơ hội tham gia hoạt động bên ngoài gia đình, chính vì thế phương thức tìm người tình đồng tính kín đáo hơn. Trong thời kỳ phong kiến hàng nghìn năm, lễ giáo cho rằng điều quan trọng nhất đối với phụ nữ là trinh tiết, thê thiếp hòa thuận, gần gũi như chị em. Vì thế, ngay cả khi giữa những người phụ nữ phát sinh tình cảm, chỉ cần đối với gia tộc không có hậu quả gì thì đàn ông đều sẽ chấp nhận.

2. Dương Hỗ: còn gọi là Dương Hộ hay Dương Hựu, tên tự là Thúc Tử, người Nam Thành, Thái Sơn, Thanh Châu, là nhà chiến lược, nhà quân sự, nhà chính trị và nhà văn nổi tiếng cuối thời Tam Quốc, đầu Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc.

3. Nạn châu chấu: sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng lương thực. Chúng phá hoại hoa màu, nông trại. Lũ châu chấu không chỉ kiếm ăn trên đồng cỏ mà còn phá hủy cả những cánh đồng ngũ cốc.

4.Lỗ Hiếu Công: tên thật là Cơ Xứng, là vị vua thứ 12 của nước Lỗ – chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Lỗ Hiếu Công là con thứ của Lỗ Vũ Công – vua thứ 9 nước Lỗ và là em của Lỗ Ý Công – vua thứ 10 nước Lỗ.

5. Tọa hoài bất loạn: Ngồi mà trong lòng vẫn không loạn. Ý chỉ người đoan chính, ở cạnh người mình thích mà không nảy sinh ý đồ xấu xa.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận