Người Đẹp Và Quái Vật

Chương 38: Part 38


Dịch: Liêu Lạc Hà Hy


Biên: Duẩn Duẩn


Margaret ngẩn người, cô ta quay đầu một cách đầy máy móc, nghi hoặc mà dò hỏi: “… Ngài Hearst?”


Erik đứng ở ngay lối vào của sảnh chính, chàng khoác một chiếc áo choàng xám tro dài đến tận đầu gối, phối cùng chiếc áo sơ mi đen và đôi giày da bò. Chàng không đeo mặt nạ, mái tóc chải phẳng phiu hất ngược về phía sau, phô bày một khuôn mặt tuấn tú nhưng ngập tràn tính chiếm hữu chỉ thuộc về mình Hearst. Cách ăn mặc rất đỗi bình thường, chẳng lấy gì làm đặc biệt ấy bỗng chốc lại biến những quý ông là lượt điểm trang kỹ càng bốn xung quanh trở thành phông nền cho sự xuất hiện của chàng.


“Đi thôi.” Bóng ma không mảy may nhìn Margaret lấy một lần, chàng bước thẳng về phía tôi, vòng tay ôm vai tôi: “Lần sau em cần phải suy nghĩ kỹ càng, không phải ai nói chuyện với em, em cũng phải đáp lại.”


Chẳng thể ngờ Bóng ma lại chủ động ôm tôi trước mặt bao nhiêu người như thế, tôi sững sờ tột độ, đôi chân còn chưa kịp điều chỉnh để bước đi cùng chàng, thì bấy giờ Margaret đã thất thố la lên: “Đứng lại, đứng lại đó! Hearst, xin ngài hãy nói rõ với em, lời ngài vừa nói lúc nãy có ý gì? Ngài nói rằng ả là vợ ngài… Sao có thể chứ? Người mà ngài thích không phải là em sao?”


Cô ta đột nhiên nhận thức được bản thân mình có phần hơi quá khích, bèn cúi đầu chỉnh đốn lại dáng vẻ ngay tức thì, sau đó mới ngẩng lên, bộ dạng nhỏ bé và yếu ớt của cô ta nom giống hệt một cành hồng sắp sửa rũ rượi, đổ gục trước cơn giông: “Có phải ngài đang hờn giận vì em hay qua lại với ngài Bá tước không? Có phải ngài đang trách móc em… trách em giữa ngài và quyền lực bạc vàng, em lại chọn quyền lực chứ không phải chọn ngài? Em có thể giải thích những chuyện này cho ngài hiểu. Em cầu xin ngài đấy, cầu xin ngài đừng dùng quan hệ mờ ám với người khác như thế để trừng phạt em.” Vừa dứt lời, cô ta không chịu được mà ngã khuỵu xuống đất, nước mắt rơi như mưa.


Một “đóa hoa” hạng sang chọn lựa một quý tộc có trong tay quyền lực và bạc vàng rủng rỉnh làm chỗ dựa, là một việc quá đỗi bình thường trong xã hội thượng lưu. Vì vậy, hầu như chẳng mấy ai lên án việc Margaret đi sớm về khuya với nhiều người như thế. Cô ta chỉ là một ca nữ không có chỗ dựa thân, Bá tước muốn cô ta làm tình nhân, lẽ nào cô ta dám hăm hở đứng dậy để phản kháng hay sao? Lại nói đến “Hearst”, trông thấy một cô nàng yếu mềm rệu rạo đổ gục trước mặt mình mà chàng vẫn dửng dưng và thờ ơ quái lạ, thậm chí đỡ người ta một cái chàng cũng chẳng buồn đỡ, quả tình có vẻ không lịch thiệp.


Nghe thấy những lời chỉ trích ầm ĩ của đám đông, tôi bỗng cảm thấy hơi tức giận, toan mở miệng bật lại vài câu thì Bóng ma đã giơ ngón trỏ ra, đặt lên môi tôi, ý bảo tôi không cần lên tiếng.Tôi thấy chàng quay đầu, lạnh lùng ngó Margaret. Ánh mắt lạnh lùng ấy trước giờ tôi chỉ thấy một lần, chính là lúc chàng sắp đưa tôi đi gặp Christine ở mê cung dưới lòng đất.


“Thứ nhất,” Bóng ma ngạo nghễ nhìn xuống, giọng điệu lạnh nhạt và mang vẻ phiền chán: “Trước giờ tôi chưa từng thích cô, cô qua lại với ai chẳng can sự đến tôi; thứ hai, Giry là vợ tôi, làm sao cô ấy hiểu được những ý nghĩa trong tác phẩm của tôi, đó là chuyện riêng của chúng tôi, không cần cô xen vào.”


Như thể bị hứng một phát tát ngay trước mặt đám đông, gương mặt Margaret đỏ rần, cả người cô ta run lẩy bẩy, vẻ mặt nom hết sức khó coi: “Không… không thể nào. Ngài đang trừng phạt em đúng không? Nếu như ngài không thích em, sao lại viết nhiều bản nhạc vì em? Lẽ nào không phải vì em không hát được âm thấp nên ngài mới xóa bỏ toàn bộ âm thấp trong các bản nhạc sao? “Lời tỏ tình âm thấp” mà trên báo viết lẽ nào chỉ là những tin đồn giả dối hay sao?”


“Không, bởi vì vợ tôi không hát được âm thấp.”


Câu nói này không khác gì một quả bom hạng nặng, “bùm” một tiếng đã làm nổ tung mạch máu trên mặt Margaret.


Nom bộ dạng của cô ta, đoan chắc rằng cô ta cũng đã tin lời của Bóng ma đến bảy tám phần, song không hiểu vì cớ gì cô ta vẫn khăng khăng cố chấp không chịu thừa nhận: “Không… em không tin! Em không tin! Một nhà phê bình âm nhạc từng nói rằng tất cả những ca khúc của ngài đều bắt đầu bằng chữ “M” khi được phiên ra ký hiệu Neume (*), điều này không phải đã chứng minh rằng ngài vì em nên mới…” Dường như cô ta đã nghĩ ra gì đó, đột nhiên ngẩng phắt đầu nhìn tôi.


(*) Neum (thuật ngữ âm nhạc) là một hệ thống ký hiệu dùng để phổ nhạc của phương Tây và phương Đông trước khi phát minh ra khuông nhạc (staff, stave)


Đúng vậy, ngoài tên cô ta ra, tên của tôi cũng bắt đầu bằng chữ “M”.


Đến mức này, cô ta cũng chỉ biết câm nín. Margaret bối rối há miệng, cả người cứng đờ lùi về sau hai bước. Trong mắt cô ta chất chứa đầy vẻ không cam lòng, nhìn xoáy sâu vào tôi. Và thoáng chốc, cô ta dùng lực đẩy thật mạnh đám người xung quanh, ôm váy chạy ra ngoài nhà hát rồi mất hút giữa đêm đen.


Trò hay đã kết thúc, đám đông xem náo nhiệt như một đàn chim vỡ tổ dần tản ra. Buổi vũ hội lại tiếp tục với bữa tiệc linh đình, bầu không khí náo nhiệt với những quý ông quý bà tỏa mùi hương nước hoa thơm phức.


Mặc dù tôi đã sớm đoán ra được nội dung trong những lời nói lúc nãy của Bóng ma, thế nhưng việc tôi đoán và việc chàng tự mình nói ra lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Tôi tự véo mình một cái, xác nhận chắc chắn rằng đây không phải là một giấc mơ. Cảm thấy tay nhói đau, tinh thần tôi mới bình tĩnh trở lại.


Tay chân tôi luống cuống không biết nên làm gì, nét mặt mù mờ như thể đang mộng du, còn Bóng ma vẫn tỏ ra bình tĩnh, chàng vỗ vào lưng tôi, ý bảo tôi hãy cứ thả lỏng: “Đừng nghĩ mấy chuyện ấy nữa. Cùng tôi đi gặp bà Clara.”


Bầu không khí mập mờ chớp mắt đã tan biến. Tôi ngẩn ra mấy chục giây mới phản ứng lại được: “Clara Schumann?”


“Ừm.”


Không thể trách tôi lại kinh ngạc đến thế, khi mà ở thời đại người con gái sau khi lấy chồng phải đổi sang họ chồng như thế này, thì chỉ có những người phụ nữ đạt được những thành tựu siêu việt hơn cả đức ông chồng mới có thể khiến cho người đời nhớ đến tên thật của mình. Clara chính là một trong những người như thế. Bà ấy là vợ của nhà soạn nhạc nổi tiếng kiêm nhà phê bình âm nhạc lừng danh Robert Schumann, nhưng thực lực lại không hề kém cạnh bất kỳ một nam nghệ sĩ dương cầm đương đại nào. Cũng giống như Margaret, một “đóa hoa” hạng sang dựa vào quyền thế và bạc vàng của Bá tước để kiếm danh, còn Clara lại là hàng thật giá thật, một bậc thầy về diễn tấu dương cầm được người đời ngưỡng vọng.


Một người phụ nữ tót vời nhường vậy đột nhiên lại muốn gặp tôi? Thấy tôi kinh ngạc đến nỗi trừng lớn hai mắt, Erik khẽ nở một nụ cười hiếm thấy: “Đừng lo lắng, bà ấy chỉ tò mò muốn biết em là người như thế nào thôi.”


Cũng đúng, danh tiếng của Clara coi như ngang hàng với Schumann, mà “Hearst” lại luôn được các nhà phê bình âm nhạc thổi phồng là “Schumann của nước Pháp”. Với tư cách là vợ cũng như người đại diện của Schumann, bà ấy chắc chắn sẽ đến để kiểm chứng Schumann của nước Pháp rốt cuộc có tài cán gì. Ngặt nỗi, tài năng về âm nhạc của Erik khẳng định là sánh ngang với Schumann, còn tôi thì không thể nào trở thành một Clara thứ hai được.


“Hãy cứ bình thường như mọi ngày, bà ấy là một người phụ nữ rất hiền hòa.”


Tôi lúng túng gật đầu.


Theo sau chàng hai bước, tôi chợt nghĩ đến việc kể từ sau khi Schumann qua đời vì bạo bệnh, Clara vẫn thường xuyên xuất hiện trên các tờ báo và tập san, thay vì bị sa sút vì cái chết của chồng, bà đã trở về với sự nghiệp diễn tấu dương cầm của mình, đi biểu diễn khắp nơi ở châu Âu và đưa danh tiếng của Schumann lên một tầm cao mới. Nhờ có sự quảng bá của bà, nhiều nhà phê bình âm nhạc đã bắt đầu ca ngợi không ngớt trí tưởng tượng đồ sộ trong những tác phẩm của Schumann, họ tán tụng tâm hồn âm nhạc nhạy cảm, đầy u uất của ông, không những thế, câu chuyện tình yêu vượt qua mọi định kiến cùng trở ngại của Schumann và Clara cũng đã trở thành một giai thoại đẹp đẽ trong giới âm nhạc.


Sau họ, chỉ cần là chuyện tình ái dính đến giới âm nhạc cũng có thể làm tăng gấp đôi doanh số bán hàng của các tòa soạn báo. Sự nổi tiếng của “Hearst” kể ra cũng có phần góp công của lực lượng cốt cán này, “Lời tỏ tình không âm trầm” cũng được mọi người biết đến vào thời điểm đó. Vở diễn “Kẻ hai mặt” vào tháng trước, sự xuất hiện của Bóng ma trong nhà hát, thực hư của hai thân phận khiến người ta khó lòng phân biệt ấy đã khiến cho danh tiếng của “Schumann của nước Pháp” ngày càng vang dội hơn. Phân tích theo tình huống hiện tại, việc Clara đến tìm “Hearst” chưa chắc đã là một chuyện hay, có thể bà ấy đến là để trách mắng chàng dám mượn danh Schumann để nổi tiếng.


Càng nghĩ tôi lại càng thấp thỏm, sải những bước trù trừ, do dự. Thế mà Erik lại chẳng có chút băn khoăn nào, chàng bước mấy bước dài tới bên cây đàn dương cầm hiệu Steinway. Đây là sự khăng khăng của bà Clara, nếu không phải là hiệu Steinway thì bà sẽ không đàn. Bà ấy bận một chiếc váy đen, đầu đội vải lưới, ngồi giữa đám đông đang vây quanh. Trước ánh mắt ngưỡng mộ, hoặc thán phục của mọi người, bà ấy dịu dàng mà mạnh mẽ lướt tay trên các phím đàn.


Một khúc nhạc đàn xong, tiếng vỗ tay rền vang như sấm. Clara mỉm cười từ chối khéo lời mời của một số người hâm mộ, đoạn quay đầu lại nhìn Erik.


“Xin lỗi vì đã để các vị đợi lâu.” Tuy đã hơn năm mươi nhưng phong thái quyến rũ của bà dám chắc ăn đứt một thiếu nữ xinh đẹp vừa đến độ mơn mởn: “Đây hẳn là thiên thần âm nhạc mà cậu đã nhắc đến trong bức thư? Ở Đức chúng tôi quen gọi là Muse – nàng thơ.”


Erik trả lời không chút do dự: “Đúng vậy, cô ấy là Muse của tôi.”


Hai người hàn huyên trong chốc lát. Tôi đứng ngơ ngác như gà gỗ, hóa ra hai người họ… đã quen biết nhau từ trước? Vậy lúc nãy tôi lo lắng để làm gì chứ?


Ngay lúc đó, Clara đột nhiên nhìn tôi và nói: “Lúc nãy tôi nghe phía bên kia có cô gái lớn tiếng ba hoa rằng Hearst và Bóng ma không thể là một người, tài năng của Bóng ma không đời nào sánh được với Hearst, mọi người xung quanh cũng tầm ngầm thừa nhận. Cô là vợ của Hearst, vậy mà trước sau lại không nói một lời, có phải cô cũng nghĩ rằng cô gái đó nói đúng?”


Bà ấy bất thình lình vặn hỏi làm tôi trở tay không kịp, hồi lâu sau, giống như một cô trò nhỏ bị giáo viên dạy dỗ, tôi lí nhí đáp lại: “Không, không phải vậy.”


“Vậy cô hãy cho tôi biết, cách nhìn của cô về Bóng ma?”


Erik chựng lại, và như lơ đễnh nói: “Cô ấy không hiểu rõ về âm nhạc, đến cả nhạc cụ cũng chẳng phân biệt được, sao bà phải làm khó cô ấy.”


Tôi bẻo lẻo, thầm lẩm bẩm một câu: “Bây giờ em đã phân biết được cả rồi.”


“Vậy à.” Chàng liếc tôi một cái: “Vậy xin hỏi, hai dây trầm, một dây tiêu (*) là loại nhạc cụ gì?”


(*) Nguyên văn 旋律弦 (Chanterelle): dây tiêu là dây có âm độ cao nhất trong nhạc cụ


Tôi: “…” Sao chàng phải làm khó tôi thế chứ.


Clara xua tay: “Đừng để ý đến cậu ấy, nhạc cụ như cậu miêu tả thì nhiều lắm. Cậu ấy giống hệt với chồng tôi, không chịu được khi vợ mình tài giỏi hơn mình thôi. Cô trả lời câu hỏi của tôi là được.”


Tôi cẩn thận nghĩ ngợi, đang định trình bày một cách rõ ràng, rành mạch thì Clara đột nhiên xoay người đối diện với cây đàn dương cầm: “Không cần vội, cứ từ từ suy nghĩ. Tôi cho cô thời gian một khúc nhạc.”


Tiếng nhạc vang lên, là một khúc trong tập “Paganini Etude”(*) do thiên tài Liszt biên soạn. Trong phút chốc, tiếng ù ù của phần vồ choáng ngợp vang lên không dứt bên tai tôi. Clara không quan tâm đến xung quanh, vòm vai gầy guộc của bà cong lên như chứa đầy sức mạnh, truyền đến cánh tay, cổ tay rồi ngón tay, hạ từng nốt từng nốt mạnh mẽ xuống phím đàn. Thân xác và tâm trí của bà đã hoàn toàn hòa nhập vào âm nhạc. Chẳng bao lâu sau, xung quanh cây đàn đã vây đầy khán giả, thế nhưng không có lấy một tiếng ồn ào nào, mọi người đều im lặng lắng nghe bà diễn tấu.


(*) Paganini Etude: Khúc luyện chính từ Paganini của Franz Liszt gồm 6 bài tập dành cho dương cầm. Tất cả sáu bài tập này đều dựa trên các giai điệu khác nhau của nhạc sĩ thiên tài Nicôlô Paganini dành cho vĩ cầm, vốn đòi hỏi nhiều kỹ thuật biểu diễn điêu luyện và có độ khó cao nhất, mà Franz Liszt chuyển thể cho dương cầm


Rõ ràng là cùng một người, tại sao người ngoài cứ chăm chăm xua đuổi Bóng ma trong khi tâng bốc Hearst hết lời? Đáp án của câu hỏi này có lẽ cả đời tôi cũng không tìm ra được. Cũng giống như Liszt, rõ ràng tài năng của ông đã vượt xa biết bao người đương thời, đàn dương cầm cũng được ông khai phá và tận dụng triệt để, thế mà vẫn có người cười nhạo ông chỉ là một kẻ tung hứng rẻ tiền trong gánh xiếc.


Nhưng có phải vậy không?


Clara không cần tôi phải lý giải những vấn đề phức tạp về âm nhạc, bà chỉ hỏi tôi cách nhìn về Bóng ma? Tôi có thể cho rằng chàng là người như thế nào được chứ?


Từ kiếp trước cho tới kiếp này, tôi vẫn luôn theo đuổi một người, người mà tôi luôn mong cầu nhưng không thể có được, chưa bao giờ là “Heast” anh tuấn, tài hoa, cũng chưa bao giờ một nhà âm nhạc nức tiếng xa gần nào, từ đầu đến cuối chỉ có một mình Bóng ma, người vẫn luôn ẩn nấp dưới lòng đất, bị người ta sợ hãi cùng chế nhạo.


Khúc nhạc đã gần đến đoạn kết, Clara ấn nhẹ cổ tay xuống, kết thúc bằng một chuỗi âm rung làm rung động lòng người. Âm nhạc du dương rồi im bặt, vẻ mặt của những người xung quanh vẫn chưa được thỏa mãn, khẩn nài Clara hãy đàn thêm khúc nữa. Bà ấy chẳng ừ hử gì cả, chỉ quay đầu nhìn tôi rồi dịu dàng hỏi khẽ: “Đã suy nghĩ xong chưa?”


Tôi gật đầu, cân nhắc một chút rồi khẽ đáp: “Khi ác quỷ xuất hiện, cũng là thời khắc con người bị phán xét. Trong các tác phẩm văn học sau “Faust”, hầu hết những tình tiết ác quỷ xuất hiện thường chỉ để thỏa mãn dục vọng ích kỷ của con người, dẫn dụ con người xuống địa ngục tăm tối nhằm thực hiện được mục đích phán xét bản chất của con người. Nhưng “Kẻ hai mặt” thì khác, ác quỷ trong vở kịch này do Eri… Hearst thủ vai, mục đích là để phán xét những người xem đạo đức giả bị mắc kẹt trong quan niệm cố chấp về hình tượng.”


Nói một đoạn dài dòng bằng chất giọng đầy mạnh mẽ như thế, cổ họng tôi khô khốc và ngứa ngáy, nhưng tôi cố nén tiếng ho khan và tiếp tục: “Trong “Kẻ hai mặt”, Hearst đã sử dụng rất nhiều cấu trúc âm nhạc quen thuộc của mình, lúc ấy, một quý tộc không hiểu gì về âm nhạc ngồi bên cạnh tôi cũng có thể nghe ra, ấy vậy mà những nhà phê bình lại chẳng phát hiện Bóng ma chính là bản thân chàng. Là họ không phân biệt được, hay là không dám thừa nhận một người có lai lịch không rõ ràng, không danh tính và cũng chẳng xuất thân như chàng có thể đạt được những thành tựu âm nhạc cao hơn họ gấp nhiều lần?”


“Còn về việc tôi có cách nhìn như thế nào về Bóng ma…” Nói đến đây, tôi dần kiên định hơn: “Chàng chính là Hearst, Hearst cũng chính là chàng. Cho dù người ngoài có chê bai chàng, có hiểu lầm chàng như thế nào, cho dù chàng dùng thân phận nào để đứng trước mặt tôi thì chàng vẫn luôn là chồng của tôi, và tôi vẫn yêu chàng tha thiết như thuở ban đầu.”


Một bên vai chợt nhói đau, là Bóng ma. Tôi quay đầu nhìn lại, khuôn mặt luôn mang nét hờ hững chẳng bao giờ có tí biểu cảm nào của chàng lờ mờ hiện lên vẻ kinh ngạc, ngỡ ngàng.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận