Việc án binh bất động này khiến Bá tước Aquila bồn chồn, cũng như chàng vốn đã sốt ruột vì chưa nhận được tin tức gì từ Fanfulla; và chàng băn khoăn cố đoán chuyện gì đang xảy ra ở Babbiano mà Gian Maria vẫn có vẻ thản nhiên trước mặt họ, cứ như thể Công tước có dư hàng tháng trời, đủ để khiến cái đói buộc lâu đài phải đầu hàng. Tấm màn bí ẩn đã có thể được vén lên nếu chàng biết rằng chàng phải cảm ơn Gonzaga về sự nhẫn nại đáng ngạc nhiên này của Gian Maria. Vì tay công tử đã tìm được cơ hội gửi một mũi tên mang thư về phía trại của Công tước, giải thích với đức ông tại sao và trong hoàn cảnh nào kế hoạch trước đó lại bị đổ bể, đồng thời khẩn khoản đề nghị ngài chờ đợi và đặt niềm tin vào gã để thực hiện một kế hoạch khả thi hơn nhằm đặt lâu đài vào tay Công tước. Gã đã hứa hẹn khá hùng hồn và tự tin, kết quả là Gian Maria – như thực tế đã cho thấy – đã tin vào lời hứa hẹn của Gonzaga, và đợi gã thực hiện lời hứa. Nhưng cho dù đã cố vắt óc ra suy tính, gã vẫn chẳng nặn ra được gì có vẻ khả dĩ, vẫn không nảy ra được mưu mô nào có thể giúp gã hoàn thành được ý đồ phản trắc của mình.
Cũng trong thời gian này, gã đã vận dụng hết tài khôn khéo của mình để lấy lại niềm tin và thiện cảm của Valentina. Vào buổi sáng tiếp sau cuộc đối đầu căng thẳng giữa gã và cô cháu gái của Guidobaldo, gã đi tìm thầy Domenico để xưng tội. Sau đó, sáng nào gã cũng có mặt tại lễ cầu nguyện, sự thành khẩn và sùng đạo của gã đã trở thành tấm gương cho tất cả mọi người. Ngay cả Valentina, vốn được giáo dục trong tu viện và là một con chiên ngoan đạo, cũng không thể không để ý đến. Nàng nhìn thấy trong sự thay đổi lạ thường của gã một dấu hiệu không thể lầm lẫn của sự thay đổi nhân cách. Khi thấy gã lập tức đi xưng tội buổi sáng sau những lời lẽ điên cuồng nói ra với nàng, nàng cho rằng điều đó có nghĩa là gã đã sám hối về những thù hận ghen tuông của mình, vẻ thành tâm kính cẩn gã liên tục thể hiện sau đó trong các buổi cầu kinh càng làm cho nàng tin tưởng rằng sự ân hận của gã là chân thành và lâu bền.
Rồi cô thiếu nữ đi đến chỗ tự hỏi mình liệu rằng có phải thực ra gã phạm tội là vì người khác cũng đã không phải với gã, và cuối cùng cô gái đi đến chỗ quả quyết rằng một phần lỗi lầm gã phạm phải cũng là do nàng. Nhìn thấy gã ăn năn, và từ đó kết luận rằng gã sẽ không dám tái phạm nữa, nàng dần dần chấp nhận sự gần gũi của gã, và cứ như vậy, dần dần tình bạn cũ được tái lập giữa hai người, và có lẽ còn hòa hợp hơn trước, từ sự tin tưởng của cô thiếu nữ rằng sau những gì đã xảy ra sẽ không có chuyện gã hiểu lầm nàng nữa.
Gã không hề có ý đó, cũng không bao giờ cho phép sự lạc quan và bản tính tự mãn phù phiếm một lần nữa khiến mình nuôi hi vọng hão huyền. Gã đi guốc trong bụng Valentina, và nếu như sự thấu suốt này chỉ càng làm gã thấy cay cú và khiến dự định báo thù của gã càng thêm nung nấu, thì bề ngoài nó cũng giúp gã nở những nụ cười ngọt ngào hơn và cư xử khiêm nhường biết thân biết phận hơn.
Chẳng những trở nên biết điều hơn hẳn với Valentina, gã còn tìm mọi cách làm thân với Francesco bằng thái độ tươi cười săn đón. Ở Roccaleone không có giọng nói nào – cho dù là của lão hộ pháp Ercole – lại cất lên tán dương trấn thủ một cách thường xuyên hơn và nhiệt tình hơn giọng nói của Gonzaga. Valentina, quan sát thấy tất cả, và chấp nhận sự thay đổi này của gã như một dấu hiệu thể hiện sự ăn năn với những gì đã qua để cố gắng chuộc lại lỗi lầm, càng ngày càng trở nên thân thiện với gã hơn. Quý ngài Gonzaga điển trai của chúng ta chẳng thiếu giảo hoạt, cũng chẳng thiếu gì kinh nghiệm trong việc đọc thấu trái tim phụ nữ, và hiểu quá rõ rằng không lời tán tụng nào lại lọt tai một cô gái trẻ hơn những lời ca ngợi người đàn ông mà nàng yêu.
Cứ như thế Gonzaga dần dần chiếm được lòng tin và sự quý mến của mọi người trong tuần lễ bình yên đó. Gã dường như trở thành một người hoàn toàn khác, và tất cả mọi người, trừ Peppe, đều nhìn thấy trong sự thay đổi này một dấu hiệu đáng để làm tăng thêm niềm tin và tình bạn dành cho tay lãng tử. Nhưng anh hề khôn ngoan chỉ lặng lẽ quan sát và suy nghĩ. Một sự thay đổi lớn như thế chẳng thể nào xảy ra sau một đêm. Anh chàng không phải loại người tin tưởng vào một phép màu có thể biến một con sâu gớm ghiếc của ngày hôm trước thành một con bướm lộng lẫy của ngày hôm sau. Và như thế, anh hề chỉ thấy ở gã Gonzaga tươi cười, thân thiện dễ ưa này một kẻ không đáng tin cậy, một kẻ cần phải hết sức đề phòng. Và đầy cảnh giác, anh gù bắt tay vào việc theo dõi tay lãng tử với sự hăng hái bắt nguồn từ nỗi căm ghét sâu sắc anh chàng luôn dành cho tay chơi đẹp mã. Nhưng Gonzaga, luôn ý thức được mình bị anh hề nghi ngờ theo dõi, đã tận dụng được một cơ hội cắt đuôi anh hề, và nhân đó gửi cho Gian Maria một lá thư trình bày rõ kế hoạch ma mãnh gã đang ấp ủ.
Ý tưởng này đã nảy ra trong đầu gã vào buổi cầu kinh ngày Chủ nhật. Trong các ngày lễ thánh, công nương Valentina luôn có thói quen yêu cầu cả đội quân đồn trú, trừ một lính canh – mà sự nhượng bộ này chỉ đến sau khi Francesco đã vất vả thuyết phục – đều phải có mặt trong buổi cầu kinh sáng. Từ đó, Gonzaga chợt nhận ra rằng khoảng thời gian chừng nửa tiếng đồng hồ của buổi lễ sẽ là cơ hội thuận lợi nhất để mở cửa Roccaleone cho đội quân bao vây tiến vào. Thứ Tư tới sẽ là ngày Lễ Mình Chúa. Và đó sẽ là thời cơ của gã.
Quỳ gối, đầu cúi xuống thành kính trên bệ cầu nguyện, gã bắt đầu định hình dần kế hoạch phản trắc của mình. Tên lính gác duy nhất còn lại đó gã có thể mua chuộc, hoặc – nếu không được – lén đâm chết. Gã chợt nghĩ rằng một mình gã sẽ không thể đủ sức hạ cây cầu treo nặng nề xuống được, mà làm thế cũng không phải là cách hay nhất, vì tiếng ồn gây ra có thể đánh động đám người còn lại trong lâu đài. Nhưng vẫn còn cửa ngách. Gian Maria sẽ phải tìm cách chế tạo một chiếc cầu ván nhẹ có thể dễ dàng khiêng vác đi được, và chuẩn bị nó sẵn sàng để bắc ngang qua hào một cách yên lặng cho binh lính vượt qua hào vào lâu đài qua cái cửa ngách đó.
Cuối cùng, kế hoạch đã định hình, mọi chi tiết đều đã được cân nhắc rõ ràng, gã lẳng lặng quay về phòng viết lá thư mà nội dung chắc chắn sẽ làm Gian Maria cực kì khoan khoái. Sau đó, gã chọn một khoảnh khắc thuận lợi để gửi bức thư đi cũng bằng cách gã đã làm với những bức thư trước, buộc vào một mũi tên nỏ rồi bắn thẳng về phía trại của Gian Maria, và sau đó gã nhận được mật hiệu của Công tước – đúng như gã đã thỏa thuận trước trong bức thư – rằng kế hoạch hành động của gã đã được chấp thuận.
Phác một cử chỉ hài lòng, phấn khích trước viễn cảnh được uống no chén báo thù, Gonzaga rời khỏi tường thành đi xuống khu vườn của lâu đài để nhập bọn với đám phụ nữ đang vui vẻ chơi bịt mắt bắt dê.
Cho dù lúc đó Công tước Babbiano có tự chúc mừng mình đắc thắng đến thế nào vì đã có một đồng minh hữu dụng như Gonzaga cũng như kế sách khôn ngoan gã đã nghĩ ra để giúp đức ông làm chủ Roccaleone, tin tức mà ngài nhận được ngày hôm sau càng khiến cho ngài có lí do để chúc mừng mình trăm lần nhiệt tình hơn vì vận may đã đến giúp ngài không thể đúng lúc hơn. Đám thần dân của ngài ở Babbiano lúc này đã đến độ chỉ còn thiếu nước công khai ra tay làm loạn, kết quả của những tin đồn đáng lo ngại về việc Cesare Borgia đang sửa soạn quân đội tại Rome để tấn công công quốc, cùng với sự vắng mặt kéo dài của chính đức ông trong lúc dầu sôi lửa bỏng như vậy, để đeo đuổi chuyện cầu hôn mà thần dân của ngài đánh giá là hoàn toàn không phải lúc. Một đám người đối lập khá đông đảo đã tập hợp nhau lại, những người cầm đầu đã đóng đinh lên cổng cung điện tối hậu thư nói rằng, nếu Gian Maria không trở về trong vòng ba ngày nữa để tổ chức việc phòng thủ Babbiano, họ sẽ phế truất Công tước và tới Aquila mời em họ đức ông, Francesco del Falco – một người mà tinh thần ái quốc và tài thao lược không ai không biết – lên làm Công tước Babbiano để bảo vệ họ.
Nghe thấy tin xấu, và chính mình đọc bản tối hậu thư mà Alvari đã mang theo mình, Gian Maria rơi vào cơn điên khùng quen thuộc đến nỗi đã khiến tên Công tước trở thành giai thoại ở Babbiano. Nhưng lập tức đức ông dịu lại. Vẫn còn cái gã Gonzaga kia cùng lời hứa sẽ giúp đức ông làm chủ Roccaleone vào thứ Tư. Như thế đức ông vẫn có đủ thời gian để trước hết giành lấy quyền sở hữu cô dâu bất đắc dĩ của ngài, sau đó hỏa tốc phi ngựa về Babbiano trước khi thời gian ba ngày mà đám thần dân đã gia hạn cho ngài trôi qua.
Công tước lập tức thương lượng với Guidobaldo, và thúc giục ông rằng một tu sĩ phải được chuẩn bị sẵn sàng để làm phép cưới ngay khi ngài đã lôi được Valentina ra khỏi pháo đài của nàng. Đến chi tiết này thì suýt nữa hai ông Công tước lại quay ra cãi nhau. Lúc đầu, Guidobaldo không chấp nhận việc tiến hành hôn lễ cập rập như vậy; một lễ thành hôn như thế sẽ không xứng đáng với danh dự và địa vị của cháu gái ông, và nếu Gian Maria muốn cưới cô thì đức ông cần phải tới Urbino và buổi lễ thành hôn phải được một Hồng y cử hành. Cũng may cho Gian Maria là lúc đó đức ông không hiểu sao lại kiềm chế được tính khí bốc đồng và kịp rút lại những lời phản đối nóng nảy đã lên đến miệng. Nếu đức ông làm thế, hẳn nhiên là mọi lời thề thốt đồng minh giữa hai người chắc chắn sẽ tan thành mây khói; vì Guidobaldo không phải hạng người nhu nhược chịu để người khác ra lệnh cho mình, mà suy cho cùng, ông cũng thừa thông minh để hiểu lúc này Gian Maria đang cần đến ông nhiều hơn là ông cần đến Gian Maria. Và cũng chính lúc đó Công tước Babbiano cũng nhận ra điều tương tự, và biết thân biết phận xoay ra nài nỉ thay vì dọa dẫm ra lệnh. Và bằng cách đó đức ông cuối cùng cũng thuyết phục được Guidobaldo – cho dù ông vẫn tỏ ra miễn cưỡng – làm theo ý muốn của ngài, và vốn rộng lượng Công tước Urbino chấp nhận dẹp sang một bên lòng kiêu hãnh đã khiến ông lúc đầu khăng khăng muốn lễ thành hôn phải được cử hành long trọng để xứng đáng với địa vị của một ông hoàng.
Giải quyết xong chuyện này, Gian Maria thầm cảm ơn Gonzaga, kẻ đã giúp ngài thu xếp êm thắm mọi rắc rối, và đã xuất hiện giúp ngài đúng lúc đến thế, nếu không có gã, đức ông hẳn đã phải viện đến đại bác và giết chóc.
Với Gonzaga, nếu đám mây mù duy nhất vẫn còn lởn vởn ám ảnh viễn cảnh của một thành công chắc chắn nằm ở chỗ gã vẫn e ngại tính cách táo bạo và đầu óc linh hoạt nhạy bén của Francesco, thì lúc này, như thể các vị thánh thần đã quyết định trợ giúp gã đến cùng – một vũ khí lợi hại nhưng cũng thật lạ lùng đã tình cờ rơi vào tay gã.
Sự tình cờ này có thể được giải thích bằng sự thật rằng Alvari không phải là sứ giả duy nhất hối hả mang tin tức đến Roccaleone ngày hôm đó. Theo sau viên triều thần của Gian Maria vài giờ, Zaccaria, tùy tùng của Bá tước Aquila, cũng hối hả thúc hết sức ngựa về hướng Roccaleone và đến gần lâu đài lúc hoàng hôn. Đích đến của anh chính là lâu đài đang bị bao vây, bởi vậy anh đành phải ẩn mình đợi trong rừng cho tới khi màn đêm đã buông xuống hẳn cả lúc ấy công việc của anh cũng vẫn đầy mạo hiểm với cái chết rình rập theo mỗi bước đi.
Vào khoảng hai giờ sáng, mặt trăng đã hoàn toàn bị che khuất – vì bầu trời đêm hôm đó phủ đầy những đám mây đen nặng nề đe dọa một cơn dông sắp đến – người lính đang tuần canh trên mặt thành phía Đông chợt nghe tiếng đập nước bì bõm dưới con hào bên dưới, kèm theo tiếng thở phì phò của một người đang bơi bị nước vào miệng. Tay lính canh cất tiếng quát hỏi về phía tiếng động, nhưng không nhận được câu trả lời, hắn liền chạy đi báo động, và lao thẳng vào vòng tay của quý ngài Gonzaga lúc đó đang đi dạo để thư giãn trên tường thành.
“Thưa quý ông,” tay lính canh kêu lên, “có ai đó đang bơi dưới hào nước.”
“Hả?” Gonzaga kêu lên, trong đầu chợt nghi ngờ nghĩ đến Gian Maria. “Có kẻ làm phản?”
“Tôi cũng nghĩ thế.”
Gonzaga liền túm lấy tay áo của tên lính, và kéo hắn cùng quay lại phía rìa tường thành. Cả hai cùng cúi xuống nhìn, và từ trong bóng tối vọng lên một tiếng gọi nhỏ: “Ê trên kia.”
“Ai ở dưới đó?” Romeo hỏi.
“Một người bạn,” một tiếng trả lời khẽ vọng lên. “Một người đưa thư từ Babbiano mang thư đến cho Bá tước Aquila. Ném cho tôi một sợi dây thừng, người anh em, trước khi tôi chết đuối trong dòng xoáy này.”
“Ngươi nói láo, đồ ngốc!” Gonzaga trả lời. “Ở đây chúng ta chẳng có Bá tước nào cả.”
“Đúng mà, thưa ngài lính canh,” giọng nói lại cất lên trả lời, “chủ nhân của tôi, quý ông Francesco del Falco, đang ở trong lâu đài. Ném cho tôi một sợi thừng, mau lên.”
“Quý ông Fran…” Gonzaga lẩm bẩm. Sau đó gã kêu lên một tiếng như vỡ lẽ điều gì. Một tia sáng chợt lóe lên trong đầu gã. “Hãy lấy một cuộn thừng,” gã quát tháo ra lệnh cho tay lính canh. “Ở trong kho quân bị ấy. Nhanh lên, đồ ngu!” gã gắt gỏng quát lên.
Chỉ loáng sau tên lính đã quay lại, và một cuộn thừng được dòng xuống cho người đưa thư. Chỉ một lát sau Zaccaria đã đứng trên mặt tường thành của Roccaleone, nước tong tỏng chảy từ bộ đồ ướt sũng xuống đọng thành vũng dưới chân anh hầu.
“Đi lối này”, Gonzaga lên tiếng, dẫn người đưa thư đến phía tòa tháp của kho quân bị, nơi một ngọn đèn vẫn đang cháy sáng. Dưới ánh đèn, gã quan sát người mới đến, và ra lệnh cho tên lính canh ra ngoài, đóng cửa lại chờ khi được gọi – Zaccaria hơi sững người khi nghe thấy mệnh lệnh này. Đây chẳng giống chút nào với cuộc đón tiếp anh đã trông đợi sau khi đã liều mạng mang thư đến lâu đài.
“Chủ nhân của tôi ở đâu?” anh hầu lên tiếng hỏi, hai hàm răng gõ vào nhau lập cập vì ngâm mình trong nước lạnh, đồng thời băn khoăn tự hỏi không biết nhà quý tộc ăn mặc bảnh bao này là ai.
“Có phải quý ông Francesco del Falco là chủ nhân của anh bạn không?” Romeo hỏi.
“Đúng thế, thưa ngài. Tôi có hân hạnh được theo hầu chủ nhân đã mười năm nay. Tôi mang đến cho chủ nhân một lá thư do quý ông Fanfulla degli Arcipreti gửi. Đây là một bức thư rất khẩn. Ngài sẽ dẫn tôi đi gặp chủ nhân chứ?”
“Anh bạn ướt hết rồi,” Gonzaga thì thầm ra vẻ quan tâm. “Anh bạn sẽ chết cóng vì lạnh mất, mà một cái chết như thế cho một người đã can đảm vượt qua vòng vây của Gian Maria thì quả là đáng tiếc.” Gã bước tới bên cánh cửa.
“Này!” gã cất tiếng gọi tên lính canh. “Hãy đưa anh bạn can đảm này lên trên kia và kiếm đồ khô cho anh ta thay.” Gã chỉ tay lên căn phòng phía trên của tòa tháp, nơi quả có tích trữ y phục thật.
“Nhưng thưa ngài, còn bức thư của tôi!” Zaccaria sốt ruột kêu lên. “Bức thư này rất khẩn, và tôi đã bỏ phí mất hàng giờ khi phải chờ đến lúc tối trời rồi.”
“Hẳn nhiên anh bạn cũng có thể đợi đến khi đã thay trang phục chứ? Ta cho rằng mạng sống của anh bạn còn quan trọng hơn nhiều so với vài khoảnh khắc bị chậm trễ.”
“Nhưng tôi đã nhận được lệnh từ ngài degli Arcipreti là không được để lỡ một khoảnh khắc nào hết.”
“Ồ, hiểu rồi!” Gonzaga kêu lên, làm bộ sốt sắng thông cảm. “Vậy đưa ta lá thư, và ta sẽ mang đến cho ngài Bá tước trong khi anh bạn trút bỏ đám quần áo ướt sũng này ra.” Zaccaria nhìn gã thoáng nghi ngại. Nhưng lúc này, trong bộ cánh bảnh bao, trông Gonzaga thật vô hại, khuôn mặt điển trai của gã trông thật lương thiện và có cảm tình, thế là sự ngần ngừ của anh hầu cũng chấm dứt nhanh như nó đã bắt đầu. Nhấc chiếc mũ đang đội trên đầu ra, anh lấy từ trong lần lót ra một lá thư mà anh đã cẩn thận để vào đó để khỏi bị ướt. Cả gói thư được anh trao cho Gonzaga, và gã, sau khi đã dặn dò vài lời lệnh cho tay lính canh đi tìm quần áo khô cho người đưa thư, lập tức đi ra ngoài. Nhưng đến ngoài cửa gã dừng bước, và lại gọi tên lính gác đến.
“Đây là một đồng ducat dành cho nhà ngươi,” gã thì thầm. “Làm theo lời ta dặn và ngươi sẽ được nhiều hơn nữa. Hãy giữ chân hắn ta tại tòa tháp này cho đến khi ta trở lại, và không được để ai khác nhìn thấy hay nói chuyện với hắn.”
“Vâng, thưa quý ông,” tên lính trả lời. “Nhưng nếu ngài đại úy đến và thấy tôi vắng mặt ở chỗ gác thì sao?”
“Chuyện đó để ta lo. Ta sẽ nói với Fortemani rằng ta có việc quan trọng cần dùng đến ngươi, và bảo hắn ta thay chỗ cho ngươi. Ngươi được miễn gác tối nay.”
Tên lính cúi đầu tuân lệnh, và lẳng lặng rút lui để trông coi tù nhân của gã, tức là bắt đầu trông coi Zaccaria.
Gonzaga tìm thấy Fortemani trong phòng trực canh ở dưới, và nói với lão như đã hứa với tên lính gác.
“Nhưng mà,” Ercole cáu kỉnh đỏ mặt tía tai, “lấy quyền gì mà ngài làm vậy? Ai cho phép ngài điều lính canh đi làm việc riêng cho mình? Lạy Chúa tôi! Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lâu đài bị tập kích trong khi ngài phái lính gác của tôi đi tìm hộp phấn hay một quyển thơ cho ngài?”
“Ngươi sẽ nhớ…” Romeo bắt đầu lên tiếng với vẻ kiêu căng ngạo mạn.
“Quỷ bắt cả ngài lẫn kẻ nào đã khiến ngài đến đây đi!” Lão hộ pháp hét ầm lên. “Quý ông trấn thủ sẽ được thông báo chuyện này.”
“Chẳng để làm gì cả,” Gonzaga kêu lên, từ bực tức chuyển sang hoảng hốt, vội vàng túm lấy áo khoác của Fortemani khi lão đại úy định nhỏm dậy đi thực hiện lời đe dọa. “Ngài Ercole, hãy tỏ ra biết điều một chút nào, tôi xin ngài đấy. Liệu có nên báo động cả lâu đài và làm công nương Valentina bị quấy rầy vì chuyện không đâu này không? Ông bạn ơi, người ta sẽ cười vào mũi ông bạn đấy.”
“Hả?” Chẳng có gì làm Ercole khó chịu bằng chuyện bị mang ra làm trò cười. Lão nghĩ ngợi hồi lâu, rồi tự nhủ có lẽ đúng là lão đã chuyện bé xé ra to thật. Lão bèn gọi: “Ngươi, Aventano, hãy cầm lấy kích và đi tuần trên tường thành phía đông. Được, ngài Gonzaga, tôi chiều theo ý ngài; nhưng quý ông Francesco sẽ được biết tất cả khi ông ấy đi tuần đến đây.”
Gonzaga bỏ đi. Còn phải một tiếng sau Francesco mới đi tuần một vòng nữa, đến lúc ấy thì tha hồ Fortemani muốn nói gì thì nói. Bằng cách này hay cách khác lúc đó gã sẽ có thừa đủ lí do để biện hộ cho hành động của mình.
Gã đi dọc qua khoảng sân trong của lâu đài, leo lên các bậc cầu thang dẫn tới căn buồng riêng của gã. Sau khi vào phòng, gã cẩn thận chốt cửa ra vào lại. Gã thắp một ngọn đèn, đặt bức thư lên bàn, rồi ngồi nhìn chăm chú vào phong thư cùng dấu xi lớn màu đỏ đang sáng lên dưới ánh đèn vàng vọt.
Ra vậy! Tay hiệp sĩ lang thang kia, kẻ mà gã đã ngỡ là một tên phiêu lưu xuất thân hèn kém, chẳng phải ai khác lại chính là Bá tước Aquila lừng danh, thần tượng của dân chúng Babbiano, vị thánh sống của tất cả những kẻ theo võ nghiệp từ Sicili cho tới tận chân dãy Alps. Thế mà gã chưa bao giờ nghi ngờ đến điều này! Gã tự rủa mình đã ngu ngốc làm sao. Gã đã nghe không ít những lời mô tả về chàng chỉ huy nổi tiếng, tấm gương của cả giới hiệp sĩ Italia. Gã đáng lẽ phải đoán ra được trên đời này không thể có hai người có phong thái quyền uy như kẻ mà gã đã chứng kiến ở Roccaleone. Nhưng tay Bá tước này đến đây với mục đích gì? Vì mối tình với Valentina, hay là vì…? Gã ngừng lại, thầm soát lại trong đầu một lượt những gì gã biết về tình hình chính trị ở Babbiano. Một lời giải đáp chợt lóe lên trong đầu làm đôi mắt gã sáng lên, hai tay run run siết chặt lại hăng hái. Còn lí do gì nữa đây, ngoài một toan tính chính trị nhằm chiếm lấy ngai vàng của anh họ y, vì Gonzaga đã nghe được không ít lời đồn đại rằng Francesco del Falco đã từ lâu nhòm ngó ngôi Công tước? Nếu đúng như vậy, lột mặt nạ tay Bá tước này đối với gã quả là một sự trả thù tuyệt vời! Chuyện đó sẽ làm Valentina phải mất mặt đến thế nào! Lá thư đang nằm đó trong tay gã. Trong đó hẳn chứa đựng tất cả sự thật. Liệu tay bạn Fanfulla có thể viết gì cho y nhỉ?
Gã cầm lá thư lên, săm soi kĩ dấu xi niêm phong. Đoạn, gã nhẹ nhàng từ tốn rút con dao găm đeo bên người ra. Nếu mối nghi ngờ của gã là vô cớ, con dao găm được hơ nóng trên ngọn đèn sẽ giúp che giấu sự thực là gã đã lén mở thư ra xem trước. Gã khẽ lách lưỡi dao xuống dưới dấu xi, cẩn thận nạy dấu xi niêm phong và mở lá thư ra. Càng đọc thư, đôi mắt của gã càng mở to kích động. Gã ngã ngồi xuống ghế, bàn tay cầm thư run lẩy bẩy. Gã kéo dịch ngọn đèn đến gần, và cẩn thận đọc lại từng từ trong lá thư:
“Ngài Bá tước kính mến,
Tôi đã trì hoãn việc viết thư cho ngài cho đến khi những dấu hiệu tôi quan sát được trở nên rõ ràng tới mức tôi không thể trì hoãn lâu hơn nữa. Vì thế, tôi gửi lá thư này, cử Zaccaria đích thân mang đến cho ngài, để thông báo với ngài rằng hôm nay tối hậu thư đã được gửi tới Gian Maria, cho ông ta thời hạn ba ngày để trở về Babbiano hoặc phải từ bỏ vĩnh viễn ngôi vị Công tước mà dân chúng sẽ gửi lời đề nghị yêu cầu ngài tiếp quản đến Aquila, nơi mọi người vẫn tin là ngài đang ở ẩn kể từ khi chịu án lưu đày. Như vậy, thưa ngài Bá tước, tên bạo chúa lúc này đã nằm trong tay ngài, bị kẹp chặt giữa Scylla và Charypdis. Lúc này ngài cần tự quyết định nên hành động như thế nào; nhưng tôi thực sự vui mừng được là người báo cho ngài biết sự có mặt của ngài tại Roccaleone cùng sự phòng thủ cương quyết của ngài trong pháo đài đã không vô ích, và lúc này chính là thời điểm ngài được hưởng thành quả xứng đáng do những nỗ lực ngài đã bỏ ra. Lúc này dân chúng đã bị đẩy đến những hành động quá khích do sự hỗn loạn bao trùm ở đây.
Chúng tôi đã nhận được tin rằng Cesare Borgia đang tập hợp ở Rome một đạo quân đánh thuê để tấn công Babbiano, và dân chúng đã trở nên cực kì bất mãn trước cảnh vắng mặt kéo dài của Gian Maria trong lúc nguy nan này. Dân chúng thiếu tầm nhìn xa, họ không hiểu được kết quả mối liên minh với Urbino có thể đem lại. Cầu Chúa ban phước lành và đem lại thành công cho đức ông.
Người tôi tớ trung thành nhất của ngài,
Fanfulla degli Arcipreti. ”