Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Chương 26: Hồi thứ hai mươi sáu


Trương Bảo và Vương Hoành đứng ngoài trông thấy quân thị vệ vâng lệnh dẫn Nhạc Phi ra khỏi Ngọ môn hoảng hồn vội chạy đến hỏi:

– Tại sao gia gia lại bị hành hình vậy?

Nhạc Phi đáp:

– Sự thật ta cũng không biết vì lẽ gì?

Trương Bảo nổi giận, đôi mắt đỏ như lửa nói với Vương Hoành:

– Vương đệ hãy ở đây coi chừng, đừng cho chúng nó ra tay, để tôi đi có việc cần cấp rồi trở lại ngay.

Dứt lời Trương Bảo vác côn chạy như bay. Chàng chạy thẳng một mạch, gặp thành thì nhảy qua, gặp cửa thì dập bể cửa, kẻ nào cản trở thì đập chết. Quan giữ thành trông thấy thế nên hô quân rượt bắt, nhưng không ai có thể chạy theo kịp Trương Bảo được. Chàng chạy mau như tên bay đến dinh Thái sư Lý Can, sợ kêu cửa lâu, nên vung côn đập phá cửa để vào.

Trương Bảo chính là thủ hạ của Lý Can, nên ra vào đã quen thuộc. Chàng biết Thái sư nghỉ tại thư phòng, liền chạy thẳng đến vén màn lên bế thốc Thái sư lên rồi cõng trên lưng chạy ra ngoài cửa Phủ.

Vừa chạy Trương Bảo vừa nói:

– Nguy to rồi lão gia ơi! Nhạc gia tôi đã bị trói sắp đem ra pháp trường xử trảm. Hiện giờ hãy còn ở Ngọ môn, nếu không cứu kịp ắt người sẽ chết mất.

Lúc ấy Lý Thái sư đang ngủ lại bị Trương Bảo cõng chạy như dông, tâm thất bất định không hiểu đầu đuôi ra sao cả. Khi đến Ngọ môn, Trương Bảo để xuống; Lý Can mới thấy rõ Nhạc Phi bị trói, thất kinh hỏi lớn:

– Tướng quân về đây bao giờ và tại sao ra nông nỗi này?

Nhạc Phi đáp:

– Thưa Thái sư, tôi đang trấn giữ Hoàng Hà, bỗng nhiên có thánh chỉ triệu về kinh nên tôi phải về. Vừa đến cửa thành tôi gặp hữu thừa tướng Trương Bang Xương. Người dắt tôi vào Phân Cung lầu rồi dặn tôi ở đó mà đợi để một mình đi vào trong. Lâu lắm không thấ Thừa tướng ra, bỗng thấy xa giá Thiên tử ra, tôi vội quỳ xuống tiếp giá. Ngờ đâu nội giám lại hô lên rằng tôi là kẻ thích khách và bắt tôi trói đem ra đây. Việc này rất oan tình, xin thái sư chứng giám cho, dẫu tôi có thác cũng cam.

Lý Thái sư nghe nói vội gọi đao phủ đến dặn:

– Dù sao chúng bay cũng phải đợi ta, không được trái lệnh ta chém đầu hết.

Nói rồi toan vào đền đánh chuông nổi trống. Ngờ đâu Trương Bang Xương đã sắp đặt trước, cắm chuông sẵn ở cửa đền thành thử Lý Thái sư vừa chạy vào đã bị vấp ngã, bị chuông cắm vào tay chân, máu tuôn lai láng.

Trương Bảo thấy thế la lớn:

– Lý Thái sư bị trọng thương rồi!

Nội giám và các quan đại thần nghe la vội chạy ra cứu, thì thấy Lý Thái sư nằm lăn dưới đất máu tuôi khắp người, quằn quại đau đớn vô cùng. Các quan vội vào trước ngai vàng tâu với vua Cao Tông:

– Các quan đại thần hiện có mặt tại Ngọ môn, còn Lý Thái sư bị chông nặng, không biết sống thác thế nào, xin Thiên tử thăng điện gấp.

Hà Hương bèn nói:

– Bây giờ đêm tối canh khuya, để mai sớm bệ hạ sẽ thăng điện cũng chẳng muộn chi.

Cao Tông nói:

– Thái sư bị chông, các quan đều tụ tập nơi đại điện, việc lành dữ chưa rõ, trẫm không ngự ra sao được?

Nói rồi truyền quân hộ vệ ngự giá ra khai triều. Các quan văn võ tung hô rồi chia đứng hai bên. Cao Tông thấy Thái sư mình đầy vết máu liền truyền chỉ đòi Thái y đến chữa chạy gấp.

Lý Thái sư tâu:

– Tôi nghe Nhạc Phi là quan võ dám vào kinh sư hành thích bệ hạ thì ắt có người chủ mưu, vậy xin bệ hạ giam lại ít ngày, đợi cho tôi lành bệnh tra xét phân minh rồi trị tội cũng chẳng muộn.

Cao Tông nghe lời truyền đem Nhạc Phi hạ ngục rồi lui giá về cung, các quan đại thần đưa Lý Thái sư về phủ, Trương Bảo và Vương Hoành cũng dắt ngựa theo sau.

Đoạn, Lý Thái sư liền sai người đi mời quan Hình bộ tên là Sa Bỉnh đến căn dặn:

– Sự việc Nhạc Phi chắc là oan ức, xin ngài làm ơn dâng biểu tâu vua rằng hắn bị đau nặng để thánh thượng cho phép hoãn cuộc thẩm tra, chờ tôi vết thương đỡ rồi sẽ liệu định.

Sa Bỉnh tuân lệnh rồi bái biệt ra về.

Bữa sau Sa Bỉnh làm biểu dâng lên y như lời Lý Thái sư đã dặn, Cao Tông cũng chấp nhận lời tấu.

Lý Thái sư lại nghĩ ra một kế, bèn viết ra một tờ oan đơn, nói rằng: “Lý Can hãm hại Nhạc Phi” rồi sai thợ khắc bản in ra hơn mấy nghìn tờ. Vương Hoành và Trương Bảo lén đi dán khắp nơi để thiên hạ xem thấy đồn truyền lẫn nhau.

Nói về núi Thái Hành có Công Đạo đại vương tên Ngưu Cao, tụ tập lâu la trên núi xưng vương gọi là thay trời hành đạo, Hôm nay chính là ngày sinh của Ngưu Cao nên bọn Thi Toàn, Châu Thanh, Triệu Vân, Lương Hưng, Thang Hoài, Vương Quới và Trương Hiển bảy người đều sắm lễ vật đem đến chúc thọ.

Bảy người đồng thanh nói:

– Mấy anh em tôi đến đây chúc thọ Đại vương, lại có đem theo một ban hát để hát hầu Đại vương uống rượu.

Ngưu Cao nói:

– Mấy anh em có lòng như vậy, tôi rất cám ơn.

Mãi đến giờ ngọ mà vẫn chưa ăn uống gì, Thang Hoài đói bụng nói:

– Chẳng hay mấy anh em ta đợi chừng nào mới vào tiệc?

Ngưu Cao nói:

– Tôi còn muốn đợi Kiết đại huynh đến đã vì thường ngày tôi cùng Kiết đại huynh đãi nhau hậu lắm, hôm nay là ngày vui chẳng lẽ Kiết đại huynh lại không đến sao?

Thang Hoài nói kháy:

– Nếu vậy chẳng lẽ anh em ta phải đợi cho đến chiều.

Vương Quới lại nói:

– Anh em mình phải chịu khó đợi chớ biết làm sao bây giờ.

Thang Hoài đói bụng lắm nên giận quá bỏ ra ngoài dạo chơi, vừa đi ngang qua buồng hát bộ chợt nghe bên trong có người nói:

– Lý Can hãm hại Nhạc Phi.

