Lại nói Tú Anh thấy tay con gái hằn hai lằn bầm thì mắt ửng đỏ, bên kia Lục thị ôm Niệm Lang khóc rấm rứt. Trong đám hàng xóm cũng có người thương hương tiếc ngọc, xót thương thay cho Lục thị. Dẫu sao cũng chỉ do Niệm Lang còn nhỏ nên ăn nói sỗ sàng, cũng đã no đòn của Ngọc Tỷ, thiệt thòi hơn Ngọc Tỷ nhiều. Mà nhà họ Trình quả thật không có con trai, cũng chẳng thể bảo Niệm Lang trù ẻo được.
Bèn có người đứng ra khuyên giải: “Trẻ con vạ miệng, hôm nay là ngày lành, đừng so đo làm gì, ai về nhà nấy thôi, cứ ăn bánh trôi, ngắm đèn lồng là được.”
Lục thị vẫn mặc áo tang, dáng người thanh tú yểu điệu đáng thương dưới ánh đèn, cũng không lắm lời cãi cọ, tự bế Niệm Lang lên, vái chào mọi người rồi khẽ xoay lưng, nhờ nha hoàn rẽ đám đông về nhà, cài cửa. Chỉ nghe bên trong vọng ra tiếng khóc: “Chắc phải đau lắm!” Lại có tiếng nha hoàn: “Nương tử mà không cản, chắc da non cũng bị đánh đến tím bầm mất.”
Người ngoài cửa nghe mà xấu hổ.
Tú Anh kéo tay Nga Tỷ: “May nhờ có cháu trông chừng.” Lại cảm tạ Tam tỷ nhà Lý chính: “May nhờ có cháu cùng trông, nếu không, cả nhà ta bị người khác mạt xát mà không biết.” Đoạn cảm ơn chòm xóm một lượt. Rồi bế Ngọc Tỷ về nhà.
Lễ này Trình gia không tổ chức trẩy hội gì sất, chỉ cắm trong nhà, Tú Anh tuy bứt rứt nhưng cũng chẳng muốn thuật lại mọi chuyện cho đám Trình lão thái công, còn Tố Tỷ thì càng không sẩy ra một chữ. Nhưng không ngờ ngoài đường ồn ào như thế, trong nhà vốn đã hay tin từ sớm. Dù là Tố Tỷ đang tụng kinh trong phòng cũng thấy lạ, sau khi nghe Phần Hương báo tin thì khóa cửa phòng khóc một trận.
Ngày hôm sau, Lục thị trong nhà sai một nha hoàn ra ngoài mời thầy lang, nghe bảo là Niệm Lang bị đánh rất nặng, lại hốt hoảng một hồi, bị sốt. Đúng lúc ấy, nhà mẹ của Lục thị có người đến thăm con gái và cháu ngoại, biết chuyện lại bắt đầu ầm ĩ lên. Bà Lục khóc thảm thiết: “Đây là tạo nghiệt mấy đời chứ, cô nhi quả phụ bị người ức hiếp đến tận cửa rồi?!” May mà bà ta không ăn vạ như đám họ Ngô kia, cũng chưa từng lăn lộn trước cửa nhà họ Trình.
Lý chính và Kỷ chủ bộ nhìn mà thấy chẳng ra thể thống gì, đám Hà thị lại thân quen với Tú Anh, nhà Lý chính lại là hàng xóm mười mấy năm, tận mắt nhìn Tú Anh trưởng thành, bảo không thiên vị cũng là thiên vị. Thường ngày ở nhà cũng hay cảm thấy tội nghiệp thay cho Trình gia, thấy tình hình như vậy, càng muốn đứng ra làm trung gian, hòa giải hai bên.
Tố Tỷ vừa thấy lòng bàn tay cháu ngoại bầm đỏ đã khóc đứt ruột đứt gan, nghe nói muốn đưa Ngọc Tỷ ra ngoài thì hoảng muốn xỉu: “Sao thế này?!” Tú Anh đáp: “Con đi thử, xem xem chúng muốn làm gì đại tỷ của con?” Tố Tỷ sợ hết hồn: “Con là phụ nữ…” nói được một nửa lại xìu xuống. Bà Lâm nói: “Bà đi với cháu.”
Tố Tỷ nhìn trái nhìn phải, cuối cùng hạ quyết tâm: “Thôi để con đi, nhà họ đều là đàn bà, để đàn ông đến thì có vẻ như chúng ta bắt nạt họ.” Tố Tỷ bấy giờ vẫn nghĩ nhà mình còn hai người đàn ông, Lục thị lại là quả phụ, nảy lòng thương hại mà chẳng hay.
•••••
Đến nhà Lý chính, bà Lục càng làm mình làm mẩy.
Hai nhà yên vị trong nhà Lý chính, có Kỷ chủ bộ làm chứng, đám hàng xóm Triệu gia cũng đến để hòa giải. Bà Lục khăng khăng đòi Trình gia rót trà nhận lỗi, đòi cả tiền thuốc men. Lục thị chỉ lo bế con đang khóc rấm rứt, nghe bà Lục nói thế thì ngước đôi mắt ướt đẫm lên nói: “Mấy đồng tiền ấy, con vẫn có. Không cần đền, nhưng họ lại dọa con trai con sợ đến thế.”
Mới đầu Tố Tỷ còn hơi ngại, bà quả thực đã bị nhà họ Ngô làm phiền đến ngán luôn rồi, đến khi thấy bà Lục không ăn vạ như đám đại nương họ Ngô, tuy mặc áo vải nhưng cũng khá sạch sẽ thì không ngại nữa, thấy Lục thị thút thít, sực nhớ tới tay Ngọc Tỷ cũng bị thương mà lại bị người ta chèn ép như thế, bên kia Lâm lão an nhân vừa chào Lý chính, bên này Tố Tỷ đã òa khóc.
Lục thị tỏ vẻ mình thân là quả phụ đáng thương, không muốn ép người, chỉ nói Niệm Lang bị dọa, cần được an ủi. Lại không biết trong ngõ Hậu Đức này có người còn biết diễn vẻ đáng thương hơn thị. Thị biết khóc, chẳng ngờ trong nhà họ Trình lại có người khóc hay hơn cả thị.
Tố Tỷ trên có mẹ quản mình, dưới có con gái không chịu cho mình quản, chỉ có Ngọc Tỷ còn nhỏ, mỗi lần bà khóc thì bé còn lau nước mắt rót trà dỗ dành, đương nhiên thương Ngọc Tỷ hơn vài phần. Bèn khóc thi với Lục thị: “Một đứa con gái nhỏ tý thôi mà lại bị thương tay, phải làm sao đây? Là bà vô dụng, chỉ sinh được mỗi mẹ con, mẹ con cũng chỉ nuôi được một mình con, ai khiến chúng ta là đàn bà yếu đuối chứ, bị người ức hiếp thì thôi, cháu đứng ra bênh vực làm gì? Người ta bảo cháu tuyệt hậu, là khinh cháu tuyệt hậu, thật thế thì nhịn thôi…” Lại nghẹn ngào.
Hàng xóm ngẫm nghĩ, cũng phải, cái số của Tố Tỷ còn khổ gấp vạn phần Lục thị, bèn đổi chiều gió. Lý chính nói: “Vốn chỉ là lời trẻ con, không phải chuyện lớn, thôi để ta làm chủ, hai nhà cùng uống trà, ngẩng đầu không gặp cúi đầu gặp, sau này vẫn là hàng xóm.”
Tú Anh nghiến răng cười lạnh: “Chỉ là lời trẻ con? Con gái cháu một chữ cũng không hỏi thăm đến nhà nó, sao lại thành lời trẻ con rồi? Giờ lại trở ra bảo là lời trẻ con, lời trẻ con lại đến đập cửa, đòi tiền là thế nào? Lời trẻ con lại phải nhờ một bà già đến chèn ép một đứa bé chưa đến năm tuổi, đẹp mặt quá cơ!”
Bà Lục chỉ định im lặng nghe nhưng kìm không nổi, bật dậy nói: “Lời cái gì, thẳng tay đánh cháu trai của tao rồi, nào phải lời miệng chi nữa?!”
Tú Anh đáp: “Mụ không cần nhắc, đến lúc phải dùng lời, bà đây cứ sai người đến cổng nhà mụ học chuyện thị phi trước cửa quả phụ nhà mụ đấy, có giỏi thì ra mà đánh đuổi! Có đánh cũng phải đánh cái mõm hèn thất đức của con rùa rụt cổ nào đó, sắp đem cả nhà bà đây từ trên xuống dưới chửi sạch luôn rồi. Ai thấy con gái bà làm nó bị thương? Bằng mỗi cái mồm mụ á, đóng cửa lại tự véo mình mấy cái cho tỉnh rồi hẵng ra tống tiền bà! Nghĩ bà đây dễ ức hiếp cơ đấy, mụ nhìn nhầm người rồi!”
Kỷ chủ bộ thấy tình hình gay go, vội vã bước lên dàn hòa: “Chỉ là chuyện tụi nhỏ, mắng cũng rồi, đánh đã xong, trưởng bối hai nhà cần gì ra mặt?”
Tú Anh hỏi tới: “Là ai nhất định phải ép Lý chính đứng ra làm chủ, đòi vời nhà tôi đến? Đánh rắm còn muốn lấy tay bịt, người đâu mà quý vậy!”
Tố Tỷ lại lu loa lên: “Đều do chúng tôi bạc phước, không có con trai, đến cả một thằng bé ba tuổi cũng khinh khi. Con tội gì phải bướng bỉnh như thế? Cần dập đầu nhận lỗi cứ để tôi làm, chỉ xin đừng bức bách cháu gái tôi nữa, nó mới bốn tuổi thôi, cũng là mạng khổ!” Giọng bà mềm mại, tính tình yếu đuối, lúc thút thít quả thật như khóc như than.
Cả phòng đột ngột lúng túng. Lý chính vời mọi người đến nhà vốn là để hòa giải, chẳng ngờ bà Lục này cứng đầu như vậy, Tố Tỷ lại khóc đến là đáng thương, Tú Anh thì không có tý khái niệm nhượng bộ nào, thầm than đàn bà sao mà khó giải quyết như vậy. Bỗng bị Niệm Lang nhìn chằm chằm, cả người tê đi, nếu chẳng vì thằng nhóc ấy không biết giữ miệng, sao mọi chuyện lại đến nước này?
Lý chính bực mình, dứt khoát dọn trà lên cho hai nhà: “Uống tạm chén trà này đi, nể mặt ta một chút, sau này vẫn là hàng xóm.”
Lục thị biết rõ mình không thể không uống, Tú Anh nhướng mày, dẫu sao Ngọc Tỷ cũng không bị lỗ, hai người cầm chén trà lên. Bà Lục lại trách Lục thị: “Hiền quá.” Tú Anh nói: “Lại chẳng hiền, quả phụ biết thế nào là xấu hổ đâu, dạy thằng con mắng thẳng mặt người khác cơ mà. Đánh người nể mặt, mắng người không chăm chăm vào điểm yếu, lại chẳng hiền.” Tố Tỷ lại bắt đầu khóc, ép Lục thị đến nỗi không rớt nước mắt nổi. Lý chính nhức đầu vô cùng, đành phải khuyên Tố Tỷ: “Đừng vội khóc, láng giềng mấy chục năm biết cả.”
Hai bên uống cạn trà, người rẽ đông, người về tây, chẳng chạm mặt nhau về đến trước cửa nhà.
Hai bên vào nhà, Lục thị an ủi bà Lục, lại gọi nhũ mẫu của Niệm Lang đến mắng: “Là ai dạy thiếu gia nói thế? Hư thân! Mắng thẳng vào mặt người ta rồi.” Đoạn gọi lái buôn đến bán người, mua người mới làm nhũ mẫu, nha hoàn khóc lóc van nài, vẫn không đổi ý.
Lại sai người đem trà bánh sang biếu Trình gia: “Nương tử nhà con biết lỗi rồi, là Niệm Lang đã sai, ngày ngày ăn năn.”
Tú Anh không tha, hung hãn mắng cho một chập: “Kiếm chuyện xong lại đòi bịt miệng người bị hại, thị nghĩ mình là ai?! Bà già kia họ Lục vậy mà quản được đến nhà họ Du cơ đấy, một câu ăn năn là xong chuyện, cho rằng ai cũng ngu cả đấy! Thằng bé kia là con trai, thế thì không tuyệt hậu rồi, xem xem có trưởng thành nổi không đã! Cái thứ khắc cha! Nó chỉ là con nít, không ai dạy thì biết mồm mép thế à? Nhìn thì có vẻ tốt đẹp, sau lưng lại ngấm ngầm xuyên tạc, chẳng trách bị người ta đuổi đi, ấy là sợ thị làm loạn nhà đấy! Quả là con ma xó! Tai họa!”
Mợ Lý chăm Ngọc Tỷ bằng sữa mình, thân thiết hơn người khác ba phần, bảo không thân cũng là thân, cũng không có lòng riêng, chửi còn thấm thía hơn Tú Anh: “Ông già tám chục vợ thì mười tám, chẳng biết ai lợi hại hơn! Còn tự xưng là thiếu gia nhà giàu cơ đấy! Tại sao Du gia đuổi nó đi, chắc nó cũng tự biết. Qua lại chưa tới hai năm, làng xóm đã ra mặt dùm nó rồi, chẳng biết hạ bùa mê ngải lú gì! Lại tin một bé gái có thể đánh được thằng nhóc lớn hơn mình một hai tuổi, còn chưa dám khẳng định vết thương đó ở đâu ra cơ mà! Vết thương trên tay tiểu thư còn chưa khỏi, đến nay chưa viết chữ lại được, cái thứ khắc cha khắc chồng đó còn muốn quay lại táp một miếng, có chó cũng không tới mức này chứ!”
Chòm xóm vốn bảo Lục thị biết lý lẽ, qua miệng hai người, lại nghĩ Lục thị gian xảo. Đều là phụ nữ, Tố Tỷ và Tú Anh cùng phe, nghe lời bóng gió của mợ Lý thì đều trừng mắt nhìn đàn ông nhà mình, sợ họ nghiêng về phía yêu tinh ấy.
Chẳng hay vì sao, nhà Du đại hộ cũng biết chuyện, lại sai người tới khuyên Lục thị “Dạy dỗ Niệm Lang cho tốt. Du gia trước giờ xót nghèo thương yếu, giờ cô lại ức hiếp người ta, mất hết mặt mũi tổ tông mà”, chọc Lục thị giận đến ngã ngửa, thế là lại đóng kín cửa nhà, một lòng dạy dỗ Niệm Lang, cho nó ăn học, trưởng thành đỗ đạt công danh.
•••••
Nhà họ Trình đụng phải chuyện này, tháng một trôi qua chẳng vui vẻ gì, Tô tiên sinh biết chuyện, cũng thở dài một tiếng: “Nữ hộ đơn đinh, cái thiên dân chi cùng giả dã*.” Lần này không cần ai nói, thầy cũng biết không thể thể hiện ra mình yếu thế. Trình lão thái công sắm sửa quà lễ biếu hai nhà Lý chính, Kỷ chủ bộ, thu xếp gọn gàng.
[*Nhà chỉ có con gái hoặc chỉ có một con trai là những người nghèo nhất thiên hạ.]
Lại nói vết thương trên tay Ngọc Tỷ hai ba hôm sau đã lành, bên kia chẳng biết Niệm Lang thế nào mà cần dưỡng thương đến một tháng. Ngọc Tỷ vẫn còn giận, bé dọn đến chỗ cha mẹ ở, mỗi sáng đều vào vườn đứng nghiêm, xem Trình Khiêm múa gậy.
Trình Khiêm vốn biết một hai món võ, múa gậy tốt, mỗi sáng thức dậy sẽ luyện tập một lần. Ngọc Tỷ xem chưa được vài ngày đã nói với Trình Khiêm: “Cha, dạy con.”
Trình Khiêm hỏi: “Dạy con làm gì? Thầy Tô dạy không được sao?”
Ngọc Tỷ nhìn chàng chằm chằm: “Con muốn học gậy!”
Trình Khiêm sao mà đồng ý được? Dù chàng có đồng ý, thì ông Trình bà Lâm cũng sẽ cảm thấy con gái học múa mấy thứ này không hay, Tố Tỷ càng không thích, chỉ có Tú Anh là hơi lưỡng lự: “Biết một ít cũng tốt, nếu lại gặp thằng yểu mệnh nhà họ Du kia, đỡ bị đẩy ngã.”
Chẳng ngờ Ngọc Tỷ cứng đầu, không dạy bé không ăn cơm, ai dỗ cũng không chịu. Trình Khiêm nói: “Thầy con đang muốn dạy con bắn tên đấy, môn đó cũng là võ.” Nhưng Ngọc Tỷ là đứa khó bịp: “Con học tất!”
Tú Anh dở khóc khẽ tay bé: “Oan gia, cô chỉ ỷ cha, ông, bà thương mình thôi. Cô đói, đói, đói chết cũng được!” Bà Lâm đăm chiêu: “Con nít dễ mất hứng, giờ đồng ý với nó, chẳng mấy chốc sẽ bỏ dở thôi, càng cản thì càng bướng.” Cuối cùng không thể không đồng ý.
Lại thu xếp chọn thị nữ cho bé: “Thường ngày đem theo vài thị nữ, lúc đánh nhau mới có người giúp một tay.”