Vốn dĩ chỉ nói chuyện điện thoại với nhân viên bảo vệ là đủ rồi, nhưng Tống Nhĩ Giai đã mang theo chìa khóa và thẻ từ, thay giày rồi đích thân xuống lầu đón Nguyễn Trinh.
Nàng vội vàng chạy đến, mở cửa bằng nhận diện khuôn mặt. Khi nhìn thấy Nguyễn Trinh đứng ở cửa, nàng vừa thở hổn hển vừa hỏi: “Sao chị lại đến đây?”
Vào một đêm giữa tháng 5, Nguyễn Trinh mặc một chiếc áo sơ mi trắng dài tay bằng voan và một chiếc váy công sở cạp cao màu lam. Mái tóc dài như thác nước xõa tung sau vai, trông càng thêm dịu dàng.
Tống Nhĩ Giai không thể biết được nhịp tim đang đập thình thịch của bản thân là vì bài tập cường độ cao hay bởi vì nhìn thấy gương mặt xinh đẹp của Nguyễn Trinh.
Nguyễn Trinh vén mái tóc dài ra sau tai, không trả lời câu hỏi của Tống Nhĩ Giai. Cô mang những thứ đang cầm trên tay vào tiểu khu.
Sau khi rời khỏi phòng tập thể hình và trở về nhà, Nguyễn Trinh mới nhìn thấy tin nhắn của Tống Nhĩ Giai. Cô hoàn toàn quên mất việc hai người đã cố ý bỏ mặc nhau những ngày qua. Cô chỉ lo Tống Nhĩ Giai sẽ nhớ về Tống Uy đã khuất khi nàng ở một mình trong căn nhà trống trải đó. Vì vậy, cô liền nhanh chóng thay quần áo và chạy đến bầu bạn cùng nàng.
Tống Nhĩ Giai nhìn xuống những thứ mà Nguyễn Trinh đang cầm trên tay – đủ loại xiên que, đậu om tương, chân vịt hấp xì dầu, chân gà rút xương sốt chua cay và bia.
Đều là đồ ăn không tốt cho sức khỏe, nhưng chúng lại là thứ mà Tống Nhĩ Giai thích ăn. Khi Nguyễn Trinh đến nhà nàng làm gia sư, thỉnh thoảng cô sẽ mang những thứ này đến để làm phần thưởng cho nàng, cũng sẽ ăn cùng nàng.
Lòng nàng chợt mềm nhũn.
Ánh mắt Tống Nhĩ Giai dần dịu lại. Nàng nắm lấy cánh tay Nguyễn Trinh, nhìn vào cô, sau đó khẽ nói:” Bác sĩ Nguyễn, chị đến đây vì em à?”
Hai người cùng bước vào thang máy. Nguyễn Trinh không nhìn nàng, nhẹ giọng nói:” Chị đến thăm cô giáo.”
Tống Nhĩ Giai ồ một tiếng. Nàng dần dần buông cánh tay Nguyễn Trinh ra rồi quẹt thẻ thang máy.
Nguyễn Trinh nhướng mắt nhìn số tầng đang dần tăng lên rồi chậm rãi nói thêm:” Nhân tiện đến gặp em.”
“A!” Tống Nhĩ Giai kêu một tiếng rất lớn, nhưng lần này nàng đang mỉm cười.
“Di ảnh và di vật của mẹ em vẫn còn ở phòng ngủ chính, chị có thể vào đấy để xem.” Tống Nhĩ Giai mở cửa phòng ngủ chính, để Nguyễn Trinh vào thăm. Còn nàng thì đi đến phòng bếp để pha trà.
Di ảnh của Tống Uy được đặt ở đầu giường phòng ngủ. Trên bàn làm việc trong phòng ngủ có bình giữ nhiệt và bút của Tống Uy. Đó là quà của Nguyễn Trinh tặng cho Tống Uy nhân ngày Nhà giáo từ nhiều năm về trước.
Nguyễn Trinh bước đến, nhẹ nhàng vuốt ve chiếc cốc giữ nhiệt màu xanh nhạt.
Cô là nghiên cứu sinh dưới trướng Tống Uy. Tiền trợ cấp đào tạo hàng tháng mà bệnh viện cấp không nhiều lắm. Hàng tháng, Tống Uy sẽ trợ cấp thêm cho cô từ tiền thưởng của bà ấy. Số tiền này sẽ được gửi thẳng vào thẻ của cô, nhưng bà ấy không bao giờ nói đó là tiền trợ cấp tư nhân mà chỉ nói rằng đây là tiền do nhà trường trợ cấp.
Tống Uy yêu cầu cô đọc và dịch luận văn tiếng Anh hàng tuần, cũng yêu cầu cô viết kinh nghiệm đã học tập được và gửi báo cáo qua email mỗi tuần. Cô thực sự chuyên tâm đọc luận văn, nhưng rồi lại cảm thấy sự hiểu biết của mình về loại hình này khá viển vông. Vì vậy, cô chỉ viết cầm chừng vài đoạn, nhưng lần nào Tống Uy cũng đọc kỹ, sau đó trả lời một đoạn rất dài.
Tống Uy thích uống trà. Tại quê nhà của Nguyễn Trinh có một vùng núi trồng trà rất nổi tiếng. Mỗi năm, vào đầu tháng 4, cô thường nhờ người dân quê mình gửi một túi trà tươi cho Tống Uy.
Vào năm tốt nghiệp nghiên cứu sinh, Tống Uy còn nói: Nếu em tiếp tục ở lại và học lên Tiến sĩ, tôi sẽ nói với phía nhà trường một tiếng để miễn giảm học phí cho em. Em cũng không cần lo lắng về sinh hoạt phí, tôi cũng sẽ trả giúp em.
Tuy nhiên, Nguyễn Trinh vì chuyện với Tống Nhĩ Giai mà không còn mặt mũi nào đối mặt với Tống Uy, cho nên cô đã đến Ninh Thành.
Sau khi làm việc, cô mới chợt nhận ra rằng Tống Uy đã dạy cô kiến thức, dạy cô y thuật và dạy cho cô rất nhiều nguyên tắc sống.
Một vị giáo viên giỏi không chỉ tác động đến kiến thức của học sinh mà còn thâm nhập vào mọi mặt trong cuộc sống.
“Đến đây, chị giáo Nguyễn. Em pha trà cho chị này.” Sau khi Tống Nhĩ Giai pha trà xong, nàng liền mang vào phòng và giả vờ cung kính dâng trà cho Nguyễn Trinh.
Nguyễn Trinh mỉm cười nhận lấy.
Tống Nhĩ Giai nhìn di ảnh của Tống Uy và nói:” Vài ngày nữa em sẽ gói ghém đồ đạc và gửi về nhà bà ngoại ở quê. Nhân tiện, em cũng sẽ sống ở đây và cho thuê nhà.”
Nàng không thiếu tiền, nhưng nàng không muốn ở nhà một mình.
Nguyễn Trinh nói: ” Ngày mấy thu dọn đồ đạc vậy, chị đến giúp em.”
“Ngày 15, em phải mang một ít đồ ở trường về nhà.” Tống Nhĩ Giai kéo Nguyễn Trinh ra khỏi phòng:” Đi nào, ra ngoài ăn thịt và uống bia thôi.”
Trên một chiếc bàn thấp có xiên que, đồ kho và bia. Hai bên bàn còn có lớp đệm lót êm ái. Hai người ngồi đối diện nhau, đèn trong phòng khách được chỉnh thành màu tối hơn. Tống Nhĩ Giai bật máy chiếu trong phòng khách lên rồi chọn một bộ phim yêu thích để xem.
“Trò chuyện một chút đi.” Nguyễn Trinh khui một lon bia và nói thẳng vào vấn đề:” Trước tiên kể cho chị nghe về bạn trai của em đi, sao lại như vậy rồi?”
Tống Nhĩ Giai nhướng mắt nhìn thẳng vào mắt Nguyễn Trinh, giọng điệu có chút hờn dỗi:” Sao thế? Quý nhân thường hay quên à? Không phải chị mai mối cho bọn em sao?”
Nguyễn Trinh tránh ánh nhìn rực lửa của nàng, cũng không so đo với chuyện âm dương quái khí này. Cô cúi đầu nhấp một ngụm bia đắng, nhẹ nhàng nói:” Năm đó, chị đã thuyết phục cậu ta chăm chỉ học tập và hứa với cậu ta, nếu hai người gặp lại nhau vào đúng thời điểm, chị sẽ hỗ trợ tác hợp cho cả hai.”
Tống Nhĩ Giai cắn một miếng thịt nướng, nghiến răng nghiến lợi nói: ” Nguyễn lão sư, chị biết giữ lời hứa thật đấy.”
Nguyễn Trinh ngước nhìn Tống Nhĩ Giai và hỏi: ” Em thực sự ở bên cậu ta sao?”
Tống Nhĩ Giai lảng tránh, không trả lời. Nàng hỏi lại Nguyễn Trinh:” Chị cảm thấy cậu ta là người như thế nào?”
Nguyễn Trinh suy nghĩ một lúc và nhận xét:” Tính tình nhã nhặn, nhẹ nhàng, tinh tế và nhạy bén. Tuy điều kiện gia đình không được như ý nhưng cậu ấy rất chăm chỉ và có chí tiến thủ…”
Trước khi Nguyễn Trinh nói xong, Tống Nhĩ Giai đã cắt ngang:” Nếu cậu ta tốt như vậy và chị cũng đánh giá cậu ta cao như thế, vậy tại sao chị không ở bên cậu ta đi? Tại sao chị lại muốn đẩy cậu ta đến với em?”
Lời nói của nàng đầy mùi thuốc súng. Nguyễn Trinh im lặng một lúc rồi khẽ đáp: ” Người cậu ấy thích là em.”
Không phải cô.
Tống Nhĩ Giai mỉm cười, nửa thật nửa giả nói:” Cậu ta thích em thì chị nhất định phải ghép đôi bọn em à? Nếu em thích chị thì sao? Chị có định tác hợp để em và chị hẹn hò với nhau không?”
Tuy đây chỉ là câu nói đùa, nhưng vào khoảnh khắc nàng nói ra câu “em thích chị”, tim nàng không khỏi nhảy lên đến cổ họng.
Nguyễn Trinh im lặng, nhìn về phía Tống Nhĩ Giai.
Tống Nhĩ Giai cũng nhìn vào đôi mắt sáng ngời của cô, nhịp tim không ngừng tăng nhanh.
Hai người im lặng nhìn nhau trong vài giây. Tống Nhĩ Giai chủ động dời tầm mắt, khẽ nói:” Em chỉ nói đùa thôi.” Nàng dừng một chút rồi nói thêm:” Em không có bạn trai, những lời nói lúc đó cũng chỉ nói đùa với chị…”
Nguyễn Trinh vẫn nhìn Tống Nhĩ Giai, không nói gì.
Tống Nhĩ Giai nói: ” Em đã nói là em không có bạn trai, chị phải tin em…”
Nguyễn Trinh cúi đầu uống thêm một ngụm bia, rốt cuộc cũng chịu lên tiếng: ” Em là người nghĩ gì thì sẽ nói đó, chị thực sự không biết có nên tin tưởng vào em được hay không.”
Tống Nhĩ Giai: ” Chị tin em đi, nếu em nói không thì sẽ là không.”
Nguyễn Trinh lại nói: ” Em vẫn còn nhỏ.”
Tống Nhĩ Giai nhìn cô:” Em cũng sẽ phải trưởng thành. Năm nay chị 27, còn em 22. Chị đang đi làm, em sắp tốt nghiệp. Tuy chúng ta thực sự có khoảng cách về tuổi tác và kinh nghiệm, cũng nhìn mọi thứ ở nhiều góc độ khác nhau. Nhưng 10 năm nữa, khi chị 37 tuổi và em 32, sự khác biệt giữa chúng ta sẽ không lớn như vậy nữa.”
Nguyễn Trinh mỉm cười và nói:” Mười năm sau, chị cũng bước sang độ tuổi bốn mươi, già rồi.”
Tống Nhĩ Giai cười nhạo cô:” Kính thưa chị giáo Nguyễn, mười năm nữa chị sẽ ngoài ba mươi, em cũng sẽ ngoài ba mươi. Những người thuộc tuổi tứ tuần còn không bằng lòng với việc mình đã già, vậy chị còn than thở cái gì thế? Ngay cả khi chúng ta có sự khác biệt ở độ tuổi ba mươi. Nhưng khi cả hai đều ở độ tuổi bốn mươi và năm mươi, chắc chắn sẽ không có sự khác biệt nữa, phải không? “
Nàng không ngại chênh lệch tuổi tác chút nào. Nàng chỉ sợ đối phương có kinh nghiệm sống quá dày dặn, luôn có thể nhìn thấu nàng và khinh thường nàng vì sự ngây thơ và ấu trĩ.
“Xa quá rồi.” Nguyễn Trinh đổi chủ đề: ” Những ngày qua em ở trường làm gì vậy?”
Thông thường, Tống Nhĩ Giai sẽ đăng cuộc sống hàng ngày của nàng lên moments hoặc sẽ nhắn tin riêng với cô để kể lể những chuyện vụn vặt trong ngày. Nhưng những ngày qua, cả hai cố tình cắt đứt liên lạc, thậm chí nàng còn không đăng bất kỳ tin nào trong moments.
Tống Nhĩ Giai tiếp tục nhoẻn miệng cười:” Ui, bây giờ chị biết quan tâm đến em rồi đấy à?”
Nguyễn Trinh khẽ nhắc nhở: ” Nghiêm túc nói chuyện đi.”
Đừng lúc nào cũng nói chuyện trên trời dưới đất như vậy nữa.
Từ lúc nhìn thấy Nguyễn Trinh ở tiểu khu, Tống Nhĩ Giai đã quyết định sẽ không giận dỗi nữa. Hiện tại, nàng chỉ thích trêu cô vài câu.
Nàng báo cáo từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày của mình cho cô nghe:” Eo của em vẫn còn hơi đau, vì vậy em không thể đi trượt ván hay nhảy hip-hop vào những ngày này. Em chỉ đến thư viện trường và yên lặng đọc sách thôi. Thỉnh thoảng, em sẽ đưa Cát Tường ra sân chơi để phơi nắng. Nhưng chị cũng biết đấy, mèo là loại sinh vật không thích ra ngoài nên em chỉ có thể đưa nó đi một lần. Em cũng đã chụp rất nhiều ảnh Cát Tường lăn lộn trên sân chơi, chị xem này——”
Nàng lấy điện ra và đưa cho Nguyễn Trinh xem.
“Béo quá.” Nguyễn Trinh nhận xét về chú mèo:” Rất đáng yêu.”
Cát Tường là chú mèo chột mắt. Khi còn nhỏ, nó bị người ta cầm đá chọi cho mù. Nhưng kể từ khi Tống Nhĩ Giai nhặt nó về nhà và nuôi nấng, hai má nó béo phì ra, trông rất đáng yêu.
Tống Nhĩ Giai nói: ” Đợi em mang nó về nhà, chị có thể đến chơi với nó.”
Nguyễn Trinh ừ một tiếng.
Tống Nhĩ Giai:” Em cũng đang tìm một người bạn cùng phòng cũng thích mèo, hmm… Thích mèo, sạch sẽ, lịch sự, phải là phụ nữ. Tốt nhất là biết nấu ăn, nếu có thể thì cả hai sẽ thay phiên nhau nấu nướng. Hoặc em sẽ nấu cơm cho cô ấy ăn, nhưng cô ấy phải biết tự giác rửa chén…”
Nàng bắt đầu tưởng tượng về người bạn cùng phòng trong tương lai.
Nguyễn Trinh mỉm cười nhìn Tống Nhĩ Giai lải nhải.
“Còn chị, mấy ngày nay chị làm gì vậy?” Tống Nhĩ Giai hỏi Nguyễn Trinh.
Nguyễn Trinh nói:” Ăn uống, đi làm, tập thể hình, đọc sách và viết luận văn.” Tất cả đều là cuộc sống hàng ngày bình thường. Nhưng khi đối mặt với Tống Nhĩ Giai, cô không thể không nói thêm vài lời:” Đầu bếp của căng tin đã sáng chế ra một món ăn mới. Ông ấy xào tôm và trứng cùng với nhau và đặt tên món ăn đấy là “tôm nói nhảm”.”
Tống Nhĩ Giai bật cười: “Vậy thì lần sau em phải nếm thử mới được.”
Cả hai nói chuyện với nhau và chia sẻ cho nhau nghe những chuyện vụn vặt trong cuộc sống hằng ngày.
Trò chuyện trực tiếp là một trải nghiệm hoàn toàn khác so với trò chuyện qua màn hình điện thoại.
Mặt đối mặt, nhìn vào biểu cảm tinh tế của nhau. Khi lắng nghe giọng nói nhẹ nhàng của nhau, sẽ cảm thấy thú vị hơn so với những tin nhắn khô khan trên màn hình.
Cả hai vừa ăn uống vừa trò chuyện đến 12 giờ đêm.
Tống Nhĩ Giai vỗ vỗ chiếc bụng căng phồng của mình rồi đứng lên, đưa tay về phía Nguyễn Trinh:” Đi với em.”
“Làm gì đấy?” Nguyễn Trinh nắm lấy tay nàng, mượn lực đứng lên.
Tống Nhĩ Giai nắm lấy tay cô, dẫn cô vào phòng ngủ chính và đi đến bên di ảnh của Tống Uy, khẽ thì thầm:” Những ngày qua, em đã suy nghĩ rất nhiều. Sau khi suy nghĩ xong, em quyết định sẽ nói với chị một chuyện.”
Nguyễn Trinh khẽ nhướng mày, hỏi: “Chuyện gì? Nghiêm túc như vậy à? Em có chuyện gì muốn nói trước mặt mẹ em sao?”
“Vì em cũng muốn nói với mẹ em, mặc dù người chết như đèn tắt, có lẽ bà ấy sẽ không nghe thấy được.” Tống Nhĩ Giai nhìn di ảnh của Tống Uy, sau đó nhìn Nguyễn Trinh, hít sâu một hơi và nói:” Nguyễn lão sư, em muốn nói với chị rằng việc em vẫn chưa có bạn trai là bởi vì em chỉ thích con gái.”