Phía Đông Mặt Trời

Chương 25


Ngày 7 tháng Một năm 1929, YWCA, Bombay. Trích nhật ký của Viva Holloway.

Nhận được thư của William. Mình đã quên mất sự có mặt của anh ta trong phút giây chia tay mọi người trên cầu cảng khi Kaiser nhổ neo, có lẽ là bởi “sự xuất hiện của phiên tòa không mong muốn”, cộng với niềm hy vọng tương lai của mình sẽ “hạnh phúc và có ích”. Và rằng chúng ta có thể gặp lại nhau trong chuyến trở về của mình.

William, mình muốn nói với anh, chúng ta sẽ không gặp lại nhau nữa. Sai lầm lớn nhất của mình. Đúng thế, của riêng mình – đủ lâu để hiểu nhau hơn, nắm chặt những cọng rơm trong tay, hay những mẩu củi khô trong trường hợp này – không nên đổ lỗi cho người khác, nhưng dẫu sao thì, chúng ta vẫn sẽ không thể gặp lại nhau nữa đâu.

Ngày hôm nay: Viết thư cho Tor và Rose, đến Grindlays để xem có thư từ bưu kiện gì gửi cho mình hay không. Hôm nay đã tiêu hết năm ru pi, không tiêu hoang nữa. Học thêm được mười từ mới tiếng Maratha.

Kế hoạch ban đầu của cô là thẳng tiến đến Simla để nhận lại chiếc rương do bố mẹ để lại, xong nhiệm vụ ấy, hẳn cô sẽ thấy dễ thở hơn đôi chút với bản danh sách chỉ toàn những sứ mệnh đầy khó khăn và vất vả của mình, rồi cô sẽ chú tâm vào công việc trong suốt quãng đời còn lại. Nhưng kế hoạch cuối cùng lại đổ vỡ, đơn giản bởi hiện tại cô gần như không còn một xu dính túi; hơn nữa, có vẻ tâm trí cô đang chơi trò cút bắt với chính mình: cô Viva thứ nhất ở trong đầu bảo: “Cứ đi đi”, nhưng cô thứ hai lại ngập ngừng do dự, cô thứ ba thì chỉ im lặng, lòng đầy lo âu.

“Cô là một con ngốc”, một giọng nói văng vẳng trong đầu Viva, “khi nghĩ mình có thể một thân một mình vượt đại dương sang đây và xây dựng một cuộc sống mới chỉ với hai bàn tay trắng, không một ai thân thích bên cạnh”. Đôi khi giọng nói ấy lại vang lên đầy giễu cợt: “Một nhà văn, thật khôi hài – thậm chí cô còn là một kẻ thất bại trong tình yêu lẫn cuộc sống kia mà”. Những lúc như vậy, cô lại để tâm trí mình trượt dài trong vũng lầy tăm tối nhất của ký ức. Cô gặp lại mình năm mười tuổi, nhỏ bé bên chiếc va li to sụ giữa nhà ga xe lửa Simla. Chị Josie và bố cô đã mất, mẹ chỉ cho cô đường đến mộ của hai người. Mẹ đẩy ào cô lên tàu. Tại sao mẹ lại không muốn cô ở bên cạnh nữa? Tại sao mẹ lại đóng sầm cánh cửa rồi dứt khoát quay lưng bước đi? Cô đã làm gì sai sao? Lúc ấy mẹ có hôn tạm biệt mình không?

Khi những giọng nói ấy tranh giành nhau vang lên trong đầu, chúng khiến cô thêm ghét cay ghét đắng những lời bà Driver đã nói trước đây, rằng trên thực tế cô có thể làm bất cứ điều gì cô muốn nếu cô luôn giữ được sự cân bằng trong tâm trí. Liệu điều gì sẽ xảy ra nếu đấy chỉ là những lời động viên ủy mị rác rưởi, một lời nói dối độc ác nhất trong những lời dối trá ác độc?

Cô đã phải đấu tranh dằn vặt giữa những cảm giác đau khổ ấy suốt mấy ngày qua, nhưng đến sáng hôm nay, không hiểu vì lý do nào đấy thôi thúc trong cô, khiến cô muốn tìm hiểu, cô tỉnh giấc, cảm giác phơi phới tràn đầy niềm lạc quan. Cô mở mắt, nằm trên giường lắng nghe tiếng chim hót gọi ngày mới lảnh lót trên cành đa ngoài vườn, mỉm cười với những lựa chọn trong đầu: mình sẽ chìm hay bơi? Và cô biết chính xác mình đã sẵn sàng để bơi trở lại.

Một công việc. Đấy là điều đầu tiên cô cần lúc này: một chiếc cọc lều vững chãi làm chỗ dựa cho những thứ xung quanh có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Cô bước chân xuống giường, mở sổ tay tra cứu. Trước khi ra đi, bà Driver đã nghệch ngoạc vài chữ lên một mẩu giấy rồi dúi vào tay cô, trong đấy có tên vài người quen của bà ở Bombay mà Driver cho rằng họ có thể sẽ ít nhiều giúp đỡ được cô. Đứng đầu những cái tên là cô Daisy Barker, trùng tên với một người cô nhìn thấy trên bảng thông báo của YWCA khi Viva đến nơi. Dòng tiếp theo, bà Driver viết: “Ông Woodmansee, phóng viên đã về hưu của tờ Thư tín tiền phong (một cái tên nghe cũ kỹ, nhưng có vẻ sẽ cho cô những lời khuyên có giá trị).

Viva mở bút gạch hai vạch dưới tên Barker. Sau bữa sáng, cô sẽ gọi cho Barker. Hãy làm ơn đưa ra ít nhất một quyết định, cô bước dọc hành lang, tiến vào nhà tắm công cộng nơi chiếc ròng rọc gỗ trên bể nước bị võng xuống dưới sức nặng của những chiếc tất ướt và những chiếc áo coóc-xê sũng nước vắt trên mình. Cô múc nước đổ đầy chậu, từ từ trút bỏ quần áo.

Cô chậm rãi gội rửa kỹ càng từng chi tiết trên cơ thể, cảm giác khoan khoái ùa về như thể trong cô tràn ngập niềm tin vào chính mình. Xong xuôi, Viva mặc chiếc váy lụa màu đỏ vào người, cài chiếc trâm cài đầu bằng bạc lên tóc. Cô có thể là một kẻ nghèo kiết xác nhưng đúng là trông cô hãy còn rất quyến rũ.

Phòng ăn tại Y là một căn phòng khá sáng sủa nằm tại tầng một của tòa nhà nhìn ra một công viên đầy bụi rậm. Mỗi buổi sáng, tại đây phục vụ hai loại tiệc điểm tâm: một loại dành cho các cô gái Anh, thực đơn gồm có trứng tráng, xúc xích, bánh mỳ, mứt marmalade kèm đồ uống là loại trà nhạt không bao giờ được pha bằng thứ nước đủ nóng; còn loại thứ hai, dành cho người Ấn, thực đơn khá khiêm tốn, chỉ một chiếc bánh sữa nho nhỏ được gọi bằng cái tên cụt ngủn pavs, một ít trứng và poha, cơm nghiền.

Cô lấy một ít trứng, xúc xích và một chút cơm vào đĩa, đến ngồi bên chiếc bàn cạnh cửa sổ. Từ đây cô có thể quan sát rất rõ cảnh vật bên ngoài, một cậu bé đang thả diều dọc lối mòn trong công viên. Cơn gió buổi sáng nâng cánh diều nhẹ bẫng lên khỏi đôi tay mũm mĩm của thằng bé. Nó vừa quýnh quáng chạy vừa cười vang đầy thích thú. Có tiếng hát từ dưới nhà bếp vọng lên, cả hơi nước nóng mang theo mùi ca-ri ướp trong những món ăn chuẩn bị nấu cho bữa trưa theo gió len đến tận chỗ ngồi của Viva. Cô nhẩn nha ăn hết chút thức ăn cuối cùng trong đĩa.

Sau bữa sáng, Viva thu hết chút can đảm còn lại trong mình gọi cho Daisy Barker.

“A lô?”.

Một giọng nói thanh mảnh từ đầu dây bên kia vang lên, nhanh nhảu nhưng có vẻ thân thiện. Viva xin hẹn gặp Barker trong ngày hôm nay, Barker bảo sáng nay cô ấy có giờ tại một lớp học ở trường đại học, nhưng sau bữa trưa Viva có thể đến gặp cô tại căn hộ mới của Barker ở Byculla. Cô có biết địa điểm ấy không? Không, ừm, tim Viva đập thình thịch, nhưng Barker đã nhanh chóng chỉ dẫn rất chi tiết cho cô đường đến khu Byculla. “Cô muốn đi bằng xe buýt hay xe kéo tay?”. Barker hỏi thêm, Viva cảm thấy nhẹ nhõm cả người. Bởi taxi ở thời điểm này hoàn toàn nằm ngoài khả năng của cô.

Viva quyết định tạt ngang qua văn phòng Thos. Cook trên đường Hornby để xem liệu hôm nay có thư từ nào gửi đến hay không, sau đấy cô sẽ đến ngân hàng Grindlays để kiểm tra chút tài khoản còm cõi của mình ở đấy, nếu cần thiết, sẽ phải trình bày với viên quản lý vậy.

“Xin chào, mời quý cô”, một người bán rong nước ép trái cọ ngồi bắt chéo chân trên một chiếc chõng tre cũ kỹ đặt tại một góc đường chào mời Viva. Mỗi sáng cô vẫn thường ra đây mua của ông già một tách, vị dịu ngọt của thứ nước ép từ trái cọ luôn khiến cô nhớ đến Josie, một tín đồ trung thành của loại nước ấy, luôn nài nỉ vú em mua cho hai chị em cô mỗi khi có dịp ra ngoài.

Ôi Josie. Cô nhấp một ngụm nước cọ ép. Chị yêu dấu của em.

Khi vạch nước trong cốc chạm vào môi cô, miệng ông già bán nước mở tròn hệt như chim mẹ đang nhìn chim con uống nước. Đã nhiều lần Viva quan sát ông già bán dạo nước cọ ép khi cô ngồi bên cạnh cửa sổ trong quán Y, cô đơn trên góc đường bụi bặm, suốt mười, mười hai, có những hôm là mười sáu tiếng đồng hồ một ngày, nhẫn nại giữa bao bước chân hờ hững ngang qua, ông vẫn ngồi ở góc đường ấy cho đến khi những ngôi sao mọc sớm lấp ló trên nền trời tím thẫm, lúc bấy giờ ông già mới chậm rãi châm lửa thắp sáng ngọn đèn dầu trước mặt, rồi quấn một tấm chăn cũ kỹ quanh mình, tiếp tục ngồi bán đến tận nửa đêm. Có lẽ, mình không nên quá bi quan về cuộc sống nặng nề như hiện tại, Viva nhủ thầm mỗi khi nghĩ đến ông già bán nước cọ ép.

“Ngon tuyệt”. Cô trả chiếc cốc lại cho ông già, người bán nước trao cho Viva một nụ cười như thể cả hai là những người bạn thân thiết từ bao năm nay.

Cô tiếp tục nhắm hướng đường Hornby thẳng tiến. Một chú chim đang bước những bước của riêng mình, cô nhủ thầm, rảo chân bước nhanh trên con đường bụi bặm. Một chiếc xe bò kéo bất ngờ từ phía sau vụt lên, suýt chút nữa thì tông nhẹ vào cô. Khi Viva đến nơi, người nhân viên mặc đồng phục ở văn phòng Thos. Cook & Những cậu con trai đang nhét những bức thư vào những chiếc hộp đồng nho nhỏ. Hòm thư của cô, hộp số sáu, gần cửa ra vào. Cảm giác âu lo xen lẫn sợ hãi lại vụt đến khi Viva thò tay vào trong ví tìm chiếc chìa khóa mở hòm thư.

Có hai bức thư trong hộp của cô – một là thư đến từ Cửa hiệu Quân trang quân dụng hải quân quảng cáo cho một số mặt hàng đặc biệt sẽ có mặt trong tuần này được họ gọi tên là “những chiếc kìm gắp chặt như nêm bằng bạc” và “ghế xếp dành cho hai người ngồi màu be và các màu tối bóng”. Không một thông tin nào từ ông Glover, bản án tống giam đã bị ngăn chặn, cô tự khôi hài với chính mình, trong lúc đang cúi người tìm kiếm trong hòm thư thêm một lần nữa thì người nhân viên bước đến trao cho cô một phong bì với những con chữ to sụ, bay bướm kiểu vẫn thường được các cô gái mới tốt nghiệp trường trung học yêu thích. Là thư của Tor.

Chị bảo mẫu thân mến,

Một tin cực kỳ thú vị cho chị đây. Em sẽ ở một mình trong ngôi nhà này suốt hai tuần tới, trong khoảng từ 20 tháng Một trở đi. Có cả một chiếc xe hơi nữa!!! Ông bà Mallinson tham dự một cuộc đi săn dài ngày. Chị hãy làm ơn làm phúc đến đây ở với em bầu bạn cho vui, thậm chí chỉ một đêm thôi cũng được, nếu chị không thể sắp xếp để ở cùng em trong hai tuần. Ở đây có rất nhiều phòng trống yên tĩnh cho chị viết lách. Em sẽ cố gắng rủ Rose cùng đến, ba chúng ta tha hồ buôn chuyện. Hiện tại em có khá ít thời gian rỗi, gần như không đủ cả thời gian để thở nữa, chỉ viết cho chị được ngần này thôi.

Hôn chị,

Tor.

Tái bút: Có thông tin gì mới từ ông tướng Guy kinh khủng kia không?

Bước ngược đường Hornby trở về nhà, tâm trí Viva giằng xé giữa lời đề nghị của Tor và hoàn cảnh hiện tại. Bữa tiệc đám cưới diễn ra tại nhà Mallinson vừa qua sao mà lố bịch đến thế. Ở đấy có đủ gia nhân phục vụ, thừa thãi đồ ăn thức uống tuyệt hảo, cộng thêm niềm vui được gặp lại Tor và nghe thêm những tin tốt lành về cô ấy. Còn gì thú vị hơn nữa?

“Cô lưu trú ở đâu tại Bombay, cô gái bạn của Tor?”. Bà ta hỏi cô bằng cái giọng lè nhè đầy giả tạo khi cả hai vấp gặp nhau tại bàn phục vụ rượu sâm banh. Viva trả lời: “YWCA”. Ci Ci há hốc miệng, rồi chọc đầu móng tay vào cánh tay của Viva, nói: “Cô thật là kinh khủng, cô gái. Tôi nghe nói các cô gái ở đấy đều là những kẻ có trái tim đã hoàn toàn tan vỡ”. Rồi Ci Ci quay sang nói với một người bạn của bà ta đang đứng gần đấy: “Không giống Ấn Độ chút nào cả, cậu biết đấy”.

Có lẽ lúc ấy Ci Ci đã chếnh choáng hơi men, hoặc cũng có thể bà ta đang ở trạng thái kích động, bởi đã đánh vật từ đầu đến cuối buổi tiệc đám cưới, nhưng ham muốn đến cháy bỏng được một lần chầm chậm rót rượu qua cái đầu mũ ni che tai coi trời bằng vung của quý bà Mallinson mỗi lúc một trào lên mạnh mẽ trong cô. Ngay cả lúc này, mới chỉ nghĩ đến chuyện đấy thôi cũng đã khiến cô sôi sục.

Bà ta dám cả gan chế nhạo các bà mụ, đám nhân viên công chức nhà nước, thậm chí cả tầng lớp giáo viên đang cư ngụ ở YWCA? Bà ta không hiểu gì về những con người ấy, thậm chí bà còn không biết họ đã phải làm việc vất vả đến nhường nào.

Ci Ci thuộc loại đàn bà luôn có suy nghĩ phụ nữ Ấn Độ chỉ là những kẻ dốt nát, luôn bị chà đạp áp bức. Bà ta thực sự là một mụ già ngốc nghếch đến hoàn hảo.

Vậy thì đâu mới là một Ấn Độ thực thụ mà Ci Ci Mallinson từng nói đến, và, giả dụ bà ta là một phần của nó, thì tại sao lại có hai cảnh vệ vũ khí trong tay, cả những chú chó béc-giê giống Đức lừng lững canh ngoài cổng ngôi nhà của bà ta? Trong cuộc nói chuyện bất chợt giữa cuộc chè chén bên cạnh lối dạo mát trong khu vườn ngày hôm ấy, bà ta đã lải nhải với mọi người về cộng đồng dân cư bản xứ đến liên tu bất tận.

Bữa trưa, Viva đến ngồi bên cạnh vòi phun nước công cộng được chạm trổ những hình thù rắn rít, hổ báo, đến chim muông và cả những chú chó sơn màu đỏ chói hết sức sống động, lót dạ bằng một trái xoài mua ở chợ Crawford. Giờ đây cô đang ngồi trên xe buýt, nhắm hướng Byculla, nơi có ngôi nhà của Daisy Barker thẳng tiến. Mùi dầu dừa từ mái tóc của người phụ nữ ngồi bên cạnh dìu dịu bên cánh mũi, cả cơ thể mềm mại và êm như gối của bà ta khẽ chạm vào người cô khiến cảm giác đói bụng lại cồn cào trào lên trong lòng Viva. Chúng chỉ gợi lại những cảm giác cô không hề muốn nhớ lúc này. Người phụ nữ ngồi bên cạnh cô đang ẵm một đứa bé trong lòng. Đứa bé đang say sưa ngủ, hàng lông mi khép kín chảy dài, hai bầu má nhỏ xíu bụ bẫm như quả hạnh, người mẹ nhẹ nhàng phe phẩy bàn tay xua đuổi mấy con ruồi đang vo ve chực đậu xuống mặt đứa bé. Một người đàn ông đầu tóc đầm đìa mồ hôi đang cầm trên tay một chiếc áo vest cộc tay, hào hứng kể một câu chuyện cho một người đàn ông khác đang ngồi ở băng ghế dưới cùng của chiếc xe buýt nghe. Khi câu chuyện giữa hai người đàn ông đến hồi kết thúc, cả xe chợt vỡ òa bởi những tràng cười nghiêng ngả, Viva cũng cười theo đám đông mặc dù cô không hiểu được bất kỳ một từ nào trong câu chuyện người đàn ông vừa kể.

Sau mười bến đỗ, người phụ lái vẫy tay với Viva: “Đến Byculla, thưa cô. Xuống xe từ từ thôi nhé, cảm ơn”.

Viva bước xuống xe, sau một hồi xem xét tấm bản đồ mang theo trong người, cô bước dọc con đường chật chội dẫn đến một không gian khá bí bách với nhiều ngõ hẻm hun hút đầy bất an. Mặt đường đầy rẫy ổ gà, vương vãi đủ loại rau củ đã thối rữa, thi thoảng còn gặp những vũng nước tù đọng đục ngầu bởi cơn mưa tối qua để lại. Viva gặp một đứa bé đang ngồi xổm ỉa bậy bên lề đường, tấm áo rách như xơ mướp của đứa bé cụt ngủn thốc lên tận giữa lưng. Bắt gặp ánh mắt tò mò của đứa bé xoáy vào mình, Viva vội quay mặt đi.

Daisy đã chỉ cho Viva biết nhà của cô ở gần bệnh viện Mái ô, nhưng tất cả những gì Viva có thể tìm thấy là một dãy những cửa tiệm xiêu vẹo, tối tăm như những chiếc cũi chật chội dựa lưng vào một vách tường. Thò đầu vào một cửa tiệm, Viva nhìn thấy một ông già đang là ủi một chồng áo sơ mi bên vòm cửa thấp tè.

“Đâu là…?”, cô hỏi bằng tiếng Hindi, rồi Viva giơ cao hai tay vẽ một chiếc ô theo trí tưởng tượng trên đầu mình.

“Nó nằm ở đằng kia”. Ông già chỉ tay về phía góc đường tiếp theo nơi có một tòa nhà xiêu vẹo với những căn hộ cũ nát cùng những vòng ban công bằng sắt đã nhờ nhờ một màu rỉ sét ở mặt tiền của từng ngôi nhà; đa số chúng đều đã nứt gãy chỏng chơ. Viva tiếp tục bước về phía trước, tiến đến trước cửa ngôi nhà và rung chuông, ô cửa chớp trên đầu cô được chống lên.

“Xin chào, xin chào”, một giọng nói trang trọng như thể giọng người lễ tân mời khách bước vào cung điện Buckingham rơi xuống chỗ Viva đang đứng. “Có phải là cô Holloway không?”. Một người phụ nữ thấp đậm trên đầu đội một chiếc mũ đi nắng khẽ nheo mắt cúi đầu nhìn cô từ trên ban công. “Chờ một chút, tôi sẽ xuống dẫn cô lên nhà”.

Có tiếng đế dày lọc cọc nện dọc cầu thang, mỗi lúc một lớn dần rồi dừng lại sau cánh cửa. Rất nhanh, cửa được mở ra, một người phụ nữ hiện ra trước mặt Viva, có vẻ đứng tuổi, Viva thầm đoán người phụ nữ đang đứng trước mặt cô ít nhất cũng phải ba lăm tuổi. Chiếc kính không gọng gắn trên khuôn mặt thông minh, người phụ nữ mặc một chiếc áo dài bằng vải bông khá giản dị.

“Xin lỗi vì tiếng dép lê hơi nặng”, Daisy nói. “Tôi chỉ mới chuyển đến đây vào tuần trước. một nửa đồ đạc của tôi vẫn còn nằm trên chiếc xe bò kéo xộc xệch ở Colaba”. Daisy huýt sáo một hơi rõ dài rồi cười vang như một thiếu nữ.

Hành lang thoảng mùi cà ri để lâu ngày, cả mùi nước xịt côn trùng, nhưng khi vừa đặt chân vào căn hộ của Daisy, lập tức Viva thích ngay từ cái nhìn đầu tiên. Trần nhà cao ráo, bốn bức tường trắng tinh sạch sẽ, không gian thoáng đãng, đầy ắp không khí, những chiếc nệm sáng màu được bố trí khá hài hòa với những kệ sách dày cộp. Trên chiếc bàn đặt giữa phòng khách, chiếc máy đánh chữ nằm im lìm bên cạnh những xấp giấy trông như những bài kiểm tra được nép gọn gàng thành từng chồng ngay ngắn.

“Ra đây xem tầm nhìn mới của tôi này”. Daisy dẫn Viva ra ban công rộng lớn bên ngoài phòng khách, đứng ở đây có thể nhìn thấy những mái nhà trắng xóa nhấp nhô trước mặt, cả một nóc giáo đường vươn cao lộng gió. “Sẽ là một vị trí lý tưởng để tổ chức các bữa tiệc”, Daisy nói, vài giọt hoa nắng nhảy nhót trên khuôn mặt nhợt nhạt của cô. “Tối hôm qua chúng tôi còn chơi cả cầu lông ở đây đấy. Cô dùng trà nhé? Bánh xăng-đuých? Cô đã đói bụng chưa?”.

Suốt tuần trà, Viva đã tự nhủ lòng mình sẽ thích Daisy. Ẩn sau đôi mắt nhân hậu là một tinh thần đầy nghị lực, Daisy thuộc tuýp người luôn biết chèo lái mọi chuyện diễn ra thật êm ả như chúng vẫn thế. Hết tách trà thứ hai, Daisy bắt đầu kể cho Viva nghe về cái phong trào được đặt tên là Hòa giải mà cô đang tham gia, một phong trào được những phụ nữ từng tốt nghiệp đại học Oxbridge sáng lập với tôn chỉ “chúng ta hoàn toàn có lợi và đặc ân khi đến với đất nước Ấn Độ để giảng dạy cho những người phụ nữ đang theo học tại trường đại học nơi đây”.

Phải ngồi chuyện trò thêm một khoảng thời gian khá lâu nữa Viva mới biết được, rằng Daisy, trong bộ váy giản dị đến tồi tàn, với một giọng nói thanh mảnh ấy lại có một người cha thuộc dòng dõi quý tộc hiện đang sở hữu một gia sản khá lớn ở Norfolk, nhưng hoàn cảnh thuận lợi ấy không hề ảnh hưởng đến những sở thích trong cuộc sống của cô. Daisy đã thuyết phục để được làm những điều như những người bình thường vẫn làm, dẫu nhiều khi cô chỉ nhận được những lời chế giễu cười nhạo của những kẻ thông thái có cùng đặc quyền đặc lợi với mình.

“Phụ nữ Ấn Độ, ở trường đại học?”, Viva thốt lên đầy kinh ngạc – không một ai theo học đến bậc đại học từ cái nơi cô từng đến. “Xin thứ lỗi, nhưng em nghĩ đa số mọi người ở đấy đều thất học?”.

“Ừm, rất nhiều người mù chữ, đấy là sự thật”. Daisy thoáng trầm ngâm. “Nhưng Bombay rất tiến bộ trong một số lĩnh vực và chúng ta đã có những nữ luật sư ở đây, cả nhà thơ, bác sĩ, nghệ sĩ, kỹ sư nữa. Chính họ là những con người tạo nên sự huy hoàng cho đất nước này: những con người thông minh, ham hiểu biết, đầy nhiệt huyết. Nếu cô có hứng thú, cô có thể gặp gỡ với họ”.

Giữa cuộc nói chuyện, Daisy cho biết cô đã tham dự một khóa đào tạo dài sáu tuần ở trường đại học, hiện tại cô đã cải thiện được khá nhiều tiếng Urdu của mình.

“Cô có biết tiếng Urdu không? Ôi, một ngôn ngữ rất phong phú! Nếu cô cảm thấy hứng thú với thơ ca, tôi sẽ cho cô mượn một số cuốn về đề tài này. Sẽ là một cuộc khám phá rất thú vị!”.

“Em rất thích”.

“Mà cô này?”, ánh mắt Daisy như cười với cô sau đôi tròng kính. “Trước đây đã bao giờ cô sống ở Ấn Độ chưa?”.

“Em đã ở đây cho đến năm lên mười tuổi. Sau đấy bố mẹ qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi ở miền Bắc”. Những lời dối trá đến giờ này đã được cô thốt ra hết sức dễ dàng. “Rồi em quay về nước Anh, lần này em trở lại để nhận một số đồ đạc do bố mẹ để lại trước khi qua đời. Một chiếc rương đang được gửi ở Simla”.

“Tội nghiệp quá, hẳn cô đã rất buồn vì chuyện đấy”.

“Ừm…”, Viva không biết nói gì.

“Thế cô có kế hoạch gì cho công việc không?”.

Viva hắng giọng. “Em muốn trở thành một nhà văn”. Nói đến đây bất chợt Viva im bặt, cô có cảm giác mình lại tiếp tục lừa dối khi nói “em đã có một số tác phẩm xuất bản ở nước Anh”.

“Chúa ơi, thú vị thật đấy”.

“Cũng không hẳn, em có cảm giác sợ hãi, hiện tại thôi. Em chỉ ước chúng qua nhanh. Thực ra, em đang tìm một công việc gì đấy để có thể trang trải cho cuộc sống nơi đây”.

Daisy châm thêm trà vào tách của hai người.

“Nhưng cô chỉ mới đặt chân đến đây chưa lâu”. Cô phá vỡ bầu im lặng. “Vả lại khá khác thường khi quyết định sống ở Ấn Độ vào lúc này – mọi thứ đang thay đổi: ấy là về mặt lý tưởng, tôi mạo muội cho rằng, trong quan điểm của một nhà văn”.

Daisy kể cho Viva nghe về Đảng quốc đại Ấn Độ, những con người đang quyết tâm hơn bao giờ hết cho công cuộc cách mạng nhằm đưa đất nước Ấn Độ thoát ra khỏi cái bóng bảo hộ của nước Anh, và làm thế nào mà Gandhi, “một nguồn cảm hứng thực thụ”, lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều người dân Ấn Độ đến thế.

“Chị có nghĩ là người Ấn đã thực sự bắt đầu có thái độ căm ghét người Anh hay không?”, Viva hỏi, bối rối như bao lần trước.

“Không, tôi không cho là vậy”, Daisy nói. “Ấn Độ là đất nước của những con người bao dung – họ là những con người nồng nhiệt và thân thiện nhất trên thế giới, nếu họ không rơi vào trạng thái quá khích, lúc bấy giờ mọi thứ có thể sẽ thay đổi như cô nghĩ”. Daisy gõ móng tay lách cách lên mặt bàn. “Một số cái đầu nóng có thể sẽ thổi bùng ngọn lửa. Vậy nên phải thật cảnh giác”, Daisy nói, “cả cẩn trọng nữa. Nhưng thôi, quay trở lại với chủ đề chính nhé”. Daisy rút ra một cuốn sổ tay cùng một chiếc bút, bắt đầu tập trung hết mực vào chúng. “Cô định ở lại Ấn Độ trong bao lâu?”.

“Ít nhất là một năm”.

“Cô có nói được tiếng Hindi không?”.

“Một ít thôi ạ”.

“Rất tốt. Nhưng hãy cố gắng học thêm cả tiếng Marathi nữa – nó sẽ tạo ra sự khác biệt”.

Daisy cho biết cô quen Lloyd Woodmansee. “Ông ấy thường biên tập những bài chính trên tờ Thời báo Ấn Độ, ngoài ra còn làm việc cho tờ Tiền phong nữa. Tôi không chắc là ở đấy họ có sử dụng nhiều tác phẩm của các nhà văn nữ hay không, nhưng nếu có thì chắc cũng chỉ để viết những bài về váy áo và các cuộc triển lãm trình diễn hoa cúc, nhưng có thể ông ấy sẽ giúp được cô. Ông ấy đã già quá rồi, lại đang gặp vận rủi nữa. Nhớ mang đến tặng cho ông ấy một cái bánh sô-cô-la”. Daisy khéo léo lấy từ trong túi xách tay ra một mẩu giấy và viết lên đấy họ tên cùng địa chỉ của ông già. “Ông ấy đang sống tại khu vực đối diện với chợ Crawford”.

“Thông thường thì người ta sẽ yêu cầu bao nhiêu trong trường hợp em may mắn tìm được một câu chuyện để viết?”. Tim Viva đập rộn ràng.

“Thường là không. Tôi e là, trừ phi, cô biết đấy, trừ phi cô là Rudyard Kipling. Ta không phải trả một cắc cho những điều mà mình sẽ làm cho họ”.

“À”,

“Ôi không… xin lỗi”.

“Không sao đâu”. Viva quay lưng. “Cảm ơn rất nhiều vì chị đã giúp em, chị thật tốt bụng”.

Daisy đặt hai tách trà trở lại lên khay, tỉ mỉ xếp chúng thật cẩn thận.

“Có phải cô đang gặp khó khăn trong vấn đề tài chính?”, Daisy bất ngờ hỏi.

Viva gật đầu, nỗi xót xa tủi hổ trào lên thành giọt nước mắt lăn dài trên gò má. “Em chỉ còn đúng hai mươi lăm bảng”, cuối cùng cô cũng lên tiếng. “Chuyến đi vừa qua nhẽ ra em được thanh toán nhưng cuối cùng chủ thuê lại thay đổi ý định”.

“Như thế là không công bằng”.

“Vâng”, Viva phụ họa, “không công bằng”.

“Hượm đã, ngồi chờ tôi một lát”, Daisy như vừa chợt nhớ ra điều gì. “Tôi có ý kiến thế này, không to tát gì cho cam nhưng tôi nghĩ nó có thể giúp cô vượt qua được hoàn cảnh khó khăn hiện tại”.

Trong gần nửa tiếng đồng hồ tiếp theo, Daisy kể với Viva về một phần trong số những công việc liên quan đến lĩnh vực đào tạo của tổ chức Hòa giải là nhận hỗ trợ cho hai mái ấm tình thương dành cho trẻ em ở Bombay: một ở Byculla, có tên là Tamarind. Tại đây trẻ em đường phố sẽ được cung cấp một bữa ăn giữa ngày và được dạy những bài học đầu tiên làm quen với việc đọc và viết. Tại Tamarind đang nuôi dưỡng một số trẻ em lang thang cơ nhỡ, ở đấy đang cần một người trợ lý. Tiền công khá khiêm tốn, chỉ một ru pi mỗi ngày, nhưng giờ giấc khá thoải mái, hẳn sẽ thích hợp với những người làm nghề viết lách như Viva. Công việc diễn ra trong một căn phòng bé tin hin, không có đồ đạc gì quan trọng, nằm trong khuôn viên ngôi nhà của một đệ tử của giáo phái Bái hỏa tôn thờ thần lửa, ông Jamshed, người có các cô con gái đang theo học tại trường đại học.

“Lũ trẻ ở đấy sẽ kể cho cô nghe đủ chuyện có thể viết thành những cuốn sách”, Daisy nói, “chắc chắn những câu chuyện của chúng ăn đứt mấy bài về váy áo và hoa hòe cúc mai”.

Viva trầm tư. Cô đặt tách trà của mình xuống. “Em sẽ nhận việc này”, cô nói.

“Tuyệt”. Daisy bắt tay cô.

Hai người tiếp tục câu chuyện, khoảng trời bên trên ban công chợt bừng sáng một màu hồng rạng rỡ, từ dưới phố vọng lên tiếng rao “nước sạch, thưa các quý bà” của người chở nước thuê.

“Có lẽ”, Daisy nói, “chúng ta nên xuống vẫy cho cô một chiếc xe buýt để về nhà. Sắp tối rồi”.

Lần đầu tiên suốt những ngày dài dằng dặc vừa qua, Viva không còn cảm giác âu lo sợ hãi về những thời khắc sắp đến. Mọi việc vẫn chưa như cô mong muốn, nhưng ít nhất thì cô cũng đã tìm được một sự khởi đầu mới.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận