Tháng Bảy năm Thiên Quyến thứ hai tại Kim, Kim chủ Hoàn Nhan Đản xử tử Tông Bàn, Tông Tuyển, cũng làm liên lụy tới Tông Hiền.
Tông Hiền và Tông Tuyển có giao tình thân thiết, thường xuyên qua lại với nhau. Ngày Tông Tuyển bị giết hôm ấy, y vẫn nhận lời mời tới phủ làm khách của Tông Hiền. Giữa lúc hai người ngồi uống rượu, nói chuyện với nhau, có hoạn quan từ hoàng cung tới phụng chỉ mời Tông Tuyển vào cung có việc muốn bàn bạc. Tông Tuyển bèn đứng dậy, cười nói với Tông Hiền: “Không sao, huynh cứ uống tiếp, ta đi một lát rồi quay về.”
Tông Hiền cũng ở lại, vừa uống rượu vừa ngắm ca kỹ ca múa, ngồi đợi Tông Tuyển quay về. Nào ngờ cuối cùng không đợi được Tông Tuyển, mà chỉ thấy một đoàn cấm binh tới lục soát khám nhà.
Tông Hiền kinh ngạc vô cùng, còn chưa hiểu chuyện gì đang diễn ra thì đã bị bắt giam vào ngục, tước đoạt chức quan. Vẫn may y không hề tham gia vào việc nghị hòa với đám người Tông Tuyển, Hoàn Nhan Đản cũng không tìm được chứng cứ chứng minh việc y và Tông Tuyển cấu kết mưu phản, thần tử trong triều lũ lượt thay y phân trần, bởi thế vài ngày sau Hoàn Nhan Đản cuối cùng vẫn thả y ra, cho khôi phục lại chức quan cũ.
Trải qua kiếp nạn lần này, Vi thị kinh hãi không ít, vừa đợi Tông Hiền quay về đã ròng ròng nước mắt chạy ra đón, một đường khóc mãi không thôi. Tông Hiền thấy vậy lại vui sướng vô cùng, nói: “Hóa ra nếu ta chết rồi, nàng cũng sẽ buồn.”
Vi thị chỉ khóc mà không nói, tới buổi tối vẫn không ngừng gạt lệ. Dương thị thấy vậy lựa lời an ủi, Vi thị mới thấp giọng nói: “Ta mệnh bạc, nếu không gặp được Cái Thiên đại vương, hẳn đã chết không biết bao nhiêu lần rồi. Nếu y có mệnh hệ gì, chúng ta sẽ lại rơi vào tình cảnh thê thảm đến mức nào, quả thực không dám nghĩ tới.”
Dương thị cười đáp: “Nếu vậy, đại vương đã bình an quay về rồi, vì sao nương nương còn khóc?”
“Haizzz….” Vi thị thở dài thườn thượt, lại lộ ra thần sắc rầu rĩ, “Đại vương bình an quay về, dĩ nhiên là tốt. Thế nhưng mấy quyền thần nước Kim chủ hòa đó đều chết cả rồi, việc về nước của chúng ta lại càng thêm xa vời không hy vọng…”
Nghe bà nói vậy, Dương thị cũng cảm thấy tiền đồ mông lung, thế nhưng chỉ có thể giấu vẻ âu sầu, mỉm cười an ủi bà như thường: “Nương nương yên tâm, cửu điện hạ… quan gia hiếu thuận như vậy, chắc chắn sẽ tìm cách tiếp tục nghị hòa, ắt hẳn không lâu nữa sẽ phái người tới đón nương nương.”
Hơn một năm sau đó, cuộc sống vẫn bình lặng trôi qua. Chỉ là từ sau khi Hình thị chết, Vi thị đã có thói quen ngày ngày tụng kinh, định kỳ ăn chay vì nàng. Tháng Tư năm Thiên Quyến thứ ba, không biết vì sao, Vi thị thường xuyên mơ thấy Hình thị, trong lòng thấp thỏm không yên, bèn xin Tông Hiền cho phép mình tới chùa làm lễ cho Hình thị.
Khi ấy bọn họ đang sống ở Đại Định phủ. Tăng nhân ở Yến Kinh năm xưa Tịnh Đạo cũng tới chùa An Dưỡng ở Đại Định phủ làm trụ trì nhờ sự đề bạt của Tông Hiền, Vi thị bèn tới đó làm lễ.
Vì đứa con trai nhỏ khóc náo không thôi, nhất định đòi đi cùng, Vi thị đành dẫn bé đi theo. Sau buổi lễ, tới buổi trưa vào hậu viện dùng cơm chay, đột nhiên nghe thấy một tiếng gọi khẽ khàng từ bên kia đường: “Vi nương tử?”
Vi thị quay đầu sang, trông thấy tiếng nói kia truyền ra từ một gian phòng nhỏ. Cửa phòng đóng chặt, có một lính Kim cầm trường thương ngồi bên ngoài canh gác. Cửa sổ được chắn bởi những thanh gỗ thô cứng, dễ thấy đây là một gian phòng giam. Giữa khe hở của những thanh gỗ xuất hiện một khuôn mặt râu tóc bù xù. Vi thị tập trung nhìn, nhận ra đó là Triệu Hoàn.
Triệu Hoàn thấy bà nhìn về phía mình, mừng rỡ vô cùng, lại gọi một tiếng nữa: “Vi nương tử!”
Vi thị thấy tình cảnh của Triệu Hoàn như vậy cũng cảm thấy xót xa, đang nghĩ xem có nên đi qua chào hỏi một chút không, nào ngờ đứa con nhỏ bên cạnh gọi một tiếng “mẹ” giòn giã, lại chỉ vào Triệu Hoàn hỏi: “Người đó là ai thế?”
Vi thị tức thì thót tim, rũ mắt không nói. Có gió thổi qua, dây lụa thắt eo bay về phía sau, bà trông thấy tà váy chiếc váy sáu nếp gấp kiểu Kim của mình khẽ khàng lay động, chất lụa mềm mại gợn sóng như nước. Tay trái bà cầm một quyển kinh đang cuộn lại, trên cổ tay phải mặc áo hẹp tay đeo một chiếc vòng ngọc, cảm giác mát lạnh, mà đôi bàn tay nhỏ nhắn ấm áp của con trai đang nắm lấy tay bà.
Con trai mở to đôi mắt ngây thơ ngẩng đầu nhìn bà, lại hỏi: “Mẹ ơi, người đó là ai thế?”
Không cần ngẩng đầu lên, bà cũng đã cảm nhận được ánh mắt kinh ngạc của Triệu Hoàn đảo qua đảo lại giữa hai mẹ con bọn họ.
“Không biết. Mẹ không quen y.” Bà thấp giọng trả lời, sau đó nhanh chóng dẫn con trai sải bước rời khỏi tầm mắt của Triệu Hoàn trước khi sắc đỏ dồn lên khuôn mặt.
Dương thị nói không sai, mặc dù lần trước hòa nghị không thành, trong hai năm này Triệu Cấu vẫn không ngừng nghĩ cách giảng hòa với Kim. Năm Hoàng Thống đầu tiên ở Kim, Thiệu Hưng thứ mười một ở Tống, nghị hòa Thiệu Hưng Tống Kim được ký kết, Kim hứa sẽ trả lại linh cữu của đế hậu Huy Tông và Hoàng thái hậu Vi thị.
Tông Hiền kịch liệt phản đối điều khoản trả lại Vi thị, sứ Tống là Hà Chú mấy bận khẩn cầu, Tông Bật cũng ra sức khuyên nhủ, còn phân tích lợi hại, ngay cả Kim chủ Hoàn Nhan Đản cũng góp lời, thế nhưng Tông Hiền vẫn nhất quyết không đồng ý.
Việc này Vi thị cũng biết, song không dám để lộ ra chút cảm xúc lo lắng nào, trông thấy Tông Hiền vẫn hầu hạ y như thường, không nhắc nửa chữ tới việc về Nam. Không ngờ có một hôm, Tông Hiền lại chủ động đề cập với bà, hỏi bà có muốn quay về không. Vi thị thoạt tiên cúi đầu im lặng không nói, Tông Hiền bèn tức giận, đập bàn trỏ vào hai đứa nhỏ đang vui đùa bên bọn họ, quát: “Nàng vẫn còn nhớ thằng con trai Triệu Cấu đó, một lòng muốn quay về tìm nó, thế nhưng bọn chúng lẽ nào không phải con trai của nàng sao? Sau này nàng về Nam triều rồi, liệu có nhớ nhung bọn chúng như nhớ Triệu Cấu không?”
Hai giọt nước mắt của Vi thị rơi xuống, nghẹn ngào nói: “Đại vương đừng nói như vậy, bọn chúng là cốt nhục của ta, ta thương chúng không kém chút nào.” Sau đó lại gạt lệ, nỗ lực mỉm cười: “Ta đâu có nói nhất quyết muốn quay về. Đại vương đối xử với ta không bạc, hai đứa nhỏ cũng đều hiếu thuận ngoan ngoãn, ta ở lại cũng rất tốt.”
Mấy ngày sau đó hai người đều không nhắc đến chuyện này nữa. Một buổi tối nọ, Vi thị ngồi thêu dưới ánh đèn, hai đứa nhỏ mỗi đứa cầm một cây chổi làm vũ khí, chạy vào phòng nô đùa với nhau, Tông Hiền nằm một mình trên giường lim dim ngủ. Sau đó đứa nhỏ bị đứa lớn đánh một cái, có lẽ là rất đau, khóc òa lên. Vi thị rầy đứa lớn mấy câu, bảo Dương thị đưa nó đi ngủ, sau đó bế con trai nhỏ ngồi lên đùi, dịu dàng dỗ dành, đứa bé mới dần dần yên ắng lại.
Vi thị cho con trai nhìn hoa mà mình thêu, đứa bé cũng hưng phấn nương theo ánh đèn dầu trên mặt bàn xem. Đột nhiên bấc đèn nổ tách một tiếng, một làn khói đen bốc lên, đứa nhỏ hít phải khói, không nén được hắt hơi vài cái.
Vi thị vội vàng lấy khăn tay ra lau mũi cho cậu, sau đó ôm lấy cậu, cầm một cây quạt lên quạt khói, thấy ngọn đèn dầu le lói như sắp tắt, vô thức thở dài một tiếng, nói với con trai: “Ở nhà của mẹ, người ta không thắp đèn dầu, mà thắp nến. Trong đó có đầy Long Diên, Trầm Não, không những không có khói, mà còn rất thơm, đêm nào trong phòng cũng thắp mấy trăm cây, sáng rỡ không khác gì ban ngày…”
Ánh mắt lại rơi xuống cây quạt trong tay, tiếp tục nói: “Cán quạt, chúng ta làm bằng ngọc, sắc ngọc đó còn đẹp hơn cả vòng tay nữa.”
Trông thấy cây chổi con trai dựng cạnh bàn, lại nói: “Chổi ở chỗ chúng ta dùng lông khổng tước rụng để làm, xanh xanh tím tím, rất đẹp.”
Vừa nói, vừa nhàn nhạt mỉm cười.
Đứa bé trong lòng lắng nghe, đột nhiên hỏi bà: “Mẹ ơi, nhà mẹ ở đâu thế?”
“Ở phía Nam…” Vi thị khẽ khàng đáp, ôm lấy cậu, mỉm cười nhìn ngọn lửa trên cây đèn, giống như gió Xuân lướt qua khuôn mặt, trông thấy vạn trượng phồn hoa ngày trước, “Ở đó hoa rất thơm, con người ở đó đều rất xinh đẹp, tháng ngày cũng yên ổn… Quét nhà đốt hương ngắm mắt ngủ, đệm mềm như nước trướng như sương*…”
(* Hai câu thơ của Tô Thức.)
Còn chưa dứt lời, đột nhiên nghe thấy Tông Hiền trên giường thở dài thườn thượt. Y ngồi dậy, hai tay chống trên đầu gối, ánh mắt sáng rực nhìn chằm chằm Vi thị, nói: “Thôi, thôi, nàng quay về đi!”