Chương 10: Thưởng Trà
Mưa xuân mịt mờ rơi, âm thầm thấm đẫm vạn vật. Sông Khúc xanh biếc như ngọc bích, đẹp lung tinh. Từ đình Cẩm Hương bên bờ sông Khúc nhìn ra, phong cảnh hoa lệ vô cớ hiện ra một chút thê lương trong mưa.
Nguyên Diệu đứng trong đình Cẩm Hương thẫn thờ nhìn cây lê cách đó không xa. Trên cây lê, những cánh hoa xếp như tuyết, một nhóm thiếu nữ yêu kiều nửa khỏa thân hoặc ngồi trên cây, hoặc nằm giữa hoa, họ khoác vai nhau cười đùa thích thú cùng tận hưởng mưa xuân.
Vi Ngạn đứng bên cạnh Nguyên Diệu, thấy hắn ngẩn người thì hỏi: “Hiên Chi làm sao vậy?”
Nguyên Diệu bừng tỉnh, nói: “Cây lê kia thật rôm rả.” Vi Ngạn nhìn theo ánh mắt của Nguyên Diệu, chỉ thấy một cây lê nở rộ đứng trong mưa xuân.
Vi Ngạn mở quạt gấp, cười nói: “Đúng vậy, hoa lê nở thật rôm rả.” Nguyên Diệu cười, không miêu tả những yêu tinh hoa lê trên cây cho Vi Ngạn, vì dù hắn có miêu tả thì Vi Ngạn cũng không nhìn thấy.
Hôm nay, Vi Ngạn và Nguyên Diệu đến bờ công Khúc chơi xuân, không ngờ trời đột nhiên đổ mưa, nhưng hai người không mang ô đành trú mưa trong đình Cẩm Hương.
Khoảng nửa giờ sau thì mưa xuân ngừng rơi.
Bầu trời trong xanh như vừa được rửa sạch, mây trắng như khói nhẹ, màu sắc của cỏ xanh, lá cây và hoa lá càng tươi tắn hơn trên đó vẫn còn đọng những giọt mưa trong suốt.
Vi Ngạn, Nguyên Diệu đi dọc theo bờ Sông Khúc, vừa thưởng cảnh vừa đàm tiếu. Thời tiết không thuận lợi, hai người vừa đi vừa nói chuyện thì trời lại đổ mưa. Hai người đành phải chạy như bay trong đồng hoang để tìm nơi trú mưa.
Nguyên Diệu tinh mắt, thấy một trang viên trong cơn mưa mù mịt.
“Đan Dương, ở kia có một trang viên, chúng ta vào đó trú mưa đi.”
Vi Ngạn nhìn quanh, nghi ngờ nói: “Trang viên ở đâu?”
Mưa xuân càng lúc càng nặng hạt. Nguyên Diệu không kịp trả lời, vội kéo Vi Ngạn chạy về phía trang viên.
Nước xuân thấm đẫm, hoa dại rơi đầy trên cầu tre. Trang viên ẩn hiện trong hoa cỏ, rất yên tĩnh và thanh nhã. Trang viên rất rộng, từ bên ngoài chỉ có thể thấy một góc mái vòm. Nguyên Diệu, Vi Ngạn bước lên bậc thềm trước cổng lớn, hai cánh cửa sơn đỏ đóng chặt, đinh đồng tối màu.
Nguyên Diệu ngẩng đầu nhìn lên tấm biển gỗ trên cổng sơn đỏ, ba chữ trên biển do thời gian lâu dài, mưa nắng mài mòn mà đã phai nhạt đến không thể nhận ra.
Nguyên Diệu còn đang nhận diện chữ trên biển thì Vi Ngạn đã bắt đầu gõ cửa. Một lát sau, một ông lão dáng vẻ như là quản gia mở cửa, thò đầu ra. Ông ta nhìn qua Nguyên Diệu và Vi Ngạn, hỏi: “Hai vị công tử có việc gì sao?”
Vi Ngạn mở quạt gấp ra, nói: “Chúng ta muốn vào trong trú mưa.”
Quản gia ngạc nhiên.
Nguyên Diệu vội cúi chào, nói: “Chúng ta là khách chơi xuân đến sông Khúc. Vì trời đột nhiên mưa, lại không mang ô nên đành phải tìm nơi trú mưa. Nếu có thể tạm trú mưa trong quý trang viên thì đúng là cảm kích vô cùng.”
Quản gia thấy Nguyên Diệu hòa nhã lễ độ thì nói: “Hai vị chờ một chút, ta vào báo với chủ nhân. Không biết nên xưng hô hai vị công tử thế nào ạ?”
Nguyên Diệu nói: “Tiểu sinh họ Nguyên, tên Diệu, tự Hiên Chi.”
Vi Ngạn nói: “Ta tên Vi Ngạn, tự Đan Dương. Chủ nhân nhà ngươi là ai?”
Quản gia nói: “Hàn Quốc phu nhân.”
Quản gia vào báo.
Nguyên Diệu và Vi Ngạn chờ ở cửa.
Nguyên Diệu nói: “Hóa ra chủ nhân của trang viên này là một vị quốc phu nhân*. Đan Dương, ngươi có biết vị Hàn Quốc phu nhân này không?”
*Quốc phu nhân: Trong đặc lệ của ngoại mệnh phụ triều Đường, ngoài nương và tỷ muội của Võ Tắc Thiên, người nổi tiếng hơn cả là các tỷ muội của Dương Quý Phi, họ được phong lần lượt là Hàn Quốc phu nhân, Quắc Quốc phu nhân, Tần Quốc phu nhân. Tuy nhiên, Hàn Quốc phu nhân trong văn này không phải là tỷ muội của Dương Ngọc Hoàn.
Thời Đường, hoàng đế thường phong cho mẫu thê của quan lại có công. Thường thì mẫu thân, chính thất của quan nhất phẩm là quốc phu nhân, mẫu thân, chính thất của quan tam phẩm trở lên là quận phu nhân, mẫu thân, chính thất của quan tứ phẩm là quận quân, mẫu thân, chính thất của quan ngũ phẩm là huyện quân. Ngoài ra, còn có một số phong hiệu rất không dựa vào phẩm cấp của chồng, con, như mẫu thân, tỷ muội của Võ Tắc Thiên, cũng được phong là quốc phu nhân.
Vi Ngạn nói: “Không biết. Người mỗi năm được phong quốc phu nhân, quận phu nhân không nhiều không ít, ta không có thể nhận biết từng người đâu?”
Nguyên Diệu, Vi Ngạn đứng một lúc thì quản gia mới ra, nói: “Phu nhân mời hai vị công tử vào. Phu nhân đang pha trà trong nhã thất, bà nói hai vị công tử tới trú mưa lúc này cũng thật khéo, vừa khéo kết duyên uống trà, mời hai vị công tử vào nhã thất thưởng trà.”
Nguyên Diệu và Vi Ngạn cùng nói: “Làm phiền rồi, đa tạ.” Rồi theo quản gia đi vào trang viên.
Trong trang viên, mái hiên chạm khắc tinh xảo, lầu các chồng chéo, nối tiếp nhau từng lớp nhìn vô cùng tráng lệ. Trong vườn, dưới hành lang của trang viên trồng đủ loại mẫu đơn, trắng như băng tuyết là Dạ Quang Bạch, xanh như ngọc bích là Lục Hương Cầu, vàng như vương miện là Diêu Hoàng, đỏ thẫm như máu là Hắc Hoa Khôi, đỏ như ánh chiều tà là San Hô Đài… Gió xuân thổi qua làm lá cỏ lay động như dòng nước. Nước mưa rơi trên lá mẫu đơn sáng lấp lánh.
Nguyên Diệu không khỏi nhìn đến mê mẩn.
Quản gia dẫn Nguyên Diệu và Vi Ngạn đến cuối hành lang, đến trước một nhã thất. Ông đứng ngoài cửa cúi đầu nói: “Phu nhân, Nguyên công tử và Vệ công tử đến rồi.”
Trong nhã thất vọng ra một giọng nữ: “Mời vào.”
Quản gia đẩy cửa nhã thất, ra hiệu cho Nguyên Diệu và Vi Ngạn vào.
Nguyên Diệu và Vi Ngạn bước vào nhã thất.
Nguyên Diệu vừa bước vào nhã thất đã ngửi thấy một mùi hương trà thanh khiết, thấm vào lòng người.
Nhã thất được bày biện rất giản dị, tao nhã, chỉ có một bức bình phong thủy mặc, một bức thư pháp của Vương Hi Chi, một giá sách đặt đầy sách tre, một lò hương chạm khắc hình rồng.
Một quý phụ mặc y phục màu nhạt quỳ ngồi bên chiếc bàn trà, đang pha trà. Hai thị nữ mặc y phục sặc sỡ quỳ ngồi sau quý phụ, tĩnh lặng như tượng. Quý phụ búi tóc nửa chừng, cài một cây trâm vàng điểm thúy. Ngũ quan của bà rất đẹp, trang điểm tinh tế, nhìn từ xa như một thiếu nữ đang độ xuân thì. Nhưng lại gần sẽ thấy trên khóe mắt bà đã có nếp nhăn, hai bên tóc mai cũng đã hơi điểm sương.
Nguyên Diệu và Vi Ngạn hành lễ, nói: “Kính chào phu nhân.”
Hàn Quốc phu nhân mỉm cười, ra hiệu cho Nguyên Diệu và Vi Ngạn ngồi xuống: “Mời hai vị công tử ngồi. Nơi hẻo lánh của ta bình thường ít có người đến, hôm nay hai vị công tử đến âu cũng là duyên phận. Mời ngồi xuống uống chén trà ạ.”
“Đa tạ phu nhân.” Nguyên Diệu và Vi Ngạn ngồi xuống.
“Đa tạ phu nhân.” Nguyên Diệu và Vi Ngạn ngồi xuống.
Trên bàn trà đặt một lò lửa đất đỏ, quạt lông ngỗng, khay trà, bồn trà, bình nước, chậu rồng, đũa tre, khăn trà. Trong ấm trà khói tỏa mịt mù, trà thơm đã được pha sẵn.
Hàn Quốc phu nhân đưa đôi tay như ngọc được chăm sóc kỹ lưỡng, từ từ rót trà thơm trong ấm vào ba chiếc chén sứ hình lá sen. Hai thị nữ bưng hai chén trà dâng lên cho Nguyên Diệu và Vi Ngạn.
Chén sứ mỏng như giấy, trắng hơn ngọc, cảm giác cầm trong tay mượt mà như lụa. Nước trà có màu xanh nhạt, trong suốt, tỏa ra hương thơm nhẹ nhàng. Nguyên Diệu nhấp một ngụm, cảm nhận nước trà trượt vào cổ họng khiến lòng hắn thấy khoan khoái, toàn thân dễ chịu.Hắn tán thưởng: “Trà ngon.”
Vi Ngạn cũng nhấp một ngụm trà thơm, cảm giác như có làn gió xuân thổi qua mặt. Hắn hỏi: “Đây là loại trà gì thế, thơm quá.”
Hàn Quốc phu nhân mỉm cười: “Loại trà này gọi là ‘Tịch Hạc’, là cống phẩm quý báu do vua Phù Tang dâng lên cho thiên tử vào năm Càn Phong thứ ba. Nước pha trà là trận mưa xuân đầu tiên của năm Càn Phong đầu tiên.”
Nguyên Diệu không khỏi kinh ngạc, hóa ra trà và nước đều là vật từ hai mươi năm trước.
Khói trà lượn lờ, hương thơm ngào ngạt, Nguyên Diệu có hơi mất tập trung. Hắn không cẩn thận làm trượt tay, chén sứ rơi xuống đất: “choang” một tiếng vỡ thành ba mảnh.
“Á?!!” Nguyên Diệu kinh ngạc, tay chân lúng túng xin lỗi Hàn Quốc phu nhân: “Á, xin lỗi… cái này, cái này…”
Vi Ngạn nhìn mảnh vỡ dưới đất, cười nói: “Sao Hiên Chi là bất cẩn như thế? Bộ trà cụ này vốn phải đủ bộ, thiếu một chiếc chén thì sẽ hỏng cả bộ mất.”
Hàn Quốc phu nhân thấy chén trà vỡ, nhưng không trách móc Nguyên Diệu, ánh mắt chỉ hơi buồn bã: “Bộ chén hình lá sen này là thứ con gái ta thích nhất, thật tiếc quá.”
Nguyên Diệu rất áy náy, nói: “Thật xin lỗi, tiểu sinh vụng về… Tiểu sinh sẽ đền bộ chén này…”
Hàn Quốc phu nhân nói: “Thôi được rồi. Bộ chén lá sen này là vật cống từ lò Nguyệt vào năm Càn Phong thứ nhất, chỉ có duy nhất một bộ thôi.”
Nguyên Diệu nhặt mảnh vỡ lên, nói: “Vậy, tiểu sinh sẽ tìm cách dán lại nó.”
Nguyên Diệu nhớ ra vài ngày trước Ly Nô vô tình làm vỡ chiếc bình họa tiết chim quý của Bạch Cơ yêu thích, nó sợ bị Bạch Cơ trách mắng nên lập tức dùng pháp thuật dán lại, chiếc bình trở lại hoàn hảo như ban đầu. Hắn nghĩ hay là về nhờ Ly Nô dùng pháp thuật, chắc chắn cũng có thể dán lại bộ chén này.
Hàn Quốc phu nhân cười: “Gương vỡ khó lành, nước đổ khó hốt, chén vỡ thì làm sao mà dán lại được?”
Nguyên Diệu nói: “Tiểu sinh sẽ về thử một lần. Nếu dán được thì sẽ đem trả lại phu nhân.”
Hàn Quốc phu nhân đồng ý.
Nguyên Diệu và Vi Ngạn cùng Hàn Quốc phu nhân thưởng trà, trò chuyện. Phong thái Hàn Quốc phu nhân đoan trang, học thức phong phú, nói chuyện với bà khiến Nguyên Diệu và Vi Ngạn cảm thấy như được tắm trong gió xuân. Hàn Quốc phu nhân nói, bà còn có một người con gái, dung mạo tuyệt trần, đẹp hơn cả hoa mẫu đơn. Khi nhắc đến con gái, ánh mắt của Hàn Quốc phu nhân trở nên rất dịu dàng, bà cũng nói chuyện hăng hái hơn. Hàn Quốc phu nhân vốn định cho con gái ra gặp Nguyên Diệu và Vi Ngạn, nhưng thị nữ được sai đi lại về báo rằng: “Tâm trạng tiểu thư không tốt nên không muốn gặp người.”
Nguyên Diệu và Vi Ngạn hơi lúng túng.
Hàn Quốc phu nhân mỉm cười cưng chiều: “Ôi, con bé lúc nào cũng như vậy, đúng là không biết phải làm sao.”
Nguyên Diệu cảm thấy, Hàn Quốc phu nhân chắc chắn rất yêu quý con gái của mình.
Mưa đã tạnh, trà cũng đã uống xong, Nguyên Diệu và Vi Ngạn đứng dậy cáo từ. Hàn Quốc phu nhân cũng không giữ lại, chỉ nói: “Hai vị đi đường bình an.”
Nguyên Diệu và Vi Ngạn cảm tạ rồi rời khỏi trang viên của Hàn Quốc phu nhân.
Trên đường về thành, Nguyên Diệu vì làm vỡ chén trà mà hơi buồn bã: “Không biết có dán lại được chén trà không… Nếu không dán được, tiểu sinh lấy gì mà đền cho Hàn Quốc phu nhân đây…”
Vi Ngạn mở quạt xếp ra cười nói: “Nếu không dán được chén trà thì Hiên Chi hãy đến nhà Hàn Quốc phu nhân làm người hầu để trả nợ đi.”
Nguyên Diệu tức giận nói: “Đừng nói bậy, nợ của Phiêu Miểu các tiểu sinh còn chưa trả xong đâu.”
Vi Ngạn lấy quạt che mặt: “Hiên Chi thật đáng thương…”
“Haizz!” Nguyên Diệu thở dài.
Nguyên Diệu và Vi Ngạn chia tay ở phường Thiện Hòa, một người về Phiêu Miểu các, một người về Vi phủ.
Khi Nguyên Diệu về đến Phiêu Miểu các thì đã là buổi chiều.
Ly Nô ủ rũ đứng sau quầy, buồn bã ăn cá hương khô.
Nguyên Diệu hỏi: “Ly Nô lão đệ, Bạch Cơ có ra ngoài không?”
Ly Nô không vui nói: “Chủ nhân đi nghe thiền sư Nghĩa Tịnh(2) giảng kinh Phật tại chùa Hiến Phúc(2) rồi. Mọt sách, hôm nay ngươi lại lười biếng rồi.”
(1) chùa Hiến Phúc: là chùa Tiến Phúc nằm trong Phường Khai Hóa của thành Trường An, là nơi ở cũ của công chúa Tương Thành, con gái của Đường Thái Tông. Năm Quang Trạch nguyên niên (684) thời Võ Hậu, họ hàng hoàng tộc xây dựng chùa này để cầu phúc cho Cao Tông, ban đầu tên là chùa Hiến Phúc, năm Thiên Thụ nguyên niên (690) thời Võ Hậu đổi tên thành chùa Tiến Phúc, là một trong những chùa nổi tiếng ở thành Trường An thời Đường.
(2)Nghĩa Tịnh: nhà sư nổi tiếng thời Đường, nhà lữ hành, là một trong bốn dịch giả kinh Phật nổi tiếng của Phật giáo Trung Quốc. Ông từng dịch kinh sách tại chùa Hiến Phúc và đề nghị xây dựng Tháp Tiểu Nhạn.
Nguyên Diệu muốn nhờ Ly Nô dùng pháp thuật để dán chén giúp hắn nên cũng không phản bác, cười nói: “Ly Nô lão đệ, tiểu sinh có một việc phiền lòng muốn nhờ đệ giúp.”
Ly Nô ném một miếng cá hương khô vào miệng, nói: “Đúng lúc, gia cũng có một việc phiền lòng, nghĩ đi nghĩ lại chỉ có mọt sách ngươi mới có thể giúp.”
Nguyên Diệu cười nói: “Trùng hợp vậy sao? Ly Nô lão đệ, đệ nói trước đi. Chỉ cần tiểu sinh có thể giúp thì chắc chắn không từ chối.”
Ly Nô lôi ra một gói vải từ sau quầy, đặt trước mặt Nguyên Diệu, mặt mày ủ rũ.
Nguyên Diệu mở gói vải ra thì thấy một đống mảnh vỡ gốm.
Nguyên Diệu ghép các mảnh vỡ lại trong đầu, phát hiện đó chính là chiếc bình họa tiết chim quý mà Ly Nô đã dùng pháp thuật dán lại vài ngày trước.
Nguyên Diệu kinh ngạc: “Bình này không phải ngươi đã dùng pháp thuật dán lại rồi sao? Sao lại vỡ nữa thế?”
Ly Nô buồn rầu nói: “Gương vỡ khó lành, nước đổ khó hốt, đồ vật đã vỡ là vỡ, làm sao dán lại được? Pháp thuật chỉ là một trò che mắt tạm thời, pháp thuật hết hiệu lực, bình lại vỡ như cũ. Việc này không thể giấu lâu, ta nghĩ nên sớm thú thật với chủ nhân là tốt nhất. Nhưng chiếc bình họa tiết chim quý này là thứ chủ nhân rất thích, người luôn không nỡ bán. Nếu người biết bình đã vỡ thì chắc chắn sẽ rất giận, còn phạt ta mấy tháng không được ăn cá hương khô. Haizz, thật khổ sở, thật phiền phức, gia nghĩ đi nghĩ lại, chỉ có mọt sách ngươi mới có thể giúp gia thôi.”
Nguyên Diệu nhìn chiếc bình vỡ, lòng lạnh đi nửa phần. Hóa ra pháp thuật chỉ là trò che mắt, sẽ hết hiệu lực, vậy việc dán chén lá sen không cần nhờ đến Ly Nô nữa rồi. Nguyên Diệu buồn bã nói: “Ly Nô lão đệ muốn tiểu sinh giúp thế nào?”
Ly Nô cười nói: “Rất đơn giản, Ly Nô sẽ thú nhận với chủ nhân, nói rằng chính mọt sách làm vỡ chiếc bình họa tiết chim quý, thế nào? Dù sao mọt sách cũng không thích ăn cá hương khô, dù chủ nhân phạt ngươi mấy tháng không được ăn cá hương khô cũng chẳng sao.”
Nghe vậy, Nguyên Diệu tức giận nói: “Ly Nô lão đệ, nếu Bạch Cơ biết chiếc bình họa tiết chim quý là do tiểu sinh làm vỡ thì nàng không chỉ phạt tiểu sinh ba tháng không được ăn cá hương khô, mà còn treo tiểu sinh lên đánh ba tháng để hả giận. Tóm lại, việc này tiểu sinh không thể giúp, ngươi đừng mong tiểu sinh gánh tội thay, tiểu sinh nhiều nhất sẽ không nói cho nàng biết bình đã vỡ thôi.”
Ly Nô bĩu môi: “Vừa rồi mọt sách không phải nói rằng chỉ cần có thể giúp thì chắc chắn sẽ không từ chối sao?”
Nguyên Diệu liên tục lắc đầu: “Chuyện này tiểu sinh không thể giúp, cũng không dám giúp.”
Ly Nô thở dài một hơi, mặt mày càng thêm ủ rũ. Nó hỏi: “Vừa rồi mọt sách có việc gì cần gia giúp thế?”
Nguyên Diệu nhìn mảnh vỡ của chiếc bình, cũng thở dài một hơi: “Bây giờ không còn việc gì cần đến sự giúp đỡ của Ly Nô lão đệ nữa rồi.”
“Ừ.” Ly Nô đáp một tiếng, tiếp tục vừa ăn cá hương khô vừa lo lắng.
Nguyên Diệu đi ra hậu viện, bắt đầu lo lắng. Bộ chén lá sen không thể dán lại được, hắn phải giải thích thế nào với Hàn Quốc phu nhân đây?
Vào lúc hoàng hôn, Bạch Cơ mặc nam trang trở về. Tâm trạng Bạch Cơ rất tốt, vừa nhìn thấy Nguyên Diệu đã mở mở quạt gấp ra, cười nói: “Nghe thiền sư Nghĩa Tịnh giảng kinh đúng là một trải nghiệm tuyệt vời, Nguyên Diệu lần sau cũng nên đi nghe thử.”
Nguyên Diệu nói: “Tiểu sinh không có căn cơ, nghe kinh Phật sẽ buồn ngủ.”
Bạch Cơ đưa cho Nguyên Diệu một gói giấy, nói: “Thiền sư Nghĩa Tịnh tặng một ít trà thiền. Nguyên Diệu uống nhiều trà thiền sẽ có căn cơ.”
Nguyên Diệu chưa kịp trả lời, Ly Nô đã chen vào, nói: “Mọt sách ngốc nghếch dù có uống trà thiền như cơm cũng không sinh ra căn cơ. Ly Nô thông minh, dù không uống trà thiền, chỉ ăn cá hương khô cũng có căn cơ.”
Bạch Cơ tỏ ý tán thành.
Nguyên Diệu nghe đến trà, lại nghĩ đến bộ chén lá sen của Hàn Quốc phu nhân, trong lòng lo lắng nên cũng lười tranh luận với Bạch Cơ và Ly Nô.
Trăng xuân như đèn, hoa bay khắp sân.
Bạch Cơ, Nguyên Diệu, và Ly Nô ngồi dưới hành lang vừa uống trà ngắm trăng, vừa trò chuyện.
Bạch Cơ hỏi Ly Nô: “Cái bình họa tiết chim quý mà ta để trong phòng sao lại thay bằng ngọc như ý thế?”
Ly Nô toát mồ hôi lạnh, vội nói: “Ly Nô đã cất chiếc bình họa tiết chim quý đi. Ly Nô nghĩ rằng, đầu xuân lấy điềm “như ý” để cầu phúc thì một năm mới có thể tài lộc dồi dào, “nhân quả” không dứt. Nếu chủ nhân không thích thì Ly Nô sẽ cất ngọc như ý vào, rồi đặt chiếc bình họa tiết chim quý ra lại.”
Bạch Cơ nói: “Không cần cất ngọc như ý đi, cũng bày bình họa tiết chim quý ra. Mùa xuân hoa nở rộ, bình họa tiết chim quý có thể dùng để cắm hoa, tăng thêm sinh khí và màu sắc cho Phiêu Miểu các.”
Ly Nô đáp một cách áy náy: “Vâng.”
Nguyên Diệu nhìn trăng xuân lo lắng: “Bạch Cơ, Phiêu Miểu các có bộ trà cụ nào quý giá không? Giá trị có thể sánh với vật cống phẩm từ lò Nguyệt năm Càn Phong không?”
Bạch Cơ nghĩ một lúc, nói: “Có. Ta nhớ trong kho còn hai bộ trà cụ xanh lò Nguyệt thời Trinh Quán. Sao Nguyên Diệu đột nhiên hỏi về trà cụ thế?”
Nguyên Diệu thở dài một hơi, tự trách mình nói: “Tiểu sinh hôm nay lại làm một chuyện ngu ngốc…”
Bạch Cơ nói: “Hiên Chi không cần tự trách, dù sao ngươi vẫn thường làm những chuyện ngu ngốc mà.”
Nguyên Diệu tức giận nói: “Tiểu sinh đâu có hay làm chuyện ngu ngốc chứ?!”
Bạch Cơ nói: “Ta chỉ thuận miệng nói thôi, Hiên Chi đừng giận. Hôm nay ngươi làm chuyện ngu ngốc gì thế?”
Nguyên Diệu buồn rười rượi nói: “Chuyện là thế này…”
Nguyên Diệu kể lại chuyện hôm nay cùng Vi Ngạn đến trú mưa ở trang viện Hàn Quốc phu nhân, uống trà, làm vỡ bộ chén lá sen. Vì đã hứa với Ly Nô không nói việc nó làm vỡ chiếc bình họa tiết chim quý, nên Nguyên Diệu giấu đoạn muốn nhờ Ly Nô dùng pháp thuật sửa chén, chỉ nói rằng phải đền bộ trà cụ cho Hàn Quốc phu nhân.
Bạch Cơ nghe xong thì cười đầy hứng thú: “Hàn Quốc phu nhân? Năm Càn Phong thứ ba? Thật thú vị.”
Nguyên Diệu nói: “Hàn Quốc phu nhân thì có gì thú vị?”
Bạch Cơ cười thần bí: “Không có gì. Nguyên Diệu định đền cho Hàn Quốc phu nhân một bộ trà cụ khác à?”
Nguyên Diệu nói: “Chỉ còn cách đó thôi. Vật cống phẩm thời Trinh Quán chắc là sánh được với vật cống phẩm thời Càn Phong. Nhưng vật cống phẩm chỉ có hoàng thất mới được hưởng, làm sao Bạch Cơ có được thế?!”
Bạch Cơ xoa cằm, nói: “Làm sao ta có được vật cống phẩm, Hiên Chi không cần biết. Hiên Chi nên nghĩ xem, ngươi có bạc để mua không?”
Nguyên Diệu không có bạc, đành nói: “Xin Bạch Cơ cho tiểu sinh nợ trước. Tiểu sinh sau này mỗi ngày sẽ làm việc vặt của hai người để trả.”
Bạch Cơ cười nói: “Ta quá thiệt thòi rồi. Hiên Chi quá vụng về, nói là làm việc của hai người thực ra chỉ làm được việc của một người thôi.”
Nguyên Diệu khổ sở nói: “Vậy, ngươi muốn tiểu sinh phải làm gì?”
Bạch Cơ suy nghĩ một lúc, rồi nói: “Hiên Chi có hai lựa chọn. Một, mùa xuân thích hợp cho ca múa, mỗi tối Hiên Chi ở trong sân nhảy một điệu múa để cho ta và Ly Nô giải trí. Hai, mùa xuân thích hợp cho sự thanh tịnh, cứ mỗi ngày lẻ, Hiên Chi hãy đến chùa Hiến Phúc nghe kinh với ta.”
Lời của Bạch Cơ vừa dứt, Nguyên Diệu vội vàng nói: “Tiểu sinh sẽ đi nghe kinh với ngươi.”
Bạch Cơ mỉm cười hài lòng: “Hiên Chi thường xuyên đi nghe kinh Phật, chắc chắn sẽ dần dần có căn cơ.”