Vậy mà đó vẫn là sự thật đối với Toby.
Hai tiếng đồng hồ trước giờ sân khấu Palladium mở màn, mấy con phố quanh đó đều tắc nghẽn bởi dòng người xô đẩy, chen lấn, chờ đợi để được thấy mặt cặp vợ chồng nổi tiếng Toby và Jill, khiến cảnh sát đành phải ra tay dàn xếp để lấy lối cho các thành viên của Hoàng gia Anh tới dự.
Đúng tám giờ, Toby tươi cười bước ra sân khấu. Anh đã không phụ lòng chờ đợi của mọi người.
Vẫn bằng vẻ ngây thơ đến mức tội nghiệp, anh ngơ ngác hỏi tại sao một cường quốc như Anh lại được điều hành bởi một chính phủ mang nặng thói bảo thủ và những thói quen đài các rởm đến thế. Và tại sao cái chính phủ đó còn nhận điều hành thêm một quốc gia nữa ở châu Phi?
Những công dân Anh quốc ngồi xem, cả các thành viên Hoàng gia nữa, đều cười thoải mái, bởi ai cũng biết Toby Temple không ác ý hoặc ám chỉ gì ngoài mục đích hài hước của mình.
Toby luôn yêu mến khán giả.
Cũng như khán giả luôn yêu quý anh.
Đến Paris, họ được ngụ tại dinh thự của Tổng thống, đi lại có xe cảnh sát hụ còí dẫn đường. Báo chí, truyền hình liên tục in ảnh, đăng bài, phát sóng về họ và khi họ xuất hiện cảnh sát lại phải huy động thêm lực lượng để kiềm chế đám đông tràn tới nhìn ngắm, xin chữ ký, chạm tay vào họ và hạnh phúc thay cho kẻ nào giật được một thứ gì đó trên người họ, dù là vài ba sợi tóc của Jill hay chiếc khuy áo vét của Toby. Và ở đâu cũng vậy, đều không ngớt vang lên câu nói như một khẩu hiệu.
“Toby… chúng tôi yêu anh?” “Toby… chúng tôi muốn anh?”
Dù được cảnh sát gắng sức che chắn nhưng đã hơn một lần Toby và Jill suýt bị đám đông chen bẹp hoặc tách đôi họ ra. Toby vẫn chỉ cười còn Jill lại càng không sợ, bởi nàng coi đó là sự thể hiện ở mức độ cao lòng yêu quý và ngưỡng mộ của dân chúng với Toby, và với nàng. Chính nàng chứ không phải ai khác, đã trả Toby về cho họ và nàng xứng đáng nhận sự ngưỡng mộ cùng lòng kính trọng của họ dành cho.
Thủ đô cuối cùng trong chuyến lưu diễn châu Âu của họ là Moskva.
Tháng Sáu, thủ đô Liên bang Xô- viết thật đẹp, như trong một câu chuyện thần tiên. Đường phố tràn ngập dân sở tại và khách du lịch đi dạo tận hưởng cái không khí tuyệt vời của khoảnh khắc ấm áp nơi xứ lạnh này. Du lịch đang vào mùa. Khách nước ngoài đến Liên Xô đều do một công ty của Nhà nước đứng ra lo liệu, từ việc thuê khách sạn, việc đi lại đến việc tham quan… Riêng Toby và Jill được coi là khách đặc biệt nên cũng được hưởng những ưu đãi đặc biệt ở đẳng cấp chính phủ trong mọi tiếp đon, sinh hoạt. Yuri Romanovitch, một sĩ quan cấp tướng có chức vụ cao trong Đảng cầm quyền đến tận khách sạn chào mừng họ. “Liên Xô không nhập nhiều phim Mỹ để chiếu nhưng riêng những phim có ông đóng vai chính thì vẫn thường được chiếu tại đây. Người nước chúng tôi cho rằng siêu sao là sản phẩm chung của nhân loại. Riêng nó khóng có biên giới”.
Toby được sắp xếp biểu diễn ba đêm tại Bolshoi, nhà hát danh tiếng nhất Moskva. Đêm khai diễn, Jill như bị vùi trong những bó hoa tặng, bị vùi sâu hơn trong những tiếng vỗ tay và tiếng hô “Jill… Jill” tưởng không bao giờ dứt.
Xen giữa những đêm diễn là những cuộc tham quan do đích thân tướng Romanovitch tổ chức và hướng dẫn. Họ được đưa tới những nơi nổi tiếng cuả Moskva như công viên Gorky, nhà thờ Thánh Rasil, rạp xiếc Trung ương, được mời ăn món trứng cá vàng gọi tên là Zakushki, ngon nhất trong các loại trứng cá và loại patê Pashteet có vỏ cứng bọc ngoài, ngon chưa từng thấy.
Rồi lại tham quan bảo tàng nghệ thuật Pushkin, lăng Lênin và cửa hàng dành cho trẻ em Detski Mir. Họ được đưa tới những nơi mà phần lớn vẫn là bí mật đối với người dân Liên Xô bình thường. Phố Granovsko dường như chỉ có ô tô Volga và Chaika với lái xe riêng. Căn nhà với hàng chữ Xuất trình giấy phép đặc biệt mà bên trong là những đồ ăn nhập từ mọi quốc gia trên thế giới.
Phòng chiếu phim chỉ với vài hàng ghế dành riêng… Thật nhiều khám phá thú vị khi được có những hiểu biết về một nhà nước của nhân dân.
Đã đến ngày Toby diễn buổi cuối cùng. Buổi chiều, hai vợ chồng tính đi mua sắm chút quà lưu niệm. Toby bỗng bảo. “Em đi một mình được không? Anh chỉ muốn nằm nghỉ”.
Nàng sờ tay lên má chồng. “Anh không sao chứ?”
“Ngoài chút mệt mỏi, anh khoẻ hơn bao giờ hết. Em cứ đi mà nhét cả Moskva vào cái túi mua sắm của mình”. Anh cười trấn an, đẩy nàng về phía cửa ra vào.
Jill thoáng chút đắn đo. Toby có vẻ mệt mỏi thật, da hơi xanh. Về nước, nàng sẽ bắt anh nghỉ ngơi nhiều hơn, đầy đủ hơn.
° ° °
“Josephine!”
Dù có đang ngủ nàng cũng biết ai gọi mình. Thì ra, suốt đời, nàng vẫn chờ nghe tiếng gọi ấy. David Kenyon đang đi tới bên nàng, mỉm cười. “Anh rất mừng được gặp em”. Jill thấy nghẹn thở và tim như ngừng đập. David là người duy nhất khiến nàng có cảm giác ấy.
Họ ở cùng khách sạn, thì ra thế. David chỉ về phía quầy bar. “Mình uống với nhau ly gặp gỡ, được không em?”
“Vâng! Vâng! David”..
Mất vài phút họ mới chọn được chiếc bàn nằm ở một gớc yên tĩnh. Jill hỏi. “Anh đang làm gì ở đây vậy?”
“Chúng ta đang cần ký hợp đồng dầu lửa với họ, và anh được cử sang đây để làm việc đó”.
Người phục vụ dáng buồn ngủ mang đồ uống đến rồi bước vội đi như sợ bị kêu tiếp.
“Cissy khoẻ không?” Jill hỏi.
“Bọn anh ly dị đã vài năm”. David đáp rồi cố tình lái câu chuyện đi. “Anh không bỏ sót tin tức nào về em. Vì em, tất nhiên, và cũng vì từ nhỏ anh đã mê Toby. Anh mừng vì ông ấy qua khỏi. Thật may cho Toby đã gặp một phụ nữ như em”. Anh nói bằng cái giọng, cộng thêm ánh mắt, khiến Jill không thể không hiểu David vẫn rất muốn có nàng.
“Toby đã biểu diễn thật tuyệt ở London và Paris”. Anh nói.
Jill sửng sốt. “Anh đã có mặt ở cả hai nơi ấy?”.
David gật đầu, rồi nói thêm như giải thích. “Do công việc, Josephine ạ”.
“Sao không tìm em hoặc báo cho em?”
“Em và Toby đã như vậy, anh không muốn khuấy động gì nữa. Và cũng không biết em còn muốn gặp hoặc thậm chí muốn nghe gì đến anh”.
“Bao giờ anh cũng ở khách sạn Metropole này à?”
“Thỉnh thoảng. Nhưng đúng vào kỳ du lịch này, thú thực là vất vả lắm anh mới có được phòng, bởi anh biết có em ở đây. Theo dự định thì anh phải về Mỹ từ hôm kia, nhưng cứ nán lại vì hy vọng sẽ gặp được em”.
“Có chuyện gì, David?”
“Mọi chuyện đều đã qua, và đều đã muộn, nhưng anh vẫn muốn nói với em bởi anh nghĩ em có quyền được biết”.
Rồi bằng giọng buồn bã, anh kể cho nàng nghe tất cả từ chuyện Cissy và mẹ anh đã lừa anh thế nào để có được cái đám cưới David- Cissy, đến chuyện Cissy tự tử và cuối cùng là chuyện cái đêm anh hẹn nàng đến bên hồ nước. Jill nghe mà người cứ run lên từng cơn.
“Từng ấy năm tháng trôi qua, ngày tháng năm nào anh cũng yêu em. Tình yêu của anh duy nhất chỉ dành cho em!”.
Anh nói như trong cơn mê và nàng nghe mà như lên cơn sốt. Không gì hạnh phúc cho người đàn bà bằng nghe được câu nói ấy. Nhưng còn Toby?
Toby đã là một phần cơ thể, một phần xương thịt của nàng rồi…
Có tiếng chân nhà binh bước tới và liền đó tướng Romanovitch xuất hiện. “Bà Temple, chúng tôi tìm bà mãi”.
Jill nhìn David. “Gọi cho em nhé, bất cứ lúc nào”.
° ° °
Đêm diễn chia tay Moskva của Toby sẽ đi vào lịch sử nhà hát Bolshoi. Khán giả vỗ tay, giậm chân không chịu về. Toby phải ra cúi chào tới lần thứ ba, mỗi lần lại “biếu không” một chuyện cười khiến họ càng thích thú. Một tiệc lớn được dọn ra ngay sau buổi diễn nhưng Toby xin lỗi không thể tham dự vì thấy không được khoẻ. Anh nói nhỏ với Jill. “Em chịu khó thay anh nhé, hãy là bà chúa dạ tiệc này. Thật vui vào, anh về nằm nghỉ đây”.
Jill một mình đi dự tiệc song không hiểu sao nàng bỗng có cảm giác lúc nào cũng có David ở bên. Nàng nâng ly chúc tụng, nhận hoa tặng, ký tên, khiêu vũ… nhưng trong đầu thì cứ ong ong bởi những gì David Kenyon nói ra bằng giọng buồn buồn. “Cissy và mẹ anh đã lừa anh… Bọn anh ly dị đã vài năm… ngày tháng năm nào anh cũng yêu em. Tình yêu của anh duy nhất chỉ dành cho em…”.
Quá nửa đêm Jill mới về đến khách sạn. Nàng đẩy cửa phòng và thấy Toby nằm bất tỉnh trên sàn, tay vươn về máy điện thoại. Jill làm việc đó thay anh, gọi cấp cứu.
° ° °
Ba chuyên gia đầu ngành thần kinh của Liên Xô tới bệnh viện gần như cùng lúc với chiếc xe cấp cứu chở Toby đến. Ai cũng ngỏ lời chia sẻ với Jill trước khi bắt tay vào việc. Giám đốc bệnh viện đưa nàng vào phòng riêng của bà y tá trưởng ngồi chờ kết quả. Y như xem lại một bộ phim vậy. Paris hồi đó cũng khác gì đâu.
Vài giờ sau, mà Jill ngỡ dài như vài năm, cửa phòng bật mở, một người Nga mặc bộ đồ bệnh viện bước vào, chiếc khẩu trang lủng lẳng một bên tai.
“Tôi là giáo sư bác sỹ Durov”, ông ta tự giới thiệu, “tôi phụ trách ca chữa trị cho chồng bà”.
“Tôi muốn được biết hiện anh ấy ra sao, và tới đây sẽ thế nào?”.
“Bà Temple, xin bà cứ việc ngồi”.
Jill không rõ mình đứng đậy từ lúc nào nữa.
“Xin ông hãy nói hết ra. Tôi chịu đựng được”. “Chồng bà bị xuất huyết não. Còn hai cách gọi nữa: chảy máu não hay đứt mạch máu não. Rất nguy hiểm, thưa bà, và rất khó chưa. Nếu sống được điều này nói ra kể cũng hơi sớm, thì ông nhà cũng sẽ không thể đi lại hay nói năng được nữa, dù đầu óc vẫn hoàn toàn tỉnh táo”.
° ° °
David gọi đến vào hôm trước ngày Jill chia tay với Moskva. “Anh biết nói thế nào để em hiểu là anh rất lấy làm tiếc? Chỉ mong em tin là anh vẫn luôn bên em và chỉ cần một tiếng gọi từ em là anh sẽ lập tức có mặt. Hãy tin vậy Jill nhé”.
Đó là chiếc phao duy nhất nâng Jill lên, giữ cho nàng thăng bằng trước khi bước vào cơn ác mộng mới, dự báo sẽ khủng khiếp hơn nhiều lần cơn ác mộng đã từng đến với nàng.
Vẫn như một bộ phim xem lại; xe cứu thương từ khách sạn ra sân bay, cáng thương trên máy bay, rồi lại xe cứu thương từ sân bay về nhà và kết thúc là phòng người bệnh. Vẫn căn phòng ấy.
Cũng có điểm khác. Đó là nơi khởi đầu bi kịch.
Trước thì Paris, giờ là Moskva, song điểm đến thì vẫn chỉ một: Los Angeìes. Có lẽ từ nay sẽ chẳng còn điểm đến nào khác nữa, với Toby. Còn với nàng?
Một điểm khác nữa mà Jill không dám nghĩ đến, bởi khủng khiếp quá. Nàng biết điều đó từ Moskva, ngay khi được phép vào thăm Toby. Tim anh vẫn đập đều, mắt anh vẫn nhìn rõ, tai anh vẫn nghe tốt và các cơ quan chủ yếu như tiêu hoá, bài tiết… vẫn hoạt động không trở ngại gì. Trên những khía cạnh chủ yếu anh vẫn là cơ thể sống, song hoá ra lại là không. Anh vẫn chỉ là một cái xác biết thở và còn thở mà thôi. Anh nằm đó, bất động với các loại kim, các loại dây truyền các các chất cần thiết vào cơ thể để chứng tỏ anh còn sống.
Mặt anh méo, miệng anh mở hoác nom lúc nào cũng như đang cười, môi anh vếch lên trơ ra cả răng cùng lợi. “Tôi e sẽ không tìm ra nổi điều gì để nói cho bà hy vọng”. Ông bác sỹ Liên Xô chẳng bảo vậy rồi sao?
Bây giờ họ đang ở nhà mình. Jill đã gọi cho bác sỹ Kaplan. Ông ta gọi cho vài chuyên gia, họ lại gọi đến vài chuyên gia khác nữa, song tất cả đều chung một câu kết luận: xuất huyết não ở mức nghiêm trọng dẫn tới phá huỷ các trung khu thần kinh và hầu như không hồi phục được.
Lại có ba hộ lý trực cả ngày lẫn đêm, lại có bác sĩ vật lý trị liệu… song chỉ để người bệnh có cảm giác mình không bị bỏ rơi mà thôi.
Còn rất nhiều thứ để không như một bộ phim xem lại nữa. Lần này, cơ thể Toby xuất hiện rất nhiều chuyện lạ. Da dẻ mỗi ngày một vàng đi, xỉn lại. Đôi chân như không còn máu, không còn thịt, héo quắt và teo tóp. Gương mặt luôn thường trực nụ cười gớm ghiếc không cách gì làm tắt nổi. Tóc rụng từng túm làm lộ ra những mảng đầu trơ trụi.
Nhưng đôi mắt thì vẫn tinh anh, còn lanh lợi hơn cả lúc khoẻ mạnh là khác. Nó cứ bừng bừng thể hiện sức mạnh và nỗi tuyệt vọng của sức sống tinh thần mạnh mẽ đang bị cái xác vô dụng cầm tù Mỗi khi Jill bước vào, ánh mắt ấy lại hau háu, lại cuống quýt dõi theo với vẻ cầu xin lộ liễu. Anh cầu xin gì đây? Làm tình với nàng hay muốn nàng lại giúp anh đi lại, nói cười như lần trước?
Nàng thường lặng lẽ đứng nhìn anh với bao ngổn ngang ý nghĩ. Một phần cơ thể, một phần xương thịt của nàng đây, đang chịu đựng nỗi thống khổ của sự đau đớn và giam hãm. Họ đã từng là một tâm hồn trong hai cơ thể, nàng sẽ không tiếc gì nếu cứu được anh, và cũng là tự cứu mình.
Nhưng lần này thì nàng thua rồi. Thực sự thua rồi.
Chuông điện thoại lại leo không ngớt, hòm thư lại đầy ắp Vẫn chỉ là những lời nói, những dòng chữ thăm hỏi, cầu chúc. Nhưng cũng có một giọng nói khiến nàng rùng mình. “David của em đây. Anh chỉ muốn nhắc lại rằng anh vẫn bên em và sẵn sàng làm tất cả những gì em muốn”.
Hiện ngay lên trong nàng hình ảnh David đẹp trai, cao lớn, hết lòng yêu nàng bên cạnh người đàn ông tàn tạ, bất lực đang nằm kia. Và người ấy cũng yêu nàng không kém gì người khoẻ mạnh nọ. Nàng trả lời. “Cám ơn anh, David. Em vẫn tự nhắc mình là khi cần cứ gọi đến anh mà không phải ngại ngùng gì”.
“Anh có một vài bác sĩ giỏi ở Houston. Toàn cỡ nhất nhì thế giới. Anh lo được cho họ bay tới chỗ em”.
Jill nghẹn lời. Nàng chỉ muốn hét lên rằng chẳng cần ai hết, chỉ cần anh hãy đến với em, hãy đưa em đi khỏi nơi này.. nhưng Jill cũng biết, dù anh có đề nghị vậy nàng cũng không thể gật đầu. Bởi nàng đâu bỏ mặc Toby được. Nàng sẽ mãi mãi bị ràng buộc với anh.
Chừng nào anh còn sống.
° ° °
Bác sỹ Kaplan đã hoàn thành cuộc tổng kiểm tra cho Toby. Khi ông bước ra ngoài hiên, nơi Jill đang uống cà phê, nàng ngước nhìn ông với vẻ chờ đợi mà không biết mình đang chờ đợi cái gì.
Ông vụng về với vẻ pha trò cố ý. “Tôi có tin vui và tin không vui cho cô đây, Jill”.
“Hãy nói tin buồn trước”.
“Có thể thông báo chính thức với cô, hệ thống thần kinh của Toby hỏng hẳn rồi, không còn cách nào cứu chữa nổi nữa. Vĩnh viễn Toby không thể đi đứng, nói cười”.
Nàng đăm đăm nhìn ông bác sỹ. “Còn tin ông cho là vui?”.
Kaplan cười. Bây giờ thì dễ nói rồi. “Nếu được hưởng một sự chăm sóc chu đáo, Toby có thể sống tới hai chục năm nữa là ít. Tim còn khoẻ lắm”.
Jill mong là mình nghe lầm mặc dù nàng biết bác sỹ Kaplan nói chính xác như vậy. Hai mươi năm? Tin mừng? Nàng bỗng hình dung mình ngồi ăn bên cạnh cái xác biết thở, mình ngủ bên cạnh cái túi da người mà bên trong lủng củng những xương xẩu cùng tim gan phèo phổi. Hơn cả ác mộng, bởi nàng không có cơ hội tỉnh dậy để cơn ác mộng biến đi. Nàng không thể ly dị Toby, bởi nàng đã từng là nữ anh hùng khi cứu sống anh và đám đông từng ngưỡng mộ nàng sẽ thấy mình bị nàng phản bội. Họ không thể chấp nhận điều đó.
Bây giờ ngày nào David cũng gọi cho nàng, hết lời ca ngợi lòng chung thuỷ, lòng dũng cảm, sự xả thân vì người khác của nàng. Bây giờ họ đều đã biết họ vẫn yêu nhau, vẫn muốn sống cùng nhau, như cái lần đầu tiên họ ở tròng nhau, bên hồ nước ấy.
Chỉ còn một điều chưa ai nói ra: Khi Toby chết…