Trước đây, bà chỉ là một nữ tử bé nhỏ vô cùng trong chốn thâm cung, việc thường làm nhất chính là hồi tưởng và mong chờ sự săn sóc của đấng phu quân Hoàng đế dưới trăng trước hoa. Thế nhưng chí ít bà vẫn có được vinh quang do thân phận hậu phi đem lại. Nam tử phong lưu vô ngần ấy là phu quân của bà, bà bầu bạn bên cạnh đấng quân vương, hơn nữa còn có được vinh dự sinh ra một đứa con trai mang huyết mạch cao quý của ông.
Bà từng cảm thấy may mắn vì ân trạch Triệu Cát thi thoảng ban phát cho mình, bởi chút tình ý ấm áp này mà sự đợi chờ đau khổ cũng xem như một loại hạnh phúc.
Nào ngờ hết thảy bất ngờ đảo lộn. Khi lính Kim cầm đao kiếm xông vào cung thất của bà, bà giống như mất nơi đặt chân, hốt hoảng làm đứt mấy sợi dây đàn.
Kí ức về nỗi nhục Tĩnh Khang bắt đầu từ ngày bà bị áp giải ra khỏi thành Biện Kinh, tới trại Thanh Thành, Lưu Gia Tự nơi quân Kim đóng quân. Vừa vào trong trại, đã trông thấy phía trước trướng lớn của chủ soái Hoàn Nhan Tông Vọng có cắm mấy cây cọc sắt, trên cọc là ba nữ tử lõa th ể. Bọn họ tắt thở đã lâu, thế nhưng máu vẫn không ngừng từ vết thương trên cơ thể chảy xuống, đọng thành vũng lớn bên dưới chân cọc.
Đỏ. Đỏ. Đó là sắc đỏ khiến bà tức thì ngạt thở!
Vi thị nhận ra, ba nữ tử đó là Trương thị, Lục thị và Tào thị, vốn là cung tần Triệu Cát mới nạp mấy năm gần đây, phẩm cấp mặc dù không cao, thế nhưng ngày thường chung đụng với bà vẫn xưng hô tỷ muội.
Nghe nói lại có một nhóm phi tần, vương phi khác được áp giải đến, Hoàn Nhan Tông Vọng bước ra khỏi trướng, quét mắt nhìn bọn họ, trỏ vào nữ nhân chết khô trên cây cọc sắt, cao giọng nói: “Nếu có kẻ nào dám trái ý ta thì đây chính là kết cục của các ngươi!”
Một đám nữ nhân lũ lượt quỳ sụp xuống, khóc lóc nói “Xin Nhị thái tử tha mạng”. Vi thị cũng quỳ xuống, song vì kinh hãi mà không ngừng run rẩy, không thốt ra nổi tiếng nào.
Vào tới lều dành cho nữ tử Tống bị bắt, bà gặp được Kiều Quý phi trước đây kết nghĩa chị em với mình. Kiều thị vừa trông thấy bà đã lao tới xúc động ôm ấp, vừa khóc vừa nói cho bà tin tức mấy tỷ muội khác trong cung đã bỏ mạng: “Tỷ tỷ, tỷ tỷ! Hôm qua Quốc tướng nước Kim Hoàn Nhan Tông Hàn thiết yến khoản đãi chư tướng, lệnh cho cung tần thay trang phục vũ nữ ngồi bên tiếp rượu. Trịnh muội muội, Từ muội muội và Lữ muội muội không chịu nghe theo, liền lập tức bị lôi ra ngoài chém đầu!”
Chẳng bao lâu sau, lại thấy có thi thể con gái được kéo ra ngoài từ trướng của Tông Vọng. Đó cũng là một vương phi cương liệt, Kiều Quý phi nghẹn ngào kể lại cho Vi thị nghe câu chuyện của nàng.
Trước khi thành Biện Kinh bị chiếm, người Kim từng ép Triệu Hoàn lấy phi tần, đế cơ, vương phi, vương thiếp, tông cơ, tộc cơ, cung nữ và con gái quý tộc, quan lại ra gán số tiền nợ trên hiệp ước, sau đó lại đòi hơn năm nghìn nữ tử Tống. Trong những nữ tử bị chọn trúng có vị vương phi này. Vương phi lọt vào tầm mắt Tông Vọng, muốn lệnh nàng thị tẩm. Vương phi không chịu nghe theo, tức giận nhìn Tông Vọng. Tông Vọng bèn nói: “Ngươi được chúng ta mua về với giá một ngàn đ ĩnh vàng, dám không tuân mệnh!”
Vương phi giận dữ hỏi: “Là ai bán cho các ngươi? Vàng này ai nhận được?”
Tông Vọng cười lớn đáp: “Thái thượng hoàng nhà ngươi đã xuống chiếu, hoàng đế cũng đã ký hiệp ước, đồng ý việc lấy nữ tử Tống bồi thường chi phí quân đội cho nước Kim.”
Vương phi lại hỏi: “Ai cần phải bồi thường? Ai lệnh lấy con gái ra gán nợ? Nam nhi thất bại khom lưng uốn gối nào có liên can gì tới nữ tử chúng ta, sao ta có thể chấp nhận chịu nhục!”
Ý cười của Tông Vọng không giảm: “Thái thượng hoàng nhà ngươi có tới vài ngàn cung nữ, đều lấy từ dân gian, hơn nữa đều không phải chọn không, phải mất tiền mới mua được. Nay nước mất, ngươi cũng đã trở thành dân nữ bình thường, nạp mình cho Đại Kim cũng là bổn phận. Huống chi cho dù có đem ra gán nợ thật, còn không phải là quyết định của nam nhân nhà các ngươi sao?”
Vương phi nghe vậy sững sờ, nghẹn lời, bi thương trào dâng trong tim, không nén được rơi lệ. Tông Vọng liền kéo nàng vào trướng, dùng sức mạnh cưỡng ép. Sau đó lại mệnh người canh chừng cẩn thận, không để nàng tìm cách chết. Thế nhưng vương phi đã không thiết sống nữa, cuối cùng tuyệt thực bỏ mạng.
Nàng không phải vương phi duy nhất tuẫn tiết. Hai ngày sau, Tông Vọng lại thiết yến trong quân doanh, lại lệnh cho đế cơ và các vương phi hầu rượu. Vừa hay ngày hôm đó trong số những nữ tử Tống bị áp giải tới trại Kim có Vận vương phi Chu Lan Huyên. Nàng là thê tử của Triệu Khải – đứa con trai được Triệu Cát yêu quý nhất, lại là mỹ nhân nổi tiếng trong thành Biện Kinh. Tông Vọng nghe nói vậy mừng rỡ vô cùng, lệnh cho tướng lĩnh áp giải nàng dẫn nàng ra thị tẩm.
Không ngờ nàng lại chấp thuận ngay, thay một bộ y phục sạch sẽ, lấy nước rửa mặt mũi chân tay, lại soi bóng xuống mặt nước chải tóc. Đó là lần đầu tiên Vi thị trông thấy nàng ở khoảng cách gần. Vì phu quân Lan Huyên là Triệu Khải, trước đây Vi thị không có thiện cảm với nàng, hơn nữa tính tình nàng cao ngạo, khiến người ta có cảm giác xa cách ngàn dặm. Thế nhưng lúc này Vi thị lại kinh ngạc vì sự sạch sẽ của nàng ở nơi bẩn thỉu này, chỉ cảm thấy nàng thanh khiết như băng như ngọc. Mà ánh mắt nàng cũng tĩnh lặng như thường, không tìm ra chút sợ hãi nào.
Lính Kim ngoài lều sốt ruột, tiến vào muốn kéo nàng đi. Nàng chỉ cau mày sẵng giọng: “Không được phép chạm vào ta!” Lính Kim bèn vội vã thu tay về, không dám động vào nàng nữa.
Sau đó nàng đứng dậy, ngẩng đầu quay lại nhìn mấy chục cung quyến phía sau, buồn bã khẽ cười. Sau khi ra khỏi cửa, nàng đột ngột lao về phía chiếc giếng cổ trong sân, gieo mình xuống dưới.
Em gái Triệu Khải Nhu Phúc là người đầu tiên bật khóc lao tới, bám vào thành giếng gọi Lan Huyên bên trong, rơi lệ hô hoán mọi người tới cứu nàng. Vi thị cũng chạy tới cùng chúng nhân, có người thò một chiếc cọc tre vào trong giếng, thế nhưng Lan Huyên bên dưới mặt nước không mảy may chút ý muốn sống nào. Tố y và mái tóc buông xõa của nàng bồng bềnh theo gợn sóng lay động, cuối cùng chìm xuống biến mất nơi đáy giếng.
Mà cách thức tự sát của Tín vương phi còn quyết liệt hơn. Sau khi bị Tông Vọng kéo vào trướng, nàng lặng lẽ nhặt một mũi tên rơi trên mặt đất lên, đâm mạnh vào yết hầu trước khi Tông Vọng chạm vào mình.
Giữa lúc nước mất nhà tan, không thể bảo toàn cả tính mạng lẫn trinh tiết. Vi thị kính phục sự tiết liệt của bọn họ, cũng không nén nổi thầm hỏi, nếu đổi lại là chính mình, liệu có thể quyết tuyệt được như họ chăng? Bà ngửi thấy mùi vị của chết chóc qua câu hỏi này, không kìm được run rẩy, chỉ biết cầu mong thời khắc mình phải đưa ra lựa chọn sẽ mãi mãi không bao giờ tới.
Không lâu sau, Tông Vọng lại thiết yến ở trại Thanh Thành mời Tông Hàn, các tướng lĩnh Kim và Tống phế đế hậu, đồng thời chọn ra 20 vương phi, đế cơ, 32 ca kỹ hầu rượu. Triệu Cát, Triệu Hoàn vừa trông thấy cảnh tượng này đã xấu hổ không nói nên lời, đứng dậy xin được rời tiệc. Tông Vọng không đồng ý, đáp: “Bữa tiệc này tên là Thái bình hợp hoan, mục đích chính là để hai người cùng người thân đoàn tụ. Tới lúc chúng ta dẫn quân hồi triều, các người ắt sẽ phải chia thành nhiều đoàn khởi hành, muốn gặp lại nhau không dễ dàng.”
Hai vua bất đắc dĩ chỉ đành ngồi xuống, nghe tiếng tướng Kim bỡn cợt vợ con chị em của mình, chẳng khác nào ngồi trên bàn chông, hổ thẹn vô cùng.
Chu Hoàng hậu của Triệu Hoàn vốn dĩ ngồi bên cạnh Triệu Hoàn, không nằm trong nhóm đế cơ vương phi phải hầu rượu. Thế nhưng giữa lúc xoay đầu Tông Hàn trông thấy nàng đang cúi đầu thật sâu, dáng vẻ xinh đẹp đáng yêu, nhất thời nổi hứng, cũng lệnh cho nàng ca hát trợ hứng. Chu hậu vừa xấu hổ vừa giận dữ, vẫn cúi đầu không nói gì. Tông Vọng bèn tức giận mắng: “Tính mạng hai vị hoàng đế nhà ngươi đều nằm trong tay ta, còn dám phớt lờ!”
Chu hậu bất đắc dĩ, che mặt rơi lệ, đón lấy cây đàn tỳ bà mà ca kỹ đưa, vừa gảy đàn vừa rưng rưng hát: “Thơ ấu phú quý ghét bỏ lụa là. Lớn lên nhập cung tôn quý vô ngần. Nay lại lưu lạc nơi đất khách quê người. Than ôi, tạo hóa trêu ngươi, chết đi là hay hơn!”
Bài hát này người Tống nghe không ai không thương cảm, mà Tông Vọng không hiểu ý nghĩa trong đó, chỉ cảm thấy giọng hát của Chu hậu êm tai, vừa lòng cười lớn nói: “Hát hay lắm, thêm một bài nữa, tới kính rượu Quốc tướng!”
Dây tỳ bà lại rung lên, một chuỗi âm thanh thê thiết vang lên, Chu hậu lại hát: “Xưa sống trong cung khuyết ngọc ngà. Nay lâm vào bước đường này còn gì để nói. Nỗi nhục khom lưng uốn gối bao giờ mới được rửa sạch. Chỉ xuống suối vàng mới có thể tuyệt mối sầu này!”
Khúc dứt, Chu hậu nâng ly đứng dậy, đi tới kính rượu Tông Hàn. Tông Hàn không uống ngay mà lại túm lấy y phục Chu hậu muốn kéo nàng xuống ngồi cùng. Chu hậu phẫn nộ, kịch liệt giãy dụa, Tông Hàn cũng tức giận, nhấc roi lên toan đánh. May thay Mậu Đức đế cơ ngồi bên Tông Vọng thấy tình hình không ổn bèn thấp giọng cầu xin Tông Vọng ra tay giúp đỡ, Tông Vọng mới mệnh người can ngăn, để Chu hậu được quay về chỗ ngồi cạnh Triệu Hoàn.
“Thái bình hợp hoan yến” này cũng khiến con trai trưởng của Tông Hàn là Thiết Dã Mã nhìn trúng một cô con gái khác của Triệu Cát – Tuân Đức đế cơ Triệu Phú Kim. Y ra hiệu cho Tông Vọng, sau khi bữa tiệc kết thúc Tông Vọng bèn thay Thiết Dã Mã xin Triệu Cát ban Tuân Đức cho y. Triệu Cát kìm nén lửa giận, giải thích: “Phú Kim đã cưới gả, nước tôi trọng lễ tiết liêm sỉ, một gái không thể lấy hai chồng, không vô tư như quý quốc.”
Tông Hàn ngồi bên nghe được lời này đùng đùng nổi giận, sẵng giọng nói: “Hôm qua bọn ta đã nhận được thánh chỉ, có thể phân chia tù binh Tống. Đồng ý cho đế cơ hay không không phải quyết định của các ngươi, sao ngươi dám kháng lệnh!” Quay đầu lại, nói với những người tham dự bữa tiệc: “Các vị mỗi người có thể dẫn hai nữ tử rời đi.” Nói đoạn lại chỉ vào hai nữ tử Tống mà ban nãy mình vừa nhìn trúng, lệnh cho binh sĩ dưới trướng: “Nàng ta, nàng ta! Dẫn đi cả cho ta!”
Lần này Triệu Cát cũng phẫn nộ, phất tay áo trừng mắt nói: “Trên có trời, dưới có đất, mỗi người đều có con cái của mình!”
Tông Hàn cười lạnh, cũng lười tranh luận với ông, thẳng thừng mệnh người đuổi Triệu Cát ra ngoài, lại bảo Thiết Dã Mã tự mình dẫn Tuân Đức đi.
Những lời này của Triệu Cát truyền tới tai cung quyến, lại không tránh khỏi làm dấy lên một trận bùi ngùi. Kiều thị kín đáo nói với Vi thị: “Trước đây Thái thượng vẫn luôn đối xử với chúng ta ôn hòa, rất hiếm khi nào thấy ngài tức giận, nếu mắng mỏ ai thì ắt là đã phẫn nộ tới mức không kìm nổi nữa, khiến người khác nghe mà run sợ. Nay những lời này phẫn hận tới mức nào cơ chứ, đáng tiếc thế cục đã định, không mảy may xoay chuyển được chút nào. Ngày sau tỷ muội chúng ta cũng không thể chờ mong Thái thượng che chở nữa rồi.”
Những lời này khiến Vi thị càng thêm tuyệt vọng. Lúc này bà mới ý thức được, kì thực mình vẫn luôn sống cuộc sống của một dây leo, không chút gốc cành, dựa vào cây lớn mà sống. Thế nhưng giờ cây lớn cũng khô héo rồi, phải sinh tồn tiếp thế nào đây?
Mùa Xuân năm này rất lạnh, đã sang tháng Hai, tháng Ba mà vẫn lạnh lẽo như mùa Đông. Con gái Tống ở các trại không chịu nổi giày vò, lại phải chịu đựng thời tiết giá lạnh, rất nhiều người đổ bệnh qua đời, bao gồm rất nhiều đế cơ. Đầu tiên là Nghi Phúc nguy kịch, sau Nhân Phúc lại qua đời. Qua mấy ngày, Bảo Phúc cũng chết. Một ngày kia, Kiều thị tới tìm Vi thị, nói: “Chúng ta đi thăm Nhu Phúc đi, con bé ốm không nhẹ.”
Nhu Phúc nằm trong một góc sân Lưu Gia Tự, chỉ đắp một chiếc chăn rách nát, bông xám lộ ra từ các vết rách chi chít, hơn nữa còn quá ngắn, khiến đôi chân nhỏ của nàng lộ hết ra bên ngoài. Toàn thân nàng nóng rực, mê man ngủ, thế nhưng nghe thấy có người nói Vi nương tử và Kiều nương tử đến, không ngờ nàng lại lập tức mở lớn mắt nhìn xung quanh, trông thấy Vi thị bèn vui sướng nở nụ cười.
Trong đôi mắt nàng tràn đầy tình cảm xuất phát từ trái tim, giống như đang nhìn một người quen thuộc thân thiết. Ánh mắt mang chút cảm giác dựa dẫm của nàng khiến Vi thị có chút không thoải mái, đó không phải cách mà các đế cơ ngày thường hay nhìn bà.
Vị thị quỳ xuống, nhẹ giọng hỏi nàng: “Viện Viện, đỡ hơn chút nào chưa?”
Nàng mỉm cười nói: “Hiện giờ đầu vẫn rất đau… Thế nhưng con sẽ khỏe lại.”
Vi thị mỉm cười nắm lấy tay nàng, Kiều thị cũng ngồi cạnh nàng an ủi. Nhu Phúc nói vài câu với Kiều thị, sau đó lại đột nhiên quay sang nhìn Vi thị, nói: “Nương nương, con sẽ không chết đâu. Cửu ca sẽ tới cứu chúng ta.”
Bất ngờ nghe thấy nàng nhắc tới con trai mình, Vi thị không nén nổi thoáng sững sờ, lại nhìn Nhu Phúc, bất ngờ vì đôi mắt lấp lánh khác thường của nàng. Khoảnh khắc ấy, cả khuôn mặt nàng như sáng bừng lên, dấu vết của bệnh tật hoàn toàn tan biến.
Quả nhiên, nàng bình phục rất nhanh. Vi thị bắt đầu chú ý tới nàng, đầu tiên là vì sức sống hơn người của nàng, sau lại bởi lòng can đảm không thể bị dập tắt của nàng.
Tháng Tư năm Tĩnh Khang thứ hai, quân Kim nhổ trại, cung quyến bị áp giải về phương Bắc. Một buổi trưa nọ, đoàn xe dừng lại bên đường nghỉ ngơi, phi tử của Triệu Hoàn là Chu Thận phi bên cạnh Vi thị nhẹ nhàng kéo tay áo bà, ánh mắt liếc về phía xa, thấp giọng nói: “Vi nương tử có thể cùng tôi ra sau gốc cây kia được không… Tôi muốn thay y phục…”
Vi thị đi theo nàng, khi nàng cởi bớt áo bèn đứng trước giúp nàng che chắn. Không ngờ khi Chu Thận phi đứng dậy thắt đai lưng, một người đột nhiên ló ra từ bên cạnh, cười ha ha vòng tay ôm chặt lấy Chu Thận phi.
Chu Thận phi kinh hãi hét lớn, Vi thị quay đầu lại nhìn, thấy kẻ đó là Thiên phu trưởng Nữ Hề Liệt Quốc Lộc áp giải bọn họ. Kẻ này trước nay luôn hung tàn, Vi thị từng trông thấy hắn hành hạ con gái Tống trong đoàn thế nào, tức thì sợ tới mức hồn siêu phách lạc, cũng không nghĩ nổi tới Chu Thận phi nữa, hét lên vội vã bỏ chạy.
Vừa chạy vừa nghe thấy từng tiếng kêu thê thiết của Chu Thận phi, song Vi thị từ đầu đến cuối vẫn không dám quay lại. Cho tới tận khi đột nhiên từ phía sau truyền tới một tiếng kêu thảm của Nữ Hề Liệt Quốc Lộc, Vi thị cảm thấy bất thường, mới xoay người lại nhìn xem, chỉ trông thấy Nhu Phúc đứng phía sau Nữ Hề Liệt Quốc Lộc, trong tay nắm chặt một chiếc cuốc sắt có lẽ là nhặt được từ mảnh ruộng ven đường, nghiến răng tức giận nhìn hắn. Mà Nữ Hề Liệt Quốc Lộc không ngừng xoa vai trái, hẳn là ban nãy vừa bị chiếc cuốc sắt của nàng đánh trúng.
Đây là lần đầu tiên Vi thị trông thấy con gái Tống dám đánh người Kim, trợn mắt há mồm đứng đó, ngây ngốc nhìn.
Chu Thận phi cũng sợ tới ngây người, đứng đờ đẫn không động đậy. Mà Nhu Phúc lại lần nữa dồn lực giáng cây cuốc về phía Nữ Hề Liệt Quốc Lộc. Thế nhưng lần này Nữ Hề Liệt Quốc Lộc sớm đã có chuẩn bị, dễ dàng hóa giải đòn tấn công của nàng, cướp lấy cây cuốc quăng ra xa, tóm lấy Nhu Phúc vừa chửi mắng vừa xé y phục của nàng.
Nhu Phúc cũng hét lớn phản kháng, vừa túm vừa cắn vừa giãy dụa, thế nhưng xem chừng không có tác dụng, y phục trên người đã bị lột ra không ít.
Lúc này đột nhiên có một người mặc áo tím phi ngựa tới, ngồi trên lưng ngựa vung roi, đánh trúng vào gáy Nữ Hề Liệt Quốc Lộc. Nữ Hề Liệt Quốc Lộc bị đau ngã gục xuống đất, toan lên tiếng chửi bới, ngước lên thấy rõ người áo tím lại tức thì im bặt, khép nép gọi: “Cái Thiên đại vương…”
Cái Thiên đại vương kia quở trách: “Đây là đế cơ chưa cưới gả để dâng lên Lang chủ, ngươi cũng dám động vào?”
Nữ Hề Liệt Quốc Lộc lầu bầu oán thán: “Không phải Nhị thái tử cũng lén lút nạp đế cơ đó sao?”
Cái Thiên đại vương lại càng tức giận hơn, tuốt kiếm xuống ngựa, chỉ vào Nữ Hề Liệt Quốc Lộc mắng: “Ngươi vốn chỉ là một kẻ vô lại, Nhị thái tử đối xử với ngươi không tệ, mới thăng ngươi làm Thiên hộ. Hôm nay ngươi bỡn cợt phụ nhân, đầu tiên khiến hành trình bị gián đoạn, tiếp theo còn bôi nhọ Nhị thái tử, tội không thể tha!”
Sau đó liền vung kiếm lên, đâm thẳng vào ngực Nữ Hề Liệt Quốc Lộc, lại rút kiếm ra chém thêm vài nhát nữa. Đợi đến khi hắn tắt thở, không còn bất cứ phản ứng nào nữa, mới gọi tùy tùng phía sau tới, đem thi thể hắn ném xuống sông.
Nhu Phúc và Chu Thận phi được y đưa về đoàn. Chu Thận phi cảm kích Nhu Phúc vô ngần, không ngừng ca ngợi sự can đảm của nàng với cung quyến. Vi thị nghe mà cảm thấy xấu hổ khôn cùng, cả ngày cúi gằm mặt, không dám nhìn bọn họ.
Trong lòng vẫn luôn khó chịu, đợi tới buổi tối, mọi người đều đã đi ngủ, Vi thị mới đứng dậy đi ra một nơi yên tĩnh khóc. Thị nữ Dương thị sau khi phát hiện ra tìm tới, khoác thêm một lớp áo cho bà, nhẹ nhàng khuyên nhủ: “Nương tử quay về nghỉ ngơi đi, nếu bị người Kim trông thấy chỉ e không hay.”
Vi thị buồn bã gọi tên của nàng ta: “Hương Nô, không phải ta cố tình không cứu nàng… Chỉ là ta cảm thấy rất sợ…”
Dương thị gật đầu, an ủi: “Nô tỳ biết. Với sức lực của nương tử sao cứu nổi Chu Thận phi. Hành động lần này của Nhu Phúc đế cơ cũng chẳng khác chi lấy trứng chọi đá, nếu không phải có Cái Thiên đại vương tới kịp, không biết kết cục đã ra sao rồi. Nương tử còn phải trở về để gặp cửu điện hạ, biết quý trọng tính mạng là dĩ nhiên.”