Lúc Lệ Ngọc Đường theo Tô tiên sinh vào cung diện Thánh, Thân thị sai tôi tớ chuyển hành lý vào nhà, xong xuôi mới dắt con cái đến phủ thăm hỏi vợ chồng Ngô vương. Mười mấy năm nay Thân thị quản gia thế nào, Ngô vương và vương phi đều trông rõ cả, đặc biệt là Ngô vương phi, càng xem trọng người con dâu này hơn, lúc nhận đặc sản hiếu kính cũng không bới móc mảy may, còn giữ lại dùng bữa.
Đám Thân thị từ bến thuyền rẽ sang một con phố đã gặp mấy đứa con trưởng cố ý xin nghỉ đến đón, cả bọn bèn cùng về phủ Ngô vương. Phủ Ngô vương người chật như nêm, thế mà Ngô vương phi vẫn dốc lòng bày bàn sắp cỗ đón gió tẩy trần cho gia đình họ. Tiệc tùng chỉ mỗi nhà mình, vậy mà còn ồn ã hơn nhà người khác mở cửa đón khách.
Nam nữ chia ra ngồi, trước tiên Lệ Ngọc Đường kể lại cuộc “gặp gỡ tình cờ” giữa mình và Tô tiên sinh cho Ngô vương nghe, vì ông đã hứa với cậu sui Hồng, không bảo mình và thầy Tô có quan hệ gì sâu xa hơn —– Trong lòng lại hả hê muốn chết, vợ thằng con út nhà mình lại là đệ tử thân truyền của Tô Trường Trinh. Một đời này của Ngô vương, lúc sinh phú quý, nhưng sống lại nhọc nhằn, chưa từng quá để ý đến thằng con thứ tư này, chỉ biết nó xoàng xoàng vậy thôi, không lo tới nhiều. Nhưng vài năm không gặp, Ngô vương trông thấy Cửu Ca lại yêu mến, vì y có tướng “trượng phu uy nghiêm”, lại biết Lệ Ngọc Đường đã đính hôn cho Cửu Ca, không khỏi tiếc nuối, như ngài thấy, nên chọn mối tốt cho Cửu Ca mới phải.
Lệ Ngọc Đường nén cơn giận đầy vơi, bụng bảo dạ Con còn chưa tính sổ chuyện cha đính hôn cho Lục Ca đâu, cha lại đã bắt bớ tới vợ Cửu Ca rồi. Đến khi Cửu Nương gả tới rồi, cha mới hiểu chúng nó sánh đôi biết mấy. Mà cậu sui Hồng cũng chẳng phải vật trong ao, cha có thích hay không cũng mặc, chỉ cần con và vợ con ưng là được.
Sau nhà, Ngô vương phi lại tin tưởng Thân thị, nghe nói mấy thằng cháu đều đã đính hôn thì không hỏi nữa, chỉ bảo Thân thị: “Tiểu thư nhà Tôn thương thư ở trong kinh, ta đã gặp rồi, thực sự không tệ, ta không cản nổi. Tuy cha mẹ đã mất nhưng được bà nội chăm, cũng không đến nỗi vô phép.” Quyết cũng đã quyết rồi, Thân thị còn nói gì được nữa? Đành tạ Ngô vương phi đã bận lòng, lại nói: “Hôm nay mới vào kinh, chờ ngày mai thu xếp đâu ra đó sẽ gửi thiệp sang nhà ấy, quan nhân và con không về thì thôi, chứ đã về thì phải gặp gỡ thông gia một chuyến cho trịnh trọng.”
Ngô vương phi mỉm cười: “Con nói đúng lắm.” Thế tử Ngô vương là anh em ruột với Lệ Ngọc Đường, Thế tử phi và Thân thị là chị em dâu ruột, đã nhiều năm không gặp nhưng quà lễ các dịp đều đầy đủ, vì ít khi chung đụng nên chẳng mấy lục đục, cũng khen em dâu “Chu đáo”, đoạn bảo: “Tứ Nương ít khi ở trong cung, có gì bất tiện cứ về đây nhắn gửi.” Thân thị lại cảm ơn sự quan tâm chăm sóc của vợ chồng anh cả. Thêm cả đám Tam Nương hùa vào tán tụng, bầu không khí tạm có vẻ ấm áp thuận hòa.
Rượu đã ngà ngà, Ngô vương phi bèn hỏi riêng chuyện Lục Tỷ, Thân thị qua loa đáp, thực sự không dám tin Ngô vương. Ngô vương phi bèn lén giữ bà lại nói chuyện riêng: “Ta biết con ngại bàn chuyện cưới gả con gái trên mâm, nhưng Lục Tỷ không còn bé nữa, cũng không thể để mấy đứa khác đều gả cho mối tốt, đến phiên Lục Tỷ Thất Tỷ lại phải gian truân trắc trở. Chúng đều là cháu gái ngoan của ta, ta cũng chẳng chịu nổi nếu chúng sống uất ức. Giờ có một mối…”
Chuyện là vợ cả của Chu Chấn sau khi sinh Chu Bái không lâu đã mất, người vợ kế là Đoàn thị, thị sinh ba trai một gái, con trai trưởng là Chu Thanh, thứ là Chu Nguyên, kế là Chu Nhuận và con gái út Chu Khiết, con trai cả và thứ đều đã lập gia đình, năm nay con trai út Chu Nhuận đã mười tám, đúng tuổi mối mai. Vì chuyện Tô tiên sinh về kinh mà tiếng tăm của Lệ Ngọc Đường lại được tâng lên trời, lại hay gia cảnh nhà ông nên Đoàn thị động lòng, xét thấy gia giáo cũng tốt, bèn muốn cầu hôn con gái ông cho con trai mình, đã nhắn nhủ trước với Ngô vương phi. Ngô vương phi cũng thương Thân thị, thấy nhà Chu Chấn cũng hòa thuận, định đính hôn luôn cho Lục Tỷ, khéo thay trước đó Lệ Ngọc Đường đã viết thư bảo mình có mối cho Lục Tỷ Thất Tỷ rồi, bèn không tự tiện mà hỏi ý Thân thị.
Thân thị đánh động trong lòng, cố rặn cười: “Chuyện này phải để quan nhân quyết định, không giấu gì mẹ, quan nhân săm soi con rể, cứ phải gọi là…” Ngô vương phi không cười nữa: “Nó lúc nào cũng quái gở như vậy, thôi, con cứ bàn trước với nó đi. Con trai họ Chu khá được yêu thích, chỗ Tam Nương đã ngóng mòn mắt rồi.”
Thân thị về thuật lại cho Lệ Ngọc Đường. Lệ Ngọc Đường vừa nghe đã bảo: “Mình nên từ chối ngay lúc ấy mới phải!” Thân thị nói: “Làm sao mà từ chối ngay được? Bảo nhà họ chẳng lành? Mình có chứng cứ gì không? Mình là ngự sử, hảo món’ nghe đồn’ à? Không có chứng cứ thì chính là đặt điều dèm pha.” Lệ Ngọc Đường nghe vậy, im thin thít.
Thân thị hiền hậu, tuy không bằng chứng nhưng đã cảm thấy nhà họ Chu không tốt thì muốn can ngăn, không muốn để cháu gái nhà chồng bị đẩy vào cảnh trắc trở. Song mọi điều chỉ là đoán mò, bà không thể huỵch toẹt được, nói thẳng ra thì không còn là chuyện phiếm vui miệng nữa rồi, mà là đắc tội cả gia đình cửu khanh. Với cả, Chu Chấn nhờ vào thực lực, tự thi đỗ mới ra làm quan, ông là con thứ hầu phủ, anh trai ông Tế Nam hầu cũng khá có chỗ đứng trong triều, mấy người em còn lại cũng làm quan cả, thật chẳng dễ dây vào.
Lệ Ngọc Đường nói: “Mình cứ bảo mẹ là ta không thích nhà ấy. Nghe đau tai, nhìn chướng mắt…”
Thân thị đáp: “Lại nói lẫy rồi, nghe bảo dạo trước Tô tiên sinh đam mê thuật toán, ta cứ thưa rằng mình rỗi rãi tự dưng cũng ưng món này, tình cờ bốc quẻ biết mối này không ổn, được không? Cũng đỡ đắc tội người ta. Ta cũng có thể vin vào cớ này để khuyên mẹ.”
Lệ Ngọc Đường nói: “Được.”
Hai người lại bàn sang chuyện hai nhà Hồng Khiêm và thầy Tô gửi thiệp đến, Lệ Ngọc Đường bảo: “Cả hai bên chúng ta đều nên đến thăm, có lý nào lại bắt họ đến trước chứ?” Thân thị đáp: “Ừ, đằng họ Hồng là sui, chúng ta nên sang trước. Còn bên Tô tiên sinh, thầy mới về, hẳn còn bận bịu, có đến cũng không gặp được, nếu thầy đã bảo con cháu sang chào hỏi thì mình cứ chờ đón là được.”
Quyết định xong đâu đó.
•••••
Lúc Tô Bình đến nhà họ Lệ, Lệ Ngọc Đường đã từ trong cung về, ông về kinh chuyến này để nhậm chức tông chính thiếu khanh, bôn ba đường xa, lại là anh họ Quan gia, sáng sớm chỉ cần đến Tông Chính kiểm tra giấy tờ nhận ấn tín quan bào mới là xong, được nghỉ phép vài ngày. Người giữ chức tông chính cũng họ Lệ, là chú cùng tộc Lệ Ngọc Đường, tuổi hòm hòm Ngô vương, cũng khá chu đáo với người cháu này.
Thân thị dắt đám Cửu Ca, Lục Tỷ đến nhà họ Hồng, Lệ Ngọc Đường ở nhà đón tiếp Tô gia. Người đến thăm nhà là con thứ Tô Diệp của Tô Chính, dắt con trai Tô Bình theo.
Tô Bình năm nay mười lăm, vẻ ngoài không quá xuất sắc nhưng cũng đứng đắn đàng hoàng, hơi kém so với thiếu niên cực phẩm theo tiêu chuẩn của Lệ Ngọc Đường, nhưng Tô Bình là cháu Tô Chính, lời ăn tiếng nói đều hợp quy cách, Lệ Ngọc Đường thấy thế bèn gạt đi vẻ ngoài thiếu sót. Học vấn Tô Bình cũng khá, trò chuyện cùng Lệ Ngọc Đường, tuy không câu chữ tựa ngọc song vẫn sâu sắc lắm thay. Lúc cáo từ, Lệ Ngọc Đường không nỡ, kéo tay Tô Bình dặn hắn năng đến chơi, bảo: “Khuyển tử niên kỷ tương đương, hôm nay theo mẹ ra ngoài, mấy ngày sau ta sẽ đưa nó đến nhà thăm viếng.”
Thân thị đến trước cổng nhà họ Hồng, mối lái vừa thỏa thuận xong hôm qua đã đưa xe ngựa đến dỡ hàng, Thân thị vừa khéo đụng phải chuyến cuối. Mấy mẹ con đứng trước ngõ chờ xe hàng đi cả mới sai tôi tớ lên gõ cửa. Cửa nhà họ Hồng vẫn chưa đóng, hay tin Lệ gia đến thăm, Trình Thực vội sai tiểu tư bay vào bẩm.
Cửu Ca đánh giá căn nhà này một lượt, xét thấy cha vợ vào kinh, chẳng bao lâu sau sẽ phải thi, nếu năng đến đây thì lại thành quấy quả. Bèn thưa với Thân thị: “Vào kinh cùng Bất Ngộ phương trượng âu cũng là cái duyên, hôm qua nghe nói nơi đây không mấy an yên, hay là con đưa mẹ và Lục Tỷ Thất Tỷ đến Tướng Quốc tự dâng hương nhé, vừa khéo xin một quẻ.” Thân thị đáp: “Cũng đúng.” Bà không chỉ nghĩ đến chuyện trong kinh chẳng thái bình mà còn lo chuyện cưới gả trắc trở của Lục Tỷ, cũng muốn lễ Phật bỏ vận đen. Đã đến cửa nhà họ Hồng, xét thấy Hồng Khiêm cũng sắp phải đi thi, chi bằng hẹn mẹ con Tú Anh đi cùng…
Tú Anh đón Thân thị vào: “Chúng em có thể ổn định thế này cũng là nhờ phúc chị sui, nên để chúng em đến nhà chị chơi trước chứ.” Thân thị đáp: “Đã là sui gia với nhau, cần gì phải nói thế? Chị chỉ sợ có sơ xuất gì, em sui lại trầy trật.” Tú Anh nói: “Ở đây thoải mái lắm ạ.” Thân thị lại hỏi Tú Anh, chuyện dỡ hàng trước cổng là thế nào. Tú Anh đáp luôn: “Là quan nhân nhà em, hôm qua vừa đến, em bận thu xếp nhà cửa, nhà em xuống phố dạo thử, may mắn thế nào lại gặp mối lái rộng rãi, cứ thế quyết luôn. Ngờ đâu bên đó gấp rút như vậy, mới sáng sớm đã đến nhà dỡ hàng.”
Thân thị ngồi chuyện phiếm với Tú Anh, Ngọc Tỷ chào hỏi xong bèn mời Lục Tỷ, Thất Tỷ đến phòng nàng chơi. Gian phòng này nhỏ hơn phòng ở Giang Châu, được cái tinh tế nho nhã. Vì gia đình kinh doanh màn thêu nên nàng đã chọn riêng mấy bức để trang trí phòng ốc. Cụ Lâm bảo nàng giữ bức to thêm vào của hồi môn, chỉ bày một hai bức nhỏ thêu hình hoa phú quý trong phòng.
Lục Tỷ Thất Tỷ thân thiết với Ngọc Tỷ, bèn kể chuyện hôm qua về vương phủ thăm viếng: “Nhiều người cực, hôm qua vẫn chưa gặp hết, ngoài vợ bác cả, bác hai, bác ba thì từ thím bảy trở về sau, ta hết nhớ nổi rồi.” Lại lén nhét một tờ giấy cho Ngọc Tỷ, cười khì bảo: “Lúc về ta và Thất Tỷ gom được đấy.” Ngọc Tỷ mở ra xem, tức thì đỏ mặt, nàng nhận ra nét chữ của Cửu Ca, giấy đề năm sinh dung mạo của mỗi người. Bèn nói lẫy họ vài câu rồi đổi chủ đề, mời xơi trà quả: “Mua chỗ nọ, hơi khác với Giang Châu nhưng cũng vừa miệng lắm, hai người nếm thử xem?”
Ba người chưa từng ngụ lại lâu trong kinh, đều cảm thấy mới mẻ, Thất Tỷ bảo: “Ngon mà.” Ngọc Tỷ nói: “Thế mai ta sai người đưa sang chỗ muội nhé.” Lục Tỷ cười ngay: “Ừ được đấy, Thất Tỷ và Cửu Ca trước nay có khẩu vị giống nhau lắm.” Ngọc Tỷ nghe mà giậm chân luôn.
Bên kia Thân thị đã kể chuyện nhà họ Chu cầu hôn cho Tú Anh nghe, hai người phụ nữ ngồi cùng nhau, quá nửa sẽ tán chuyện nhà này kia. Thân thị bảo: “Con trai đích của vợ cả hãy còn chẳng hay sống chết thế nào, đứa trẻ để lại cũng chẳng biết là của ai. Giờ trong kinh mà nhắc đến, ai không khen bà ta một tiếng hiền lương? Bảo người vợ đầu không bằng bà ta, không thọ bằng, con trai chẳng tốt bằng, cháu chắt cũng chả nhiều bằng? Bà ta lại còn là người đúng lý nữa chứ, có điên mới tự làm khó chính mình, Lục Tỷ của ta mà vào cửa nhà ấy, thành phận con cái, chữ hiếu chắn ngang đầu, dù có bị họ nhai đến chẳng thừa một mẩu xương thì chúng ta cũng không cứu nổi! Mối duyên này, dẫu có chết ta cũng chẳng dám dính đến. Con gái nhà mình đã thế thì cũng không thể đứng nhìn cháu gái nhảy vào hố lửa, đúng không?”
Tú Anh tán thành cực, lại khen Thân thị xử khéo: “Em bảo rồi, gia đình như kia, ai không dưng lại chọc vào. Với lại, phía cậu của người con cả kia đã chẳng ra mặt, chúng ta tuy bất bình nhưng làm sao mà chen vào nổi? Đụng phải loại người này, trốn xa là nhất.”
Thân thị nói: “Hôm nay về, ngày mai ta sẽ thưa ngay với mẹ chồng.” Tú Anh bảo: “Lục Tỷ đẹp người đẹp nết, phải cẩn thận một chút.” Thân thị bèn bàn sang chuyện đến chùa Đại Tướng Quốc dâng hương, Tú Anh cân nhắc, hàng hóa nhà mình đã bán hết, Hồng Khiêm cũng sắp thi, hẳn nên cầu may mắn, tức thì nhận lời.
Bên nọ Cửu Ca chào hỏi Hồng Khiêm xong, vì tình huống mà không tiện đến gặp riêng Ngọc Tỷ. Lại suy xét, chắc mẹ đã mời mẹ vợ và Ngọc Tỷ cùng đi chùa rồi, cha vợ phải ôn thi, không rảnh theo hộ tống, ngoài mình ra thì chắc không còn ai có thể đón đưa họ nữa? Bèn dằn lòng xuống.
Hôm sau, Thân thị đến vương phủ thưa chuyện Lệ Ngọc Đường không thích kết thân cùng nhà họ Chu, lại bảo ông khá tin quẻ này, cứ sợ trong nhà có người nào đó hứa hôn với họ, ông sẽ không vui, mà với tính tình của ông, chỉ e anh em sẽ xích mích. Ngô vương phi mắng đôi câu: “Cái thằng dặt dẹo này!” Cũng chẳng còn cách nào, ngược lại còn an ủi Thân thị, “Chừng ấy năm con đúng là không thoải mái gì. Thôi thì Lục Tỷ Thất Tỷ cũng không lo chẳng người thèm cưới, chúng nó đính hôn, ta ắt sẽ có quà to.” Thân thị cười cảm tạ. Ngô vương phi lại bảo: “Ta muốn gặp vợ Cửu Ca, được chứ?”
Thân thị đáp: “Đằng cậu sui năm nay tham gia khoa khảo, chẳng mấy ngày nữa đã phải thi, bây giờ chỉ e không tiện.” Ngô vương phi nói: “Con vẫn cứ chu đáo như thế, nghĩ thay người khác quá, còn bản thân lại phải chịu thiệt thòi.” Thân thị thưa: “Chuyện cưới gả vốn là đàng trai cầu hôn đàng gái, với cả, cha vợ Cửu Ca chuyên tâm thi cử, đỗ đạt thành danh thì Cửu Ca cũng nở mặt nở mày, đúng không ạ?” Ngô vương phi nghe bảo là con gái của kẻ sĩ thì đã thầm coi trọng Ngọc Tỷ hơn, lại là hôn sự do Thân thị làm chủ, chẳng cần phải lo, muốn gặp mặt chẳng qua chỉ là tấm lòng của bậc bề trên, nghe Thân thị bảo thế, bèn nói: “Cứ nghe con vậy. Còn chuyện của Lục Ca cũng nên bắt tay vào chuẩn bị rồi, sau nó còn Thất Ca Bát Ca, rồi mới đến Cửu Ca được. Con đã thích cô con dâu này thì nên sớm ngày rước vào nhà, cũng tiện đỡ đần mình.” Dịu dàng bảo ban, còn vỗ lưng Thân thị.
Thân thị lại nói: “Sắp tới kỳ thi, trước mắt cứ giữ con gái lại, biết đâu có thể giật được thằng rể tiến sĩ thì sao? Nhà mình cũng không gấp gáp gì lúc này.” Ngô vương phi nghe cũng có lý, đáp: “Đúng thế nhỉ, để ta bảo điện hạ.”
•••••
Thân thị lại gửi thiệp sang nhà họ Tôn, hẹn ngày kia đến thăm, gặp con gái Tôn gia năm nay mười bảy, không còn bé nữa, vẻ ngoài cũng thanh tao an tĩnh. Thân thị xét tới việc con gái thân côi cũng chẳng dễ dàng gì, bèn dịu dàng trò chuyện, Tôn gia thấy mẹ chồng hiền hậu, cũng yên tâm hơn.
Sau đó là cùng Tú Anh đến chùa Đại Tướng Quốc, Tú Anh mang theo một trăm lượng bạc quyên tặng, lòng nhủ: “Vị phương trượng này cũng có thể gọi là chứng nhân nên duyên cho con gái và con rể, mình quyên nhiều một chút, một là tỏ lòng thành tâm, hai là để phương trượng được nở mày nở mặt.” Thân thị thì chẳng nghĩ gì, thấy Tú Anh quyên nhiều, nhắc đến phương trượng bèn bảo Cửu Ca: “Con đến tiếp chuyện với phương trượng đi.”
Bất Ngộ thực ra không cần hai người này nâng bi, sư huynh của ông đang ngàn ngóng vạn mong, trông ông trở về. Kể chuyện trong kinh cho ông nghe, lại bảo: “Đạo nhân như thế, đúng là đáng sợ! May mà Tô Trường Trinh vào kinh, ngay ngày đầu tiên đã đuổi cổ Chân Nhất, bằng không…” Từ ngày Phật giáo du nhập vào Thiên triều, người sùng tín mỗi một nhiều hơn, dần uy hiếp ngôi vị chí tôn của Đạo giáo, thanh thế cực kỳ, tuy có Thiên tử sùng Đạo, nhưng trong dân gian, người tín Phật lại chiếm đa số. Giờ đây Đạo có dấu hiệu uy hiếp Phật, chúng hòa thượng không khỏi sốt ruột. Mà đạo nhân lại thích xen vào chuyện người khác, khiến tăng nhân rất khó chịu.
Chợt nghe bên ngoài có người muốn gặp Bất Ngộ, sư huynh Bất Không của ông cười bảo: “Rốt cuộc cũng là đệ, mới vào kinh được vài ngày đã có người tới tìm.” Bất Ngộ cười: “Thuận theo tự nhiên thôi.” Ra thấy người tới là Cửu Ca, cười nói: “Thì ra là chỗ quen biết cũ.” Bất Không nghe vậy cũng gật đầu với Cửu Ca, Bất Ngộ lại giới thiệu Cửu Ca với Bất Không: “Cậu này và vợ cậu ấy, nên duyên trước Phật đấy. Cậu bé này khá, cô bé kia còn khá hơn.” Đoạn khen Ngọc Tỷ hoàn hảo thế nào, tri thư đạt lý ra sao, vân vân.
Cửu Ca bụng bảo dạ, Vợ tôi cứu ngài khỏi tay thầy Tô biết bao nhiêu lần, ngài không khen mới lạ. Lại nghe Bất Ngộ hỏi thăm Ngọc Tỷ, bèn đáp: “Đang ở cùng mẹ, mẹ vợ, chị và em gái ngoài tiền điện ạ.” Bất Ngộ bèn bảo đưa họ vào gặp.
Bất Không đã làm trụ trì chùa Đại Tướng Quốc từ năm bốn mươi tuổi, thấy Bất Ngộ ân cần như thế, cũng không dám lơ là. Nhân lúc Cửu Ca ra đón nữ quyến, Bất Không hỏi sa di, thế mới biết Tú Anh quyên tặng trăm lượng, bèn giễu Bất Ngộ: “Đệ gặp phải người tốt đấy, còn giữ thể diện hộ cơ.” Bất Ngộ điềm nhiêm đáp: “Gia đình họ thành kính lắm, lòng dạ lại ngay thẳng, nên kết duyên lành.”
Bất Không hòa thượng được người người sùng bái, bình thường đến chùa Đại Tướng Quốc chẳng dễ gì thấy mặt, hôm nay được gặp, hai gia đình vui mừng lắm. Bất Ngộ mới bảo, Ngọc Tỷ và Cửu Ca nên duyên trước Phật, thỉnh chép vài quyển kinh. Tú Anh nghĩ đến Hồng Khiêm, cũng khuyến khích Ngọc Tỷ chép kinh gửi đến. Thân thị có tâm sự, cũng bảo Cửu Ca: “Con cũng chép đi.”
Ngọc Tỷ hãy còn khiêm tốn: “Chữ con không đẹp, chỉ e cười chê.” Bất Không đáp: “Có lòng là được.” Bất Ngộ bèn bàn đến chuyện thư pháp, Ngọc Tỷ và Cửu Ca thấy ông giảng có lý, đều chăm chú lắng nghe. Đến đoạn hăng say, Bất Ngộ ung dung lướt bút qua giấy, tự viết chữ, rồi bảo Ngọc Tỷ đến thử. Ngọc Tỷ bèn viết một chữ “Thiền” thật to, Bất Không trông thấy thì lấy làm ngạc nhiên, Bất Ngộ cười: “Ta thấy chữ rất đẹp.”
Bất Không lại giảng chuyện thiền cho mọi người, ai nấy vui vẻ quay về. Còn chốn hồng trần thế tục ngoài kia lại khá rối ren. Đồn rằng Hoàng thái hậu bảo mình mơ thấy ác mộng, phải lập đàn cúng mới an tâm, thực ra là muốn tìm cớ để Chân Nhất được trở về. Quan gia vừa định đồng ý thì bị Tô tiên sinh ngăn cản, còn vị Lương tướng tên húy là Túc lại gian giảo hơn Tô Chính trăm lần, khuyên Quan gia mời một đạo sĩ khác, rồi đưa một đạo sĩ có đạo hiệu là Thanh Tịnh đến.
Tô Chính cũng không cản Quan gia bằng miệng nữa mà viết thẳng vào sớ, Quan gia đọc xong, không thể không áng theo lời Tô Chính mà khuyên Thái hậu: “Sắp đến khoa khảo rồi ạ. Sĩ tử khắp thiên hạ đều đang trông vào, hiếu thuận là một chuyện, không lo muôn dân chỉ trông quỷ thần lại là chuyện khác.” Thái hậu tức nghẹn.
Bên trên chỉ là vài mẩu chuyện be bé, vì sắp đến kỳ thi, chẳng ai dám ầm ĩ quá, chỉ chờ mấy ngày sau thi xong sẽ nổi chiêng nổi trống. Mỗi người đều có tính toán riêng, nhưng không thể ngờ rằng, kẻ làm mưa làm gió không lâu sau đó chẳng phải họ, mà là một người đang đóng cửa ở nhà.