Mưa bụi lất phất rơi xuống, y ngây ngẩn không để ý, cho tới khi cảm nhận được nàng đang khẽ khàng run rẩy trong lòng mình mới nới lỏng vòng tay đang siết lấy nàng ra. Không khí ẩm ướt và sương mù mát lạnh phả vào mặt, y giật mình nhìn Nhu Phúc, nhận ra trên búi tóc nàng đã đọng rất nhiều giọt nước li ti, tà váy cũng đã loang lổ vết nước.
“Lạnh không?” Triệu Cấu quan tâm hỏi, ngẩng đầu nhìn mưa bụi phủ kín núi sông, nói: “Mưa rồi.”
Nàng mỉm cười: “Ống tay áo của huynh đã giúp muội che không ít mưa. Còn huynh ấy, nửa người ướt đẫm rồi.” Nàng vươn tay ra cọ nhẹ gò má y, sau đó chìa lòng bàn tay đầy nước mưa ra cho y xem: “Muội không lạnh, thấy mưa đều rơi hết lên người huynh nên có ý nhắc nhở, thế nhưng huynh hình như hoàn toàn chẳng để tâm chút nào, muội cũng không muốn nói nhiều nữa, cuối cùng thấy huynh ướt sũng rồi mới không nén được nhúc nhích, để huynh xem có nên nghĩ cách tránh mưa hay không.”
Triệu Cấu có chút xấu hổ. Vừa ảo não vì ban nãy mình quá đắm chìm, lại vừa âm thầm cảm thấy thất vọng vì thái độ thản nhiên như không của nàng. Có thể vứt bỏ luân thường đạo lý hôn nàng đối với y mà nói là một hành động khó khăn nguy hiểm tới mức nào, thế nhưng cảm giác tội lỗi sau đó lại không thắng được niềm vui mang tới. Giữa chừng y chưa từng tưởng tượng phản ứng của nàng sau đó sẽ thế nào, sẽ đỏ mặt ngượng ngùng nép vào lòng y, hay đột nhiên tỉnh táo lại đẩy y ra bỏ chạy, hay lo lắng âu sầu không không biết tương lai của bọn họ sẽ đi đâu về đâu… Chỉ không ngờ được lúc hôn y nàng vẫn có thể mở to mắt nhìn mưa, nhìn y, nhìn xem mưa làm ướt gương mặt và quần áo như thế nào. Khi y đang cảm thấy đau khổ về tình cảm trái ngang của bọn họ, nàng lại chỉ quan tâm tới vấn đề có nên tránh mưa hay không.
“A! Ban nãy muội vào trong tìm lưới có trông thấy bên trong khoang thuyền có mũ và áo mưa!” Nhu Phúc khẽ kêu lên, sau đó đứng lại nhanh chóng chạy về phòng tìm đồ đạc. Bóng hình ấy vẫn bay bổng nhẹ nhàng hệt như bóng lưng Viện Viện chạy về Long Đức cung mà y dõi theo năm ấy.
Nàng không quá chìm đắm trong nụ hôn của bọn họ, thế nhưng dường như cũng không phiền chán. Lẽ nào nàng không ý thức được tầng quan hệ huynh muội đã phá hỏng tình cảm giữa hai người bọn họ sao? Lại vẫn có thể ngây thơ như một đứa trẻ, vứt bỏ mọi ám ảnh và lo lắng, vô tư tận hưởng thứ tình thân ám muội và tình yêu đè nén mà y dành cho nàng.
Thế nhưng, chỉ có như vậy, y mới yêu nàng. Nhu Phúc này mới là Viện Viện mà y yêu sâu đậm. Vui vẻ hoạt bát xuất hiện trước mặt y, giống như một tia sáng nhảy nhót, khiến mắt y chói lòa mà không sao nắm bắt được.
Nàng trở về đem theo mũ và áo mưa, vừa bước lại gần vừa cười nói với Triệu Cấu: “Nào, khoác lên sẽ không sợ mưa nữa.” Sau đó tự tay choàng áo, đội mũ cho y, dáng vẻ nghiêm túc, động tác cẩn thận. Trái tim Triệu Cấu ấm áp, thầm nghĩ ước chi được là một đôi vợ chồng đánh cá bình thường. Nếu y không phải Hoàng đế, nàng cũng không phải em gái cùng cha khác mẹ của y, thì y sẽ dẫn nàng tới đây cư ngụ, bắt cá mưu sinh, không còn để ý tới những việc chính trị chiến tranh khiến người ta đau đầu đó nữa, cả ngày tiêu dao tự tại, cứ vậy trôi qua một đời yên ấm an vui.
Sau khi đội mũ mặc áo cho y, Nhu Phúc lại đỡ y ngồi xuống tiếp tục câu cá, sau đó lui về khoang thuyền kéo rèm ra nói: “Muội ngồi ở đây nhìn huynh.”
Triệu Cấu gật đầu, mỉm cười quăng dây câu. Nhu Phúc ngồi sau bức rèm thêu hoa ngắm nhìn một lúc, sau đó đột nhiên cất tiếng hát: “Cò trắng bay về núi Tây, đào nở nước trong cá bơi lội. Nón xanh váy lục, mưa phùn nhẹ bay không cần về.”
Nàng đang hát một bài “Ngư phụ từ” của Trương Chí Hòa thời Đường, ý thơ trong đó tiêu dao khoáng đạt, quang cảnh như mộng, phảng phất như một bức tranh thủy mặc, lúc này hát lên vô cùng ứng cảnh hợp tình. Triệu Cấu cũng hứng khởi, tiếp đó liền tự sáng tác một bài, cất giọng ngâm: “Sau đêm nước Xuân tràn hồ, mấy rặng núi xanh xa vời vợi. Thuyền nhỏ cần buông, thanh nhàn tiếng thơm muôn thuở truyền.”
“Thơ hay thơ hay!” Nhu Phúc nghe xong vỗ tay khen: “Bài từ* này câu từ mộc mạc, không hề cố tình tô vẽ thể hiện, thanh nhã tự nhiên, rất giống với Ngư ca của Trương Chí Hòa. Trước đây chỉ nghe nói cửu ca thư pháp xuất chúng, thế nhưng lại ít có thi từ lưu truyền ra bên ngoài, cung nữ đều đoán mò nói tài văn của Khang vương không bằng Phụ hoàng và Khải ca ca, bởi thế nên mới ít khi làm thơ điền từ. Nay xem ra hoàn toàn trái ngược, có lẽ cửu ca chỉ là không muốn khoe tài mà thôi.”
(* Từ: Một thể loại văn học, hình thành vào thời Đường và phát triển mạnh trong thời Tống, gần giống như thơ nhưng có quy định chặt chẽ hơn về gieo vần và âm luật.)
Được nàng khen ngợi, Triệu Cấu dĩ nhiên vô cùng vui sướng, nhàn nhạt mỉm cười, nói: “Nào có, năm ấy trong cung đều thịnh hành thi từ mang phong cách mềm mại ủy mị, Phụ hoàng và tam ca là cao thủ trong đó, ta tự biết phong cách không phù hợp, khó mà cùng bọn họ so sánh được, bởi thế cố tình không sáng tác, tránh bị người khác lấy ra chê cười. Hôm nay nghe muội hát Ngư ca đột nhiên nổi hứng, mới tiện miệng hát một bài.”
“Thơ ca sặc mùi ái tình muội cũng không ưa đọc.” Nhu Phúc đáp: “Bài từ này của cửu ca đơn giản thanh nhã, muội rất thích. Trương Chí Hòa viết tới 15 bài ‘Ngư phụ từ’, huynh cũng có thể theo vần điệu điền đủ 15 bài chăng?”
“Viện Viện đang kiểm tra ta đó sao?” Triệu Cấu mỉm cười đáp: “Cũng không khó, có điều ta không giỏi điền những bài từ dài lắm, muội phải cho ta chút thời gian.”
“Được, một ngày có đủ không? Ngày mai huynh điền xong rồi lại hát cho muội nghe.” Nhu Phúc hỏi.
Triệu Cấu gật đầu, chăm chú nhìn mặt nước, vừa câu cá vừa suy nghĩ.
Lần lượt câu được thêm mấy con cá lớn nữa, mưa đã ngớt, mà hoàng hôn cũng dần buông, mây trắng trên trời soi bóng xuống mặt nước chưa biến mất hoàn toàn, trăng sáng đã lấp ló nơi chân trời. Triệu Cấu gỡ con cá cuối cùng ra khỏi móc câu, ném vào xô, sau đó đặt cần câu xuống, nhìn bóng mây dưới nước cất giọng hát: “Đêm nhẹ khói mờ sương trắng giăng, trăng Thu đôi bờ đã sáng. Cây xa trời cao, bóng mây nhàn nhạt theo nước trôi.”
Lần này lại không nghe thấy Nhu Phúc lên tiếng bình luận, Triệu Cấu liền đi vào trong khoang thuyền xem xét, nào ngờ trông thấy nàng đang ngồi nghiêng trên tấm thảm dưới sàn, một tay chống trên chiếc bàn để đàn, dựa đầu nhắm nghiền mắt, không biết đã thiếp đi tự bao giờ.
Ngay cả trong giấc mộng, vẻ đẹp của nàng cũng không hề phai nhạt. Đôi mắt sáng ngời tạm thời khép lại làm nổi bật lên đôi gò má mềm mại như cánh hoa và đôi môi hồng chúm chím, hết thảy đều tươi tắn đáng yêu, khiến người ta khó lòng kìm nén được ham muốn đụng chạm vuốt ve.
Triệu Cấu cúi người xuống đặt một nụ hôn lên đôi môi nàng, lại đưa tay vuốt ve khuôn mặt nàng, động tác rất nhẹ nhàng, thế nhưng vẫn khiến nàng thức dậy.
Nàng mở hé đôi mắt ngái ngủ, trông thấy Triệu Cấu cũng không kinh ngạc, vẫn dựa người vào án xoa xoa sườn mặt đỏ rực, mơ màng hỏi: “Ban nãy trong mơ hình như muội nghe thấy có người hát, là huynh sao?”
Triệu Cấu gật đầu đáp: “Ban nãy ta lại vừa hát một bài Ngư ca nữa.”
“Vậy huynh hát lại cho muội nghe đi.” Nhu Phúc ngồi thẳng lên.
“Ha ha, không được.” Triệu Cấu nói: “Ai bảo muội ngủ quên mất? Giờ ta không còn hứng thú hát nữa rồi.”
Nhu Phúc kéo lấy tay y nài nỉ, y vẫn không đồng ý, cuối cùng mới nói: “Vậy giờ muội cũng làm một bài đi, nếu làm hay thì ta sẽ hát cho muội nghe.” Nhu Phúc ngẫm nghĩ rồi đồng ý, sau khi suy nghĩ một lát liền gõ nhịp hát: “Khi cỏ xanh mọc thuyền đã đi qua, cá đỏ nhảy cao dập dềnh sóng. Rượu lá trúc, đệm gấm hoa,…”
Hát tới “đệm gấm hoa” lại ngần ngừ, bàn tay gõ nhịp cũng dừng lại, suy nghĩ xem câu cuối nên gieo vần thế nào. Triệu Cấu liền bật cười giúp nàng điền nốt: “Rượu lá trúc, đệm gấm hoa, chim mòng hát ru ta nhập mộng!”
“Hứ!” Nhu Phúc trừng mắt nhìn y, hét: “Huynh dám cười muội!”
“Nào có nào có,” Triệu Cấu cười nói: “Viện Viện không cảm thấy câu cuối cùng này nối rất hoàn hảo, không có chỗ nào chê trách được sao? Huống chi lại tả rất thực, quả đúng là điểm nhấn của cả bài!”
“Ây da, có thể không khiêm tốn tới vậy sao? Lại nói câu mình thêm vào là điểm nhấn của cả bài…”
“Ừm, nói vậy không đúng lắm, ta chỉ miêu tả lại cảnh thực thôi, Viện Viện mới là người thêm điểm nhấn cho bài thơ này.”
Hai người đang nói chuyện vui vẻ thì thuyền phu rời đi lúc trước quay về, mời bọn họ lên bờ vào nhà ông dùng cơm. Triệu Cấu đưa cho thuyền phu mấy con cá ban nãy câu được, sau đó cùng Nhu Phúc rời thuyền. Trong bữa cơm uống rượu lá trúc, nếm thử mùi vị của cá chính mình câu, càng cảm thấy ngon miệng vô cùng. Lúc này núi xanh bốn phía đã chìm khuất vào bóng đêm, Triệu Cấu ngồi dựa bên gốc cây tùng trong sân, nương vào ánh lửa mong manh ngắm nhìn Nhu Phúc đối diện đang duyên dáng mỉm cười. Ngọn lửa kia rơi vào đáy mắt nàng, khiến y nhớ lại ánh mắt Nhu Phúc nhìn mình trong buổi lễ cập kê hôm ấy.
Sau khi ăn cơm quay về thuyền, Triệu Cấu muốn bảo thuyền phu đưa bọn họ quay về, song lại bị Nhu Phúc ngăn lại, nói: “Chúng ta sắp phải quay về Việt Châu rồi, ngẫm ra những tháng ngày thanh nhàn như hôm nay sẽ chẳng có nhiều nữa, vì sao nhất định phải vội vã quay về dịch quán? Không bằng chúng ta ở lại con thuyền này, nghe gió thưởng trăng, qua đêm nay hẵng quay về.”
Thuyền phu cũng nói: “Chủ ý này của cô nương không tồi. Giờ thời tiết nóng nực, ban đêm nghỉ trên mặt nước là dễ ngủ nhất. Tôi có thể chuẩn bị chăn nệm cho hai người, cửa và cửa sổ trên khoang thuyền đều có thể khóa, khu vực xung quanh đây cũng rất yên bình, không cần phải lo lắng về vấn đề an toàn.”
Nếu như đi cùng đổi thành người khác, Triệu Cấu chắc chắn sẽ không đồng ý việc ở lại bên ngoài mà không có hộ vệ đi theo, thế nhưng lúc này là Nhu Phúc đi cùng, y vốn đã cảm thấy mỗi thời khắc ở riêng cùng nàng trân quý vô ngần, huống chi thân phận của bọn họ còn được xóa nhòa, y lại càng thêm lưu luyến những lúc như thế này, lại không chống cự nổi sự nài nỉ của nàng, cuối cùng đành gật đầu đồng ý.