Buổi tối hai ngày sau, Triệu Cấu đọc sách trong thư phòng, Anh Phất ở bên hầu hạ, thêm một miếng hương liệu nhỏ vào lư hương, đốt lửa nhỏ cách một lớp cát để trong phòng không bị khói. Mùi hương nhẹ nhàng bốc lên, có mùi cây cỏ thanh đạm và nước mưa ngai ngái, phảng phất như mùi lá trúc nhàn nhạt, hay tường vy đẫm sương mới hé nở.
Mùi hương đặc biệt khiến Triệu Cấu phải chuyển dời chú ý, đóng sách lại hỏi Anh Phất: “Hôm nay đốt hương gì vậy?”
Anh Phất cúi đầu đáp: “Là hương Bồng lai.”
Hương Bồng lai là hương Trầm thủy chưa kết thành, đóng thành từng miếng, nhìn giống như chiếc nón tí hon hay cây nấm lớn, là loại hương thượng đẳng. Loại hương này không phải Triệu Cấu chưa từng ngửi qua, thế nhưng chắc hẳn trước đây chưa từng để ý. Mà hôm nay ngửi được lại đột nhiên cảm thấy quen thuộc thân thiết, tựa như cơn gió tháng Tư ôn hòa đang dịu dàng thổi qua, sau một thoáng chấn động lại sáng bừng tươi vui.
Ngày hôm ấy trong phòng ngủ của Nhu Phúc, y cũng ngửi được mùi hương thanh nhã giống thế này.
Chăn gối của nàng có lẽ cũng đã được xông bằng hương Bồng lai nên cơ thể nàng cũng thoang thoảng mùi hương này, hòa quyện với mùi cơ thể tự nhiên của nàng, khiến y tức thời ý thức được hương thơm cũng có thể mang lại tác dụng như rượu ngon.
Ánh mắt lại rơi xuống quyển sách, thế nhưng hình ảnh mà y trông thấy lại giống như dáng vẻ xõa tung tóc nằm lười biếng của nàng, không nén được cong môi khẽ cười. Anh Phất đứng bên trông thấy liền hỏi: “Quan gia đọc được điều gì thú vị thế ạ?”
“À, không có gì.” Triệu Cấu đáp: “Chỉ là một câu văn bình thường, thế nhưng nếu cẩn thận ngẫm nghĩ, lại cảm thấy sự tinh tế trong đó.”
Anh Phất cũng mỉm cười, không nói gì nữa. Lúc này Triệu Cấu mới xốc lại tinh thần, chuẩn bị tiếp tục đọc quyển sách trong tay.
Đột nhiên, có một giọng hát êm ái truyền tới từ phía xa, không phải đang hát những bài từ đang lưu truyền, lời ca cũng không phải thơ bình thường mà chỉ có bốn chữ một câu, rất mang phong vị cổ điển.
Triệu Cấu có chút ngạc nhiên, ngẩng đầu trông ra bên ngoài cẩn thận lắng nghe. Nữ tử đang hát hát hết một bài, thoáng ngừng lại rồi lại hát tiếp, lần này thanh âm rõ ràng hơn lần trước, dường như đã tiến lại gần hơn.
Triệu Cấu nghe ra nàng ta đang hát bài “Hữu nữ đồng xa” trong Kinh Thi – Quốc Phong – Trịnh Phong:
“Có người con gái ngồi chung,
Như hoa cây thuấn đẹp dung nhan người.
Ngao du sắp sửa mọi nơi,
Thì nàng đeo ngọc cư dời gót đi.
Mạnh Khương nàng đẹp ai bì,
Thật là đẹp đẽ thêm khi thanh nhàn.
Có người con gái đồng hành,
Dung nhan đẹp đẽ như cành thuấn hoa.
Ngao du sắp sửa đi qua,
Nàng đeo xâu ngọc tiếng khua rộn ràng.
Mạnh Khương kia đẹp là nàng,
Lời nàng đức hạnh mình càng không quên.”*
(* Nguồn: thivien.net. Đây là bản dịch thơ, nên khác với bản gốc chỉ có 4 chữ một câu.)
“Ca từ này thật đặc biệt, hình như đang nói về một vị mỹ nhân?” Anh Phất nghe xong liền khẽ hỏi.
Triệu Cấu gật đầu: “Cô gái trong bài thơ là con gái của Tề Hy Công, Văn Khương…”
Nữ tử được miêu tả trong bài thơ là con gái thứ hai của Tề Hy Công thời Xuân Thu Văn Khương. Văn Khương xinh đẹp tuyệt trần, vang danh thiên hạ, mà lúc bấy giờ nước Tề do Tề Hy Công cai quản quốc gia cường thịnh, bởi thế Văn Khương liền trở thành đối tượng theo đuổi, ái mộ của quân hầu, thế tử các nước. Trong số rất nhiều người cầu hôn, Văn Khương chỉ vừa ý thế tử của nước Trịnh Cơ Hốt. Bởi thế hai nước Tề, Trịnh liền nhanh chóng tiến hành hôn lễ cho Văn Khương và Cơ Hốt. Người dân nước Trịnh cũng đã sớm nghe danh Văn Khương xinh đẹp, hay tin thế tử được lựa chọn, đón được mỹ nhân về bèn vui sướng vô cùng, sáng tác ra bài thơ “Hữu nữ đồng xa”, tưởng tượng ra cảnh ngày Văn Khương xuất giá sẽ ngồi cùng một xe với thế tử quay về nước như thế nào, hết lời tán dương vẻ đẹp và đức hạnh của nàng.
“Con gái của Tề Hy Công, vậy chính là công chúa của nước Tề rồi.” Anh Phất mỉm cười đáp: “Ắt hẳn vị công chúa này cũng xinh đẹp như Phúc Quốc trưởng công chúa.”
Triệu Cấu lặng thinh. Một người con gái như hoa như ngọc, bước đi uyển chuyển nhẹ nhàng, ngọc bội trang sức trên người kêu lanh canh theo mỗi bước nàng di chuyển, khuôn mặt yêu kiều, thần sắc an nhàn tao nhã… Đây chẳng phải là Nhu Phúc trong ngày cập kê hôm ấy hay sao?
Lát sau, lại nghe thấy tiếng ca cất lên, lần này là bài “Tái khu” trong Tề Phong:
“Chạy xe rong ruổi đi nhanh,
Đệm hoa da đỏ sau thành cửa xe.
Đường bằng nước Lỗ tới Tề,
Văn Khương em gái về quê Tề Hầu.
Ngựa ô hai cặp giòn ghê,
Giây cương mềm mại đề huề lỏng buông.
Trên đường nước Lỗ phẳng êm,
Văn Khương vui thích chẳng hiềm xấu xa.
Nước nhiều sông Vấn mênh mông,
Người đi đông đảo trên dòng bao la.
Trên đường nước Lỗ bằng xa,
Nàng Văn mong gặp anh mà mây mưa.
Nước sông Vấn chảy trôi xuôi,
Người đi tấp nập nhiều nơi vô cùng.
Đường bằng nước Lỗ thong dong,
Văn Khương về chẳng sượng sùng dạo chơi.”*
(* Bản dịch thơ lấy từ thivien.net. Đã có chỉnh sửa một số chỗ.)
Triệu Cấu lắng nghe, sắc mặt dần thay đổi, tới cuối cùng cũng không nhịn được nữa, ném mạnh sách xuống, tức giận hỏi: “Là kẻ nào đang hát?”
Hóa ra nội dung của bài thơ này đang châm biếm việc Văn Khương có tư tình với anh trai cùng cha khác mẹ là công tử Chư Nhi – Tề Tương Công sau này.
Thế tử Trịnh quốc Cơ Hốt sau khi đính hôn với Văn Khương không lâu lại lấy lí do “nước Tề rộng lớn”, nói mình thân thế thấp hèn, không dám trèo cao công chúa Tề quốc, thái độ kiên quyết đòi hủy hôn. Sau khi bị Cơ Hốt từ hôn, Văn Khương đã bị đả kích rất lớn, tinh thần hoảng hốt, cả ngày thẫn thờ trong cung, không màng ăn uống. Anh trai cùng cha khác mẹ của nàng là Chư Nhi thường xuyên tới thăm nom, lần nào cũng ngồi bên giường lấy danh nghĩa xem tình hình bệnh mà âu yếm vuốt ve em gái mình, vẫn may chưa từng đi quá giới hạn. Hai người lớn lên bên nhau, đôi bên âm thầm nảy sinh cảm tình, quan hệ vẫn luôn rất mờ ám, việc Cơ Hốt từ hôn có lẽ chính bởi lý do này.
Sau đó Tề Hy Công hứa gả Văn Khương cho Lỗ Hoàn Công. Chư Nhi hay tin, trong lúc đau lòng cuối cùng cũng quyết định không che giấu tình cảm đối với muội muội của mình nữa, sai cung nữ đưa cho muội muội một cành hoa đào kèm theo một bài thơ, nuối tiếc việc mình chưa thể cùng muội muội kết duyên, chỉ đành giương mắt nhìn muội muội hoa rơi đất Lỗ: “Hoa đào nở rộ, rực rỡ góc trời. Nhà ấy không chặt, để mặc hoa bay. Tiếc thay tiếc thay!”
Mà Văn Khương đọc xong cũng hiểu ý, bèn viết thơ đáp lại: “Hoa đào nở rộ, lung linh góc trời. Nếu nay không chặt, nào còn Xuân sau? Nhớ cho nhớ cho!”
Đây là đang ám thị ca ca phải nắm lấy thời cơ trước mắt. Hai người bèn bất chấp tất cả, để tình yêu giấu kín bấy lâu nay bùng cháy dưới bóng hoa đào, làm ra chuyện loạn luân. 18 năm sau, Văn Khương nhân dịp được về nhà lại vào cung cùng Chư Nhi triền miên ba ngày ba đêm. Chồng nàng là Lỗ Hoàn Công sau khi biết được nổi cơn thịnh nộ đánh Văn Khương, kết quả liền bị Chư Nhi càng phẫn nộ hơn tìm cách giết chết.
Sau khi Lỗ Hoàn Công chết, Văn Khương lại chẳng còn lo lắng gì nữa, ở lại Tề quốc ngang nhiên cùng Chư Nhi quấn quýt không rời. Bài thơ “Tái khu” này miêu tả cảnh Văn Khương quay về Tề quốc, cùng Chư Nhi ngồi trên một xe công khai đi trên phố phường. Cỗ xe nhung đỏ trải đệm mềm, bên ngoài treo vật trang trí, do bốn thớt ngựa đen kéo lướt đi như bay. Văn Khương và anh trai ngồi trên xe, dọc đường không ngớt nói cười, khiến người đi đường không khỏi ngoái nhìn.
Người kia trước tiên hát “Hữu nữ đồng xa”, sau lại hát “Tái khu”, rõ ràng đang ám chỉ việc Văn Khương và Chư Nhi loạn luân, chọc đúng vào chỗ đau của Triệu Cấu, khiến lửa giận trong y ngùn ngụt bốc lên.
Anh Phất nghe thấy y hỏi, bèn quay đầu nhìn về phía tiếng ca truyền tới nói: “Hình như là truyền ra từ viện của Trương tỷ tỷ.”
“Đi, lôi kẻ hát ra đây đánh 80 trượng!” Triệu Cấu ra lệnh cho nội thị đang đứng hầu ở cửa. Nội thị vâng mệnh, đang định chạy đi, lại bị Anh Phất gọi lại: “Đợi đã!” Sau đó kinh ngạc mở to mắt hỏi Triệu Cấu: “Sao vậy? Nàng ta hát không hay sao? Hay là đã quấy rầy quan gia đọc sách? Quan gia định phạt nàng ta tội gì?”
Thấy nàng hỏi vậy, Triệu Cấu liền trầm mặc. 80 trượng là hình phạt rất nặng, nếu đem ra để trị tội cung nhân thì đích thực cần công khai tuyên bố một lý do. Lúc này nên giải thích thế nào? Hát không hay không phải lí do, quấy rầy đọc sách tội cũng không đến mức này, lại càng không thể để người khác biết y phạt nàng ta vì nội dung mấy bài hát kia, nếu không sẽ khéo quá hóa vụng, khiến mọi người thêm tỉ mỉ suy ngẫm ý tứ bên trong.
Huống hồ, nếu không vì chột dạ, chắc chắn sẽ không tức giận đến thế. Tất cả mọi người ắt hẳn đều sẽ nghĩ như vậy.
Bởi thế chỉ đành từ bỏ ý định ban nãy, lệnh cho hai nội thị kia quay về.
Anh Phất thận trọng quan sát y, hồi lâu sau mới nhẹ nhàng hỏi: “Quan gia, lời bài hát kia có ý nghĩa gì thế?”
Triệu Cấu không đáp lời, lát sau mới hỏi nàng: “Anh Phất, có phải trẫm đối xử với công chúa quá tốt rồi không?”
“Quả thực quan gia đối xử với công chúa rất tốt,” Anh Phất đáp: “Cẩn thận săn sóc, quan tâm có thừa. Có được một người anh trai tốt như quan gia ắt hẳn chính là may mắn của công chúa.”
Triệu Cấu có chút ngần ngừ hỏi: “Vậy những người trong cung… có phải từng đàm tiếu về việc này hay không… Nàng có từng nghe thấy bọn họ bàn tán gì?”
Anh Phất nói: “Công chúa là người em gái duy nhất ở bên quan gia, quan gia dĩ nhiên sẽ đặc biệt xem trọng nàng, đây là việc rất bình thường. Trong cung có không ít nữ tử, khó tránh khỏi có vài người lòng dạ hẹp hòi, thấy quan gia thường xuyên ban thưởng cho công chúa, nhất thời ghen tỵ cũng dễ hiểu, hoặc thi thoảng oán thán vài câu mà thôi, cũng không phải chuyện lớn gì, quan gia không cần bận tâm.”
Triệu Cấu lại trầm mặc một hồi. Cuối cùng vẫn thốt ra: “Bọn họ có từng bàn tán… trẫm và công chúa quá mức thân thiết?”
Anh Phất vừa nghe liền mỉm cười: “Huynh trưởng và muội muội thân thiết một chút cũng bàn tán? Việc này thần thiếp chưa từng nghe nói. Nếu như có, vậy thì bọn họ cũng rảnh rỗi quá rồi. Quan gia thương xót công chúa trước đây đã từng phải chịu khổ, bởi thế nay mới thường xuyên tới thăm nom nàng, điều này có gì khó hiểu đâu chứ, lẽ nào lại sợ quan gia giữ công chúa bên mình cả đời? Công chúa sắp tròn 20 tuổi rồi, quan gia nhất định sẽ tìm cho nàng một phò mã như ý. Ngày công chúa xuất giá cũng sẽ rộn ràng rực rỡ, nói không chừng cũng sẽ có văn nhân viết thơ cho nàng, lưu lại cho hậu thế ngâm.”
Lời của nàng khiến Triệu Cấu thoáng giật mình. Y và Nhu Phúc đã xa cách nhiều năm, chẳng dễ dàng gì mới được đoàn tụ, hơn một năm nay y đã sớm quen với cuộc sống có nàng ở bên, chưa từng nghĩ tới việc khi nàng lớn hơn rồi chắc chắn sẽ tới lúc phải tìm một nam tử khác đem nàng gả đi. Mà y, không có bất kỳ lý do nào để níu kéo nàng.
Hữu nữ đồng xa, hữu nữ đồng xa. Kẻ nào sẽ có được may mắn này, được ngồi cùng xe với nàng, đón nàng về nhà?
Bất giác thở dài thành tiếng, ánh mắt lướt qua cây râm bụt trong sân, không khỏi sầu muộn.