Khi Thiệu Huyền dẫn bốn đứa trẻ quay về hang thì chú Cách phụ trách vận chuyển lương thực đã đến, nhưng do không thấy Thiệu Huyền nên vẫn đứng chờ bên ngoài.
Bọn trẻ trong hang đã hình thành nên một chiếc đồng hồ sinh học, mỗi ngày ngủ đến giờ này là tự động tỉnh dậy, hơn nữa còn rất tỉnh táo để chuẩn bị lát nữa có sức tranh giành thức ăn. Nhưng do Thiệu Huyền không có mặt, chú Cách không phát thức ăn, bọn chúng lại đói, chờ mãi chờ mãi bắt đầu cảm thấy bực bội, có hai đứa trẻ chỉ vì va chạm nhẹ mà đã ẩu đả, đánh nhau đến chảy máu mũi.
Cách kiên nhẫn ngồi chờ trên cái vại đá đựng thức ăn, không quan tâm đến tranh chấp của bọn trẻ, cũng không để cho chúng đến gần cái vại.
Hai mươi đứa trẻ vây xung quanh cái vại đá nhưng không đứa nào dám đến gần, vì đến gần sẽ bị chú Cách đạp cho, lại còn giảm bớt khẩu phần ăn, cho nên chúng tuyệt đối không dám.
Cách đang ngồi phía trên cái vại đá ngắm nhìn bầu trời, không biết đang nghĩ gì, đột nhiên phát hiện ra động tĩnh liền nhìn ra xa, phát hiện ra có năm đứa trẻ và một con sói đi đến, đứa trẻ đi đầu chính là “động chủ” Thiệu Huyền vừa mới nhậm chức.
Nhưng ngay khi Cách nhìn thấy thứ mà mấy đứa trẻ đang vác thì mắt cứ trợn tròn, suýt nữa kích động đến mức rơi vào cái vại đá.
Còn chưa đợi bọn Thiệu Huyền đến gần, Cách đã không kiềm chế được mà nhảy xuống khỏi cái vại rồi đi đến, nhưng mới đi được một chút thì vội quay lại, vác cả cái vại đá đi cùng. Nếu để cái vại lại đó, bọn oắt con trong hang chắc chắn sẽ làm loạn lên rồi tranh giành thức ăn.
“Đây đây đây… đây là… cá sao?” Cách chỉ vào con cá Thiệu Huyền đang xách rồi hỏi.
Nhiều năm trước, do các sự cố bên sông nên Cách cũng đã từng nhìn thấy sinh vật dưới nước này, nhưng vì tộc trưởng không cho phép mọi người xuống nước nữa nên anh ta cũng không còn thấy cá nữa, không ngờ hôm nay lại nhìn thấy ở đây.
“Làm sao bắt được thế?” Nếu chỉ dựa vào may mắn thì không thể bắt được nhiều thế này, một con đã khó bắt rồi kia mà, không lẽ ở bờ sông xảy ra hiện tượng lạ gì đó khiến cá chết hàng loạt rồi dạt vào bờ sao? Cũng không đúng, bờ sông có người canh gác mà, nếu có chuyện thì họ đã về báo rồi, hơn nữa, mấy con cá mà bọn trẻ này vác về trên mình còn có đầy dấu vết bị gậy đánh.
Phù…
Nhìn thấy cái miệng và hàm răng sắc nhọn của con cá, Cách không khỏi thở một tiếng thán phục, anh ta là một thợ săn có kinh nghiệm phong phú, có thể dựa vào vẻ ngoài của sinh vật này để đoán được cách tấn công và tính cách của nó, đây rõ ràng là một con vật có sức sát thương cao, ngay cả các chiến sĩ tô-tem khỏe mạnh cũng không muốn đối đầu với sinh vật này. Thế nên anh ta nghĩ mãi không hiểu, bọn trẻ con yếu ớt còn chưa thức tỉnh lực tô-tem này sao có thể bắt được cá chứ?
Hai đứa trẻ lớn tuổi đi theo Thiệu Huyền không kiềm chế được, vội kể lại cho Cách nghe về “chiến dịch săn bắt” của bọn chúng hôm nay bằng vẻ mặt tự đắc, khoe khoang về sự anh dũng của chúng. Việc có thể thể hiện năng lực bản thân trước mặt một chiến sĩ trưởng thành sẽ rất có ích cho việc xin gia nhập đội săn sau này, là một việc mà bọn trẻ trong bộ lạc rất thích.
Hai đứa trẻ này kể lại lung tung không rõ ràng, nhưng Cách với kinh nghiệm đi săn phong phú có thể dựa vào lời nói của chúng để liên tưởng ra khá nhiều. Sau khi nhìn Thiệu Huyền bằng ánh mắt khó hiểu, Cách phẩy tay: “Chia thức ăn trước đã.”
Bọn trẻ trong hang nhìn thấy bọn Thiệu Huyền vác cá về liền lập tức vây lại, còn bên này, ngoài Thiệu Huyền ra thì bốn đứa trẻ còn lại đứa nào cũng trở nên phòng bị, ngay cả gương mặt của thằng bé lắp bắp cũng trở nên hung tợn, một tay giấu con cá bị buộc dây ra đằng sau, tay còn lại giơ gậy lên, ai dám đến cướp thì nó sẽ liều mạng với người ấy!
Con cá của Thiệu Huyền đã có Caesar canh chừng nên bọn trẻ không dám cướp, chúng đành phải nhắm vào bốn đứa còn lại, cũng may đang là lúc chia thức ăn nên sự chú ý của chúng hơi phân tán một chút.
Tuy là lần đầu phụ trách việc phân chia thức ăn, nhưng Thiệu Huyền đã từng nhìn cách làm của Khố nên chẳng mấy chốc mà quen tay, ngay cả bốn đứa trẻ đang canh giữ con cá đứng bên kia cũng vẫn được chừa phần lại.
Cách đứng một bên vừa quan sát Thiệu Huyền phân chia hết thức ăn vừa nhìn con cá của Thiệu Huyền, lúc vác cái vại lên lại nhìn con cá, đi được vài bước lại nhìn con cá, cuối cùng đành phải miễn cưỡng bỏ đi. Cũng giống như hai chiến sĩ canh gác bên bờ sông, Cách không phải vì muốn ăn mà vì cảm thấy tò mò với con cá thôi.
Nhưng đáng tiếc là Thiệu Huyền không đưa con cá cho anh ta xem, ai bảo khi không lại bắt tôi làm chủ hang mà không giải thích nguyên nhân chứ?
Người trong bộ lạc chưa ai đặt tên cho loài cá này, nên Thiệu Huyền bèn gọi chúng là cá ăn thịt người.
Thiệu Huyền từ lâu đã để ý phía trên hang động có một vài dụng cụ dùng để treo móc, không biết đã bao nhiêu năm không sử dụng rồi. Thiệu Huyền trước tiên thử treo con cá của mình lên đó, cũng không thấy cái móc câu đá đó bị nứt gãy gì.
Nhìn thấy Thiệu Huyền làm như thế, bốn đứa trẻ còn lại cũng nhờ anh giúp chúng treo con cá lên, bọn chúng không thể một mình ăn hết con cá to như thế, cũng không muốn chia cho người khác, còn cần phải đề phòng bị kẻ khác cướp mất, thế nên việc treo lên chính là cách tốt nhất.
Sợi thừng cỏ được buộc lên tường, bốn đứa trẻ đều trông chừng sợi dây, đồ của mình thì cần phải giữ cho thật cẩn thận.
Nhìn thấy bốn người bọn lắp bắp có được con cá to như thế, mấy đứa trẻ còn lại trong hang cũng không khỏi suy nghĩ, chúng hối hận vì ban sáng đã không đi theo.
Đã có sự so sánh, nên Thiệu Huyền muốn nhân cơ hội này để dạy cho bọn oắt con này một tư tưởng: “Đi theo tôi sẽ có thịt ăn”.
Ngày mai cũng muốn đi theo ư? Được, nhưng mà…
“Mọi người phải nghe lời của tôi.” Thiệu Huyền nói.
Muốn bọn trẻ trong hang nghe lời là chuyện không dễ. Hôm nay đánh, ngày mai đánh, ngày kia đánh tiếp, cũng vô dụng thôi, rất nhiều đứa trẻ trong bộ lạc này đều chịu đòn giỏi, tính tình lì lợm, lại còn thù dai, lần này mi đánh chúng lăn ra đất, lần sau chúng sẽ dùng đúng cách ấy để cướp của mi. Cho dù có người chủ hang tiền nhiệm là Khố có mặt thì chúng cũng chưa hẳn đã phục, cho nên số người bị Khố đánh không ít, Thiệu Huyền đã nhìn thấy mấy lần, chúng bị đánh rất nặng, dưỡng thương hơn mười ngày mới động đậy lại được.
Nhưng bây giờ, Thiệu Huyền chỉ cần nói một câu “Đi theo tôi sẽ có thịt ăn” là đã có thể khiến cho bọn chúng chịu nghe lời răm rắp rồi.
Ngày hôm sau, Thiệu Huyền trước tiên sai đám trẻ đi bện dây cỏ.
Vào mùa này, cỏ dùng để gia công thành dây thừng cỏ rất nhiều, nguyên liệu thì dễ tìm, nhưng việc bện dây thì không phải đứa nào cũng biết làm, đa số bọn trẻ trong hang đều không biết, có vài đứa đã từng học được từ cha mẹ, nhưng sau khi cha mẹ qua đời thì chúng không làm nữa.
Trong hang vốn có hai mươi bảy đứa trẻ, nhưng người quản lý trước đây là Khố đã bỏ đi, còn một đứa trẻ ít nói nữa cũng không thường xuyên có mặt trong hang, nên hiện giờ trong hang có vừa đúng hai mươi lăm đứa, chia thành năm nhóm, mỗi nhóm năm người. Trong đó trong mỗi nhóm đều có người biết bện dây, sau đó Thiệu Huyền dạy cho chúng biết phân công hợp tác, ai sẽ đi nhặt cỏ, ai sẽ phụ trách bện, ai sẽ đi bắt sâu đá…
Nhưng bọn trẻ này có vẻ không thích hợp tác, trong cùng một nhóm mà vẫn xảy ra ẩu đả, chỉ vì một cọng cỏ mà cũng đánh nhau.
Thiệu Huyền sau khi bước qua giải quyết mâu thuẫn xong thì suy nghĩ một lát rồi đổi cách nói: “Bây giờ mỗi một nhóm chính là một đội săn, đây chính là đội săn của riêng mọi người!”
Là đội săn đấy…
Hơn hai mươi đứa trẻ vừa nghe đến hai chữ “Đội săn” thì lập tức lên tinh thần.
Trong lòng của bọn trẻ bộ lạc thì đội săn là một từ vô cùng cao quý rực rỡ, chỉ có chiến sĩ đã thức tỉnh lực tô-tem mới được gia nhập.
Gia nhập đội săn đồng nghĩa với việc có rất nhiều thức ăn.
Không ngờ giờ đây chúng đã có thể gia nhập đội săn, có thể bắt đầu đi săn ngay rồi! Nghĩ thôi cũng đã thấy kích động!
Thiệu Huyền quan sát bọn trẻ rồi nói: “Được rồi, giờ ai không muốn cùng hành động, không chịu nghe lời chỉ huy, thích ẩu đả đánh nhau thì đứng ra!”
Không đứa nào động đậy.
Những đứa đứng hàng đầu nhìn sang hai bên, thấy mình có vẻ lộ liễu quá, liền vội vàng lùi lại ra sau, sợ bị tưởng nhầm là muốn bỏ đi.
Còn thằng bé lúc nãy mới đánh đồng đội của mình gãy một cái răng giờ đây đứng rất nghiêm túc và ngoan ngoãn, không hề có chút nào thể hiện ta là kẻ “thích ẩu đả đánh nhau”.
“Được, nếu đã không có ai bỏ đi thì tất cả xuất phát, đã nói rồi, mọi việc phải nghe theo tôi chỉ huy, nếu ai không nghe, tự ý hành động thì mau cút khỏi đội săn cho tôi!”
Biết rõ mấy đứa trẻ này sợ cái gì nên Thiệu Huyền cứ liên tục lấy từ “đội săn” ra để uy hiếp chúng. Bọn trẻ này tính cách không tốt, nhưng cũng rất đơn giản, chỉ cần biết chúng quan tâm gì là được rồi.
Quả nhiên, lần này chúng đã chịu nghe lời.
Nhưng đến lúc hành động thật sự thì lại không thuận lợi như thế.
Bên bờ sông.
Hai chiến sĩ canh gác đứng từ xa cười ha ha nhìn Thiệu Huyền luôn tay luôn chân chỉ huy đám trẻ con bắt cá. Thiệu Huyền tức đến mức lao vào đánh, đứa trẻ bị đánh lăn một vòng ra đất, sau đó lau máu trên mặt rồi lại lồm cồm bò dậy, tiếp tục vừa cười vừa kéo sợi dây, không hề quan tâm gì cả.
Bọn oắt con này bình thường không có thần thái gì, nhưng hôm nay thì mặt đứa nào cũng sáng rực, nhất là khi nhìn thấy con cá được lôi lên khỏi mặt nước, chúng vui đến mức hận không thể nhảy cẫng lên để thể hiện sự phấn khích của mình, nếu không phải do bọn cá này tấn công quá mạnh, có thể đớp một cái là đứt thịt thì bọn chúng chắc đã lao vào ôm con cá rồi cắn một cái để đánh dấu chủ quyền rồi.
Suốt mấy ngày liền, Thiệu Huyền đều dẫn bọn chúng đi bắt cá. Cá ở dưới sông rất nhiều nên thu hoạch mỗi ngày cũng rất nhiều, cho dù bọn trẻ có nằm phơi bụng ra ăn cũng ăn không hết. Nhưng bọn trẻ này có lẽ quá sợ đói, nên khi có nhiều thức ăn lập tức nghĩ cách tích trữ, có vài đứa có được kinh nghiệm do cha mẹ truyền lại, có thói quen trữ thức ăn để phòng cho mùa đông, còn vài đứa khác thì chỉ bắt chước, thấy người ta làm thế nào thì mình làm thế ấy.
Mấy ngày này chính là những ngày tháng vui vẻ nhất trong cuộc đời của bọn trẻ sống trong hang, tinh thần có vẻ ngày một tăng cao. Nhiều đứa mê ngủ giờ đây thức dậy còn sớm hơn cả Thiệu Huyền, mới sáng ra đã đánh thức Thiệu Huyền. Tối đến thì đứa nào đứa nấy nằm ra đất rồi ngây người ra nhìn những con cá được treo trong hang, tắt lửa rồi mà chúng vẫn cứ nhìn chằm chằm, đến nửa đêm Thiệu Huyền cũng vẫn còn nghe được tiếng cười hi hi của chúng, nghe đến mức nổi cả gai ốc.
Thật sự là… muốn chửi đổng lên!