Nhu Phúc Đế Cơ

Chương 14-8: Đức Thọ


Đức Thọ cung vốn là phủ đệ của Tần Cối, sau đó Triệu Thận hạ lệnh sửa sang lại, ban tên Đức Thọ cung, là nơi để Thái thượng hoàng đế và Thái thượng hoàng hậu an hưởng tuổi già. Quy mô cung điện to lớn, kiến trúc cảnh quan đều không thua kém cấm cung. Bởi Triệu Cấu yêu thích thắng cảnh Lâm An, Triệu Thận bèn đào một chiếc hồ lớn trong Đức Thọ cung, dẫn nước vào, mô phỏng quang cảnh Tây hồ, còn đặt đá làm núi. Các đình viện trong cung đều rèm gấm nhẹ buông, nơi nơi đều là hoa tươi nở rộ, vào mùa Xuân có thể tắm trong hương hoa chèo thuyền trên mặt hồ mát lạnh, những người xưa kia từng ở Biện Kinh trông thấy quang cảnh này đều phải thốt lên có vài phần giống với Cấn Nhạc khi xưa.

Mùa Đông một năm kia, hoa mai trong vườn Tụ Cảnh ngoài Thanh Ba môn vừa mới nở rộ, cành mai thưa thớt điểm xuyết những bông hoa trắng, hương thơm thoang thoảng, so với những năm trước còn nở nhiều hơn. Triệu Thận bèn phái người tới Đức Thọ cung, cung thỉnh Thái thượng hoàng Triệu Cấu ngồi xe tới Tụ Cảnh viên thưởng mai.

Triệu Cấu lại nói: “Chuyển lời cho quan gia, ta thường xuyên rời Đức Thọ cung, không chỉ tiêu tốn nhiều chi phí, hơn nữa còn khiến nhiều người phải vất vả. Hậu viện này cũng có vài giống hoa thơm, không bằng mời quan gia đêm nay tới đây thưởng thức.”

Triệu Thận nhận lời, sau khi dùng bữa tối liền ngồi xe tới Đức Thọ cung. Qua cửa cung, nội thị báo rằng Thái thượng hoàng đang nghỉ ngơi trong Lãnh Tuyền đường đối diện rừng mai, Triệu Thận bèn đi về Lãnh Tuyền đường. Từ xa đã trông thấy Triệu Cấu đang nằm dưới mái hiên trước sảnh, đắp chăn lông thiu thiu ngủ trên trường kỷ. Triệu Thận không biết y đã tỉnh, sợ kinh động tới y, rón rén tiến lại gần, lặng lẽ đứng một bên, đợi y tự thức dậy.

Đêm nay ánh trăng rất đẹp, không cần thắp nhiều đèn cung cũng có thể nhìn rõ phong cảnh hoa mai nở đầy vườn. Trong cung Đức Thọ có rất nhiều giống mai cổ, so với hoa ở Tụ Cảnh viên thì mảnh mai hơn, thanh nhã hơn, hương thơm ngan ngát không nơi nào có được. Trên cây cầu đá cạnh sảnh có một cung nữ trẻ tuổi đang khe khẽ hát theo tiếng dàn nhạc thổi sáo phía sau. Hẳn là theo lệnh Thái thượng hoàng, hát hết một lần lại hát lại, chỉ duy nhất một bài.

Chú tâm lắng nghe, Triệu Viện nhận ra nàng đang hát một bài Vịnh Mai từ: “Cành rêu điểm ngọc, đôi chim xanh nho nhỏ, cùng nhau ngủ trên cành. Nơi bờ giậu chiều tà gặp gỡ, không nói lên lời dựa rào trúc. Chiêu Quân không quen bờ cát xa thẳm, chỉ có thể thầm tưởng nhớ Giang Nam. Mượn ánh trăng trở về, hóa thành đóa hoa cô đơn. Nhớ chuyện xưa nơi cung cấm, người đó đang say ngủ gần đom đóm xanh. Không như gió Xuân dịu mát, sớm đã sắp xếp nhà vàng*. Nào ngờ sóng vỗ cuốn trôi, chỉ biết than một khúc thương nhớ. Chờ đợi nàng, hương thơm đã len lỏi qua song cửa.”

(* Nhà vàng (kim ốc): Lấy từ điển cố “Kim ốc tàng kiều” (nhà vàng giấu người đẹp). Thời Hán, Hán Vũ Đế khi còn chưa đăng cơ vì muốn giành được sự ủng hộ của bác mình là Quán Đào Trưởng công chúa mà đã xin công chúa được cưới con gái bà là Trần A Kiều (tức chị họ của ông), hứa hẹn sẽ xây một ngôi nhà bằng vàng cho nàng ở. Sau từ câu chuyện này mà có thành ngữ “Kim ốc tàng kiều” để chỉ những mối tình vụng trộm.)

Tỉ mỉ nghiền ngẫm ý tứ trong lời bài từ, càng nghĩ càng ảm đạm, dần dà còn thấy có chút chua xót, nhất thời cũng thẫn thờ, lặng lẽ đứng đó nghe tiếp.

Cung nữ lại hát một lần nữa, Triệu Cấu chậm rãi mở mắt, nghiêng đầu sang nhìn Triệu Thận, mỉm cười nói: “Con tới rồi.” Đợi Triệu Thận hành lễ xong, y đứng dậy dẫn Triệu Thận tới mái đình bên cầu đá, chỉ vào cây mai cổ trong vườn: “Năm nay Mai Đài ở đây nở rất đẹp, quan gia ngắm thử đi.”

Triệu Thận đưa mắt nhìn theo, chỉ thấy cây Mai Đài nở hoa như ngọc, rêu rủ xuống giữa cành mai, độ dài từ vài tấc tới quá một thước, mỗi khi gió thổi qua, dây rêu lại bay phấp phới, quả thực rất đẹp.

Triệu Cấu lại giải thích: “Mai Đài trong cung Đức Thọ có hai loại: một loại có nguồn gốc từ động Trương Công ở Nghi Hưng, dây rêu dày, hoa rất thơm; loại khác lại có nguồn gốc từ Thiệu Hưng, rêu mỏng như dây tơ, chỉ dài chừng hơn tấc. Năm nay hai loại đều nở hoa, con không thể chỉ ngắm nhìn qua loa.”

Triệu Thận cúi người thưa vâng, đang định lên tiếng khen ngợi Mai Đài, khoảnh khắc ngẩng đầu lên lại phát hiện ánh mắt Triệu Cấu không hề rơi trên hoa mai. Triệu Viện nhìn theo ánh mắt y, trông thấy kì thực y đang chăm chú ngắm nhìn mấy gốc cây được chuyển tới từ trong cấm cung như Lục Ngạc, Thiên Diệp, Ngọc Nhụy, Đàn Tâm…

Ban đầu, Triệu Thận nhất thời không hiểu vì sao Triệu Cấu lại yêu thích mấy cái cây này đến thế. Đó vốn là cây được trồng trong vườn mai trong cung, nửa đêm trước ngày chuyển tới cung Đức Thọ, Triệu Cấu đã mệnh người đào gốc những cây hoa này lên, hơn nữa còn phải đào sâu ba tấc đất, mang theo cả bùn đất chuyển tới cung Đức Thọ. Triệu Thận từng khuyên: “Hoa mai trong cung Đức Thọ rất nhiều, cây nào cũng đẹp hơn mấy gốc cây này, ắt hẳn sẽ khiến Phụ hoàng vừa lòng đẹp ý. Nay di chuyển những cây này sẽ tốn rất nhiều công sức, không bằng để bọn chúng lại đây.” Mà Triệu Cấu không chịu thay đổi ý định, vẫn kiên quyết đòi chuyển mấy cây Lạp Mai này đi.

Thời khắc này, trong đôi mắt Triệu Cấu xuất hiện nét tang thương hiếm thấy. Y đứng dưới ánh trăng, nơi đầu con nước, miệng nói về Mai Đài không liên quan, song ánh mắt lại lưu luyến mấy gốc mai được chuyển từ cấm cung tới. Dáng vẻ thất thần kia khiến Triệu Thận cảm thấy vừa xa lạ vừa quen thuộc, láng máng nhớ ra, nhiều năm trước cũng đã từng trông thấy, đó là khi Phụ hoàng chăm chú ngắm nhìn bóng hình một ai đó.

Tiếng sáo lại vang lên, vẫn là giai điệu ban nãy. Cùng với tiếng hát của cung nữ, bóng hình dưới đáy lòng kia dần trở nên rõ ràng, dường như đang trôi nổi cùng hương mai thoang thoảng, lặng lẽ hòa vào lời hát.

Nhất thời chấn động, đột nhiên Triệu Thận hiểu ra, bí mật nào đang âm thầm chảy trong huyết mạch những cây mai cấm cung. 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận