Ngư Trường Kiếm

Chương 22: Tráng sĩ nhất khứ hà thời phản - Tử địa thùy tri hữu cố nhân


Đoàn người về đến Lạc Dương đúng chiều ngày mùng tám tháng tám.

Liễu Phụng và phu thể họ Cổ thấy con dâu trưởng thoát nạn, mừng sa nước mắt. Kiếm Hồng chạy ra ôm lấy mẫu thân cười hỏi :

– Mẫu thân! Phải chăng phụ thân đã chịu cưới mụ Cung chủ nên mẫu thân mới được về?

Cả nhà phì cười.

Thì ra nó đã nghe lỏm mọi người bàn luận nên mới hỏi thế.

Tiệc mừng đủ mặt anh hào, Chưởng môn các phái nghe tin dữ đã kéo nhau đến đây chờ đợi, xem chàng có cần trợ thủ hay không?

Đại Lực Ma Quân Tô Tháo thao thao bất tuyệt kể lại cuộc tấn công Thánh Thủy cung. Nan Đề lão nhân càu nhàu :

– Chưa giết được Bách Lý Nhu là còn tai họa, có gì mà tự đắc?

Kiếm Vân cười bảo :

– Xét ra, bản lãnh mụ ta không địch lại đồ nhi. Dù tái xuất cũng chẳng có gì đáng ngại.

Nam Cung Sách lắc đầu :

– Ngươi sai rồi, sau lưng Bách Lý Nhu còn một nhân vật cực kỳ lợi hại nữa. Trước đây, ta cứ tưởng lão đã qua đời, nhưng lúc gặp Tần Văn ở Diên An ta mới biết Thanh Hải Long Vương còn sống và lão lại là nghĩa phụ của Bách Lý Nhu. Ba năm trước, con trai út của lão đến Thánh Thủy cung chơi. Hắn vào thành Diên An chọc ghẹo một lương nữ, bị Tần Võ đánh đuổi. Chính vì vậy mà Thánh Thủy cung đã sát hại họ Tần. Nay Bách Lý Nhu đào vong, tất sẽ đến cầu cứu nghĩa phụ. Thanh Hải Long Vương mà kéo quân vào Trung Nguyên thì hậu quả khó lường.

Thanh Thành quán chủ cười cao ngạo :

– Lão phu nghe nói tuổi Long Vương đã sắp chẵn trăm, lẽ nào tinh lực lại không giảm sút? Còn Liễu đại hiệp đang tuổi thanh niên, có gì phải sợ?

Vô Trần đạo trưởng rầu rĩ nói :

– Tiếc là chẳng phải như vậy! Thanh Hải Long Vương có nuôi được một bầy kỳ ngư tên gọi Lân Đầu Thủ Vĩ Ngư. Lão ta thường xuyên ăn loại cá này nên chân nguyên càng ngày càng tăng chứ không hề giảm sút. Dẫu có sống thêm vài chục năm nữa cũng dễ dàng thôi. Bốn mươi năm trước, tiên sư đã từng bị lão dùng Lôi Âm chưởng đánh trọng thương. Thiên Nhất thần tăng giải thích thêm :

– Lôi Âm chưởng là thần công Phật môn của Lôi Âm tự bên Thiên Trúc, nơi mà ngày xưa Phật tổ đã trụ trì. Chưởng pháp này thiên hạ vô song, đánh ra như lôi giáng. Ngoài tiếng nổ kinh hồn còn có cả ánh chớp tan đá nát vàng. Cũng may Long Vương không có tham vọng tranh bá, nếu không võ lâm đã nguy rồi.

Cổ mẫu lo lắng cho Kiếm Vân nên lẩm bẩm :

– Nếu lão đã lợi hại như thế thì chống cự làm gì, cứ kéo nhau về Nam Lĩnh ở cho yên thân.

Bà hơi bị lãng tai nên nói lớn mà cứ ngỡ mình nói nhỏ. Cổ Tam Lang cười bảo :

– Bà giỏi chữ hơn một lão tiều phu như ta, mà xem ra chẳng hiểu đạo nghĩa chút nào cả. Làm thân đại trượng phu phải đưa lưng gánh vác thiên hạ, dẫu chết chẳng sờn, sao lại thấy khó mà rút lui?

Kiếm Vân biết nghĩa mẫu vì thương mình nên mới nói vậy. Chàng an ủi bà :

– Mẫu thân yên tâm! Hài nhi có thể sống lại trong lửa đỏ, lẽ nào lại chết vì sấm sét.

Bà ngượng nghịu nói :

– Ta chỉ sợ rằng sét nóng hơn lửa mà thôi.

Mọi người bật cười vang.

* * * * *

Một mùa xuân nữa lại đến, êm đềm và hoan lạc. Tiếng cười nói râm ran khắp Liễu gia trang.

Thanh Hải cách Lạc Dương đến mấy ngàn dặm, Long Vương có muốn báo thù cho nghĩa nữ chắc cũng phải ra giêng. Biết đâu, lão đã quá già và không muốn xa bầy cá quý nên chẳng vào Trung Nguyên nữa?

Nhưng Kiếm Vân là người chuộng võ, chàng không hể bỏ bê việc luyện công, dù phòng loan có đến năm vị tuyệt thế giai nhân.

Các nàng biết chàng chuẩn bị cho cuộc chiến với Thanh Hải Long Vương nên không quấy nhiễu, để chàng tĩnh tâm luyện võ.

Trưa mùng một, Thiên Nhất thần tăng đến chúc tết. Trong lúc đàm đạo, ông đặt lên bàn một quyển chân kình cũ kỹ, nghiêm nghị :

– A Di Đà Phật! Lão nạp đã thỉnh ý tứ vị sư thúc, họ đồng ý để Liễu đại hiệp tham luyện pho Như Lai tâm chưởng, tuyệt học của Đạt Ma tổ sư. Trăm năm nay bổn tự chưa có ai luyện được trọn vẹn. Nhưng với căn cơ tuyệt thế, may ra thí chủ sẽ thành công, tạo phúc cho võ lâm. Có thể công phu này sẽ giúp thí chủ chống lại Lôi Âm chưởng của Thanh Hải Long Vương.

Kiếm Vân mừng rỡ cảm tạ thần tăng. Ngay sau khi khách về, chàng bắt tay nghiên cứu pho kinh.

Toàn văn chỉ có bốn chiêu nhưng khẩu quyết trúc trắc, uyên ảo phi thường. Nan Đề lão nhân đã vận dụng toàn bộ sở học, cùng chàng nghiền ngẫm pho chưởng pháp. Đến cuối tháng giêng chàng mới luyện xong.

Vừa lúc Thanh Hải Long Vương gửi thư phó ước, hẹn chàng đến bờ Tây hồ Thanh Hải tỷ thí.

Lão hứa rằng, chỉ cần chàng chịu nổi ba trăm chiêu sẽ bỏ qua thù oán. Nhưng nếu chàng không dám đến phó ước, lão sẽ kéo hai ngàn đệ tử vào Trung thổ quét sạch võ lâm.

Ngày phó ước là ngày hai mươi bốn tháng tư, sinh nhật thứ một trăm của Long Vương.

Nan Đề lão nhân thở dài nói :

– Cho dù Như Lai tâm chưởng là khắc tinh của Lôi Âm chưỏng đi nữa, hy vọng sống sót của Vân nhi cũng rất mỏng manh. Long Vương công lực cao thâm, lại khổ luyện Lôi Âm chưởng đã hơn tám mươi năm. Còn Vân nhi chỉ mới học có một tháng, làm sao bì với lão được? Có lẽ đành chờ lão vào Trung Nguyên rồi tập hợp đồng đạo võ lâm chống cự mà thôi.

Vạn Độc Ma quân tán thành :

– Đúng vậy! Ít nhất Bang chủ cũng tranh thủ được mấy tháng trời để luyện võ thêm.

Ý kiến này được tất cả mọi người nghe theo. Nhất là Liễu mẫu và Cổ mẫu, họ quyết không cho chàng đi Thanh Hải phó ước.

Kiếm Vân thản nhiên vâng dạ, không hề phản đối. Chàng chăm chỉ luyện công, chẳng nhắc gì đến việc ấy nữa.

Đêm mùng mười tháng hai, trời đã quá canh ba mà Kiếm Vân vẫn chưa ngủ. Từ ngày Phụng Hương được giải thoát trở về đến nay, chàng ngủ chung với nàng và Kiếm Hồng. Dù đầu hôm chàng ân ái mặn nồng với bốn nàng kia, nhưng nửa đêm vẫn trở về khuê phòng Phụng Hương.

Cạnh chàng là bình rượu nhỏ và đĩa lạc rang. Kiếm Vân đứng ngắm những bông tuyết lất phất ngoài vườn, lắng nghe tiếng côn trùng rỉ rả và hứng ngọn gió xuân lạnh lẽo.

Vầng trăng non mờ nhạt cuối trời xa không đủ soi sáng khu vườn tịch mịch. Xa xa, vẳng lại tiếng đàn trúc gay gắt và tiếng tơ ai oán.

Kiếm Vân bất giác rúng động. Phụng Hương xuống giường, bước đến dựa đầu vào vai chàng, dịu dàng bảo :

– Tướng công đã định đi phó ước, sao còn chần chừ mãi như vậy?

Kiếm Vân giật mình, xiết chặt ái thê thì thầm :

– Chỉ có nàng mới hiểu được lòng ta! Người quân tử sống an nhiên mà thọ mệnh trời. Nay ta đã quyết hiến thân cho võ lâm, lẽ nào vì sợ chết mà để Thanh Hải Long Vương kéo môn đồ vào Trung Nguyên, gây nên cảnh suối máu, rừng xương? Các nàng đều đã có tin vui, hậu tự họ Cổ, họ Hàn không còn phải lo nữa. Nếu lần này ta không trở về, nương tử hãy thay ta phụng dưỡng ba vị lão nhân và nuôi dạy Kiếm Hồng. Không đi phó hội, ta sẽ suốt đời hổ thẹn, chẳng dám nhìn mặt ai nữa.

Nước mắt Phụng Hương tuôn trào, ướt đẫm vai chàng nhưng không dám khóc thành tiếng, sợ kinh động mọi người.

Nàng gật đầu, nghẹn ngào nói :

– Tướng công vốn mang bản chất hào hùng, cương liệt, chắc sẽ không sống nổi với nỗi dằn vặt trong lòng. Tướng công cứ yên tâm lên đường, thiếp sẽ vì chàng mà chu toàn mọi việc.

Phụng Hương quay vào sửa soạn hành lý cho trượng phu. Trước lúc lên đường, chàng dặn dò :

– Trong ngăn tủ đầu giường có một quyển sách dầy. Đó chính là sở học của cả đời ta. Sau này hãy bắt các con khổ luyện để tuyệt học khỏi thất truyền. Mối thù này bất tất phải trả, nếu không chỉ dấy động can qua, đưa võ lâm vào cảnh tang thương.

Kiếm Vân hôn vợ con rồi tung mình qua cửa sổ, biến vào màn tuyết lạnh.

Sáng ra, Liễu gia trang náo loạn vì cuộc ra đi của chàng. Liễu mẫu trách Phụng Hương sao lại để phu tướng đi vào tử địa. Nàng sụp xuống nức nở thưa rằng :

– A nương cũng biết tính thiếu gia, thà chết chứ không chịu nhục. Nếu giữ ở lại, chỉ đưa chàng vào cái chết lần mòn mà thôi.

Cổ Tam Lang vuốt râu gật gù :

– Đúng vậy! Hương nhi không có lỗi gì cả, lão phu nuôi hắn từ nhỏ, lẽ nào không biết tính con mình?

Nan Đề lão nhân thở dài :

– Lão phu cũng đoán trước rằng y sẽ nhận lời phó ước. Vân nhi không muốn vì mình mà đồng đạo võ lâm phải đổ xương máu chống cự với Long Vương.

Phụng Hương mếu máo nói :

– Tướng công có dặn tiểu nữ nói lại rằng: chàng tha thiết cầu xin chư vị đừng tiết lộ việc này ra ngoài. Chàng sợ khi quần hùng biết tin, tất sẽ kéo đến Thanh Hải quan chiến. Cái chết của chàng có thể gây nên trận tử chiến giữa hai phe, uổng phí tâm huyết cuối đời. Chàng sẽ chết mà không nhắm mắt.

Nam Cung Sách an ủi các nữ nhân già trẻ đang sụt sùi khóc lóc :

– Vân nhi là bậc kỳ tài trong võ học, lại có bảo y hộ thân, chắc không đến nỗi mạng vong đâu. Ba trăm chiêu chẳng phải là nhiều. Hơn nữa, lão phu đã chiêm nghiệm thiên tượng, thấy tướng tinh của y rất sáng.

Tô Tháo bực tức nói :

– Tô mỗ và Thường hiền đệ sẽ đuổi theo Kiếm Vân. Ít nhất cũng phải có người đem xác y về chứ?

Mọi người đều tán thành. Hai gã lập tức khởi hành.

* * * * *

Kiếm Vân ra đi lòng bùi ngùi, lưu luyến nhưng lại nhẹ nhõm lạ thường.

Mấy ngày qua, chàng nhìn con thơ mà không đành mở miệng dứt áo ra đi. May có Phụng Hương thấu hiểu, nói giùm tâm sự, chàng mới yên tâm dấn thân vào tử địa.

Trưa ngày thứ tư mới đến bờ sông Hán Thủy, chàng đứng đợi đò ngang. Gió xuân lạnh lẽo thổi bay vạt áo và làm xôn xao mặt nước. Chàng nhớ lại cảnh tống biệt Kinh Kha bên bờ sông Dịch, khẽ ngâm nga:

Phong phiêu phiêu hồ.

Dịch Thủy Hàn!

Tráng sĩ nhớ khứ hề!

Bất phục phản.

Chàng mỉm cười vì cảnh ngộ mình và Kinh Kha có mối tương đồng. Chàng vô tình luyện được Xuân Thu kiếm pháp, lại có Ngư Trường kiếm của họ Kinh trong người.

Chỉ khác ở chỗ, Kinh Kha ra đi hành thích Tần Thủy Hoàng để báo đáp mối ân tình với Thái tử Đan. Yên Vương đã dùng đủ mọi cách hậu đãi để ràng buộc, khiến họ Kinh không thể không đi.

Còn chàng thì ngược lại, không ai ở Trung Nguyên muốn chàng đi phó hội cả. Họ sẵn sàng chấp nhận hy sinh xương máu khi Thanh Hải Long Vương kéo quân vào. Mấy năm qua, chàng đã vì họ mà làm quá nhiều điều.

Đò ngang cập bến, chàng bước lên, bỗng nhớ ngày đầu gặp Phụng Hương, cũng tại một bến đò. Chàng cười thầm, tự trách mình ngu ngốc. Bao đêm ôm ấp nàng mà chẳng nhận ra Hàn hiền đệ là nhi nữ.

Kiếm Vân ít có dịp độc hành để tự đối thoại với mình. Nay, trong cuộc hành trình đi vào tử địa, chàng ôn lại mọi chuyện đã qua, cảm thấy mình chẳng có điều gì phải hổ thẹn.

Đò cập bờ Tây, chàng vui vẻ cho lão lái đò cả nén bạc mười lượng. Lão mừng đến nỗi suýt lăn đùng xuống sông. Lão không biết rằng tráng sĩ này sắp sửa không phải dùng đến tiền bạc nữa.

Chàng ghé vào huyện thành Hàm Ninh nghỉ ngơi, định sáng ra sẽ mua tuấn mã rồi mới lên đường.

Trăng mười bốn lên rất sớm, đầu canh một đã tỏa sáng như chiếc dĩa bạc treo lưng trời.

Đêm càng khuya, trăng càng vằng vặc. Tự cổ chí kim, độc ẩm vẫn mau say.

Trong đêm vắng lặng, Kiếm Vân ngắm vầng nguyệt, chạnh lòng nhớ đến bài Tĩnh Dạ Tứ của Lý Bạch, buột miệng ngâm:

Lân tiền khán nguyệt quang.

Nghi thị địa thượng sương.

Cử đầu vọng minh nguyệt.

Đê đầu tư cố hương.

Tạm dịch :

Trước lầu nhiều trăng sáng.

Trên đất ngỡ là sương.

Ngẩng đầu trông trăng tỏ.

Cúi đầu nhớ cố hương.

Bỗng có người ở bàn bên vỗ tay khen dồn :

– Hay lắm! Nãy giờ, lão phu cũng cố tìm một bài thơ thích hợp với cảnh đêm trăng yên tĩnh nhưng chẳng nhớ ra. Túc hạ chỉ sửa một chữ sàng thành chữ lân là đã có ngay. Thật là bậc tao nhân mặc khách.

Chàng ngượng ngùng vì quả thực câu đầu tiên phải là :

Sàng tiền khán nguyệt quang.

Kiếm Vân vòng tay nói :

– Tiên sinh quá khen khiến tại hạ thêm hổ thẹn. Liễu mỗ võ biền thô lậu, đâu dám nhận là kẻ tao nhân.

Người kia khẽ giật mình, nhưng cũng cười, bưng chén ruợu qua ngồi đối diện với chàng. Đó là một lão nhân, phong thái thì giống như đã lục tuần nhưng tóc không một sợi bạc, râu năm chòm đen nhánh, da mặt lại mịn màng không một lớp nhăn.

Lão rót đầy chén của chàng rồi bảo :

– Độc ẩm cũng buồn, lão phu xin được cùng túc hạ uống vài chén thưởng trăng. Lão phu là Khương Văn, dám hỏi danh tính túc hạ là gì?

Chàng kính cẩn đáp :

– Tại hạ là Liễu Vân, xin mời Khương tiên sinh cạn chén.

Chàng không muốn giấu nhưng cũng không muốn lão mất tự nhiên nên mới bớt đi chữ Kiếm.

Họ Khương uống xong cười hỏi :

– Liễu túc hạ thân hình khôi vĩ, oai vũ phi thường, chắc cũng là tay hảo thủ trong võ lâm? Sao lại một mình cô tịch chốn này?

Dung mạo lão rất đoan chính, ánh mắt hiền hòa nên chàng sinh lòng mến mộ :

– Tại hạ chỉ được to xác chứ võ công chẳng được bao nhiêu. Lần này đang trên đường sang Thanh Hải thăm thân quyến nên mới dừng chân ở đây.

Lão mừng rỡ nói :

– May quá, lão phu quê cũng ở Thanh Hải, mới vào Hà Nam thăm bằng hữu trở về. Có được bạn đồng hành như túc hạ thì thật là may mắn.

Lão hạ giọng nói tiếp :

– Lão phu có mang trong người một viên linh đan chí bảo, uống vào tráng dương ích thọ. Nếu người học võ có được sẽ tăng thêm hai mươi năm công lực. Vị cố hữu đã tặng để ta đem về cho tiện thê, vì bà ta bệnh hoạn liên miên. Mong túc hạ bảo vệ lão phu về đến đất Thanh, ơn này chẳng dám quên.

Chàng thấy lão văn chất bân bân, lại mặc trường bào xanh, đội mũ thư sinh, trông rất yếu đuối nên nhận lời :

– Tiên sinh yên tâm, tại hạ sẽ tận lực.

Hai người uống rượu, đàm đạo rất tương đắc. Hóa ra Khương tiên sinh là chủ một hiệu thuốc Bắc ở trấn Mã Đa, cạnh thượng nguồn sông Hoàng Hà.

Lão mê văn chương thi phú nên thao thao bất tuyệt. Kiếm Vân được dịp đem vốn liếng văn học ra sử dụng.

Chàng là người chuộng võ nhưng trí nhớ siêu phàm, đọc một lần nhớ mãi. Ngày còn thơ ấu cũng đã đọc được hơn ngàn quyển sách cũ. Sau lại được Nan Đề lão nhân dạy dỗ nên tinh túy học thuyết các nhà đều biết cả. Chính người điều đó đã hun đúc nên tinh thần hiệp sĩ, nhân nghĩa trong con người chàng hôm nay.

Mấy năm qua, chàng luôn phải bôn ba vì thiên hạ, tâm trí nặng nề, chẳng có phút giây nào thanh thản mà nghĩ đến thi phú văn chương.

Nay gặp lúc khẳng khái đi vào chỗ chết, tự cho rằng đã trả xong nợ kiếm cung, nên không muốn nhắc đến võ nghệ, đâm ra cao hứng bàn luận.

Lạ thay, hai người đều cùng chí hướng, say mê tâm học của Vương Dương Minh. Dù có đôi chút khác biệt ở hành vi, nhưng cốt lõi vẫn chung gốc.

Họ Khương nghiên cứu y đạo, chữa bệnh cho bách tính không hề lấy một trinh. Còn chàng xông pha gươm giáo, đem máu xương tạo phúc cho võ lâm và lê thứ.

Đêm ấy, hai người say mèm, ôm nhau ngủ chung một giường, sáng ra tiếp tục cuộc hành trình đến Thanh Hải.

Mười ngày sau, họ đi ngang đồi Lạc Phượng, cách huyện thành Vị Nam bốn chục dặm.

Càng đến gần ranh giới Thanh Hải trời càng lạnh thêm, tuyết rơi phủ trắng cây cỏ, núi đồi.

Ba hôn trước, Kiếm Vân đã tặng Khương Văn chiếc áo khoác lông cáo tuyết của mình, vì lão nói đã để quên ở nhà bằng hữu.

Đường phủ băng trơn trượt nên hai người thả lõng dây cương đi rất chậm, say mê tranh luận. Đến khi phát giác bên đường có phục binh thì đã muộn. Kiếm Vân nghe tiếng tên bay xé gió, vội vươn tay nắm cổ áo bạn đồng hành. Tung mình lên không, hạ thân xuống mặt đường, cách đấy ba trượng. Loạt tên thứ hai lại bay đến, Kiếm Vân kéo Khương Văn đến sau lưng mình, thản nhiên để cho mười mấy mũi cắm vào người.

Mãng Xà Kim Giáp và thần công hộ thể đã chấn gãy những mũi trường tiễn. Chàng đứng sừng sững, uy nghi như thiên tướng.

Bọn cường đạo thất đảm kinh hồn bỏ chạy tán loạn.

Chàng cõng họ Khương trên lưng, đuổi theo tên đầu đãng râu rìa, khăng đỏ quấn ngang trán.

Chỉ điểm chân vài cái chàng đã chặn trước mặt gã. Đại hán bủn rủn tay chân, quỳ sụp xuống van xin :

– Xin đại hiệp tha mạng, bọn tiểu nhân vì quá nghèo khổ, không đóng nổi sưu cao thuế nặng, nên mới bỏ vào núi làm cường đạo để nuôi vợ con và phụ mẫu.

Hai mươi tên lâu la cũng dập đầu kêu khóc. Chàng nhìn người khuôn mặt quê mùa chất phát, chẳng giống sơn tăc chút nào nên hòa hoãn lại, bảo rằng :

– Mấy ăm qua thiên tai địch họa khá nhiều nên dân tình nơi nơi đều đói khổ. Vậy mà các ngươi giết người đoạt của để no ấm cho riêng mình, tội khó dung tha.

Đại hán râu dài biện minh :

– Thề có hoàng thiên chứng giám, bọn tiểu nhân chưa hề giết một người nào, chỉ dọa dẫm để các khách thương hồ sợ hãi, nộp bạc mà thôi. Như lúc nãy chỉ bắn vào ngựa.

Chàng cười nhạt :

– Thế còn loạt tên thứ hai thì sao? Đã đem thân làm cường đạo, lúc cùng đường cũng phải sát nhân. Nhưng ta cũng bỏ qua, chỉ cần các ngươi nói rõ về nền cai trị của Huyện lệnh Vị Nam.

Một gã trung niên mặt mủi đôn hậu nghiến răng, sa lệ nói :

– Tri huyện Vị Nam Lâm Phú ỷ mình là cháu ruột Hoàng hậu nương nương nên coi thường quốc pháp, mặc sức vơ vét, hút máu lê dân. Quan trên có biết cũng đành nhắm mắt làm ngơ. Sưu thuế cao hơn các huyện lân cận. Mỗi lần lễ tết, đều bắt bách tính đóng thêm một khoảng để mua lễ vật gửi về kinh. Con trai lão háo sắc thành danh, hãm hại dân nữ, cướp đoạt vợ người. Ai hé miệng phản đối, kiện cáo lập tức bị vu là cuờng đạo, bắt giam ngay.

Kiếm Vân tái mặt, không ngờ em họ Công chúa lại đốn mạt như vậy.

Chàng gằn giọng hỏi :

– Hóa ra các người đều là nạn nhân của họ Lâm đấy sao?

Chúng đồng thanh gật đầu. Đại hán râu dài bi phẫn nói :

– Như tiểu nhân đây là La Hổ, vì có vợ đẹp nên bị vu oan giá họa, bắt giam vào đại lao. Nhờ có chút võ nghệ nên nửa đường phá gông chạy thoát. Xin hỏi nếu không làm cường đạo thì còn làm gì nữa?

Kiếm Vân lấy ra tấm ngân phiếu ngàn lượng trao cho gã :

– Ta tặng các ngươi mỗi người năm mươi lượng để làm vốn. Nhưng phải mau trở về nhà viết đơn tố cáo, kêu gọi thêm những nạn nhân trong huyện làm theo. Sáng mai, tất cả kéo lên huyện đường, chờ xem ta trừng trị tên cẩu quan họ Lâm.

La Hổ mừng rỡ, nhớ đến một người, lắp bắp hỏi :

– Phải chăng… đại hiệp là… Liễu phò mã?

Chàng gật đầu, cả bọn vội sụp xuống tung hô.

Chàng xua tay :

– Ta không thích lễ nghi, các ngươi cứ về làm theo lời ta là đủ.

Chờ bọn sơn tặc bất đắc dĩ kia đi khỏi, chàng đặt họ Khương xuống đất. Té ra lão đã mê man bất tỉnh vì sợ hãi.

Chàng vội thăm mạch, thấy mạch nhẩy rất nhanh. Được xoa bóp huyệt đạo một hồi, lão mới hồi tỉnh. Khương Văn ngượng ngùng nói :

– Lão phu cũng muốn học theo đạo quân tử uy vũ bất năng khuất, nhưng khốn nỗi, bẫm sinh đã bị chứng hư tâm mạch nên mỗi lần bị kinh động là ngất xỉu ngay. Thật là đáng xấu hổ.

Chàng an ủi lão rồi gỡ bọc hành lý trên xác hai con tuấn mã, bảo lão leo lên lưng rồi đi tiếp.

Đêm ấy, hai người ngủ trọ trong khách điếm. Sáng ra chàng dặn họ Khương :

– Tiên sinh ở lại đây chờ tại hạ giải quyết một việc riêng, khoảng một canh giờ sau sẽ trở lại.

Khương Văn bình thản nhận lời. Kiếm Vân hỏi đường rồi đi thẳng về phía huyện đường. Quả nhiên bách tính đang tụ tập đông đảo trước cửa. Lính lệ sợ hãi đóng chặt cổng, canh phòng nghiêm mật. Tổng binh Vị Nam Kha Luân cũng đã đem quân đến thị uy, sợ đám dân quê kia làm loạn nha môn. Gã cao giọng cảnh cáo :

– Không được gây huyên náo, muốn kiện cáo gì phải chờ Lâm tri huyện thức giấc thăng đường rồi tuần tự từng người một vào.

Kiếm Vân bước đến trước mặt gã hỏi :

– Thánh thượng là bậc chí tôn mà đầu giờ Mão đã ngự triều, sao đã đầu giờ Thìn mà Tri huyện Vị Nam chưa làm việc?

Kha tổng binh biến sắc, quát lớn :

– Bọn kiêu dân ngu dốt, biết gì mà dám bàn đến việc cai trị?

Kiếm Vân hất ngược chiếc nón rộng vành, gằn giọng :

– Trước mặt bổn Phò mã mà ngươi dám cuồng ngạo đến thế cơ à?

Kha tổng binh nghe như sét đánh bên tai, nhìn kỹ lại, nhận ra dung mạo của vị đại sát tinh mà giới quan lại đã truyền tụng. Lão hồn phi phách tán, xuống ngựa tung hô :

– Phò mã điện hạ vạn an! Tiểu tướng là Kha Luân, Tổng binh Vị Nam xin dập đầu ra mắt.

Hai ngàn quân sĩ và dân chúng cũng quỳ theo. Có tiếng phụ nhân nức nở :

– Hoàng thiên hữu nhãn nên Phò mã giá lâm qua đây, xin rửa oan cho bách tính Vị Nam.

Chàng vẫy tay mời mọi người đứng dậy :

– Chư vị yên tâm, bổn Phò mã sẽ không tha cho bọn cẩu quan đê tiện ấy đâu.

Chàng giơ cao Ngư Trường kiếm ra lệnh :

– Kha tổng binh, khanh hãy đến tư dinh Lâm tri huyện, bắt lão và tên công tử gian ác về đây. Bổn Phò mã sẽ thăng đường chấn chỉnh triều cương.

Bọn lính lệ run rẩy mở cổng, bách tính xếp hàng trật tự theo chật kín cả ngoài sân.

Một khắc sau, Lâm tri huyện và Lâm công tử bị giải đến. Trong tay lão có một hộp gỗ nhỏ, thần sắc ung dung như không hề sợ hãi.

Lão kéo con trai quỳ xuống tung hô :

– Phò mã giá lâm, thần không biết mà nghênh đón, thật là thất kính.

Chàng cười nhạt :

– Bổn Phò mã đã được bách tính Vị Nam nghênh đón rồi. Muôn dân oán hận, đệ đơn kêu oan, lão còn muốn nói gì nữa?

Lão mỉm cười mở hộp gỗ, lấy ra một thẻ vàng óng ánh :

– Họ Lâm bao đời nhất mạch đơn truyền nên đã được ban Miễn tử kim bài, nam nhân họ Lâm được bảo vệ để lo việc tông tự. Phò mã không thể giết phụ tử chúng ta được đâu.

Kha tổng binh nhận kim bài dâng lên. Chàng nhận ra bốn chữ: Miễn tử truyền tông.

Kiếm Vân suy nghĩ một lúc quắc mắt bảo :

– Lão đừng vội đắc ý. Bổn Phò mã không lấy đầu bọn ngươi thì cũng có thể chặt đứt tay chân. Việc nối dõi tông đường vẫn không hề bị ảnh hưởng.

Họ Lâm kinh hoàng, dập đầu van lạy :

– Xin Phò mã niệm tình Hoàng hậu nương nương khai ân tha cho một lần. Thần xin trả áo mão về làm thứ dân, tu nhân tích đức để chuộc lại lỗi lầm. Dù sao thần cũng là biểu cửu tử của Phò mã.

Chàng vỗ bàn quát vang :

– Lúc ngươi hút máu lê dân, sao không nghĩ đến thanh danh của Hoàng hậu và Thánh thượng?

Chàng đứng lên hướng về bách tính, dịu giọng nói rằng :

– Tội của cha con họ Lâm, chiếu quốc pháp là phải chém đầu. Nhưng nay vì muốn bảo toàn tông tự cho giòng họ Hoàng hậu, nên bổn Phò mã đành phải tha mạng chúng, chỉ chặt hết tay chân, ý bách tính thế nào?

Một lão trượng râu tóc bạc phơ thưa rằng :

– Phò mã không vì kim bài mà nương nhẹ, vẫn quyết tâm trừng trị tham quan. Bách tính Vị Nam đều thấu hiểu và ngưỡng phục. Xin Phò mã yên tâm.

Mọi người đồng thanh khen phải. Kiếm Vân bảo Kha tổng binh :

– Khanh đem cha con họ Lâm ra giữa chợ chặt đứt tay chân. Gọi ngay Tuần phủ Thiểm Tây đến tiến hành tịch biên gia sản, bồi thường cho các nạn nhân. Sau đó dâng biểu về kinh tấu rõ mọi việc.

Lâm tri huyện và gã công tử gào thét, khóc lóc nhưng Kha tổng binh nào dám trái lệnh. Kha tổng binh cho quân giải ngay ra giữa chợ. Bách tính kéo theo để xem cuộc hành hình.

Kiếm Vân thừa lúc nhốn nháo, tung mình lên nóc nhà, trở về khách điếm. Chàng rủ Khương Văn lên đường ngay.

Đến ngoại thành, lão cười bảo :

– Sao túc hạ không mua ngựa mà cưỡi, cõng mãi thế này đâu có tiện?

Đi thêm vài dặm, thấy bên đường có trại nuôi tuấn mã, chàng ghé vào. Lão chủ đưa ra rất nhiều con ngựa đẹp nhưng đều bị Khương Văn chê bỏ. Cuối cùng lão chọn hai con ngựa gầy. Lão chủ mục trường biến sắc vái dài :

– Tiên sinh quả là Bố Nhạc tái sinh, đây là hai con ngựa tốt nhất của tiểu nhân, lòng rất thương mến nên không nỡ bán.

Khương Văn cười khà khà, kéo lão vào trong thì thầm điều gì đó. Lão ta tỏ vẻ hân hoan, kính cẩn nói :

– Nếu thế thì tiểu nhân rất vinh dự được tặng đôi tuấn mã cho nhị vị.

Họ Khương không chịu, bắt lão phải nhận tấm ngân phiếu ngàn lượng bạc.

Lúc rời mục trường, Kiếm Vân tủm tỉm hỏi :

– Tiên sinh nói gì mà lão định cho chúng ta đôi ngựa quý này?

Khương Văn vuốt râu cười đáp :

– Trướcđây lão ta có đem mẫu thân đến Mã Đa nhờ ta trị bệnh nên nhớ ơn ấy mà tặng ngựa.

Cuối tháng ba, họ đến ranh giới Thanh Hải, Thiểm Tây. Đường quan đạo đi ngang một sơn trấn chỉ có độ vài trăm nóc nhà.

Trời lạnh cắt da, gió thổi vù vù, mang theo những bông tuyết lớn bằng hạt lạc, đập vào mặt khách lữ hành.

Thấy đường trong trấn vắng tanh, không người qua lại, nhà nhà đều đóng cửa, Kiếm Vân thắc mắc :

– Trời dù lạnh nhưng cũng đâu đến nỗi không dám ra đường, phải chăng ở đây có chuyện gì xảy ra?

Bỗng trước mặt xuất hiện một toán đông đến bốn chục người, trang bị cung tên giáo mác tựa phường săn. Đi đầu là một lão nhân tráng kiện, lão chận đầu ngựa :

– Nhị vị mau dừng ngựa, cách đây bốn dặm có một quái thú cực kỳ hung ác. Nó đã ăn thịt mấy chục khách lữ hành và hơn trăm người trong trấn này. Bọn lão phu vừa đi tuần phòng không gặp.

Khương Văn tò mò hỏi :

– Thế hình dáng con quái vật ấy ra sao?

– Nó là một con ác điểu to lớn, thân dài hai trượng, cánh có màng như cánh dơi, vươn ra rộng hơn ba trượng, mỏ dài cứng như thép. Toàn thân nó không hề sợ gươm đao, cung tiễn.

Kiếm Vân cười nhạt :

– Để Liễu mỗ diệt trừ ác điểu báo thù cho những người đã chết. Xin chư vị chỉ đường.

Đám phường săn thấy chàng cao lớn uy nghi, mắt sáng như sao nên có đôi phần tin tưởng. Lão già đứng đầu nói :

– Nếu tráng sĩ đã có lòng vì dân trừ họa, xin hãy vào nhà lão phu ăn uống no nê rồi hãy ra tay cũng không muộn. Lão phu còn phải bắt bò làm mồi dụ quái thú. Nghe mùi máu nó sẽ ra ngay.

Hai người cũng đang đói bụng nên đi theo bọn thợ săn. Ăn uống xong thì bò cũng sẵn sàng. Chàng dặn dò họ Khương ở lại giữ hành lý rồi cùng phường săn xuất hành.

Thấy chàng tay không, một người trao cho chàng thanh giáo sắt, chàng cầm cho họ yên tâm.

Gần đến đoạn rừng già có tổ quái điểu, mọi người dừng lại còn Kiếm Vân dắt bò đi tiếp.

Kiếm Vân không nỡ giết con vật hiền lành, cột nó vào thân cây rồi lấy giáo đâm vào đùi. Nó đau đớn rống lên vang dội.

Quả nhiên, lát sau, con ác điểu mò đến. Thân hình nó đúng như lời miêu tả, nhưng không có lông, da dẻ xám xịt như da voi.

Nó quác lên, sà xuống chụp lấy con bò. Kiếm Vân núp sau thân cây, thừa cơ vung giáo đâm mạnh vào bụng nó. Con vật không bị thương nhờ lớp da dầy nhưng cũng cực kỳ đau đớn. Nó bay lên rồi lại bổ xuống tấn công Kiếm Vân.

Giáo sắt đập vào đôi chân đầy móng vuốt, không làm gì được nó mà còn cong queo. Chàng giận dữ ném thanh giáo vô dụng vào đầu quái điểu rồi rút Ngư Trường kiếm lao đến.

Quái thú vỗ mạnh đôi cánh lớn bằng cả cánh bườm, tạo nên một luồng gió mạnh như bão táp, đẩy chàng rơi xuống. Nó đắc ý lao xuống định mổ chết chàng.

Kiếm Vân vận toàn lực xuất chiêu “Kiếm Luân Phong Nguyệt” chụp màn kiếm quang vào đầu nó. Bảo kiếm chém vào chiếc mỏ dài như chém vào đá, chỉ làm trầy chứ không chặt đứt được. Nhưng chiêu chiếm cũng làm ác điểu ê ẩm, nó đập cánh bay lên.

Kiếm Vân nhân dịp này lăn mình vào bụi rậm, búng nhanh lên một cành cây cao gần đấy. Con vật thấy mất mục tiêu liền đổi hướng chụp lấy con bò.

Chàng chờ cho móng vuốt của nó cắm sâu vào da thịt con bò, mới tung mình đáp lên lưng nó, cắm phập Ngư Trường kiếm xuống. Thanh kiếm được phổ Ly Hỏa chân khí đến độ chót nên đỏ rực, xuyên qua lớp da dầy.

Tiếc thay lưỡi kiếm chỉ dài có hơn gang tay nên chưa thấu đến chỗ hiểm. Quái điểu đau đớn vỗ cánh bốc thẳng lên cao mang theo cả Kiếm Vân trên lưng.

Toán thợ săn nãy giờ núp ở cách đấy sáu bảy trượng quan chiến, thấy chàng tráng sĩ đã bị quái điểu đem đi, họ kinh hãi gọi nhau đuổi theo.

Quái điểu bay lượn, đảo cánh cố giũ chàng khỏi lưng mình. Nhưng Kiếm Vân từ nhỏ đã quen cưỡi chim Ưng nhào lộn nên chẳng hề bị choáng váng hay sợ hãi.

Nhân lúc vòng lượn của nó thấp hơn, chỉ cách ngọn cây chừng vài trượng, chàng xoay kiếm rọc mạch, cố cắt đứt xương cổ của ác điểu.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận