Phía ngoài vẫn là tiếng mưa to gió lớn không ngừng, nhưng bên trong, than lửa đã sưởi ấm toàn bộ căn nhà, một phòng xuân ý dào dạt.
Tôi lẳng lặng nằm trong ngực Tiêu Kỳ, không nhúc nhích, tóc dài lượn lờ trước ngực chàng, mấy sợi tóc bị mồ hôi thấm ướt dán trên lồng ngực trần của chàng, đan vào những vết sẹo nông sâu ngang dọc ở đó. Trên người chàng có rất nhiều vết sẹo, thậm chí có một vết sẹo ngang vai cơ hồ như xuyên qua cả tấm lưng… Mặc dù miệng vết thương đã sớm khép, chỉ chừa lại dấu vết nhàn nhạt, nhưng không khỏi khiến người nhìn thấy giật mình. Cuộc sống mười năm chinh chiến trên lưng ngựa của chàng rốt cuộc đã phải trải qua bao nhiêu lần sinh tử chết chóc, đạp trên hài cốt bao nhiêu người mới có thể bước ra từ trong biển máu, từng bước đi tới ngày hôm nay?… Tôi không dám nghĩ mười năm như vậy chỉ có một mình chàng trải qua.
Sau khi ân ái, chàng ôm lấy tôi nhắm mắt nằm, tựa hồ rơi vào giấc ngủ say vô cùng yên tĩnh. Gương mặt như tạc kia vẫn lạnh lùng, khóe môi mím chặt, trường kiếm ra khỏi vỏ còn ở bên tay, mỗi khi có gió thổi qua, chàng liền lập tức dựng kiếm lên, không có lấy nửa khắc thanh nhàn thư giãn. Tôi ngắm nhìn gương mặt bình yên của chàng lúc ngủ thật lâu, trong lòng có chút đau đớn xen lẫn vị chua ngọt ngào.
Tôi vươn tay, dùng đầu ngón tay vuốt nhẹ lên vết nhăn trên lông mày chàng. Chàng nhắm hai mắt, không nhúc nhích, khóe môi nhếch lên hơi thả lỏng, vẽ ra nụ cười nhạt. Tôi khẽ nâng người dậy, kéo ngoại bào qua phủ lấy thân thể trần truồng. Chàng bỗng nhiên ôm lấy eo tôi, tung mình áp tôi dưới thân thể.
Một tiếng kêu giận dỗi của tôi còn chưa ra khỏi miệng đã đọng lại ở mép, chỉ thấy ánh sáng trong mắt Tiêu Kỳ chớp động, sắc mặt chàng ngưng trọng, ấn kiếm quỳ gối thẳng, che chở tôi dưới thân thể chàng. Tôi nín thở không dám nhúc nhích, rõ ràng không nghe thấy bất kỳ động tĩnh gì, lại mơ hồ phát hiện có cái gì đó đang tới gần… Ánh mắt Tiêu Kỳ biến hóa, bỗng nhiên cổ tay xoay mũi kiếm, trường kiếm sáng như tuyết phát ra tiếng rồng gầm, vang vọng trong màn đêm yên tĩnh.
Ngoài phòng chợt có tiếng kiếm rít đáp lại, có giọng nói nam tử vọng vào, “Thuộc hạ tới chậm, khiến chủ thượng chấn kinh, tội đáng muôn chết!”.
Gánh nặng trong lòng tôi bỗng chốc được cởi bỏ, chợt xấu hổ, bận rộn choàng áo bào đứng dậy, giúp Tiêu Kỳ sửa sang lại y phục, búi tóc.
Tiêu Kỳ tra lại kiếm vào vỏ, nhạt nhạt cười, nói, “Rất tốt, hành động của ngươi càng lúc càng thêm mau lẹ”.
“Thuộc hạ không dám nhận”. Người đó cung kính trả lời, dừng bước bên ngoài, không tới gần nữa, giọng nói kia nghe như đã từng quen biết.
“Thích khách lúc này đã đi về hướng nào?”, giọng nói Tiêu Kỳ lạnh lùng uy nghiêm.
“Thích khách chạm mặt thuộc hạ ở Đông Giao, bảy tên chết, chín tên bị thương, còn lại mười hai người tháo chạy ra ngoài thành. Đường Cạnh tướng quân đã dẫn người truy kích, Tống tướng quân cũng phong tỏa toàn thành để lùng bắt, thuộc hạ không dám chậm trễ, lập tức tới tiếp ứng chủ thượng”. Giọng nói của người đó lành lạnh, khẩu âm đậm vùng quan ngoại… Quan ngoại, lòng tôi chợt động.
Tiêu Kỳ mở cửa phòng, gió lạnh và mưa xối thẳng vào, tôi lạnh đến run lên, lại nhìn thấy bên ngoài cửa, một người toàn thân áo giáp cúi đầu đứng vững vàng trong mưa, phía sau là hơn mười kỵ binh đứng cách hắn hơn mấy trượng, tay cầm đuốc thông, tuy ở trong mưa gió nhưng thân vẫn như sắt đá, không hề nhúc nhích. Những cây đuốc thấm nước mưa chập chờn trong gió, tỏa ra khói đen đậm, vẫn không tắt.
Thân ảnh Tiêu Kỳ khoanh tay cầm kiếm được ánh lửa chiếu vào toát ra một vẻ thờ ơ đầy kiêu ngạo.
Một thị vệ kính cẩn giương ô, Tiêu Kỳ nhận lấy, mỉm cười xoay người lại, vươn tay ra phía tôi.
Tôi vén tóc mai, chậm rãi chạy tới bên cạnh, đưa tay đặt vào trong lòng bàn tay chàng, cùng chàng rảo bước dưới mưa gió. Mưa tuôn rơi quật trên chiếc ô, gió lạnh thổi tóc tung bay, bờ vai chàng ngăn làn mưa lạnh lẽo, thân thể truyền hơi ấm tới tôi.
Chúng tôi đi ra vùng đất trống ngoài căn nhà, hơn mười kỵ sĩ cùng nhau tung mình xuống ngựa, quỳ một chân trên đất, hướng về phía Tiêu Kỳ mà cúi đầu. Áo giáp lạnh như băng mang theo âm thanh rào rào đều nhịp kinh tâm động phách.
Mặc Giao và Kinh Vân quả nhiên ở phía sau đám thị vệ, thấy chúng tôi thì hết sức vui mừng.
Tôi nghiêng đầu sang trái nhìn về phía vị tướng quân khôi ngô mặc áo giáp kia, rốt cuộc thấy được rõ diện mạo của hắn. Hắn cũng khẽ cong mắt nhìn về phía tôi, tôi quay đi, hiểu ý cười một tiếng – quả nhiên là hắn, đại hán áo xám tiếp ứng tôi ở dịch trạm.
Trong phủ chỉ có Ngọc Tú và Lư phu nhân nắm rõ hành tung của chúng tôi.
Trở lại Vương phủ, Tiêu Kỳ hạ lệnh nhốt toàn bộ người ở biết chuyện này, bao gồm cả tỳ nữ và người đánh xe, đem hạ ngục thẩm vấn.
Lúc thị vệ đi tới bắt Ngọc Tú, nàng không nói tiếng nào, không kêu khóc, quật cường cắn môi, để mặc cho thị vệ đưa đi. Đi gần đến cửa, nàng đột nhiên quay đầu lại nhìn tôi, thân thể nhỏ gầy bị thị vệ kéo đi nghiêng ngả, nhưng đôi con ngươi lại vô cùng kiên định.
“Ngọc Tú không phản bội Vương phi”. Nàng nhẹ nhàng nói một câu rồi bị thị vệ kéo ra ngoài.
Tôi mím môi bình tĩnh nhìn nàng, nhìn nàng càng ngày càng xa, cuối cùng thốt lên, “Dừng tay!”.
Hai thị vệ xoay người dừng lại, Ngọc Tú ngã xuống đất, cắn môi nhìn tôi, ánh mắt đầy nỗi đau khổ. Tôi hiểu được ánh mắt ấy, đó là nỗi đau khổ khi bị chính người mình kính ngưỡng tín nhiệm vứt bỏ, là nỗi khổ mà tôi từng trải qua. Vào giờ khắc này, nhìn cô bé nhỏ nhắn quật cường ấy, trong lòng tôi vô cùng cảm động. Không có bất kỳ nguyên do nào, chỉ là tôi tin nàng.
“Không phải là Ngọc Tú”, tôi nhìn sang thị vệ, lạnh nhạt nói, “Thả nàng”.
Ngọc Tú đột nhiên ngẩng đầu nhìn tôi, trong mắt chứa đầy nước mắt. Hai thị vệ đưa mắt nhìn nhau, có chút chần chừ.
Tôi chậm rãi bước tới, vươn tay về phía Ngọc Tú, tự mình đỡ nàng từ trên mặt đất dậy. Thị vệ nhìn nhau lúng túng, phải khom người lui ra, Ngọc Tú lúc này mới bật khóc thành tiếng, vừa lau nước mắt vừa quỳ gối phía trước tôi tạ ơn.
Tôi giữ nàng lại, vỗ nhẹ đầu vai nàng, dịu giọng nói, “Ngọc Tú, ta tin ngươi”.
Nàng khóc đến mức một câu cũng không nói ra lời. Đám thị nữ phía sau cúi đầu đứng yên, vành mắt đều đỏ lên, vẻ thổn thức.
Giữa đêm, trượng phu của Lư thị, Phùng tham quân tự vẫn tại nhà. Lư thị không chống được sự tra khảo trong ngục, rốt cuộc nhận tội, là nàng nói hành tung của Tiêu Kỳ cho Phùng tham quân. Nàng chưa từng ngờ tới, trượng phu của mình bị người khác ép buộc làm nội ứng cho kẻ chủ mưu trong đám thích khách kia.
Thích khách trốn tới quan đạo ở Đông Giao thì bị người của Đường Cạnh vây kín, giữ được ba tên còn sống, còn lại bại trận mà chết.
Tống Hoài n kịp thời phong tỏa toàn bộ thành Ninh Sóc, nghiêm mật lùng bắt, cuối cùng bắt được một văn sĩ trung niên trà trộn trong đám thương nhân ở thành nam.
Người này chính là Phó Sứ giám quân theo Từ Thụ đi Ninh Sóc, Binh bộ Tả Thị lang, Đỗ Minh.
Cái tên này cũng không xa lạ gì. Người này tuổi đã hơn ba mươi, dung mạo xấu xí, xuất thân vọng tộc phương bắc, không những có tài văn chương mà tài cưỡi ngựa bắn cung hay võ nghệ cũng rất cao, là môn đồ đắc ý của Hữu tướng Ôn Tông Thận. Người có tài như vậy lại bởi vì tính tình cổ quái không hợp giai cấp quyền quý mà trở thành đề tài hài hước cho mọi người.
Danh sĩ đương thời yêu thích nuôi ngựa khỏe, lừa hiền, hạc tiên, danh khuyển*, duy chỉ có người này yêu trâu, trong nhà nuôi hơn mười con trâu cày, lại thường so sánh mọi thứ với trâu, tự gọi mình “trâu điên”, tính tình bướng bỉnh như trâu già. Rất nhiều quan viên chỉ mắc lỗi nhỏ cũng bị hắn tố cáo, ngay cả phụ thân bao năm nay cũng nhiều lần bị hắn ra mặt chống đối, nhưng phụ thân nể mặt Hữu tướng nên không động tới.
*Danh khuyển: loài chó có tiếng tăm, thường hiếm có.
Tôi vẫn nhớ mang máng Đỗ Thị lang sắc mặt đen, áo bào rộng tay dài, lúc nào cũng mang bộ dạng nổi giận đùng đùng kia, nhưng không lường trước được hắn chính là người được Hữu tướng chọn đào tạo ám vệ để hành thích trọng thần trong triều.
Ám vệ tồn tại một cách thần bí, tôi biết trong số thủ hạ của thúc phụ cũng có một nhóm ám vệ thề chết phục vụ họ Vương, không ai biết bọn họ là ai, ẩn núp ở đâu, nhưng chỉ cần ra lệnh một tiếng, bọn họ liền lập tức xuất hiện, làm những việc chủ nhân sai khiến.
Đỗ Thị lang chính trực phóng khoáng lại là thủ lĩnh ám vệ, phụ thân thanh danh cao vọng lại giả mạo thánh chỉ phạm thượng, Dự Chương Vương anh hùng cái thế ngang nhiên làm khó dễ cho triều đình,… Trung nghĩa cũng thế, gian nịnh cũng thế, lần đầu tiên tôi biết được trên cõi đời này không có trung hay gian tuyệt đối. Chung quy chỉ là một câu “Thắng làm vua thua làm giặc” – mỗi người đều có máu thịt tay chân như nhau, có tư tâm tham vọng như nhau, đến khi đầu kề dưới đao thì sinh mệnh cũng yếu ớt như nhau cả.
Thí dụ như lúc này, đầu của Đỗ Minh đang treo trên tường thành Ninh Sóc.
Ở trong triều hắn hùng biện thao thao bất tuyệt, chỉ huy ám vệ đến rồi đi không thấy thân ảnh, cả đời trung dũng, lấy cái chết báo ân trọng dụng của Hữu tướng. Song một ngày kia, khi đầu hắn rơi xuống dưới lưỡi đao, cũng chỉ là máu tươi tưới ba thước mà thôi.
Tiêu Kỳ để Tống Hoài n chiêu an Đỗ Minh nhưng không thành, không nói thêm lời nào nữa, quả quyết hạ lệnh mang ra chém đầu – người có thể dùng thì nặng ân lưu lại, kẻ không có tác dụng thì chỉ có con đường chết. Nếu đổi lại là phụ thân thì có lẽ sẽ giữ người tài lại, nhưng Tiêu Kỳ không như vậy, chàng là quyền thần nhiều mưu lược, cũng là Đại tướng nắm quyền sinh quyền sát trong tay mà dân gian thường nói tới, ắt sẽ khác.
Mật hàm thứ hai của phụ thân không bao lâu thì tới.
Trong kinh lại có biến cố, vây cánh của Hữu tướng chưa trừ khử sạch, dự định vào ngày hành hình sẽ đi cướp phạm nhân, muốn cứu Ôn Tông Thận, may mắn bọn chúng bị Ngự Lâm quân trong tay thúc phụ đánh lui, có điều thúc phụ phụng chỉ giám trảm cũng bị thích khách gây thương tích. Sau đó Ôn Tông Thận bị giải vào thiên lao. Chỉ vì hắn sống lại mà cô cô đích thân vào trong lao, ban rượu độc.
Mưa gió trong kinh biến hóa khôn lường, đã tới thế nước sôi lửa bỏng. Kiển Trữ Vương ở Giang Nam giương kiếm sẵn sàng từ lâu, đại quân tiên phong đã lặng lẽ nhổ trại; đúng vào lúc này, vây cánh Hữu tướng phái người âm thầm hành thích Dự Chương Vương – tất cả những điều này là lý do tốt nhất để Tiêu Kỳ xuất binh xuôi nam. Quân Ninh Sóc chăm chỉ thao luyện, quân uy nghiêm chỉnh, lương thảo cũng chuẩn bị đầy đủ. Tiêu Kỳ lưu lại hai mươi lăm vạn quân đóng giữ tại biên ải, đích thân dẫn mười lăm vạn quân, ba ngày sau tiến thẳng về phía kinh thành.
Tôi cùng Tiêu Kỳ lên tường thành, kiểm duyệt tam quân thao diễn.
Đây không phải là lần đầu tiên tôi tận mắt thấy được quân đội của chàng, song, khi tam quân giơ kích*, đồng thanh hô vang, vó ngựa đạp bụi cuồn cuộn tung bay tới tận chân trời, cảnh tượng như chớp đánh sấm rền… tôi một lần nữa bị rung động, giống như ba năm trước trên Triêu Dương môn.
*Kích: một loại vũ khí thời cổ.
Tôi nhìn lại Tiêu Kỳ, thấy chiến bào đen thêu rồng vàng được ánh trời chiều nhuộm sáng chói mắt.
Tiêu Kỳ giờ này khắc này đã đủ vây cánh.
Bầu trời Sóc mạc ở Ninh Sóc tuy bát ngát nhưng chỉ e là đã không còn dung nạp được sức mạnh, hùng tâm vạn trượng của chàng.
Đêm xuống, tôi bảo Ngọc Tú chuẩn bị hành trang để theo đại quân xuôi nam.
Ngọc Tú lần đầu rời khỏi Ninh Sóc lại là theo quân xuất chinh, không tránh khỏi hồi hộp lo lắng.
Tôi thấy nàng chuẩn bị rất nhiều quần áo dày cộm, cười nói, “Càng đi xuống phía nam càng ấm áp, đến kinh thành rồi sẽ không mặc được đồ dày nữa, những thứ này không cần đem theo”.
Lại nghe thấy tiếng cười nhàn nhạt của Tiêu Kỳ vọng tới từ phía sau: “Phải mang theo hết”.
Chàng tiến vào trong phòng, áo giáp chưa cởi. Nhóm thị tỳ vội vàng khom người lui ra.
Tôi cười dài nhìn chàng, “Chàng nói như vậy không đúng rồi, lúc này ở kinh thành mọi người đều đã mặc áo sa mỏng phiêu dật như múa, đâu có ai mặc áo dày cộm như thế nữa”.
Tiêu Kỳ không nói gì, chỉ nhìn tôi chằm chằm, ánh mắt ấy khiến tôi có chút bất an.
Tôi liền bước tới giúp chàng cởi áo giáp, cười chế giễu nói, “Về phủ rồi cũng không thay thường phục, toàn thân lạnh như băng thế này rất thoải mái sao?”.
“Nàng đang nhớ nhà”, chàng cầm tay tôi, ánh mắt rất sâu, “Nàng rất muốn quay trở về kinh thành, phải không?”.
Tôi nghẹn họng, im lặng quay đầu đi chỗ khác, trong lòng quả thực không muốn ý định của mình bị chàng một câu nói toạc ra như vậy, nhất thời có chút buồn bã, chỉ đành miễn cưỡng cười, “Dù sao cũng phải trở về đây, ta còn lưu luyến Ninh Sóc”.
Chàng đưa tay vén tóc mai cho tôi, nơi đáy mắt có vẻ áy náy xẹt qua, “Đợi sau khi trận chiến này tạm bình định, ta sẽ đón nàng về kinh, sẽ không để nàng phải đợi quá lâu”.
Tôi ngơ ngẩn, lùi lại phía sau một bước, bình tĩnh nhìn chàng, “Chàng không để ta đi cùng chàng?”.
“Lần này không thể”. Chàng lấy từ trong tay áo ra một bức thư, đưa tới trước mắt tôi, “Thư của Tả tướng, giờ nàng có thể đọc rồi”.
Là phong thư phụ thân gửi kia, hôm qua chàng không chịu để tôi đọc, muốn tôi sau khi đi chơi về mới đọc.
Tôi nhất thời hoảng hốt, trong lòng cảm thấy hoang mang, nhận lấy phong thư mà không có dũng khí mở ra.
Khi vừa mới biết tin chàng sẽ nam chinh, tôi không do dự chút nào, cũng không lo sợ chiến sự hung hiểm, chỉ cảm thấy được cùng chàng tiến thoái là chuyện đương nhiên. Huống chi kinh thành còn có cha mẹ, người thân, bọn họ đang ở trong cái nhìn thèm thuồng của Kiển Trữ Vương, gặp nguy nan khốn đốn, tôi là nữ nhi dòng họ Vương, nhất định phải cùng sống chết với gia tộc, hoạn nạn cùng chia, tuyệt đối không lùi bước.
“Ta muốn trở về kinh”, tôi lạnh lùng ngước mắt, nhìn thẳng vào mắt Tiêu Kỳ, “Chàng đừng mơ bắt ta ở lại nơi này một mình”.
Chàng nhìn lại tôi, chậm rãi nói, “Sáng sớm ngày mai, nàng lên đường đi Lang Gia”.
“Lang Gia?”, tôi ngỡ mình nghe lầm, chàng nói tới Lang Gia, đó chẳng phải là quê cũ của dòng họ Vương sao?
“Trưởng Công chúa đã tới Lang Gia trước rồi”, Tiêu Kỳ nhẹ đặt tay lên vai tôi, “Nàng nên tới đó cùng mẫu thân”.
Vào lúc này, mẫu thân lại về Lang Gia? Tin tức bất ngờ này khiến tôi ngây người, mơ hồ nghĩ tới điều gì đó, trong lòng lo sợ không yên… bỗng nhiên cảm thấy phong thư trong tay đáng giá ngàn vàng.
Mở ra là thấy nét chữ văn phong quen thuộc, sau khi lướt nhanh qua, tôi nhất thời lo lắng không yên, tờ giấy trắng trên tay rớt xuống.
Tiêu Kỳ không nói lời nào, vẫn giữ lấy vai tôi, yên lặng nhìn.
Trong thư, phụ thân nói mẫu thân mắc bệnh nhẹ, phải rời kinh nghỉ ngơi, đã mang theo Từ cô cô tới Lang Gia. Lần này đi đường xá xa xôi, mẫu thân chỉ có một thân một mình, nóng lòng nhớ con, phụ thân muốn tôi tới thăm người.
Tôi che mặt, trong lòng tê dại, rồi bỗng nhiên hiểu ra.
Mẫu thân, đáng thương mẫu thân, lúc này nơi nơi giương cung bạt kiếm, vậy mà không ai nghĩ tới tình cảnh của người, ngay cả tôi cũng cơ hồ không được để tâm. Cũng đúng, đâu có ai sẽ để ý tới một phụ nhân chốn khuê phòng, tên nàng cơ hồ đã bị lãng quên, chỉ còn lại tôn hiệu Trưởng Công chúa, hoặc là thân phận Tả tướng Tĩnh Quốc Công phu nhân.
Thiên tử yếu ớt bị giam lỏng trong cung kia chẳng những là Hoàng thượng mà còn là huynh trưởng của nàng, bị gia đình nhà chồng của nàng chiếm đoạt mất quyền thế và tôn nghiêm hoàng thất – gia tộc mà nàng vẫn lấy làm kiêu ngạo. Nàng là Tấn Mẫn Trưởng Công chúa, muội muội duy nhất của đương kim thánh thượng, trên người chảy xuôi dòng máu hoàng thất cao quý… Tôi không tin mẫu thân sẽ lựa chọn trốn tránh vào thời điểm này, mặc dù người mềm yếu thiện lương nhưng không phải kẻ hèn yếu.
Lần này mẫu thân đi Lang Gia ắt hẳn là bị bắt ép – là phụ thân ép mẫu thân phải đi, không muốn người phải tận mắt chứng kiến phu gia và thân tộc đối địch.
Tôi nên nói phụ thân nhân hậu hay là tàn nhẫn đây?
Nghĩ tới lời phụ thân rằng mẫu thân mắc bệnh nhẹ, nóng lòng nhớ con, tôi không kìm được sự đau khổ trong lòng, xoay người dựa vào ngực Tiêu Kỳ, lệ rơi đầy mặt.
Tôi còn có Tiêu Kỳ ở bên, nhưng mẫu thân thì không có lấy một người thân ở bên cạnh, chỉ có một Từ cô cô làm bạn.
Tiêu Kỳ nhẹ nhàng vỗ về sau lưng tôi, cũng không ngăn tôi, để mặc tôi vùi đầu trước ngực chàng mà khóc, lệ thấm ướt cả vạt áo.
Một lúc lâu sau, chàng khẽ thở dài nói, “Kiên cường lên nào, lúc gặp mẫu thân nàng không được khóc thế này”.
Tôi nghèn nghẹn gật đầu. Chàng nâng mặt tôi lên, không an ủi như ngày thường mà cầm lấy hai vai tôi, giọng kiên định nói, “Ở đây có ta làm chỗ dựa, nhưng đến Lang Gia rồi nàng sẽ là chỗ dựa của người khác”.
“Ừ, ta hiểu được”, tôi cố nén lệ, cắn môi ngẩng đầu lên, “Ngày mai ta sẽ lên đường”.
Bốn mắt nhìn nhau, nhất thời không nói gì, sự kiên quyết nơi đáy mắt Tiêu Kỳ đã tan dần, thay vào đó là vài phần bất đắc dĩ và quyến luyến.
Hôm qua chàng không chịu để tôi đọc thư, tạm bỏ công vụ bận rộn, cải trang đưa tôi ra khỏi thành thăm thú, để tôi được sống một ngày ngắn nhất ở Ninh Sóc… Thật ra đó cũng là ngày khó quên nhất tôi được sống kể từ khi chào đời tới giờ.
Bởi vì chàng biết, ngày mai sẽ là biệt ly, chàng lại không muốn tôi buồn bã nhiều.
Ly biệt, lại là ly biệt – lúc Tử Đạm đi hoàng lăng, tôi từng cho là cuộc sống của mình hoàn toàn mất đi ánh sáng, thậm chí không dám đích thân đi tiễn huynh ấy; còn lần này ly biệt, tôi đã thầm nói với bản thân mình, ly biệt là để đoàn tụ với chàng, giống như lần đó chàng rời đi vào ngày cưới, đổi lại lúc này hận rằng gặp nhau quá muộn.
Nến sáng nóng rực, đêm đã về khuya, nhưng tôi vẫn muốn nói với chàng nhiều thêm vài câu, nhìn chàng nhiều thêm một chút. Chàng lại nhất quyết ôm tôi lên giường, vội vã bắt tôi ngủ ngay. Tôi nhắm mắt lại, lại giữ chặt ống tay áo chàng, không chịu buông ra.
“Ta sẽ trở lại ngay”, chàng sủng nịnh khẽ hôn lên trán tôi, giọng nói mang vẻ bất đắc dĩ, “Hoài n còn đang chờ ở sảnh tây, ta đuổi bọn họ đi rồi sẽ quay lại, nàng ngoan một chút, ngủ trước đi”.
Tôi chưa đáp vội, tay lặng lẽ đưa tay lên nắm cổ áo chàng, ngước mắt liếc xéo chàng, “Không có gánh nặng là ta đây, chàng thực thoải mái phải không?”.
Môi chàng vẫn chưa dời khỏi trán tôi, chàng cúi đầu cười, nói đùa, “Chua ngoa như nàng, ra trận làm tiên phong cũng được ấy chứ, sao có thể coi là gánh nặng được?”.
Tôi cáu giận, gắng sức nhéo một cái thật mạnh trước ngực chàng. Chàng nhanh tay bắt được tay tôi, hung hăng hôn môi.
Nằm trên giường, nhớ lại khi nãy chàng thở dồn dập, ý loạn tình mê, bộ dạng kiềm chế chật vật, tôi bất giác cúi đầu cười thành tiếng. Chàng khó khăn đứng dậy, trước khi vội vã rời đi còn não nề nói bên tai tôi, “Yêu tinh này, lát nữa trở về ta sẽ trừng trị nàng!”.
Hai gò má tôi lập tức nóng lên, không khỏi hồi tưởng lại chuyện tối qua, má càng nóng như lửa đốt. Trong một đêm, tôi từ thiếu nữ thay đổi thành phụ nhân một cách kỳ diệu, nhìn thì có vẻ như không có gì khác, nhưng lại có vẻ như cái gì cũng đã khác.
Trằn trọc trên gối, làm sao cũng không ngủ được, tôi nhấc mình đứng dậy, thấy tấm ngoại bào trên kệ còn chưa thêu xong, bất giác thở dài. Từ nhỏ tôi đã không chăm chỉ học nữ công, những thứ thêu thùa mất thời gian đó không tới lượt tôi làm. Bị mẫu thân bắt ép, tôi chỉ qua loa cho xong. Hôm đó lại không biết vì sao nghe lời Ngọc Tú cầm kim may vá… Tuy hơn phân nửa là Ngọc Tú làm, chỉ còn hoa văn là để tôi thêu, nhưng hoa văn hình rồng phiền phức như vậy, không biết bao lâu nữa tôi mới thêu xong.
Tôi lấy chiếc áo bào mới thêu được một nửa ra, ngơ ngác nhìn một hồi lâu, lại choàng y phục vào, thắp nến sáng lên, xâu chỉ ngồi thêu.
Bất tri bất giác đã qua canh tư. Tiêu Kỳ còn chưa trở lại, tôi bắt đầu có chút mệt mỏi, nghĩ nghỉ ngơi một lát rồi sẽ thêu tiếp…
Dưới ánh trăng mờ, tựa hồ như có ai đó muốn lấy chiếc áo bào đi, tôi bàng hoàng tỉnh dậy, nhìn thấy Tiêu Kỳ.
Chàng thấy tôi tỉnh lại liền túm lấy chiếc áo bào, chưa thèm nhìn một cái nào đã vứt đi, vẻ mặt giận giữ, “Nàng không nghỉ ngơi lại ngồi đây làm gì?”.
Tôi ngẩn ngơ nhìn chiếc áo bào bị ném xuống đất, trên đó còn một con rồng chưa thêu xong, nhất thời giận dữ, “Nhặt lên!”.
Tôi chỉ vào chiếc áo choàng, cả giận nói, “Đồ ta thêu cả đêm, chàng nếu dám ném xuống đất thì sau này đừng mơ ta sẽ làm tiếp cho chàng!”.
“Làm cho ta…”, Tiêu Kỳ sửng sốt, vội khom người nhặt lại, mở ra xem, bỗng nhiên giật mình không nói nên lời. Tôi bị bộ dạng ngây ngô của chàng chọc cười, tiện tay ném chiếc gối thêu về phía chàng, sẵng giọng, “Dù sao chàng cũng không cần, ta không làm”.
Chàng chỉ cười, sau khi tỉ mỉ gấp lại chiếc áo, nhặt chiếc gối đặt lên bàn mới nghiêm mặt nói, “Không làm tiếp cũng được, ta cứ như vậy mặc, rồi ai cũng thích thú đến xem A Vũ nhà ta thêu rồng ba chân”.
Tôi không biết nên khóc hay nên cười, giơ tay muốn đánh chàng, lại bị chàng vui vẻ ôm lấy đặt trên đùi… Ánh trăng lưỡi câu mờ ảo, tấm rèm sa mỏng manh như khói sương lay động.
Bên ngoài, ánh bình minh đã chiếu sáng bầu không trung.
Mặt trời vừa lên, tôi tự tay giúp Tiêu Kỳ sửa sang lại búi tóc. Vóc người chàng quá cao, tôi phải kiễng chân mới có thể giúp chàng buộc lại kim quan. Chàng ôm lấy eo tôi, dịu dàng cười nói, “Lúc cưới nàng vẫn nghĩ rằng là đứa bé…”.
Tôi ngẩn ra, vành mắt bất giác nóng lên, bùi ngùi nói, “Đảo mắt ba năm, cô bé đó đã trưởng thành”.
“Lần này ta sẽ không để nàng đợi quá lâu”, chàng ôm tôi thật chặt, “Một đường sinh tử bên vách núi ta và nàng đã cùng nhau tới, sau này là họa là phúc, là sống là chết, chúng ta cùng nhau gánh vác… A Vũ, ta muốn nàng ghi nhớ, ngày đó là như thế, cả cuộc đời này cũng thế”.
Bốn mắt nhìn nhau, ánh mắt chàng phảng phất như có thể chất chứa buồn vui cả đời tôi.
Tôi cười, gắng sức gật đầu, nói không nên lời, cố nén nước mắt, không để cho bản thân rơi lệ.
Ngày đó như thế, cả cuộc đời này cũng thế – từng câu từng chữ này khắc vào đáy lòng, không thể xóa mờ.
Tiêu Kỳ sai Phó tướng thân tín Tống Hoài n hộ tống tôi lên đường.
Tôi đi ra khỏi cửa phủ, không dừng chân quay đầu lại, cũng không để Tiêu Kỳ tiễn mình.
Bước lên xe ngựa, đội cận vệ dẫn đường, vó ngựa đạp nhanh như bay, mọi cảnh vật phía sau như đồng loạt trôi mất.
Tới lúc này tôi mới quay đầu nhìn lại, nước mắt lã chã rơi xuống.
Ngày đó tới Ninh Sóc là thân bất do kỷ, mà nay rời đi cũng gấp gáp bất đắc dĩ.
Lúc tới, tôi cô độc, chưa biết sống chết, hiện giờ rời đi không còn buồn bã cô độc như vậy nữa.
Thoáng qua ba năm, vận mệnh lên lên xuống xuống, đi một vòng lớn như vậy, cuối cùng tôi vẫn tới phương chàng.
Chàng ở nơi này, tôi cũng vẫn còn ở nơi này, chưa từng rời nhau, cũng sẽ không bao giờ bỏ lỡ.
Phần thứ hai: Cung đình kinh biến