Nhớ Mãi Không Quên - Thiên Tại Thủy

Chương 42: Ôm một cái


Đây là một chiếc túi đựng hồ sơ trong suốt, căng phồng, chứa rất nhiều thứ quen thuộc về thuở niên thiếu của Tống Nhĩ Giai.

Tống Nhĩ Giai mở túi hồ sơ và lấy từng thứ ra.

Một con chuột giả, một con rắn giả, một thẻ kẹp sách bằng lá cây, một xấp giấy ghi chú, hàng chục bài văn viết hồi cấp ba…

Tống Nhĩ Giai cầm con chuột giả và rắn giả lên, lật qua lật lại trong lòng bàn tay.

Hai thứ này là trò đùa nàng dành riêng cho Nguyễn Trinh khi lần đầu tiên cô đến nhà nàng. Không ngờ Nguyễn Trinh vẫn còn giữ chúng cho đến tận bây giờ.

Nghĩ đến quá khứ đã qua, Tống Nhĩ Giai bỗng mỉm cười rồi đặt hai thứ này xuống, sau đó cầm thẻ kẹp sách bằng lá cây lên.

Thẻ kẹp sách này là vào mùa thu trong học kỳ đầu tiên của lớp 12. Nguyễn Trinh đã nhặt một ít lá cây ngô đồng rơi trong khuôn viên bệnh viện và tặng cho nàng. Nàng đã nhìn thấy phương pháp làm thẻ kẹp sách trên tạp chí và làm theo, tạo hình thành một chiếc và tặng cho Nguyễn Trinh.

Nàng nhớ rất rõ, lúc đó, Nguyễn Trinh chỉ cười nhẹ, rồi tiện tay kẹp vào sách giáo khoa.

Tầm mắt Tống Nhĩ Giai bỗng rơi vào xấp giấy ghi chú phía sau.

Nàng ngồi dưới ánh dương ấm áp trên mặt đất, lật giở từng mẩu giấy ghi chú—

【Tất cả chúng ta đều ở trong bùn lầy, nhưng có một số người biết nhìn lên những vì sao——Wilde. 2015.03.01】

【Để thấy được nền văn minh của một quốc gia, bạn chỉ cần xem xét ba điều: Thứ nhất, cách họ đối xử với trẻ em. Thứ hai, cách họ đối xử với phụ nữ. Thứ ba, cách họ sử dụng thời gian rảnh rỗi. ——Hồ Thích. 2015.03.02】

【Người dũng cảm tức giận, nhưng sẽ xoay lưỡi kiếm của mình cho kẻ mạnh hơn. Người hèn nhát tức giận, sẽ quay lưỡi kiếm vào kẻ yếu thế hơn. ——Lỗ Tấn 2015.03.03】

Đống ghi chú nằm ngổn ngang trên mặt đất đều là chữ viết của Tống Nhĩ Giai.

Vào năm lớp 12, nhiều người trong lớp sẽ đặt một tờ giấy nhắn lên bàn, hoặc viết trường đại học mong muốn, hoặc mục tiêu điểm số, hoặc một câu cách ngôn động viên bản thân. Mỗi ngày, Tống Nhĩ Giai đều viết một tờ giấy gồm đầy đủ các từ đơn tiếng Anh. Sau giờ học, nàng sẽ nhìn lướt qua và đọc thầm chúng. Ngoài ra, nàng còn trích dẫn một vài câu nói nổi tiếng để làm tư liệu tích lũy văn thơ mỗi ngày.

Vào đêm trước kỳ thi tuyển sinh đại học, lớp học của nàng được sử dụng làm phòng thi, mọi người cần phải dọn dẹp đồ đạc cá nhân của mình và trả lại phòng học trống. Vào ngày chuyển đồ, Nguyễn Trinh đã đến giúp nàng thu dọn. Nàng cầm lấy xấp giấy ghi chú, chuẩn bị ném vào thùng rác, nhưng Nguyễn Trinh đã giành lấy rồi nói:” Để chị vứt giúp em.”

Hiện tại, có vẻ như chúng không những không bị vứt vào sọt rác mà còn được xếp ngay ngắn theo trình tự thời gian.

Ngoài ra, còn có hàng chục bài văn, từ học kỳ 1 năm lớp 12 đến trước đêm thi tuyển sinh Đại học môn Ngữ văn. Từ những nét chữ nguệch ngoạc và non nớt ban đầu cho đến nét chữ gọn gàng, rõ ràng về sau…

Năm đó, vì để luyện chữ viết, nàng đã dùng hết hai hộp bút.

Tống Nhĩ Giai ngồi xổm xuống đất để nhìn chúng, đầu mũi nàng bỗng chua xót, rất muốn khóc.

Nàng đã quên chúng từ rất lâu và cất vào góc ký ức cũ kỹ để chúng hóa thành đống bụi tàn của quá khứ. Nhưng không ngờ rằng lại có một người như vậy, dịu dàng và ân cần bảo hộ mọi thứ thuộc về riêng nàng.

Bỗng dưng nàng cảm thấy rất rất nhớ Nguyễn Trinh.

*

Nguyễn Trinh cởi áo blouse trắng, mặc lại bộ quần áo ngày thường. Cô bước ra khỏi phòng khám, lấy điện thoại ra và mở giao diện trò chuyện với Tống Nhĩ Giai đầu tiên.

Tống Nhĩ Giai đã gửi một bức ảnh bít tết sốt tiêu đen và bento ngũ cốc đến.

【Đến tầng hai căng tin ở khu Đông đi. 】

Nguyễn Trinh trực tiếp gọi một cuộc điện thoại đến: “Em đến bệnh viện à?”

Ở đầu bên kia điện thoại, Tống Nhĩ Giai đang mỉm cười:” Vâng, đến căng tin khu Đông đi. Chị muốn ăn canh gì không, em sẽ mua trước cho, kẻo chị đến đây phải xếp hàng chờ lâu.”

Nguyễn Trinh gọi canh tảo bẹ sườn heo. Sau đó, cô vội vã chạy đến căn tin ở khu Đông.

Khi cô đến nhà ăn, Tống Nhĩ Giai đang ngồi trên ghế cạnh cửa sổ, nhìn xuống điện thoại của mình.

“Trưa nay em đến đây làm gì vậy? Hiện tại thời tiết rất nóng.” Nguyễn Trinh ngồi đối diện với Tống Nhĩ Giai, sau đó nhìn hai hộp cơm trên bàn và hỏi:” Em làm à?”

Tống Nhĩ Giai ngẩng đầu nhìn Nguyễn Trinh, cười nói:” Em phải dọn dẹp nhà cửa hết cả buổi sáng, làm sao còn thời gian rảnh để mà làm được? Em đến cửa hàng để mua thức ăn đóng hộp đấy.” Nói xong, nàng đẩy điện thoại di động đến trước mặt Nguyễn Trinh:” Chị xem, Cát Tường đang phơi nắng trong phòng khách này. Sáng nay, tinh thần của nó đã tốt hơn rất nhiều.”

Nguyễn Trinh cúi đầu nhìn màn hình điện thoại.

Trong đoạn video giám sát hiển thị trên màn hình điện thoại di động, một chú mèo màu cam mũm mĩm đang mang chiếc vòng thời Elizabeth nằm trước cửa sổ lớn trong phòng khách, lười biếng phơi mình dưới ánh dương.

Nguyễn Trinh vươn đầu ngón tay chạm vào chú mèo trên màn hình, nhẹ nhàng nói với Tống Nhĩ Giai:” Trời trở nóng rồi. Nếu muốn, em cứ việc đặt thức ăn mang về và bảo họ giao đến văn phòng của chị, không cần tự mang đến đây đâu.”

Chạy đi chạy lại thế này khiến nàng đổ rất nhiều mồ hôi.

Tống Nhĩ Giai vẫn nhìn Nguyễn Trinh, sóng mắt chất chứa ý cười rạng rỡ. Nàng khẽ nói:” Nhưng em rất muốn gặp chị.”

Những lời thẳng thắn đầy ái muội này khiến Nguyễn Trinh sững sờ trong chốc lát, sau đó nhìn về phía Tống Nhĩ Giai.

Tống Nhĩ Giai dùng ánh mắt sáng ngời, chăm chú nhìn vào gương mặt của Nguyễn Trinh.

Nguyễn Trinh không thể chịu nổi, cô khẽ cúi đầu xuống, nhìn về phía xa xăm, vừa mở hộp đồ ăn, vừa nhẹ nhàng nói:” Không phải mỗi ngày chúng ta đều gặp nhau sao…”

Tống Nhĩ Giai mỉm cười, không nói gì. Nàng cũng mở thức ăn trước mặt mình ra và bắt đầu ăn.

Ngay cả khi cả hai gặp nhau hàng ngày, nàng cũng không thể cưỡng lại dòng suy nghĩ ùa vào lòng tại thời điểm ấy. Vì vậy, nàng đã liều lĩnh chạy đến đây để gặp Nguyễn Trinh.

Ở nhà còn có một chú mèo bị ốm, Tống Nhĩ Giai cũng không dám ở bệnh viện quá lâu. Sau khi ăn trưa cùng Nguyễn Trinh xong, nàng phải đi tàu điện ngầm về nhà.

Nguyễn Trinh đưa nàng đến cổng bệnh viện và nhìn nàng rời đi.

Tống Nhĩ Giai đi được vài bước rồi dừng lại. Nàng ngoảnh đầu nhìn lại, Nguyễn Trinh vẫn còn đứng đấy. Khi thấy nàng quay lại, cô bèn vẫy vẫy tay với nàng, sau đó khẽ nghiêng đầu và mỉm cười cùng nàng.

Tống Nhĩ Giai cũng mỉm cười. Nàng xoay người, đi thêm vài bước, nhưng rồi lại đột nhiên quay lại, chạy lon ton về phía Nguyễn Trinh.

Thấy nàng chạy đến, Nguyễn Trinh bỗng thở dài một tiếng và hỏi:” Sao vậy em?”

Tống Nhĩ Giai mở rộng vòng tay, ôm chầm lấy Nguyễn Trinh: “Ôm một cái!”

Nguyễn Trinh khẽ cười thành tiếng. Cô vươn tay ra, ôm lấy Tống Nhĩ Giai, thì thầm bên tai nàng:” Hôm nay em gặp phải chuyện gì sao?”

Rất dính người…

Tống Nhĩ Giai nói:” Em chỉ muốn ôm chị thôi.”

Quần áo mùa hè vừa mỏng vừa nhẹ. Khi ôm, da thịt dán sát vào nhau, có thể cảm nhận rõ ràng nhiệt độ cơ thể của nhau.

Khi ôm cô, nhịp tim Tống Nhĩ Giai đập càng lúc càng nhanh. Nàng đỏ mặt, nới lỏng vòng tay, sau đó quay lưng nói lời tạm biệt cùng Nguyễn Trinh:” Nguyễn…Nguyễn Trinh, hẹn gặp lại vào buổi tối nhé.”

Nàng muốn gọi một tiếng “Nguyễn lão sư” theo thói quen, nhưng lại đột nhiên hy vọng rằng tình cảm giữa cả hai sẽ thân thiết hơn tình cảm thầy trò. Vì vậy, nàng đã gọi thẳng tên cô.

Cơ thể ấm áp trong vòng tay bỗng xoay người rời đi. Vành tai Nguyễn Trinh đỏ ửng, nhưng vẻ mặt vẫn rất bình tĩnh. Cô khoanh tay, đứng yên tại nơi này, tiếp tục nhìn theo bóng lưng Tống Nhĩ Giai rồi khẽ đáp:” Buổi tối gặp.”

*

Khi về đến nhà đã hơn một giờ rưỡi. Tống Nhĩ Giai rửa tay, ôm lấy mèo ngồi trên sô pha và cho nó uống thuốc.

Chăm sóc mèo ốm cũng giống như chăm sóc một đứa trẻ bị bệnh.

Một đứa trẻ ngoan ngoãn sẵn sàng tự ý uống thuốc, nhưng một chú mèo không thể hiểu biết như người chỉ có thể được nhét thuốc vào miệng.

Nàng nhét hai viên thuốc lợi tiểu và một viên chống viêm rồi đổ nửa bát nước vào. Bận rộn suốt nửa tiếng, Tống Nhĩ Giai ngáp một cái, sau đó tắm rửa và ngủ trưa.

Lúc Tống Nhĩ Giai tỉnh dậy, trời đã tối nhem.

Tối hôm qua, nàng đi đến phòng tập thể hình để rèn luyện với cường độ cao, nhưng đêm qua lại tiếp tục mất ngủ. Hôm nay, nàng ngủ một giấc từ 2 giờ trưa đến tận 8 giờ tối.

Tỉnh dậy sau một giấc ngủ say, nàng phải nằm một lúc mới có thể rời giường được.

Chân tay có chút đau nhức. Nàng xoa xoa bả vai rồi bước ra phòng khách.

Nguyễn Trinh đã tan tầm và đang ngồi trên ghế sô pha, ôm lấy chú mèo, cho nó uống súp.

Nhìn thấy Tống Nhĩ Giai bước ra khỏi phòng ngủ, cô khẽ mỉm cười và nói:” Thức ăn để trong hộp giữ nhiệt đấy. Chị nấu canh gà trong nồi điện, em vào đấy múc một bát uống đi, chị đã múc bát nhỏ cho mèo rồi.”

“Em ngủ rất ngon, thực sự cần vận động nhiều hơn nữa.” Tống Nhĩ Giai vẫn còn buồn ngủ. Nàng vươn vai, xoa xoa cánh tay, bước vào phòng bếp. Sau đó, không biết là vô tình hay cố ý, nàng lại nói một câu:” Bỗng dưng em cảm thấy hai chúng ta sống cả đời như vậy thực sự tốt biết bao.”

Hai người và một mèo, bầu bạn với nhau trọn một đời.

Nguyễn Trinh không nói gì, Tống Nhĩ Giai cũng không dám ngoảnh đầu nhìn biểu hiện và phản ứng của cô. Nói xong, nàng liền chạy vào phòng bếp để múc một bát canh gà.

Tống Nhĩ Giai cũng bước đến ghế sô pha và ngồi xuống. Nàng vừa uống canh vừa quay đầu lại, cẩn thận quan sát sắc mặt của Nguyễn Trinh.

Nàng rất mong đợi phản ứng của Nguyễn Trinh, nhưng nàng cũng rất sợ phản ứng của cô.

Nguyễn Trinh vẫn bình thản. Một tay cô ôm lấy mèo, tay còn lại cầm điều khiển từ xa để bật TV lên và xem tin tức.

Trong bản tin, chuyên án chống bắt cóc trẻ em đang được phát sóng.

Vào thế kỷ trước, hiện tượng buôn bán người tràn lan, nhiều trẻ em bị bắt cóc và buôn bán khi còn nhỏ. Bây giờ, sau mười hai năm, chúng đã được phục chế thông qua các công nghệ thông tin khác nhau.

Tống Nhĩ Giai vừa uống súp vừa bàn luận tin tức này cùng Nguyễn Trinh. Nàng mở miệng chửi rủa:” Nếu chú mèo của em vừa đi lạc một chút, em đã đau lòng đến mức chết đi sống lại. Nhưng những kẻ bắt cóc kinh tởm này đã bắt con nhà người khác, hủy hoại mái ấm gia đình và cuộc sống của bao người. Vậy mà chúng chỉ bị kết án vài năm, luật pháp vẫn còn quá nhân từ rồi.”

Nguyễn Trinh nhìn vào màn hình TV và nói:” Trong bản tin này, hầu hết những người bị bắt cóc và buôn bán là bé trai. Trước đây, khi kế hoạch hóa gia đình được áp dụng, nhiều gia đình ở nông thôn thường trọng nam khinh nữ. Nếu sinh được một bé gái, bố mẹ sẽ bán thẳng cho một gia đình trong làng hoặc làng bên không thể sinh con, hoặc cho một gia đình muốn có con gái. Lúc còn nhỏ, chị thường nghe hàng xóm tán gẫu chuyện đó là con gái nhà ai, nhặt về từ nơi nào.”

Từ nhỏ, Tống Nhĩ Giai đã lớn lên dưới sự bảo bọc của Tống Uy. Nàng là con một trong gia đình nên chưa bao giờ nghe đến những chuyện như vậy. Vì thế, nàng nói với vẻ ngạc nhiên:” Bố mẹ không cảm thấy đau lòng khi bán chính đứa con mà mình đã mang thai 10 tháng sao?”

Nguyễn Trinh nói: “Thay vì đau khổ, họ càng muốn có một đứa con trai để nối dõi tông đường hơn.”

Tống Nhĩ Giai xùy một tiếng.

Sau đó, hình ảnh trên TV đã thay đổi. Một phóng viên đang phỏng vấn một diễn viên thành lập “Quỹ cứu trợ phụ nữ và trẻ em bị bắt cóc”.

Trên màn hình, nữ diễn viên trẻ nhìn vào máy ảnh và nói:”… Nhiều gia đình có thể tan vỡ vì chuyện này. Thậm chí, để tìm kiếm đứa con bị mất tích, nhiều bố mẹ đã mắc bệnh tâm thần, gia đình cũng trở nên nghèo khó. Tổ chức cứu trợ của chúng tôi chuyên giúp chống lại nạn bắt cóc và giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn này…”

Tống Nhĩ Giai nhìn vào gương mặt của nữ diễn viên rồi nói:” Đó là Lan Chu*. Em đã xem qua một số bộ phim điện ảnh của cô ấy. Cô ấy diễn xuất khá tốt, cũng rất có trách nhiệm với xã hội. Em sẽ ghi nhớ tên quỹ của cô ấy và quyên góp một ít tiền khi em đi làm.”

(Lan Chu*: Nữ chính trong cuốn tiểu thuyết mà Lộc Ẩm Khê xuyên vào trong bộ truyện “Nàng là đệ tam tuyệt sắc” của đồng tác giả và đồng editor. Hiền lành, tốt tính, chăm lo cho Lộc Ẩm Khê (trên cương vị tình cảm chị em).)

Nguyễn Trinh nhìn Lan Chu, dường như nghĩ ra điều gì đó:” Trước đây, nữ diễn viên này đã từng đóng một bộ phim truyền hình về y học, nó cũng được quay tại Bệnh viện trực thuộc số một Đại học Giang Châu.”

Tống Nhị Gia hỏi: ” Phim truyền hình y học gì đấy, có hay không?”

Nguyễn Trinh nói: ” Chị không nhớ rõ lắm. Chị đã xem nó khi còn học Đại học. Chút nữa chị sẽ lên mạng tìm kiếm sau.”

Cả hai câu được câu mất trò chuyện cùng nhau. Trên TV, phóng viên đã phỏng vấn Lan Chu về lý do thành lập quỹ cứu trợ. Đầu tiên, Lan Chu đưa ra một số lý do khách quan và chính đáng, chẳng hạn như ý thức trách nhiệm xã hội của các nhân vật công chúng. Sau đó, cô ấy dừng lại một giây để nhìn vào máy ảnh và nói:” Cuối cùng, cũng là vì lương tâm của tôi.”

Tống Nhĩ Giai có chút tò mò: “Vì lương tâm là có ý gì thế? Cô ấy chưa bao giờ bắt cóc và buôn bán trẻ em mà…”

Nguyễn Trinh ôm mèo đứng lên, đi đến thùng rác và thờ ơ nói:” Có lẽ cô ấy đang nói về việc muốn làm người tốt. Còn nữa, chị đã xin nghỉ phép ở bệnh viện xong rồi. Em thử dành thời gian để suy nghĩ về việc em muốn đi đâu vào tháng sau xem?”

– –

Lời editor: Hiện tại tác giả viết đến chương nào, mình đều edit chương đó và đăng lên cho mọi người luôn (tiến độ up chương hiện tại bằng với bên Trung rồi).

Đọc đến đây, mình mới có thể xác định được nơi mà Nguyễn Trinh và Tống Nhĩ Giai ở là một thế giới song song khác, nơi chỉ có Giản Thanh và Lộc Ẩm Khê vào 12 năm trước. Hiện tại, hi vọng tác giả sẽ lồng ghép thêm nhiều nhân vật ở thế giới này vào để hiểu biết thêm về cuộc sống của họ, ví dụ như Nhan Miểu Miểu, Trương Dược và Ngụy Minh Minh này, còn có Lan Chu và Chử Yến nữa.

Chắc sẽ không nhắc nhiều về Giản Thanh và Lộc Ẩm Khê đâu, có thì cũng chỉ nhắc thoáng qua thôi. Vì hai người đang hạnh phúc ở một thế giới song song khác rồi.

– ——-


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận