Mùi thức ăn nóng đánh thức Phục Thăng, Anh mở mắt ra, nhìn thấy Ngọc Phương đang lui cui bên bàn bếp nấu nướng.
Ánh nắng ban mai hắt vào từ cửa sổ, chiếu lên gương mặt lấm tấm vài giọt mồ hôi của cô.
Phục Thăng mãi ngắm nhìn gương mặt xinh như một thiên thần của cô.
Ngọc Phương không quay đầu lại, cất tiếng luôn:
-Anh dậy đi, đồ ăn sáng sắp xong rồi.
Phục Thăng khẽ ừ một tiếng, ngồi dậy gấp chăn gối gọn gàng rồi vào nhà tắm vệ sinh cá nhân.
Đến lúc trở ra đã thấy thức ăn dọn sẵn trên bàn.
Ngọc Phương ngồi đợi bên chiếc bàn bệt, đang xem điện thoại.
Anh ngồi xuống nhấc đũa:
-Ăn sáng thôi, hôm nay là một ngày dài nữa.
-Ừ, ăn thôi, hôm nay cũng là một ngày dài với em, nghe chú Phú nói bữa nay phải đi sớm hơn mọi ngày.
Phục Thăng hỏi:
-Sao vậy?
Ngọc Phương nhún vai:
-Cô Thương nói hôm nay sẽ làm ở một gia đình đại gia rất lớn ở Sài Gòn, tuyệt đối không được sơ suất nên mọi người phải tăng ca, có mặt lúc mười giờ sáng.
Phục Thăng cười cười:
-Trùng hợp thật, hôm nay sếp Hiệu cũng bảo anh gặp riêng để bàn việc.
-Thăng chức cho anh hả? – Ngọc Phương tò mò.
-Ở tuổi anh đeo lon Đại Úy là đã nhanh lắm rồi, lên chức gì chứ, chắc có án gì đó thôi.
Đúng lúc này có tiếng chuông cửa vang lên, không hẹn mà gặp cả hai đều chau mày.
Nhà này vốn dĩ không chơi với lối xóm xung quanh bao giờ.
Thế mà hôm nay lại có người nhấn chuông gọi cửa.
Thật đúng là một sự lạ, Phục Thăng đứng dậy đi ra ngoài xem, Ngọc Phương cũng theo sau.
Ở ngoài cổng là một người đàn ông trung niên, mái tóc đen nhưng lông mày lại bạc trắng.
Trông thấy Phục Thăng đi ra, ông ta khẽ mỉm cười cúi đầu chào:
-Cậu Ba.
Ngọc Phương thấy Phục Thăng như khựng lại khi thấy người đàn ông ấy.
Trù trừ một lát, anh mới đi ra mở cổng cho người ấy đi vào.
Người đàn ông ngẩng đầu lên nhìn thấy Ngọc Phương thì ra vẻ ngạc nhiên trong thoáng chốc rồi lấy lại ngay phong thái điềm tĩnh hỏi Phục Thăng:
-Cậu Ba, cô đây là…?
Phục Thăng lãnh đạm đáp:
-Vào trong nhà đã.
Người đàn ông khẽ dạ một tiếng rồi theo hai người vào trong nhà.
Nhìn thấy trên bàn có thức ăn đang ăn dở, người đàn ông cười cười nói:
-Xin lỗi Cậu Ba, tôi đến đây không đúng lúc lắm.
Phục Thăng thản nhiên ngồi xuống bàn rồi đáp:
-Ông đến đây tìm tôi đã là không đúng rồi, nói gì đến việc có đúng lúc hay không.
Ngọc Phương thấy cách ông ta nói chuyện vô cùng lịch sự, lại cung kính với Phục Thăng nên đoán đây là người nhà của anh.
Cô liền mời ông ta:
-Ông cũng ngồi xuống dùng bữa với chúng tôi nhé.
Không ngờ Phục Thăng lại nói:
-Em cứ ngồi xuống ăn tiếp, mặc kệ ông ta.
Người đàn ông nghe lời phũ phàng như vậy lại tuyệt đối không tỏ ra buồn phiền.
Ông ta quay qua nói với Ngọc Phương:
-Mợ Ba cứ nghe lời Cậu, tôi đứng cũng không sao ạ.
-Ông muốn nói gì thì nói nhanh rồi biến khỏi đây cho tôi.
Không khí khá căng thẳng, Ngọc Phương khẽ gật đầu với ông ta rồi ngồi xuống bàn.
Người đàn ông chắp hai tay trước bụng, nhã nhặn nói:
-Thưa Cậu Ba, Cô Hai nói Lễ Giáng Sinh năm nay, phiền Cậu Ba về nhà ăn lễ với gia đình…
-Tôi không rảnh.
– Phục Thăng vừa ăn vừa đáp.
Người đàn ông nói tiếp:
-Bà ở nhà trông ngóng Cậu, phát sinh tâm bệnh, không thiết tha ăn uống…
-Chiêu này xưa rồi, Bà Nội còn diễn trò khác được không?
-Cô Hai vì không có Cậu ở nhà, việc dồn cả hai vai nên héo hon gầy mòn…!
Phục Thăng thản nhiên đáp:
-Chị Hai vốn dĩ ăn như mèo mửa, mập lên mới là chuyện lạ, vả lại việc ở nhà bao nhiêu năm nay chỉ cần xoay bàn tay là giải quyết xong, có gì mà nhiều với ít.
Người đàn ông cười cười nhìn Ngọc Phương:
-Mợ Ba nói giúp giùm tôi một tiếng được không?
Phục Thăng nổi giận:
-Đừng lôi cô ấy vào chuyện này, đã nói xong thì mời ông biến mất giùm.
Người đàn ông mặc kệ Phục Thăng, khẽ cười nói với Ngọc Phương:
-Tôi tên Đại, là quản gia của Cậu Ba, xin hỏi quý danh của Mợ Ba là gì ạ?
Ngọc Phương thấy thái độ trẻ con của Phục Thăng, cộng với sự điềm nhiên của ông Đại thì phì cười đáp:
-Tôi tên Ngọc Phương.
Ông Đại mỉm cười:
-Cậu Ba từ nhỏ đến lên tác phong nghiêm cẩn, vô cùng khó tính.
Tưởng như sắt đá, nhưng tục ngữ có câu nước chảy đá mòn.
Tôi tin Mợ Ba đây chính là dòng nước đó có thể làm cho Cậu thay đổi.
Xin Mợ Ba nói giúp giùm một tiếng.
Phục Thăng nổi điên, đập bàn khiến cho hai đôi đũa nằm yên trên bàn bay thẳng lên trời, quát lớn:
-Ông biến ngay đi.
Ngọc Phương dùng một tay bắt từng đôi đũa đang bay trên không, rồi đặt lại trên bàn.
Động tác cực kỳ nhanh gọn, trông như con rắn hổ mang phóng người bắt mồi.
Ông Đại không mảy may để ý đến thái độ của Phục Thăng, nhưng lại vô cùng chú ý đến thao tác vừa rồi của Ngọc Phương.
Ông ta mỉm cười:
-Chuyện đã nói tôi đã nói rồi, xin phép Cậu và Mợ, tôi đi liền ạ.
Noi xong ông ta khoanh tay trước bụng, cúi đầu rồi quay người đi ra ngoài.
Trước khi đóng cưat lại còn gật đầu chào thêm một cái.
-Không tiễn.
-Tạm biệt ông.
Phuc Thăng và Ngọc Phương cùng lên tiếng một lúc.
Ông Đại mỉm cười, khép cửa lại rồi đi mất.
Nhìn Phục Thăng bực bội ăn hết phần ăn sáng, Ngọc Phương khẽ cười:
-Sao anh gay gắt với gia đình mình quá vậy?
-Chuyện này khi nào rảnh, anh sẽ kể cho em nghe.
– Nói xong, Phục Thăng lấy khăn giấy lau miệng.
Ngọc Phương nói:
-Hèn chi em khi mới đến đồn cảnh sát, anh đã đặt ra qui định miễn tiếp người nhà.
Phục Thăng gật đầu:
-Họ phiền lắm, anh không muốn về nhà chút nào.
Ngọc Phương thở dài, đôi mắt buồn rười rượi:
-Dù gì anh cũng có gia đình và người thân, còn em thì….
Phục Thăng thấy cô buồn, trong lòng cũng có chút hối hận.
Dù sao theo như cô kể, anh cũng đoán được khi ở trong cái tổ chức Âm Binh gì đó thì có lẽ Ngọc Phương là một cô nhi.
Anh nắm lấy bàn tay của cô, nói khẽ:
-Từ giờ anh và em là một gia đình.
Bây giờ anh đi làm trước, chén dĩa cứ để ở bồn nước, chiều về anh sẽ rửa cho.
Ngọc Phương mỉm cười:
-Đã nói rồi, khi về ở với anh, trừ khi không thể, còn lại em sẽ làm hết việc nhà cho anh.
Anh đi làm đi.
Phục Thăng nhìn cô, không kềm lòng đặt được môi lên má cô hôn một cái rồi đứng dậy thay bộ cảnh phục để đi làm.
Lúc anh ra đến cửa, Ngọc Phương vẫn ngồi đó nhìn anh.
Thấy Phục Thăng vẫy tay chào tạm biệt mình, Ngọc Phương mỉm cười:
-Tạm biệt “gia đình” nhỏ của em, hẹn tối gặp lại.
Phục Thăng gật đầu rồi đóng cửa lại.
Tiếng xe máy xa dần rồi mất hút.