Có tiếng chim hót ríu ra ríu rít, vài tia nắng xuyên qua rèm cửa chiếu lên gò má của Ngọc Phương.
Cô chớp chớp mắt ngồi dậy, vươn vai ngáp dài.
Nhìn quanh, không thấy Phục Thăng đâu.
Chắc anh đã đi làm rồi, Ngọc Phương bật dậy, xếp gọn chăn gối rồi vào phòng tắm vệ sinh cá nhân.
Nhớ đến mớ quần áo trong máy giặt, cô vừa đánh răng vừa mở nắp máy giặt.
Trống trơn, không có gì trong đó.
Có lẽ sáng sớm hôm nay, Phục Thăng đã đem phơi trước khi đi làm.
-“Phục Thăng thật tốt, chỉ mong kiếp này cuộc sống của anh được êm ả, không giống như kiếp trước…”
Nghĩ đến đây, Ngọc Phương lại nhớ đến khoảnh khắc chính tay mình đã đâm xuyên tim anh.
Lòng cô đau nhói tựa như mũi chủy thủ đó cũng đã cắt đứt trái tim của mình vậy.
Cô nhìn quanh trong nhà, thấy trên bàn đã đặt sẵn một hộp màu trắng, trên đó có để một tờ giấy nhỏ.
Ngọc Phương vào nhà tắm súc miệng, lau mặt rồi quay lại bàn.
Cô cầm tờ giấy lên, trên đó có một dòng chữ viết nắn nót:
-“Bún thịt nướng, khi ăn thì mở bịch nước mắm đổ vào, trộn đều lên rồi hãy ăn, hôm nay anh trực xuyên trưa, chiều tối mới về.”
Ngọc Phương nhìn những dòng chữ của anh, tuy chỉ một dòng nhưng mang lại cho cô cảm giác ấm áp khôn tả.
Cô mở hộp, quả thật bên trong có một bịch nhỏ đựng thứ nước mắm màu vàng nhạt.
Cô làm như lời anh dặn, mở ra, đổ vào, trộn đều rồi ăn.
Thịt nướng khá ngon, phút chốc đã ăn xong.
Ngọc Phương định đem hộp bún đi bỏ vào thùng rác thì thấy bên dưới hộp đã đặt sẵn một tờ tiền hai trăm ngàn.
Trên đó cũng có một tờ giấy khác:
-“Ăn xong nhớ bỏ rác ra bên ngoài, đừng bỏ vào thùng rác trong nhà, hôi lắm, anh để tiền để em tiêu vặt.”
Ngọc Phương nhìn tiền và tờ giấy, bất giác bật cười một mình.
Cô làm tất cả như lời anh dặn, rồi khóa cửa, thong thả tản bộ đến xóm Mả.
Hai tên đàn em đang ngồi uống cà phê ở đầu hẻm, vẻ mặt hơi mệt mỏi, nhìn thấy Ngọc Phương đến liền đứng dậy chào:
-Chị Hai, anh Tuấn đang đợi bên trong ạ.
Ngọc Phương gật đầu rồi đi vào trong, đến bãi đất trống, cô thấy Tuấn Mã đang ngồi uống trà.
Thấy bóng dáng Ngọc Phương từ xa, hắn đứng dậy đi ra đón cô.
Ngọc Phương nhìn hắn, trên gương mặt cũng có nét mỏi mệt, cô cười cười hỏi:
-Sáng nay thế nào?
Tuấn Mã chỉ đợi cô hỏi đến, hắn liền hồ hởi đáp:
-Dạ, sáng nay mọi người đã chạy đủ ba cây số như lời chị dặn.
-Thật à?
Tuấn Mã cúi đầu nói nhỏ:
-Có anh Hai làm chứng, tụi em chạy bộ ngang nhà chị, ảnh có thấy lúc đang tập thể dục.
-Anh Hai ? – Ngọc Phương ngẩn người.
-Thì tụi em chạy ngang qua nhà anh chị mà.
Ngọc Phương hiểu ra ngay lập tức, dù gì nơi cô ở cũng không xa xóm Mả.
Bọn chúng lại là thổ địa ở khu này, có gì mà không biết.
Chúng gọi mình là chị Hai, đương nhiên hôm qua sau khi thấy mình đi với Phục Thăng, sẽ tự động gọi anh ấy là “Anh Hai”.
Nhìn gương mặt Tuấn Mã có vẻ băn khoăn lo lắng nghĩ ngợi điều gì đó, Ngọc Phương cười cười:
-Có thắc mắc gì thì hỏi đi.
Tuấn Mã đưa tay gãi gãi đầu:
-Chị cho phép thì em mới dám hỏi, sao chị Hai lại quen với “Chèo”, à cảnh sát ạ?
Ngọc Phương đáp:
-Tôi với anh ấy không đụng chạm đến công việc của nhau, hơn nữa tuyệt đối không được để cho anh ta biết chuyện tôi làm.
Anh nghe và ghi nhớ cho kĩ.
Tuấn Mã cúi đầu thật sâu:
-Em hiểu rồi, chị Hai cứ yên tâm, giờ mình vào nhà trong bàn việc được không ạ?
Ngọc Phương gật đầu, cô đi thẳng vào ngôi nhà hôm qua, Tuấn Mã lót tót đi theo sau.
Vào đến bên trong, Tuấn Mã đưa quyển sổ, lật ra trang có ghi tình hình thu chi tối qua cho cô xem, hắn chỉ vào con số chốt cuối trong sổ rồi nói:
-Hôm qua “thợ” xẻ được “con nai” kha khá, sòng cũng được hơn ba mươi triệu, chị Hai muốn lấy bao nhiêu ạ?
(Chú Thích: Nai là tiếng lóng chỉ những con bạc tay mơ có nhiều tiền, bị người chơi bạc bịp dẫn dụ cho thua lớn.”)
Ngọc Phương nhìn con số sau khi trừ chi phí được Tuấn Mã ghi rõ ràng ba mươi triệu hai trăm ngàn.
Cô gật đầu rồi nói với Tuấn Mã:
-Tôi lấy ba triệu được rồi, số còn lại anh trích ra mười triệu để lập một quỹ để dành, sau này tích lũy được khá sẽ dùng để mua sắm đồ đạc.
Phần còn lại anh tùy nghi sử dụng.
Tuấn Mã cảm động, mình không phò lầm chủ, chị Hai không tham lam lấy hết, chứ theo hắn nghĩ, cái phần ba triệu đó nếu là đại ca khác thì sẽ là của Tuấn Mã này mới đúng.
Gã gật đầu cảm ơn Ngọc Phương rối rít.
Cô hỏi hắn:
-Anh có quen thợ rèn nào tay nghề tốt ở đây không?
-Chị Hai muốn đặt “Hàng Lạnh”? – Tuấn Mã hỏi lại.
Ngọc Phương hỏi hắn:
-Hàng lạnh là cái gì?
Tuấn Mã hơi bất ngờ vì cao thủ lại không biết nhiều tiếng lóng, xem ra cô không phải xuất thân từ giới giang hồ.
Nhưng thực lực của cô hắn lại không thể phủ nhận được.
Tuấn Mã liền ân cần giải thích:
-Hàng lạnh chỉ dao, mã tấu, kiếm, phóng lợn.
Còn hàng nóng là súng tự chế hoặc súng quân đội mua lậu từ biên giới.
Hàng nóng rất ít được dùng, vì dùng chỉ khi có đánh lớn một mất một còn hoặc ôm nhau chết chùm.
Súng thì Ngọc Phương có biết, vì thời Đàng Trong đã có súng hỏa mai mua từ các thương gia nước ngoài.
Thứ này thời xưa chỉ sử dụng được trong quân đội vì rất bất tiện khi giáp lá cà.
Đêm qua cô cũng đã tìm hiểu thứ, biết được thông tin súng ở thời đại này phát triển đến mức khủng khiếp.
Đến nỗi, quân đội hiện đại bây giờ đánh nhau thì gần như chín mươi phần trăm đều phải sử dụng súng.
Thứ lợi hại như vậy mà theo lời Tuấn Mã lại rất ít được sử dụng.
Cô thắc mắc:
-Tại sao lại hiếm khi sử dụng hàng nóng?
Tuấn Mã cười cười đáp:
-Dạ, vì nước mình cấm sử dụng súng nên cũng khó sở hữu, hơn nữa khi dùng súng, “Chèo” sẽ làm rất căng, có khi cả giới giang hồ phải ngưng mọi việc làm ăn.
Nên ở Sài Gòn này, Thất Gia đã thống nhất không sử dụng hàng nóng trong mọi tranh chấp, ai trái lệnh sẽ bị gạt ra khỏi giới giang hồ, khồn ai chứa chấp, thậm chí còn bị xử trước khi để chính quyền xử.
-Thất Gia là ai?
Tuấn Mã gãi gãi đầu:
-Thất Gia không phải là ai, Thất Gia là cách gọi gọi tắt của Gia Định Thất Gia, bảy gia đình có thế lực ngầm lớn nhất trong giới giang hồ kể từ lúc lập Thành Gia Định cho đến ngày nay.
Họ thiết lập mọi quy tắc ứng xử của giới giang hồ Sài Gòn.
Mọi người trong giới đều phải làm theo, hơn 300 năm nay, qui tắc đó thay đổi rất ít.
Ngọc Phương gật gù, hỏi tiếp:
-Vậy thì khi có tranh chấp xảy ra giữa các Thất Gia thì sao?