Thang Hoài liền bước vào hỏi:

– Ngươi bảo ai hại Nhạc Phi?

Tên kép hát đáp:

– Tôi thấy giấy dán ngoài đường nên mới gỡ đem về xem.

– Giấy đâu? Ngươi đưa cho ta xem thử nào.

Tên kép hát trao mảnh giấy cho Thang Hoài xem, Thang Hoài vội vã chạy vào Phân Kim điện lớn tiếng nói bằng giọng hốt hoảng:

– Ngưu đệ, Nhạc đại huynh đã bị người hãm hại rồi!

Ngưu Cao hỏi vặn:

– Tại sao Thang huynh biết được?

Thang Hoài đọc to tờ oan đơn lên cho Ngưu Cao nghe, Ngưu Cao nghe xong nổi giận lôi đình, nghiến răng nói:

– Thôi thôi, chẳng thèm ngày sinh ngày tử làm gì nữa, hãy kiểm điểm binh mã xuống kinh cứu đại huynh cho mau.

Nói rồi truyền lệnh tập hợp hết thảy binh mã của bảy vị đại vương kéo thốc xuống kinh sư. Binh déo đi rầm rầm rộ rộ dọc đường không ai cản trở nổi.

Khi đến Kim Lăng còn cách Phụng Đài môn chừng năm dặm thì truyền an dinh hạ trại. Quan giữ thành chạy vào phi báo, vua Cao Tông hỏi các quan:

– Có ai dám ra dẹp giặc ấy không?

Có quan Hậu quân đô đốc là Trương Tuấn bước ra lĩnh mệnh, rồi dẫn ba ngàn quân kéo ra khỏi thành.

Thang Hoài giục ngựa lướt tới nói với Trương Tuấn:

– Chúng ta đây chẳng phải kẻ phản loạn đâu, ngươi hãy vào thành đem Nhạc đại huynh ta ra đây trả cho ta thì ta tha, bằng không trả thì quyết đánh phá Kim Lăng giết không chừa một mống!

Trương Tuấn nói:

– Hèn chi Nhạc Phi nó làm phản cũng phải, vì nó ỷ thế bọn cường đạo này làm trong ứng ngoại hiệp. Nay ta vâng thánh chỉ ra đây để bắt hết bọn cường đoạ chúng bay đem về trị tội.

Ngưu Cao nổi giận hét lên một tiếng long trời lở đất vung song giản nhằm ngay đầu Trương Tuấn đánh bổ xuống. Trương Tuấn cũng vung đao tiếp đánh. Sau ba hiệp, Trương Tuấn đuối sức đánh không lại vội quay ngựa chạy thẳng vào thành. Ngưu Cao muốn đuổi theo, Thang Hoài kêu lại bảo:

– Ngưu đệ, hãy để cho nó chạy, nếu chúng ta bức nó lắm tất nhiên trong thành nó sẽ giết chết đại huynh ta.

Ngưu Cao vâng lời thu binh về dinh. Còn Trương Tuấn vào thành vội lên điện tâu:

Bọn cường đạo ấy mạnh lắm thần không đủ sức chống cự, và chúng cũng là đồng bọn của Nhạc Phi. Sở dĩ chúng làm loạn là để cứu Nhạc Phi, vậy xin bệ hạ chém quách Nhạc Phi đi để khỏi sinh hậu hoạ.

Cao Tông còn do dự chưa dám quyết bỗng có quan Huỳnh môn quan vào tâu:

– Có Lý Thái sư và đến Ngọ môn hầu chỉ.

Cao Tông truyền chỉ triệu vào, Lý Thái sư vào triều bái phụng. Cao Tông phán:

Trẫm đang lo quân đi dẹp bọn giặc đến phá thành. Nhưng Trương Tuấn đánh không lại chúng, đang không biết liệu sao, vậy khanh có kế gì không?

Lý Can tâu:

– Thế thì bệ hạ hãy sai Nhạc Phi ra dẹp giặc, khi xong giặc rồi sẽ định tội sau.

Trương Bang Xương lại bước ra tâu:

– Đô Đốc Trương Tuấn có bảo rằng bọn cường đạo ấy là đồng bọn của Nhạc Phi, nay mà sai Nhạc Phi đi ắt là trúng gian kế, chẳng khác thả cọp về rừng, xin bệ hạ xét lại.

Lý Can, Tông Trạch bèn quỳ xuống tâu một lượt:

– Hai chúng tôi tình nguyện bảo cửa Nhạc Phi, nếu có sai sẩy điều gì xin bệ hạ hãy bắtd hết cả nhà chúng tôi mà xử trảm.

Cao Tông nói:

– Lời Nhị khanh tâu rất phải.

Rồi hạ chỉ triệu Nhạc Phi vào triều. Nhạc Phi triều bái xong xuôi, Cao Tông sai Nhạc Phi lãnh binh ra dẹp giặc.

Nhạc Phi vừa mới lui ra, Lý Can liền quát lớn:

– Nhạc Phi hãy quỳ lại đó.

Nhạc Phi nghe nói vội vã quỳ xuống ngay. Lý Can hỏi:

– Chúa thượng đã trọng tài người nên mới sai Từ Nhân triệu đến kinh rồi sai ngươi ra trấn thủ Hoàng Hà sao ngươi dám lẻn về kinh hành thích? Thế thì tội ngươi đáng giết chín họ, Vậy ai chủ mưu cho ngươi, hãy khai cho minh bạch.

Nhạc Phi nói:

– Tội ấy đáng chết, nhưng oan tình chẳng lẽ chẳng phân minh? Vả chăng tôi phụng mạng trấn thủ Hoàng Hà, chỉ vì có thánh chỉ triệu về kinh nên tôi phải về. Nhưng khi tôi vừa về đến ngoài thành lại gặp Trương thừa tướng đang ngồi trên kiệu, người bèn dắt tôi vào Ngọ môn, vừa đến Phân Cung lầu người lại dặn tôi đứng đó hầu chỉ để một mình vao trong tâu. Ngờ đâu Trương thừa tướng vào trong rồi không ra nữa. Một lúc sau có thánh thượng giá lâm, tôi liền quỳ xuống tiếp giá, thì nội giám lại hô thích khách và bắt tôi trói lại. Việc ấy tuy oan, nhưng dầu có chết tôi đâu dám tiếc, ngặt vì mẹ tôi đã có thích sau lưng tôi bốn chữ “Tận trung báo quốc” tôi chẳng giám quên, xin Thái sư thẩm xét.

Lý Can quỳ tâu:

– Nếu nói vậy thì xin bệ hạ tra hỏi lại xem hôm ấy ai làm trị điện rồi mới có thể tra xét việc này được.

Cao Tông hạ chỉ sai nội thị tra xét xem ngày ấy ai làm trị điện. Chẳng bao lâu, nội thị trở vào tâu:

Ngày ấy Ngô Minh và Phương Hậu làm trị điện.

Cao Tông liền cho đòi Ngô Minh và Phương Hậu vào hỏi các việc trong đêm ấy.

Hai người quỳ tâu:

– Đêm ấy thần thấy có một đứa tiểu đồng tay xách một cái lồng đèn có đề chữ “Hữu thừa tướng Trương” đi trước, kế sau thì Trương thừa tướng dắt một người đi thẳng vào cung. Sở dĩ chúng thần làm thinh là vì ngày thường Thừa tướng vẫn tự do ra vào cung không ai ngăn cấm cả.

Vao Tông nghe tâu cả giận phán:

– Thế thì may lắm, suýt nữa ta đã giết oan Nhạc tướng quân rồi.

Nói rồi tryền chỉ bắt Trương Bang Xương trói lại, truyền đem ra ngoài thành chém đầu thị chúng.

Lý Can lại quỳ tâu:

– Xin bệ hạ nghĩ đến cái công của y đem dâng ngọc tỷ mà tha mạng cho y, hãy lột chức đuổi về làm dân là đủ.

Cao Tông y theo, hạ chỉ hẹn trong bốn giờ phải ra khỏi kinh thành. Trương Bang Xương về nhà sắm sửa góp nhặt tài vật đi ngay.

(Cái lòng nhân từ của Lý Can ấy cũng là lòng trời xui khiến làm cho Bang Xương khỏi chết để về sau y bị Ngột Truật giết chết ứng với lời thề lúc còn làm giám khảo tại võ trường).

Trương Bang Xương bị cách chức đuổi đi rồi, vua Cao Tông sai Nhạc Phi lãnh một ngàn binh ra thành dẹp giặc, Nhạc Phi tạ ơn biệt giã Thiên tử, rồi mang giáp lên ngựa, dắt Trương Bảo và Vương Hoành cùng binh mã mở cửa thành kéo ra.

Vừa ra khỏi cầu, bên kia Ngưu Cao và Thang Hoà đã trông thấy liền kêu nhau bảo:

– Đại ca chúng ta kia rồi!

Ai nấy đều xuống ngựa bước đến mừng rỡ hỏi han:

– Lâu nay đại huynh có mạnh giỏi không?

Nhạc Phi vẫn còn giận dữ đáp:

– Ai là đại huynh của các ngươi? Nay ta vâng chỉ ra đây bắt các ngươi để hỏi tội chức có phải ra đây để nhìn anh em đâu?

Mấy đại vương cường đạo thấy vậy đều đồng thanh nói:

– Đại ca khỏi nhọc công bắt bớ làm gì, để anh em chúng tôi tự trói mình nộp mạng, đại huynh cứ dẫn vào triều, thiên tử đối xử thế nào anh em tôi cũng chịu.

Nói rồi ai nấy tự trói mình còn số lâu la thì đầu hàng hết.

Quân thám tử thấy vậy vội chạy vào triều tâu:

– Quân giặc đã tự trói mình chịu tội, hiện còn ở ngoài Ngọ môn hầu chỉ.

Cao Tông nghe xong cả mừng, giây phút sau, Nhạc Phi vào tâu:

– Quân giặc đã đầu hàng, xin thánh thượng định liệu.

Cao Tông truyền cho vào. Quân sĩ vâng lệnh ra dẫn hết tám người vào trước ngai vàng. Thang Hoài quỳ tâu:

– Chúng tôi chẳng phải những kẻ làm phản, Chỉ vì lúc trước xuống võ trường ứng thi, vì Nhạc đại huynh tôi đâm chết Tiểu Lương Vương làm cho lỡ bước công danh nên mấy anh em tôi phải trở về quê quán, rủi thay gặp năm mất mùa, thóc cao gạo kém, không lấy chi sinh sống cực chẳng đã phải làm nghề bất lương. Vả chăng trong nước trọn năm không chúa, các quan còn phải tản lạc huống chi là chúng tôi. Nay nghe Nhạc đại huynh bị hãm hại nên chúng tôi phải hưng binh đến cứu. May thay đến đây thì Nhạc đại huynh tôi được bình yên tôi sự, chúng tôi tự trói mình đến nạp tình nguyện chịu chém đầu cho tròn nghĩa cả, chỉ xin thánh thượng phục chức cho Nhạc đại huynh.

Cao Tông nghe tâu, sa nước mắt phán:

– Các ngươi quả thật là những bậc anh hùng nghĩa sĩ.

Rồi hạ chỉ mở trói cho mấy anh em. Nhạc Phi được phục chức Phó Nguyên soái, Tám anh em Ngưu Cao được phong chức Phó đô Thống. Chư tướng tạ ơn lui ra rồi theo Phó soái Nhạc Phi đem binh mã, đi phòng thủ Hoàng Hà.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận