Nhu Giá

Chương 11


Trần Trưng là kẻ mê cờ, mê chơi cờ với người khác, càng mê chơi cờ với Thích Nhung hơn, Thích Nhung không hứng thú với chuyện chơi cờ cho lắm, từ trước tới nay, nếu có thể qua quýt là chàng sẽ chơi qua quýt luôn.

“Nếu ngươi không nghiêm túc với ta thì cuộc đánh cược của chúng ta sẽ không xong đâu.” Trần Trưng cảnh cáo chàng.

Rõ ràng là Thích Nhung trông có vẻ hơi mất hồn, hạ cờ cực kỳ tùy tiện, hình như cũng không thèm suy nghĩ gì.

Lúc đầu Trần Trưng còn cảm thấy vô cùng bất mãn, sau lại phát hiện nước cờ mà Thích Nhung đánh không hề tệ, nhìn thì y như là tùy tiện nhưng lại gãi đúng chỗ ngứa của từng người.

Huynh ấy cũng hơi nghi ngờ tên này đang “cố tình bày nghi trận”.

Một khi Trần Trưng tiến vào ván cờ thì sẽ hồn nhiên quên mất trạng thái của mình, bây giờ huynh ấy nào còn có tâm trạng để quan tâm đến muội muội mình nữa đâu.

Chờ đến khi kết thúc một ván, Trần Trưng thắng, bấy giờ huynh ấy mới búng tay một cái, thoát khỏi ván cờ.

Huynh ấy liếc mắt qua đĩa điểm tâm trống không bên cạnh, lẩm bẩm: “Ta ăn hết rồi à?”

Thích Nhung cầm chung trà rũ mắt uống.

Trần Nhu dùng tay chống cằm: “…”

Có phải hai người này ăn hơi bị khỏe quá rồi không…

Vừa nãy nàng chỉ giả vờ nghiêm túc xem cờ, thực tế là nàng rất để ý động tĩnh của hai người này, Trần Trưng đúng là ca ca “ruột”.

Ngoài miệng thì nói thích ăn bánh ngọt muội muội làm, mà thứ huynh ấy thường hay cầm trên tay là bánh phục linh và bánh hoa quế.

Đang ghét bỏ bánh ta làm không ăn được chứ gì.

Vừa rồi nàng cũng tự ăn thử mấy cái, đúng là nếu so với Lạc Phương Trai thì ăn không được ngon cho lắm.

Mất công người nào đó ăn hơn một nửa số bánh.

Ban đầu Trần Nhu cảm thấy hơi thất vọng, quyết định sau này sẽ không bao giờ xuống bếp nữa, nhưng bây giờ lại cảm thấy, nếu đã có người sẵn lòng ăn, vậy thì thi thoảng nàng sẽ làm một ít.

Trần Trưng cầm chung trà lên, ngậm đầy một miệng trà, đè vị ngọt đến ngấy trong miệng xuống, nghĩ rằng, hôm nay muội muội mình cũng không dễ dàng gì, vì muốn cổ vũ muội muội mình nên một đại nam nhân như mình đã ăn nhiều điểm tâm ngọt như thế kia.

“Dùng trà không thú vị gì cả, Tiểu Thất, đừng châm trà nữa.”

Thích Nhung ngồi một bên thấy đồng cảm vô cùng, hai huynh đệ cùng chung cảnh ngộ nhìn nhau một cái, Thích Nhung hỏi: “Có rượu không?”

“Có.” Trần Trưng ngồi ngay ngắn: “Ta gọi người mang rượu tới rồi lại chuẩn bị thêm mấy món nhắm rượu.”

Dứt lời, huynh ấy nhìn về phía Trần Nhu, bảo: “Muội không được uống rượu, ngồi một bên nhìn các ca ca chơi cờ đi.”

Trần Nhu đứng lên, rầu rĩ bảo: “Muội không xem, chơi cờ chẳng thú vị gì cả, ngồi lâu rồi, muội đi dạo trong vườn một chút.”

Nàng xoay người đi ra khỏi đình nhỏ, cũng không quan tâm hai kẻ phía sau có phản ứng gì, dẫn theo Nhạn Thư đi đến giàn nho.

Trần Nhu ngồi trên bàn đu dây, nhìn bóng hình hai người trong đình từ xa, một người tuấn mỹ ngay thẳng như mặt trời mới mọc, một người quân tử đoan chính như trăng sáng, hai người ngồi cùng nhau, tựa như nhật nguyệt giao hòa, chiếu sáng cho nhau.

Từ lúc nàng đi thì hai người này uống rượu, chơi cờ trông còn vui vẻ hơn trước đó nhiều.

Trần Nhu cảm thấy mình như một muội muội can dự vào chuyện tình cảm huynh đệ của hai người họ, giữa ba người, vì sao khi có thêm nàng thì trông mọi thứ không ăn khớp như thế?

Thích Nhung thích nàng thật ư?

Lỡ đâu, thật ra người chàng thích là ca ca nàng thì sao?

Trong mơ, chàng ở ngoài điện đàn khúc Phượng cầu hoàng cả đêm, nhưng đó là chuyện sau khi chàng trở thành Định Bắc Vương, chứ không phải là Thích tiểu Hầu gia như hiện giờ.

Có thể là vì ca ca qua đời trước, từng nhắn nhủ nhờ vả chàng chăm sóc mình, chàng mới dần có tình cảm nam nữ với nàng, phải chăng là thế?

Bây giờ nàng chỉ mới là một thiếu nữ vừa mới cập kê.

Chẳng lẽ Thích Nhung vẫn cảm thấy nàng chỉ là một con bé hỉ mũi chưa sạch?

Từ nhỏ đến lớn, chàng và ca nàng ở chung nhiều nhất, tất nhiên tình cảm giữa hai người họ sâu nặng vô cùng.

Chàng đối xử tốt với nàng, bảo vệ nàng, có lẽ chỉ vì nàng là muội muội của Trần Trưng mà thôi.

“Thất cô nương, sao người lại không vui thế ạ?” Nhạn Thư nhẹ nhàng đẩy bàn đu dây, thấy sắc mặt Trần Nhu không tốt cho lắm, bèn vội vã quan tâm hỏi han.

Rõ ràng sáng nay cô nương nhà bọn họ có tâm tình rất tốt, còn luyện múa, phơi sách, sau đó còn đến phòng bếp nhỏ bận rộn một lúc nữa cơ, nhưng bây giờ trông cô nương như cà tím phơi sương vậy.

Nghĩ thầm, chắc là tiểu Hầu gia lại nói gì đó không lọt tai nữa rồi.

“Thất cô nương, người đừng để lời của tiểu Hầu gia trong lòng.”

Trần Nhu: “…”

Nàng không để trong lòng kiểu gì đây?

Bây giờ lòng nàng thấy rất loạn, khi chợt nhận ra rằng, có thể là Thích Nhung không thích nàng, ấy thế mà nàng lại thấy đau buồn vô cùng.

Trước kia nàng cũng biết Thích tiểu Hầu gia không thích mình cho lắm mà phải không?

Bây giờ cũng vậy, cùng lắm chỉ là sẽ trở lại như trước mà thôi.

Trước tới nay Trần Nhu chưa bao giờ ngờ rằng, trong mơ, khi biết được Thích Nhung có lòng riêng với mình, thì ra nàng sẽ vui vẻ đến nhường ấy.

Ngũ hoàng tử rồi lại Lục hoàng tử gì gì đó, tất cả đều không quan trọng như chàng.

“Vốn dĩ tiểu Hầu gia không thích…” Nhạn Thư dừng lại một chút, rồi nàng ấy lại nói tiếp: “Vốn dĩ ngài ấy đã không thích nữ tử tầm thường.”

“Tất nhiên là, nhìn tiểu thư rồi cô nương các loại đều không thấy vừa mắt.”

“Cho dù là một nữ tử tinh thông cầm kỳ thi họa đứng trước mặt ngài ấy, thì ngài ấy cũng sẽ bới lông tìm vết mà thôi.”

“Cô nương cũng không thích ngài ấy là được ấy mà m.”

Trần Nhu hừ một tiếng trong lòng, nàng ôm tâm trạng hơi bướng bỉnh mà nghĩ, có lẽ người nàng thích bây giờ chỉ là Định Bắc Vương thâm tình đến cùng chẳng nuối tiếc trong giấc mơ kia mà thôi, chứ không phải là chàng thiếu niên kiêu căng, nói năng khó nghe khiến người ta ghét trước mặt nàng bây giờ.

Nàng nói với Nhạn Thư: “Ta muốn thả diều.”

Thích Nhung đã thua ba ván.

Trần Trưng thắng thì vừa thỏa mãn vừa vui sướng, đây chính là niềm vui sướng tràn trề vì chiến thắng, nhịn không được mà bày ra dáng vẻ đắc ý vênh váo: “Tiểu Hầu gia, kỹ thuật chơi cờ của ngươi cũng đã tăng lên không ít rồi nhỉ, nhưng so ra thì vẫn kém ta đấy nhé.”

Thích Nhung cầm bầu rượu lên, chàng ngửa đầu uống một hớp, cũng không coi lời huynh ấy nói là chuyện quan trọng gì.

Trần Trưng cười, cũng nhấc bầu rượu lên, chạm với chàng một cái, vui sướng uống hết một hớp đầy tràn, lúc buông bầu rượu xuống, huynh ấy bỗng thấy cái gì đó, thế là kinh ngạc nói: “Tiểu Thất đang thả diều bên kia.”

Thích Nhung quay đầu, vừa đúng lúc thấy nàng thiếu nữ tay nắm dây diều, nàng ngửa đầu, gió thổi tới khiến mái tóc đen bay tán loạn, làn váy bay bay, xiêm áo dính sát vào người, vẽ ra thân hình duyên dáng của nàng.

Chàng ngửa đầu uống một ngụm rượu, rượu mát lạnh đi vào cổ họng, trái cổ hơi lên xuống.

Đáy mắt hơi say, cũng không biết là say rượu hay say lòng.

Búi tóc Trần Nhu búi đã tan tành tự bao giờ, cái búi tóc gọi là rớt ngựa [*] như rớt nhưng lại không rớt này đã rớt hoàn toàn, trâm ngọc rơi rớt đầy đất, Nhạn Thư dùng một sợi dây cột tóc màu tím cột lại thành một chùm cho nàng, trâm bên tóc mai gài hai đóa hoa thược dược trắng.

[*] Đọa mã nghĩa là rớt/ té ngựa.

Diều trong tay bay càng ngày càng cao, dây diều trên trục quay rất nhanh, chốc lát đã hết sạch, Trần Nhu thả lỏng tay, tùy tiện để con diều trên trời bị gió cuốn bay lẫn vào trong mây, cho đến khi biến mất không thấy đâu nữa.

Không còn thấy diều đâu, nhưng tâm tình sầu lo phức tạp vừa nãy cũng theo đó mà biến mất không còn thấy đâu.

“Thất cô nương, Đại công tử bị người phòng khác kêu đi làm việc rồi, tiểu Hầu gia muốn nói riêng mấy câu với người.”

Trần Nhu gật đầu, không thay y phục, cũng không sửa sang lại tóc, cứ vậy mà đi vào đình, ngồi ở vị trí đối diện Thích Nhung – vị trí vừa nãy Trần Trưng đã ngồi.

Nhạn Thư và hộ vệ của Thích Nhung canh giữ ở ngoài đình.

Thích Nhung thấy tóc mai nàng hơi rối loạn, đóa thược dược trắng nở bung bên tai, cực kỳ giống khuôn mặt trắng trẻo của nàng, đều kiều diễm, ướt át như nhau.

Nàng đến gần, hương mai ngòn ngọt trong gió càng thêm nồng đậm.

Thích Nhung bỗng thấy hơi hối hận.

Chiếc khăn bị chàng nắm thật chặt trong tay.

“Tiểu Hầu gia, huynh muốn nói gì với ta?” Trần Nhu nhìn chàng, tim đập liên hồi như đánh trống.

Thích Nhung nhắm hai mắt lại, rồi sau đó chàng ngước mắt nhìn nàng và hỏi: “Muội quên mình đã vứt thứ gì đi rồi à?”

Lòng Trần Nhu bỗng thảng thốt, nhớ tới chiếc khăn tay ngày hôm đó, bấy giờ vừa xấu hổ vừa lúng túng, không biết phải làm sao, nhưng cũng có ba, bốn phần chờ mong được trông thấy phản ứng của chàng.

Nàng trông thấy Thích Nhung đẩy chiếc khăn tay đã xếp gọn gàng đến trước mặt nàng, dùng giọng điệu nghiêm túc để nói: “Cất cho kỹ, đồ của nữ nhi gia, chớ có tùy ý ném lung tung.”

Mặt Trần Nhu trắng nhợt, nàng đang trông đợi cái gì cơ chứ?

Nàng thẹn quá hóa giận: “Cũng chỉ là một chiếc khăn thôi mà, vứt thì vứt, có gì ghê gớm đâu.”

“Hôm nay ở trên tay ta, ngày mai muội còn muốn để nó trên tay ai? Có còn quy củ của nữ nhi gia nữa hay không?”

Giọng điệu chàng nghiêm khắc, mang theo ý răn dạy của người bề trên, hốc mắt Trần Nhu đỏ lên, nỗi chua xót khó lòng miêu tả được cứ tràn lan mãi trong lòng, nàng ấm ức: “Huynh nói chuyện dạy dỗ ta như thể huynh là ca ca của ta vậy.”

Thích Nhung nói: “Rõ ràng ta là huynh trưởng của muội.”

Trần Nhu cúi đầu, không để cho chàng thấy hốc mắt mình đang ửng đỏ, nàng im lặng cất khăn đi, nghĩ thầm, ai muốn huynh làm huynh trưởng chứ.

Thích Nhung thấy nàng đã cất khăn tay đi, không hiểu sao cơn bực dọc lại lan tỏa khắp lồng ngực chàng, như có một ngọn lửa sắp phun trào, nhưng tại giây phút trông thấy khóe mắt nàng đỏ hồng của nàng, ngọn lửa trong lòng chàng lại vụt tắt.

“Huynh nói huynh là huynh trưởng của ta, vậy ta muốn xin huynh giúp ta một việc.” Trần Nhu nhẹ nhàng xoa xoa hai mắt, ngẩng đầu nhìn chàng.

Nghe nàng kêu mình là huynh trưởng, lòng Thích Nhung như mềm nhũn, dịu giọng bảo: “Muội nói đi.”

“Hôm ấy ở trong phủ công chúa ta đã gặp được một cô nương gảy đàn Không, huynh có thể giúp ta đưa nàng ấy ra rồi sắp xếp cho nàng ấy một chỗ nhàn nhã trong viện…”

Nữ tử thanh lệ gảy đàn Không này tên là Nam Tranh, nàng đã từng gặp nàng ấy trong mơ, nhớ nàng ấy là một nữ tử truyền kỳ, bị liên lụy bởi người nhà nên nàng ấy phải nhập tiện tịch [*].

[*] Những người nhập tiện tịch không được tham gia khoa cử hay làm quan, phải làm nô lệ, đây là hậu duệ của những người tội nhân, đời này sang đời khác cũng ở mãi trong tiện tịch.

Thời niên thiếu, Nam Tranh đã nếm trải không ít khổ cực, sau này đã rửa sạch oan khuất cho gia đình mình, sở trường là kinh doanh, am hiểu việc mua buôn bán, có thủ đoạn thâm sâu.

Mẫu thân Trần Nhu đã để lại không ít cửa hàng thôn trang cho nàng, hiện giờ, lời lãi không quá nhiều, không tới mức lỗ lã, mỗi năm cũng sẽ có tiền thu vào, ít nhưng có còn hơn không.

Mẫu thân đã đi xa, mấy thứ này vẫn được người Thôi gia xử lý, vì thấy họ là người cũ bên Thôi gia nên phụ thân và Trần Trưng không đành lòng trách móc nặng nề, tất cả đều y như cũ, ngần ấy năm qua đi, dù có là trung bộc [*] năm xưa, thì bây giờ cũng đã thành sâu mọt trên xà nhà.

[*] Trung bộc: người làm trung thành.

Đối diện với những chuyện như thế, Trần Nhu không thể ra mặt hay đích thân xử lý, những kẻ này cứ động một chút là quỳ, là khóc lóc, là kể lể tình xưa nghĩa cũ của năm đó, nếu đồng loạt đuổi hết bọn họ đi, chỉ e là người ngoài sẽ nói nhà nàng không có tình có nghĩa.

Cũng giống như Tần nãi nương trong viên của nàng vậy, tất nhiên là Trần Nhu biết bà ta “tác oai tác quái” trong viên của mình, cũng biết bà ta khắt khe giày vò mấy tiểu nha hoàn, trước kia Trần Nhu đã muốn xử lý bà ta, nhưng bà ta lại ỷ vào việc mình là nhũ mẫu của nàng, bèn cầu xin sang chỗ lão thái thái bên kia.

Hiện giờ, thẩm thẩm tam phòng quản gia, lão thái thái một lòng một dạ thiên vị tam phòng, đám Tần nãi nương lại có quan hệ thân thiết với họ, nàng là một thiếu nữ chưa xuất giá, nếu nàng không muốn khiến phụ thân mình khó xử, cách đơn giản nhất là không động vào bọn họ.

Trần Nhu cần một cửa “đột phá”, yêu cầu một “thanh đao” đến từ bên ngoài, để người nọ tới giúp nàng quét sạch hết những chuyện này một lần chứ không để lỡ dở, rồi cuối cùng lại biến thành hỗn loạn muôn nơi.

Có rất nhiều chuyện, nếu đích thân nàng ra mặt giải quyết thì sẽ không thích hợp cho lắm, nhưng nếu là người khác thì mọi chuyện sẽ ổn thoả hơn hẳn, vốn dĩ nàng đã là một nữ tử, vậy nên, nếu tìm một nữ tử làm việc cho nàng thì sẽ tiện lợi hơn rất nhiều.

Trần Nhu nghĩ ngay đến Nam Tranh, ngày ấy, khi nhìn thấy nàng ấy trong phủ công chúa, nàng đã nảy sinh chút thiện cảm với nàng ấy, cũng muốn đưa tay ra giúp đỡ nàng ấy một lần.

Thân phận của Nam Tranh khiến người ta hơi khó xử, trong số những người mà Trần Nhu quen trong thành Trường An này, người có quyền có thế, có năng lực, có thể cứu được nàng ấy ra… cũng chỉ có mỗi mình Thích Nhung mà thôi.

“Muội muốn ta giúp muội đưa một nữ tử nhạc tịch ra?”

“Ta và nàng ấy mới gặp mà như đã thân quen từ lâu, ta còn muốn xin nàng ấy giúp ta một chuyện.”

Thích Nhung thở gấp, rồi chàng lại bật cười: “Nghĩ cũng đừng nghĩ!”

“Muội là tiểu thư nhà quan, muội có biết mình đang nói gì không?”

Hung dữ làm cái gì thế!

Cũng không biết nàng đã lấy dũng khí từ đâu ra, Trần Nhu đỏ mắt lườm chàng: “Huynh có đồng ý không?”

“Không.”

“Ta đi đây, muội tự giải quyết cho tốt đi.”

Trước khi đi, Thích Nhung còn cảnh cáo nàng: “Việc này muội nói với ta thì cũng thôi đi, nhưng chớ có nói với ca ca muội.”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận