Những Đứa Con Của Nửa Đêm

Chương 19: Mạc khải[1]


[1] Mạc khải (một cách viết/đọc khác là Mặc khải), nghĩa đen trong tiếng Hán là “vén rèm lên”; còn nghĩa tôn giáo, theo định nghĩa của Linh mục Trần Văn Kiệm là “cho biết điều bí nhiệm”. Người dịch dùng chữ này để dịch chữ Revelation trong nguyên tác, nhằm giữ được màu sắc và ẩn dụ tôn giáo của văn bản.

Om Hare Khusro Have Khusrovand Om

Hãy biết, hỡi kẻ vô thần, rằng giữa Đêm tối mịt mùng của KHOẢNG KHÔNG VŨ TRỤ giữa buổi hồng hoang từng tồn tại tinh cầu KHUSROVAND thần thánh!!! Ngay cả GIỚI KHOA HỌC HIỆN ĐẠI giờ đây cũng thừa nhận rằng hàng thế hệ qua họ đã DỐI TRÁ hòng bưng bít NHN LOẠI, những người có quyền được biết về sự HIỆN TỒNG ĐÍCH THỰC Bấc Khả Tư Nghì[2] của XỨ SỞ THIÊNG LIÊNG CỦA SỰ THẬT!!! Các Trí thức hàng đầu trên TOÀN THẾ GIỚI, kể cả Mỹ quốc, tuyên truyền về ÂM MƯU CHỐNG TÔN GIÁO của cộng sản, DO THÁI, v.v…, nhằm giấu giếm THÔNG TIN SỐNG CÒN này! Nay Màn đã vén lên. ĐỨC KHUSRO thần thánh đã giáng hạ với Những Bằng Chứng Không Thể Chối Cãi. Hãy Đọc và Tin!

[2] Tài liệu này có lẽ do mẹ của Cyrus viết ra nên có nhiều lỗi chính tả rất sơ đẳng.

Hãy biết rằng hành tinh Khusrovand ĐÍCH THỰC – HIỆN TỒN là nơi cư ngụ của các Thánh mà sự Thuần khiết Tinh thần đã đạt đến Cảnh giới khiến họ, qua TU TẬP THIỀN ĐỊNH &c., đã có được quyền năng VÌ LỢI ÍCH CHÚNG SINH, những quyền năng Ngoài Sức Tưởng Tượng! Họ NHÌN XUYÊN thép, và có thể BẺ CONG XÀ NHÀ bằng RĂNG!!!

*** BY GIỜ ***

Lần đầu tiên, quyền năng ấy được sử dụng

Phục Vụ Các Bạn! ĐỨC KHUSRO đang ở

*** ĐY ***

Hãy nghe về sự Sụp Đổ của Khusrovand: tên XÍCH QUỶ Bhimutha (HẮC ÁM thay tên hắn!) trút xuống một trận Thiên Thạch Vũ (đã được các ĐÀI THIÊN VĂN THẾ GIỚI ghi chép kỹ càng, nhưng không Giải Thích)… một CƠN MƯA ĐÁ kinh hoàng, đến mức Khusrovand tươi đẹp bị HỦY HOẠI và các Thánh bị TIÊU DIỆC.

Nhưng Juraell cao quý và Khalila kiều diễm rất tỉnh táo. HY SINH BẢN THN trong tư thế nhập định của Pháp môn Kundalini[3], họ đã bảo tồn được LINH HỒN của đứa con chưa đản sinh, ĐỨC KHUSRO. Bước vào cảnh giới Nhất thể Đích thực trong Trạng thái Nhập định Yoga Siêu việt (mà quyền năng ngày nay được CÔNG NHẬN ở KHẮP THẾ GIỚI!), họ đã chuyển hóa Tinh thần Cao quý của mình thành một Tia QUANG TUYẾN NĂNG LƯỢNG SINH LỰC KUNDALINI, mà tia LASER nổi tiếng ngày nay chỉ là một sự bắt chước & Sao chép tầm thường. Thông qua TIA này, Linh hồn Khusro chưa đản sinh phi hành, vượt qua HỐ THẲM KHÔNG ĐÁY của Khoảng Không Vũ Trụ Vô Tận, đến khi MAY MẮN! mang nó đến Duniya (Thế Giới) của chúng ta & và yên vị trong TỬ CUNG người nữ chủ nhân khiêm nhường của một Gia Đình Parsi Tử Tế.

[3] Tiếng Sanskrit, nghĩa là con rắn. Yaga quan niệm rằng năng lượng tiềm ẩn của phụ nữ nằm cuộn tròn như rắn ở gốc xương sống.

Vậy là Đứa Trẻ ra đời & Nhân phẩm chân chính & TRÍ TUỆ Vô song (ĐẬP TAN luận điệu DỐI TRÁ, rằng mọi người Sinh Ra Đều Bình Đẳng! Tiểu nhân và Thánh nhân có bình đẳng không? TẤT NHIÊN LÀ KHÔNG!!) Nhưng có một THỜI GIAN khí chất thực sự của người bị Ẩn giấu, cho tới khi vào vai một vị Thánh Địa Cầu trong một bộ phim TM LÝ (được CÁC NHÀ PHÊ BÌNH HÀNG ĐẦU khen ngợi, sự Thuần Khiết trong Diễn Xuất của Người Thách Thức mọi Tín Nệm), người THỨC TỈNH & biết MÌNH LÀ AI. Nay người đã lấy lại TÊN THẬT của mình,

ĐỨC

KHUSRO

KHUSROVANI

*BHAGWAN*

và khiêm nhường Xuất Thế, với Vạch Tro trên Lông Mày Đấng Khổ Hạnh[4], để chữa lành Bệnh Tật và chấm dứt Hạn Hán & CHIẾN ĐẤU chống những Đạo quân của Bhimutha ở bất cứ đâu chúng TỚI. HÃY BIẾT SỢ! Vì MƯA ĐÁ của Bhimutha CŨNG sẽ trút xuống đầu chúng ta! Chớ tin những lời DỐI TRÁ của đám chính khách thi sĩ Cộng sản & vân vân. GỬI TRỌN NIỀM TIN vào Đức Thánh Duy Nhất Đích Thực.

[4] Thần Shiva thường được minh họa có ba vạch tro màu trắng trên trán, tượng trưng cho ba vị thần, hoặc ba thế giới. Tro theo quan niệm của đạo Hindu là biểu tượng của cái chết và sự tái sinh. Các nhà tu khổ hạnh thờ Shiva thường bôi tro lên khắp cơ thể.

KHUSRO KHUSRO KHUSRO

KHUSRO KHUSRO KHUSRO

& gửi tiền Quyên góp đến PO Box 555, Bưu Điện Trung Tâm,Bombay-1.

PHÚC LÀNH! CÁI ĐẸP! SỰ THẬT!!!

Om Hare Khusro Have Khusrovand Om

Cyrus-đại-đế có một nhà vật lý nguyên tử ở cương vị người cha và, trong vai trò người mẹ, một giáo đồ cuồng tín mà đức tin trong bà ta đã lên men do bị đè nén nhiều năm dưới tư duy lý tính độc đoán của ông Dubash; và khi bố của Cyrus chết hóc vì một quả cam mà mẹ nó quên không gỡ hột, Bà Dubash đã tận lực xóa bỏ dấu ấn của người chồng quá cố khỏi tính cách của con trai – và nhào nặn lại Cyrus theo hình mẫu kỳ quái của chính bà ta.

Cyrus-hôi-hám, đẻ trong nồi cám, vào năm bốn tám ­– Cyrus thằng thần đồng ở lớp – Cyrus vào vai Thánh Joan trong vở kịch của Shaw – tất cả những thằng Cyrus này, mà chúng tôi đã trở nên thân thuộc, mà chúng tôi đã lớn lên cùng, nay đã biến mất; và ở chỗ chúng mọc lên hình ảnh khoa trương, bình thản tựa cừu của Đức Khusro Khusrovand. Ở tuổi lên mười, Cyrus biến mất khỏi trường Cathedral và sự nổi lên như sao băng của vị guru giàu nhất Ấn Độ bắt đầu. (Có bao nhiêu người Ấn thì có bấy nhiêu Ấn Độ; và, khi đặt cạnh Ấn Độ của Cyrus, Ấn Độ của tôi xem ra quá đỗi trần phàm.)

Tại sao nó để điều đó xảy ra? Tại sao poster chăng khắp thành phố, và quảng cáo rải kín báo chí, mà không có lấy một lời càu nhàu từ cậu bé thần đồng?… Bởi vì Cyrus (mặc dù nó thường lên lớp bọn tôi, một cách không phải là không tinh quái, về các Bộ Phận trên Cơ Thể Phụ Nữ) kỳ thực là một thằng nhóc thuộc loại dễ bảo nhất, và không bao giờ nghĩ đến chuyện bật lại mẹ nó. Vì mẹ, nó mặc một thứ váy kim tuyến và đội khăn xếp; để trọn đạo làm con, nó cho phép hàng triệu tín đồ hôn ngón tay út của mình. Nhân danh lòng hiếu thảo, nó hết lòng vào vai Đức Khurso, đức thánh hài đồng thành công nhất trong lịch sử; chẳng bao lâu nó đã được những đám đông nửa triệu người tung hô, rồi gán cho mọi điều kỳ diệu; những tay guitar người Mỹ đến ngồi dưới chân nó, tất cả đều mang theo sổ séc.

Đức Khusrovand sở hữu một đội kế toán, các thiên đường thuế[5], một du thuyền sang trọng đặt tên là Khusrovand Starship, và một chiếc máy bay – Chuyên cơ Ngàn sao của Đức Khusro. Và đâu đó trong thằng bé với nụ cười yếu ớt, không ngừng rắc rải hồng ân ấy… ở một nơi vĩnh viễn bị ẩn giấu dưới cái bóng có uy lực đáng sợ của mẹ nó (bà ta, xét cho cùng, từng sống dưới một mái nhà với đám phụ nữ nhà Narlikar; ai biết bà ta thân cận với họ thế nào? Ai biết cái oai phong ghê gớm của họ đã rỉ sang bà ta tới đâu?), phảng phất bóng ma của một thằng bé từng là bạn tôi.

[5] Những quốc gia/vùng lãnh thổ có thuế thu nhập thấp. Giới nhà giàu thường chuyển tài sản đến hoặc định cư ở đây để tránh phải đóng nhiều thuế.

“Là Đức Khusro ấy à?” Padma hỏi, vẻ kinh ngạc. “Ông định nói về vị mahaguru[6] vừa chết đuối ở biển năm ngoái?”

Phải, Padma; ông ta không thể đi trên mặt nước; và rất ít người từng tiếp xúc với tôi lại được an hưởng một cái chết tự nhiên… hãy cho phép tôi thú nhận rằng tôi có phần cay cú trước việc Cyrus được tôn sùng như thánh sống.

“Lẽ ra đó phải là mình,” tôi đã nghĩ vậy. “Mình mới là đứa trẻ thần kỳ; thế mà không chỉ vị thế độc tôn trong nhà, mà kể cả phẩm chất đích thực, sâu thẳm trong tôi, nay cũng đã bị nẫng mất.”

[6] Maha + guru. Maha tiếng Hindi nghĩa là lớn, vĩ đại.

Padma: tôi chưa từng trở thành một “mahaguru”; hàng triệu người chưa từng ngồi dưới chân tôi; và đó là lỗi của tôi, bởi vì một ngày, nhiều năm trước, tôi đã đi nghe bài giảng của Cyrus về các Bộ Phận trên Cơ Thể Phụ Nữ.

“Hả?” Padma lắc đầu, khó hiểu. “Lại gì nữa đây?”

Nhà vật lý nguyên tử Dubash sở hữu một bức tượng tuyệt mỹ bằng cẩm thạch – một thiếu nữ khỏa thân – và với sự trợ giúp của pho tượng, con trai ông sẽ thuyết trình những bài giảng chuyên môn về giải phẫu sinh lý phụ nữ cho khán giả là một bọn nhóc cười rúc rích. Không cho không, Cyrus-đại-đế có tính phí.

Đổi lấy bài học giải phẫu, nó đòi truyện tranh – và tôi, quá đỗi ngây thơ, đã nộp cho nó tập quý giá nhất trong bộ Supermam, tập giới thiệu cốt truyện, về vụ nổ ở Hành tinh Krypton và chiếc phi thuyền-tên lửa mà Jor-El cha cậu bé đã gửi cậu vượt không gian, hạ cánh xuống trái đất và được vợ chồng nhà Kent hiền lành, trung hậu nuôi nấng… chẳng lẽ không ai nhìn ra?

Suốt ngần ấy năm, chẳng lẽ không ai hiểu rằng điều Bà Dubash đã làm là cải biên rồi tái chế huyền thoại có tầm ảnh hưởng nhất trong số các huyền thoại hiện đại – truyền thuyết về sự xuất hiện của Siêu nhân?

Tôi nhìn những biển quảng cáo thổi kèn giong trống về sự giáng hạ của Đức Khusro Khusrovand Bhagwan; và thấy mình, một lần nữa, buộc phải nhận trách nhiệm về những sự kiện của cái thế giới hỗn độn, hoang đường của tôi.

Tôi ngưỡng mộ cơ chân của Padma chăm chú của tôi biết mấy! Cô ngồi xổm ở đó, cách tôi vài bước, sari xắn lên kiểu dân chài. Cơ bắp chân không có dấu hiệu gì là căng cứng; cơ đùi, hằn lên những nếp dưới lớp sari, bộc lộ sự dẻo dai đáng khen ngợi. Đủ khỏe để ngồi xổm mãi, đồng thời thách thức cả trọng lực và cơn chuột rút, Padma của tôi nhẩn nha lắng nghe câu chuyện dài dòng tôi kể.

Ôi nữ cường nhân rau quả dầm! Yên lòng biết bao vẻ chắc nịch, vỗ về biết mấy cảm giác vững chãi toát ra từ bắp tay cô… vì niềm ngưỡng mộ của tôi còn lan sang cánh tay cô, đôi tay có thể vật tay tôi xuống trong tích tắc, và, khi siết lấy tôi hàng đêm trong những cái ôm vô ích, không cho tôi cơ hội trốn thoát.

Giờ đã qua cơn khủng hoảng, chúng tôi sống trong sự hòa hợp tuyệt đối: tôi kể, cô nghe tôi kể; cô chăm sóc, và tôi vui lòng đón nhận sự chăm sóc của cô. Tôi, trên thực tế, hoàn toàn mãn nguyện với chất cơ bắp không phàn nàn ở Padma Mangroli, người, không hiểu vì đâu, lại hứng thú với tôi hơn là câu chuyện của tôi.

Vì sao tôi lại quyết định diễn giải về hệ thống cơ bắp của Padma: những ngày này, bởi, vì chính những cơ bắp ấy, không kém bất cứ điều gì hay người nào (chẳng hạn con trai tôi, hãy còn chưa biết đọc), mà tôi kể câu chuyện này. Bởi tôi đang lao về phía trước với tốc độ chóng mặt; sai sót là khó tránh, và cường điệu, và những biến đổi xung đột nhau về giọng điệu; tôi đang chạy đua với những vết nứt, nhưng tôi vẫn ý thức được rằng đã có những sai sót, và rằng, khi quá trình phân rã của tôi tăng tốc (tốc độ viết của tôi phải chật vật mới theo kịp), nguy cơ về tính bất khả tín tăng lên… trong hoàn cảnh ấy, tôi đang học cách lấy cơ bắp của Padma làm chỉ dấu cho mình. Khi cô chán, tôi phát hiện trong thớ thịt cô những nếp nhăn hờ hững; khi cô thấy thiếu thuyết phục, má cô bắt đầu giật khẽ.

Vũ điệu của hệ thống cơ bắp của cô giúp tôi không chệch đường ray; bởi vì trong tự truyện, cũng như trong mọi loại hình văn học, điều thực sự diễn ra không quan trọng bằng điều tác giả thuyết phục được độc giả tin vào… Padma, với việc chấp nhận câu chuyện về Cyrus-đại-đế, đã cho tôi dũng khí đẩy nhanh tiến độ, bước vào thời kỳ thê thảm nhất trong năm thứ mười một của đời tôi (những điều tồi tệ hơn còn, đã còn, ở phía trước) – vào tháng Tám-và-Chín, khi mạc khải trào ra nhanh hơn máu.

Mấy tấm biển gật gù được hạ xuống chưa bao lâu thì đội giải phóng mặt bằng của đám đàn bà nhà Narlikar đã tiến vào; Biệt thự Buckingham bị bao trùm trong cơn bão bụi ầm ào từ những cung điện đang chết của William Methwold. Được bụi che khuất tầm nhìn từ đường Warden phía dưới, chúng tôi mặc dù vậy vẫn bị tổn thương qua đường điện thoại; và chính điện thoại đã báo tin, qua giọng nói run rẩy của mợ Pia, về việc chú Hanif thân yêu của tôi đã tự tử.

Mất đi khoản thu nhập từ Homi Catrack, cậu tôi đã đem theo giọng nói rền vang và nỗi ám ảnh về những con cơ và về hiện thực lên nóc tòa nhà ở Marine Drive; cậu đã bước ra giữa làn gió biển buổi tối, và (khi rơi xuống) làm cho đám ăn mày kinh hãi tới mức họ thôi giả mù mà vừa la hét vừa chạy tán loạn… lúc chết cũng như lúc sống, Hanif Aziz giương cao ngọn cờ sự thật và khiến giả tạo phải tháo chạy. Cậu mới gần ba mươi tư tuổi. Án mạng sản sinh ra cái chết; khi giết Homi Catrack, tôi đồng thời đã giết cậu mình. Đó là lỗi của tôi; và chết chóc vẫn chưa dừng ở đó.

Cả đại gia đình họp mặt tại Biệt thự Buckingham: từ Agra, Aadam Aziz và Mẹ Bề trên; từ Delhi, cậu Mustapha, người Công Chức đã trau chuốt kỹ năng tán đồng ý kiến của cấp trên đến độ họ không buồn lắng nghe cậu nữa, nguyên do khiến cậu chẳng bao giờ được đề bạt; cùng cô vợ Sonia nửa Iran và mấy đứa con bị đánh nhừ tử đến đần đụt cả người đi, khiến tôi không nhớ nổi là có bao nhiều đứa.

Và từ Pakistan, bác Alia cay đắng, cả Đại tướng Zulfikar và dì Emerald, mang theo hai mươi bảy kiện hành lý với hai người hầu, và không ngừng xem đồng hồ và hỏi hôm nay ngày mấy. Thằng Zafar con họ cũng tới. Và, để cho đủ mặt, mẹ tôi đưa mợ Pia đến ở nhà chúng tôi, “ít ra là trong bốn mươi ngày tang kỳ, em dâu ạ.”

Suốt bốn mươi ngày, chúng tôi bị vây hãm trong bụi. Bụi luồn vào dưới những tấm khăn bông ướt chẹn quanh mọi cửa sổ, bụi ranh mãnh lẻn vào theo mỗi người đến viếng, bụi ngấm qua tường rồi lơ lửng như một vòng hoa tang không hình thù trong không khí, bụi nhấn chìm những tiếng khóc than theo nghi thức và những lời rỉa rói cay nghiệt của đám họ hàng đau khổ. Tàn dư của Điền trang Methwold lắng xuống người bà tôi và kích động bà nổi một cơn cuồng nộ. Chúng làm lỗ mũi bị bóp hẹp của Đại tướng Zulfikar mặt Punchinello ngứa ngáy và khiến ông ta hắt xì vào cằm mình.

Giữa màn sương bụi ma quái, đôi khi chúng tôi dường như có thể nhận thấy những hình hài của quá khứ, ảo ảnh chiếc pianola bị nghiền nát vụn của Lila Sabarmati hay song sắt nhà tù trên cửa sổ xà lim của Toxy Catrack; bức tượng khỏa thân của ông Dubash nhảy múa dưới dạng bụi qua các phòng, và đám poster đầu bò của Sonny Ibrahim viếng thăm chúng tôi như những đám mây. Đám đàn bà nhà Narlikar đã dọn đi trong lúc xe ủi làm việc; chỉ còn lại mình chúng tôi giữa cơn bão bụi, khiến tất cả mọi người có vẻ ngoài của đồ đạc bị bỏ quên, như thể chúng tôi là những bàn ghế bị vứt bỏ hàng thập niên không ga phủ. Tất cả nhìn như hồn ma của chính mình.

Chúng tôi là một vương triều sinh ra từ một cái mũi – con quái vật mỏ khoằm trên mặt Aadam Aziz, và bụi, xâm nhập vào lỗ mũi chúng tôi trong thời kỳ tang trở, phá vỡ sự kiềm chế của mọi người, bào mòn các khuôn khổ cho phép mỗi gia đình tồn tại; trong cơn bão bụi của những cung điện đang chết, tất cả đã nói và thấy và làm những điều mà từ đó chúng tôi vĩnh viễn không thể phục hồi.

Tất cả bắt đầu từ Mẹ Bề trên, có lẽ vì năm tháng đã làm bà lên cân cho đến khi trông bà giống ngọn núi Sankara Acharya tại Srinagar quê bà, nên bà phơi bày diện tích bề mặt lớn nhất cho bụi tấn công. Từ cơ thể như núi của bà sầm sập đổ xuống một âm thanh như tuyết lở, mà, khi biến thành lời, trở thành một trận công kích dữ dội nhắm vào mợ Pia, người góa phụ đang đau khổ. Chúng tôi đều nhận thấy mumani của tôi đang xử sự bất thường. Có một cảm giác không ai nói ra, rằng một diễn viên với vị thế như mợ lẽ ra phải đáp ứng thách thức cho vai trò quả phụ một cách xứng tầm.

Trong vô thức chúng tôi háo hức được thấy mợ đau khổ, chờ đợi được xem một đào thương tài sắc biên diễn thảm kịch của bản thân, mong ngóng một vở raga[7] bốn mươi ngày trong đó tài hoa và nhuần nhị, đau thương thảm thiết và tuyệt vọng âm thầm hòa quyện trong một tỷ lệ chuẩn mực của nghệ thuật; nhưng Pia vẫn câm lặng, mắt khô, và trấn tĩnh đến mức làm ai nấy đều cụt hứng.

Amina Sinai và Emeralad Zulfikar gào khóc rồi bứt tóc, cô gắng khơi dậy ngọn lửa tài năng trong Pia. Nhưng cuối cùng, khi có vẻ như không gì lay chuyển nổi Pia, Mẹ Bề trên mất kiên nhẫn. Bụi ngấm vào cơn thịnh nộ vì thất vọng ở bà gia tăng độ cay nghiệt của nó.

“Con đàn bà ấy, cáigìkhôngbiết,” Mẹ Bề trên gầm lên, “tao đã bảo mà? Con trai tao, Allah, đáng lẽ nó phải thành đạt lắm, nhưng không, cái-gì-không-biết, nó buộc thằng bé hủy hoại đời mình; nó phải nhảy khỏi mái nhà, cái-gì-không-biết, để thoát được ả.”

[7] Tiếng Phạn nghĩa là màu sắc, sắc thái. Đây là một loại hình âm nhạc cổ truyền của Ấn Độ, thường dùng để biểu đạt những sắc thái cảm xúc tôn giáo.

Lời đã thốt ra; không thể thu lại. Pia như hóa đá; nội tâm tôi lẩy bẩy như bánh bột ngô. Mẹ Bề trên hầm hầm tiếp tục; bà thề độc trên từng sợi tóc trên đầu đứa con trai đã chết.

“Chừng nào nó chưa tỏ lòng thương xót con tao, cái-gì-không-biết, chừng nào nó chưa rỏ nước mắt cho đáng mặt làm vợ, đừng hòng tao sẽ ăn lấy một miếng. Xấu xa ô nhục thay, cái-gì-không-biết, cái cách nó ngồi đó với antimony trên mặt thay vì nước mắt!”

Ngôi nhà rung động với tiếng vọng này của cuộc chiến cũ giữa bà và Aadam Aziz. Và đến ngày thứ hai mươi trong bốn mươi ngày, ai nấy đều sợ bà tôi sẽ chết vì đói và bốn mươi ngày này sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Bà nằm cát bụi phủ đầy trên giường; chúng tôi chờ đợi và lo sợ.

Tôi đã phá vỡ thế bế tắc giữa bà và mợ tôi; do vậy ít ra tôi có thể chính đáng tự nhận là đã cứu một mạng người. Vào ngày thứ hai mươi, tôi đi tìm Pia lúc ấy đang ngồi đờ đẫn như người mù trong căn phòng ở tầng trệt; để kiếm cớ cho cuộc viếng thăm, tôi vụng về xin lỗi về những hành vi nông nổi của mình ở căn hộ trên Marine Drive.

Pia lên tiếng, sau một lúc im lặng xa vắng, “Bao giờ cũng kịch,” mợ nói, bình thản, “Cả ở người thân, cả trong công việc. Anh ấy chết vỉ căm ghét những gì kịch; vì thế ta không khóc.”

Lúc đó tôi không hiểu, nhưng giờ tôi biết Pia Aziz hoàn toàn đúng. Bị tước đi sinh kế vì vứt bỏ phong thái giật gân rẻ tiền của điện ảnh Bombay, cậu tôi sải bước ra khỏi mái nhà; kịch đã khơi cảm cảm hứng cho (và, có lẽ, đã làm hoen ố) cú nhảy trở lại mặt đất[8] sau cùng của cậu. Pia nhất định không khóc là để tỏ lòng tưởng nhớ cậu… song nỗ lực thừa nhận điều này đã khoan thủng bức tường tự chủ của mợ. Bụi khiến mợ hắt xì, cơn hắt xì khiến nước mắt trào dâng. Và giờ nước mắt chảy không dừng, và cuối cùng chúng tôi đều được chứng kiến màn trình diễn tất cả đã kỳ vọng, bởi một khi đã chảy chúng thảy như Đài phun nước Flora, và chính mợ cũng không cưỡng lại được tài năng của mình.

Mợ định hình cơn lũ bằng bản năng của người nghệ sĩ, triển khai từng chủ đề xuyên suốt và các mô típ phụ trợ, rồi đấm bộ ngực kỳ vĩ theo một cách khiến người ta nhìn mà đau lòng, khi vò bóp, khi đập liên hồi… mợ xé quần áo và bứt tóc. Đấy là một cơn trào dâng của nước mắt, và nó thuyết phục được Mẹ Bề trên ăn uống. Dal và hạt dẻ cười chạy vào bà tôi trong khi nước muối từ mợ tôi trào ra như lũ. Lúc này Naseem Aziz sụp xuống cạnh Pia, ôm lấy mợ, biến màn độc diễn thành song tấu, pha trộn điệu nhạc chị em giảng hòa với những hòa âm đẹp đẽ khó cầm lòng nỗi đau thương. Tay chúng tôi ngứa ngáy một niềm tán thưởng khó bề diễn tả.

Và cao trào hãy còn ở phía trước, vì Pia, người nghệ sĩ, đã đưa nỗ lực bi tráng của mình đến một hồi kết tuyệt đích. Gục đầu trong lòng mẹ chồng, mợ nói bằng một giọng phục tùng và trống rỗng: “Mẹ, con bất hiếu cuối cùng xin nghe lời mẹ; mẹ bảo con làm gì, con làm nấy.”

Và Mẹ Bề trên, giàn giụa nước mắt: “Con gái ơi, Aziz cha con và ta sắp đi Rawalpindi; chúng ta sẽ an hưởng tuổi già ở gần đứa con gái út, Emerald. Con sẽ đi cùng, ta sẽ mua cho con một trạm xăng.”

Và thế là giấc mơ của Mẹ Bề trên bắt đầu thành sự thật, và Pia Aziz đã bằng lòng từ bỏ thế giới phim ảnh đổi lấy thế giới xăng dầu. Cậu Hanif tôi chắc hẳn sẽ tán thành, tôi nghĩ vậy.

[8] Nguyên văn dive to earth (nhảy xuống đất) đọc gần giống down to earth nghĩa là không viễn vông, thực tế.

Bụi tác động tới tất cả chúng tôi trong bốn mươi ngày ấy; nó làm Ahmed Sinai cáu bẳn và gắt gỏng, nên ông nhất định không bồi tiếp các ông em đồng hao và bắt Alice Pereira chuyển thông điệp đến mọi người đang than khóc, những thông điệp được chính ông gào lên từ văn phòng: “Bé cái mồm lại! Tôi đang phải làm việc giữa lúc om sòm ầm ĩ này đây!” Điều này khiến Đại tướng Zulfikar và Emerald liên tục xem lịch ngày và lịch chuyến bay, trong khi thằng Zafar con họ bắt đầu bốc phét với con Khỉ Đồng rằng nó sẽ bảo bố nó sắp xếp cho hai đứa lấy nhau.

“Mày thế là may mắn lắm đấy,” thằng em họ hợm hĩnh này bảo em gái tôi, “Bố tao là đại gia ở Pakistan.”

Nhưng mặc dù Zafar thừa kế ngoại hình của bố nó, bụi đã đè nén khí phách của con Khỉ Đồng, nên nó chẳng lòng dạ nào choảng nhau với thằng kia. Trong khi đó, bác Alia phát tán nỗi thất vọng xa xưa, bụi bặm của mình trong không khí, và những người họ hàng kỳ dị nhất của tôi, gia đình cậu Mustapha, ngồi lầm lì ở góc nhà và bị lãng quên như thường lệ; bộ ria của Mustapha Aziz, được vuốt sáp và hai đầu vểnh lên một cách kiêu hãnh khi cậu mới tới, từ lâu đã rủ xuống dưới tác động đầy trầm uất của bụi.

Và rồi, vào ngày thứ hai mươi hai của tang kỳ, ông tôi, Aadam Aziz, nhìn thấy Chúa.

Năm ấy ông tôi sáu mươi tám tuổi – vẫn già hơn thế kỷ này mười tuổi. Nhưng mười sáu năm thiếu vắng sự lạc quan đã để lại hậu quả nặng nề; mắt ông vẫn xanh, nhưng lưng thì còng. Lê bước quanh Biệt thự Buckingham trong chiếc mũ chỏm thêu và chiếc áo chugah dài – cũng bị phủ một lớp bụi mỏng – ông trệu trạo nhai cà rốt sống, ứa từng sợi nước bọt xuống bờ cằm màu trắng với hàm râu muối tiêu. Và trong khi ông tàn tạ, Mẹ Bề trên ngày càng to hơn và khỏe hơn. Bà, người từng mếu máo một cách tội nghiệp khi trông thấy Mercurochrome, thì nay dường như lại lớn mạnh trên sự suy yếu của ông, như thể cuộc hôn nhân của họ là một thứ phối ngẫu huyền bí, trong đó ả hồ ly đội lốt nàng khuê nữ ngây thơ hiện thân trước mắt người đàn ông.

Và, sau khi dẫn dụ họ đến cuộc động phòng hoa chúc, liền khôi phục bản chất thật, đáng sợ của mình và bắt đầu hút cạn linh hồn họ… bà tôi, hồi ấy, đã mọc ra một bộ ria tươi tốt không kém hàng ria trĩu bụi trên môi đứa con trai duy nhất còn sống là mấy. Bà ngồi khoanh chân trên giường, phết lên môi một chất lỏng bí hiểm đóng cứng lại quanh bộ ria rồi sẽ bị một bàn tay mạnh mẽ, quả quyết, giật ra; nhưng bài thuốc ấy chỉ càng làm quái chứng này trầm trọng thêm.

“Ông ấy đã thành ra như một đứa trẻ, cái-gì-không-biết.” Mẹ Bề trên bảo các con của ông tôi, “và Hanif đã kết liễu ông ấy.”

Bà cảnh báo chúng tôi rằng ông bắt đầu nhìn thấy nhiều thứ.

“Ông ấy nói chuyện với người vô hình,” bà lớn tiếng thì thầm trong khí ông vừa tha thẩn trong phòng vừa mút răng, “Ông ấy gọi tướng lên, cái-gì-không-biết! Giữa canh khuya!”

Và bà nhại ông: “Hô, Tai? Bác đấy à?”

Bà kể cho lũ trẻ bọn tôi nghe về người lái đò, về con Chim ngân nga, và về Quận chúa xứ Cooch Naheen.

“Ông lão tội nghiệp sống quá lâu, cáigìkhôngbiết; người làm cha không nên nhìn thấy con mình chết trước.”

Và Amina, lắng nghe, lắc đầu thông cảm, không hề biết rằng Aadam Aziz sẽ để lại cho bà di sản này – rằng cả bà, trong những ngày cuối đời, sẽ được những thứ chẳng có lý do gì để quay lại viếng thăm.

Chúng tôi không thể dùng quạt trần vì bụi; mồ hôi chảy xuống mặt người ông quỵ ngã của tôi và lưu lại những vệt bùn trên má ông. Thỉnh thoảng ông lại túm lấy bất cứ ai ở gần, rồi nói hết sức tỉnh táo: “Chừng nào chưa tự lập làm vua cha truyền con nối thì cái nhà Nehru[9] này chưa vừa lòng đâu!”

Hoặc, nhểu dãi vào mặt Tướng Zulfikar đương rúm ró: “À, Pakistan bất hạnh! Giới cầm quyền phụng sự đất nước thật chả ra gì!”

Nhưng những lúc khác dường như ông tưởng tượng ra mình đang ở trong một hiệu đá quý, và lẩm bẩm: “… Ừ: có ngọc lục bảo và hồng ngọc…”

Con Khỉ thì thầm với tôi: “Ông sắp chết à?”

[9] Jawaharial Nehru là Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ. Con gái ông, Indira Gandhi, và cháu ngoại ông, Rajiv Gandhi, đều là Thủ tướng nước này.

Điều đã rỉ từ Aadam Aziz sang tôi: tính dễ tổn thương trước phụ nữ, và cả căn nguyên của nó, nghĩa là cái lỗ ở trung tâm của ông, hệ quả của thất bại của ông (mà cũng là của tôi) trong việc tin hoặc không tin ở Chúa. Và một điều nữa – điều mà, ở tuổi mười một, tôi nhận ra trước tất cả mọi người. Ông tôi đã bắt đầu rạn nứt.

“Ở đầu à?” Padma hỏi, “Ý ông là não có vấn đề?”

Lão lái đò Tai bảo: “Băng giá luôn rình rập, Aadam baba, ngay dưới mặt nước thôi.” Tôi nhìn thấy vết rạn trong mắt ông – một đường gân không màu, mỏng mảnh trên nền xanh. Tôi thấy một mạng lưới những đường nứt lan tỏa dưới làn da sần sùi của ông, và tôi trả lời câu hỏi của con Khỉ: “Anh nghĩ vậy.”

Khi bốn mươi ngày tang kỳ chưa kết thúc, da ông đã bắt đầu nứt và rụng và tróc. Ông gần như không há miệng ăn được bởi vì khóe môi nứt nẻ, còn răng ông bắt đầu rụng lả tả như ruồi dính Flit[10]. Nhưng cái chết rạn nứt có thể rất chậm, và khá lâu sau chúng tôi mới biết về những vết nứt khác, về chứng bệnh gặm nhấm xương ông, khiến cuối cùng xương cốt ông rã tan thành bột trong cái bao dãi dầu mưa nắng từng là bộ da của ông.

[10] Một nhãn hiệu thuốc diệt côn trùng của Mỹ phổ biến trong thời kỳ 1930-1960.

Padma đột nhiên có vẻ hoảng hốt. “Ông nói gì vậy? Này ông: có phải ý ông là ông cũng… thứ quái quỷ gì lại ăn mòn được cả xương người? Có phải…”

Không có thời gian để dừng lại lúc này, không có thời gian để thông cảm hay sợ hãi, tôi đã đi xa hơn mức cần thiết. Lùi lại đôi chút về thời gian, tôi phải nói rằng cũng đã có một thứ từ tôi rỉ sang Aadam Aziz. Bởi vì vào ngày thứ hai mươi ba của tang kỳ, ông yêu cầu toàn gia đình tập hợp trong chính căn phòng của bình pha lê (khỏi cần giấu chúng đi vì cậu tôi nữa) và nệm gối, và quạt trần bất động, chính căn phòng nơi tôi từng thông báo về những huyễn tưởng của mình…

Mẹ Bề trên từng nói: “Ông ấy đã thành như một đứa trẻ.”

Như một đứa trẻ, ông tôi thông báo rằng, ba tuần sau khi biết tin về cái chết của đứa con trai mà ông ngỡ đang sống yên vui, ông đã tận mắt nhìn thấy Chúa, đức Chúa với cái chết mà ông đã cố gắng cả đời để tin vào. Và, như với một đứa trẻ, chẳng ai tin ông. Trừ một người…

“Phải, nghe đây,” ông nói, lời ông là sự mô phỏng yếu ớt của giọng nói rền vang ngày xưa, “Ừ, Quận chúa? Ngài có đây không? Và Abdullah? Lại ngồi đi, Nadir, có tin mới đây – Ahmed đâu? Alia sẽ muốn nó có mặt… Chúa, các con ạ. Chúa, người ta đối kháng suốt cuộc đời. Oskar? Ilse? – Không, dĩ nhiên. Ta biết họ chết rồi. Các con nghĩ ta già rồi, khéo còn lẩn thẩn nữa; nhưng ta đã gặp Chúa.”

Và câu chuyện, dù dông dài và ngắt quãng, nhưng đã từ từ hé lộ: lúc nửa đêm, ông tỉnh giấc trong căn phòng tối. Có ai đó ở đây – ai đó, không phải vợ ông. Mẹ Bề trên, vẫn ngáy trên giường. Nhưng có ai đó. Ai đó với lớp bụi phát sáng trên người, phản quang từ vầng trăng sắp lặn.

Và Aadam Aziz, “Hô, Tai? Bác đấy à?”

Và Mẹ Bề trên, ú ớ trong giấc ngủ, “Ối, ngủ đi, ông nó, quên chuyện đó đi…”

Nhưng cái người nọ, cái vật nọ, lại kêu lên (làm ông) thảng thốt: “Đức Jesus Christ Toàn năng!” (Giữa đám bình pha lê mài, ông tôi cười hê hê với vẻ ăn năn, vì trót nhắc đến cái tên dị giáo.)

“Đức Jesus Christ Toàn năng!” và ông tôi nhìn, và thấy, phải, hai bàn tay thủng lỗ chỗ, hai bàn chân rỗ liu riu, như ông từng thấy ở một… Nhưng ông dụi mắt, lắc lắc đầu, cất tiếng: “Ai? Tên gì? Nói gì thế?”

Và nhân ảnh nọ, thảng thốt, và làm ông cũng thảng thốt, “Chúa! Chúa!” Và sau một khắc im lặng, “Ta không nghĩ là ông nhìn thấy ta.”

“Nhưng ta đã nhìn thấy Ông ta,” ông nói dưới những cánh quạt trần bất động. “Phải, ta không thể phủ nhận, chắc chắn ta đã thấy”

Và nhân ảnh: “Ông là người có đứa con trai mới chết”

Và ông tôi, một cơn đau dậy lên trong ngực: “Tại sao? Tại sao lại thế?”

Sinh vật nọ, sở dĩ hiện hình vì bụi phủ lên, đáp lời: “Chúa có lý do của mình, ông lão ạ; đời là thế mà, phải không?”

Mẹ Bề trên cho chúng tôi giải tán. “Ông lão không hiểu mình nói gì đâu, cáigìkhôngbiết. Đúng thật là, đầu hai thứ tóc rồi đâm ra báng bổ!”

Nhưng Mary Pereira ra đi với gương mặt trắng bệch như ga trải giường, Mary biết Aadam Aziz đã nhìn thấy ai – người, mục rữa vì gánh chịu trách nhiệm về tội lỗi của cô, cả chân tay đều thủng lỗ chỗ; người bị rắn cắn xuyên gót chân; người đã chết trong ngọn tháp đồng hồ gần đó, và bị nhận nhầm là Chúa.

Tôi có thể kết thúc câu chuyện của ông tôi ngay ở đây. Lúc này, tôi đã kể đến tận đây, và chưa chắc sau này sẽ còn cơ hội nữa… đâu đó thẳm sâu trong tình trạng lão suy của ông, cái tình trạng khiến tôi không khỏi nhớ đến sự điên rồ của giáo sư Schaapsteker ở tầng trên, đã bắt rễ ý niệm cay đắng rằng Chúa, với thái độ hờ hững trước việc Hanif tự sát, đã chứng tỏ ông ta có tội trong việc này.

Aadam nắm chặt ve áo nhà binh của Đại tướng Zulfikar và thì thào: “Vì ta chưa bao giờ tin, hắn đã cướp con trai ta!”

Và Zulfikar: “Không, không, Sahib Bác sĩ, ông đừng nên tự làm khổ mình…”

Nhưng Aadam Aziz không bao giờ quên những gì ông đã thấy, dù chi tiết về vị thần linh cụ thể mà ông gặp cứ nhòa dần trong tâm trí ông, chỉ để lại một cơn thèm khát mãnh liệt và nhỏ dãi là được báo thù (một nỗi khao khát quen thuộc với cả hai chúng tôi)… khi kết thúc bốn mươi ngày tang kỳ, ông sẽ từ chối đi Pakistan (theo kế hoạch của Mẹ Bề trên) bởi đó là một đất nước được xây nên dành riêng cho Chúa.

Và trong những năm cuối đời ông thường gây tai tiếng khi lập cập chống gậy bước vào các thánh đường và đền thờ, buông lời chửi rủa và quật bất kỳ tín đồ hay giáo sĩ nào ở trong tầm gậy. Ở Agra, mọi người chịu đựng ông vì kính trọng đức độ của ông ngày trước; mấy ông già ở hàng trầu trên Đường Conrwallis chơi trò phụt-ống-nhổ và hồi tưởng trong niềm thương cảm về quá khứ của Sahib Bác sĩ. Mẹ Bề trên đành nhượng bộ ông, nếu không vì lý do nào khác thì chính là lý do này – tính đả phá tín ngưỡng trong hành vi lẩm cẩm của ông chắc chắn sẽ gây tai tiếng tại một đất nước nơi chẳng ai biết về ông.

Bên dưới những lẩn thẩn và giận dữ của ông, những vết nứt tiếp tục lan rộng; căn bệnh này gặm sồn sột xương ông, trong khi thù hằn ăn nốt những phần còn lại. Tuy nhiên, mãi đến 1964, ông mới qua đời.

Chuyện xảy ra như sau: ngày thứ Tư, 25 tháng Mười hai năm 1963 – vào đúng Giáng sinh! – Mẹ Bề trên thức giấc, và không thấy chồng đâu. Chạy bổ ra sân nhà, giữa bầy ngỗng kêu phì phì và ánh hừng đông nhàn nhạt, bà gọi người giúp việc, và được báo rằng Sahib Bác sĩ đã bắt xe kéo chạy ra ga. Khi bà ra tới ga, tàu đã khởi hành, và cứ như thế ông tôi, nghe theo một niềm thôi thúc không tên, bắt đầu hành trình cuối cùng của mình, để ông có thể kết thúc câu chuyện của ông ở nơi đó (và chuyện của tôi) khởi đầu, tại một thành phố có núi non bao quanh và nằm trên mặt hồ.

Thung lũng náu mình trong chiếc vỏ trứng bằng băng, núi non đã tiến lại gần, như một hàm răng giận dữ ngoác miệng ngoạm lấy thành phố trên hồ… mùa đông ở Srinagar; mùa đông ở Kashmir.

Vào thứ Sáu, ngày 27 tháng Mười hai, người ta trông thấy một người đàn ông trùng khớp về nhân dạng với ông tôi, khoác chugha, mồm chảy dãi, ở gần Thánh đường Hazratbal. Vào bốn giờ bốn mươi lăm phút sáng thứ Bảy, Haji Muhammad Khakil Ghanai phát hiện ra, ở nội điện của Thánh đường, vụ đánh cắp thánh tích trân quý nhất của thung lũng; sợi tóc thiêng của Đấng Tiên tri Muhammad.

Là ông? Không phải ông? Nếu là ông, vì sao ông không vào Thánh đường, gậy trong tay, và nện các tín đồ như ông đã quen làm? Nếu không phải ông, thì tại sao? Có tin đồn về một âm mưu của Chính quyền Trung ương “làm nhụt ý chí của cộng đồng Hồi giáo Kashmir”, bằng cách đánh cắp sợi tóc thiêng của họ. Và cả những tin đồn trái chiều về các agent provocateur[11] của Pakistan, những kẻ chắc hẳn đã ăn trộm thánh tích nhằm châm ngòi bạo loạn… phải không? Hay không phải? Tai biến kỳ lạ này kỳ thực là một âm mưu chính trị, hay là nỗ lực tối hậu nhằm trả thù Đức Chúa của một người cha mất con?

Trong mười ngày, không gian bếp đạo Hồi nào đỏ lửa, dân tình bạo động và đốt xe cộ; nhưng ông tôi nay đã đứng trên chính trị, và không ai thấy ông gia nhập một đoàn biểu tình nào. Ông là người mang một sứ mệnh đơn độc, và người ta chỉ biết rằng vào ngày 1 tháng Một năm 1964 (nghĩa là thứ Tư, chỉ một tuần sau khi ông rời Agra), ông hướng về quả đồi được các tín đồ đạo Hồi gọi một cách sai lầm là Takht-e-Sulaiman, ngai vàng của Solomon, trên đỉnh sừng sững một cột phát thanh, và nốt rộp đen hình ngôi đền của Acharya[12] Sankara.

Bỏ lại sau cơn hoang mang của cả thành phố, ông trèo lên; trong khi chứng rạn nứt bên trong cần mẫn gặm mòn xương ông. Không ai nhận ra ông.

[11] Những đối tượng được thuê để kích động người khác có hành vi phạm pháp.

[12] Người có đạo hạnh, đóng vai trò hướng dẫn tín đồ tụ tập tôn giáo. (Adi) Shankara là một bậc thầy có tầm ảnh hưởng rộng lớn của Ấn Độ giáo (sinh/mất vào khoảng 788-820 Công nguyên).

Bác sĩ Aadam Aziz (đã về lại Heidelberg) chết năm ngày trước khi Chính quyền thông báo cuộc truy tìm quy mô lớn sợi tóc độc nhất của Nhà Tiên tri đã thắng lợi. Khi các bậc rất thánh của Quốc gia tề tựu để xác minh sợi tóc, ông tôi chẳng thể cho họ biết sự thật được nữa. (Nếu họ nhầm… nhưng tôi không thể giải đáp câu hỏi tôi vừa đặt ra.) Bị bắt – và sau đó được phóng thích do sức khỏe yếu – là một gã Abdul Rahim Bande nào đó, nhưng có lẽ ông tôi, ví thử ông còn sống, sẽ rọi một ánh sáng kỳ lạ hơn vào vụ này

Giữa trưa ngày 1 tháng Một, Aadam Aziz lên đến ngoài đền Sankara Acharya. Người ta thấy ông vung cây can lên, trong đền, những người đàn bà đang làm lễ puja trước bệ Shiva-linga[13] rụt lại – như đàn bà từng rụt lại trước cơn thịnh nộ của một bác sĩ khác, bị ám ảnh về tetrapod. Vừa lúc đó rạn nứt chiếm lĩnh ông, chân ông rũ xuống trong khi xương ông tan rã, và chấn động của cú ngã khiến bộ xương ông vỡ nát không thể nào cứu vãn.

Người ta nhận ra ông nhờ những giấy tờ trong túi áo chugha: một bức ảnh đứa con trai, và lá thư viết dở (và may thay, đề đúng địa chỉ) gửi vợ mình. Thi hài ông, không vận chuyển được vì quá dễ vỡ, được chôn cất tại thung lũng nơi ông sinh ra.

[13] Bệ thờ hình linga, tượng trưng cho thần Shiva.

Tôi quan sát Padma, cơ bắp của cô có dấu hiệu co giật một cách lơ đãng.

“Thử nghĩ xem,” Tôi nói, “chuyện xảy ra với ông tôi chẳng phải rất kỳ quái hay sao? Thử so sánh nó với riêng sự thật về những om sòm rất thánh quanh vụ trộm một sợi tóc. Bởi từng chi tiết của nó đều là thật, và nếu đem so sánh, thì cái chết của mọi ông già khác chắc chắn là hết sức bình thường.”

Padma có vẻ thư giãn, cơ bắp cô phát ra tín hiệu cho tôi tiếp tục. Bởi vì tôi đã dừng lại ở Aadam Aziz quá lâu, có lẽ vì tôi sợ hãi điều tiếp theo tôi phải kể, nhưng mạc khải là điều không thể tránh khỏi.

Một thông tin cuối cùng: sau cái chết của ông tôi, Thủ tướng Jawaharhal Nehru lâm bệnh và không bao giờ hồi phục. Căn bệnh hiểm nghèo này rốt cuộc đã giết chết ông vào ngày 27 tháng Năm năm 1964.

Nếu lúc trước tôi không định làm anh hùng, Zagallo đã chẳng giật tóc tôi. Nếu tóc tôi vẫn còn nguyên vẹn, Keith Nội tiết với Perce Béo đã chẳng trêu tôi, Masha Miovic đã không dụ tôi đến chỗ mất ngón tay. Và từ ngón tay tôi trào ra dòng máu không-phải-Alpha-cũng-như-Omega, và đẩy tôi vào cảnh lưu đày. Và ở nơi lưu đày trong tôi trỗi dậy niềm khao khát báo thù dẫn đến vụ sát hại Homi Catrack. Và nếu Homi không chết, có lẽ cậu tôi sẽ không bước từ mái nhà ra giữa làn gió biển. Và rồi ông tôi sẽ không tới Kashmir và bị vỡ vụn vì gắng sức leo lên đồi Sankara Acharya. Mà ông tôi lại là người sáng lập ra gia đình tôi, và số phận của tôi lại gắn liền, qua ngày sinh của tôi, với vận mệnh của đất nước tôi, mà người cha của đất nước này là Nehru. Cái chết cùa Nehru: liệu tôi có thể né tránh cái kết luận rằng, kể cả điều này, cũng là lỗi của tôi?

Nhưng giờ chúng ta trở lại với năm 1958, bởi vì vào ngày thứ ba mươi bảy của tang kỳ, sự thật, vốn hằng rình rập Mary Pereira – và do đó rình rập tôi – trong hơn mười một năm, cuối cùng đã được phơi bày. Sự thật, trong hình hài một người đàn ông già, rất già, người mà mùi hôi thối của Địa ngục xộc thẳng vào cả hai lỗ mũi bị nghẹt của tôi, người bị rụng ngón tay ngón chân còn cơ thể thì tứ tung mụn nhọt và lỗ thủng, leo lên ngọn đồi hai tầng nhà chúng tôi, và từ vùng mây bụi hiện ra trước mắt Mary Pereira đang lau chùi những tấm mành sáo ở hiên nhà.

Tại đây, lúc này, ác mộng của Mary đã thành hiện thực; tại đây, hiện hình sau màn bụi, là hồn ma của Joe D’Costa, đang đi đến văn phòng ở tầng trệt của Ahmed Sinai! Như thể việc hiện thân trước Aadam Aziz là chưa đủ…

“Arre, Joseph,” Mary rú lên, đánh rơi mảnh giẻ lau, “anh đi ngay đi! Đừng có đến đây! Đừng đem những khổ sở của anh đến làm phiền các sahib! Chúa ơi, Joseph, đi, đi mau, anh định giết tôi hôm này à!” Nhưng hồn ma đã đi đến con đường vào nhà.

Mary Pereira, bỏ mặc đám mành sáo, để kệ chúng treo xiên xẹo, lao vào trung tâm ngôi nhà, phủ phục dưới chân mẹ tôi – đôi tay nhỏ múp míp chắp lại cầu xin: “Begum Sahiba! Begum Sahiba, tha thứ cho con!”

Và mẹ tôi, ngỡ ngàng: “Cái gì thế này, Mary? Ai làm gì cô nào?”

Nhưng Mary không còn tâm trí để đối thoại, cô khóc lóc điên cuồng, nức nở: “Lạy Chúa giờ của con đã điểm, Bà kính mến, chỉ xin bà cho con ra đi yên ổn, đừng bắt con vào jailkhana[14]!”

Rồi thì: “Mười một năm, thưa Bà, bà xem con có một lòng yêu quý nhà ta không, hở Bà, cả cậu bé mặt như trăng rằm kia nữa, nhưng giờ thì con xong rồi, con là đồ đàn bà xấu xa, con sẽ chết cháy dưới hỏa ngục! Funtoosh!”

Mary rền rĩ, và một lần nữa, “Hết cả rồi, funtoosh!”

[14] Jail trong tiếng Anh nghĩa là nhà tù. Đây là một từ được Ấn hóa (jail + khana) và vẫn mang nghĩa này.

Tôi vẫn chưa đoán ra điều gì sắp đến, ngay cả khi Mary ôm choàng lấy tôi (giờ tôi đã cao hơn cô, nước mắt cô thấm ướt cổ tôi): “Ôi, baba, baba, hôm nay con phải biết một việc, một việc ghê gớm ta đã làm; nhưng giờ hãy theo ta…”

Và người đàn bà nhỏ bé ấy thẳng người đứng dậy với một khí phách phi thường: ”… tôi sẽ nói ra tất cả trước tên Joseph ấy. Begum, các cháu, tất cả các ông các bà, xin mọi người vào văn phòng của sahib, và tôi sẽ nói.”

Đời tôi được đánh dấu bằng những lời tuyên bố công khai; Amina tại một con hẻm Delhi, còn Mary ở một văn phòng không ánh mặt trời… cả đại gia đình lũ lượt theo sau với vẻ ngỡ ngàng, tôi đi xuống lầu cùng Mary Pereira, người không ngừng nắm chặt tay tôi.

Thứ gì ở trong phòng với Ahmed Sinai? Thứ gì đã đem đến cho cha tôi một nét mặt trên đó tửu tinh và tiền bạc bị xua đi và thay thế bởi một cái nhìn của nỗi thống khổ cùng cực? Thứ gì ngồi rúm ró ở góc phòng, phả đầy mùi trứng thối vào không khí? Thứ gì, hình dáng tựa như người, mất ngón tay và ngón chân, gương mặt sùi bong bóng như suối nước nóng ở New Zeland (mà tôi đã thấy trong Cuốn sách Kỳ diệu về Những kỳ quan)?

Không còn thời gian giải thích nữa, vì Mary đã bắt đầu nói, líu ríu tiết lộ một bí mật được che giấu đã hơn mười một năm, lôi tất cả chúng tôi ra khỏi cõi mộng mà cô đã tạo nên khi tráo thẻ tên, đẩy chúng tôi vào nỗi kinh hoàng của sự thật. Và suốt khoảng thời gian ấy, cô ấp ủ tôi; như một người mẹ bảo vệ đứa con, cô che chắn tôi trước gia đình tôi. (Những người sắp sửa biết… cũng như tôi… rằng họ không phải là…)

Lúc ấy vừa quá nửa đêm và ở ngoài đường họ bắn pháo hoa và tụ tập, con quái vật nhiều đầu gầm rú, tôi làm thế vì Joseph của tôi, sahib, nhưng xin đừng bắt tôi vào tù, thằng bé là một đứa trẻ ngoan, sahib, tôi là một người đàn bà khốn khổ, sahib, chỉ một sai lầm, chỉ một phút trong bấy nhiêu năm, đừng jailkhana mà sahib, tôi sẽ đi, mười một năm tôi cống hiến nhưng tôi sẽ đi ngay, sahib, chỉ có điều đây là một thằng bé ngoan, sahib, ngài không được đuổi nó đi, sahib, sau mười một năm nó là con trai ngài… Ôi, bé con có gương mặt như mặt trời mới mọc. Ôi bé Saleem mảnh trăng của ta, con phải biết rằng cha con là Winkie còn mẹ con đã qua đời…

Mary Pereira chạy ra khỏi phòng.

Ahmed Sinai lên tiếng, với một giọng xa xăm như tiếng chim: “Kia, trong góc nhà, là lão đầy tớ già Musa, kẻ từng một lần ăn cắp của ta.”

(Có câu chuyện nào chịu nổi nhiều thế từ sớm thế không? Tôi liếc sang Padma; xem ra cô bị choáng, như một con cá.)

Ngày xửa ngày xưa, có một người hầu, kẻ ăn cắp của cha tôi, kẻ thề rằng hắn vô tội, kẻ tự nguyện rằng bệnh hủi sẽ giáng xuống đầu nếu hắn là tên dối trá, kẻ đã bị chứng minh là nói dối. Hắn bỏ đi trong ô nhục, nhưng từ hồi đó tôi đã bảo hắn là một trái bom hẹn giờ, và hắn đã quay về để phát nổ. Quả thật, Musa đã mắc chứng hủi, và đã vượt qua sự im lặng suốt ngần ấy năm quay về xin cha tôi tha thứ, để lão được giải thoát khỏi lời nguyền tự gieo này.

… Một kẻ được gọi là Chúa dù không phải Chúa; một kẻ khác bị nhầm là ma, nhưng không phải ma; và một người thứ ba phát hiện ra rằng mặc dù tên hắn là Saleem Sinai, hắn không phải là con của cha mẹ hắn…

“Ta tha thứ cho ngươi,” Ahmed Sinai bảo lão hủi. Kể từ hôm đó, ông đã được chữa khỏi một trong các chứng ám ảnh của mình; ông không bao giờ cố gắng khám phá lời nguyền (hoàn toàn hư cấu) của dòng họ nữa.

“Tôi chẳng biết kể theo cách nào khác,” Tôi bảo Padma. “Quá đau đớn, tôi đành huỵch toẹt ra, một cách nghe thật điên rồ, như vậy thôi.”

“Ôi, thưa ông,” Padma òa khóc nức nở, “Ôi, thưa ông, thưa ông!”

“Thôi nào,” tôi nói, “Chuyện qua đã lâu rồi.”

Nhưng nước mắt của cô không dành cho tôi, lúc này đây, cô đã quên mất thứ-gặm-mòn-xương-dưới-lớp-da. Cô đang khóc vì Mary Pereira, người mà, như tôi đã nói, cô đã trở nên đặc biệt có cảm tình.

“Thế rồi cô ấy ra sao?” Cô hỏi, mắt đỏ hoe. “Cô Mary ấy?”

Một cơn giận vô cớ bỗng siết chặt tôi. Tôi hét: “Cô đi mà hỏi cô ta!”

Hỏi cô ta đã về quê ở thành phố Panjim thuộc bang Goa ra sao, hỏi cô ta đã kể cho người mẹ già nua về câu chuyện nhục nhã của mình thế nào! Hỏi cô ta xem bà mẹ đã nổi điên khi biết về vụ tai tiếng ấy ra sao! (vừa khéo thay: đó là thời kỳ người già dễ mất đi óc minh mẫn)! Hỏi xem: cô con gái và bà mẹ có ra đường để tìm kiếm sự tha thứ? Có phải đấy là thời điểm mười năm một lần xác ướp của Thánh Francis Xavier (linh thiêng không kém sợi tóc của Đấng Tiên tri) được đem ra từ hầm mộ ở Nhà thờ Bom Jesus và diễu hành quanh thành phố? Có phải Mary và cụ bà Pereira quẫn trí đều phủ phục lên cỗ linh xa, có phải bà lão đã hóa dại vì đau khổ trước tội lỗi của con gái?

Có phải bà Pereira, miệng than: “Ôi! Hỡi ôi! Ôi hỡi ôi!” đã trầy trật trèo lên linh sàng nhằm hôn chân Đức Thánh? Giữa đám đông vô kể, có phải bà lão Pereira đã phát cơn cuồng đạo? Hỏi xem! Có hay không việc bà lão, trong cơn kích động điên cuồng, đã đặt môi quanh ngón cái của bàn chân trái của Thánh Francis? Hãy tự hỏi xem: có phải mẹ của Mary đã cắn đứt ngón chân ấy?

“Sao?” Padma rền rĩ, khiếp đảm trước cơn giận của tôi. “Sao, hỏi gì?”

Và chuyện này có đúng không: có phải báo chí đã dựng chuyện khi đưa tin bà cụ đã bị thần linh trừng phạt; khi họ trích dẫn nguồn tin từ Giáo hội và các nhân chứng, mô tả cảnh bà cụ bị hóa đá ra sao? Không à? Hỏi cô ta xem có phải Giáo hội đã cho diễu bức tượng đá hình một bà già khắp các thành phố làng mạc ở Goa, cho tất cả thấy điều gì xảy đến với những kẻ mạo phạm “thánh thần”? Hỏi xem: có phải người ta đã trông thấy bức tượng cùng lúc tại mấy làng – và có phải thế là giả mạo, hay là một phép mầu còn lớn lao hơn?

“Ông thừa biết em chẳng hỏi ai được,” Padma tru tréo… nhưng tôi, cảm thấy cơn giận đã lắng xuống, sẽ không mạc khải gì nữa trong đêm nay.

Nói trắng ra thì: Mary Pereira rời bỏ chúng tôi, và đi về nhà mẹ ở Goa. Nhưng Alice Pereira vẫn ở lại. Alice tiếp tục làm việc ở văn phòng của Ahmed Sinai, đánh máy, đưa đồ ăn nhẹ và nước uống có ga.

Về phần tôi – khi tang kỳ của cậu Hanif kết thúc, tôi bước vào chuyến lưu đày thứ hai.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận