Năm tiếp theo sau khi Nhu Phúc từ Kim quay về, cuối tháng Sáu năm Thiệu Hưng thứ nhất, Triệu Cấu đích thân đưa linh cữu của Long Hựu Thái hậu về Hội Kê huyện Hoàng thượng thôn mai táng. Lăng chỉ rộng trăm bước, hạ cung cũng chỉ sâu một trượng năm thốn, bởi quân thần đều hi vọng một ngày kia có thể đưa linh cữu của Thái hậu về Vĩnh Thái lăng ở phương Bắc – nơi an nghỉ của Triết Tông, vì thế mộ ở Hội Kê huyện chỉ được coi như nơi chôn cất tạm thời.
Vài vị phi tần và muội muội của Triệu Cấu Phúc Quốc trưởng công chúa cũng đi cùng. Triệu Cấu vô cùng hiếu thuận cung kính với Thái hậu, tất cả các nghi thức an táng đều được tiến hành theo quy chế xưa của Hoàng thái hậu Bắc Tống, đợi tất cả hoàn thành xong đã là thượng tuần tháng Mười.
Kính Hồ ở Hội Kê là danh thắng có tiếng trong thiên hạ, mà Triệu Cấu khoảng thời gian này bận bịu việc tang lễ của Thái hậu, vẫn chưa rảnh rỗi tới thưởng ngoạn. Tới ngày mùng Chín tháng Mười, Huyện lệnh Hội Kê Diêu Hy Lượng thấy nghe lễ ánh chừng đã sắp hoàn tất, Triệu Cấu cuối cùng cũng có thời gian rảnh, bèn vội vã mời y ngự thuyền trên Kính Hồ thưởng thức sơn thủy hữu tình. Triệu Cấu chưa đồng ý ngay mà nói uống trà ngắm cảnh ven hồ là đủ, hơn nữa cũng không cần làm lớn, Huyện lệnh chỉ cần dẫn vài thị vệ mặc thường phục tới canh chừng, mà y cũng sẽ mặc thường phục để tránh làm phiền tới người dân.
Buổi chiều hôm ấy, Triệu Cấu cùng Diêu Hy Lượng ngồi trong Liễu Ngạn đình ven bờ Kính Hồ thưởng trà nói chuyện, giữa chừng nhắc tới thư pháp nhiều đời. Diêu Hy Lượng nói với Triệu Cấu mình có sưu tầm được một quyển bút tích thật của Hoàng Đình Kiên, Triệu Cấu trước nay vẫn luôn thích chữ của Hoàng Đình Kiên, bèn lập tức cảm thấy phấn khởi hứng thú, lệnh cho Diêu Hy Lượng về phủ mang tới cho y xem. Diêu Hy Lượng không dám trễ nải, lập tức cáo lui vội vã quay về phủ lấy bức thư pháp.
Triệu Cấu đang ngồi một mình thì đột nhiên nghe thấy có tiếng đàn tranh truyền tới từ giữa hồ, đang đàn khúc “Cao Sơn Lưu Thủy”. Âm luật du dương tựa mây bay nước chảy, khi như mây mù giăng kín đỉnh núi, khi lại như có làn nước biếc róc rách chảy giữa kẽ đá u tĩnh. Sau khúc cao trào như ngàn quân lâm trận, giai điệu lại trở nên hiền hòa, êm ái tựa thuyền nhẹ qua khe núi để lại những sóng nước dập dờn, lăn tăn gợn mặt hồ.
Triệu Cấu phóng tầm mắt ra xa, chỉ trông thấy một chiếc thuyền nhỏ đang từ từ tiến lại gần trong sương khói. Hình dáng của thuyền trang nhã, khoang thuyền chỉ là một gian nhỏ xíu, chủ yếu do trúc dựng thành, có khắc những hoa văn tinh tế, có lẽ do mới được làm cách đây không lâu nên vẫn có thể nhìn ra sắc xanh nhàn nhạt. Ô cửa sổ buông một lớp rèm mỏng, bên ngoài có một mái hiên che mưa che nắng, cũng dùng trúc tạo thành. Giữa bóng núi mờ mờ phía xa và mặt nước xanh biêng biếc, quang cảnh này đẹp tựa một bức tranh.
Tiếng đàn tranh phát ra từ bên trong con thuyền đó.
Đoán chừng là ca kỹ nhà ai biểu diễn tài nghệ đãi khách. Nghĩ vậy, Triệu Cấu bèn tỉnh táo lại, quay đầu đi, nhàn nhã đưa ly lên nhấp một ngụm trà, không buồn xem tiếp nữa.
Mà con thuyền nhỏ vẫn chầm chậm tiến lại gần. Tới khi đậu lại ven bờ Triệu Cấu đang ngồi, tiếng đàn tranh đột nhiên ngừng lại. Người trên thuyền gọi thuyền phu vào trong, giống như dặn dò gì đó, sau đó thuyền phu bước ra ngoài, lên bờ nói với Triệu Cấu: “Vị công tử này, có một vị cô nương nói muốn mời ngài lên thuyền trò chuyện.”
Triệu Cấu lắc đầu, không để ý nhiều tới ông ta. Thuyền phu lộ ra sắc mặt khó xử, nói: “Vị cô nương đó nói có quen biết công tử.”
Lần này Triệu Cấu chưa kịp đáp lời, nội thị đứng cạnh y đã lớn tiếng mắng: “Công tử nhà ta trước nay chưa từng dừng chân tại Hội Kê huyện bao lâu, làm gì có chuyện quen biết vị cô nương nào! Công tử nhà ta các ngươi muốn mời là mời được sao?”
Triệu Cấu phất tay ra hiệu cho y ngừng lại, nói với thuyền phu: “Xin hãy chuyển cáo tới vị cô nương ấy, kẻ hèn này được bằng hữu mời tới đây phẩm trà nói chuyện, bởi thế không tiện rời đi giữa chừng, vô cùng xin lỗi.”
Lời vừa dứt, lại nghe thấy có tiếng nữ tử khúc khích cười trong khoang thuyền: “Cái cớ này của công tử cũng miễn cưỡng quá rồi.”
Thanh âm này khiến trái tim Triệu Cấu tức thì run lên, ngước mắt lên nhìn, trông thấy một bàn tay nhỏ nhắn khẽ khàng vén mành, mà thân ảnh sau đó bước ra từ khoang thuyền, là Nhu Phúc đang duyên dáng nhìn y mỉm cười.
Nàng mặc một chiếc áo lụa ngắn màu hồng nhạt, hai bên vạt áo có nơ buộc, thắt thành một nút lỏng trước ngực, phần còn lại của dây nơ buông thõng, khẽ đung đưa theo gió. Dưới xương quai xanh lộ nhẹ một chiếc áo bó ngực bằng lụa trơn trắng, mép có thêu hoa văn thổ cẩm cùng màu với áo ngắn. Eo quấn váy lụa dài, lớp dưới màu trắng, mép thêu những hoa văn phù dung, sau đó phủ một lớp sa mỏng bên trên, thanh nhã mềm mại. Mái tóc nàng được búi thành ba tầng, tinh nghịch nghiêng về bên phải, phía trên có cài một đóa hoa pha lê chạm rỗng và hai đóa hoa tường vy hồng rủ xuống. Mấy lọn tóc con giống như vô ý xõa xuống, nhẹ nhàng quét qua hai bên thái dương nàng. Mà đôi bông tai cũng là pha lê trong suốt như sương, lấp lánh theo từng cử động của nàng.
Thấy nàng duyên dáng yêu kiều, e ấp mỉm cười, khoảnh khắc ấy hô hấp cũng trở nên khó khăn, may là y đã sớm rèn luyện được bản lĩnh mặt không đổi sắc. Y giơ tay lên ngăn động tác hành lễ theo thói quen của nội thị, gắng sức bày ra vẻ mặt nghiêm túc, quyết ý không để cho yêu tinh nhỏ dưới bóng hoa Hoa Dương này bay ra ngoài làm nhiễu loạn tâm trí mình nữa: “Muội thật to gan, dám một mình lẻn ra đây, còn ra thể thống gì! Còn không mau lên bờ, ta sẽ mệnh người đưa muội quay về.”
“Ai bảo chàng ra ngoài chơi không chịu dẫn theo ta! Ngày ngày ở yên trong dịch quán chờ đợi, ta buồn chán chết mất.” Nhu Phúc tinh nghịch cười: “Nếu tới để ngắm cảnh, vì sao lại ngồi trên bờ? Ta đã thuê chiếc thuyền nhỏ này, có ý tốt muốn mời chàng đi cùng, chàng lại còn bày ra dáng vẻ khó gần như thế, không thèm để ý tới người ta.”
Nàng vui vẻ nói cười, thần sắc kiều mị nhu hoặc, toàn dùng “chàng” gọi Triệu Cấu. Nếu đổi thành người khác, Triệu Cấu ắt hẳn đã chán ghét, thế nhưng là do nàng thốt ra, lọt vào tai lại nghe thân thiết vô ngần. Ánh mắt y cũng dịu dàng trở lại, ôn hòa nói với nàng: “Nếu đã mời ta, ban nãy vì sao lại trốn đi! Nếu biết là muội mời, ta nào sẽ phớt lờ không để ý?”
(* Chú thích: Thực ra trong tiếng Trung chỉ có hai ngôi, người nói xưng là “ngã”, người nghe là “nhĩ”, giống như “I” và “you” trong Tiếng Anh vậy. Bình thường Nhu Phúc hay gọi Triệu Cấu là “cửu ca”, mà nay trực tiếp dùng “nhĩ” xưng hô với y. Còn vì Triệu Cấu là hoàng đế nên những người khác cũng phải gọi y là “quan gia” hay “bệ hạ”, không thể gọi “nhĩ”. Nên mình mới dịch thành “chàng” ở đây.)
“Vậy, nếu giờ ta lần nữa mời chàng lên thuyền, chàng sẽ đồng ý chứ?” Nhu Phúc nhướng mày hỏi.
“Bây giờ?” Triệu Cấu có chút do dự.
“Chàng không tới thì thôi, ta tự mình ngắm cảnh cũng không vấn đề gì.” Nhu Phúc xoay người làm động tác bước lên thuyền.
Triệu Cấu không suy nghĩ nhiều nữa, đứng lên sải bước lên thuyền. Nội thị hầu hạ bên cạnh y toan cùng y lên thuyền lại bị Nhu Phúc ngăn lại, sau đó nói với Triệu Cấu: “Thuyền của ta nhỏ, không chứa được nhiều người như thế. Hơn nữa, huynh dẫn theo nhiều người như thế làm gì? Lẽ nào còn sợ trên chiếc thuyền bé xíu này có hải tặc?”
Triệu Cấu chưa kịp lên tiếng thì thuyền phu bên cạnh đã mở miệng: “Công tử yên tâm, chỗ này của chúng tôi rất thanh bình, tôi đã chèo thuyền ở đây được hơn 20 năm rồi, trước nay chưa từng gặp phải trộm cướp gì.”
Triệu Cấu suy nghĩ một lúc, bèn phất tay ra hiệu cho tùy tùng lui lại, nói: “Các ngươi ở đây đợi, ta sẽ quay về rất nhanh.”
Tùy tùng vâng lời lui xuống, thuyền phu khua mái chèo để con thuyền chậm rãi trôi ra giữa mặt hồ.
Nhu Phúc tươi cười kéo Triệu Cấu tới mũi thuyền đứng, chỉ vào cồn cát phía xa bảo y nhìn. Triệu Cấu mỉm cười quan sát, không ngừng quay sang ngắm nàng, mỗi lúc ánh mắt giao nhau đều cảm thấy ấm áp mà vui vẻ.
Thuyền phu vừa khua mái chèo vừa quan sát bọn họ. Triệu Cấu mặc trường bào tay rộng bình thường, mặc dù thời gian để tang cho Thái hậu đã kết thúc song y vẫn chọn mặc màu trắng, dải lụa búi tóc trên đầu cũng là màu trắng, nhìn tiêu sái tuấn lãng, đứng cạnh Nhu Phúc mặc váy hồng bên cạnh cùng nhau đón gió, vô cùng xứng đôi. Thuyền phu nhất thời hiếu kì, không nén được hỏi: “Cô nương, vị công tử này có quan hệ gì với cô thế?”
Nhu Phúc quay đầu lại hỏi: “Bác cảm thấy sao?”
Thuyền phu đáp: “Cô nương xinh đẹp như vậy, công tử đây lại anh tuấn, quả đúng một đôi người ngọc. Ắt hẳn vị công tử này là quan nhân* của cô phải không?”
(* Quan nhân: Vào thời Tống, ‘quan nhân’ là cách mà người vợ xưng hô với chồng mình. Sau thời Tống thì trở thành cách xưng hô với nam tử có địa vị xã hội nói chung.)
Triệu Cấu đang định giải thích, Nhu Phúc lại bật cười trước: “Ánh mắt bác thật sắc bén, chàng đúng là quan nhân của tôi.” Sau đó nghiêng người về phía Triệu Cấu chắp tay, ẩn ý mỉm cười, nhẹ nhàng gọi: “Quan nhân.”