Pháo Đài Số

Chương 12


Đây không phải là lần đầu David Becker đi dự tang lễ và chứng kiến xác chết, nhưng lần này có một cái gì đó khiến anh cảm thấy vô cùng khó chịu. Đây không phải là một xác chết được vận bộ đồ sang trọng, sạch sẽ nằm yên nghỉ trong chiếc quan tài bọc lụa. Cơ thể này trần truồng, nằm chềnh ềnh trên chiếc bàn nhôm. Anh ta chết mà không nhắm mắt. Thay vì đó, cặp mắt nhìn thẳng lên sàn nhà lộ vẻ tiếc nuối và kinh hoàng.

– Tư trang của anh ta đâu – Becker hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha khá sõi.

– Kia kìa – viên trung uy hé môi trả lời, để lộ ra hàm răng vàng khè. Anh ta chỉ đống quần áo và những tư trang cá nhân khác.

– Tất cả đây sao?

– Đúng thế!

Becker hỏi xin một cái thùng giấy. Viên trung uý vội vã đi tìm.

Đó là tối thứ Bảy, và nhà xác Seville đã sắp tới giờ đóng cửa.

Viên trung uý trẻ được lệnh trực tiếp của giám đốc phòng xác dẫn đường cho Becker – dường như vị khách người Mỹ này là người rất có vai vế.

Becker đưa mắt nhìn đống quần áo. Có một hộ chiếu, một cái ví một cặp kính mắc vào chiếc giầy. Còn có thêm một miếng vải len thô mà người bảo vệ đã lấy từ khách sạn nơi người đàn ông này đã ở.

Becker được hướng dẫn khá rõ ràng, cụ thể: Không sờ vào bất kì cái gì. Không đọc một cái gì. Chỉ mang tất cả chúng về Mỹ. Mọi thứ. Không được để sót một thứ gì.

Becker quan sát đống quần áo, cau mày nhăn nhó. NSA định làm gì với đống rác rưởi này chứ?

Viên trung uý trẻ tuổi mang lại về một chiếc hộp nhỏ, và Becker nhanh chóng nhét quần áo vào trong.

Anh ta chọc vào chân tử thi và hỏi:

– Quienes? Gã này là ai?

– Không biết.

– Trông giống người Trung Quốc.

Người Nhật chứ, Becker nghĩ.

– Tội nghiệp gã. Đau tim à?

Becker gật đầu lơ đãng.

– Tôi thấy họ nói vậy – Viên trung uý thở dài, lắc đầu đầy vẻ cảm thông – Nắng ở Seville rất khắc nghiệt. Ngày mai khi đi ra ngoài, anh hãy cẩn thận nhé!

– Cảm ơn! Nhưng tôi sẽ về nhà luôn.

– Anh vừa mới đến cơ mà – Viên trung uý vô cùng ngạc nhiên.

– Tôi biết, nhưng người đàn ông mua vé máy bay cho tôi đang chờ những vật này.

Viên trung uý dường như thấy bị xúc phạm theo đúng kiểu người Tây Ban Nha.

– Ý anh là anh sẽ không chiêm ngưỡng Seville sao?

– Năm ngoái tôi đã đến đây rồi. Quả là một thành phố xinh đẹp. Tôi rất thích ở lại.

– Vậy anh đã thăm La Girilda chưa?

Becker gật đầu. Thực ra anh chưa bao giờ đặt chân lên toà tháp của người Marốc cổ xưa này, nhưng anh đã nhìn thấy nó.

– Thế còn Alcazar?

Becker vừa gật đầu vừa nhớ lại buổi tối anh được thưởng thức điệu nhạc Flamenco của Pacode Lucia ở sân, dưới ánh sao hiền dịu ở một pháo đài được xây từ thế kỷ XIX. Anh ước giá mà đã gặp Susan từ ngày ấy.

– Và tất nhiên cả Christopher Columbus nữa cũng ở đó! – anh thanh niên tươi cười – Ông ấy được chôn cất tại nhà thờ của chúng tôi.

Becker ngửng lên.

– Thật không? Tôi tưởng người ta lưu giữ thi hài của Columbus ở Cộng hoà Domini chứ?

– Chúa ơi! Đồn nhảm đấy! Thi hài của Columbus hiện đang được lưu giữ ở đây, trên đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp này. Tôi tưởng anh nói anh đã đi học đại học.

Becker nhún vai.

– Chắc tôi đã để lỡ giờ giảng đó.

– Nhà thờ Tây Ban Nha rất tự hào được bảo quản thi hài của ông ấy.

Nhà thờ Tây Ban Nha. Berker biết ở Tây Ban Nha chỉ có một kiểu nhà thờ duy nhất – đó là nhà thờ của người theo đạo Thiên chúa giáo La mã. Nhà thờ Thiên chúa giáo La mã ở đây thậm chí còn hùng mạnh hơn cả ở thành phố Vantican.

– Tất nhiên chúng tôi không được vinh dự bảo quản – viên trung uý nói thêm – Chỉ một phần thôi.

Becker ngừng xếp đồ, nhìn chằm chằm viên trung uý. Chỉ một phần thôi sao? Anh cố nhịn cười.

– Chỉ một phần thôi sao?

Người sĩ quan gật đầu đầy vẻ tự hào.

– Vâng. Khi nhà thờ lưu giữ thi hài của một người vĩ đại như thế, họ tấn phong ông là thánh và chia sẻ thi hài đó cho các nhà thờ khác vì vậy mà ai cũng có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp đặc biệt của những nhà thờ này.

– Và ở đây các anh có… – Becker cố nén cười.

– Ô! Đó là một phần rất quan trọng! Không giống như việc chúng tôi có một giẻ xương sườn hay một đốt ngón tay như những nhà thờ khác ở Galicia. Anh nên ở lại đây để chiêm ngưỡng.

Becker gật đầu cho phải phép.

– Có thể trên đường về tôi sẽ ghé qua.

– Tiếc quá – Viên trung uý thở dài. Đến tận bình minh nhà thờ mới mở cửa.

– Thế thì lần khác vậy – Becker mỉm cười, nhấc chiếc hộp lên.

– Có lẽ tôi nên đi. Máy bay đang chờ tôi – Nói xong, anh đưa mắt nhìn căn phòng lần cuối.

– Anh có muốn tôi đưa đến sân bay không? Tôi có xe môtô Guzzi ở ngoài cửa.

– Ồ không cảm ơn. Tôi sẽ đi ta-xi.

Becker đã từng lái xe môtô một lần khi anh còn là sinh viên, và suýt chết. Từ đó trở đi, anh không có ý định đi môtô thêm một lan nào nữa, bất kể do ai cầm lái.

– Cho dù anh nói gì đi chăng nữa – viên trung uý vừa nói vừa bước về phía cửa ra vào – Tôi cũng phải tắt đèn.

Becker vòng tay ôm chiếc thùng giấy. Mình đã có hết mọi thứ chưa nhỉ? Anh nhìn lần cuối vào xác chết đang nằm trên bàn. Dưới ánh đèn huỳnh quang, một thân hình trần như nhộng, không một mảnh vải che thân lồ lộ trước mắt anh. Đôi tay biến dạng đã thu hút ánh mắt của Becker. Anh cúi xuống nhìn nó chằm chằm.

Viên trung uý tắt đèn, căn phòng chìm vào bóng tối.

– Khoan đã!

– Bật đèn lên! – Becker ra lệnh.

Đèn nhấp nháy rồi sáng trở lại.

Becker đặt chiếc hộp xuống sàn và tiến lại gần xác chết. Anh cúi xuống và nhìn không chớp mắt vào cánh tay trái của người đàn ông xấu số.

Viên trung uý nhìn theo Becker, nhận xét:

– Rất xấu, đúng không?

Nhưng cái mà Becker chú ý đến không phải là việc cánh tay bị biến dạng. Anh đã phát hiện ra một thứ khác. Quay sang viên trung uý, anh nói:

– Có chắc là mọi thứ đều ở trong hộp chứ?

Người trung uý gật đầu.

– Vâng. Đúng thế.

Becker chống tay vào hông. Một lát sau anh nhặt chiếc hộp lên, mang nó quay lại, và đặt phịch xuống đất. Rất cẩn thận anh giũ tung đống quần áo ra. Sau đó anh dốc ngược đôi giày xuống rồi bóp nó như thể là đang cố gắng vất bỏ một hòn sỏi trong giầy ra.

Sau khi làm xong lần thứ hai, anh bước lại chỗ viên trung uý, cau mày:

– Có chuyện gì chăng?

– Đúng thế – Becker nói.

– Chúng ta đã để sót một thứ gì đó…


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận