Nữ Hộ

Chương 62: Đi cùng


PHƯƠNG TRƯỢNG, BUÔNG THA TIÊN SINH ĐI.

Lại nói khi nhận được công văn khẩn, Lệ Ngọc Đường cứ như bị ai đó róc xương xối nước tuyết vào. Ngồi trong phòng đốt than Ngân Sương thượng hạng ngay giữa tháng giêng mà tay chân ông lạnh ngắt, đầu choáng mắt hoa, lảo đà lảo đảo, tay vò bức thư, chân loạng chà loạng choạng, ngã thẳng xuống tháp la hán, lúc ấy mới cảm thấy mắt hết nổ đom đóm.

Lật qua lộn lại tờ giấy trong tay, đọc tới đọc lui, nội dung vẫn là Thái tử đã hoăng thệ. Dù Lệ Ngọc Đường không màng chính sự, cũng biết việc lần này to rồi. Về tư, Thái tử là cháu trong tộc của ông, về công thì còn trầm trọng hơn, ấy là quốc trữ, là quân vương tương lai, cứ thế mà tèo, tuy Quan gia đương độ tráng niên, nhưng tuổi khỏe còn người lại không, trước sau hậu cung nuôi nấng mười mấy đứa con cả trai lẫn gái cho Ngài, tới nay chỉ bốn trai ba gái còn sống, gạch Thái tử ra, chỉ còn ba đứa con trai. Bốn đưa con trai đều có thân phận khác nhau, con trưởng Tề vương do Thục phi Trần thị hạ sinh, Thái tử là con của hoàng hậu đầu tiên Vương thị, con trai thứ ba Triệu vương thuộc về Lý tài nhân chốn hậu cung, con út Lỗ vương dòng dõi kế hậu – em họ của Thục phi Trần thị.

Thái tử mất, đáng ra đại vị có khả năng rất lớn sẽ thuộc về Lỗ vương, nhưng hỏng là hỏng ở chỗ, Thái tử tèo do bệnh sau khi dùng thức ăn lạnh mà Hoàng hậu ban. Tề vương là con cả, nhưng lại là thứ xuất. Song, cha của Thục phi là đích trưởng, cha của Hoàng hậu khi xưa không nổi trội được bằng anh họ mình, mà quan trọng nhất là, cha Thục phi cùng mẹ với Thái hậu, cha Hoàng hậu và Thái hậu lại khác mẹ. Chưa bàn đến triều đình, ngay cả trong nội bộ Trần gia cũng đã giằng co ầm ĩ.

Lệ Ngọc Đường bị mớ phiền phức này vần cho hoa mắt, lại bắt đầu lo cho Cửu Ca, nhưng quân tử trọng lời hứa, mình cũng đã đích thân dắt con đến nhà người ta, không tiện bội ước. Đành phải bảo Cửu Ca sang gặp, căn vặn muôn ngàn lời, cấm y dây vào. Cửu Ca đáp: “Trong kinh có ai biết mặt con à?” Lệ Ngọc Đường á khẩu, phẩy tay: “Con lui đi, ta viết thêm vài câu nhắn gửi, con đem đi cùng.”

Ông muốn răn dạy con trai, Ngô vương trong kinh cũng có cùng suy nghĩ. Công báo của triều đình đến chưa tròn ngày, thư của phủ Ngô vương cũng bay tới, lúc đấy Lệ Ngọc Đường đang thay đồ, muốn đích thân đến nhà họ Hồng trình bày rõ ràng với Tô tiên sinh, xin thầy viết vài chữ để mình gửi vào kinh xác minh thân phận, đặng ông còn kịp thời “sắp xếp” đưa Tô tiên sinh về kinh.

Lệ Ngọc Đường hỏi thăm sức khỏe của cha mẹ, sai người đưa thư đến gặp Thân thị. Người này và Thân thị là chỗ quen biết, là con trai của quản sự trong phủ Ngô vương, trình thư lên, Thân thị bảo hắn lui xuống xơi trà dùng cơm. Lệ Ngọc Đường bóc thư ra đọc, vừa lướt qua đã từ hoảng chuyển sang yên.

Trong thư Ngô vương bảo, bệnh của Thái tử tuy nói là do Hoàng hậu mà ra, nhưng cậu ta vốn đã yếu trong người, có ngã xuống cũng là chuyện trong dự đoán. Với cả thuốc mà cậu ta dùng, lại được sắc từ dược liệu do Tề vương biếu. Đây cũng là chuyện không điều tra rõ.

Ngô vương suy đoán, dù việc này do ai chủ mưu thì Quan gia cũng không thể nghiêm trị được, không vì gì khác ngoài chuyện Triệu vương có tật bẩm sinh, chân dài chân ngắn. Triệu vương ngày thường khá e dè, chỉ dựa vào sự che chở của Thái tử cầu cuộc sống an bình, triều thần ai cũng cảm thấy hắn trông không giống hoàng tử. Nếu nghiêm trị Tề vương và Hoàng hậu thì non sông vạn dặm này biết giao vào tay ai? Đành phải rụt tay vào áo, câm nín chịu trận. Tối đến trùm chăn quá đầu, khóc than cho Thái tử số khổ nhà Ngài.

Tề vương và Hoàng hậu, chẳng ai chịu nhận mình là thủ phạm, điều tiếng cực xấu, dù Quan gia định lập Tề vương hay Lỗ vương thì cũng phải gầy dựng danh tiếng cho người nọ. Nghĩ tới nghĩ lui, vắt tay lên trán: “Chẳng phải còn có ông ấy ư?”

Quan gia nhớ thương Tô tiên sinh chẳng lúc nào ngơi, nhưng không ngăn nổi chuyện Hoàng thái hậu ngày ngày nói xấu thầy, Quan gia nghe tai này lọt tai kia, song cũng sợ họ Trần làm khó Tô Trường Trinh. Tục ngữ nói rất đúng, Minh thương dễ tránh, ám tiễn khó phòng, với cái tính tình kia và cái tật mù đường nọ, nếu vẫn để thầy làm quan trong triều, hôm nào đấy bực mình quá, Hoàng thái hậu sai người trùm bao bố lôi vào ngách tối đập cho một trận, người nhà có khi còn nghĩ thầy đi lạc ấy chứ. Đành phải nhân lúc Hoàng thái hậu giận chưa đến mức nổi cơn tam bành, đuổi thầy đi thật xa, cũng tiện cứu thầy một mạng.

Trước mắt, Tề vương hay Lỗ vương gì cũng phải cần đến tiếng tốt của Tô tiên sinh, thế là Quan gia bèn thưa với Thái hậu: “Cho đòi Tô Chính về kinh làm thái phó Thái tử, dẫu lập người nào cũng có thể bịt bớt mồm của đám trí thức.” Hoàng thái hậu ngẫm, đúng là vậy thật. Xưa kia vì để đuổi người ta ra khỏi kinh, bà dốc cạn cơ mưu, đến hôm nay cần cậy người mới giận mình ngày ấy quá tuyệt tình, cứ than lia lịa: “Oan nghiệt.”

Ông hỏi lý do á?

Tục ngữ có câu, “Một kẻ giấu đồ, mười người tìm không ra“, gặp Tô Trường Trinh thì lại thành “Một kẻ đi lạc, ngàn người tìm không thấy“. Giấu đồ thì còn dễ đoán chỗ, thường thì ở xó nào đấy, phần lớn là nhét ở một cái khe được che chắn kỹ, còn vị Tô Trường Trinh này, ông có biết được thầy đang mò trên núi hay đang lội dưới sông không? Còn sống hay đã ngỏm?

Vậy là hai cung đều quýnh quáng, chỉ mong Tô tiên sinh quay về.

Lời cuối trong thư Ngô vương rằng, nếu Lệ Ngọc Đường có thể tìm được thầy Tô, thì ấy đúng là công lớn. Nhưng Tô tiên sinh là chính nhân quân tử, dặn Lệ Ngọc Đường lúc tìm người không được phách lối quấy nhiễu dân lành, tránh cảnh Tô Trường Trinh vừa đặt chân vào kinh, chưa vội đi lạc mà tố cho một bản trước.

Chuyện của cái gia đình trong cung cấm kia, đừng bảo người trong kinh, ngay cả những kẻ thường xuyên công tác bên ngoài như Lệ Ngọc Đường còn rõ, ấy là một đống gai được trộn lẫn với dây thép, là cục phiền toái dai đến nỗi dao sắc cũng cứa không nổi! Ông tự biết lấy thân, hiểu rằng chuyện này mình nuốt không trôi, bèn dứt khoát để mặc. Nhưng cục diện trước mắt, ông lại rõ ràng một điều: Không ngại! Dẫu ai chiếm được nửa phần loan giá thì đều phải nể trọng Tô tiên sinh, nghĩa là mình đứng vào thế bất bại.

Nghĩ thông đoạn đấy, Lệ Ngọc Đường lấy làm yên tâm, không vời ông sui Tề tới bàn bạc mà sang chỗ cậu sui Hồng hàn huyên luôn. Ông hỏi tại sao à? Một là vì Tô tiên sinh ở đấy, hai là để khỏi lộ tin tức. Thầy Tô bây giờ chính là mặt hàng đầu cơ trục lợi mà.

Lệ Ngọc Đường dắt Cửu Ca đến nhà họ Hồng, khi đó thầy Tô đang đốc thúc Hồng Khiêm rèn chữ, mượn lời thầy Tô mà rằng, chữ của Hồng Khiêm đã “Cua bò biến thành nhặng bay, đỡ mất mặt nhưng vẫn còn mất mặt.”

Hồng Khiêm tức nước gom cả đám tôi tớ trong nhà lại, ra lệnh: “Không ai được dắt ổng ra ngoài nghe đám đàn bà chanh chua ngoài phố mắng người nữa.” Học cho cố đem về trêu ngươi ta!

Lệ Ngọc Đường đến nhà, cầm theo công báo thư khẩn, trình bày rõ ràng với Tô tiên sinh: “Tình hình trong kinh bây giờ cấp bách, xin tiên sinh ban cho vài chữ đặng vãn sinh gửi đi xác minh thân phận, hộ tống tiên sinh về kinh.”

Thầy Tô không thèm mắng Hồng Khiêm nữa, viết liền một bức thư an ủi Quan gia, ngôn từ gần gũi, tình cảm tha thiết, cuối cùng đóng ấn riêng. Cũng chẳng cần ai đến kiểm tra thầy là giả hay thật, chỉ cần xác minh nét chữ của thầy đã rõ. Ấy là chỗ lợi của việc tìm danh gia thư pháp một thời.

Lệ Ngọc Đường nhận thư, không có cả thời gian quấn lấy thầy Tô, vội vã cáo từ: “Để Cửu Ca ở lại nghe răn dạy, tiên sinh có điều chi nhắn nhủ cứ nói với nó. Nó là hôn phu của Cửu Nương, cũng là vãn bối của thầy.”

•••••

Cửu Ca tuân lệnh cha, đứng nghiêm như cán bút trong thư phòng Tô tiên sinh. Thầy Tô thì dịu xuống, ngước mắt thấy Cửu Ca đóng bộ cột nhà, bèn vẫy tay gọi: “Trò đến đây nào, xem ta chép quyển kinh thư này có ổn không,” lại phất tay đuổi Hồng Khiêm, “Giờ trò có nhìn cũng chẳng còn tác dụng gì lớn, thôi lui xuống rèn chữ đi.”

Hồng Khiêm đang nheo mắt suy nghĩ, bị cái phất tay của thầy cắt ngang, xoay người đi luôn. Cửu Ca chợt nghe thầy Tô bảo: “Cái điệu bộ kia của nó, chắc không phải đang ủ mưu gian gì đâu nhỉ?” Cửu Ca chẳng đáp tiếng nào, tập trung xem quyển kinh nọ. Thư pháp của Tô tiên sinh bốn bể nghe danh, vậy mà lại đi chép kinh, đúng là gáo vàng múc nước giếng bùn. Cửu Ca bèn hỏi: “Thư pháp tiên sinh không phải là thứ vãn bối có thể dễ dàng bình phẩm. Có điều dùng để chép kinh, thì hơi… Tiên sinh ấy là?”

Thầy Tô thở dài, đáp: “Gửi cho lão trọc kia, dù gì cũng đã quen nhau một bận.” Cửu Ca suy nghĩ, lần nọ gặp Ngọc Tỷ trong chùa Từ Độ, lúc về nghe Thất Tỷ bảo vị Tô tiên sinh này rất thích bảo phương trượng coi bói cho, chắc hai người có quan hệ cực tốt. Phương trượng kia ôm được một quyển kinh chép tay của Tô tiên sinh, khéo thay có thể trở thành bảo vật truyền đời của ngôi chùa ấy rồi.

Nghĩ xong, Cửu Ca bèn hỏi thầy Tô: “Tiên sinh muốn lên núi?”

Thầy Tô gật đầu: “Cũng để có đầu có đuôi, quay về kia thì không tiện nữa. Gặp mặt một lần, dứt bỏ niệm tưởng, thế thôi.” Cửu Ca im lặng, Tô tiên sinh về kinh thì không còn được như lúc này, gặp thứ thú vị cứ mặc sứu nghiên cứu nữa mà phải nghiêm minh, ra mặt cho tân Thái tử.

“Con đưa tiên sinh đi.”

Thầy Tô liếc y một cái, đáp: “Cũng được. Gọi cả Ngọc Tỷ nữa, dù gì cũng là nơi nên duyên của hai trò.”

Cửu Ca vâng lời: “Tiên sinh nói phải.”

Thầy Tô thấy y chẳng tý thẹn thùng mà ung dung trầm tĩnh thì chợt hoảng hốt, thầy vốn thích dạng quân tử không quan tâm thiệt hơn này, nhưng Cửu Ca là chồng của học trò mình, nghe đến nơi nên duyên mà chẳng sợ chẳng mừng, thầy lại không vui trong lòng. Cửu Ca thấy thầy không nói gì nữa, bèn cáo từ đến chỗ Ngọc Tỷ, Tô tiên sinh đánh giá y lại một lượt mới bảo: “Đi đi.”

Ngọc Tỷ bên ấy đang nói với Tú Anh: “Con vừa sang chỗ bà, bà khóc um cả, bảo muốn đến chùa Từ Độ thắp thêm nén nhang.” Tú Anh nghe bảo Tố Tỷ lại khóc thì cau mày, song đến đoạn không nỡ ngừng nhang đèn lại thả lỏng: “Vậy chúng ta cùng đi. Mấy năm nay, tuy ngôi chùa ấy nhận tiền hương hỏa của chúng ta nhưng cũng linh nghiệm thật, con cũng đi cùng, thành tâm kính lạy, xin được phù hộ, lần này chúng ta đi là đi vào kinh. Miệng nói thì dễ nhưng làm việc phải cẩn trọng, nơi ấy nhiều người tài.”

Ngọc Tỷ ngồi kề Tú Anh, đưa tay vuốt nếp nhăn dọc theo đôi mày mẹ đến khi nó về lại bình thường, mới bảo: “Người tài cũng là người. Lương tướng chẳng phải người kinh sư, tiên sinh cũng không phải người kinh sư, ngay cả Thái Tổ, Thái Tông triều ta cũng không trưởng thành ở kinh sư mà? Đều là anh hào khắp nơi, có năng lực mới vào kinh. Đất kinh thành ấy à, chẳng qua cũng chỉ là nơi tập trung tinh hoa của cả nước thôi.”

Vừa dứt lời, Hồng Khiêm đã vén rèm bước vào: “Đúng là cái lẽ này.”

Thấy chàng đến, mẹ con hai người đều đứng dậy, Ngọc Tỷ thưa “Cha”, rồi cung kính đứng thẳng. Tiểu Lạc thấy thế, nhẹ nhàng lui ra ngoài bưng trà đến cho Hồng Khiêm.

Hồng Khiêm nói: “Những sự vụ trong kinh, khi mình đã cho nó là việc, sẽ sinh ra kính sợ, nhưng nhìn thoáng ra rồi thì chẳng còn gì đáng ngại nữa. Người vẫn là người như thế, dù có xấu xa, gian trá hay nhỏ nhen hơn chút đỉnh, thì chỗ nào mà chả có cái ngữ ấy?” Lại hỏi, “Thu xếp thế nào rồi?”

Tú Anh đáp: “Ngoài những đồ gia dụng đang dùng, mọi thứ còn lại đã chỉnh tề, của hồi môn của Ngọc Tỷ cũng đã chuẩn bị đủ, chỉ chờ chuyển lên thuyền.”

Hồng Khiêm nói: “Tô tiên sinh chưa chắc là sẽ đi cùng chúng ta, chuẩn bị riêng một phần biếu thầy ấy đi.”

Tú Anh kinh ngạc: “Sao?”

Ngọc Tỷ hỏi: “Có phải trong kinh xảy ra chuyện rồi? Tiên sinh phải đi trước ạ?”

Hồng Khiêm đáp: “Con lại đoán đúng rồi.”

Ngọc Tỷ thưa: “Hình như đã nghe nói, Thái tử hoăng rồi? Đây là vị trong kinh muốn vời Tô tiên sinh quay về nhỉ?”

Hồng Khiêm cười hỏi: “Sao con nghĩ thế?”

Ngọc Tỷ đáp: “Như con chấy trên đầu kẻ hói ấy mà —– Rành rành ra đấy còn gì ạ. Đông cung không thể để trống quá lâu, kế lập thể nào cũng sẽ không được bằng nguyên phối, phải chống lưng ra mặt thay hắn. Hoàng hậu và Thục phi, tôn ti thay đổi, sớm muộn gì cũng sẽ đấu một trận to. Trước đây có Thái tử tọa trấn thì chưa dám thể hiện nhiều, giờ Thái tử mất, còn chưa rõ mọi chuyện sẽ thế nào. Lúc này mà thua đương nhiên không tốt, nhưng thắng cũng phải nhếch nhác chật vật, chẳng lại không cần một quân tử đứng đắn ra mặt giữ thể diện hộ à?” Dạo gần đây nàng khá quan tâm chuyện trong hoàng thất, lại có Thân thị một lòng chỉ dạy, thế nên thấu suốt mọi điều.

Hồng Khiêm giơ ngón trỏ lên, Ngọc Tỷ nhếch mép cười. Tú Anh bèn nói sang chuyện muốn đến chùa Từ Độ dâng hương, Hồng Khiêm đáp: “Đi thì đi, chọn ngày nào ấm một chút, quyên thêm chút đỉnh nhang đèn, bầu không khí trong ngôi chùa ấy rất dễ chịu.” Ngọc Tỷ cười đón ý: “Phương trượng trong ngôi chùa ấy cũng rất đáng thương.” Hồng Khiêm Tú Anh nghe mà cười tướng lên.

Cửu Ca vừa bước đến vườn đã nghe tiếng cười bên trong, nhướng mày. Tới khi muốn vào thì gặp Tiểu Lạc bưng trà đến, nhìn y lại nhìn mâm, tổng cộng chỉ có ba chén trà, vội cao giọng bẩm: “Cô gia đến rồi ạ.” Rồi vén rèm mời Cửu Ca vào, mình lại lặng lẽ lui xuống bếp bưng thêm một chén trà nóng lên.

Cửu Ca vào phòng, thấy một nhà ba người vẫn đang cười, cũng chẳng hỏi nhiều, chỉ thưa: “Khi nãy gia phụ lệnh tiểu tế nghe theo lời dặn của tiên sinh, tiên sinh đã chép một quyển kinh, muốn tự mình đưa vào chùa Từ Độ, chẳng hay nhạc phụ nhạc mẫu sắp xếp thế nào?”

Tú Anh cười bảo: “Thế này thì khéo quá! Chúng ta đang bàn chuyện đến đó trước khi vào kinh đây, thôi đi cùng tiên sinh luôn vậy. Cửu Ca, con có đi không?” Cửu Ca liếc Ngọc Tỷ một cái, đáp: “Hẳn là có ạ.”

Tú Anh nói: “Đã thế thì chờ ngày ấm trời quang, thuê kiệu đi.”

Nếu là hộ tống người khác ra ngoài, Cửu Ca đương nhiên rảnh rỗi ở lại hàn huyên đôi lời với Ngọc Tỷ, nhưng người muốn ra ngoài lại là Tô tiên sinh với biệt danh “khó-mà-tìm-về”, Cửu Ca đành phải về bẩm với Lệ Ngọc Đường một tiếng. Rồi mới dám quay lại, dẫu sao vẫn phải trông thầy Tô cho kỹ, để khỏi ngay lúc này lại lạc mất. Hồng Khiêm cười bảo: “Nếu thầy ấy muốn đi thì đúng là phải cẩn thận.” Rồi để Cửu Ca về nhà.

Ấy vậy mà mấy ngày liền Giang Châu lại cứ trời sầm, mới đầu là mưa lâm râm, sau thêm cả tuyết lất phất, cuối cùng chẳng thể phân biệt nổi là mưa hay tuyết nữa. Vì trời đổ mưa tuyết nên đường xá trơn trượt, lại do Thái tử hoăng mà mọi nhà không thể trẩy hội cuối giêng, đều cất đèn lồng, tạm ngừng hội họp. Cả thành quạnh quẽ.

Trời quang mây tạnh đã là chuyện của ba hôm sau, Hồng gia lại cố chờ thêm một ngày mới đưa cả nhà lên chùa. Lệ Ngọc Đường không đi cùng, ông phải ở lại xử lý chuyện của cả thành. Dẹp bỏ những vật những việc kỵ với quốc tang trong thành xong, lại phải đích thân đi kiểm tra thuyền quan, dự định để Cửu Ca và Tô tiên sinh ngồi cùng một chiếc thuyền quan lớn, chiếc thuyền mà Thân thị chuẩn bị cho Cửu Ca vừa khéo để tải đồ đạc đi kèm.

Bên này Lệ Ngọc Đường vừa gửi thư khẩn sáu trăm dặm vào kinh, trong kinh đã hồi âm khẩn tám trăm dặm. Chính Quan gia sốt ruột, Hoàng thái hậu sau mành cũng nóng gan, hai đứa cháu của bà ta đã hơi có vẻ không chịu nổi nhau rồi. Cái danh “ra-ngoài-khó-mà-tìm-về” kia của Tô Trường Trinh thực sự rất vang dội, cả hai đều sợ thầy lại đi lạc mất. Vì thế Quan gia ra ý chỉ, rằng “Bảo Lệ Ngọc Đường đích thân hộ tống tiên sinh về, chớ để tiên sinh lạc.”

Cái ý vời Lệ Ngọc Đường về kinh lại là của Tôn thượng thư. Cháu gái ông ta không còn nhỏ nữa, Lệ Lục Ca cũng sắp hai mươi rồi, đính hôn ngay, kết hôn sớm mới đúng lẽ. Không nhân cơ hội trước mắt thì biết phải đợi đến khi nào Lệ Ngọc Đường mới có thể về kinh?  Cha mẹ cả hai đều không có mặt thì còn gì là thành hôn nữa? Thế nên Tôn thượng thư mới góp ý với Quan gia: “Dưới gầm trời này, Lệ Ngọc Đường tìm được người nhanh đến thế, đối tượng lại còn là Tô tiên sinh, có thể thấy hắn là người tài giỏi. Giờ là lúc cần dùng người, khéo có thể triệu về nghe lệnh.”

Quan gia cân nhắc, đúng là vậy, tuy ông anh họ ấy không thể gọi là “tài cán” nhưng cũng vừa vừa, thời buổi giờ triều đình mong mỏi an bình, những người kiểu không thừa không thiếu này xài được hay không để sau hẵng xét, nhưng trước mắt đúng là có thể cân bằng thế cục. Thế mới có ý chỉ lệnh Lệ Ngọc Đường hộ tống tiên sinh vào kinh, một đạo ý chỉ khác lại được gửi riêng cho Lệ Ngọc Đường, điều ông về kinh, nhậm chức tông chính thiếu khanh. Tôn thượng thư thỏa ý, về nhà bảo vợ già vỗ về cháu gái, nội trong năm nay có thể gả đi rồi.

Lương tướng năm xưa là chỗ quen biết cũ của Tô tiên sinh, đến nhà báo tin tốt cho cả gia đình thầy, lại viết một mẩu tin vắn cho Quan gia xem qua rồi kẹp vào gửi chung: “Phái Lệ Ngọc Đường dùng thuyền hộ tống Tô Chính về kinh, để phòng đi lạc.” Lương tướng bụng bảo dạ, đi bộ thì chân nằm trên người ông, nhưng ngồi thuyền thì ông không biết bơi, tôi thách ông chạy lung tung đấy!

Lệ Ngọc Đường nhận ý chỉ, lại đọc thư tay của Lương tướng thì quíu cả đít, vội vã chạy về hậu nha tìm Thân thị: “Gọi chúng ta vào kinh cùng kìa.” Thân thị hoảng hốt: “Lại sao nữa vậy?” Lệ Ngọc Đường đáp: “Chắc sợ Tô tiên sinh lại đi lạc.” Thân thị nghẹn lời nhìn trân, hồi lâu mới nói: “Tông chính thiếu khanh cũng được. Ta đi thu vén hành trang.” Tiếc nỗi tông chính thiếu khanh không phải chức quan kiếm được tiền, lại tính toán tài sản, tiền để tổ chức đám cưới cho Lục Ca, Thất Ca, Bát Ca cũng vừa đủ, năm ngoái lại có một mớ bạc vào túi, đắp vào chỗ Lục Tỷ Thất Tỷ. Còn chuyện của Cửu Ca thì chuyến này lên kinh phải đem thêm mớ đồ thêu, Hồ tiêu, hương liệu, bán sang tay. Bà nhủ thầm, phải chi còn ở lại Giang Châu thêm nửa năm một năm nữa, làm đầy kho nhà hơn chút đỉnh, trừ tiền lo cưới gả cho con thì trong tay sẽ dành dụm thêm được một mớ. Khi ấy dù có vào kinh, lễ lạt hay sinh nhai gì cũng thoải mái hơn.

Thân thị không khỏi đau đầu, bà vốn muốn kiếm một vố hòm hòm ở Giang Châu để về kinh dưỡng lão, giờ trong kinh lại nảy nòi ra vụ này, mấy cái khác đã đủ, nhưng phải sống cần kiệm một chút.

Có tính toán thế nào cũng chẳng chống nổi Thánh mệnh rầy rà, Thân thị sau rốt mới thở dài: “Người tính không bằng trời tính, số mình trước sau đã vậy.”

•••••

Biết chuyện Lệ Ngọc Đường về kinh “thăng chức”, lại hay việc Tô tiên sinh vẫn luôn ẩn náu ở Giang Châu, cả thành lại bắt đầu ồn ã. Nào ngờ tiên sinh còn khó gặp mặt hơn phủ quân, những người như Tề đồng tri, giờ muốn gặp Lệ Ngọc Đường lại dễ hơn, tuy trong kỳ quốc tang không tiện yến ẩm, nhưng cùng nhau xơi chén trà nhạt vẫn được, biếu quà lên đường, gửi gắm vài câu, dù gì cũng là “người thân vào kinh làm quan” cơ mà. Vợ của Tề đồng tri cũng viết thư, gửi gắm Thân thị chăm sóc con gái.

Khổ là khổ hai gia đình vợ chưa cưới của Thất Ca Bát Ca, vốn còn đang phân vân, giờ thì chẳng phải lăn tăn nữa. Ngọc Tỷ cũng vào kinh, nhưng ấy là đi theo cha mẹ, đương nhiên chẳng có gì đáng lo. Nhưng con gái hai gia đình họ thì đi thế nào? Hai ông cha đều đang tại chức, không rời được. Mà có vào kinh thì Thái tử mới mất, Lệ gia lại là tông thất chưa ngoài ngũ phục*, không thể thành hôn, thế thì con gái phải sống riêng như nào?

[*Là tất cả những người có quan hệ huyết thống trong năm đời.]

Đành giao hẹn, chờ việc trong kinh qua hết, Lục Ca hoàn hôn, Lệ Ngọc Đường gửi thư về thì bên này sẽ đưa dâu vào kinh, rồi gấp rút chuẩn bị của hồi môn. Tề đồng tri thì khôn khéo hơn, bảo vợ đến gặp Tú Anh Ngọc Tỷ, gửi nhờ con gái. Nương tử Tề gia chẳng đến tay không, tặng cho Ngọc Tỷ bốn xấp gấm và một bộ trang sức cài đầu, cộng vài món vàng bạc. Bà cũng hiểu rõ, Ngọc Tỷ là “vợ con ruột” của Thân thị, lời nói có trọng lượng. Tề đồng tri cũng đã dặn, vị Tô tiên sinh chạm cái bỏng tay kia lại là thầy của Ngọc Tỷ, bái sư đàng hoàng, có khi còn được gọi là đồng môn với Quan gia trong cung kia. Cho nên nhà họ Tề không dám coi nhẹ nàng.

Chẳng bao lâu sau, gia đình Thất tẩu Bát tẩu cũng có nữ quyến đến nhờ cậy, nhà Thất tẩu biếu một tượng Quan Âm ngọc trắng cao một thước, nhà Bát tẩu tặng một nghiên mực cổ —– Đều có điều gửi gắm cả. Ngọc Tỷ gọi trưởng bối ba gia đình là “thím”, cử chỉ khiêm tốn vô cùng, Tú Anh cũng rất nhã nhặn.

Tiếc nỗi bao người đến như thế, mà rốt cuộc vẫn không gặp được Tô tiên sinh, thầy Tô truyền lời rằng, nước mất trữ quân, thầy chẳng lòng dạ nào tiếp khách. Mọi người thầm nhủ, Tô Trường Trinh đúng là danh bất hư truyền. Nào biết vị Tô tiên sinh không có tâm trạng tiếp khách này lại đến chùa Từ Độ làm khách.

Trời đẹp, Thân thị dắt cả Lục Tỷ Thất Tỷ cùng đến chùa, anh em Cửu Ca theo hộ tống, đã hẹn trước với nhà họ Hồng, khởi hành cùng một ngày. Tập trung trước cổng thành, hai nhà gộp một, đều thẳng hướng Từ Độ. Đến dưới chân núi, ai nấy rời kiệu xe, Thân thị đưa mắt nhìn sang, thấy Ngọc Tỷ mặc áo vạt ngắn màu ngà, váy gấm xanh, trên đầu không cài hoa lụa rực rỡ thì rất vừa lòng.

Vỗ tay Cửu Ca, dùng miệng ra dấu, Cửu Ca bèn đến chào cha mẹ vợ trước. Bên kia Tú Anh cũng đẩy Ngọc Tỷ sang chào Thân thị, sau đó thì trai về đằng trai, gái về đằng gái. Thân thị thở dài: “Dâng hương dịp này, chẳng biết ngày sau có còn cơ duyên đến thăm nữa hay không.” Tú Anh lấy làm cảm động, giọng đã nghèn nghẹn: “Đúng nhỉ, cứ nghĩ đến là lòng lại trống vắng.”

Ngọc Tỷ hiểu tâm trạng mẹ, không chỉ không nỡ rời ngôi chùa này, mà còn không nỡ rời quê nhà, cân nhắc hồi lâu, dịu dàng khuyên nhủ: “Mẹ nghĩ đến Kim Ca, bà ngoại, cha, trong lòng chẳng sẽ đong đầy?” Rồi nâng mặt Tú Anh lên đối diện với mình: “Nhìn này nhìn này, đáy mắt toàn là con, hẳn cũng viên mãn rồi.” Tú Anh nghe nàng trêu, vừa muốn khóc lại muốn cười, đưa khăn tay chấm nước mắt, cười với Thân thị: “Để chị sui cười chê rồi, em chỉ nuôi được mỗi một con ranh con này thôi.”

Thân thị nói: “Ta lại ưng cái tính thích an ủi người khác này của nó ấy chứ.”

Cánh má hồng đa sầu đa cảm, cả bọn dắt díu nhau thăm thú ngôi chùa. Còn bên các đấng mày râu, Cửu Ca thành kính dập đầu lạy Phật Tổ, đã lập chí muốn dát vàng trùng tu tượng Phật, ngặt nỗi tiền tiêu hàng tháng vẫn phải chờ mẹ phát cho, tạm chưa được như nguyện, đành dập đầu trước mấy cái, nhớ lấy lời thề.

Thầy Tô vẫn đi tìm phương trượng như trước kia, tiểu sa di trên đường đều ngừng việc đang làm, tụm ba tụm năm, chỉ chỉ trỏ trỏ: “Ấy chính là Tô tiên sinh, nghe nói thầy ấy là một người mù đường.”

Chỉ có một sa di béo tròn mười hai, mười ba tuổi nghe thì lấy làm kinh ngạc, cậu ta người đẫy đà đầu bóng loáng, nom rất vui mắt, miệng bảo: “Không lầm đấy chứ? Nghe nói vị tiên sinh kia rất hay lạc đường, nhưng người này đến chùa chúng ta tìm phương trượng, từ bấy đã bao giờ rẽ nhầm đâu…”

Chưa dứt lời đã bị sư phụ cốc thật mạnh vào cái đầu bóng loáng: “Người xuất gia không nói bậy! Sao con lại ăn nói lung tung? Hôm nay tụng kinh gấp đôi cho ta!” Sa di béo ôm đầu kêu rên.

Hồng Khiêm đi theo thầy Tô, vừa đi vừa gắng nhịn cười, lại như không kìm nổi, thỉnh thoảng rúc rích vài tiếng. Cửu Ca nghiêm mặt đến gặp cha vợ, lại thấy Hồng Khiêm nháy mắt với mình, y không nén nổi phải trợn to hai mắt.

Vào đến phòng phương trượng, ông như đã được thông báo từ lâu, song vẫn chẳng khác gì trước kia, cần tụng kinh vẫn tụng kinh, có khách đến, nên dâng trà thì dâng trà. Lần này thầy Tô đến, phương trượng vô cùng hòa nhã, Hồng Khiêm bụng bảo dạ, chắc là biết tin lão Tô bán tiên này sắp đi rồi, cuối cùng đã thoát khỏi bể khổ mới hớn hở mừng vui chứ gì?

Phương trượng nhận quyển kinh của Tô tiên sinh, thấy thầy buồn bã, cười hỏi: “Tăng đạo trong kinh rất nhiều, thí chủ cần gì phải luyến lưu?”

Thầy Tô thở dài: “Trong chùa có tăng đạo, nhưng không phải người của Tô mỗ.”

Phương trượng cười, tặng một cái mõ cho Tô tiên sinh: “Sầu lo cứ đem ra gõ, phiền não khắc sẽ tiêu tan.” Minh Trí vội vàng đón lấy.

Rồi không nói gì nữa, thầy Tô cáo từ, phương trượng cũng không ra tiễn.

Hai ba ngày sau, Thân thị đã thu xếp xong hành trang cho cả gia đình, lên thuyền vào kinh cùng với nhà họ Hồng. Thân sĩ Giang Châu đồng loạt đến đưa, cũng chỉ thấy Tô tiên sinh ló mặt, chắp tay vái mọi người một lần. Vì người quá đông nên phải sai phu gánh kiệu nữ quyến lên thuyền, người khác không thấy được mặt. Tú Anh và Thân thị lên thuyền riêng, chia buồng trên thuyền, rà soát xem hành trang đã đủ chưa, có bỏ sót thứ gì không.

Tô tiên sinh bên kia vừa chắp tay chào xong, chợt trông thấy một cái đầu trọc giữa biển người! Chính là phương trượng trên núi ấy – Bất Ngộ pháp sư, không vận cà sa mà mặc áo tăng vân du, vai đeo hành trang, nón cọ buộc sau gáy, dắt theo một tiểu sa di đứng giữa đám đông, đưa mắt nhìn quanh. Lệ Ngọc Đường thấy thầy trông về phía ấy, hai cái đầu trọc rất nổi, ông nghe đồn thầy Tô có quan hệ với phương trượng chùa Từ Độ, lại hay tin thầy chép kinh biếu họ, bèn sai người mời vị Bất Ngộ nọ lên thuyền, nói lời chia tay.

Tô tiên sinh thấy có người đến rỉ tai Bất Ngộ, Bất Ngộ cũng gật đầu, thong dong tiến đến, từng bước tới trước mặt, thầy bèn nói: “Người đời hờn nỗi chia ly, giờ đây cáo biệt, chẳng hay năm nao gặp lại.”

Phương trượng cười hỏi: “Từ bấy khó tựu dễ tan, ta muốn vào kinh, chẳng hay thí chủ đi phương nào? Lúc vân du nếu tiểu tăng gặp phải, có thể lại luận bàn.”

Thầy Tô: “=O=!” [Tác giả: Bắt buộc phải có cái emo này!] Hết đờ mới hỏi: “Sao ông lại muốn vào kinh?”

Phương trượng đáp: “Bói toán đi được thì tụng kinh đương nhiên cũng đi được.”

Thầy Tô nghẹn lời.

Lệ Ngọc Đường trông phương trượng tuy già nhưng tướng tá mảnh khảnh, cử chỉ nhã nhặn, không khỏi rục rịch trong lòng: “Đã thế, chi bằng đi cùng chúng ta.” Ông đã nói thế, thầy Tô bèn đưa mắt nhìn phương trượng, phương trượng mỉm cười vui vẻ.

Bên này, đám Tú Anh Tố Tỷ mấy năm nay khá an yên, sùng đạo hơn xưa, nghe nói phương trượng muốn lên kinh bèn mời phương trượng đi cùng, mọi chi phí đều do họ chi trả, lại lệnh nhân lúc thuyền chưa rời bến, mau chóng về thành mua một cái nồi mới, đặng để phương trượng nấu thức chay. Phương trượng cười, không chối từ: “Đã thế thì xin làm phiền.”

Phương trượng dắt tiểu sa di lên thuyền của Tô tiên sinh, nhà thuyền chống sào dài xuống tảng đá xanh bên bờ, đẩy thuyền ra từ từ, đoạn thay bằng mái chèo, chậm rãi tiến về phía trước.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận