Ta là Ngọc Tử Hành, ba tuổi mồ côi mẹ, năm tuổi mất cha, sáu tuổi tổ mẫu cũng qua đời, đúng là phượng hoàng trong loài người!
À không, phải là sao chổi chiếu mệnh thì đúng hơn!
Bá phụ liều mình nuôi ta đến năm mười ba tuổi, kết quả là, vừa mới bàn chuyện kết thân với trưởng nam của Đường phủ phía Nam thì hắn ta sốt cao mà chết.
Bàn chuyện với thế tử Trần hầu Tây Kinh thì hắn ta lại ngã ngựa mà mất…
Những chuyện này khiến cả Đại Yến nghe đến tên ta là kinh hãi.
Cho nên mới có câu nói ở Đại Yến rằng có hai vị họ Ngọc có thể dỗ trẻ con khóc đêm: Một là Ngọc tướng quân đến đánh đòn ngươi. Hai là Ngọc Tử Hành muốn làm vợ ngươi.
À, Ngọc tướng quân chính là bá phụ ta, cho nên có thể nói là Ngọc gia chúng ta rất có tiếng tăm trong việc dạy dỗ trẻ nhỏ.
Đương nhiên, thuộc hạ của bá phụ ta nhiều vô số kể, biết bao người đã cùng ông vào sinh ra tử, cũng không phải không có người bằng lòng hy sinh con trai mình để thỏa mãn nguyện vọng gả ta đi của bá phụ.
Nhưng họ đều là những người đã từng bế ẵm, mua kẹo cho ta khi ta còn bé, ta không nỡ để họ mất con khi tuổi đã xế chiều, nên đã từ chối từng người một.
Ta vẫn luôn nghĩ chắc mình không gả đi được, nên năm mười tám tuổi đã tự mình đến Ngọc Hoa Quan tìm đạo trưởng, hỏi xem có cách nào để xuất gia làm đạo cô không.
Ai ngờ, ta lại gặp Thái hậu ở đó.
Thái hậu cùng ta uống trà, bàn luận về việc tu sửa Ngọc Hoa Quan, rồi ban thưởng cho ta một chiếc vòng.
Sau đó, một đạo thánh chỉ ban xuống, ta bỗng chốc trở thành Ngọc Chiêu Nghi trong hậu cung.
Chiêu nghi, đứng đầu Cửu tần, không phải hạng cung nữ vô danh tiểu tốt, sau khi c.h.ế.t là phải được đưa vào hoàng lăng hợp táng với hoàng đế – nói cách khác, đến c.h.ế.t cũng phải quấy rầy mồ mả tổ tiên nhà người ta.
Thế nên, hoàng đế có phải con ruột của Thái hậu không nhỉ?
Ta rất nghi ngờ điều này.
Mong ngóng, mong ngóng, cuối cùng Ngọc Tử Hành ta cũng sắp gả đi rồi!
Các di nương trong hậu viện của bá phụ vui mừng khôn xiết, hòa thuận với nhau một cách lạ thường, ai ai cũng trang điểm lộng lẫy đến tặng lễ cho ta.
Họ không tiếc lời khen ngợi, nhìn làn da bánh mật của ta mà khen “da trắng như mỡ đông”, nhìn thân hình tròn trịa của ta mà khen “tròn đầy viên mãn”, nhìn mái tóc xoăn tít của ta mà khen “tóc đen như thác đổ”.
Khi các di nương dùng đủ mọi thủ đoạn mà họ từng áp dụng với bá phụ lên người ta, nói thật, người thường nào mà chịu nổi.
Vì vậy, ta nói với bá phụ: “Các di nương lo lắng con đi rồi, hậu viện sẽ không có ai quán xuyến, trong lòng bất an. Bá phụ đang độ tuổi sung sức, trên con đường quan trường còn ít nhất hai mươi năm nữa, hơn nữa mấy đệ đệ sau này còn phải bàn chuyện cưới xin, đủ thứ chuyện, đều không thể thiếu một nữ chủ nhân.”
Bá phụ cảm thấy ta nói rất đúng, cho nên trước khi ta xuất giá, đã vội vàng cưới vợ kế.
Ấy chính là trưởng nữ đích xuất của gia chủ họ Liễu Hà Đông, người đã thủ tiết thờ phu quân – cũng chính là biểu di mẫu của ta.
Có lẽ cũng bởi vì chuyện này, mà ta còn chưa nhập cung, trong cung đã truyền ra lời đồn đại về ta.
“Ngọc Tử Hành nắm hết quyền hành trong hậu viện của Ngọc tướng quân, các vị di nương đều phải nhìn sắc mặt nàng ta mà sống, thật là một người cay nghiệt, độc ác…”
“Ngọc Tử Hành bớt xén chi tiêu của Ngọc gia, khiến những người trong hậu viện sống khổ sở không nói nên lời, còn bản thân nàng ta thì lại chơi chim nuôi hoa, xa hoa vô độ…”
“Đúng vậy! Sắp xuất giá rồi còn nghĩ cách đưa di mẫu cũng khắc phu giống mình vào cửa, tuổi còn nhỏ mà tâm cơ thâm trầm…”
…
Ta… Ta biết nói gì đây, những gì họ nói cũng có lý, ta không cách nào phản bác.
Còn về việc tại sao ta biết được lời đồn đại về ta trong cung…
“Lão nô vào cung hơn bốn mươi năm, tai vẫn còn thính lắm.”
Vị mama dạy lễ nghi trước mặt này có dung mạo trắng trẻo, nét mặt tươi cười, phúc hậu là do Thái hậu đặc biệt phái đến.