Được một thời gian, tin đồn bổ sung rằng gã Tubriwallah ấy cao ngoài hai thước, da xanh lơ. Gã là thần Krishna giáng hạ để trừng phạt con dân của người; gã là đức Jesus màu thiên thanh của các nhà truyền giáo.
[1] Tên một nhân vật truyền kỳ ở Đức, người dùng tiếng sáo để dụ đàn chuột khỏi thi trấn Hamelin. Sau khi không được trả công như cam kết, anh ta dùng chính tiếng sáo này để dụ trẻ con trong thị trấn bỏ đi.
Hình như, dưới tác động của sự ra đời bị đánh tráo của tôi, trong khi tôi to lên với tốc độ chóng mặt, mọi thứ có thể sinh chuyện bắt đầu sinh chuyện. Trong mùa đông của loài rắn đầu năm 1948, trong mùa nóng và mùa mưa tiếp nối, sự kiện chất chồng sự kiện, cho nên đến khi con Khỉ Đồng ra đời vào tháng Chín chúng tôi đều kiệt sức, và sẵn sàng để nghỉ ngơi vài năm.
Lũ hổ mang trốn thoát biến mất vào hệ thống cống rãnh của thành phố; cạp nong xuất hiện trên xe buýt. Các lãnh tụ tôn giáo mô tả việc đàn rắn trốn thoát như một lời cảnh báo – rắn thần Naga đã được phóng thích, họ ngân nga, để trừng phạt việc đất nước này công khai từ bỏ những thần linh của nó.
(“Chúng ta là một Quốc gia thế tục,” Nehru tuyên bố, và cả Morarji lẫn Patel lẫn Menon đều tán thành; song Ahmed Sinai vẫn run bần bật dưới tác động của vụ đóng băng.)
Và một ngày, khi Mary bắt đầu hỏi “Giờ ta sẽ sống ra sao, thưa Bà?” Homi Catrack giới thiệu chúng tôi với chính Bác sĩ Schaapsteker. Ông ta tám mốt tuổi; lưỡi thò ra thụt vào liên hồi giữa cặp môi mỏng dính, và sẵn sàng trả tiền mặt thuê một căn hộ tầng trên cùng nhìn ra biển Ả Rập. Ahmed Sinai, trong những ngày ấy, đã nằm liệt giường, cái lạnh buốt giá của vụ đóng băng thấm đẫm giường chiếu ông, ông nốc từng lượng lớn whisky cho mục đích điều trị nhưng nó không thể làm ông ấm lên… thế nên chính Amina đã đồng ý cho ông bác-sĩ-rắn già thuê tầng trên cùng Biệt thự Buckingham. Vào cuối tháng Hai, nọc rắn bước vào cuộc đời chúng tôi.
Bác sĩ Schaapsteker là một người khơi dậy những câu chuyện hoang đường. Những người giúp việc mê tín hơn ở Viện nghiên cứu của ông thề rằng ông có khả năng hằng đêm mơ thấy bị rắn cắn, và nhờ vậy luôn miễn nhiễm trước những cú cắn của chúng. Mấy người khác rỉ tai nhau rằng ông chính là nửa người nửa rắn, kết quả của một cuộc hôn phối phi tự nhiên giữa một người đàn bà và một con rắn hổ mang. Nỗi ám ảnh của ông với nọc độc của rắn cạp nong – bungarus fasciatus – đã sớm thành huyền thoại.
Nhân loại chưa biết tới loại huyết thanh kháng độc nào cho cú cắn của rắn bungarus: nhưng Schaapsteker đã dành trọn đời đi tìm nó. Mua những con ngựa suy nhược từ tàu ngựa Catrack (và những tàu khác), ông tiêm vào chúng từng liều nhỏ nọc độc; nhưng lũ ngựa, chẳng giúp ích gì, không hình thành được kháng thể, sùi bọt mép, chết đứng và buộc phải đem nấu thành cao.
Người ta bảo rằng Bác sĩ Schaapsteker – “Sharpsticker[2] sahib” – giờ đây đã có năng lực hạ sát lũ ngựa chỉ đơn giản bằng cách lại gần chúng với một ống tiêm dưới da… nhưng Amina không để tâm đến mấy chuyện tầm phào ấy.
“Đấy là một ông già lịch lãm,” bà bảo Mary Pereira.
“Việc gì phải bận tâm đến những kẻ đơm đặt về ông ấy? Ông ấy trả tiền nhà, và cho phép nhà ta sống.” Amina biết ơn ông bác-sĩ-rắn người Âu, đặc biệt là khi vào những ngày tháng tài sản bị đóng băng, khi Ahmed dương như không có dũng khí để chiến đấu.
[2] Tên Schaapsteker (tiếng Đức) phát âm khá giống với Sharp-stick-er, hiểu nôm na là người có cây gậy nhọn, ám chỉ việc Bác sĩ Schaapsteker dùng kim tiêm để tiêm nọc rắn vào lũ ngựa.
“Cha mẹ kính yêu,” Amina viết.
“Thề có quỷ thần hai vai, con không hiểu vì sao những chuyện này lại đổ xuống đầu chúng con… Ahmed là một người đàn ông tốt, nhưng tai biến này đã đánh quỵ anh ấy. Nếu cha mẹ có lời khuyên cho con gái mình, thì con trẻ đang rất cần đến nó.”
Ba ngày sau khi nhận bức thư này, Aadam Aziz và Mẹ Bề trên tới Nhà ga Trung tâm Bombay trên chuyến tàu Frontier Mail; và Amina, lái xe đưa họ về trên chiếc 1946 Rover của nhà tôi, nhìn qua cửa sổ thấy Trường đua Mahalaxmi; và nảy ra mầm mống đầu tiên cho ý tưởng táo tợn của bà.
“Thứ trang trí tân thời này với bọn trẻ như anh chị thì được, cái-gì-không-biết,” Mẹ Bề trên nói.
“Nhưng cho tôi một cái tràng kỷ kiểu cũ để tôi ngồi. Cái thứ ghế này mềm quá thể, cái-gì-không-biết, làm tôi thấy như sắp ngã.”
“Nó ốm à?” Aadam Aziz hỏi. “Bố khám và kê đơn cho nó nhé ?”
“Giờ không phải lúc núp trên giường,” Mẹ Bề trên tuyên bố, “Giờ nó phải là một thằng đàn ông, cái-gì-không-biết, và làm nhiệm vụ của đàn ông.”
“Khí sắc bố mẹ tốt quá,” Amina thốt lên, thầm nghĩ bố bà đang trở thành một ông lão hình như mỗi năm qua đi lại một thấp hơn; trong khi Mẹ Bề trên đã rộng ra đến mức những cái ghế bành, dẫu mềm, cũng phải rên lên dưới sức nặng của bà… và đôi khi, trong một ảo ảnh của ánh sáng, Amina ngỡ như mình thấy, ở chính giữa người cha bà, một quầng tối giống như một cái lỗ.
“Còn gì ở cái đất Ấn Độ này?” Mẹ Bề trên nói, vung tay chém gió.
“Thôi, bỏ hết đi, sang Pakistan mà sống. Nhìn thằng Zulfìkar xem nó ăn nên làm ra thế nào – nó sẽ giúp mày khởi nghiệp. Hãy làm một thằng đàn ông, con ạ – đứng dậy và bắt đầu lại!”
“Anh ấy không muốn nói gì lúc này,” Amina nói, “anh ấy cần nghỉ ngơi.”
“Nghỉ ngơi?” Aadam Aziz gầm lên. “Nó đúng là ngữ èo uột!”
“Cả Alia, cái-gì-không-biết,” Mẹ Bề trên nói, “một thân một mình, sang Pakistan – cả nó cũng đang có cuộc sống đàng hoàng, dạy học ở một trường tử tế. Họ bảo nó sẽ thành hiệu trưởng sớm thôi.”
“Suỵt, mẹ, anh ấy muốn ngủ… ta sang phòng bên đã…”
“Có lúc để ngủ, cái-gì-không-biết, và cũng có lúc phải thức! Nghe này: Mustapha đang kiếm được hàng mấy trăm đồng một tháng, cái-gì-không-biết, trong Ngạch Công chức. Chồng mày là gì? Oách quá không cần làm việc à?”
“Mẹ, anh ấy đang buồn bực. Thân nhiệt anh ấy thấp lắm…”
“Mày cho nó ăn những gì? Kể từ hôm nay, cái-gì-không-biết tao sẽ quản chuyện bếp núc nhà mày. Thanh niên bây giờ như con nít ấy, cái-gì-không-biết!”
“Xin theo ý mẹ.”
“Tao nói mày nghe, cái-gì-không-biết, tại mấy bức ảnh trên báo cả. Tao đã bảo – phải không? – cái đó rồi chẳng hay ho gì đâu. Ảnh nó lấy mất hồn vía của mày. Trời ạ, cái-gì-không-biết, lúc tao xem ảnh mà mày đã trong suốt đến mức tao thấy cả chữ ở mặt kia hằn xuyên qua mặt mày!”
“Nhưng đấy chỉ là…”
“Thôi đừng có trình bày với tao, cái-gì-không-biết! Tao tạ ơn Chúa là mày đã hồi phục sau cái vụ chụp ảnh ấy!”
Từ hôm đó, Amina được giải phóng khỏi cái nhiệm vụ cấp bách là điều hành gia đình. Mẹ Bề trên ngồi ở đầu bàn, phân phát thức ăn (Amina mang đồ ăn lên cho Ahmed đang nằm trên giường, thỉnh thoảng rên rẩm. “Tan tành, mình ơi! Vỡ vụn – như một trụ băng!”).
Trong khi, dưới bếp, Mary dành thời gian chuẩn bị, để khoản đãi các vị khách, một vài món xoài dầm, chutney chanh và kasaundy dưa chuột hảo hạng và thanh tao nhất trên đời. Và giờ, được trả về vị thế con gái trong nhà của chính mình, Amina bắt đầu thấy cảm xúc từ thức ăn của người khác rỉ vào bà – bởi Mẹ Bề trên phân phát món cà ri và thịt viên của sự bảo thủ, những món ăn thấm đẫm cá tính người nấu; Amina ăn cá salan của sự ương ngạnh và biriani[3] của lòng quyết tâm.
Và, mặc dù những món rau quả dầm của Mary có hiệu ứng trung hòa phần nào – vì cô đá khuấy vào đó cảm giác tội lỗi trong tim minh, và nỗi sợ bị phát giác, cho nên, thơm ngon như vậy, chúng có sức mạnh biến người ăn thành nạn nhân của những nỗi thấp thỏm không tên và những giấc mơ về những ngón tay kết tội – khẩu phần do Mẹ Bề trên cung cấp lấp đầy Amina với một niềm phẫn nộ, và thậm chí mang lại đôi chút dấu hiệu của sự cải thiện ở ông chồng bại tướng của bà.
Vậy là cuối cùng đã đến cái ngày Amina, trước giờ vẫn nhìn tôi vụng về chơi với lũ ngựa đồ chơi bằng gỗ đàn hương trong bồn tắm, vẫn hít vào cái mùi ngọt ngào của gỗ đàn hương từ nước tắm tỏa ra, đột nhiên tái phát hiện trong bà dòng máu phiêu lưu thừa kế từ người cha đang nhạt nhòa đi, dòng máu đã đưa Aadam Aziz rời bỏ vùng quê thung lũng trên núi; Amina quay sang Mary Pereira mà bảo, “Đủ lắm rồi. Nếu không ai trong cái nhà này đứng ra thu xếp mọi việc cho ổn thỏa thì tôi sẽ tự lo!”
[3] Một thứ cơm trộn nhiều gia vị ăn kèm với thịt hoặc rau.
Bầy ngựa đồ chơi phi nước đại đằng sau đôi mắt Amina khi bà để Mary lau người cho tôi và tiến về phòng mình. Những hình ảnh bà ghi nhớ vể Trường đua Mahalaxmi chạy nước kiệu nhanh trong đầu bà khi bà gạt mớ sari và váy lót sang tên. Cơn rạo rực của một âm mưu táo tợn làm máu dồn lên má bà khi bà mở nắp một cái thùng tôn cũ… nhét đầy ví tiền xu và tiền giấy của những bệnh nhân biết ơn và khách mời đám cưới, mẹ tôi đi tới trường đua.
Với con Khỉ Đồng đang lớn dần trong bụng, mẹ tôi hiên ngang tiến vào bãi giữ ngựa của trường đua mang tên vị nữ thần tài lộc; dũng cảm chịu đựng những cơn nghén và chứng phù nề, bà đứng xếp hàng trước cửa sổ nhà Tote[4], đặt tiền vào những kèo xiên ba ngựa[5] và kèo ngoài bảng ăn to[6].
Mù tịt những điều cơ bản nhất về ngựa, bà bắt những con ngựa cái có tiếng là không có cửa thắng khi đua đường trường; bà đặt tiền vào những dô kề vì thích nụ cười của họ. Nắm chặt cái ví đựng đầy những của hồi môn đã nằm yên trong rương không ai đụng đến từ khi mẹ bà gói ghém chúng lại, bà điên cuồng vỗ tay cổ vũ những con ngựa đực có bề ngoài phù hợp với Viện Schaapsteker… và thắng, và thắng, và thắng.
[4] Một tòa nhà trong trường đua Mahalaxmi, nơi nhận đặt cửa và thanh toán tiền thắng đua ngựa. The Tote là một công ty cá cược lớn của Anh thành lập năm 1926 và được sự bảo trợ của chính phủ.
[5] Người đánh cá chỉ thắng nếu ba con ngựa họ chọn ở ba vòng đua đều thắng.
[6] Những con ngựa được đánh giá là rất ít cơ hội chiến thắng, do vậy nên tỉ lệ đánh cá rất cao.
“Tốt đấy,” Ismail Ibrahim nói.
“Tôi luôn cho rằng anh chị phải chiến đấu với bọn khốn nạn ấy. Tôi sẽ bắt đầu thủ tục ngay… nhưng sẽ cần tiền đấy, Amina. Chị có tiền mặt không?”
“Tiền sẽ sẵn sàng cho anh.”
“Không phải cho tôi,” Ismail giải thích.
“Dịch vụ của tôi là, như tôi nói, miễn phí, gratis hoàn toàn. Nhưng, nói chị bỏ quá, chắc chị cũng biết cái lệ nó thế, ta phải có tí quà cáp cho người ta để bôi trơn…”
“Đây,” Amina đưa ra một cái phong bì, “Trước mắt thế này đủ chưa?”
“Lạy Chúa,” Ismail Ibrahim kinh ngạc đánh rơi cái gói, và những đồng rupee mệnh giá lớn vung vãi khắp sàn phòng khách của ông ta.
“Chị kiếm ở đâu ra…”
Và Amina, “Tốt hơn anh đừng hỏi – còn tôi sẽ không hỏi anh tiêu thế nào.”
Tiền của Schaapsteker trả tiền ăn cho nhà tôi; nhưng lũ ngựa mới chiến đấu cuộc chiến của chúng tôi. Chuỗi vận may của mẹ tôi trên đường đua rất dài, một vỉa lộc rất dày, đến nỗi nếu nó không xảy ra trên thực tế thì chắc chẳng ai tin nổi… tháng này qua tháng khác, bà đặt cửa vào kiểu tóc chỉn chu ưa nhìn của một tay dô kề hoặc màu lông khoang đẹp đẽ của một con ngựa; và bà không bao giờ rời đường đua mà thiếu một chiếc phong bì lớn nhét đầy tiền.
“Mọi chuyện tiến triển tốt,” Ismail Ibrahim bảo bà.
“Nhưng chị Amina, có Chúa mới biết chị đang tính chuyện gì. Có đàng hoàng không? Có hợp pháp không?”
Và Amina: “Anh đừng bận tâm. Ta phải học cách sống chung với lũ thôi. Tôi đang làm chuyện cần phải làm.”
Suốt thời gian đó chưa một lần nào mẹ tôi thích thú với những chiến thắng oanh liệt ấy; bởi vì bà không chỉ bị cái thai đè nặng – ăn những món cà ri tràn ngập những định kiến xa xưa của Mẹ Bề trên, bà đã bị thuyết phục rằng đánh bạc là thứ xấu xa thứ nhì trên đời, chỉ sau rượu chè; bởi vậy, dù không phải tội phạm, bà vẫn bị cảm giác tội lỗi giày vò.
Mụn cóc hành hạ hai bàn chân bà, mặc dù Purushottam vị sadhu, người ngồi dưới vòi nước vườn nhà tôi đến khi nước nhỏ xuống tạo thành một mảng hói giữa mái tóc sum suê rối bù trên đầu ông cụ, là một bậc kỳ tài trong việc làm phép xua chúng đi; nhưng suốt mùa đông rắn và mùa nóng, mẹ tôi đã chiến đấu cuộc chiến của chồng mình.
Quý vị hỏi: làm sao thế được? Làm sao một bà nội trợ, dù cần mẫn đến đâu, dù quyết tâm thế nào, thắng hàng gia tài nhờ cá ngựa, ngày đua này qua ngày đua khác, tháng này qua tháng khác?
Quý vị tự nhủ: à há, tay Homi Catrack ấy, ông ta là chủ ngựa đua; và ai cũng biết phần lớn các cuộc đua được dàn xếp; Amina chắc đã nhờ ông hàng xóm mách nước! Một giả thiết hợp lý; song Ngài Catrack thua cũng thường xuyên như thắng; ông ta thấy mẹ tôi tại trường đua và choáng váng trước thành công của bà. (“Xin anh,” Amina đề nghị, “Catrack Sahib, hãy xem đây là bí mật của hai ta. Cờ bạc là chuyện xấu xa; nếu mẹ tôi mà phát hiện ra thì xấu hổ lắm.” Và Catrack, gật đầu trong sửng sốt, đáp, “Sẽ như chị muốn.”)
Vậy là không phải tay người Parsee đứng sau vụ này – nhưng có lẽ tôi có thể đưa ra một lời giải thích khác. Nó đây, trong cái cũi màu thiên thanh trong căn phòng màu thiên thanh với ngón tay đang chỉ của người ngư phủ trên tường: đây, mỗi khi mẹ cậu ra đi tay nắm chặt chiếc ví đựng đầy bí mật, là Bé Saleem, người đã có được vẻ mặt tập trung cao độ nhất, có đôi mắt bị chiếm hữu bởi một sự đơn nhất về mục đích có sức mạnh lớn lao đến nỗi nó làm chúng tối lại thành màu xanh hải quân sẫm, và có cái mũi co giật một cách kỳ lạ mỗi khi cậu bé có vẻ như đang dõi theo một sự kiện xa xôi nào đó, đang điều khiển nó từ xa, như mặt trăng kiểm soát thủy triều.
“Sắp lên tòa rồi,” Ismail Ibrahim nói, “tôi nghĩ chị có thể tương đối yên tâm… lạy Chúa, Amina, chị tìm thấy Mỏ vàng của Vua Solomon đấy à?”
Khi vừa đủ lớn để chơi cờ[7], tôi đã say mê trò Rắn và Thang. Ôi sự cân bằng hoàn hảo giữa phần thưởng và hình phạt! Ôi những lựa chọn tưởng chừng ngẫu nhiên bằng cách quăng súc sắc! Lóng ngóng trèo thang, tuồn tuột trườn rắn, tôi đã sống những ngày hạnh phúc nhất đời mình. Khi, trong thời gian thử thách của tôi, cha tôi thách thức tôi nắm vững trò shatranj, tôi làm ông nổi cáu bằng cách đưa ra đề xuất mời ông thay vào đó hãy thử vận may của mình giữa những cái thang và bầy rắn đang chực táp.
[7] Nguyên văn: board games, những trò chơi có bàn cờ (cờ tướng, cờ vua, cá ngựa, v.v…).
Mọi trò chơi đều có đạo lý, và trò Rắn và Thang chứa đựng, điều không trò chơi nào khác có thể mong làm được, sự thật vĩnh hằng là với mỗi cái thang ta trèo, lại có một con rắn đang chực chờ sau góc khuất. Và với mỗi con rắn, một cái thang sẽ bù đắp lại. Nhưng không chỉ có vậy; không chỉ là câu chuyện củ cà rốt và cây gậy đơn thuần; bởi ẩn chứa trong trò chơi này là tính hai mặt bất biến của vạn vật, tính nhị nguyên của lên và xuống, thiện và ác; lý tính rành mạch của những cái thang cân bằng với sự ngoằn ngoèo bí hiểm của quái xà; trong sự mâu thuẫn giữa cầu thang và hổ mang ta có thể thấy, một cách ẩn dụ, mọi mâu thuẫn có thể tồn tại, Alpha và Omega, cha và mẹ; đây là cuộc chiến của Mary và Musa, và sự đối lập giữa đầu gối và mũi…
Song tôi đã phát hiện ra, từ rất sớm trong đời, rằng trò chơi này chiếu một khía cạnh cốt yếu, khía cạnh của sự mơ hồ – bởi vì, như những sự kiện sắp sửa cho thấy, ta hoàn toàn có thể trượt xuống một cái thang và leo lên vinh quang nhờ nọc một con rắn… Tuy nhiên trước mắt, để cho mọi chuyện được đơn giản, tôi chỉ ghi lại rằng ngay khi phát hiện ra cái thang dẫn tới chiến thắng thể hiện qua may mắn tại trường đua của bà, mẹ tôi lập tức được nhắc nhở rằng cống rãnh của đất nước này vẫn lúc nhúc đầy những rắn.
Hanif em trai Amina không sang Pakistan. Đeo đuổi giấc mơ thời thơ ấu mà anh từng thì thầm với Rashid cậu trai chạy xe kéo trong một ruộng ngô ở Agra, anh đến Bombay tìm việc làm ở những xưởng phim lớn. Với sự tự tin trước tuổi, anh không chỉ thành công trong việc trở thành người trẻ nhất được giao đạo diễn một bộ phim trong lịch sử điện ảnh Ấn Độ; anh còn cưa và cưới được một trong những ngôi sao sáng nhất của cái thiên đường celluloid[8], nàng Pia thần nữ, mà gương mặt chính là hạnh vận của nàng, và những tấm sari nàng mặc được dệt từ thứ vải rõ ràng là được những người thiết kế làm ra nhằm chứng minh rằng hoàn toàn có thể tích hợp mọi màu sắc nhân loại biết tới lên một mẫu hoa văn duy nhất.
Mẹ Bề trên không chấp thuận nàng Pia thần nữ; nhưng cả nhà tôi riêng có Hanif là nằm ngoài vòng kiềm tỏa của bà; một chàng trai vui tươi, vạm vỡ với tiếng cười vang rền của lão lái đò Tai và cơn giận hồn nhiên, bùng nổ của cha mình Aadam Aziz, anh đưa nàng về sống giản dị trong một căn hộ nhỏ, không hào nhoáng theo kiểu Bollywood trên đường Marine Drive, bảo nàng.
“Tha hồ sống như Hoàng đế khi anh đã thành danh.” Nàng ưng thuận; nàng là ngôi sao trong bộ phim đầu tay của anh, có một phần vốn của Homi Catrack và phần còn lại là của D.W. Rama Studios (Pvt) Ltd – có tên là Đôi tình nhân Kashmir, và một buổi tối giữa những ngày tháng đua ngựa của bà, Amina Sinai tới dự buổi khởi chiếu. Cha mẹ bà không tới, vì sự thù ghét điện ảnh của Mẹ Bề trên, điều giờ đây Aadam Aziz không còn sức lực để phản kháng – cũng như ông, người từng chiến đấu cùng Mian Abdullah chống lại Pakistan, đã không còn tranh luận với bà khi bà tán tụng quốc gia này, giữ lại vừa đủ sức lực để khăng khăng một mực không chịu di cư.
Nhưng Ahmed Sinai, được hồi sinh nhờ tài nấu nướng của mẹ vợ, nhưng chán ghét sự tiếp tục hiện diện của bà, trở dậy và tháp tùng vợ mình. Họ yên vị, cạnh Hanif, Pia và ngôi sao nam của bộ phim, một trong những “tình lang” thành công nhất của điện ảnh Ấn Độ, I.S. Nayyar. Và, dù họ không hay biết, một con rắn đã đợi sau cánh gà… nhưng trước mắt, ta hãy cho phép Hanif Aziz có thời khắc thăng hoa của mình; vì Đôi tình nhân Kashmir chứa đựng một ý tưởng sẽ mang đến cho cậu tôi một thời kỳ vinh quang huy hoàng, tuy rằng ngắn ngủi. Hồi ấy các tình lang và tình nương của họ không được phép đụng chạm nhau trên màn bạc, vì quan ngại những nụ hôn nồng nàn giữa họ có thể làm băng hoại thế hệ trẻ của đất nước… nhưng ba mươi ba phút sau khi Đôi tình nhân diễn ra, một tiếng rì rầm choáng ngợp bắt đầu nổi lên trong khán giả buổi mở màn, bởi vì Pia và Nayyar bắt đầu hôn – không hôn nhau – mà hôn các thứ.
[8] Chất liệu làm phim nhựa 35mm.
Pia hôn một trái táo, đầy mê đắm, với toàn bộ sự căng đầy của đôi môi tô son; rồi chuyển nó cho Nayyar; anh chàng đặt, lên mặt kia của nó, một cái miệng nồng nàn sinh lực. Đây là sự ra đời của cái sẽ được biết đến với cái tên nụ hôn gián tiếp – và đây quả là một ý tưởng tinh tế hơn nhiều so với bất kỳ điều gì trong nền điện ảnh đương đại của chúng ta; thật đầy ắp khát khao và nhục cảm!
Khán giả điện ảnh (những người, ngày nay, sẽ hưởng ứng rầm rĩ cảnh một đôi tình nhân trẻ nhao vào sau một bụi cây sau đó sẽ rung lắc một cách kỳ cục – khả năng ám chỉ của chúng ta đã tụt xuống mới thấp làm sao) xem, dán mắt vào màn ảnh, trong khi tình yêu của Pia và Nayyar, trên cái nền là Hồ Dal và bầu trời xanh băng giá xứ Kashmir, tự biểu lộ qua những nụ hôn đặt lên những tách hồng trà Kashmir.
Bên đài phun nước Shalimar họ áp môi vào một lưỡi gươm… nhưng giờ, giữa thời khắc đỉnh cao vinh quang của Hanif, con độc xà từ chối chờ đợi; dưới tác động của nó, đèn khán phòng bật sáng. Trên hình dáng to hơn người thật của Pia và Nyayar, đang hôn những trái xoài và hát nhép theo băng, hình dáng một người đàn ông rụt rè, râu ria lơ phơ xuất hiện, hùng dũng tiến lên sân khấu bên dưới màn hình, micro trên tay. Con Độc xà có thể mang những hình hài không ai ngờ nhất; giờ đây, trong lốt viên quản lý rạp phim kém năng lực này, nó phóng ra nọc độc của mình.
Pia và Nayyar nhạt dần rồi câm lặng; và giọng nói được khuếch đại của người đàn ông có râu thốt lên: “Thưa quý bà quý ông, xin thứ lỗi; nhưng có một tin dữ.”
Giọng ông ta vỡ òa – một tiếng nức nở của con Độc xà, để dồn sức mạnh vào hàm răng! – rồi tiếp tục, “Chiều nay, tại Nhà Birla ở Delhi, Mahatma kính yêu của chúng ta đã bị sát hại. Một tên điên đã bắn vào bụng người, thưa quý bà quý ông – Bapu của chúng ta không còn nữa!”
Khán giả bắt đầu gào khóc trước khi ông ta ngừng lời; nọc độc từ những lời ông ta nói xâm nhập vào huyết quản họ – có những người đàn ông trưởng thành lăn lộn trên lối đi, tay ôm bụng, không cười mà khóc, Hai Ram! Hai Ram! – và đàn bà bứt tóc: những kiểu đầu đẹp đẽ nhất thành phố xổ tung quanh tai những quý bà trúng độc – những minh tinh màn bạc gào rú như những mụ đánh cá và không khí xuất hiện một mùi kinh khủng – rổi Hanif thì thầm, “Ra khỏi đây thôi, chị gái – nếu một gã người Hồi làm điều này thì cái giá phải trả sẽ là địa ngục.”
Với mỗi cái thang, lại có một con rắn… và suốt bốn mươi tám giờ sau cái kết dở dang của Đôi tình nhân xứ Kashmir, gia đình tôi ở yên sau những bức tường của Biệt thự Buckingham (“Chặn bàn ghế vào cửa, cái-gì-không-biết!” Mẹ Bề trên ra lệnh. “Nếu nhà có người hầu Hindu, cho họ về!”); và Amina không dám đến trường đua.
Nhưng với mỗi con rắn, lại có một cái thang: và cuối cùng đài phát thanh cho chúng tôi một cái tên. Nathuram Godse.
“Ơn Trời,” Amina bật ra, “Tên đấy không phải của người Hồi!”
Và Aadam, người mà tin tức về cái chết của Gandhi đã đặt lên một gánh nặng tuổi tác mới: “Gã Godse này chẳng có gì đáng biết ơn hết!”
Amina, dù vậy, đang ngập tràn cảm giác bồng bềnh của niềm nhẹ nhõm, bà đang ngất ngây chạy trên chiếc thang dài của niềm nhẹ nhõm… “Nói cho cùng, sao lại không? Bằng việc là Godse gã đã cứu mạng chúng ta!”
Ahmed Sinai, sau khi trở dậy từ cái có vẻ là giường bệnh của mình, tiếp tục xử sự như một người tàn phế. Bằng một giọng nói như kính mờ, ông bảo Amina, “Vậy là mình đã bảo Ismail đưa vụ việc ra tòa; hay lắm, tốt; nhưng chúng ta sẽ thua thôi. Ở những tòa án này phải mua được quan tòa…”
Và Amina, lao đến Ismail, “Không bao giờ – không bao giờ trong bất kỳ hoàn cảnh nào – anh được cho Ahmed biết vế chuyện tiền nong. Một người đàn ông phải giữ sự tự tôn của mình.”
Và rồi, sau đó, “Không, janum, em không đi đâu cả; không, đứa bé không làm em mệt gì hết; mình nghỉ đi, em phải đi chợ – chắc em sẽ tạt qua thăm Hanif – đàn bà bọn em, mình biết đấy, phải có việc làm cho hết ngày!”
Và trở về nhà với những chiếc phong bì đầy ắp giấy bạc… “Cầm đi, Ismail, giờ ông ấy dậy rồi ta phải nhanh và cẩn thận!”
Và ngồi ngoan ngoãn bên mẹ bà mỗi tối, “Vâng, tất nhiên là mẹ đúng, và Ahmed sẽ sớm trở nên giàu có, rồi mẹ xem!”
Và những lần trì hoãn liên miên tại tòa; và những chiếc phong bì, dốc sạch; và đứa trẻ lớn dần, tiến đến gần thời điểm Amina sẽ không thể nhét người vào sau tay lái chiếc 1946 Rover nữa; và bà còn hên nữa không?; và Musa và Mary, hục hặc như hai con cọp già.
Điều gì khơi mào cuộc chiến?
Tàn dư gì của tội lỗi sợ hãi hổ thẹn, được thời gian ngâm trong ruột Mary, đã khiến cô chủ ý? Không chủ ý? khiêu khích ông lão giúp việc bằng cả chục cách khác nhau – bằng một cái hếch mũi để biểu thị vị thế bề trên; bằng việc hăm hở lần tràng hạt ngay trước mũi người tín đồ đạo Hồi sùng đạo; bằng việc chấp nhận danh hiệu mausi, mẹ nhỏ, do những người hầu khác tại Điền trang dành tặng, và bị Musa xem như sự đe dọa đối với vị trí của mình; bằng sự thân thiết quá đáng với Begum Sahiba – những tiếng thì thầm khúc khích nơi góc nhà, vừa đủ to để ông lão Musa nguyên tắc, cứng nhắc, chuẩn mực nghe được và cảm thấy như bị lừa gạt?
Hạt cát nhỏ bé nào, giữa biển khơi tuổi tác giờ đây đang tràn qua ông lão giúp việc, đã nằm lại giữa môi ông và tích tụ thành viên ngọc trai đen của sự thù hận – những cơn tê bại bất thường nào đã tác động lên Musa, khiến tay chân ông cứng đờ ra, khiến những cái bình bị vỡ, những gạt tàn bị đổ, và một lời ám chỉ mơ hồ về sự sa thải sắp đến – từ đôi môi vô tình hay cố ý của Mary? – lớn dần lên thành một nỗi sợ hãi ám ảnh rồi sẽ quay lại phản pháo người khơi dậy nó?
Và (không bỏ qua các nhân tố xã hội) đâu là cái hệ quả tàn nhẫn của thân phận người hầu, của căn phòng cho người hầu nằm sau một gian bếp ám đen khói lò, nơi Musa buộc phải ngủ cùng với thợ làm vườn, thằng bé sai vặt, và hamal – trong khi Mary đường hoàng ngủ trên tấm thảm cói cạnh đứa trẻ mới ra đời?
Và Mary có đáng trách hay không? Có phải việc cô không thể đi nhà thờ – vì ở nhà thờ có buồng xưng tội, mà trong buồng xưng tội người ta không thể giữ bí mật – đã lên men trong cô và khiến cô trở nên hơi gay gắt, hơi cay độc?
Hay chúng ta phải nhìn vượt ra khỏi phạm trù tâm lý học đi tìm câu trả lời trong những tuyên bố kiểu như, có một con rắn đang nằm chờ Mary, và kiếp số của Musa là phải biết đến sự mơ hồ của những cái thang? Hay xa hơn nữa, vượt ra khỏi chuyện rắn-và-thang, chúng ta có nên nhìn thấy Bàn tay của Vận mệnh trong sự cãi cọ này – và bảo rằng, để Musa có thể trở lại như một hồn ma bùng nổ, để ông lão có thể đảm nhiệm vai trò Bom-ở-Bombay, việc bài bố một cuộc ra đi là cần thiết…
Hay, trượt từ những điều cao siêu như thế xuống chỗ kỳ cục, có thể nào tại Ahmed Sinai – người bị whisky kích thích, người bị tửu tinh khích động đến chỗ thô lỗ thái quá – đã làm ông lão giúp việc nổi giận đến nỗi tội ác của ông, điều giúp ông san bằng kỷ lục của Mary, đã được thực hiện xuất phát từ lòng kiêu hãnh bị tổn thương của một người lão bộc bị lăng nhục – và hoàn toàn không liên quan gì đến Mary hết?
Ngừng đặt câu hỏi, tôi tự giới hạn mình trong khuôn khổ những thực tế: Musa và Mary thường trực trong tình trạng gầm ghè nhau. Và đúng: Ahmed đã lăng mạ ông, và những nỗ lực vỗ về của Amina có thể đã không thành công; và đúng: bóng ma lú lẫn của tuổi tác đã khiến ông tin rằng mình sẽ bị đuổi việc, không báo trước, bất cứ lúc nào; và thế rồi Amina tình cờ phát hiện ra, vào một sáng tháng Tám, rằng ngôi nhà đã bị trộm đột nhập.
Cảnh sát tới. Amina kê khai những đồ bị mất: một cái ống nhổ bằng bạc khảm lam ngọc; tiền vàng; ấm trà khảm đá quý và bộ đồ trà bằng bạc; những đồ vật trong một cái thùng tôn xanh. Đám người ở bị xếp hàng trong sảnh và hứng chịu sự đe dọa của thanh tra Johnny Vakeel.
“Xem nào, thú nhận đi” – ngọn dùi cui gõ nhẹ lên chân ông ta – “bằng không các ngươi sẽ thấy có gì bọn ta không thể làm với các ngươi. Các ngươi muốn đứng một chân cả ngày lẫn đêm chứ? Các ngươi muốn bị giội nước vào người, lúc thì nóng sôi, lúc lại lạnh cóng chứ? Bọn ta có rất nhiều phương pháp ở Sở Cảnh sát…”
Và giờ một tràng nhốn nháo từ đám người hầu, Không phải cháu, Thanh tra Sahib, cháu là đứa thật thà, vì lòng khoan dung, xin ngài cứ khám, sahib! Và Amina: “Thế này thì quá lắm, thưa ngài, ngài đi quá xa rồi. Mary của tôi tôi biết, gì thì gì, là người trong sạch. Tôi sẽ không để cô ấy bị xét hỏi đâu.”
Sự khó chịu bị kiềm chế của viên sĩ quan. Một cuộc khám xét tư trang được tiến hành – “Để đề phòng, thưa Bà. Bọn này trí thông minh có giới hạn – biết đâu bà lại phát hiện ra tên trộm sớm khiến thủ phạm không kịp tẩu thoát cùng tang vật!”
Cuộc khám xét thành công. Trong bó chăn của Musa ông lão giúp việc: một cái ống nhổ bạc. Cuộn trong dúm quần áo của ông: những đồng tiền vàng, một cái ấm trà bằng bạc. Giấu dưới cái giường charpoy: một bộ đồ trà bị mất.
Và giờ Musa sụp xuống chân Ahmed Sinai; Musa đang van vỉ, “Tha thứ cho con, sahib! Con quẫn trí; con nghĩ ông sắp quẳng con ra đường!” nhưng Ahmed Sinai không lắng nghe, cảm giác băng giá đang hành hạ ông.
“Ta thấy yếu quá,” ông nói, và rời khỏi phòng.
Còn Amina, choáng váng, hỏi: “Nhưng, Musa, sao ông lại thề độc như vậy?”
Bởi vì, trong quãng thời gian giữa lúc xếp hàng ở hành lang và những phát hiện tại nơi ở của những người hầu, Musa đã bảo ông chủ: “Không phải con, sahib. Con mà ăn cắp của ông, con sẽ phát bệnh hủi! Bộ da già của con sẽ lở loét!”
Amina, nét mặt đầy kinh hãi, chờ đợi câu trả lời của Musa. Khuôn mặt ông lão giúp việc méo lại thành một lớp mặt nạ giận dữ; từng chữ phun ra. “Begum Sahiba, tôi chỉ lấy những đồ quý của bà, còn bà, và sahib của bà, và bố ông ta, đã cướp đi cả đời tôi; rồi khi tôi già bà lại sỉ nhục tôi bằng những ả ayah Thiên Chúa giáo.”
Im lặng tràn ngập Biệt thự Buckingham – Amina từ chối buộc tội nhưng Musa đang bỏ đi. Bó chăn trên lưng, ông lão bưóc xuống cây cầu thang sắt xoắn ốc, khám phá ra rằng thang có thể đi xuống cũng như lên; ông xuống đồi bỏ đi, để lại một lời nguyền lên ngôi nhà.
Và (có phải chính bởi lời nguyền đó?) Mary Pereira sắp khám phá ra rằng kể cả khi thắng trận, kể cả khi những cây cầu thang vận hành có lợi cho ta, ta cũng không thể tránh khỏi con rắn.
Amina nói, “Tôi không thể kiếm thêm tiền cho anh, Ismail; như vậy chưa đủ sao?” Và Ismail, “Tôi hy vọng thế – nhưng ai biết được – chị có thể nào…?”
Nhưng Amina: “Vấn đề là, bây giờ tôi to quá rồi, không chui vào xe được nữa. Chỗ ấy buộc phải đủ thôi.”
Thời gian một lần nữa chậm lại đối với Amina; một lần nữa đôi mắt bà nhìn qua lớp kính thủy tinh chì, nơi những bông tulip đỏ, thân xanh, nhảy múa thật đều; lần thứ hai, ánh mắt bà lưu lại trên ngọn tháp đồng hồ đã không hoạt động từ mùa mưa năm 1947; một lần nữa, trời lại mưa. Mùa đua đã kết thúc.
Ngọn tháp đồng hồ màu xanh lợt: to bè, bong tróc, không hoạt động. Nó đứng trên lớp bê tông phủ nhựa đường ở cuối vòng xuyến – mái bằng của tầng trên cùng những ngôi nhà dọc đường Warden, dựa lưng vào ngọn đồi hai tầng của chúng tôi, thế nên nếu ta leo lên bức tường bao của Biệt thự Buckingham, lớp nhựa đường đen phẳng sẽ nằm dưới chân ta. Và dưới lớp nhựa đường đen, là trường mẫu giáo Breach Candy, mà từ đó, mỗi chiều trong học kỳ, đều vang lên tiếng nhạc réo rắt từ cây đàn dương cầm của Cô Harrison, chơi những điệu nhạc chẳng đổi thay của tuổi thơ.
Và bên dưới nữa, là những cửa hàng, Thiên Đường của Độc giả, hiệu kim hoàn Fatbhoy, hiệu đồ chơi Chimalker và cửa hàng bánh Bombelli, cửa sổ đầy những thanh Sô Cô La Dài Cả Mét. Cửa tháp đồng hồ vốn là phải khóa, nhưng đấy là một cái khóa rẻ tiền thuộc loại Nadir Khan hẳn sẽ nhận ra: sản xuất tại Ấn Độ.
Và ba tối liền ngay trước sinh nhật đầu tiên của tôi, Mary Pereira, đứng bên cửa sổ phòng tôi lúc về khuya, để ý thấy một bóng người lướt qua trên mái nhà, tay bưng những vật không ra hình thù gì; một cái bóng khiến trong cô tràn ngập một nỗi kính sợ không định hình được. Sau đêm thứ ba, cô nói với mẹ tôi, cảnh sát được gọi đến.
Và Thanh tra Vakeel trở lại Điền trang Methwold, cùng với một biệt đội những cảnh sát sừng sỏ – “toàn thiện xạ cả, Beguin Sahiba; bà cứ mặc bọn tôi giải quyết!” – những người, cải trang làm phu quét dọn, súng giấu trong lần áo rách, giám sát chặt chẽ tòa tháp đồng hồ trong lúc quét rác trong vòng xuyến.
Đêm xuống. Đằng sau những tắm rèm và mành sáo, các cư dân của Điền trang Methwold sợ sệt ngóng về phía tháp đồng hồ. Đám phu quét dọn, một cách kỳ cục, tiếp tục công việc trong bóng tối. Johnny Vakeel chiếm lĩnh một vị trí trên hiên nhà tôi, súng trường không để lộ… và, tới nửa đêm, một cái bóng leo lên bức tường bên của trường Breach Candy và tiến về ngọn tháp, vai lủng lẳng một cái túi…
“Phải để hắn vào,” Vakeel đã bảo Amina.
“Phải đảm bảo rằng ta bắt đúng đối tượng.” Đối tượng, nhẹ bước trên mái nhà rải nhựa đường, đến bên ngọn tháp; tiến vào.
“Thanh tra Sahib, ông còn chờ gì nữa?”
“Suỵt, Begum, đây là điệp vụ của cảnh sát; xin bà lui vào trong nhà. Chúng tôi sẽ tóm hắn khi hắn trở ra; bà cứ nhớ lời tôi. Bắt sống,” Vakeel nói với vẻ thỏa mãn, “như một con chuột sập bẫy.”
“Nhưng hắn là ai?”
“Ai biết được,” Vakeel nhún vai.
“Một gã badmaash là cái chắc. Thời nay quân bất lương nhan nhản khắp nơi.”
… Và rồi sự im lặng của màn đêm bị xé toạc bởi một tiếng thét duy nhất, tắc nghẹn. Ai đó lảo đảo dựa vào mặt trong cánh cửa của tháp đồng hồ, nó bị giật tung ra, một tiếng đổ sầm, và thứ gì đó chảy thành vệt trên nền nhựa đường đen. Thanh tra Vakeel chồm lên và ra tay, lia khẩu súng trường lên, bắn từ ngang hông hệt như John Wayne; đám phu quét dọn móc vũ khí của xạ thủ trong chổi ra và khai hỏa… tiếng rú phấn khích của phụ nữ, tiếng hét cùa người hầu… im lặng.
Thứ gì nằm đó, nửa nâu nửa đen, vằn vện và xoắn xuýt trên nền nhựa đường đen? Thứ gì, rỉ máu đen, kích động Bác sĩ Schaapsteker rít lên từ vọng lâu trên gác thượng: “Đồ đần độn! Anh em với gián! Con của lũ lại cái!”… thứ gì, lưỡi thò thụt, đã chết khi Vakeel lao lên mái nhà phủ nhựa đường?
Và trong cánh cửa tháp đồng hồ? Sức nặng nào, khi sụp xuống, đã gây ra tiếng đổ sầm vang dội nhường ấy? Tay ai đã giật tung cửa; gót chân ai hiện rõ hai lỗ đỏ, chảy máu, đầy ứ thứ nọc độc không có thuốc giải, thứ nọc đã giết chết từng tàu đầy lũ ngựa già nua? Thi thể ai được khiêng ra khỏi tháp bởi những người đàn ông mặc thường phục, không quan tài, với những phu quét dọn giả trang trong vai người hộ quan? Tại sao, khi ánh trăng rọi vào khuôn mặt xác chết, Mary Pereira lại ngã phịch như một tải khoai tây xuống sàn, mắt trợn trừng, trong một cơn ngất xỉu bất ngờ và đầy kịch tích?
Và xếp sát tường ở bên trong ngọn tháp đồng hồ: những máy móc kỳ lạ có gắn đồng hồ rẻ tiền này là gì – tại sao có nhiều chai lọ miệng nút đầy giẻ như thế?
“May mà bà gọi quân của tôi tới, Begum Sahiba,” Thanh tra Vakeel bảo.
“Đó là Joseph D’Costa – trong danh sách Truy nã Đặc biệt của tụi tôi. Săn hắn đâu cả năm nay rồi. Một gã badmaash cực kỳ tàn độc. Bà phải nhìn mấy bức tường trong tháp! Từng giá, chất đầy tận nóc toàn bom tự chế. Sức công phá đủ để thổi bay cả quả đồi này xuống biển!”
Mê lô chồng chất mê lô; cuộc đời bỗng có màu sắc của một phim chớp bóng Bombay; rắn tiếp bước thang, thang theo gót rắn; trong hoàn cảnh của quá nhiều tai biến như vậy, Bé Saleem ngã bệnh. Như thể không đủ sức tiêu hóa nhiều biến động đến thế, cậu nhắm mắt lại, đỏ và nóng rực lên. Trong khi Amina ngóng đợi kết quả vụ Ismail kiện Chính quyền Bang, trong khi con Khỉ Đồng lớn dần trong bụng bà, trong khi Mary lâm vào một trạng thái sốc mà cô sẽ chỉ hoàn toàn hồi phục khi hồn ma của Joseph tìm về ám cô, trong khi sợi dây rốn lơ lửng trong lọ ngâm và những món chutney của Mary làm giấc mơ của chúng tôi tràn ngập những ngón tay đang chỉ, trong khi Mẹ Bề trên điều hành gian bếp, ông ngoại khám bệnh cho tôi và nói: “Ta sợ rằng không có gì nghi ngờ nữa, thằng bé tội nghiệp bị thương hàn.”
“Lạy Chúa trên trời,” Mẹ Bề trên nấc lên, “Ma quỷ nào đã đến, cái-gì-không-biết, gieo tai ương xuống cái nhà này?”
Đây là những gì tôi được nghe về trận ốm suýt nữa đã chặn tôi lại trước khi tôi kịp bắt đầu: cả ngày lẫn đêm, vào cuối tháng Tám năm 1948, mẹ và ông ngoại trông nom tôi; Mary lê mình ra khỏi nỗi dằn vặt và đắp khăn lạnh lên trán tôi; Mẹ Bề trên hát ru và bón thức ăn cho tôi; ngay cả cha tôi, tạm thời quên mất tình trạng rối loạn của mình, cũng đứng cuống quýt bất lực trên ngưỡng cửa.
Nhưng khi đêm xuống, Bác sĩ Aziz, kiệt quệ như một con ngựa già, nói, “Ta đã làm hết khả năng rồi. Nó sẽ chết trước khi trời sáng.”
Và trong bối cảnh đám đàn bà khóc lóc và cơn đau đẻ vừa phát của mẹ tôi do bị kích thích trước sự đau khổ và cảnh bứt tóc của Mary Pereira, có tiếng gõ cửa; người hầu báo tên Bác sĩ Schaapsteker; người đưa cho ông tôi một cái chai nhỏ và nói, “Tôi không giấu giếm gì cả: thứ này hoặc chữa hoặc chết. Đúng hai giọt; rồi chờ xem.”
Ông tôi, ngồi ôm đầu giữa đống kiến thức y khoa đổ nát của mình, hỏi, “Cái gì đây?” Và Bác sĩ Schaapsteker, gần tám mươi hai tuổi, lưỡi thò thụt nơi khóe miệng: “Nọc độc hổ mang chúa pha loãng. Nó đã từng hiệu nghiệm.”
Rắn có thể dẫn đến vinh quang, cũng như thang có thể xuống dốc: ông tôi, biết đằng nào tôi cũng chết, cho tôi uống nọc rắn hổ. Cả gia đình đứng nhìn nọc độc lan khắp người đứa bé… và sáu tiếng sau, thân nhiệt của tôi trở lại bình thường. Từ đó, tốc độ lớn của tôi mất đi những đặc tính phi thường; nhưng cái mất đi được bù đắp bằng thứ khác: sinh mệnh, và một ý thức sớm về sự mơ hồ của loài rắn.
Trong khi thân nhiệt tôi hạ xuống, em gái tôi ra đời tại Nhà Hộ sinh của Bác sĩ Narlikar. Hôm đó là mồng 1 tháng Chín; và ca sinh nở bình yên, trôi chảy đến mức nó đi qua hầu như không ai chú ý tại Điền trang Methwold; bởi vì đúng ngày hôm đó Ismail Ibrahim tới thăm cha mẹ tôi ở bệnh viện và thông báo họ đã thắng kiện…
Trong khi Ismail ăn mừng, tôi bíu tay vào song cũi; trong khi ông ta kêu lên, “Đóng băng thế đủ rồi! Tài sản của anh lại là của anh! Theo lệnh của Tòa án Tối cao!”, tôi đỏ mặt tía tai rướn lên khỏi trọng lực. Và trong khi Ismail thông báo, vẻ thản nhiên, “Sinai bhai, nền pháp trị đã giành một chiến thắng vang dội,” và né tránh ánh mắt hân hoan đắc thắng của mẹ tôi, tôi, Bé Saleem, vừa tròn một tuổi, hai tuần và một ngày, nâng mình đứng thẳng trong cũi.
Những sự kiện của ngày hôm ấy có tác động kép: tôi lớn lên với đôi chân vòng kiềng không chữa được, bởi vì tôi đứng dậy quá sớm; còn con Khỉ Đồng (gọi vậy vì vạt tóc dày màu vàng đỏ của con bé, sẽ không sẫm lại tới khi nó lên chín) thì hiểu rằng, nếu muốn nhận được sự chú ý trong đời, nó sẽ phải gây rất nhiều náo động.