Nghiện

Chương 22: Căn phòng màu hồng


Editor: Bèo

Sáng hôm sau, tiếng mưa rơi tí tách bên ngoài ban công đánh thức Khương Nại. Cô cố nằm trên giường thêm vài giây, đợi tiếng báo thức của điện thoại vang lên cô mới chịu xốc chăn xuống giường.

Đúng 8 giờ, cô thay một chiếc áo lông vũ màu đen thoải mái, mái tóc dài buông lơi bên bờ vai. Cô quàng một chiếc khăn dệt kim, đeo khẩu trang lên, chỉ để lộ ra đôi mắt đen nhánh bên dưới hàng mi dài cong vút. Đúng giờ hẹn taxi đi chùa Thiên Phạm tạ ơn.

Đoạn đường đến chùa Thiên Phạm tốn gần một tiếng đồng hồ. Bởi trời đổ mưa nên tài xế lái xe rất chậm.

Cũng may Khương Nại không vội, cô yên lặng ngồi trong xe, ngẫu nhiên mở điện thoại ra trả lời tin nhắn của Tần Thư Nhiễm.

Ngón tay trắng nõn sạch sẽ dừng lại một chút trên màn hình sáng trưng, cuối cùng mở ra wechat của Tạ Lan Thâm.

Cuộc hội thoại của hai người dừng lại ở nửa tháng trước, lúc đó anh nhắn cho cô: [Gần đây có việc cần xử lý, không tiện liên lạc].

Lúc ấy Khương Nại không trả lời. Cô nghĩ một lúc giờ mới đắn đo gõ từng chữ gửi cho anh nhưng rồi lại thấy không ổn lắm nên đành xóa đi, đổi thành một chữ: [Vâng].

Màn hình hiển thị tin nhắn đã gửi đi thành công.

Khương Nại rũ mi trầm ngâm một lúc mới cất điện thoại đi.

So với tháng trước thì chùa Thiên Phạm cũng không có thay đổi gì lớn. Vẫn là những cái cây đó, màn mưa bụi lất phất trong không khí tựa như một tấm lụa mỏng manh sương khói. Theo đừng đợt gió thổi tới, từng hạt mưa bị táp lên thềm đá, khiến cho người ta bỗng nhiên thấy một quang cảnh thoải mái an nhiên nơi trần thế.

Khương Nại che ô đi qua con đường đá mà lần trước Tạ Lan Thâm đã đưa cô đi, cả buổi sáng đều đi bộ loanh quanh trong ngôi chùa.

Lần này cô không rút thẻ, sau khi công đức một chút tiền đèn hương cô hỏi hòa thượng trong chùa xin một thẻ gỗ.

Bóng dáng mảnh mai của Khương Nại đứng trước án hương cầu phật, bút tích xinh đẹp, thành kính viết ra mười chữ: [Nguyện Tạ Lan Thâm cả đời thuận lợi bình an].

Điều cô ước nguyện vẫn giống hệt với lần trước.

Cuối cùng thẻ cầu nguyện của cô cũng được treo lên cái cây cổ thụ trong sân chùa. Tấm thẻ trên cây đón từng ngọn gió không ngừng dao động, lúc la lúc lắc. Khương Nại che ô đứng dưới tán cây, lộ ra khuôn mặt trắng trẻo tinh khiết. Cô nghiêm túc đứng nhìn gần nửa tiếng đồng hồ, buổi chiều mới rời đi. Bên ngoài cơn mưa vừa tạnh chưa được bao lâu lại tiếp tục trút xuống.

Khương Nại vào cửa hàng trái cây chọn một ít kiwi nhập khẩu. Lần này cô không gọi taxi mà đi tàu điện ngầm. Thời gian quãng đường có lẽ rất lâu nhưng hiếm khi cô được rảnh rỗi để lãng phí thời gian như thế này.

Cô nhìn điện thoại hiện rõ: 5 giờ 10 phút.

Yên Vân Đình gọi điện thoại tới, có lẽ là sợ cô sai hẹn.

Cô vừa tiếp điện thoại đã thấy bà ta hỏi đang ở đâu.

Khương Nại nhìn đoàn người trong tàu điện ngầm, bình tĩnh đáp: “Trạm Ngũ Lý”.

“Con ngồi tàu điện ngầm đến hả?”

Yên Vân Đình vô cùng kinh ngạc, ngay cả taxi cô cũng không gọi?

Khương Nại: “Ừm, hôm nay trời mưa, ngồi tàu điện ngầm sẽ không bị tắc đường”.

Ở bên kia Yên Vân Đình im lặng một lúc lâu mới mở miệng nói: “Bà ngoại đã chuẩn bị xong cơm nước cả rồi”.

“Đã biết, tôi sẽ không đến muộn”.

Khương Nại đã tính kỹ thời gian, không muốn đến sớm, cũng không đến nỗi khiến người khác phải đợi.

Qua một quãng đường, cơn mưa cũng dần tạnh.

Tiểu khu Đông Thịnh mà bà ngoại ở là một khu dân cư cũ, có nhiều cây xanh. Chỉ là vừa trải qua một trận gió lạnh mưa phùn, lá cây ngô đồng tàn tạ rơi đầy trên mặt đất. Khương Nại tìm thấy lối vào tòa nhà, cô không vội mà ngẩng đầu nhìn lên.

Trong đêm tối mùa đông lạnh giá, cửa sổ ở tầng bốn là cửa gỗ kiểu cổ, ánh đèn rực rỡ giống như bùng bập pháo hoa.

Sau khi lên lầu, không cần cô gõ cửa, bên trong nghe thấy tiếng bước chân vọng đến liền đã tới mở.

Khương Nại đứng đó không hề cử động nhìn bà lão quen thuộc hòa nhã đứng trước mặt.

Bởi không khí ấm áp trong phòng mà hôm nay bà ngoại ăn mặc kiểu cách như muốn ăn mừng, cả người mặc một bộ sườn xám thoải mái, mái tóc được vấn lên khéo léo. Bà lão đeo trang sức trân châu. Có thể nói nhan sắc của Yên Vân Đình hoàn toàn được di truyền từ mẹ đẻ, chính xác là người đẹp từ trong xương điển hình.

“Nại Nại đến rồi, mau, mau để bà ngoài nhìn con thật kỹ”.

Ánh mắt bà ngoại nhìn cô rất dịu dàng, luôn làm cho cuộc sống có cảm giác gần gũi thân thiết.

Khương Nại có thể hận Yên Vân Đình bỏ chồng vứt con nhưng từ tận đáy lòng cô vô cùng yêu quý bà ngọai.

Lên sáu tuổi cô đã không có mẹ chăm sóc mà được bà ngoại nuôi dưỡng mấy năm.

Sau này Yên Vân Đình đứng vững được ở Vưu gia liền đón bà ngoại đến Tứ Thành dưỡng lão, cũng không thích cô lui tới.

Vì vậy đã gần mười năm cô không gặp mặt bà ngoại. Khương Nại còn nhớ lần gần nhất liên lạc với bà là lúc công ty của cha cô phá sản. Cả người cô không có đồng xu dính túi, bà ngoại ở Tứ Thành biết được gom góp một chút tiền riêng cho cô vượt qua cửa ải khó khăn.

Đến nay bên tai cô vẫn lờ mờ nghe thấy tiếng bà nói trong điện thoại năm đó: “Nại Nại của bà đúng là một đứa bé số khổ”.

Hàng mi yêu kiều của Khương Nại chớp khẽ, thoát khỏi những ký ức trong quá khứ. Cô đem chỗ trái cây vừa mua tặng cho bà.

Cô còn nhớ bà ngoại rất thích ăn kiwi.

Ánh đèn trong phòng khách vô cùng ấm áp, rau dưa cũng xào xong xuôi, chiếc bàn ăn hình tròn được phủ lên một tấm khăn màu tím đậm. Bà ngoại kéo cô sang bên đó, bưng lên một chiếc đĩa sứ tinh xảo cười hiền lành với Khương Nại: “Nại Nại, bà ngoại chuẩn bị cho con rất nhiều bánh và trà hoa quế mà lúc nhỏ con thích ăn nhất”.

Lúc nhỏ Khương Nại thích ăn đồ ngọt, thường thường ăn một miếng bánh lại uống một ngụm trà, cũng may mà cô không bị sâu răng.

Nghĩ tới bà ngoại vẫn còn nhớ cô nở nụ cười, nhẹ nhàng nói: “Bà ngoại, mấy năm nay sức khỏe của người vẫn tốt chứ?”

“Vẫn tốt lắm. Mẹ của con vẫn là hiếu thảo”

Bà ngoại lôi kéo cô tán gẫu vài câu, Yên Vân Đình từ phía phòng bếp cũng vừa bước ra.

Bà ta nói muốn đoàn viên tụ họp một lần, trên bàn ăn bày bốn bộ bát đũa.

Khương Nại còn chưa kịp hỏi thì thấy một người đàn ông cao gầy cùng bà ta bước ra từ phòng bếp. Anh ta mặc chiếc áo blazer, mặt mũi rất bình thường, chính là kiểu nhặt nhạnh cũng không tìm ra được điểm nào tốt. Anh ta đặt bát canh gà lên mặt bàn.

“Nại Nại, vị này là La Dập, giáo sư đại học”.

… …

Yên Vân Đình giới thiệu rất nhiệt tình khiến cho Khương Nại bỗng tỉnh táo nâng mắt đối diện nhìn bà ta, chẳng lâu sau đã hiểu được ra chuyện gì.

Bữa cơm này im lặng đến nỗi trước nay chưa từng có.

Trừ bà ngoại liên tục giục gắp món ăn, nói mấy câu gợi lại chuyện xưa thì Khương Nại đều cúi đầu ăn cơm.

Cuối cùng Yên Vân Đình dùng một câu đánh vỡ bầu không khí yên tĩnh: “Nại Nại có phải là nên tìm một đối tượng kết hôn rồi không?”

Khương Nại uống một hụm canh, một chữ cũng không đáp.

Bà ngoại cười xòa hòa giải: “Nại Nại bận, quanh năm suốt tháng mẹ đều có thể nhìn thấy hình ảnh của con bé, quảng cáo ở tàu điện ngầm này, còn có trên ti vi nữa”.

Yên Vân Đình nhìn La Dập ngồi bên cạnh, bà ta gắp một miếng thịt gà vào bát của mẹ mình, mồm miệng nói vu vơ giống như không biết nói để ai nghe: “Minh minh đều là dựa vào vốn liếng nhan sắc và tuổi trẻ mà nổi được mấy năm trong ngành giải trí. Giống như con vào đoàn múa, tìm một người đàn ông gia đình giàu có mà gả vào đó mới là sự lựa chọn tốt nhất”.

Trong lòng Yên Vân Đình thì Khương Nại không giống với cô con gái nhỏ Vưu Ý của bà ta có thể xuất thân hào môn, có một người cha vô cùng lợi hại làm hậu thuẫn.

Cho dù Khương Nại có dựa vào sự nỗ lực của bản thân mà trở thành một nữ minh tinh vô cùng nổi tiếng, vạn người ngưỡng mộ thì trong con mắt của bà ta cô cũng chỉ là một người bình thường. Sinh ra trong một gia đình bình thường, trừ cái vỏ ngoài xinh đẹp ra thì từ gia cảnh đến học lực của cô đều không có điểm nào đáng lấy ra khoe.

Mà người bình thường thì nên tự biết thân biết phận, tìm lấy một công việc no đủ rồi gả cho một người đàn ông bình thường.

Yên Vân Đình tỉ mỉ chọn cho cô một người là giáo sư đại học chính là vô cùng phù hợp với tiêu chuẩn ‘người đàn ông bình thường’ của bà ta.

Để cho hai người thời gian riêng tư, ăn được nửa bữa cơm Yên Vân Đình tìm lý do kéo bà ngoại Khương Nại ra ngoài đi dạo.

(Truyện chỉ được đăng tại Diễm Sắc Cung)

Trong căn phòng ấm áp ngợp ánh đèn vàng…

Ban đầu không ai lên tiếng, Khương Nại rũ mi mắt ăn đĩa giá xào trứng đặt trước mặt. Có vẻ cô không thích ăn giá đỗ non nên không thèm để ý mà lấy đôi đũa gắp giá đỗ ra một chiếc đĩa khác.

Không lâu sau giá đỗ đã dồn thành một đống nho nhỏ. Kiểu ăn uống như vậy rất mệt nhọc, hơn nữa hành động trước mặt khách cũng rất mất lịch sự. La Dập là một người có ăn học, cha mẹ trong nhà dạy bảo rất cẩn thận nên rất chú trọng lễ phép lịch sự.

Anh ta nhíu mày rất lâu, sau đó tầm mắt mới rơi xuống trên khuôn mặt xinh đẹp tinh tế của Khương Nại. Nhìn xuống dưới, cô mặc một chiếc áo lông vũ màu đen. Bởi vì nhiệt độ trong phòng ấm áp nên khóa áo kéo xuống một chút lộ ra chiếc cổ trắng ngần. Chỉ thấp thoáng một chút da thịt cũng có thể khiến đàn ông nhìn nhớ mãi không quên.

Không dò xét quá lâu, mi mắt Khương Nại khẽ đụng đậy quay đầu sang phía anh ta.

Cô đối diện với tầm mắt hoảng hốt của La Dập, vứt đôi đũa trên đĩa giống như đã nhạt hết giá đỗ ra nhưng cũng không thèm ăn trứng còn lại trên đĩa.

“Tình hình của tôi anh đều biết cả rồi chứ?”

Từ khi ngồi xuống đây là câu nói đầu tiên mà cô chịu nói với anh ta.

La Dập liên tục gật đầu: “Dì Yên đã nói rõ với tôi rồi”.

Khương Nại nhìn anh ta vài giây đột nhiên lại cười: “Mười năm nay mẹ tôi đã không quan hệ gì với tôi rồi. Có lẽ có một số chuyện bà ta nói cũng không rõ ràng cho lắm”.

La Dập: “Chuyện gì vậy?”

Khương Nại nhếch cằm lên, biểu đạt muốn anh ta nhìn giá đỗ để trên đĩa: “Hôm nay ở nhà bà ngoại coi như là tình huống đặc biệt một chút. Bình thường tôi mỗi ngày ăn ba bữa, thực phẩm phải kiêng khem rất nhiều. Tất cả đều do trợ lý quỳ bên cạnh cẩn thận giúp tôi nhặt từng chút một. Buổi tối nếu tôi không ngủ được người bên cạnh bắt buộc phải thức đêm cùng. Bất kể tôi gửi tin nhắn lúc nào cũng phải trả lời trong vòng ba giây”.

Khương Nại vừa nói vừa lộ ra một góc núi băng lạnh lẽo, cô nhìn thấy khóe mắt của La Dập co lại một chút liền tiếp tục cười nói: “Làm rõ với anh một chuyện, đại minh tinh đều là được nâng niu cả. Tính cách này của tôi cũng là do được nuông chiều mà ra, không thay đổi được”.

Lúc này La Dập nhìn cô thật sự mới giống như nhìn một người hoàn toàn xa lạ.

Hoàn toàn không hề phải bộ dáng an tĩnh xinh đẹp lúc mới bước vào phòng, thậm chí còn có cả sự kiêu căng vênh váo.

Ấn tượng mà cô đem đến cho anh ta biến thành một bình hoa chỉ có bề ngoài xinh đẹp nhưng lại chẳng hề có tu dưỡng.

Khương Nại đưa tay đỡ cằm, ngón tay sạch sẽ trắng trẻo nâng một tách trà, hoa quế vàng nhạt bồng bềnh trên mặt nước. Cô ngửi một lúc, không có uống, tiếng nói rất bình lặng: “Đúng rồi, nếu như chúng ta kết hôn thì trước bốn mươi tuổi sẽ không sinh con, chắc chắn sẽ gần nhau thì ít mà xa cách thì nhiều. Anh có để ý tôi nuôi một người đàn ông ở bên ngoài không?”

La Dập: “Cô Khương Nại, quan điểm về hôn nhân của cô quá quái dị rồi đấy”.

“Mẹ tôi nói với tôi… … để tôi tìm một người đàn ông giàu có bình thường chính là vì có thể nhịn được mấy việc này đó”.

Khương Nại nở nụ cười bên dưới ánh đèn vàng ấm cúng, âm thanh chậm rãi thốt lên từng chữ: “Bằng không sao lại là anh được chứ?”

Phàm là người có chút khí phách sẽ không thể nào nhịn được câu này.

La Dập tức đến nỗi khi đứng dậy chiếc ghế cũng bị kéo theo phát ra một tiếng động mạnh.

Anh ta cầm lấy áo khoác, trước khi đi còn nhìn bóng dáng người con gái yên tĩnh ngồi bên bàn ăn nói: “Phiền cô nói với dì Yên một tiếng, là tôi không dám trèo cao, thứ lỗi không tiếp”.

‘Ầm’ một tiếng.

Cánh cửa bị đóng cái rầm. Anh ta dùng sức rất mạnh, cảm giác bức tường cũng rung lên một chút.

Khương Nại hạ mí mắt nhìn hoa quế bên trong tách trà, cuối cùng cũng nhấp một hụm, cho hơi nhiều đường rồi.

Mười lăm phút sau, Yên Vân Đình đưa bà ngoại Khương Nại quay về, lúc vào cửa không thấy bóng dáng La Dập đâu liền sững người một lúc.

Khương Nại đã dọn sạch sẽ bàn ăn, rửa bát đĩa cất gọn trong phòng bếp. Yên Vân Đình thấy vậy tới gần hỏi: “La Dập đâu?”

Đôi mắt Khương Nại không hề mang theo chút tình cảm nào nhìn bà ta: “Đi rồi”.

“Sao không nói gì đã đi rồi?”

Yên Vân Đình thầm nghĩ có gì đó không đúng, hoàn toàn không giống như những gì bà ta mong muốn.

Khương Nại rút hai tờ giấy ăn lau sạch ngón tay, ngữ điệu nhàn nhạt nói với bà ta: “Không vậy thì sao, chẳng lẽ ở lại cùng tôi động phòng hoa chúc à?”

Yên Vân Đình nghe rõ sự châm biếm trong lời nói của cô: “Nại Nại, mẹ là vì muốn tốt cho con, La Dập này… …”

“La Dập thật sự tốt như vậy sao bà không để cho đứa con gái khác của bà ấy?”

Khương Nại chặt đứt câu nói của bà ta, cho dù tính cách có bình thản đến đâu thì cũng có một ngày sẽ mọc ra những chiếc gai nhọn sắc bén tự bảo vệ mình.

Yên Vân Đình cuối cùng vẫn luôn thiên vị: “Vưu Ý và con không giống nhau, chặng đường tương lai của con bé đều đã có Vưu gia trải sẵn, tất nhiên cũng sẽ gả vào một nhà quyền quý”.

Khương Nại nghe được lời này trong lòng nghĩ thầm, may mà cô sớm đã không còn chút hi vọng nào đối với Yên Vân Đình. Vết sẹo dù sâu đến đâu thì qua nhiều năm cũng sẽ tự lành lại.

Cô cũng không muốn ở lại tiếp tục dây dưa với bà ta, lau tay xong cô rời nhà bếp tới tạm biệt bà ngoại.

Yên Vân Đình còn chưa phản ứng kịp thì Khương Nại đã đứng ngoài cửa. Trước khi đi, khóe môi cô khẽ nhếch lên trong cầu thang vắng vẻ, giọng nói không hề có cảm xúc: “Bà Yên, nếu như bà không muốn cả giới giải trí này biết được trước khi bà gả vào Vưu gia đã vứt bỏ một đứa con gái thì đừng bao giờ giới thiệu cho tôi La Dập hay Trương Dập nào hết”.

Ngay cả một tiếng ‘mẹ’ cô cũng không gọi, chỉ một câu ‘bà Yên’ suýt nữa khiến cho Yên Vân Đình tức giận đến choáng váng đầu óc.

… …

Khương Nại xuống cầu thang, cô chẳng hề quan tâm cơn mưa phùn lất phất bên ngoài mà đứng im lặng một lúc trong bóng tối.

Cô mở điện thoại lên, tìm ra số điện thoại của Yên Vân Đình trong danh bạ. Trước mắt giống như thấp thoáng một tầng sương mù mờ mịt. Cô hít thở thật từ tốn, chớp nhẹ hai hàng mi.

Đợi đến khi tầm mắt khôi phục được sự trong suốt tỏ tường, ngón tay cô mới nhẹ nhàng vuốt trên màn hình kéo số điện thoại của bà ta vào danh sách đen.

Hơn mười giờ đêm Khương Nại về đến khách sạn. Cô cởi bỏ quần áo ướt ngâm mình trong bồn tắm nửa tiếng mới từ từ đứng dậy.

Cô mặc một chiếc áo choàng tắm, tóc chưa được lau khô thỉnh thoảng vẫn vương vài giọt nước lách tách.

Cô bước đến phòng khách muốn mở một chai rượu vang để uống thì chuông điện thoại reo lên.

Khương Nại nhìn số hiển thị trên màn hình, là một số lạ.

Do dự vài giây cô mới đưa tay vuốt màn hình tiếp nhận cuộc gọi: “Xin chào, ai đó?”

“Nại Nại, là em này”.

Điện thoại truyền đến giọng nói nhỏ nhẹ mềm mại của một cô bé giống như không dám nói lớn tiếng, ngay lập tức báo lai lịch với cô: “Em là cô bé quàng khăn đỏ thích ăn cherry”.

Là em gái của Tạ Lan Thâm.

Khương Nại chậm rãi tựa trên sofa, âm thanh rất nhẹ nhàng đáp: “Ừ”

Tạ Lan Tịch khơi dậy can đảm gọi điện thoại đến, nguyên nhân vô cùng đơn giản.

Cô bé nghe được một tin tức bí mật trong nhóm fan nói Khương Nại đến Tứ Thành. Cô bé đắn đo rối rắm cả một ngày cuối cùng cũng nghĩ ra tiếp đãi Khương Nại như thế nào, vì vậy đã sắp xếp cho cô lịch trình ba ngày tham quan cả thành phố.

Khách sạn cũng được đổi sang nơi khác, thức ăn cũng đã được dặn dò cẩn thận từ trước, tiêu chuẩn cực kỳ cao, dĩ nhiên giá cả cũng chỉ gói gọn trong một chữ: Đắt!

Thực ra Khương Nại cũng không cần thiết lắm nhưng thấy cô bé cẩn thận sắp xếp nên cô cũng không nỡ phụ tấm lòng ấy: “Mấy chuyện này tiêu hết bao nhiêu tiền chị chuyển khoản cho em”.

“Nại Nại chị không cần khách sáo như vậy đâu, chị chơi vui vẻ mới là quan trọng nhất. Chị nhất định phải đi đấy, em cúp đây”.

Tạ Lan Tịch sợ cô kiên trì cứ muốn trả tiền cho cô bé nên không nói thêm mấy câu nữa đã vội vàng cúp điện thoại.

Khương Nại ôm điện thoại, một lát sau mới lắc đầu cười.

Tạ Lan Tịch ra tay lần này khiến cô phải kéo dài lịch trình, xin nghỉ thêm mấy ngày nữa.

Cô gọi điện báo trước cho Tần Thư Nhiễm mà bên kia Tần Thư Nhiễm lại rất dễ nói chuyện: “Em cứ chơi khuây khỏa mấy ngày đi”.

Khương Nại thấy vậy cũng chỉ đành ở lại Tứ Thành mấy ngày đi dạo.

Đến đêm thứ ba cô đẩy hành lý, đổi đến ở một homestay cao cấp có không gian rất riêng tư. Khắp khu vườn đều là cây xương rồng bà, thiết kế căn nhà tinh tế thoải mái. Chỉ có điều mỗi căn phòng trong sân đều là màu hồng, giống như tòa thành của công chúa trong giấc mơ.

Khương Nại chọn căn phòng bên trái của tầng hai, bên trong bố trí rất sạch sẽ ngăn nắp, còn có ban công rộng lớn có thể ngắm được cảnh đêm.

9 giờ tối, không khí Tứ Thành lại lất phất những hạt mưa li ti.

Khương Nại không ngờ đã xa cách hơn nửa tháng, vào đúng lúc này cô nhìn thấy Tạ Lan Thâm.

Mảnh rèm trắng trên ban công bị gió thổi không ngừng đu đưa. Cô tắm xong, tiếng bước chân cực nhẹ đi qua đó muốn kéo rèm lại, tầm mắt vô tình quét qua một đường liền nhìn thấy vầng sáng ấm áp ở giữa sân, có một người đàn ông cao lớn đứng đó.

Những hạt mưa lăn tăn va trên vai, anh ngẩng đầu lên, đường nét khuôn mặt vô cùng rõ ràng giống như hình cắt ra từ một bộ phim điện ảnh. Toàn thân anh mang theo mưa gió xuất hiện giữa mảnh sân ngập màu hồng mà thấy rõ chẳng hề phù hợp với anh.

Khóe mắt Khương Nại nóng lên, không kiềm chế được.

Đã sắp hai mươi ngày không gặp, chiếc gối của cô đã giấu đầy những giấc mơ về anh.

Mọi chuyện trong mơ đều có liên quan đến anh.

Thân hình mảnh mai đứng trên ban công muốn lên tiếng. Khóe môi vừa động thì đúng lúc cô thấy Tạ Lan Thâm đang nhìn mình, ánh nhìn giống hệt như lúc cô kiên định chọn lựa muốn ở bên anh.

Đôi mắt đen sâu thẳm của Tạ Lan Thâm cuồn cuộn ý cười, từng bước đi về phía cô.

Trước giờ vẫn chưa hề dừng lại.

——-

Truyện được cập nhật nhanh trên https://diemsaccung09092002.wordpress.com


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận