Một tin nhắn trả lời hiện lên trên nền điện thoại. Tống Nhĩ Giai bấm vào để xem, đó là tin nhắn từ một tài khoản có ID là “Fluoxetine”
Fluoxetine là một loại thuốc chống trầm cảm. Nàng vô thức nghĩ đến Nguyễn Trinh – người đang làm việc trong ngành tâm thần học.
Người này, không phải cũng làm trong ngành y tế chứ…
Tống Nhĩ Giai vừa phỏng đoán nghề nghiệp của người kia vừa trả lời:【Xin chào, tôi vẫn phải dọn dẹp phòng một chút. Bạn có thể đến xem phòng vào ngày thứ 7 hoặc Chủ nhật tuần sau.】
Nàng định hôm nay sẽ thu dọn đồ đạc của Tống Uy rồi gửi đến nhà bà ngoại, sau đó nhờ dì giúp việc nào đó đến để dọn dẹp nhà cửa rồi mang đồ đạc của mình qua.
Tuần này, nàng phải mang hành lý và sách từ ký túc xá của trường đại học về nhà.
Tống Nhĩ Giai hỏi đối phương:【Bạn là con gái à? 】
Tài khoản tên “Fluoxetine” trả lời:【Đúng vậy.】
Tống Nhĩ Giai nói thẳng vào vấn đề:【Vậy thì để tôi kể cho bạn nghe về hoàn cảnh và yêu cầu của tôi. Đây là nhà riêng của tôi, không phải nhà second-hand. Tôi có một con mèo, và tôi sẽ nuôi nó trên ban công. Tôi mong rằng bạn cùng phòng của tôi sẽ không mang người khác giới ở lại qua đêm. Người ấy phải ưa sạch sẽ, không có tật xấu, và có thể nuôi thú cưng. Còn bạn thì sao, bạn có thắc mắc gì cần giải đáp không?】
Fluoxetine hỏi:【Giá thuê là bao nhiêu, điện nước được tính như thế nào? 】
Trước đây, Tống Nhĩ Giai đã tìm hiểu về giá thuê nhà trong tiểu khu của mình và trả lời:【Tôi chỉ cho thuê phòng ngủ phụ. Có hai phòng ngủ phụ, một phòng có phòng tắm và ban công, giá 1000 tệ. Phòng còn lại không có phòng tắm và ban công, nhưng lại có cửa sổ, giá 800 tệ. Bạn muốn thuê phòng nào?】
Ba phòng ngủ và một phòng khách. Nàng ở một phòng, cho thuê một phòng và để lại một phòng cho Nguyễn Trinh.
Khi Nguyễn Trinh hoặc những người bạn khác muốn đến, họ luôn có chỗ để ở lại.
Giá này thấp hơn mặt bằng thuê chung của tiểu khu. Người bên kia chắc chắn cũng biết chuyện này và hỏi:【 Rẻ vậy sao? 】
Tống Nhĩ Giai hy vọng rằng khách thuê nhà là người dễ ở chung. Hơn nữa, những người cần thuê nhà đều là sinh viên vừa tốt nghiệp. Nàng nghĩ đến những người bạn cùng phòng của mình gặp khó khăn trong vấn đề thuê nhà, vì vậy nàng không quan tâm nhiều đến tiền thuê nhà cho lắm, còn có…
Tống Nhĩ Giai thành thật nói:【Mẹ tôi đã từng sống ở đây, nhưng bà ấy đã mất rồi. Đương nhiên bà ấy không mất trong nhà, nhưng di vật của bà ấy vẫn còn trong phòng ngủ chính. Hiện tại, tôi cũng chuyển đến phòng ngủ chính để ở, bạn cảm thấy có ổn không? 】
Fluoxetine nhanh chóng trả lời:【Không sao đâu.】
Tống Nhĩ Giai chốt đơn:【Được rồi, sáng thứ bảy bạn đến xem đi. Thứ bảy này chúng ta sẽ liên lạc lại.】
Fluoxetine trả lời:【OK.】
Có những cư dân mạng khác lần lượt hẹn xem nhà, Tống Nhĩ Giai cũng hẹn họ vào cuối tuần, sau Fluoxetine.
*
Tống Nhĩ Giai đã dành một ngày để đóng gói di vật của Tống Uy rồi gửi đi. Sau đó, nàng quay về trường để thu dọn hành lý.
Nàng không muốn là người cuối cùng dọn đi. Nàng không muốn tiễn từng người bạn cùng phòng của mình và dự định là người đầu tiên dọn ra khỏi ký túc xá.
Buổi tối, bốn người trong ký túc xá hiếm lắm mới tụ tập cùng nhau. Tống Nhĩ Giai nói: “Tôi chuẩn bị dọn về nhà rồi. Các cậu đến nhà tôi ăn lẩu đi.”
Bốn người trong ký túc xá đều ở lại Giang Châu làm việc. Tuy ở hai địa bàn khác nhau nhưng vẫn tốt hơn việc rải rác cùng trời cuối đất. Cuối tuần, họ vẫn có thể tụ tập cùng nhau ăn uống chơi bời đã là quá tốt rồi.
Bạn cùng phòng hỏi: “Nhĩ Giai, khi nào cậu đi?”
Tống Nhĩ Giai vừa gấp quần áo vừa đáp: “Chắc cũng vài ngày sau thôi. Tối thứ bảy chúng ta cùng nhau ăn lẩu nhé.”
Vào mùa đông năm nhất Đại học, thời tiết vô cùng lạnh. Sau khi tan học, bốn người cùng nhau đi trên đường, Tống Nhĩ Giai tùy ý đề nghị:” Chúng ta mua một cái nồi và một ít rau về ký túc xá nấu lẩu ăn đi.”
Bốn người họ đi thẳng đến siêu thị ở làng đại học, chọn một bếp từ công suất thấp cùng rất nhiều rau, thịt, thịt viên và các nguyên liệu nấu lẩu khác. Khi về đến ký túc xá, trong không gian thoáng đãng giữa phòng, bọn họ bày một chiếc bàn nhỏ ra, ngồi quây quần bên nhau, cùng ăn nồi lẩu bốc khói nghi ngút rồi xem phim và tán gẫu.
Trong bốn năm đại học, bốn người bọn họ thường lén nấu lẩu trong ký túc xá để ăn.
Trong cuộc sống đại học, thời gian ở ký túc xá chiếm một nửa, và những người bạn cùng phòng là nhóm người ở bên nhau lâu nhất.
Lúc ban đầu, bạn cùng phòng không phải là thứ mà nàng có thể chọn.
Tống Nhĩ Giai cũng đã từng chứng kiến và nghe kể về những xung đột giữa các cô gái ở ký túc xá khác. Bốn người chia thành bốn nhóm, người này lén lút nói xấu sau lưng bạn cùng phòng, người kia đánh nhau đến mức bị đưa lên phòng quản giáo, người nào cả tháng không tắm rửa và có mùi hôi thối, ai đó gọi video call với bạn trai trong khi bạn cùng phòng đang thay quần áo…
Đủ thứ bất hòa, đủ thứ mâu thuẫn, nhưng phòng ký túc xá của họ lại không có. Trong ký ức của họ, có chăng chỉ là cùng nhau quay video, chụp ảnh điêu khắc cát, cùng nhau ăn nhậu chơi bời trong những ngày nghỉ. Cuối kỳ, bọn họ thường cùng nhau trò chuyện, khi thất tình cũng thường ôm nhau để an ủi…
Tống Nhĩ Giai cảm thấy bản thân nàng rất may mắn.
Nàng đã chuyển đi vào chiều thứ 6. Vài ngày trước, nàng đã gửi vài gói hàng về nhà ở quận Phân Hải. Tối thứ sáu, nàng mang chiếc balo mèo và một chiếc vali bước ra khỏi ký túc xá.
Vào buổi tối, Nguyễn Trinh hỏi nàng mấy giờ sẽ về nhà.
Nàng nói khoảng 9 giờ tối sẽ đến. Nếu có thời gian, hai người có thể ăn tối cùng nhau.
Nguyễn Trinh trả lời “OK.”, xem như đã đồng ý.
Niềm vui được gặp Nguyễn Trinh đã sớm làm dịu đi nỗi buồn khi rời khỏi khuôn viên trường học.
Bạn cùng phòng đi theo Tống Nhĩ Giai, một bên tiễn nàng, một bên nhỏ giọng quở trách:” Cái đồ vô lương tâm, dọn đi nhanh như vậy…”
Một người bạn cùng phòng khác tiếp lời: “Đúng vậy, ngày mai chúng tôi không rửa bát nữa, để cho cậu rửa bát một mình!”
“Chúng ta bày khắp nhà cậu ấy rồi để cậu ấy dọn dẹp một mình đi!”
Tống Nhĩ Giai cười nói: “Đừng nói về tôi nữa, các cậu cũng sắp chuyển đi rồi mà.”
Họ đều sẽ lần lượt ký hợp đồng làm việc và thuê chỗ ở.
“Các cậu nhìn xem, mọi người trong ký túc xá này dường như đã chuyển đi nơi khác rồi này.” Tống Nhĩ Giai chỉ vào phòng ký túc xá với một đống hộp ở cửa:” À, họ đều là người ở nơi khác. Họ cũng đến nơi đó để thực tập rồi, đợi đến lúc bảo vệ luận án mới trở về.”
Bạn cùng phòng liếc nhìn hành lang, buồn bã nói: ” Tôi vẫn chưa biết mặt tất cả mọi người ở ký túc xá tại hành lang này mà đã tốt nghiệp hết cả rồi.”
Trường đại học có hơn 100 bạn cùng lớp và sự liên kết giữa các bạn trong lớp không chặt chẽ như thời cấp 2. Sau khi tốt nghiệp Đại học, một số người có thể không nhớ được ngoại hình và tên của bạn mình.
Tống Nhĩ Giai nhớ rõ ngoại hình và tên của mọi người. Duyên kết bạn của nàng rất tốt, nhưng thật ra không có mấy người để nàng có thể tâm sự.
Nàng đành an ủi bạn cùng phòng: “Nhận ra hết cũng không có ý nghĩa gì. Có lẽ chỉ còn lại không quá mười người vẫn giữ liên lạc với nhau sau hai ba năm tốt nghiệp.”
Bạn cùng phòng: “Cậu nói cũng đúng. Đi thôi, tôi tiễn cậu ra cửa để bắt xe.”
Tống Nhĩ Giai mang theo mèo nên không thể đi tàu điện ngầm hay xe buýt, chỉ có thể bắt taxi về nhà.
Từ ký túc xá đến cổng trường chỉ có một khoảng rất ngắn.
Tống Nhĩ Giai bước đi chậm rãi với bạn cùng phòng rồi lại chợt nhớ về khung cảnh vào năm nhất.
Vào năm nhất, nàng tự đến ghi danh một mình cùng chiếc chiếc vali.
Có rất nhiều tân sinh viên được bố mẹ tự tay đưa đến. Thậm chí có người còn được cả gia đình, bao gồm bố, mẹ, anh chị em đưa đến nhập học.
Tống Uy làm việc trong bệnh viện. Tống Nhĩ Giai đã quen với sự bận rộn của bà nên cũng không mong đợi gì hơn. Chỉ là, trước kỳ thi tuyển sinh Đại học, Nguyễn Trinh đã hứa với nàng rằng cô sẽ đưa nàng đến nhập học.
Không ngờ, cô đã không giữ lời.
Một tháng sau kỳ thi tuyển sinh đại học của Tống Nhĩ Giai — Vào tháng 7, hai tuần sau khi Nguyễn Trinh tốt nghiệp cao học, cô đã chạy đến Ninh Thành.
Nàng là người đến sân bay để tiễn cô đi.
Sân bay kết nối với tàu điện ngầm. Tống Nhĩ Giai đưa Nguyễn Trinh đến lối vào thang máy của sân bay.
Hai người một trước một sau bước đi, cũng không nói gì một lúc lâu. Nguyễn Trinh liếc nhìn thang máy, sau đó kiểm tra thời gian trên điện thoại. Cô bỗng dưng ngoảnh đầu lại, nhìn Tống Nhĩ Giai rồi hỏi:” Có muốn ôm một cái không?”
Tống Nhĩ Giai giang hai tay ra, ôm lấy Nguyễn Trinh.
Sau khi ôm nhau khoảng mười giây, Nguyễn Trinh nhẹ nhàng đẩy nàng ra và nói: “Tạm biệt.”
Sau đó, cô đã rời đi mà không ngoảnh nhìn lại.
Tống Nhĩ Giai cứ đứng ở lối vào cho đến khi bóng lưng đĩnh đạc của Nguyễn Trinh biến mất trong tầm mắt mình. Lòng nàng đau như nhau cắt, nhưng không tài nào khóc được.
Cảm giác nói lời tạm biệt ấy, nàng không bao giờ muốn cảm nhận lại một lần nào nữa.
Tháng bảy hai người xa cách, tháng tám hai người dần ngừng liên lạc. Tháng chín, nàng tựu trường. Một mình nàng kéo vali đến trường đại học để báo danh trong cái nắng ngày hè nóng như thiêu đốt.
Bốn năm sau, Tống Nhĩ Giai vẫn nhớ như in cái nóng bức và khó chịu vào tháng 9 năm đó, cũng như sự lẻ loi, vô vị khi ở một mình vào lúc đó, và dấu vết của nỗi tủi thân không tài nào diễn tả được đã chôn chặt trong cõi lòng nàng.
Tống Nhĩ Giai nhìn hai cây ngô đồng trong khuôn viên trường rồi nhìn những người bạn cùng phòng bên cạnh mình và mỉm cười:” Khi đến đây, tôi chỉ có một mình. Nhưng trước khi đi, lại có các cậu đến tiễn tôi. Bốn năm đại học này thực sự rất đáng giá!”
Bạn cùng phòng vỗ vỗ đầu nàng:” Nói cái gì vậy, lời nói này không phải điềm lành, rất dễ khiến người nghe hiểu lầm đấy. Gần đến thời gian tốt nghiệp rồi, không được nói như vậy!”
Tống Nhĩ Giai: “Ôi, mọi người đều là người kế tục chủ nghĩa xã hội, đừng mê tín như vậy có được không?”
Cả đám cãi nhau ầm ĩ suốt cả đoạn đường. Khi bước đến cổng trường, Tống Nhĩ Giai liền nhìn thấy một bóng dáng quen thuộc.
Dáng người cao gầy cùng với khí chất đĩnh đạc ấy đã thu hút sự chú ý của vô số người qua đường——
Nguyễn Trinh.
Nguyễn Trinh dựa vào thành xe, ôm lấy cánh tay. Cô cúi đầu, dùng mũi chân vẽ vẽ trên mặt đất, như thể đang chờ đợi một người nào đó lâu đến mức nhàm chán.
Tống Nhĩ Giai cầm lòng chẳng đặng dừng chân lại và nhìn về phía cô. Nàng muốn xác nhận đấy có thực sự là Nguyễn Trinh không? Hay chỉ là ảo mộng của riêng nàng?
Nguyễn Trinh ngẩng đầu lên, đảo mắt nhìn xung quanh. Khi nhìn thấy Tống Nhĩ Giai xuất hiện trong tầm mắt mình, cô lập tức đứng thẳng người, khẽ mỉm cười và vẫy tay với Tống Nhĩ Giai.
Bạn cùng phòng phấn khích kéo kéo tay Tống Nhĩ Giai:” Nhĩ Giai, nhìn kìa! Phía bên kia có một chị gái cực kỳ xinh đẹp và trưởng thành kìa! Ủa? Hình như chị gái xinh đẹp kia đang vẫy tay với cậu thì phải, hai người quen biết nhau sao?”
Tống Nhĩ Giai nhìn Nguyễn Trinh và nói: “Đó là bạn của tôi.”
Khi thấy nàng vẫn chưa bước đến, Nguyễn Trinh đợi thêm vài giây rồi chủ động bước về phía nàng.
Lúc bước đến bên cạnh Tống Nhĩ Giai, Nguyễn Trinh cầm lấy vali của Tống Nhĩ Giai một cách rất tự nhiên và dịu dàng nói:” Năm đó chị không đưa em đến, là do chị lỗi hẹn, cũng là do chị sai. Ngày hôm nay, chị muốn đến đón em về nhà.”
– —-
Tác giả có lời muốn nói:
Đưa vợ về nhà, nhân tiện ra mắt “cư dân mạng” luôn~~~