Phải, cần phải bắt đầu từ bức điện tín. Viễn cảm cho tôi đứng trên người khác; viễn thông lại kéo tôi xuống…
Ngày xửa ngày xưa, Amina Sinai đang gọt mụn cóc ở chân thì bức điện đến… Không, như thế không được, không thể né tránh ngày tháng được: mẹ tôi, bàn chân phải gác trên đầu gối trái, đang nạo những nốt chai trên gan bàn chân bằng một cái giũa nhọn đầu vào ngày 9 tháng Chín năm 1962.
Thế còn giờ? Giờ cũng quan trọng. À, vậy thì: vào buổi chiều. Không, phải cụ thể hơn… Khi đồng hồ điểm ba giờ, tức là, mặc dù ở phương Bắc, thời điểm nóng nhất trong ngày, người hầu đem cho bà một tấm phong bì đặt trên đĩa bạc. Vài giây sau, ở tít New Delhi, Bộ trưởng Quốc phòng Krishna Menon (tự mình chủ xướng, trong khi Nehru đi vắng để tham dự Hội nghị các Thủ tướng thuộc khối Thịnh vượng chung) đưa ra quyết định trọng đại nếu cần thiết sẽ dùng vũ lực với quân đội Trung Quốc ở vùng biên giới trên dãy Himalaya.
“Quân Trung Quốc phải bị đánh bật khỏi Triền Thag La,” ông Menon nói vào thời điểm mẹ tôi xé phong bì. “Không được phép tỏ ra khiếp nhược.”
Nhưng quyết định này chỉ là chuyện vặt khi đặt cạnh hệ quả mà bức điện của mẹ tôi mang lại; vì trong khi cuộc hành quân trục xuất kẻ thù, mật danh LEGHORN, được chú định sẽ thất bại, và cuối cùng sẽ biến Ấn Độ thành một kịch trường chết chóc nhất, Kịch trường Chiến tranh, bức điện sẽ ném tôi, một cách âm thầm nhưng đích xác, đến với biến cố sẽ kết thúc với việc tôi bị trục xuất vĩnh viễn khỏi cái thế giới bên trong tôi.
Trong khi quân đoàn Ấn Độ XXXIII đang hành động theo chỉ đạo của Menon được truyền đạt đến Đại tướng Thapar, tôi cũng bị đặt vào một tình thế hiểm nghèo; như thể những sức mạnh vô hình đã kết luận tôi đã vượt quá giới hạn những gì tôi được phép làm hoặc biết hoặc là; như thể lịch sử đã quyết định đặt tôi chắc chắn ở vị trí của mình.
Tôi hoàn toàn không được có ý kiến gì trong việc này; mẹ tôi đọc bức điện, bật khóc và nói, “Các con, ta về nhà thôi.”…và sau đó, như tôi đã nói khi bắt đầu câu chuyện trong một bối cảnh khác, chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bức điện viết: XIN VỀ NGAY SINAI SAHIB BỊ BỤP TIM ỐM NẶNG LẮM SALAAMS ALICE PEREIRA.
“Tất nhiên là phải về ngay, chị thân yêu,” dì Emerald bảo bà chị, “Có điều, cái bụp tim này, lạy Chúa, là gì không biết?”
Có khả năng, thậm chí có nhiều khả năng, tôi mới là sử gia đầu tiên ghi lại câu chuyện về cuộc-đời-và-thời-đại ly kỳ không chối cãi được của mình. Người nào nối gót tôi, dù sao đi nữa, tất yếu sẽ phải đến với tài liệu này, cuốn cẩm nang này, cuốn Hadith hay Purana hay Grundrisse[1] này, để tìm hướng đi và cảm hứng.
Tôi khuyên những nhà luận giải kinh điển tương lai rằng: khi nghiên cứu những sự kiện xảy ra tiếp sau “Bức điện bụp tim”, hãy nhớ rằng ở chính giữa tâm cơn bão đổ xuống đầu tôi – hay dùng một ẩn dụ khác, lưỡi kiếm đã đánh ra đòn sát thủ với tôi – là một sức mạnh hội tụ duy nhất. Tôi muốn nói đến viễn thông.
[1] Hadith là tập hợp những cuốn sách về những tập quán và truyền kỳ về Muhammad và các tông đồ, được xem như tài liệu cơ bản của Hồi luật. Purana là tập hợp các Phạn văn không thuộc kinh Vệ Đà, giải thích về sự sinh diệt của vũ trụ và sự tích các thần trong đạo Hindu. Grundrisse là cách gọi tắt Grundrisse der Kritik der Politischen Ökonomie (Đại cương Phê phán Kinh tế Chính trị), một bản thảo có ý nghĩa rất quan trọng trong các trước tác của Karl Marx.
Điện tín, và sau điện tín, tới điện thoại, là tác nhân hủy hoại tôi; tuy nhiên, với sự độ lượng, tôi sẽ không kết ai vào tội âm mưu; mặc dù dư luận sẽ dễ tin rằng giới nắm quyền kiểm soát truyền thông đã quyết tâm giành lại vị thế độc quyền đối với sóng thông tin trên toàn quốc…
Tôi phải quay về (Padma đang cau mày) với chuỗi sự kiện tầm thường của nguyên-nhân-và-hệ-quả: chúng tôi đến sân bay Santa Cruz trên một chiếc Dakota, vào 16 tháng Chín; nhưng để giải thích về bức điện, tôi phải đi xa hơn ngược chiều thời gian.
Nếu Alice Pereira đã một lần phạm tội, khi đánh cắp Joseph D’Costa của Mary chị cô, thì những năm sau này, cô đã đi được một chặng dài trên con đường chuộc tội; bởi suốt bốn năm qua cô là người duy nhất bầu bạn với Ahmed Sinai. Sống biệt lập trên quả đồi phủ bụi một thời từng là Điền trang Methwold, thiên tính hay giúp đỡ của cô phải đáp ứng những đòi hỏi nặng nề.
Ông sẽ bắt cô ngồi với ông đến nửa đêm trong khi ông nốc tửu tinh và lèm bèm về những bất công trong đời mình; ông nhớ ra, sau nhiều năm quên lãng, giấc mơ cũ về những bất công trong đời mình; ông nhớ ra, sau nhiều năm quên lãng, giấc mơ cũ về dịch và sắp xếp lại kinh Quran, và đổ lỗi cho gia đình đã làm ông suy nhược tới mức không còn đủ tinh lực để bắt đầu một sứ mệnh tầm cỡ ấy. Ngoài ra, vì có cô ở đó, cơn giận của ông thường nhắm vào cô, dưới hình thức một tràng dài những lời chửi bới tục tằn và rủa xả vô dụng được ông chế ra trong những ngày chìm đắm vào nỗi quên đời.
Cô nỗ lực thông cảm với ông: ông cô đơn, mối quan hệ từng là không thể thất bại của ông với điện thoại nay đã bị hủy hoại sau những biến động kinh tế của thời kỳ này; sự nhạy bén trong vấn đề tài chính cũng bắt đầu từ bỏ ông… và cả ông cũng trở thành con mồi của những nỗi sợ kỳ quái. Khi con đường do Trung Quốc xây ở vùng Aksai Chin bị phát hiện, ông bắt đầu tin rằng việc bọn mọi da vàng đến Điền trang Methwold chỉ là chuyện sớm chiều.
Và chính Alice đã phải trấn an ông bằng Coca-Cola ướp đá, và bảo, “Có gì mà sợ. Bọn Khựa ấy bé tí, đánh sao nổi jawan của chúng ta. Cứ yên tâm mà uống Coca của ông đi; sẽ chẳng có gì xảy ra đâu.”
Cuối cùng ông làm cô kiệt quệ; nhưng rốt cuộc cô vẫn ở lại, chỉ vì cô yêu cầu và nhận được những khoản tăng lương đáng kể, và gửi hầu hết số tiền về Goa chu cấp cho chị Mary; nhưng vào ngày 1 tháng Chín, kể cả cô cũng không cưỡng nổi những thỉnh phờ từ chiếc điện thoại.
Đến lúc đó, cô cũng đã dành thời gian bên thiết bị ấy nhiều không kém gì ông chủ, nhất là mỗi khi đám đàn bà nhà Narlikar gọi lên. Những phụ nữ ghê gớm nhà Narlikar, vào thời điểm ấy, đang vây hãm cha tôi, gọi điện cho ông ngày hai lần, dỗ dành thuyết phục ông bán nhà, nhắc ông rằng tình thế của ông rất tuyệt vọng, lượn lờ trên đầu ông như kền kền lượn trên một godown đang cháy…
Vào ngày 1 tháng Chín, như con kền kền ngày xưa, họ giáng xuống một cánh tay quật trúng giữa mặt ông, bởi họ đã hối lộ Alice Pereoira để cô rời bỏ ông. Không thể chịu đựng ông hơn nữa, cô kêu lên, “Ông tự đi mà nghe điện thoại! Tôi đi đây.”
Đêm đó, tim của Ahmed Sinai bắt đầu trương lên. Chất chứa đầy thù hận cay đắng đau buồn tự thương thân, nó phồng lên như trái bóng bay, nó đập quá nhanh, ngừng đập, và cuối cùng đánh quỵ ông như một con bò mộng. Ở bệnh viện Breach Candy, bác sĩ phát hiện tim cha tôi thực tế đã biến dạng – một chỗ sưng mới lồi hẳn ra bên dưới tâm thất trái. Nó đã, nói bằng chữ của Alice, “bụp” ra.
Alice tìm thấy ông vào hôm sau, khi, tình cờ, cô quay lại lấy cái ô bỏ quên, như một thư ký mẫu mực, cô viện tới quyền năng của điện tử viễn thông, điện thoại gọi xe cứu thương và điện báo cho chúng tôi. Do chế độ kiểm duyệt thư tín giữa Ấn Độ và Pakistan, “bức điện bụp tim” mất nguyên nhân một tuần mới đến được Amina Sinai.
“Bay-về-Bom!” tôi hét lên hoan hỉ, làm đám cu li ở sân bay giật mình.
“Bay-về-Bom!” tôi reo vui, bất chấp tất cả, cho tới khi con bé Jamila mới-trở-nên-nghiêm-túc nói: “Kìa, Saleem, thiệt tình, thôi đi!”
Alice Pereira đón chúng tôi tại sân bay (điện tín đã báo trước cho cô); và sau đó chúng tôi lên một chiếc taxi đen-và-vàng chính hiệu Bombay, tôi vừa đắm mình trong tiếng rao channa-nóng-đê, trong chen chúc lạc đà xe đạp và người người người, vừa nghĩ thành phố của Mumbadevi làm Rawalpindi nhìn chả khác gì một cái làng, vừa khám phá lại nơi này, đặc biệt là những màu sắc – sắc rực rỡ bị lãng quên của hoa phượng và hoa giấy, sắc xanh ngắt của nước chứa trong bể ở Đền Mahalaxmi[2].
Sắc đen-và-trắng nhức mắt từ những cái ô của cảnh sát giao thông và sắc xanh-và-vàng từ đồng phục của họ; nhưng phần lớn là màu xanh xanh xanh của biển… chỉ có màu xám xịt trên gương mặt tiều tụy của cha tôi là làm tôi quên đi vẻ rực rỡ muôn màu của thành phố, và khiến tôi tỉnh táo lại.
[2] Đền thờ của đạo Hindu thường có một bể nước thiêng cho tín đồ tắm rửa để thanh trừ bệnh tật.
Alice Pereira bỏ chúng tôi tại bệnh viện để trở về làm việc cho đám đàn bà nhà Narkilar; và giờ một bất ngờ xảy ra. Mẹ tôi, Amina Sinai, bừng tỉnh khỏi trạng thái đờ đẫn và nỗi trầm uất và màn-sương-tội-lỗi và cơn đau-mụn-cóc khi vừa thấy mặt cha tôi, và hình như đã tìm lại tuổi trẻ một cách thần kỳ; với đức cần mẫn thiên phú đã phục hồi trọn vẹn, bà khởi sự quá trình giúp Ahmed hồi phục, dưới sự thôi thúc của một quyết tâm không gì cản nổi.
Bà đưa ông về căn phòng ngủ ở tầng một nơi bà đã chăm sóc ông qua trận đóng băng; bà ở bên ông cả ngày lẫn đêm, rót sinh lực vào cơ thể ông. Và tình yêu của bà đã được đền đáp, bởi vì Ahmed Sinai không chỉ hồi phục hoàn toàn đến mức làm các bác sĩ người Âu ở Breach Candy phải sững sờ, mà còn có một thay đổi tuyệt đối kỳ diệu hơn đã xảy ra, ấy là, khi Ahmed trở lại là mình dưới sự săn sóc của Amina, ông không trở lại với con người từng nhọc công nguyền rủa bà vật lộn với tửu itnh, mà với con người vốn có của ông, chan chứa ăn năn và tha thứ và tiếng cười và lòng khoan dung và phép mầu thần diệu nhất, ấy là tình yêu. Ahmed Sinai, đến cuối cùng, đã đem lòng yêu mẹ tôi.
Và tôi là con dê tế thần họ đem phụng hiến cho tình yêu của họ.
Họ thậm chí đã bắt đầu ngủ chung trở lại; và dù rằng em tôi – với một thoáng tái hiện của con Khỉ trước kia – nói, “Cùng giường ấy à, Allah, chhi-chhi, gớm quá!”, tôi thấy mừng cho họ. Và thậm chí, trong giây lát, vui mừng hơn cho chính tôi, bởi vì tôi đã về lại miền đất của Hội nghị Những đứa trẻ Nửa đêm. Trong khi những tít báo hành quân ra trận, tôi khôi phục mối quan hệ với các đồng bạn phi thường của mình, không hề biết có bao nhiêu cái kết đang chờ đợi sẵn.
Vào ngày 9 tháng Mười – QUN ĐỘI ẤN SẴN SÀNG CHO MỘT NỖ LỰC TOÀN DIỆN – tôi thấy có thể triệu tập Hội nghị (thời gian và những nỗ lực của tôi đã dựng lên rào chắn cần thiết quanh bí mật của Mary). Chúng trở lại đầu tôi; đó là một tối vui mừng, một tối để chôn vùi những bất đồng cũ, để cùng nỗ lực toàn diện vì sự đoàn tụ. Chúng tôi nhắc lại, hết lần này tới lần khác, niềm vui hội ngộ; phớt lờ một sự thật sâu xa hơn – rằng chúng tôi cũng giống mọi gia đình, rằng những cuộc đoàn tụ gia đình trong hình dung bao giờ cũng tươi vui hơn là trên thực tế, và rằng sẽ đến lúc mọi gia đình phải đường ai nấy đi.
Vào 15 tháng Mười – ẤN ĐỘ BỊ TẤN CÔNG DÙ KHÔNG KHƠI MÀO – những câu hỏi tôi hằng sợ hãi và cố gắng không khơi mào bắt đầu: Tại sao Shiva không có mặt? Và: Tại sao cậu phải khóa trái một phần tâm thức?
Vào ngày 20 tháng Muời, quân Ấn Độ bị quân Trung Quốc đánh bại – đập tan tại triền Thag La. Thông cáo chính thức của Bắc Kinh tuyên bố: Vì mục đích tự vệ, bộ đội biên phòng Trung Quốc buộc phải kiên quyết giáng trả. Nhưng khi, cũng đêm ấy, lũ trẻ nửa đêm phát động một cuộc hiệp đồng công kích vào tôi, tôi chẳng có phòng tuyến nào.
Chúng tấn công tôi ở chính diện và từ mọi hướng, kết tội tôi giấu diếm, quanh co, chuyên quyền, tự phụ; tâm trí tôi, không còn là nghị trường, đã trở thành chiến trường nơi chúng đồ sát tôi. Không còn là “anh Hai Saleem”, tôi tuyệt vọng im nghe chúng xé xác tôi; bởi, bất chấp mọi âm-thanh-và-cuồng-nộ của chúng, tôi không thể khai mở thứ tôi đã niêm phong; tôi không thể buộc mình nói cho chúng biết bí mật của Mary. Kể cả Parvati-phù-thủy, bao lâu nay là người ủng hộ tôi nhiệt tình nhất, cuối cùng cũng mất kiên nhẫn với tôi.
“Ôi, Saleem”, cô nói, “Chúa mới biết cái đất Pakistan ấy đã làm gì cậu; nhưng cậu khác xưa nhiều quá.”
Ngày xưa, lâu rồi, cái chết của Mian Abdullah đã hủy hoại một Hội nghị khác, vốn tồn tại được hoàn toàn nhờ vào sức mạnh ý chí của ông; giờ đây, khi lũ trẻ nửa đêm mất lòng tin ở tôi, chúng đồng thời mất đi niềm tin vào điều tôi đã tạo dựng cho chúng.
Từ 20 tháng Mười đến 20 tháng Mười một, tôi tiếp tục triệu tập – hay cố gắng triệu tập – những phiên họp ban đêm; nhưng chúng tháo chạy khỏi tôi, không phải từng người mà hàng mười và hai mươi đứa một; mỗi đêm, số người sẵn lòng tiếp sóng lại ít đi; mỗi tuần, cả trăm đứa rút về với cuộc sống riêng.
Trên dãy Himalaya, người Gurkha và Rajput tháo chạy tán loạn khỏi quân đội Trung Quốc, còn ở thượng nguồn tâm trí tôi, một đạo quân khác cũng bị tiêu diệt vì nhiều thứ – hục hặc, định kiến, chán nản, ích kỷ – những điều tôi cứ tưởng là quá nhỏ nhặt, quá vặt vãnh không thể chạm đến chúng.
(Nhưng lạc quan, như một căn bệnh mạn tính, dứt khoát không tiêu tan; tôi đã tiếp tục tin – giờ vẫn tiếp tục – rằng điều-chúng-tôi-chia-sẻ cuối cùng sẽ lấn át điều-chia-rẽ-chúng-tôi. Không: tôi sẽ không nhận trách nhiệm chủ yếu về sự kết thúc của Hội nghị Những đứa trẻ; bởi vì thứ đã hủy diệt mọi cơ hội tái sinh của nó chính là tình yêu của Ahmed và Amina Sinai).
Còn Shiva? Shiva, người bị tôi lạnh lùng chiếm đoạt quyền vị hợp pháp từ khi ra đời? Không một lần, trong tháng sau cùng ấy, tôi huy động ý nghĩ của mình để tìm kiếm hắn; nhưng sự tồn tại của hắn, đâu đó trong thế giới này, không ngớt giày vò từng ngóc ngách tâm trí tôi. Shiva-kẻ-hủy-diệt, Shiva Đầu-gối-gõ-nhau… hắn trở thành, với tôi, đầu tiên là cơn đau nhói của tội lỗi; rồi một nỗi ám ảnh; và cuối cùng, khi hồi ức về sự hiện tồn của hắn mờ đi, hắn trở thành một dạng triết lý; hắn đã thành đại diện, trong tâm thức tôi, của mọi hận thù và bạo lực và sự-đồng-thời-yêu-ghét-mọi-vật-chất-trên-thế-gian; đến nỗi tận bây giờ, khi nghe chuyện xác chết đuối nổi lềnh phềnh như bóng bay trên dòng Hooghly và vỡ tung khi tàu bè quẹt phải; hay tàu hỏa bị đốt, hay chính trị gia bị sát hại, hay bạo loạn ở Orissa hay Punjab, tôi lại có cảm giác có bàn tay Shiva đè nặng lên mọi chuyện, chú định rằng chúng ta phải không ngơi bì bõm trong vũng lầy giết chóc hãm hiếp lòng tham chiến tranh – rằng Shiva, tóm lại, đã tạo ra chúng ta như bây giờ.
(Hắn cũng ra đời vào nửa đêm; hắn, như tôi, gắn kết với lịch sử. Các chế độ liên kết – nếu tôi đúng khi nghĩ rằng chúng áp dụng cho tôi – cũng cho phép hắn tác động lên dòng chảy của thời đại.)
Tôi nói như thể tôi không bao giờ gặp lại hắn nữa; thực ra là có. Nhưng chuyện đó, đương nhiên, cũng phải xếp hàng như các chuyện khác; tôi chưa đủ khỏe mạnh để kể cố sự ấy ngay lúc này.
Căn bệnh lạc quan, dạo ấy, một lần nữa đạt đến độ quy mô đại dịch; tôi, trong khi đó, bị một cơn viêm xoang hành hạ. Được kích phát một cách kỳ quái sau trận thua ở triền Thag La, dư luận lạc quan về cuộc chiến trở nên béo tốt (và nguy hiểm) như một trái bóng bơm quá căng; tuy nhiên, cái khoang mũi chịu khổ đã lâu của tôi, bao giờ cũng trong tình trạng quá căng, cuối cùng đã buông súng trong cuộc chiến với chứng nghẹt mũi.
Trong khi các nghị sĩ tuôn ra những diễn từ về “bọn bành trướng Trung Hoa” và “máu các jawan tuẫn đạo của chúng ta”, mắt tôi bắt đầu trào nước; trong khi cả quốc gia tự thổi phồng lên, tự thuyết phục mình rằng tiêu diệt bọn lùn da vàng là chuyện trong tầm tay, xoang mũi tôi cũng căng phồng và làm biến dạng một khuôn mặt vốn đã gây sửng sốt tới mức chính Ayub Khan đã nhìn chằm chằm vào nó với vẻ kinh ngạc không giấu giếm.
Bị căn bệnh lạc quan kiểm soát, sinh viên đốt Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai bằng hình nộm; với cơn sốt lạc quan hiển hiện trên lông mày, đám đông tấn công các thợ giày, lái buôn đồ cổ và chủ quán ăn Hoa kiều. Bừng bừng ý chí lạc quan, Chính phủ thậm chí còn giam giữ các công dân Ấn Độ gốc Hoa – giờ được coi là “ngoại kiều thù địch” – trong các trại ở Rajasthan. Tập đoàn công nghiệp Birla đã hiến tặng một trường bắn mini cho đất nước; nữ sinh bắt đầu tham gia diễu hành của quân đội. Nhưng tôi, Saleem, cảm thấy như sắp chết vì ngạt thở. Không khí, bị dịch lạc quan làm đặc quánh lại, từ chối đi vào phổi tôi.
Ahmed và Amina Sinai nằm trong số những bệnh nhân nặng nhất của dịch lạc quan vừa tái phát; đã lây bệnh qua vật chủ là tình yêu vừa nảy nở, họ lại hòa mình vào cơn phấn khích của xã hội trong một niềm hăm hở. Khi Morarji Desai, ngài Bộ trưởng Tài chính uống-nước-tiểu, phát động phong trào “Kim khí làm vũ khi”, mẹ tôi liền quyên tặng vòng vàng và khuyên tai lục bảo; lúc Morarji gợi ý về trái phiếu quốc phòng, Ahmed Sinai liền mua cả mớ. Chiến tranh dường như đã đem đến cho Ấn Độ một bình minh mới; trên tờ Thời báo Ấn Độ, một bức biếm họa có tên “Chiến tranh với Trung Quốc” vẽ Nehru đang xem các đồ thị về “Độ Hòa nhập Cảm xúc”, “Hòa hợp Chủ-Thợ” và “Niềm tin của Nhân dân vào Chính phủ” và reo lên, “Chưa bao giờ tình hình lại tốt như thế này!” Bồng bềnh trên biển lạc quan, chúng tôi – đất nước, cha mẹ tôi, tôi – mù quáng trôi về phía rặng đá ngầm.
Là một dân tộc, chúng tôi bị ám ảnh với những sự trùng hợp. Mỗi điểm tương đồng giữa chuyện này với chuyện kia, giữa những thứ tưởng như không liên quan, khiến chúng tôi hớn hở vỗ tay khi phát hiện ra. Nó là một dạng khát khao hình thái của cả một dân tộc – hay có lẽ đơn giản là biểu hiện của niềm tin sâu sắc của chúng tôi rằng hình thái ẩn náu trong hiện thực; rằng ý nghĩa chỉ hiển lộ trong một sát na.
Thế nên điềm báo là điểm yếu của chúng tôi… chẳng hạn, khi lá cờ Ấn Độ lần đầu được kéo lên, cầu vồng xuất hiện trên cánh đồng nọ ở Delhi, một cây cầu vồng màu nghệ và xanh; và chúng tôi thấy như được ban phước. Ra đời giữa sự trùng hợp, tôi nhận ra nó liên tục săn đuổi tôi… trong khi người dân Ấn Độ mù quáng hướng đến một thảm bại quân sự, tôi cũng đang đến gần (mà hoàn toàn không biết) một thảm họa của riêng tôi.
Biếm họa trên Thời báo Ấn Độ nói về “Độ Đoàn kết Cảm xúc”, ở Biệt thự Buckingham, mẩu sót lại cuối cùng của Điền trang Methwold, cảm xúc chưa bao giờ đoàn kết thế. Ahmed và Amina sống những ngày tháng như đôi chim cu đang thời ve vãn; và trong khi tờ Nhân dân Nhật báo của Bắc Kinh phê phán “Chính quyền Nehru rốt cuộc đã trút bỏ tấm áo Không Liên Kết”, hai anh em tôi không phê phán gì, bởi lần đầu tiên sau nhiều năm chúng tôi không phải giả vờ giữ lập trường không liên kết trong cuộc chiến giữa bố mẹ chúng tôi; điều chiến tranh đã gây ra cho Ấn Độ, việc chấm dứt mọi hành động thù địch lại giành được ở ngọn đồi hai tầng của nhà tôi. Ahmed Sinai thậm chí đã từ bỏ trận chiến hằng đêm với tửu tinh.
Đến ngày 1 tháng Mười một – ẤN ĐỘ TẤN CÔNG DƯỚI SỰ YỂM TRỢ CỦA PHÁO BINH – đường mũi của tôi lâm vào tình trạng cực kỳ nghiêm trọng. Mặc dù mẹ bắt tôi chịu đựng sự tra tấn hàng ngày của Bình xịt Vick’s và dầu Vick’s pha với nước (thứ mà, với chăn trùm kín đầu, tôi bị bắt phải hít thật lực), xoang mũi tôi dứt khoát không phản ứng trước mọi cách điều trị.
Đây chính là ngày cha tôi dang tay và nói. “Lại đây, con trai – lại đây để ta yêu con.” Trong cơn cuồng điên hạnh phúc (có lẽ, rốt cuộc, bệnh lạc quan đã nhiễm vào tôi) tôi cho phép mình bị ép tới ngạt thở trong cái bụng nhão xệ của ông; nhưng đến khi ông buông tôi ra, nước mũi đã nhoe nhoét chiếc bush-shirt của ông. Tôi nghĩ đó là sự kiện cuối cùng đã kết án tôi; bởi vì chiều hôm ấy, mẹ tôi phát động tấn công. Vờ như sắp gọi cho bạn, bà thực hiện một cú điện thoại nào đấy. Trong khi quân Ấn tấn công dưới sự yểm trợ của pháo binh, Amina Sinai lên kế hoạch cho sự sụp đổ của tôi, dưới sự bảo vệ của một lời nói dối.
Trước khi kể câu chuyện tôi bước vào sa mạc của những năm cuối đời mình ra sao, tôi phải thú nhận rằng tôi có khả năng đã trách oan uổng cha mẹ mình. Không một lần, theo chỗ tôi biêt, không một lần trong suốt quãng thời gian sau mạc khải của Mary, họ tiến hành tìm kiếm đứa con máu mủ đích thực của mình; và tôi đã, ở vài thời điểm trong câu chuyện này, quy thất bại ấy cho việc thiếu khả năng tưởng tượng – tôi đã nói, ít nhiều, rằng tôi vẫn là con họ bởi vì họ không thể hình dung ra tôi ở ngoài vai trò đó.
Và còn có những cách suy diễn tồi tệ hơn – như họ ngần ngại dang tay đón vào lòng một thằng bé bất bơ đã sống mười một năm nơi đầu đường xó chợ; nhưng tôi muốn nêu ra một động cơ cao quý hơn: có lẽ, bất chấp tất cả, bất chấp mũi-dưa-chuột-mặt-nhọ cằm-lẹm thái-dương-sừng chân-vòng-kiềng ngón-tay-cụt đầu-sư-cọ và (phải thừa nhận là họ không biết) tai trái điếc, bất chấp cả việc nửa-đêm-tráo-trẻ của Mary Pereira.
Có lẽ, tôi nghĩ, mặc dù tất cả những kích động ấy, bố mẹ tôi vẫn yêu tôi. Tôi đã rút chạy khỏi họ vào thế giới bí mật của tôi; sợ họ ghét bỏ, tôi không thừa nhận một khả năng là tình yêu của họ mạnh hơn sự xấu xí, mạnh hơn cả máu thịt. Có nhiều khả năng là, điều được thu xếp qua một cú điện thoại, điều cuối cùng đã xảy ra vào 21 tháng Mười một năm 1962, được thực hiện vì những lý do cao quý nhất; đó là, cha mẹ đã hủy hoại tôi vì tình yêu.
Ngày 20 tháng Mười một là một ngày khủng khiếp; đêm đó là một đêm khủng khiếp… sáu ngày trước, vào sinh nhật thứ bảy mươi ba của Nehru, cuộc giao tranh dữ dội với phía Trung Quốc đã bắt đầu; quân Ấn – JAWAN XUNG TRẬN! – đã tấn công quân Tàu ở Walong. Tin về thảm bại tại Walong, và cuộc tháo chạy của Tướng Kaul với bốn tiểu đoàn, đến tai Nehru từ thứ Bảy ngày 18.
Vào thứ Hai ngày 20, nó loan khắp báo đài và tới Điền trang Methwold. NEW DELHI TỘT CÙNG HOẢNG LOẠN! ẤN ĐỘ TOÀN QUN TAN TÁC! Ngày hôm đó – ngày cuối cùng của cuộc đời cũ của tôi – tôi và em gái và cha mẹ tôi quây quần quanh chiếc đài Telefunken, trong khi viễn thông gieo rắc nỗi sợ Chúa trời và Trung Quốc vào tim chúng tôi.
Và lúc này cha tôi nói ra một điều định mệnh: “Mình ạ,” ông trầm giọng, trong khi tôi và Jamila run lên vì sợ hãi, “Begum Sahiba, đất nước này kết thúc rồi. Phá sản, Funtoosh.”
Tờ báo buổi tối loan báo sự kết thúc dịch bệnh lạc quan: TINH THẦN DN CHÚNG BỊ HÚT KIỆT. Và sau kết thúc này, còn có những cái kết khác; những thứ khác cũng sẽ bị hút đi.
Tôi lên giường mà đầu đầy những khuôn mặt súng ống xe tăng Trung Quốc… nhưng đến nửa đêm, đầu tôi lại trống rỗng và im lặng, bởi Hội nghị nửa đêm cũng đã tiêu tan; người duy nhất trong đám trẻ ma thuật sẵn lòng nói chuyện cùng tôi là Parvati-phù-thủy, và chúng tôi, chán nản cùng cực vì điều Nussie-vịt-bầu chắc hẳn sẽ gọi là “ngày tận thế”, chẳng thể làm gì hơn ngoài việc chuyện trò trong im lặng.
Và còn nhiều sự hút kiệt khác, bình thường hơn: một vết nứt xuất hiện tại Đập Thủy Điện Bhakra Nangal vĩ đại, và hồ chứa nước khổng lồ ở đằng sau chảy tràn qua khe nứt… và cái liên doanh lấn biển của đám đàn bà nhà Narlikar, miễn nhiễm với lạc quan và thất bại hay bất kỳ thứ gì ngoài cám dỗ của tiền tài, tiếp tục hút đất ra từ lòng biển… nhưng vụ tiêu thoát sau cùng, thật sự đem đến cái tên cho chương này, xảy ra vào sáng hôm sau, ngay khi tôi vừa thở phào và nghĩ, rốt cuộc, cũng phải có gì đó kết thúc tốt đẹp chứ… vì buổi sáng chúng tôi nghe được một tin mừng đến không tưởng là Trung Quốc đã đột ngột, tuy không cần phải vậy, ngừng tiến quân; sau khi kiểm soát được dãy Himalaya, họ rõ ràng đã thỏa mãn; NGỪNG BẮN! báo chí reo mừng, và mẹ tôi cơ hồ ngất xỉu vì nhẹ nhõm. (Người ta đồn rằng Đại tướng Kaul bị bắt làm tù binh; Tổng thống Ấn Độ, Tiến sĩ Radhakrishnan, bình luận, “Rất tiếc là, thông tin này hoàn toàn sai sự thật”)
Bất chấp đôi mắt ròng nước và xoang mũi sưng phồng, tôi vẫn vui; bất chấp cả sự kết thúc của Hội nghị Những đứa trẻ, tôi vẫn tắm mình trong ánh hân hoan của hạnh phúc đang tràn ngập Biệt thự Buckingham.
Thế nên khi mẹ tôi gợi ý: “Nhà ta đi ăn mừng nào! Một chuyến dã ngoại, hai đứa thấy sao?”, đương nhiên là tôi sốt sắng đồng ý. Đó là sáng ngày 21 tháng Mười một; chúng tôi giúp làm sandwich và paratha; chúng tôi dừng lại ở một hàng nước ngọt và chất một xô nhôm đựng đá và một thùng Coca lên cốp chiếc Rover; bố mẹ đằng trước, con cái đằng sau, chúng tôi xuất phát. Jamila Ca sĩ hát cho chúng tôi nghe trên đường.
Qua xoang mũi đang bỏng rát, tôi hỏi: “Mình đi đâu đây? Juhu? Elephanta? Marve? Đâu ạ?”
Và mẹ tôi, cười gượng gạo: “Bí mật, con cứ chờ xem.” Qua phố xá đầy những đám đông nhẹ nhõm reo mừng, chúng tôi phóng đi…
“Ta nhầm đường rồi”, tôi thốt lên: “Đây đâu phải đường ra biển?”
Cả bố mẹ tôi đồng thanh, đầy trấn an, đầy vui vẻ: “Chỉ dừng một chỗ thôi, rồi ta đi; bố mẹ hứa.”
Điện tín triệu hồi tôi; vô tuyến điện[3] làm tôi khiếp sợ; nhưng điện thoại mới là kẻ đặt trước ngày giờ địa điểm hủy hoại tôi… và bố mẹ đã nói dối tôi.
[1] Tức là sóng phát thanh.
Chúng tôi dừng lại trước một tòa nhà lạ lẫm trên đường Carnac. Ngoại thất: đổ nát. Mọi cửa sổ: buông mành.
“Đi với bố chứ, con trai?” Ahmed Sinai xuống xe; tôi, vui mừng được tháp tùng bố đi công chuyện, hớn hở đi cạnh ông.
Trên cửa gắn một tấm biển đồng: Phòng khám Tai Mũi Họng. Và tôi, bỗng nhiên cảnh giác: “Cái gì đây, Abba? Sao mình lại đến…”
Và tay ông, siết chặt vai tôi – thế rồi một người đàn ông áo trắng – và y tá – rồi “À vâng, thưa ngài Sinai ra đây là cậu Saleem – rất đúng giờ – tốt, tốt”; trong khi tôi “Abba, không – còn chuyến picnic…”.
Nhưng các bác sĩ đã dẫn tôi đi mất, cha tôi tụt lại sau, người đàn ông áo trắng gọi với ông, “Sẽ không lâu đâu – mà đình chiến mừng quá, hả?”
Và y tá, “Cháu vui lòng đi theo cô để thay quần áo và gây mê.”
Lừa đảo! Lừa đảo, Padma! Tôi bảo rồi: đã một lần, dã ngoại lừa tôi; thế rồi đến một bệnh viện và một căn phòng với cái giường cứng và những ngọn đèn treo trần sáng lòa và tôi gào khóc.
“Không không không,” và y tá, “Nào đừng ngốc thế, cháu thành người lớn đến nơi rồi, nằm xuống đi,”
Và tôi, nhớ lại khoang mũi đã bắt đầu mọi thứ trong đầu tôi, dịch mũi bị hít lênlênlên một-nơi-nước-mũi-không-nên-đến ra sao, mối liên hệ được thiết lập, và giải phóng những tiếng nói ở trong tôi thế nào, liền quẫy đạp la hét tới mức họ phải ghì tôi xuống.
“Thiệt tình,” cô y tá nói, “đứa bé này thật là, tôi chưa thấy bao giờ.”
Và thế là điều bắt đầu trong tủ giặt đã kết thúc trên bàn mổ; bởi vì tay chân tôi bị ghì chặt xuống, và một người đàn ông bảo, “Cháu sẽ không cảm thấy gì đâu, còn dễ hơn cả cắt amiđan, chữa xoang nhanh í mà, nhoáng cái là xong,”
Và tôi “Không đừng mà không,” nhưng giọng nói lại tiếp, “giờ chú sẽ áp chiếc mặt nạ này lên mặt cháu, cứ đếm đến mười nhé.”
Đếm. Những con số bước đều một hai ba.
Tiếng khí thoát ra xì xì. Những con số giẫm đạp tôi bốn năm sáu.
Những khuôn mặt bồng bềnh trong sương mù. Và vẫn những con số hỗn loạn, tôi đang khóc, tôi nghĩ vậy, những con số bước thình thịch bảy tám chín.
Mười.
“Chúa ơi, thằng bé vẫn tỉnh. Thật bất thường. Tốt nhất là thêm liều nữa – cháu nghe được chú chứ? Saleem, phải không? Ngoan lắm, đếm đến mười lần nữa nhé!” Đừng hòng bắt được tôi. Hằng hà sa số tập hợp trong đầu tôi. Chủ nhân của những con số, tôi. Chúng lại đến rồi mười một mười hai.
Nhưng họ sẽ không đời nào để tôi dậy cho đến khi… mười ba mười bốn mười lăm… Ôi Chúa Ôi Chúa màn sương váng vất và tôi rơi ngược lại rơi rơi, mười sáu, qua mặt chiến tranh và lọ gia vị, rơi rơi, mười bảy mười tám mười chín.
Hai
Xưa có một cái tủ giặt và một thằng bé khịt quá mạnh. Mẹ nó cởi đồ và phô ra một Trái Xoài Đen. Những giọng nói xuất hiện, song không phải của các Tổng thiên thần. Một bàn tay, làm điếc bên tai trái. Và thứ gì sinh trưởng mạnh nhất trong mùa nóng: ảo tưởng, sự phi lý, dục vọng. Có chuyện ẩn náu trong tháp đồng hồ, và gian lận trên lớp. Và tình yêu ở Bombay nảy nở từ một tai nạn xe đạp; sừng-thái-dương nhập vào hõm-forcep, và năm trăm tám mươi mốt đứa trẻ tìm đến đầu tôi.
Những đứa trẻ của nửa đêm: đã có thể là hiện thân của niềm hy vọng và tự do, và cũng có thể là những-kẻ-dị-hợm-đáng-bị-kết-liễu. Parvati-phù-thủy, người trung thành hơn cả, và Shiva, kẻ trở thành một triết lý sống. Có câu hỏi về mục đích, và cuộc tranh luận giữa ý thức và vật chất. Có đầu gối và mũi và mũi và đầu gối.
Bắt đầu có cãi cọ, và thế giới người lớn thâm nhiễm vào thế giới trẻ con; ích kỷ và hợm hĩnh và thù ghét xuất hiện. Và sự bất khả của một triết lý thứ ba; nỗi sợ của việc cuối-cùng-sẽ-chẳng-đi-đến-đâu bắt đầu lớn dần. Và điều không ai đề cập: rằng mục đích của năm trăm tám mươi mốt đứa trẻ nằm ở trong sự hủy diệt của chúng; rằng chúng đã ra đời, chỉ để trở thành không gì cả. Những lời tiên tri bị phớt lờ khi chúng nói đến cái kết cục này.
Và những mạc khải, và sự đóng cửa một tâm trí; và lưu đày, và lần trở về sau-bốn-năm; ngờ vực gia tăng, bất đồng nảy nở, từng mười, hai mươi người bỏ đi. Rồi, đến cuối cùng, chỉ còn một giọng nói ở lại; song bệnh lạc quan vẫn dai dẳng – điều-chúng-ta-chia-sẻ vẫn còn cơ hội khuất phục điều-chia-rẽ-chúng-ta.
Cho đến khi:
Im lặng bên ngoài tôi. Một gian phòng tối om (buông mành). Không nhìn thấy gì (không có gì để nhìn).
Im lặng bên trong tôi. Một mối liên kết bị cắt đứt (vĩnh viễn). Không nghe thấy gì (không còn gì để nghe).
Im lặng, như một hoang mạc. Và một cái mũi thông, thoáng (khoang mũi tràn ngập không khí). Không khí, như một kẻ đốt đền, xâm phạm tư thất của tôi.
Hút kiệt. Tôi đã bị hút kiệt. Chim parahamsa, đã hạ cánh.
(Vĩnh viễn.)
Ôi, nói toẹt ra đi, nói toẹt ra đi: ca phẫu thuật mà danh nghĩa là hút kiệt xoang mũi sưng phồng của tôi và việc nạo hút một-lần-cho-mãi-mãi đường mũi của tôi gây hậu quả là cắt đứt bất cứ mối liên kết nào từng được thiết lập trong tủ giặt; và tước bỏ của tôi khả năng ngoại cảm được mũi phú cho; và trục xuất tôi khỏi triển vọng về những đứa trẻ nửa đêm.
Cái tên chứa đựng số phận của con người; sống như chúng ta đang sống ở một nơi những cái tên chưa có được sự vô nghĩa của phương Tây, và vẫn không chỉ đơn thuần là những âm tiết, ta chính là nạn nhân của danh tự của mình. Sinai hàm chứa Ibn Sina, pháp sư bậc thầy, đạo sĩ Sufi[4] lão luyện; và cũng là mặt trăng Sin, vị thần cổ đại của xứ Hadhramaut[5], với chế độ liên kết riêng của mình, với quyền năng tác-động-từ-xa lên thủy triều của trái đất.
Nhưng Sin cũng là chữ S, xoắn xuýt như linh xà, là mãng xà cuộn tròn trong một cái tên. Rồi còn có sự ngẫu nhiên khi phiên âm – Sinai, trong văn tự La Mã (nhưng Nastalid thì không) là tên của chốn-mạc-khải, của thoát-hài, của những điều răn và của bê vàng[6]; nhưng khi tất cả những điều đó đã được nói và làm, khi Ib Sina bị lãng quên còn vầng trăng đã lặn, khi rắn náu mình còn mạc khải chấm dứt, đó là cái tên của một hoang mạc[7] – của cằn cỗi, vô sinh, cát bụi; tên của sự kết thúc.
[4] Sufi: từ dùng để gọi những người tu hành theo tông phái thần bí (sufism) thuộc đạo Hồi.
[5] Tên một thành bang nằm ở phía Nam bán đảo Ả Rập, ngày nay thuộc Cộng hòa Yemen.
[6] Rushdie nhắc đến nhiều điển tích tôn giáo liên quan đến đỉnh Sinai. Đây là nơi (i) Tổng Thiên thần Gabriel đã giáng hạ và giao tiếp với Muhammad; (ii) theo tín ngưỡng Do Thái, đức Jehovah phán rắng tín đồ phải cởi giày khi đặt chân lên đỉnh Sinai vì đây là thánh địa; (iii) cũng tại đây, Moses đã nhận được hai tấm bia đá trên khắc Mười Điều Răn của Chúa; (iv) Aaron đã đúc tượng con bê bằng vàng làm thần vật tượng trưng cho Chúa để người Israel chiêm bái khi Moses vắng mặt.
[7] Bán đảo Sinai (ngày nay thuộc Ai Cập) là một khu vực có địa hình chủ yếu là sa mạc.
Tại Ả Rập – Arabia Deserta[8] – thời của Nhà Tiên tri Muhammad, có nhiều nhà tiên tri khác cũng cùng thuyết giảng: Maslama của bộ lạc Banu Hanifa ở Yamama, nằm ở trung tâm Ả Rập, và Hanzala ibn Safwan, và Khalid ibn Sinan. Chúa của Maslama là ar-Rahman, đấng Từ bi; ngày nay tín đồ đạo Hồi cầu nguyện Allah, ar-Rahman[9]. Khalid ibn Sinai được cử đến thuyết giáo cho bộ lạc ‘Abs; một thời gian, ông được họ tin theo, nhưng rồi thất bại. Không phải bao giờ các nhà tiên tri cũng là giả mạo chỉ vì họ bị lịch sử vượt mặt, và nuốt chửng. Sa mạc chưa bao giờ vắng bóng những người có đạo hạnh.
[8] Sa mạc Ả Rập.
[9] Theo kinh Quran, ar-Rahman là tên của Chúa (Allah). Rushdie ám chỉ Chúa của đạo Hồi là một đức Chúa “tổng hợp”, dung nạp những yếu tố từ tôn giáo khác.
“Mình ạ,” Ahmed Sinai nói, “đất nước này kết thúc rồi.”
Sau vụ ngừng bắn và hút xoang, những lời này trở lại ám ảnh ông; và Amina bắt đầu thuyết phục ông di cư sang Pakistan, nơi các chị em còn sống của bà đang định cư, và nơi mẹ bà sẽ đến sau cái chết của cha bà.
“Một khởi đầu mới,” bà gợi ý, “Janum, như vậy sẽ hay lắm. Quả đồi bị Chúa ruồng bỏ này còn gì cho ta nữa đâu?”
Vậy là rốt cuộc, sau bao sóng gió, Biệt thự Buckingham được giao vào tay đám đàn bà nhà Narlikar; và sau hơn mười lăm năm lỡ hẹn, gia đình tôi chuyển đến Pakistan, Xứ Sở của những kẻ Thuần Khiết. Ahmed Sinai hầu như không lưu lại gì; có nhiều cách chuyển tiền với sự trợ giúp của các công ty đa quốc gia, và cha tôi rành chuyện đó. Còn tôi, tuy buồn khi chia tay nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng không phải không vui khi được đi khỏi một thành phố nơi Shiva đang rình rập đâu đó như một quả mìn được chôn giấu kỹ càng.
Nhà tôi, rốt cuộc, rời Bombay vào tháng Hai năm 1963; và, vào ngày xuất hành, tôi cầm một quả địa cầu nhôm cũ ra vườn rồi chôn nó giữa những bụi xương rồng. Ở trong: một lá thư của Thủ tướng, một bức-hình-em-bé trang-nhất-cỡ-đại, với lời chú thích “Em bé của Nửa đêm”
Có thể chúng không phải là thánh tích – tôi không định so sánh những kỷ vật vụn vặt của đời mình với sợi tóc ở Hazratbal của Đấng Tiên tri, hay di hài của Thánh Francis Xavier tại Nhà thờ Bom Jesus – nhưng chúng là tất cả những gì sót lại từ quá khứ của tôi: một quả địa cầu nhôm móp méo, một lá thư ố mốc, một tấm ảnh. Chẳng còn gì khác, kể cả cái ống nhổ bạc. Ngoại trừ một hành tinh bị Con Khỉ giẫm nát, mọi kỷ lục còn lại được phong ấn trong hai cuốn thiên thư đóng kín, Sidijeen and Illiyun, hai cuốn Thiện Thư và Ác Thư; dù gì đi nữa, chuyện là như thế.
Chỉ khi chúng tôi đã ở trên chiếc S.S.Sabarmati và buông neo ngoài Rann xứ Kutch, tôi mới nhớ tới cụ Schaapsteker; và, đột nhiên, tự nhủ có ai thông báo cho cụ rằng chúng tôi sắp đi không. Tôi không dám hỏi, sợ câu trả lời có thể là không; bởi vậy khi tôi nghĩ đến cảnh đội giải phóng mặt bằng vào việc, và hình dung ra những cỗ máy hủy diệt đập thủng văn phòng của cha tôi và căn phòng thiên thanh của tôi, kéo đổ cây cầu thang sắt cuốn của người hầu và căn bếp nơi Mary Pereira đã khuấy nỗi sợ của mình vào chutney và rau quả dầm, thảm sát hàng hiên nơi mẹ tôi từng ngồi với đứa bé như tảng đá trong bụng, tôi cũng tưởng tượng ra một quả cầu lăng[10] khổng lồ đâm sầm vào lãnh địa của Sharpsticker sahib, và ra chính ông già mất trí, nhợt nhạt kiệt quệ lưỡi chẻ, bị phơi ra ở đó trên nóc một tòa nhà đang vỡ vụn, giữa những ngôi tháp sụp đổ và mái ngói đỏ, ông cụ Schaapsteker nhăn nheo già đi chết dần dưới ánh mặt trời đã bao năm ông không nhìn thấy.
Nhưng có lẽ tôi đang kịch tính hóa vấn đề; có lẽ tôi bị nhiễm tất cả những điều này từ một bộ phim cũ tên là Chân trời đã mất, trong đó những phụ nữ xinh đẹp và nhăn nheo và chết đi khi rời bỏ Shangri-La.
[10] Một quả bóng bằng sắt rất lớn, treo trên đầu cần cẩu như con lắc đồng hồ. Đây là thiết bị chuyên dùng để phá nhà, rất thịnh hành vào những năm 1950, 1960.
Với mỗi con rắn, có một cái thang; với mỗi cái thang, là một con rắn. Chúng tôi đến Karachi vào ngày 9 tháng Hai – và chỉ sau vài tháng, em gái tôi Jamila đã bước lên bệ phóng của một sự nghiệp sẽ đem lại cho nó cái tên Thiên thần của Pakistan và Họa mi của Đức tin; chúng tôi rời Bombay, nhưng vẫn được thơm lây.
Còn một điều nữa: mặc dù tôi bị hút kiệt – mặc dù chẳng còn tiếng ai nói chuyện trong đầu tôi, và sẽ chẳng bao giờ nữa – nhưng lại có một sự bù đắp: ấy là, lần đầu tiên trong đời, tôi biết thế nào là niềm hân hoan tột bậc khi sở hữu một khứu giác.