Padma đã quay về. Và, giờ khi tôi đã bình phục khỏi cơn ngộ độc và trở lại bàn làm việc, lại xoắn xuýt đến nỗi không yên lặng được. Hết lần này đến lần khác, bông sen trở lại của tôi dằn vặt bản thân, đấm bộ ngực nặng nề, rền rĩ đến rát họng. (Với tình trạng mong manh của tôi, kiểu này khá là mệt mỏi; nhưng tôi không trách gì cô cả.)
“Cứ tin em đi, thưa ông, rằng em quan tâm sức khỏe của ông biết mấy! Thật là những sinh vật kỳ lạ, đàn bà chúng em, không phút nào yên dạ được khi người đàn ông của mình ốm đau phiền muộn… Ông khỏe rồi là em mừng lắm, ông chẳng biết đâu!”
Câu chuyện của Padma (kể bằng chính lời cô, và đọc lại cho cô nghe để được phê duyệt bằng những đảo mắt, than vãn, đấm ngực): “Chỉ tại lòng kiêu hãnh và tự cao ngu dại của em, Saleem baba, xui khiến em rời bỏ ông, mặc dầu công việc ở đây rất tốt, và ông thì rất cần người chăm sóc! Nhưng chửa được bao lâu em đã nóng ruột muốn quay về.”
“Thế là em nghĩ, làm sao để trở lại với cái người sẽ chẳng yêu em mà chỉ ngồi viết nhăng viết cuội? (Tha lỗi cho em, Saleem baba, nhưng em phải nói thật. Và tình yêu, với đàn bà chúng em, là thứ lớn lao nhất.)”
“Thế là em đi tìm một ông thầy, ông ấy dạy em phải làm gì. Trong túi còn mấy đồng, em bắt xe buýt về quê để đào cây thuốc, có nó dương căn của ông sẽ có thể được đánh thức dậy… hãy tưởng tượng, thưa ông, em đã khấn những lời này: ‘Hỡi cây thuốc được Bò Mộng nhổ lên!’ Rồi em nghiền cây thuốc với nước với sữa và đọc, ‘Hỡi cây thuốc tráng dương ích khí! Được thần Varuna[1] sai Gandharva đào lên! Hãy cho ngài Saleem của ta sức mạnh. Nhiệt như Ngọn lửa của thần Indra. Như linh dương đực, hỡi cây thuốc, mi có mọi sức mạnh trên đời, mi có quyền năng của Indra, và sinh lực của thú hoang’.”
[1] Theo kinh Vệ Đà, Varuna là thần của bầu trời, của nước. Trong thần thoại Hindu, Varuna là thần nước, đặc biệt là các đại dương.
“Mang theo món thuốc này em trở về, thấy ông vẫn một mình như mọi khi và luôn chúi mũi vào viết lách. Nhưng lòng ghen tuông, em thề, em đã bỏ lại sau; nó lộ ra ngoài mặt và làm ta già đi. Ôi Chúa tha thứ cho em, em lặng lẽ bỏ thang thuốc vào thức ăn của ông!… Thế rồi, hai-hai, xin Thượng đế tha thứ cho con, nhưng con chỉ là một mụ đàn bà bình thường, nếu thầy pháp bảo vậy, làm sao con dám cãi?… Nhưng ít nhất thì bây giờ ông đã khá hơn, tạ ơn Chúa, và mong sao ông đừng giận.”
Dưới dược lực từ liều thuốc của Padma, tôi bị mê sảng một tuần liền. Đóa sen-phân của tôi (qua hàm răng nghiến chặt) thề rằng tôi cứng đờ như tấm ván, miệng sùi bọt mép. Tôi còn bị sốt. Trong cơn mê sảng tôi ú ớ về rắn; nhưng tôi biết Padma không phải xà tinh, và không bao giờ muốn hại tôi.
“Tình yêu, thưa ông,” Padma than thở, “nó làm đàn bà hóa điên.”
Tôi nhắc lại: tôi không trách Padma. Dưới chân dãy Tây San cô tìm kiếm cây thuốc tráng dương, mucuna pruritus và rễ cây feronia eleplantum; ai biết cô đã tìm thấy gì? Ai biết thứ gì, được nghiền với sữa và trộn với thức ăn của tôi, đã ném ruột gan tôi vào trạng thái “khuấy đảo” và từ đó, như mọi sinh viên môn vũ trụ học Hindu đều biết, Indra đã tạo ra vật chất, bằng cách khuấy món súp khởi nguyên trong thùng sữa vĩ đại của mình? Có hề gì. Đó là một nỗ lực cao quý; nhưng tôi đã vượt quá giới hạn có thể tái tạo – mụ Góa phụ đã kết liễu tôi. Kể cả cây mucuna thật cũng không thể đặt dấu chấm hết cho sự bất lực của tôi; feronia sẽ không thể nào khơi dậy được trong tôi “sinh lực của thú hoang”.
Dù vậy, một lần nữa tôi lại ngồi trước bàn; một lần nữa Padma ngồi dưới chân tôi, thúc giục tôi. Tôi lại cân bằng như trước – phần đế tam giác cân của tôi đã vững chãi. Tôi bay lượn trên đỉnh, trên hiện tại và tương lai, và cảm thấy mạch văn đã trở lại với ngòi bút của mình.
Một thứ ma thuật đã được thực thi; và hành trình đi tìm tình dược của Padma đã nối kết tôi trong chốc lát với thế giới của tri thức cổ xưa và học vấn của giới phù thủy mà ngày nay bị hầu hết chúng ta kinh rẻ; nhưng (bất chấp những cơn co thắt dạ dày và sốt và sùi bọt mép) tôi lấy làm mừng vì nó đã xâm nhập vào những ngày cuối cùng của tôi, bởi nghiền ngẫm nó cũng đồng nghĩa với việc tìm lại một chút ý niệm đã mất về tỉ lệ.
Nghĩ mà xem: lịch sử, trong phiên bản của tôi, bước sang một thời kỳ mới vào ngày 15 tháng Tám năm 1947 – nhưng theo một phiên bản khác, cái ngày không thể tránh khỏi ấy chỉ là một sát na không hơn trong Kỷ nguyên Tăm tối, Kali-Yuga, khi con bò của Pháp[2] chỉ còn đứng, chênh vênh, trên duy nhất một chân! Kali-Yuga, cú đổ thất bại trong trò xúc xắc của đất nước này; thời kỳ tồi tệ nhất; kỷ nguyên khi tài sản mang lại cho con người đẳng cấp, khi giàu sang tương đương với phẩm giá, khi dục vọng trở thành sự gắn kết duy nhất giữa đàn ông và đàn bà, khi dối trá đem lại sự thành công (có gì đáng ngạc nhiên khi, ở một thời kỳ như thế, tôi cũng lăn lộn giữa cái tốt và cái xấu?)…
Bắt đầu từ thứ Sáu, ngày 18 tháng Hai, năm 3102 trước Công nguyên; và chỉ kéo dài có 432.000 năm! Đã kịp thấy mình có phần bé mọn, tôi vẫn phải bổ sung rằng Kỷ nguyên Tăm tối chỉ là giai đoạn thứ tư của chu kỳ Maha Yuga hiện tại, vốn có độ dài, tổng cộng, gấp mười lần; và khi tính rằng phải mất một ngàn Maha Yuga mới bằng một Ngày của Brahma, quý vị sẽ hiểu ý tôi khi nói đến tỉ lệ.
[2] Theo quan niệm của đạo Hindu, biểu trưng của Pháp (dharma) là con bò. Trong kỷ nguyên đầu tiên, hoàng kim của thế giới (Satya Yuga), con bò có bốn chân, nhưng qua mỗi kỷ nguyên, Pháp lại tiêu hao mất một phần tư. Đến kỷ nguyên Kali, con bò của Pháp chỉ còn có một chân. Có thể hiểu là thời mạt pháp.
Một chút khiêm nhường vào thời điểm này (khi tôi đang run rẩy chuẩn bị giới thiệu Những đứa trẻ) không có gì là, như tôi thấy, lạc lõng.
Padma đổi thế ngồi, lún túng. “Ông nói gì vậy?” cô hỏi, mặt hơi đỏ lên. “Đấy là chuyện của Bà la môn; có liên quan gì đến em chứ?”
… Sinh ra và được giáo dưỡng theo truyền thống đạo Hồi, tôi bỗng nhiên thấy mình choáng ngợp trước một nguồn tri thức cổ xưa hơn; trong khi ở đây cạnh tôi là Padma của tôi, mà sự trở về của nàng tôi đã mong mỏi biết bao nhiêu… Nàng Padma của tôi! Nữ thần Hoa sen; Người Sở hữu Phân; người Ngọt Như Mật và Làm Bằng Vàng; có hai đứa con là Hơi ẩm và Bùn…
“Ông chắc là chưa hết sốt,” cô phản đối, cười khúc khích. “Cài gì mà làm bằng vàng, hở ông? Và ông thừa biết em làm gì có co…”
… Padma cùng với các dạ xoa[3], những vị thần đại diện cho các bảo vật thiêng liêng của trái đất, cho các con sông thiêng Ganga Yamuna Sarasvati[4], và với các nữ thần cây, là một trong các thần Bảo hộ Sự sống, mê hoặc và an ủi phàm nhân khi họ đi qua lưới mộng của Ảo ảnh[5]… Padma, đài Sen, mọc ra từ rốn của thầnVishnu, và từ đó chính Brahma đã ra đời; Padma Nguồn cội, mẹ của Thời gian!…
[3] Yaksa, tiếng Hán là dạ xoa. Theo đạo Hindu và đạo Phật, dạ xoa là các linh thần bảo vệ những báu vật của tự nhiên ẩn dưới lòng đất và dưới gốc cây.
[4] Ba con sông thiêng của Ấn Độ, trong đó Ganga (sông Hằng) và Yamuna là hai con sông có thật, còn con sông thứ ba, Sarasvati, chỉ tồn tại trong thần thoại.
[5] Maya, chỉ thế giới hiện tượng đang liên tục thay đổi trong mắt của phàm nhân chưa giác ngộ.
“Này,” giọng cô bắt đầu có vẻ lo âu, “đưa em sờ trán xem nào!”
… Và tôi, trong hệ thống những thứ này, ở đâu? Có phải tôi (được mê hoặc và an ủi bởi sự trở về của cô) chỉ là phàm nhân – hay còn gì hơn thế? Ví dụ như – phải, sao lại không – vòi ma mút, mũi Ganesh như tôi đây – thần Voi, chẳng hạn. Người, giống như thần mặt trăng Sin, điều khiển nước, ban phát mưa… có mẹ là Ira, ái phi của Kashyap, tức Quy Lão, chúa tể và tổ tiên của muôn loài trên trái đất… thần Voi, đồng thời là cầu vồng, và sấm sét, vị thần mà ý nghĩa biểu tượng, tôi phải bổ sung, rất nhiều nghi vấn và không rõ ràng[6].
[6] Kashyap (con rùa) là một trong bảy đấng trí giả (rishi) do thần Vishnu tạo ra, và là thủy tổ của muôn loài. Ira là một trong mười người vợ của Kashyap, sinh ra một đàn voi. Con voi trắng Airavata là vật cưỡi của thần Indra. Indra khi cưỡi voi một tay cầm lưỡi tầm sét, một tay cầm cầu vồng. Bản thân chữ Airavata cũng có nghĩa là cầu vồng.
Ừ thì: khó nắm bắt như cầu vồng, khó dự đoán như sấm sét, ba hoa như Ganesh, có vẻ như tôi, rốt cuộc, đã có một vị trí trong kho tàng tri thức cổ xưa.
“Lạy Chúa.” Padma bổ đi tìm khăn để dấp nước lạnh, “trán ông như đang bốc hỏa ấy! Tốt hơn ông nên nằm xuống; giờ này chưa thể viết lách được đâu! Mê sảng đang nói đây mà; không phải ông.”
Nhưng tôi đã mất một tuần; vậy nên, sốt hay không sốt, tôi cũng phải tiếp tục; bởi vì, sau khi (tạm thời) vắt kiệt cái bút pháp kể-chuyện-ngày-xưa này, tôi sắp tiến tới trung tâm kỳ ảo của câu chuyện của chính tôi, và phải viết một cách công khai chân xác, về những đứa trẻ nửa đêm.
Hãy hiểu điều tôi sắp nói: trong giờ đầu tiên của ngày 15 tháng Tám năm 1947 – từ nửa đêm đến một giờ sáng – không dưới một nghìn lẻ một đứa trẻ đã chào đời bên trong đường biên giới của quốc gia Ấn Độ chủ quyền non trẻ. Về bản chất, đây không phải là một sự kiện bất thường (tuy rằng con số này mang âm hưởng văn chương một cách kỳ lạ) – ở thời kỳ đó, tỉ lệ sinh trên mảnh đất này vượt tỉ lệ tử khoảng 687 người một giờ. Điều khiến sự kiện này đáng chú ý (đáng chú ý! có một từ trung tính thế đấy, nếu quý vị thích!) là bản chất của những đứa trẻ này, mỗi người trong số chúng đều, do một biến dị sinh học, hoặc do mộ thế lực siêu nhiên nào đó vào thời điểm ấy, hoặc chỉ dễ hiểu là sự trùng hợp (tuy rằng một sự ngẫu nhiên xảo hợp ở quy mô ấy sẽ làm choáng váng cả C.G.Jung), được phú cho những đặc tính, thiên khiếu, hay năng lực chỉ có thể được miêu tả bằng hai chữ kỳ diệu.
Cứ như thể – nếu quý vị cho phép tôi một khoảnh khắc tưởng tượng trong cái mà nếu không có nó thì sẽ là sự tường thuật nghiêm túc nhất tôi có thể thực hiện, tôi cam đoan vậy – cứ như thể lịch sử, đến một thời điểm của tầm vóc và triển vọng tối cao, đã quyết định gieo xuống, vào thời khắc ấy, những hạt giống của một tương lai rồi sẽ hoàn toàn khác bất kỳ thứ gì thế giới này từng chứng kiến cho đến thời điểm ấy.
Nếu một phép mầu tương tự có xảy ra bên kia biên giới, tại quốc gia vừa-bị-cắt-ra Pakistan, tôi cũng không biết gì cả; linh lực của tôi, trong thời gian tồn tại của chúng, bị giới hạn không chỉ bởi Biển Ả Rập, vịnh Bengal, dãy Himalaya, mà cả đường biên giới nhân tạo đã cắt xẻ Punjab và Bengal.
Lẽ tất nhiên, một số đứa trẻ đã không thể sống sót. Suy dinh dưỡng, bệnh tật và những rủi ro của cuộc sống hằng ngày đã lấy đi không dưới bốn trăm hai mươi sinh mệnh trước thời điểm tôi đến sự tồn tại của chúng; mặc dù có thể giả định rằng tất cả những cái chết này, cũng có mục đích của nó, bởi vì 420[7], không biết từ bao giờ đã là con số gắn liền với lừa đảo, dối trá và gian lận.
Vậy thì, có thể nào, những đứa bé biến mất ấy bị đào thải vì chúng, trên một phương diện nào đó, không xứng đáng, và không phải là những đứa con đích thực của nửa đêm ấy? À, trước hết, đây lại là một cuộc du ngoạn khác vào cõi giả tưởng; thứ hai, nó còn tùy thuộc vào cách nhìn cuộc đời vừa đầy rẫy thần quyền vừa tàn bạo đến dã man này. Đó cũng là một câu hỏi không thể trả lời; mọi cố gắng tìm hiểu sâu hơn bởi thế chỉ là vô ích.
[7] Khoản 420 trong Luật Hình sự Ấn Độ, ra đời từ 1862, là điều khoản quy định về tội lừa đảo. 420 do vậy trở thành tên lóng để chỉ những kẻ hành nghề lừa đảo.
Tới năm 1957, năm trăm tám mươi mốt đứa trẻ sống sót đều sắp đến sinh nhật thứ mười, phần lớn hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của nhau, mặc dù có một số ngoại lệ nhất định. Tại thị trấn Baud, bên bờ sông Mahanadi ở Orissa, có một cặp chị em song sinh đã trở thành huyền thoại trong vùng bởi vì bất chấp nhan sắc bình phàm đến kinh ngạc, cả hai đều có khả năng làm mọi người đàn ông gặp mặt mình si mê họ một cách vô vọng và tự diệt, đến nỗi bậc cha mẹ ngỡ ngàng của họ không ngừng bị làm phiền bởi một dòng người đến cầu hôn một hoặc thậm chí cả hai đứa trẻ bí hiểm; những ông già đã từ bỏ sự thông thái của chòm râu và đám thanh niên đáng lẽ phải mê mẩn mấy cô đào trong gánh chiếu bóng rong vẫn viếng thăm Baud mỗi tháng một lần.
Và cả một dòng người khác, phiền toái hơn gồm những tang gia nguyền rủa hai chị em vì đã bỏ bùa mê thuốc lú khiến con trai họ có những hành vi bạo hành bản thân, những nhát dao và đòn roi chết người, thậm chí (có một trường hợp) tự thiêu. Mặc dù vậy, ngoại trừ mấy trường hợp cá biệt hiếm hoi ấy, những đứa con của nửa đêm đã lớn lên mà hầu như không biết tới những anh chị em đích thực của mình, những đồng-bạn-được-lựa-chọn trên khắp chiều dài và bề rộng của viên kim cương thô và thiếu cân xứng Ấn Độ.
Thế rồi, dưới tác động của một cú sốc sau một tai nạn xe đạp, tôi, Saleem Sinai, bỗng nhiên biết về tất cả bọn họ.
Với những ai có nếp suy nghĩ quá cứng nhắc để có thể chấp nhận được những sự thật ấy, tôi xin nói thế này: chuyện là như thế đấy; không có cách nào chối bỏ sự thật đâu. Tôi đành phải chìa vai ra hứng gánh nặng ngờ vực từ những kẻ hoài nghi. Nhưng không một ai biết đọc tại đất nước Ấn Độ này của chúng tôi lại có thể hoàn toàn miễn nhiễm khỏi kiểu tin tức mà tôi sắp sửa hé lộ – không một độc giả nào của nền báo chí nước nhà có thể bỏ qua hàng loạt đứa trẻ thần kỳ và dị nhân đủ loại – dù phải thừa nhận là ở cấp độ thấp hơn. Mới tuần trước, có một cậu bé người Bengal tuyên bố mình là Rabindranath Tagore đầu thai và bắt đầu ứng khẩu những vần thơ vào loại xuất sắc, trước sự kinh ngạc của cha mẹ; và chính tôi còn nhớ được có những đứa trẻ hai đầu (đôi khi một đầu người, một đầu thú) và những đặc điểm kỳ dị khác như sừng bò.
Tôi phải nói ngay rằng không phải mọi thiên phú của những đứa trẻ đều đáng mong muốn, thậm chí không được chính chúng mong muốn; và, với một số trường hợp những đứa trẻ sống sót nhưng bị tước mất những phẩm chất mà nửa đêm ban cho. Ví dụ (để song hành với chuyện hai chị em ở Baud) để tôi kể chuyện một cô bé ăn mày tại Delhi tên là Sundari, ra đời ở một con phố phía sau Bưu điện Trung tâm, không xa cái mái nhà nơi Amina Sinai đã lắng nghe Ramram Seth là mấy, người có một sắc đẹp dữ dội đến mức chỉ trong khoảnh khắc cô bé chào đời nó đã làm mù cả mẹ cô lẫn các bà hàng xóm sang đỡ đẻ giúp; cha cô, khi xông vào phòng khi nghe tiếng thét của mấy người đàn bà, được họ cảnh báo kịp thời; nhưng chỉ một thoáng nhìn cô con gái là đã làm thị lực ông tổn thương nặng nề đến mức từ đó trở đi ông không thể phân biệt người Ấn và du khách ngoại quốc, một thương tật ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực kiếm tiền của một ăn mày như ông.
Sau đó, suốt một thời gian Sundari buộc phải quấn một tấm giẻ ngang mặt; cho tới khi bà cô già nua tàn nhẫn của mẹ cô bé giơ đôi tay xương xẩu đón lấy cô và rạch chín nhát lên mặt cô bằng một con dao làm bếp. Vào thời điểm tôi biết về cô, Sundari đang có một nguồn thu nhập ổn định, bởi không một ai đã nhìn cô mà không thấy xót thương cho một cô gái rõ ràng đã từng đẹp lóa mắt người mà giờ dung nhan lại bị hủy hoại tàn nhẫn đến vậy; cô nhận được nhiều tiền bố thí hơn bất kỳ ai trong nhà.
Vì không có một đứa trẻ nào lại đi ngờ rằng thời điểm ra đời của mình lại có liên quan tới sự dị thường ở chúng, tôi cũng phải mất một thời gian mới khám phá ra. Ban đầu, sau tai nạn xe đạp (đặc biệt sau khi những người diễu hành ngôn ngữ đã thanh tẩy Evie Burns ra khỏi đầu tôi), tôi tự thỏa mãn với việc khám phá ra, từng cái một, bí mật của những sinh thể huyền bí đã bất ngờ xuất hiện trong trường linh giác của tôi, hăng say sưu tầm chúng, theo cách mấy đứa nhóc sưu tầm côn trùng, hoặc đếm tàu hỏa; đánh mất hứng thú với lưu bút và mọi hình thái khác của bản năng hái lượm, tôi liền, mỗi khi có thể, đắm mình vào thế giới biệt lập và tươi sáng hơn trên tổng thể, của năm trăm tám mươi mốt đứa trẻ. (Hai trăm sáu mươi sáu trong số tụi tôi là con trai; và về số lượng chúng tôi bị phe con gái áp đảo – ba trăm mười lăm người bọn họ, kể cả Parvati. Parvati-phù-thủy.)
Những đứa trẻ nửa đêm!… Từ Kerala, một cậu bé có khả năng bước vào trong gương và bước ra qua bất kỳ bề mặt phản quang nào trên mặt đất – qua mặt hồ hay (tuy khó khăn hơn) vỏ kim loại bóng loáng của những chiếc ô tô… một cô bé người Goa có biệt tài nhân bội cá… rồi những đứa trẻ có khả năng biến hình; một người sói từ Đồi Nilgiri, và từ vùng lưu vực mênh mông Vindhyas, một cậu bé có thể tùy ý tăng giảm kích cỡ của mình, và (một cách ma mãnh) là nguyên nhân của những hoảng loạn và đồn đại về sự tái xuất của người Khổng lồ… ở Kashmir, có một đứa trẻ mắt xanh mà tôi không xác định được giới tính, vì bằng cách ngâm mình vào nước cậu (hay cô) có thể hoán đổi nó theo ý cô (hay cậu) ta muốn.
Bọn tôi có người gọi nó là Narada, người gọi nó là Markandaya, tùy câu chuyện cổ tích nào về chuyển đổi giới tính bọn tôi được nghe… gần Jalna, chính giũa trung tâm bình nguyên Deccan khô hạn tôi phát hiện ra một đứa trẻ có năng lực tìm ra nguồn nước, và ở Budge-Budge, ngoại ô Calcutta, một cô bé lưỡi sắc mà mỗi lời có sức mạnh gây ra thương tích, nên sau khi vài người lớn thấy mình chảy máu ồ ạt vì vài lời châm chọc cô thuận miệng ném ra, họ quyết định nhốt cô vào lồng tre thả trôi sông Hằng tới rừng Sunbardans (sào huyệt của yêu ma quỷ quái); nhưng không ai dám lại gần cô, và cô đi giữa thị trấn, bao bọc trong khoảng chân không của nỗi khiếp sợ; không ai có can đảm từ chối cô thức ăn.
Còn có một cậu bé ăn kim loại và một cô bé ngón tay xanh tới mức trồng được những trái cà tím tuyệt hảo giữa sa mạc Thar; và còn nữa còn nữa còn nữa… choáng ngợp trước số lượng của chúng và trước muôn hình vạn trạng huyền bí của những năng lực chúng sở hữu, lúc buổi đầu tôi ít để tâm đến những cái tôi bình thường của chúng; nhưng, một cách tất yếu, những vấn đề của chúng tôi, khi nó phát sinh, là những vấn đề rất đời thường, con người, bắt nguồn từ tính-cách-và-môi-trường; trong những cuộc cãi lộn, bọn tôi chỉ là một lũ nhóc.
Một thực tế đáng chú ý: giờ sinh càng sát nửa đêm, năng lực của bọn tôi càng lớn. Những ai sinh vào những giây cuối của một tiếng ấy chỉ (nói thực là) hơn quái nhân rạp xiếc đôi chút: những cô bé có râu, một cậu bé mang cặp mang hoàn chỉnh của cá chép Mahaseer, cặp song sinh dính nhau với hai cơ thể lủng lẳng dưới một cái đầu và cổ – cái đầu có thể nói hai giọng, một nam, một nữ, và đủ mọi ngôn ngữ lẫn thổ ngữ của tiểu lục địa; nhưng bất chấp sự dị thường của mình chúng vẫn chỉ là những kẻ kém may mắn, những rủi ro sống của một giờ linh thiêng ấy. Càng gần nửa tiếng đầu càng xuất hiện những năng lực lý thú và hữu ích hơn – ở rừng Gir có một cô bé phù thủy sờ vào đâu là chữa lành vết thương ở đấy, con trai một chủ trại chè giàu có tại Shillong được ban phước (mà cũng có thể là họa) không thể quên bất kỳ điều gì cậu ta từng nhìn hay nghe thấy.
Song, những đứa trẻ ra đời vào phút đầu tiên – chính những đứa trẻ này đã được dành tặng những tài năng cao quý nhất mà loài người từng mơ tới. Nếu cô, Padma, tình cờ sở hữu một giấy khai sinh trong đó thời gian được ghi chính xác từng giây, cô sẽ biết hậu duệ nào của một đại gia tộc ở Lucknow (chào đời hai mươi mốt giây sau nửa đêm) ở tuổi lên mười đã thành thạo bí quyết của thuật giả kim đã thất truyền, nhờ nó cậu ta đã khôi phục sản nghiệp của gia tộc trâm anh thế phiệt nhưng đã suy vi của mình; và đứa con gái nhà thợ giặt nào từ Madras (mười bảy giây sau) chỉ cần nhắm mắt là bay cao hơn bất cứ loài chim nào.
Và đứa con trai nhà thợ bạc nào tại Benarsi (mười hai giây sau nửa đêm) được phú cho năng lực du hành vượt thời gian và nhờ vậy có thể tiên đoán tương lai và biết rõ quá khứ… một năng lực mà, vốn dĩ trẻ dại, chúng tôi tin tưởng tuyệt đối khi nhắc đến những gì đã qua và bị lãng quên, nhưng giễu cợt khi cậu ta cảnh cáo về kết cục của chính chúng tôi… may mắn thay, không có bút lục nào về những chuyện này.
Và, về phần mình, tôi sẽ không tiết lộ – hoặc nếu làm ra vẻ tiết lộ thì sẽ ngụy tạo – tên tuổi và thậm chí cả địa danh; bởi vì, tuy những thông tin này sẽ là chứng cứ tuyệt đối cho những gì tôi kể, song giờ đây, sau tất cả mọi chuyện, những đứa trẻ của nửa đêm vẫn xứng đáng được yên; có lẽ được quên; nhưng tôi hy vọng (trong tuyệt vọng) là vẫn nhớ…
Parvati-phù-thủy sinh ra ở Delhi Cũ, giữa một ghetto chen chúc quanh những bậc thềm của Thánh đường Thứ Sáu. Nơi này không phải là một khu ổ chuột thông thường, mặc dầu những túp lều dựng từ thùng hàng cũ và những miếng tôn lượn sóng và những mảnh bao đay, đứng nhấp nhô chen chúc dưới bóng thánh đường này trông chả khác gì những ngôi nhà xập xệ khác… vì đây là khu trại của những ảo thuật gia, phải, chính nơi đã sinh ra một con Chin ngân nga mà những lưỡi dao đã rạch nát và bầy chó hoang không kịp cứu… cái ổ chuột của giới pháp sư, nơi các fakir và xảo thuật gia và huyễn giả tài ba nhất từ mọi miền lũ lượt đổ về, tìm kiếm vận may tại thủ đô. Cái mà họ thấy là lều tôn, cảnh sát bạo hành, và chuột…
Cha Parvati từng là ảo thuật gia lừng lẫy nhất xứ Oudlh; cô lớn lên giữa những nghệ nhân phúc ngữ có thể bảo đá kể chuyện và nghệ nhân uốn dẻo có thể nuốt chân và người nuốt lửa có thể khạc lửa qua hậu môn và những anh hề bi có thể khóc ra nước mắt thủy tinh; cô từng bình thản đứng giữa đám đông há hốc miệng khi cha cắm đinh xuyên cổ cô; và suốt thời gian ấy cô đã bảo toàn bí mật của riêng cô; một điều lớn lao hơn bất kỳ trò ảo thuật tầm thường nào quanh cô; bởi vì Parvati-phù-thùy, ra đời sau nửa đêm chỉ bảy giây, chính là người được ban tặng quyền năng của bậc chân tài, người khai sáng, thiên tài đích thực về phù chú và pháp thuật, môn nghệ thuật không cần xảo thuật.
Vậy là, trong lũ trẻ nửa đêm, đứa thì có năng lực biến hình, bay, tiên tri, phù thủy… riêng hai chúng tôi ra đời đúng nửa đêm. Saleem và Shiva, Shiva và Saleem, mũi và đầu gối và đầu gối và mũi… với Shiva, một giờ này đã ban cho gã sự thiện chiến (của Rama, người giương được cây cung không ai giương nổi; của Arjuna và Bhima; dũng khí của Kuru cùng Pandava[8] hợp nhất, không ai cản nổi, trong gã!)… còn với tôi là tài năng siêu việt hơn hết – khả năng nhìn thấu trái tim và khối óc của con người.
[8] Kuru: một bộ tộc nổi tiếng là thiện chiến trong sử thi Mahabharata. Bhima và Arjuna là hai trong số năm anh em Pandava, những chiến binh dũng mãnh bậc nhất ở vương quốc Kuru.
Nhưng đang là Kali-Yuga; những đứa trẻ của một giờ đêm tối lại chào đời, tôi sợ là, giữa kỷ nguyên của bóng tối; cho nên dù thấy tỏa sáng là việc dễ dàng, chúng tôi lại luôn mơ hồ về việc thế nào là tốt.
Đấy; tôi nói ra rồi đấy. Tôi là – chúng tôi là thế đấy.
Nhìn Padma như thể mẹ cô vừa chết – vẻ mặt cô, với cái miệng không ngừng há ra ngậm lại, là mặt một con cá chim mắc cạn. “Ôi baba!” cuối cùng cô thốt lên. “Ôi baba! Ông ốm rồi; ông vừa nói gì vậy?”
Không, vậy thì dễ dàng quá. Tôi từ chối trốn tránh trong bệnh tật . Chớ mắc sai lầm khi xem những gì tôi vừa tiết lộ chỉ toàn là những lời mê sảng; thậm chí những ảo tưởng vĩ cuồng của một đứa trẻ cô độc, xấu xí. Tôi đã tuyên bố từ trước rằng tôi không nói ẩn dụ; những gì tôi viết (và đọc to cho Padma đang choáng váng) không là gì khác ngoài sự thật theo nghĩa đen, sự thật thề-có-từng-sợi-tóc-trên-đầu-mẹ-tôi.
Hiện thực có thể chứa đựng yếu tố ẩn dụ; điều này không làm nó ít thực hơn. Một ngàn lẻ một đứa trẻ ra đời; có một ngàn lẻ một khả năng trước đây chưa hề tồn tại hiện diện ở cùng một nơi; và có một ngàn lẻ một ngõ cụt. Lũ trẻ của nửa đêm có thể được lấy làm đại diện cho nhiều thứ, tùy vào góc nhìn của mỗi người: chúng có thể được xem như ván bài tối hậu của tất thảy những gì cổ hủ và lạc hậu ở đất nước chìm đắm trong thần thoại này của chúng tôi, mà sự thất bại, trong bối cảnh kinh tế hiện đại hóa thế kỷ 20, là điều hoàn toàn đáng mong ước; hoặc niềm hy vọng đích thực vào tự do, mà giờ đây đã bị triệt tiêu vĩnh viễn; nhưng chúng không thể nào là sự hư cấu kỳ quặc của một đầu óc lèm bèm, bệnh tật. Không: bệnh tật không có chỗ đứng ở đây.
“Được rồi, được rồi, baba,” Padma cố gắng vỗ về tôi. “Làm gì mà gắt gỏng thế? Ông nghỉ đi, nghỉ đi một tí, em chỉ yêu cầu có vậy thôi.”
Những ngày trước sinh nhật thứ mười của tôi hiển nhiên là một thời kỳ đầy ảo giác; song ảo giác không ở trong đầu tôi. Cha tôi, Ahmed Sinai, bị cái chết phản trắc của Bác sĩ Narlikar và ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của tửu-tinh-và-tonic xô đẩy, đã lánh mình vào một cõi mộng của những ảo tưởng đáng lo ngại; và khía cạnh âm ỉ nhất trong sự suy sụp từ từ của ông đó là, suốt một thời gian dài, mọi người nhầm nó với điều hoàn toàn ngược lại…
Này là mẹ của Sonny, Nussie-vịt-bầu, trò chuyện cùng Amina một tối nọ ngoài vườn: “Nhà chị độ này thật hạnh phúc, chị Amina, khi anh Ahmed nhà chị đương độ sung sức! Người đâu mà giỏi giang, vì gia đình phấn đấu làm ăn phát đạt thế đấy!” Cô ta nói đủ to cho ông nghe thấy.
Và mặc dù ông vờ như đang dặn bảo người làm vườn phải làm gì với cây hoa giấy héo, mặc dù ông làm ra vẻ khiêm tốn và nghiêm khắc với bản thân, nó vẫn rất không thuyết phục, bởi cái cơ thể núng nính của ông đã bắt đầu, mà ông không ý thức được, tỏ ra vênh váo và khệnh khạng. Ngay tới Purushottam, vị sadhu chán nản dưới vòi nước ngoài vườn, cũng thấy phát ngượng.
Người cha phai nhạt của tôi… suốt mười năm ông luôn có tâm trạng vui vẻ tại bàn ăn sáng trước khi cạo râu; nhưng khi râu ông ngả trắng theo nước da ngày một nhạt dần, cái điểm vui vẻ cố định này không còn là tất yếu nữa; và rồi cũng đến cái ngày lần đầu tiên ông nổi cáu vào bữa sáng. Đấy là cái ngày thuế được tăng lên và ngưỡng chịu thuế đồng thời bị hạ xuống; cha tôi ném tờ Thời báo Ấn Độ bằng một động tác dữ tợn và trợn mắt nhìn quanh bằng con mắt đỏ sọc mà tôi biết chỉ xuất hiện khi nào ông nổi giận.
“Hệt như đi vệ sinh!” ông bùng nổ, một cách bí hiểm; trà trứng bánh mì run lẩy bẩy trước cơn thịnh nộ bộc phát.
“Ta vén áo lên và tụt quần xuống! Bà nó, cái chính quyền này sẽ đi vệ sinh trên đầu chúng ta!”
Và mẹ tôi, bừng đỏ dưới làn da ngăm đen, “Janum, bọn trẻ kìa, em xin anh,” nhưng ông đã sầm sập bỏ đi, để tôi lại với một ý niệm rõ ràng về hàm ý của người khác khi họ bảo đất nước này sẽ đi tiêu.
Trong những tuần tiếp theo cái cằm buổi sáng của cha tôi tiếp tục nhạt dần và không chỉ có sự bình yên ở bàn ăn sáng biến mất: ông bắt đầu quên mất người đàn ông đã từng là mình trong những ngày tháng trước sự phản bội của Narlikar. Những nề nếp của đời sống gia đình chúng tôi bắt đầu suy đồi. Ông bắt đầu tránh có mặt ở bàn ăn sáng, để Amina không thể dỗ tiền từ ông; nhưng, bù lại, ông trở nên bất cẩn với tiền bạc, quần áo ông thay ra còn đầy cả tiền giấy lẫn tiền xu, thế nên bằng cách móc túi ông bà vẫn kiếm được đủ tiêu.
Nhưng một chỉ dấu đáng buồn hơn của việc ông rút ra khỏi cuộc sống gia đình là ông hầu như không kể chuyện cho chúng tôi vào giờ ngủ nữa, và nếu như ông có kể thì chúng tôi cũng không thích, bởi chúng đã trở nên nghèo tưởng tượng và kém thuyết phục. Đề tài thì vẫn vậy, hoàng tử quỷ lùn ngựa bay và những cuộc phiêu lưu đến các xứ sở diệu kỳ, nhưng từ giọng kể chiếu lệ của ông, chúng tôi có thể nghe ra những tiếng kẽo kẹt và rền rĩ của một trí tưởng tượng đang hoen gỉ, mục nát.
Cha tôi đã chìm đắm vào một con trầm mê. Hình như cái chết của Narlikar và sự chấm dứt của giấc mơ tetrapod đã cho Ahmed Sinai thấy bản chất bất trắc của quan hệ giữa người với người; ông quyết định dứt bỏ mọi mối liên hệ kiểu ấy. Ông chuyển sang thức dậy trước hừng đông và nhốt mình cùng cô ả Fernanda hay Flory hiện thời trong văn phòng ở tầng trệt, mà bên ngoài cửa sổ hai cây xanh cao đến độ ngăn hết hầu hết ánh sáng ban ngày lọt vào.
Vì rằng bọn tôi hiếm khi dám làm phiền ông, cha tôi rơi vào một cơn cô đơn sâu, một trạng thái ít thấy ở đất nước quá đông đúc của chúng tôi đến mức gần như bất thường; ông bắt đầu từ chối thức ăn nhà nấu để sống bằng những của rẻ của ôi do cô ả thư ký mua về hằng ngày đựng trong cặp lồng, paratha nguội ngắt và samosa rau nhão nhoét và dăm chai nước có ga. Một mùi kỳ quái bay ra từ khe cửa văn phòng ông; Amina cho đó là hơi không khí tù đọng và thức ăn rẻ tiền; nhưng tôi tin rằng đó là mùi hương cũ, nay đã trở lại mạnh mẽ hơn, cái mùi xa xưa của thất bại từng lởn vởn quanh ông từ buổi ban đầu.
Ông bán tháo nhiều chung cư và nhà tập thể ông đã mua với giá rẻ ngày mới tới Bombay, nền tảng cho sự phát đạt của gia đình tôi. Nhằm giải phóng mình khỏi mọi mối quan hệ làm ăn với nhân loại – kể cả với những khách trọ vô danh ở Kurla và Worli, ở Matunga và Mazagaon, và Mahim – ông thanh lý bất động sản, để bước vào không gian bí hiểm và trừu tượng của đầu cơ tài chính. Nhốt mình ở văn phòng, vào những ngày ấy, mối liên hệ duy nhất của ông với thế giới bên ngoài (trừ các ả Fernanda tội nghiệp) là chiếc điện thoại.
Suốt ngày ông chìm trong những cuộc đàm thoại với thiết bị này, trong khi nó rót tiền của ông vào cổ phần abc hay cổ phiếu xyz, trong khi nó đầu tư vào trái phiếu chính phủ hoặc cổ phiếu mất giá, bán thường hay bán khống theo lệnh ông… và luôn luôn kiếm được giá hời nhất trong ngày. Với một chuỗi vận may chỉ có thể sánh ngang với thành công của mẹ tôi với bầy ngựa nhiều năm trước, cha tôi và chiếc điện thoại ào ạt đổ bộ vào thị trường chứng khoán, một chiến công còn ấn tượng hơn khi xét đến tật nghiện rượu ngày một nặng của Ahmed Sinai.
Say sưa túy lúy, thế nhưng ông vẫn ngất ngưởng trên những con sóng trừu tượng của thị trường tiền tệ, phản ứng trước những biến động và thay đổi ngẫu hứng, khó lường của nó theo cách một chàng trai phản ứng trước từng ý tưởng phù phiếm nhỏ nhất của người mình yêu… ông cảm nhận được khi nào một cổ phiếu lên giá, khi nào thì đạt đỉnh; và bao giờ ông cũng rút ra trước khi sụt giá.
Đây là cách ông ngụy trang việc đắm mình trong nỗi cô đơn trừu tượng của những ngày ôm điện thoại, cách những thắng lợi tài chính của ông đã che giấu sự đoạn tuyệt từ từ của ông với hiện thực; nhưng dưới vỏ bọc của khối tài sản liên tục sinh sôi ấy, tình trạng của ông ngày một tệ hơn.
Rốt cuộc cô ả thư ký mặc váy hoa cuối cùng của ông cũng bỏ đi, không sống nổi trong một bầu không khí loãng và trừu tượng đến mức khó thở; bấy giờ cha tôi gọi Mary Pereira tới và dỗ cô bằng, “Mary, chúng ta là bạn, phải không, ta và chị?” và người đàn bà tội nghiệp đáp, “Vâng, sahib, em biết; ông sẽ chăm nom em lúc em về già,” và hứa giúp ông tìm người thay thế. Hôm sau cô dắt em mình đến, Alice Pereira, người đã làm việc với mọi loại ông chủ và có một sức chịu đựng gần như vô biên với đàn ông.
Alice cùng Mary đã làm lành từ sau vụ cãi vã về Joe D’Costa; cô em thường lên gác chơi với tụi tôi vào cuối ngày, mang nét tươi tắn và hoạt bát của cô đến bầu không khí có phần ngột ngạt ở nhà tôi. Tôi mến cô, và từ cô chúng tôi mới biết về những hành vi cực đoan nhất của cha tôi, mà nạn nhân là một con vẹt đuôi dài và một con chó lai.
Đến tháng Bảy, Ahmed Sinai đã bước vào một trạng thái say xỉn gần như triền miên; một hôm, Alice kể lại, ông bỗng nhiên lái xe đi mất, làm cô lo nhỡ ông bị làm sao, và bằng cách nào đó rồi cũng trở về được với một cái lồng chim phủ vải, trong đó, theo lời ông, là con chim ông mới mua, một con bulbul hay họa mi Ấn Độ.
“Có Chúa mới biết,” Alice tiết lộ, “ông nói về chim bulbul với tôi trong bao lâu; đủ mọi chuyện thần tiên về tiếng hót của chúng; một vị Calipha bị tiếng hót ấy mê hoặc ra sao, tiếng hót ấy có thể kéo dài thêm vẻ đẹp của đêm thế nào; có Chúa mới biết con người khốn khổ ấy lảm nhảm điều gì, trích dẫn hết tiếng Ba Tư tới Ả Rập, tôi chẳng hiểu mô tê gì. Nhưng khi ông bỏ tấm phủ ra, trong lồng chẳng có gì khác ngoài một con vẹt biết nói, chắc là một gã lừa đảo nào đấy ngoài chợ Chor đã sơn lại lông con vật!
Tôi biết nói làm sao với con người tội nghiệp ấy, quá háo hức với con chim, cứ ngồi đó gọi, “Hót đi, bulbul bé nhỏ! Hót đi!”… mà buồn cười lắm, ngay trước khi chết vì ngộ độc sơn nó cứ nhại lại lời ông, nguyên xi như thế – không cà cộ kiểu chim đâu, mà bằng giọng của chính ông: “Hót đi! Bulbul bé nhỏ, hót đi!”
Nhưng như thế chưa phải là tệ nhất. Mấy ngày sau khi đang ngồi cùng tôi trên cầu thang xoắn ốc của người hầu, Alice bảo, “Baba, tôi không hiểu bây giờ bố cậu bị sao nữa. Cả ngày cứ ngồi đó nguyền rủa con chó!”
Con chó lai mà nhà tôi gọi là Sherri đã lững thững leo lên ngọn đồi hai tầng từ đầu năm và cứ thế nhận chúng tôi là chủ, không hề biết đời là một cuộc hiểm nguy đối với động vật ở Điền trang Methwold; và trong cơn say Ahmed Sinai đã biến nó thành con chuột lang cho thí nghiệm của ông về lời nguyền của gia tộc.
Đây chính là lời nguyền hư cấu ông đã tưởng tượng ra nhằm gây ấn tượng với William Methwold, song giờ đây ở những khoang hóa lỏng của tâm trí ông các tửu tinh thuyết phục ông rằng đó không phải là hư cấu, chỉ là ông đã quên mất những lời đó; vậy là ông ở lì hàng giờ liền trong cái văn phòng cô độc đến phát điên để thí nghiệm công thức… “Ôi những lời nguyền rủa ông ấy trút lên con vật tội nghiệp!” Alice nói, “tôi tự hỏi vì sao nó còn chưa lăn ra chết!”
Nhưng Sherri vẫn ngồi một góc và nhe răng cười ngớ ngẩn với ông, dứt khoát không ngả tím[9] hay mọc nhọt, cho đến mộ tối nọ, ông bừng bừng rời khỏi văn phòng và lệnh cho Amina chở cả nhà đến Hornby Vellard. Sherri cũng đi theo. Chúng tôi tản bộ, mặt mũi ngơ ngác, dọc theo Vellard, rồi ông bảo, “Tất cả, lên xe.” Có điều ông không cho Sherri lên… khi chiếc Rover do cha tôi cầm lái tăng tốc chạy đi, nó bắt đầu đuổi theo chúng tôi trong khi con Khỉ gào thét Bốơibốơi còn Amina cầu xin Janumđừngmà còn tôi câm bặt trong kinh hãi, chúng tôi phải chạy hàng cây số, gần hết đường tới sân bay Santa Cruz, trước khi ông báo thù được con chó cái vì nhất định không quy phục tà thuật của ông… nó vỡ một động mạch khi đang chạy và chết ộc máu ra từ miệng và hậu môn, dưới cái nhìn của một con bò đói.
[9] Rushdie dùng khái niệm “ngả tím” (turn purple) với nghĩa kép, vừa có nghĩa là tím mặt lại vì tức giận, vừa nghĩa là trở thành quý tộc. Thời La Mã và Byzantine màu tím là màu áo đặc trưng của hoàng đế. Tiếng Anh có thành ngữ born in the purple, nghĩa là sinh ra trong gia đình quyền quý. Ở đây ám chỉ việc Ahmed Sinai bốc phét với Methwold rằng nhà ông là dòng dõi các hoàng đế Mughal.
Con Khỉ Đồng (vốn không hề thích chó) khóc mất một tuần liền; mẹ tôi đâm lo nó mất nước, bắt nó uống hàng gallon[10], tưới nước vào nó, theo lời Mary, như thể nó là một bãi cỏ; riêng tôi thì khoái con cún cha tôi mua tặng tôi nhân dịp tôi sinh nhật mười tuổi, hành động có lẽ xuất phát từ một thoáng ăn năn: tên nó là Nữ nam tước Simki von der Heiden, và nó có một cây phả hệ đầy lèn những con chó nòi Alsace đoạt chức vô địch, mặc dù sau này mẹ tôi phát hiện ra con này cũng giả chả khác gì con bulbul nhái, cũng hư cấu chả khác gì lời nguyền bị lãng quên và tổ tiên Mughal của cha tôi; và sáu tháng sau nó chết vì bệnh hoa liễu. Kể từ đó nhà tôi không nuôi con gì nữa.
[10] Một gallon = 4,55 lít.
Cha tôi không phải là người duy nhất hướng đến sinh nhật thứ mười của tôi với tâm trí u mê trong mây mù của những giấc mơ; bởi vì còn có Mary Pereira, mải mê theo đuổi thú làm chutney, kasaundy và rau quả dầm đủ kiểu, và bất chấp vẻ hớn hở bề ngoài của cô em Alice, gương mặt cô vẫn có vẻ gì đó ám ảnh.
“Xin chào, Mary!” Padma – người dường như đã sinh lòng thương cảm người ayah tội lỗi của tôi – chào đón cô trở lại sân khấu. “Điều gì dằn vặt cô ấy vậy?”
Thế này, Padma: bị hành hạ vì những cơn ác mộng giày vò của Joseph D’Costa, Mary ngày càng khó ngủ hơn. Biết rõ những giấc mơ gì đang đợi mình, cô ép mình thức; mắt cô thâm quần, bao phủ một lớp màng mỏng, mờ đục; và dần dần, sự mờ ảo trong cái nhìn của cô đã pha trộn tỉnh và mơ thành hai thứ rất giống nhau… một tình trạng rất nguy hiểm, Padma. Không chỉ công việc bị ảnh hưởng, mà có những thứ trong mơ bắt đầu thoát ra ngoài. Trên thực tế, Joseph D’Costa đã vượt qua ranh giới mơ hồ ấy, và bắt đầu xuất hiện tại Biệt thự Buckingham, không phải dưới dạng ác mộng, mà như một con ma thực thụ. Chỉ bị mình Mary Pereira (ở thời điểm này) nhìn thấy, gã bắt đầu ám cô ở khắp nơi trong nhà tôi, nơi gã, trước nỗi kinh hãi và hổ thẹn của cô, thản nhiên coi như nhà mình.
Cô nhìn thấy gã trong phòng khách, ở giữa đám bình pha lê và tượng sứ Dresden và bóng quạt trần xoay tròn, uể oải ngồi trên ghế bành, đôi chân dài rách rưới vắt qua tay ghế; cặp mắt trắng dã và bàn chân đầy vết rắn cắn. Một lần cô thấy gã trên giường Amina Begum vào buổi chiều, nằm giãi thẻ ngay cạnh mẹ tôi đang ngủ, và cô bật thốt: “Ê, này! Cút ra khỏi đây! Ngươi tưởng ngươi là ai, quý tộc à?” – nhưng chỉ khiến mẹ tôi ngơ ngác thức dậy.
Hồn ma Joseph theo ám Mary trong câm lặng; và điều đáng sợ nhất là cô thấy mình bắt đầu quen với gã, cô thấy những rung động yêu thương bị lãng quên cựa mình thức dậy trong cô, và mặc dù tự nhủ như thế là rồ dại, trong cô bắt đầu tràn đầy thứ tình yêu hoài vọng với linh hồn gã hộ lý đã chết.
Nhưng tình yêu ấy không được đáp lại; cặp mắt trắng dã của Joseph luôn luôn vô cảm; môi gã luôn luôn một nụ cười nghiệt ngã, nhạo báng; và rốt cuộc cô nhận ra rằng cái hồn ma mới này cũng chẳng khác gì gã Joseph-trong-mơ trước kia (mặc dù nó không xỉ vả cô), và để vĩnh viễn thoát khỏi gã cô sẽ phải làm điều không tưởng là thú nhận tội ác của mình với mọi người.
Nhưng cô không thú nhận, có lẽ đấy là lỗi của tôi – bởi vì Mary yêu tôi như đứa con trai không hoài thai và không thể hoài thai của chính cô, và nếu thú nhận cô sẽ làm tôi tổn thương ghê gớm, thế nên vì tôi cô chịu đựng hồn ma của lương tâm và đứng bếp trong tình trạng bị ma ám (cha tôi một tối say mèm đã đuổi người đầu bếp) nấu bữa tối cho gia đình tôi, và trở thành, một cách tình cờ, hiện thân của dòng mở đầu cuốn sách dạy tiếng Latin của tôi, Ora Maritima: “Bên bờ biển, người ayah nấu ăn.” Ora Maritima, ancilla cenam parat. Nhìn vào mắt của người ayah nấu ăn, rồi ta sẽ thấy nhiều hơn mọi cuốn sách giáo khoa.
Vào sinh nhật thứ mười của tôi, rất nhiều gà sẽ về chuồng.
Vào sinh nhật thứ mười của tôi, rõ ràng là thời tiết bất thường – bão, lũ, mưa đá khi trời không một gợn mây – tiếp nối cái nóng không chịu nổi của năm 1956, đã phá hỏng Kế hoạch Năm Năm lần thứ hai. Chính phủ buộc phải – mặc dù kỳ bầu cử đang tới gần – thông báo với quốc tế rằng Ấn Độ không thể tiếp nhận thêm viện trợ phát triển, trừ phi bên cho vay sẵn lòng dãn nợ vô thời hạn.
(Tuy vậy, tôi sẽ không phóng đại tình hình: tuy sản lượng thép thành phẩm chỉ đạt 2,4 triệu tấn khi kết thúc Kế hoạch vào năm 1961, và tuy, trong năm năm ấy, số người mất đất và thất nghiệp thực tế gia tăng, cao hơn suốt thời thuộc địa Anh, song cũng có những thành tựu đáng kể. Sản lượng sắt tăng gần gấp đôi; sản lượng điện đã tăng gấp đôi; sản lượng than tăng vọt từ 38 triệu lên 55 triệu tấn. Bốn triệu rưỡi mét vải cô tông được sản xuất hằng năm. Ngoài ra là một số lượng lớn xe đạp, máy công cụ, động cơ diesel, bơm nước và quạt trần. Nhưng tôi không thể không kết thúc bằng một điều đáng buồn: nạn mù chữ không suy suyển; dân số tiếp tục bùng nổ.)
Vào sinh nhật thứ mười của tôi, chúng tôi đón cậu Hanif đến chơi, người đã tự làm mình bị ghét ghê gớm tại Điền trang Methwold bằng cách cười hô hố, “Sắp bầu cử rồi! Hãy coi chừng đảng Cộng sản!”
Vào sinh nhật thứ mười của tôi, khi cậu Hanif lỡ lời, mẹ tôi (người đã bắt đầu biến mất trong những chuyến “đi mua sắm” bí ẩn) liền đỏ mặt tưng bừng một cách khó hiểu.
Vào sinh nhật thứ mười của tôi, tôi được tặng một con cún giống Alsace với một cây phả hệ giả, con vật rồi sẽ sớm chết vì bệnh giang mai.
Vào sinh nhật thứ mười của tôi, mọi người tại Điền trang Methwold đều cố tỏ ra vui vẻ, nhưng bên dưới lớp vecni mỏng này ai nấy đều bị ám ảnh chung một suy nghĩ: “Mười năm, lạy Chúa! Chúng đã đi đâu! Ta đã làm gì?”
Vào sinh nhật thứ mười của tôi, ông già Ibrahim tuyên bố ủng hộ đảng Maha Gujarat; xét đến chuyện chiếm hữu thành phố Bombay, ông già đã đặt cửa vào bên thua cuộc.
Vào sinh nhật thứ mười của tôi, một gương mặt đỏ bừng khơi dậy sự nghi ngờ trong tôi, tôi rình mò suy nghĩ của mẹ tôi; và những gì tôi thấy dẫn tôi đến chỗ theo dõi bà, đến chỗ trở thành một tay thám tử táo tợn như huyền thoại Dom Minto của Bombay, và đến những khám phá trọng đại ở và trong vùng phụ cận của quán café Pioneer.
Vào sinh nhật thứ mười của tôi, tôi có một bữa tiệc, với sự có mặt của gia đình tôi, vốn đã quên mất cách vui vẻ, của đám bạn cùng lớp từ trường Cathedral, được bố mẹ gửi đến, và một số tay bơi nữ của bể bơi Breach Candy, mấy con bé vẫn cho con Khỉ Đồng lân la chơi cùng và nắn cơ bắp của chúng. Về phía người lớn, có Mary và Alice Pereira, nhà Ibrahim và Homi Catrack và cậu Hanif và Mợ Pia, và Lila Sabarmati, người mà ánh mắt của cả lũ con trai (và cả Homi Catrack) đều dính chặt vào, trước vẻ khó chịu ra mặt của Pia. Nhưng thành viên duy nhất của hội trên đồi có mặt là thằng Sonny Ibrahim trung thành, người đã bất chấp lệnh cấm đối với bữa tiệc do một Evie Burns cay cú ban ra. Nó chuyển đến tôi một thông điệp: “Evie bảo nói với mày rằng mày bị trục xuất khỏi băng.”
Vào sinh nhật thứ mười của tôi, Evie, Mắt Chẻ, Tóc Dầu và cả thằng Cyrus-đại-đế xông vào chỗ trốn bí mật của tôi; bọn nó chiếm tháp đồng hồ, và tống tôi ra khỏi nơi trú ẩn.
Vào sinh nhật thứ mười của tôi, Sonny có vẻ không vui, và con Khỉ Đồng tách ra khỏi đám vận động viên bơi và cực kỳ tức giận Evie Burns. “Em sẽ cho nói một bài học,” nó bảo tôi. “Anh cứ yên tâm, anh trai; em sẽ cho nó nếm mùi.”
Vào sinh nhật thứ mười của tôi, bị một lũ trẻ bỏ rơi, tôi phát hiện ra năm trăm tám mươi mốt đứa trẻ khác cũng đang mừng sinh nhật; nhờ vậy tôi khám phá ra bí mật về giờ sinh gốc của mình; và, vừa bị trục xuất khỏi một băng, tôi quyết định tự lập băng của mình, cái băng sẽ trải suốt chiều dài và chiều rộng của đất nước, và có tổng hành dinh đặt sau hàng lông mày của tôi.
Vào sinh nhật thứ mười của tôi, tôi ăn cắp chữ viết tắt của Metro Cub Club – đồng thời cũng là tên viết tắt của hội cricket Anh đang du đấu – và lấy nó đặt cho Hội nghị Những đứa trẻ Nửa đêm[11], cái M.C.C. của chính tôi.
[11] Nguyên văn Mildnight Children’s Conference.
Khi tôi lên mười mọi chuyện như thế đấy: bên ngoài đầu tôi chỉ toàn rắc rối, ở trong thì toàn những sự diệu kỳ.