Đại uý Winters trạc ngoài ba mươi, da rám nắng, mặt mũi nom vẻ thông minh và dễ gần. “Binh nhì Temple, có chuyện gì cần nói?” Sam hỏi.
“Tôi là diễn viên sân khấu”, Toby không vòng vo. “Đó là công việc của tôi trước khi đăng lính”.
“Nói chính xác thì anh làm gì?”. Sam hỏi lại, mỉm cười trước vẻ ngây thơ của Toby.
“Nhiều lắm, kể không hết, biểu diễn mọi trò cho người xem cười. Nào bắt chước ai đó, nào xuyên tạc lời bài hát, nào bịa chuyện vui… Đại khái vậy”.
“Anh biểu diễn ở nhà hát nào?”
Toby ngập ngừng. Đại uý chắc chỉ quan tâm đến những sân khấu lớn, còn hệ thống nhà vệ sinh ư?. “Những nơi mà ngài chưa bao giờ được nghe nói đến”. Cuối cùng anh chán nản đáp, biết là mình chỉ phí công thôi.
Nhưng đại uý không mắng, cũng không xua anh đi, chỉ nói với vẻ nghiêm túc, anh hy vọng là vậy. “Tôi không có quyền quyết định nhưng tôi sẽ nhớ và sẽ cố gắng xem có thể làm gì cho anh”.
“Cảm ơn đại uý”. Anh đứng nghiêm chào rồi quay người bước đi.
Toby không ngờ đã để lại ấn tượng trong Sam Winters, khiến anh bần thần nghĩ ngợi rất lâu. Sam nhập ngũ vì thấy mình cần phải như thế, phải góp phần làm cho cuộc chiến này sớm chấm dứt, và hơn nữa, ngăn chặn các cuộc chiến tiếp theo, để ít nhất, những chàng trai như binh nhì Temple đây được đứng trên sân khấu như anh ta mơ ước. Sam thông cảm ngay được với tâm hồn nghệ sĩ của Toby vì trước khi đăng lính anh là một chủ nhiệm phim ở hướng Hollywood, còn có kiểu nghệ sĩ nào mà anh chưa gặp gỡ, chưa tiếp xúc, thậm chí đã chứng kiến không ít những chàng trai say nghề như Temple đến rồi đi, song không chịu nản lòng, vẫn muốn thử vận may lần nữa, rồi lại thêm lần nữa… Anh nói lại với đại tá Beech về Toby, giọng hào hứng, yêu cầu ông xem có cách nào tạo cho Toby một cơ hội. Đại tá nghe, gật gù, hứa xem xét nhưng trong đầu đã lập tức gạt phăng. Với ông, lính, trước tiên phải là lính đã.
Đồng đội nhớ bố mẹ, nhớ vợ, nhớ người yêu…riêng Toby nhớ khán giả, nhớ đến quay quắt, tưởng đến không chịu nổi. Anh diễn trò ở mọi nơi mọi lúc, dù người xem chỉ là hai tay binh nhì cùng ca gác nơi xó rừng hoặc gã trông nom kho thực phẩm. Không sao hết, anh vẫn diễn hăng say như trước ngàn khán giả. Có lần, đại uý Winters đứng lẫn trong đám người xem, sau đó bảo riêng với Toby. “Tiếc là không giúp được anh, Temple. Tôi nghĩ anh có tài đấy. Chiến tranh kết thúc, nếu có dịp ghé ngang Hollywood, hãy nhớ đến tìm tôi”. Rồi như nhớ ra, anh cười, nói thêm “Tất nhiên, tôi phải còn sống và còn làm việc ở đó”.
Mấy hôm sau, đơn vị Toby được điều ra mặt trận.
Chiến tranh kết thúc, đọng lại trong ký ức Toby không phải là cảnh đổ nát hay chết chóc, cũng không phải những thành phố bị chiếm đóng hay giải phóng, mà đơn giản anh nhớ nhất chỉ là anh ở đâu, với ai và đã diễn trò gì. Anh nhớ ở Saint- Lo mình đã thành công rực rỡ thế nào trước đám đông tụ tập ở quảng trường khi bắt chước điệu bộ Bing Grossby. Tại Aachen, anh kể chuyện vui, làm nhiều điệu bộ lố bịch hàng mấy tiếng liền trước các thương bệnh binh, có người cười đến nỗi vết khâu bật cả chỉ ra. Còn tại Metz, người ta lao xuống hầm trú ẩn khi máy bay Đức ập đến, nhưng bắt cả Toby theo, và anh phải diễn dưới ánh đèn leo lét trong hầm. Còn ở Cherbourg trên đất Pháp mới hay; Toby cùng đám bạn đi chơi điếm, và trong khi bạn anh đã lên gác hành sự thì anh vẫn loay hoay diễn trò cho ba mẹ con bà chủ xem. Họ cười lăn lộn và kết quả anh được dành cho cô điếm đẹp nhất, khoé cả tay lẫn miệng nhất, mà lại không phải trả đồng nào.
Thế chiến thứ Hai với Toby là vậy đó. Anh ra khỏi nó khi vừa bước vào tuổi hai nhăm, nhưng vẻ ngoài chẳng thay đổi là bao, khuôn mặt vẫn nguyên vẻ ngây thơ dễ thương còn đôi mắt vẫn ánh màu xanh biếc ấy. Ai nấy đều hồi hương với bao hy vọng tràn trề, bao đợi chờ khắc khoải. Anh thì chẳng gì hết ngoài Tiếng Tăm.
Toby không ngần ngại chọn Hollywood. Đến bao giờ Chúa mới thực hiện lời hứa với anh? Mẹ đã chắc chắn rồi mà.
“Chúa khinh ghét những kẻ gây tội lỗi mà không biết sám hối. Chúa đã giận thì hệt như cây cung đã giương và mũi tên lửa nằm trên đó đang hướng vào con tim đen tối của các ngươi và đang sẵn sàng lao tới theo ý Chúa. Hãy ngước cầu xin Ngài trước khi quá muộn”.
Lời mục sư như những nhát búa nện thẳng vào đầu đứa bé sáu tuổi Josephine. Nó ngước lên, hoảng sợ như nhìn thấy mũi tên lửa đang vùn vụt lao tới, và bám chặt lấy tay mẹ. Không hề để ý tới con, bà Czinski đang phấn khích gào lên theo đám đông, “Lạy Chúa lòng lành!”. Mặt mũi bà đỏ bừng, mắt sáng quắc, long lanh.
Căn lều lớn ở bên ngoài Odessa là nơi thường diễn ra những buổi rao giảng của các mục sư thuộc đủ các loại đạo giáo, từ chính thống tới Do thái, Tân giáo, Tin lành…nhưng thảy đều giống nhau về ngày Phục sinh của Chúa và về kiếp đọa đầy nơi địa ngục với những kẻ tội lỗi mà không chịu sám hối, không chịu theo chính bỏ tà. Mẹ con nhà Czinski dự không sót buổi nào.
“Những kẻ tội đồ đáng thương kia, hãy quỳ và sợ hãi trước đấng Jehovah chí tôn chí thánh. Trái tim Người vỡ nát vì tội lỗi của các ngươi. Chỉ cần nhìn ánh mắt lũ trẻ trong căn lều này đã thấy biết bao là dục vọng tội lỗi”.
Josephine cúi đầu nhắm nghiền mắt lại, tưởng như mọi ánh mắt đều đang hướng về mình. Bây giờ thì nó biết, khi đau đầu chính là nó đang bị Chúa trừng phạt. Nó chăm chỉ cầu nguyện, để đầu không đau nữa, và nhất là để biết đã được Chúa tha thứ. Nó cũng cầu mong Chúa hãy cho biết nó đã phạm phải điều tồi tệ gì để đầu nó đau ghê gớm như vậy.
“Rượu và máu, thuốc thú là hơi thở và gian dâm là khoái lạc…cả ba thứ trên đều là sự hưởng thụ của loài quỷ dữ. Dính líu tới những thứ đó chính là các ngươi đã giao du với sa tăng, để rồi sẽ bị đày đoạ muôn đời nơi địa ngục”.
Josephine nép sát hơn vào mẹ, ghì chặt mình hơn xuống ghế. Cô bé sợ quỷ dữ bắt đi, sợ bị thả vào vạc dầu. Đám đông ngân nga.”Con muốn được tới Thiên đàng, nơi yên nghỉ con hằng mong ước”. Vậy mà Josephine đầu óc thế nào lại hát nhầm thành “Con muốn đến Thiên đàng trong chiếc váy đẹp của con”.
Một năm sau khi Thế chiến thứ Hai chấm dứt, thị trấn không mấy tên tuổi Odessa bang Texas bỗng sực lên mùi vị mới. Thay cho mùi gió cát sa mạc ngự trị trước cả khi Odessa ra đời, nay là mùi dầu. Cái mùi cả loài người thèm khát.
Cái mùi này rất nhanh chia xã hội con người ra thành các giai tầng khác nhau. Odessa cũng không ngoại lệ, song ở đây đơn giản chỉ là hai loại: những người có dầu và những người còn lại. Mới nghe đã thấy sự xa cách lớn dường nào rồi. Những người còn lại thua kém những người có dầu về mọi mặt, từ tiền bạc, của cải, sự học hành đến địa vị xã hội…bù lại, họ nhận được vô vàn lòng thương hại ở lớp người mà họ thua kém.
Josephine Czinski còn quá nhỏ để không biết là mình thuộc về nhóm những người còn lại. Cô bé sung sướng vì luôn nhận được lời khen của người lớn khi họ nhìn vao gương mặt trái xoan xinh xắn, đôi mắt nâu thăm thẳm và mái tóc đen của cô.
Czinski rất khéo tay, giỏi nghề là khác. Và rất nhiều các bà các cô của tầng lớp những người có dầu vẫn thích váy áo của họ do bà may cắt chứ không phải do những tiệm may sang trọng, đắt tiền. Có thể đó là tín nhiệm song cũng có thể do thói quen từ những ngày họ chưa có dầu lửa. Khi đem trả váy áo, Czinski thường mang con gái theo và cô bé rất được ác bà vợ, cô con ông chủ tán thưởng bởi vì cô thật dễ coi và cũng thật dễ thương, và cũng bởi vì các bà vợ cũng như cô con ông chủ đều thích thiên hạ nghĩ về mình như một gương mặt dân chủ, bác ái, độ lượng. Họ cho phép Josephine, một cô gái gốc lai, nhà lại nghèo, được phép nô nghịch, được phép chơi chung đồ chơi, sử dụng chung đồ tập luyện với con cái họ. Vậy là bỗng dưng Josephine sống cuộc sống hai mặt, một là nghèo khổ và đơn điệu, một là xa hoa và phong phú. Nếu được phép ở qua đêm tại nhà Cissy Topping hay Lundy Ferguson, cô sẽ có riêng một phòng ngủ thênh thang, mùa hè mát rượi và mùa đông, tất nhiên, ấm áp. Bữa sáng của cô sẽ do người hầu mang tới tận giường. Nhưng ở những nơi đó, thường cô không ngủ được trọn giấc, bởi cô thích thức dậy lúc nửa đêm, khi tất cả đã say ngủ, và được một mình thơ thẩn xuống nhà, say sưa ngắm các đồ vật lộng lẫy bày biện ở đó, những bức tranh quý treo trên tường. Cô chạm tay vào chúng, vuốt ve chúng, thậm chí ôm vào lòng, tự nhủ rồi sẽ có ngày ngôi nhà và các đồ vật tương tự thế này sẽ thuộc về cô.
Nhưng với cả hai cuộc sống ấy, Josephine vẫn thấy cô đơn. Cô bé không dám tỏ bày với ai về những cơn đau đầu của mình. Mẹ thì đã sùng đạo tới mức cuồng tín, sẵn sàng và thậm chí vui mừng nhận sự trừng phạt của Chúa. Còn với bạn bè, kể cả giàu lẫn nghèo, cô đều sợ chúng chế giễu hoặc lảng tránh. Vì vậy cô càng thêm đau đầu, càng thêm khiếp sợ Chúa.
Năm Josephine bảy tuổi, một cửa hàng lớn của thị trấn bỗng tổ chức ra cuộc thi Bé gái xinh nhất Odesa, em nào tham dự thì được chụp ảnh tại cửa hàng, còn giải thưởng sẽ là chiếc cúp vàng có khắc tên thí sinh đoạt giải nhất. Hàng ngày Josephine đều lượn qua cửa hàng để ngắm nghía chiếc cúp bày trong tủ kính một cách thèm thuồng. Bà Czinski không cho con gái tham gia với lý do đó là trò chơi của quỷ dữ. Nhưng một bà chủ không có con gái lâu nay vẫn yêu quý Josephine đã đứng ra bảo trợ cho cô, và sau khi chụp ảnh, không hiểu sao cô cứ đinh ninh mình sẽ đoạt giải, tức là chiếc cúp đẹp đẽ kia sẽ thuộc về mình.
Nhưng rồi cúp vàng lại rơi vào tay Tina. Nó làm sao xinh xắn bằng Josephine, mọi người đều biết thế, và chính Josephine cũng biết thế; nhưng bố Tina là ông chủ dầu và cái nhất, ông lại nằm trong Ban giám đốc của chính cái cửa hàng tổ chức ra cuộc thi.
Chưa bao giờ Josephine lại đau đầu đến vậy.
Vài ngày sau, Tina mời Josephine đến nhà chơi cuối tuần. Cô bé ngồi lỳ trong phòng Tina ngắm nghía rất lâu chiếc cúp, và khi ra về, giấu béng nó trong túi quần áo mang theo.
Bị bà Czinski cho một trận đòn nhớ đời song Josephine không hề giận mẹ. Cô đã đạt nguyện vọng sở hữư chiếc cúp, dù chỉ trong vài ba chục phút.