Sau khi Triết Tông Triệu Hú băng hà, Hướng Thái hậu chọn hoàng tử thứ 11 của Thần Tông – Triệu Cát – tôn lên làm đế, đây chính là Huy Tông – phụ thân của Triệu Cấu và Nhu Phúc. Triệu Cát chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cô phụ tức phò mã Vương Sằn, thừa hưởng và phát huy ba sở thích lớn từ vị tài tử phong lưu chốn Biện Kinh này: hội họa, thúc cúc* và thực sắc**. Ông hiệu xưng làm theo di chí của phụ thân Triệu Húc và ca ca Triệu Hú, cổ vũ tân chính nhằm thúc đẩy sự phát triển của quốc gia giống bọn họ. Thế nhưng sự dụ hoặc của việc dựa vào hoàng quyền mà hưởng lạc chẳng mấy chốc đã đánh gục hùng tâm tráng trí phút đầu. Ông không có được quyết tâm cải cách giống với Triệu Húc, thế nhưng những thành tích trên phương diện ngâm thơ nghe nhạc, cầm kỳ thi họa, chọc hoa ghẹo liễu thì vượt xa phụ thân. Các phi tần sinh cho ông tổng cộng 31 người con trai và 34 người con gái, trong đó Triệu Cấu là hoàng tử thứ 9, Nhu Phúc là công chúa thứ 20, cùng cha khác mẹ. Giữa chốn hoàng cung rộng lớn này, theo lí mà nói thì bọn họ cũng chỉ giống các hoàng tử và công chúa khác, mỗi người sống cùng mẫu thân của mình, chẳng có mấy cơ hội tiếp xúc va chạm. Mặc dù là huynh muội song quan hệ vô cùng xa cách, thậm chí có vô tình chạm mặt cũng chưa chắc đã nhận ra nhau.
(* Thúc cúc: Một trò chơi bóng đá thời cổ đại.
** Thực sắc: Ẩm thực và sắc dục.)
Thế nhưng, đối với Triệu Cấu mà nói, Nhu Phúc không giống với các vị muội muội khác. Kể từ ngày nàng chào đời, y đã ý thức được sự tồn tại của nàng một cách rất rõ ràng.
Mẫu thân Vi thị trong kí ức của Triệu Cấu là một nữ tử dịu dàng yên tĩnh, giống với biết bao nữ nhân chốn hậu cung khác, chỉ có thể cung kính mà hèn mọn ái mộ Hoàng đế phụ thân của y. Bà thường ngồi ngắm hoa cỏ trong vườn vào mỗi buổi hoàng hôn, thế nhưng ánh mắt vẫn không ngừng vô thức trôi về phía cánh cửa, giống như đang tìm kiếm bóng dáng một ai đó. Lần nào cũng đứng ngây ra không biết đã bao lâu, cho tới tận khi mặt trăng đã treo trên đầu ngọn liễu, niềm hi vọng nơi đáy mắt mới dần dần lụi tắt.
Sau này lớn lên rồi, Triệu Cấu mới bắt đầu hiểu được hàm ý của việc ngắm hoa, cũng hiểu ra một sự thật rằng mẹ mình không hề được Phụ hoàng sủng ái. So với các phi tần khác, bà thiếu mất rất nhiều ưu điểm có thể thu hút ông. Xuất thân không bằng Hoàng hậu, nhan sắc không bằng tiểu Lưu Quý phi, tài ăn nói không bằng Kiều Quý phi, tư lịch không bằng Vương Quý phi và Trịnh Quý phi sau đó được sắc phong làm Hậu. Nếu thật sự phải tìm ra điểm nào đáng nhắc tới thì chính là tính cách ôn thuận được tạo nên bởi xuất thân hèn kém của bà. Thế nhưng điều này trong mắt một vị Hoàng đế phong lưu tài tử lại cũng chưa chắc đã là điểm nhấn gì.
Trong chúng phi tần, Triệu Cát đặc biệt sủng ái hai vị Vương, Trịnh Quý phi. Hai người bọn họ ban đầu vốn là cung nữ hầu hạ Hướng Thái hậu, bởi thông minh lanh lợi lại ngoan ngoãn mà rất được Thái hậu yêu quý, liền lệnh cho họ tới cung Từ Đức hầu hạ. Khi ấy Triệu Cát vẫn đang còn là Đoan vương, mỗi lần vào cung thỉnh an Thái hậu đều do hai người bọn họ truyền báo. Triệu Cát thấy họ xinh đẹp yểu điệu, lại cũng thông minh tinh tế, bèn nảy sinh lòng yêu mến, thường xuyên mắt mày qua lại. Tất cả những điều này Hướng Thái hậu đều thấy rõ hết, nên đợi sau khi Triệu Cát đăng cơ liền ban bọn họ cho ông, trở thành phi tử.
Có lẽ giữa hai người thì Triệu Cát vẫn yêu thích Trịnh Quý phi hơn một chút, bởi thế sau khi vị Hoàng hậu nguyên phối qua đời, ông bèn lập nàng làm kế hậu. Thế nhưng sự sủng ái của ông đối với Vương Quý phi cũng đã vượt xa so với các cung nhân bình thường khác, điều này nhìn vào số lượng con cái mà Quý phi đã sinh là có thể thấy rõ. Bà trước sau lần lượt hạ sinh Vận vương Khải, Tân vương Thực, Trần vương Cơ và Huệ Thục, Khang Thục, Thuận Đức, Nhu Phúc và Hiền Phúc năm vị đế cơ. Nhu Phúc chào đời vào năm Chính Hòa thứ hai, là con gái thứ tư của Vương Quý phi.
Mẫu thân của Triệu Cấu chỉ sinh được một mình y, hơn nữa, điều này vốn dĩ đã là một kết quả rất bất ngờ. Ban đầu bà chỉ là cung nữ hầu hạ Trịnh Hoàng hậu, có mối giao tình rất tốt với một vị cung nữ khác trong cung là Kiều thị. Hai người kết thành tỷ muội, còn hứa hẹn về sau nếu ai có được sự sủng ái của hoàng thượng trước thì nhất định phải tiến cử người kia, cùng nhau hưởng ân trạch thiên tử. Sau đó vẫn là Kiều thị lanh lợi hoạt bát, biết ăn biết nói thu hút được ánh nhìn của Triệu Cát. Sau khi đắc sủng, bà một đường thăng lên thành Quý phi. Mà bà cũng không quên lời hẹn ước năm xưa, dốc hết lời lẽ tốt đẹp bên gối Triệu Cát, khuyên ông nạp Vi thị làm phi. Đối với Triệu Cát thì đây đương nhiên là một chuyện vui, chỉ có điều sau đó cũng lãng quên luôn, chỉ cho Vi thị một phong hiệu “Bình Xương Quận quân*” chẳng đáng để nhắc tới. May thay Vi thị lại vô cùng may mắn, sau có vài đêm thị tẩm lại mang thai, sinh ra Triệu Cấu vào năm Đại Quán thứ nhất.
(* Quận quân: Một cấp bậc phi tần trong hậu cung thời Tống.)
Từ đó về sau, vinh hoa phú quý đời này của Vi thị đều là nhờ con trai mang tới.
Vì sinh được Triệu Cấu, bà rất nhanh được tấn phong làm Tiệp dư. Triệu Cấu dần lớn lên, Triệu Cát cũng bắt đầu phát hiện ra đứa trẻ này thông minh và có tài thao lược hơn so với những đứa con khác, bởi thế bèn đặc biệt thương yêu. Vì con quý nên mẹ cũng được thơm lây, lại thăng bà làm Uyển dung, có điều địa vị của bà vẫn luôn không thể so sánh được với mấy vị Quý phi khác.
Triệu Cấu lần đầu tiên cảm nhận được điều này vào năm Chính Hòa thứ hai, sinh thần của mẫu thân.
Lúc ấy y mới có 5 tuổi, thế nhưng sự thông tuệ dị thường đã khiến y nhớ được những chuyện xảy ra ngày hôm ấy, đồng thời trong mấy năm sau đó cũng hiểu được tin tức mà việc này đã tiết lộ.
Khi Triệu Cát bước vào đình viện của Vi Uyển dung sau lúc hoàng hôn, bà bất ngờ tới mức không kịp phản ứng, nhất thời quên cả thỉnh an, chỉ ngây ra ngắm nhìn vị phu quân hoàng đế của mình, đờ đẫn không nói năng gì. Cho tới tận khi Triệu Cát cười nói: “Uyển dung quên cả mặt Trẫm rồi à?”, bà mới đỏ bừng mặt kéo Triệu Cấu ra hành lễ. Bà đã quen với sự chờ đợi trong vô vọng mỗi buổi hoàng hôn, song lại sớm quên mất nếu như thực sự chờ được người ấy tới thì nên đối diện thế nào.
Sau đó bà cười lúng túng mà vui vẻ. Dung nhan ngọc ngà qua tháng năm cũng dần dần trở nên phai tàn, thế nhưng giờ phút này khuôn mặt bà như sáng bừng lên. Rất nhiều năm về sau Triệu Cấu vẫn còn ghi nhớ thần sắc rạng ngời mà y chưa từng trông thấy ấy. Hôm đó mẫu thân đẹp một cách lạ kì, lúc Phụ hoàng lệnh cho người hầu thắp sáng đèn đóm trong phòng, bà dịu dàng tựa vào người ông, nghe ông hoan hỉ nói cười, thi thoảng lại lặng lẽ ngước mắt lên nhìn ông, ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Nụ cười của bà thoáng cứng lại khi Triệu Cát vô tình nhắc tới một sự thật. Ông nói: “Trí nhớ của trẫm thật kém. Nếu không phải Kiều Quý phi nhắc nhở thì e rằng đã quên mất hôm nay là sinh thần của ái phi.”
Thế nhưng, vẻ thất vọng của bà rất nhanh đã biến mất, lại bắt đầu mỉm cười, liên tục tạ ơn sự nhớ thương của Phụ hoàng và những vật phẩm được ban tặng. Sau đó Triệu Cấu đoán rằng, có lẽ, mẫu thân hiểu rất rõ, có thể gặp được Phụ hoàng trong ngày sinh nhật đã là phúc phận rất bất ngờ rồi. Bà vốn dĩ không có tư cách canh cánh trong lòng ân điển này xuất phát từ mong muốn của ông, hay bởi có người khác khuyên nhủ nhắc nhở nên mới thương xót bố thí.
Thế nhưng, khoảnh khắc hạnh phúc hiếm có này cũng không kéo dài lâu. Buổi tối hôm ấy, bàn tiệc sinh thần còn chưa kịp bày, cung nữ của Vương Quý phi đã chạy tới bẩm báo tin tức Quý phi sắp sửa sinh.
Lần này kì dự sinh của Vương Quý phi là 5 ngày tới, không ngờ hôm nay lại xuất hiện dấu hiệu sinh sớm. Cung nữ nói Quý phi cảm thấy rất đau đớn, sợ là sẽ sinh khó.
Triệu Cát vừa nghe đã biến sắc mặt, lập tức đứng dậy đi ra ngoài, một lời tạm biệt cũng không nói với Vi Uyển dung. Vi Uyển dung cũng hoang mang đứng lên, không dám níu kéo, chỉ lặng lẽ tiễn ông rời đi. Lại là Triệu Cấu đuổi theo tới bên ngoài, kéo y phục của phụ hoàng, nói với ông: “Hôm nay là sinh thần của mẫu thân, Phụ hoàng nhất định phải đi ạ? Người có còn quay lại nữa không?”
Triệu Cát cúi đầu ôn hòa đáp: “Bây giờ Phụ hoàng nhất định phải đi. Lát nữa sẽ quay về với con và mẫu thân con.”
Sau đó ông liền dứt khoát rời đi. Buổi tối ngày hôm đó cũng không còn trở về nữa.
Triệu Cấu và mẫu thân ngồi chờ trước bàn đồ ăn tới tận nửa đêm mới có cung nhân tới báo: “Vương Quý phi hạ sinh một tiểu công chúa, Hoàng thượng rất vui mừng, lại thấy Quý phi sinh xong còn yếu nên đã ở lại chăm sóc, nương nương không cần chờ nữa đâu ạ.”
Triệu Cấu nghe xong vẫn hỏi lại mẫu thân: “Có phải Phụ hoàng sẽ không đến nữa không ạ?”
Vi Uyển dung thoáng trầm mặc, sau đó nhẹ nhàng bế y lên, mỉm cười nói với y: “Cấu nhi, con lại có thêm một muội muội rồi, có thích không? Phụ hoàng phải chăm sóc muội muội mới của con, bởi thế hôm nay không đến được nữa. Thế nhưng không sao hết, chúng ta không được trách ông ấy.”
Từ đó Triệu Cấu đã ghi nhớ, y có một muội muội sinh vào năm Chính Hòa thứ hai, có cùng sinh nhật với mẫu thân y.
Năm Chính Hòa thứ ba, Triệu Cát nghe theo kiến nghị của Sái Kinh, học theo thể chế cũ triều Chu, gọi công chúa là Đế cơ, quận chúa là Tông cơ, huyện chúa là Tộc cơ, thêm vào đó cũng dùng hai chữ đẹp để gọi, thay cho phong hiệu Quốc như trước kia.
Triệu Cấu còn nhớ tên của vị muội muội ấy là nghe được từ Kiều Quý phi. Một ngày nào đó Kiều Quý phi tới nói chuyện với Vi Uyển dung, giữa chừng có nhắn tới con gái của Vương Quý phi, đột nhiên rất hào hứng nói: “Tỷ tỷ đã gặp con gái thứ tư của Vương Quý phi chưa? Chính là cô bé có cùng ngày sinh với tỷ tỷ. Trông rất xinh xắn đáng yêu, hơn nữa thấy ai cũng cười, không sợ lạ, rất được yêu quý. Quan gia ban cho tên Nhu Phúc, là cái tên hay nhất trong số tất cả các đế cơ.”
Vi Uyển dung nghe vậy cũng cười: “Thật sao? Vậy khi nào ta cũng phải qua thăm, tiện thể chuẩn bị thêm ít quà cho con bé.”
Hai người tiếp tục tán gẫu, chẳng hề chú ý tới Triệu Cấu đang chơi ở một bên, cũng chẳng hề biết rằng y vẫn luôn lặng lẽ lắng nghe, đồng thời cũng âm thầm ghi nhớ: vị muội muội có cùng sinh nhật với mẫu thân kia là Nhu Phúc đế cơ.