Phiêu Miểu 2 - Quyển Mặt Quỷ

Chương 23


Bạch Cơ uống một ngụm rượu, chậm rãi nói: “Hán Vũ Đế nuốt ba hạt đào, mang về cung Vị Ương hai hạt và để lại cho ta hai hạt. Đó là cái giá của việc thực hiện nguyện vọng của ông ta. Hai hạt đào này luôn được giữ lại trong Phiêu Miểu các. Thời gian trôi qua, chớp mắt đã đến đời Tấn. Một ngày có một học trò thích viết thơ giống như Hiên Chi bước vào Phiêu Miểu các, hắn cầu xin ta thực hiện một nguyện vọng của hắn.”

“Hắn có nguyện vọng gì?” Nguyên Diệu hỏi.

“Vị khách này nói khi còn trẻ có một lần đi dạo trong núi, tình cờ bước vào một nơi đầy hoa đào nở rộ. Hắn ở trong chốn thế ngoại Đào Nguyên một thời gian, cảm thấy rất vui vẻ. Sau đó, hắn trở về nhân gian nhưng vẫn luôn nhớ về Đào Nguyên. Nhưng dù có quay lại tìm bao nhiêu lần thì hắn cũng không thể tìm thấy con đường vào Đào Nguyên nữa. Hắn rất đau buồn, vẫn mơ đến Đào Nguyên, mong muốn được trở lại đó một lần trong đời.” Bạch Cơ ngừng kể, ngẩng đầu nhìn cây đào đỏ rồi rơi vào trầm tư.

Nguyên Diệu chăm chú nhìn vào mặt bên của Bạch Cơ

Nguyên Diệu ngạc nhiên: “Trong hạt đào có Đào Nguyên sao?”

Bạch Cơ cười: “Sao có thể chứ? Có lẽ vì hạt đào tiên có tiên khí nên hắn đã theo dòng tiên khí đó mà gặp lại Đào Nguyên trong lòng mình. Sau đó vị khách này rời xa phố thị đến điền viên ẩn cư. Hắn luôn mang hạt đào bên mình. Nghe nói cuộc sống của hắn tuy vất vả nhưng nội tâm lại phong phú và vui vẻ. Sau khi hắn qua đời ta đã đến nơi hắn ở để lấy lại hạt đào. Nhưng hai hạt đào đã mục nát rồi. Ta thấy tiếc nên trên đường đi qua một ngôi làng chế nghiên mực, ta nhờ thợ chế nghiên mực nghiền nát hạt đào thành bột, trộn với nhọ nồi, da cá, đinh hương, ngọc trai để làm thành một chiếc nghiên.”

Nguyên Diệu há hốc miệng: “Hạt đào của Hán Vũ Đế biến thành nghiên mực ư? Tiểu sinh muốn xem chiếc nghiên đó có được không?”

“Được.” Bạch Cơ nói: “Nhưng hôm nay đã muộn rồi, ngày mai ta sẽ đi lấy chiếc nghiên đó cho Hiên Chi xem nhé.”

“Được.” Nguyên Diệu gật đầu. Hắn nghĩ ngợi rồi hỏi: “Bạch Cơ này, dùng nghiên làm từ hạt đào tiên để mài mực viết chữ, có phải chữ viết sẽ rất bay bổng và mang theo tiên khí không?”

Bạch Cơ cười: “Không biết nữa. Nhưng chữ của Hiên Chi vừa ngốc vừa vụng, đây là lúc để thử đó.”

Nguyên Diệu phản bác: “Chữ của tiểu sinh đâu có ngốc và vụng? Ngay cả Đan Dương cũng khen chữ của tiểu sinh.”

Bạch Cơ ngáp một cái: “Nếu hắn không khen chữ của Hiên Chi thì sao Hiên Chi có thể ký khế ước bán thân được?”

Nguyên Diệu lại phản bác: “Thượng Quan Chiêu Dung đã xem thơ của tiểu sinh, cũng khen chữ của tiểu sinh đẹp.”

Bạch Cơ đứng dậy, vươn vai nói: “Đó là vì thơ của Hiên Chi viết quá tệ, không đủ lọt vào mắt Thượng Quan Chiêu Dung, nàng nghĩ đến việc Hiên Chi đã liều mạng cứu Thiên Hậu nên không nỡ làm Hiên Chi buồn, chỉ đành khen chữ.”

Nguyên Diệu bị đả kích, ngơ ngẩn như gỗ.

“À, đã muộn rồi, ta đi ngủ trước đây.” Bạch Cơ bay đi ngủ.

Nguyên Diệu bị đả kích rất đau lòng, đành nhìn trăng mà thở dài. Ly Nô thấy vậy thì đến an ủi Nguyên Diệu: “Mọt sách đừng buồn nữa, gia thấy chữ của ngươi đẹp như cá khô vậy đó.”

Nguyên Diệu xụ mặt xuống, càng thêm buồn: “Ly Nô lão đệ không biết chữ, sao lại đến trêu đùa tiểu sinh?”

“Không biết chữ thì không thể thưởng thức cái đẹp của thư pháp sao? Chữ của ngươi xấu tệ, vừa ngốc vừa vụng!” Mèo đen tức giận kêu lên một tiếng rồi chạy đi.

“Ôi!” Nguyên Diệu buồn bã thở dài, quyết tâm từ ngày mai sẽ chăm chỉ luyện chữ.

Ngày hôm sau, vừa sáng sớm đã có mưa lất phất, không khí lạnh lẽo.

Sau khi ăn sáng, Bạch Cơ lấy nghiên mực đào từ kho ra đặt trên kệ: “Để dưới ánh mặt trời vài ngày để bay đi hết bụi bẩn đã.”

Nguyên Diệu nhìn kỹ thì thấy đó là một chiếc nghiên mực cỡ bàn tay, đen như lụa đen, khắc hình nửa hạt đào, trên bề mặt còn có hoa văn của hạt đào. Nguyên Diệu lại gần ngửi, mùi mực thoang thoảng mùi đào.

Nguyên Diệu nói: “Đây là nghiên mực hạt đào sao? Nhìn khá bình thường nhỉ.”

Bạch Cơ chỏ cười không nói.

Nguyên Diệu cầm một chiếc ô tre, định làm việc hôm qua chưa làm xong. Hắn mặc áo mỏng, ra ngoài gặp một cơn gió lạnh thì không khỏi rùng mình.

“Đợi đã Hiên Chi.” Nguyên Diệu vừa bước vào mưa, thì Bạch Cơ đã gọi hắn lại.

Nguyên Diệu dừng lại: “Có chuyện gì thế?”

“Đợi một chút.” Bạch Cơ nói rồi đi lên lầu. Một lát sau Bạch Cơ mang theo một chiếc áo choàng trắng thêu hoa văn con công, bước đến bên Nguyên Diệu, khoác cho hắn rồi buộc chặt.

“Hôm nay trời lạnh, Hiên Chi đừng để bị cảm lạnh nhé.” Bạch Cơ cười nói.

Áo choàng rất ấm áp, làm xua tan cái lạnh của mưa thu, Nguyên Diệu chợt cảm thấy ấm áp trong lòng.

“Cảm ơn.” Nguyên Diệu rất cảm động, nhưng lại phải nói: “Nhưng, nhưng áo choàng này là kiểu và hoa văn của nữ nhân mà.”

Bạch Cơ cười nói: “Có thể giữ ấm là tốt rồi, Hiên Chi không nên quá kén chọn kiểu dáng.”

Nguyên Diệu đành phải khoác áo choàng của Bạch Cơ ra ngoài. Hắn nghĩ ngày mưa đường phố ít người, chắc không ai để ý đến mình đâu.

Nguyên Diệu đến Phù Vũ Cư lấy khăn, rồi đi mua bánh và cá khô, sau đó mang theo một gói lớn trở về Phiêu Miểu các. Hắn thấy mừng vì trên đường không có nhiều người nên không ai chú ý đến áo choàng của hắn.

Khi Nguyên Diệu trở lại Phiêu Miểu các thì đã là giữa trưa, hắn thu ô dưới mái hiên rồi bước vào. Bên quầy Ly Nô đang cầm một cuốn sách xem chăm chú, thấy Nguyên Diệu về thì hừ một tiếng, rồi lại dán mắt vào sách.

Nguyên Diệu có hơi ngạc nhiên, hôm nay mặt trời mọc đằng tây à, sao Ly Nô lại đọc sách? Nó không biết chữ, có hiểu được không đây?

Nguyên Diệu bước đến quầy rồi đặt gói đồ xuống: “Ly Nô huynh, ta mua cá khô về cho ngươi rồi nè.”

Ly Nô nói: “Gia đang đọc sách.”

Nguyên Diệu liếc nhìn sách Ly Nô cầm, là cuốn “Luận Ngữ” mà hắn thường đọc. Nhưng Ly Nô cầm ngược.

Khóe miệng Nguyên Diệu giật giật nhưng không vạch trần, chỉ “ừ” một tiếng.

Ly Nô nói: “Từ hôm nay gia cũng là người đọc sách.”

Nguyên Diệu nhìn thoáng qua quyển sách cầm ngược của Ly Nô, định nói gì đó nhưng cuối cùng lại nhịn vào.

Nguyên Diệu mở gói đồ ra, lần lượt lấy cá khô, điểm tâm và khăn choàng ra. Ly Nô thấy cá khô thì lập tức bỏ quyển “Luận Ngữ” xuống tiến lại gần.

Nguyên Diệu lờ mờ nghe thấy trong phòng có tiếng nói chuyện giữa Bạch Cơ và ai đó, tò mò hỏi Ly Nô: “Ủa? Có khách à?”

Ly Nô cho một miếng cá khô vào miệng, lúng búng đáp: “Ồ, đang đọc sách nên quên mất. Mọt sách, Vương biểu huynh của ngươi đến thăm ngươi đấy. Chủ nhân đang tiếp chuyện, ngươi mau vào trong đi.”

“Gì cơ?!!” Nguyên Diệu kinh ngạc, không kịp sắp xếp đồ đạc đã vội vàng chạy vào trong.

Nguyên Diệu bước vào phòng, qua tấm bình phong mỏng hắn thấy một người mặc áo dài màu lục đang ngồi đối diện nói chuyện với Bạch Cơ. Người này thân hình thanh mảnh như một cây tre cứng cỏi trong rừng vắng. Nhìn bóng dáng thì chắc là Vương Duy.

Nguyên Diệu vội vàng bước đến gọi một tiếng: “Ma Cật?”

Người kia quay đầu lại, hắn có đôi mắt phượng dài sáng rỡ. Thấy Nguyên Diệu, hắn mỉm cười: “Hiên Chi.”

“Ma Cật sao lại đến Phiêu Miểu các?” Nguyên Diệu hơi ngạc nhiên, Vương Duy làm sao vào được đây? Người bình thường không thể thấy Phiêu Miểu các, càng không thể bước vào. Thường thì ai có thể bước vào Phiêu Miểu các, sẽ trở thành ‘nhân quả’ của Bạch Cơ.

Vương Duy nói: “Hôm nay trời mưa rảnh rỗi, chợt nghĩ đến Hiên Chi nên đã tìm đến. Không ngờ giữa phố thị rôm rả lại có một tiệm đồ cổ tĩnh mịch thế này.”

Bạch Cơ uống một ngụm trà rồi nhìn Vương Duy, ánh mắt sâu thẳm chỉ cười mà không nói.

Nguyên Diệu ngồi xuống bên cạnh Vương Duy.

Vương Duy nhìn chằm chằm vào áo choàng của Nguyên Diệu: “Hiên Chi, cái áo choàng của đệ…”

Nguyên Diệu ngượng ngùng, vội giải thích: “Đây là Bạch Cơ cho ta mượn tạm, không phải của ta.”

Vương Duy rơi nước mắt: “Hiên Chi đến áo choàng cũng không có phải mặc áo của nữ nhân sao, đáng thương quá. Chắc Hiên Chi phải chịu nhiều khổ cực lắm.”

Nguyên Diệu vội nói: “Không phải vậy đâu, áo choàng và áo đông của ta để cùng một chỗ, chưa kịp lấy ra nên tạm mặc áo của Bạch Cơ. Ta không chịu khổ đâu.”

Vương Duy không tin, thấy càng buồn hơn.

Nguyên Diệu khổ sở.

Nguyên Diệu không nói với Vương Duy chuyện mình bán thân làm nô lê, một là vì làm nô lệ không vẻ vang gì; hai là vì Vương Duy tính tình tốt bụng, nếu biết Nguyên Diệu làm nô thì chắc chắn sẽ dốc hết tiền của cứu hắn. Dù là biểu huynh đệ, Nguyên Diệu cũng không muốn Vương Duy mang món nợ lớn vì mình.”

Bạch Cơ cười nói: “Hiên Chi, Vương công tử vừa nói với ta ngươi định từ bỏ công việc ở đây, rời khỏi Phiêu Miểu các sao?”

Vương Duy nói: “Hiên Chi là con nhà danh giá, lại là người đọc sách, lưu lạc chốn thị thành thế này thật không đáng, hay là cùng ta đi nhé.”

Vương Duy chỉ nghĩ Nguyên Diệu ở nhờ làm việc ghi sổ sách, không biết hắn đã bán thân làm nô lệ. Bạch Cơ cũng không vạch trần lời nói dối nhỏ của Nguyên Diệu.

Nguyên Diệu liếc nhìn Bạch Cơ, ánh mắt nàng lạnh như băng khiến Nguyên Diệu rùng mình, vội nói: “Không có chuyện đó. Ta không định rời đi cũng không bị ức hiếp, ta sẽ tiếp tục làm việc trả nợ.”

Bạch Cơ hài lòng cười: “Vương công tử à, Hiên Chi không định rời đi. Ta là người từ bi, luôn đối xử nhân hậu với người khác, sẽ không bao giờ ngược đãi Hiên Chi đâu xin ngươi đừng lo lắng. Khi nào đến lúc phải đi thì ta sẽ để hắn đi.”

Từ bi? Đối xử nhân hậu? Con rồng keo kiệt luôn cắt xén tiền công này làm sao dám nói vậy chứ?! Nguyên Diệu thầm nghĩ, nhưng miệng lại nói: “Ma Cật không cần lo cho ta, ta sống ở đây rất tốt.”

Vương Duy thấy Nguyên Diệu không muốn đi, cũng bỏ ý định dẫn hắn đi, chỉ nói rằng mọi người giờ đều ở Trường An rồi, sau này nhớ phải thường xuyên qua lại.

Nguyên Diệu cười đồng ý.

Mưa càng lúc càng lớn, Vương Duy không tiện rời đi bèn ở lại Phiêu Miểu các uống trà nói chuyện cùng Nguyên Diệu. Bạch Cơ nhân cơ hội giới thiệu về đủ loại bảo vật cho Vương Duy, nhưng Vương Duy không hứng thú với châu báu bèn kéo Nguyên Diệu ra mái hiên sau nhà nghe mưa và làm thơ.

Bạch Cơ cười nói: “Nếu đã làm thơ thì hãy dùng chiếc nghiên này.”

Bạch Cơ đi đến kệ hàng lấy chiếc nghiên mực hạt đào đưa cho Vương Duy: “Chiếc nghiên này có tiên khí, có thể trợ hứng làm thơ.”

Vương Duy cầm nghiên mực hạt đào nhìn kỹ rồi đưa lên mũi ngửi: “Tiên khí thì chưa chắc nhưng hương thơm thì có đó.”

Khi Vương Duy nhận lấy nghiên mực hạt đào, Nguyên Diệu như nghe thấy trong nghiên truyền ra một tiếng thở dài u buồn. Hắn giật mình, nghe kỹ lại nhưng không còn nghe thấy gì.

Chắc là ảo giác thôi. Nguyên Diệu thầm nghĩ.

“Là một chiếc nghiên tốt, cảm ơn nhiều.” Vương Duy nói với Bạch Cơ.

“Không có gì.” Bạch Cơ mỉm cười, ánh mắt u ám.

Vương Duy và Nguyên Diệu đến sân sau, ngồi dưới mái hiên nghe mưa, trên đất bày bút, mực, giấy, nghiên. Ly Nô mang trà và điểm tâm đến, hai tách trà Dương Hy bốc hơi nghi ngút, bên cạnh là một đĩa bánh Ngọc Lộ và một đĩa hồng Quý Phi. Vương Duy và Nguyên Diệu vừa nghe mưa vừa uống trà.

Vương Duy lấy chén sứ hứng vài giọt mưa đổ vào nghiên mài. Mực đen như lông quạ thoang thoảng mùi hương kỳ lạ.

Nguyên Diệu hít hà mùi mực. Mặc dù đã là mùa thu nhưng hắn dường như thấy hoa đào đang nở rộ trong không trung.

Nguyên Diệu nghĩ đây chỉ là ảo giác, nhưng Vương Duy dường như cũng thấy thế: “Giống như có hoa đào đang nở xung quanh vậy.”

Nguyên Diệu cười nói: “Giống như chúng ta đang ở trong Đào Nguyên tràn ngập hoa đào.”

Vương Duy vỗ tay nói: “Ngày xưa Ngũ Liễu tiên sinh viết cuốn ‘Đào Hoa Nguyên Ký’, lòng ta rất ngưỡng mộ. Ngũ Liễu tiên sinh thanh cao, sống ngoài thế tục, điềm đạm tùy ý. Nếu cuộc đời có thể gặp được một tri kỷ như ông ấy thì không uổng một đời. Hiên Chi, chúng ta hãy lấy Đào Nguyên làm đề tài mà viết thơ đi.”

Nguyên Diệu cười đáp: “Được.”

Vương Duy trầm ngâm một lúc rồi cầm bút lên viết một câu: “Ngư chu trục thủy ái sơn xuân, lưỡng ngạn đào hoa giáp cổ tân.”*

* Thuyền câu theo suối luyến non xuân, Đào nở đầy bờ chật bến xưa.(thivien)

Giấy trắng thấm mực đào, chữ hiện lên lấp lánh.

Vương Duy chăm chú nhìn chữ mình viết, đắm chìm trong suy nghĩ.

Nguyên Diệu nhìn mưa rơi từ mái hiên nhớ đến Đào Nguyên của Đào Uyên Minh, trong lòng rất ngưỡng mộ, nhưng nghĩ đến lời Bạch Cơ nói Đào Nguyên không tồn tại thì trong lòng lại có hơi buồn. Hắn suy nghĩ một lúc bèn cầm bút viết: “Không cốc vô nhân hoa tự phương, thủy thanh vân đạm bích thiên trường. Bất văn Vũ Lăng sơn ngoại sự, loạn thế phong yên tự thái tang.”*

* Khe vắng hoa nở tựa hương, Nước trong mây nhạt trời xanh vươn. Ngoài núi Vũ Lăng chẳng hay, Loạn thế phong vân tự hái dâu.

Nguyên Diệu viết xong bèn đặt bút xuống nhìn về phía Vương Duy. Vương Duy vẫn đang trầm tư, vẻ mặt kỳ lạ như rơi vào một cơn mộng: “Đào Nguyên… Hiên Chi, ta phải đi tìm Đào Nguyên…”

“Gì cơ?!” Nguyên Diệu kinh ngạc.

Vương Duy đặt bút xuống, hưng phấn nói: “Ta phải đi tìm Đào Nguyên. Từ lúc nãy ý nghĩ này cứ luẩn quẩn trong đầu ta mãi.”

Nguyên Diệu nói: “Người đời ai cũng muốn tìm kiếm Đào Nguyên, nhưng biết đi đâu mà tìm?”

Vương Duy ngước mắt nhìn mưa thu, lại rơi vào trầm tư.

Nguyên Diệu cầm tờ giấy viết thơ của Vương Duy, đọc nhỏ: “Ngư chu trục thủy ái sơn xuân, lưỡng ngạn đào hoa giáp cổ tân.”

Vương Duy nói: “Chưa viết xong. Hiện giờ không có hứng nên không thể tiếp tục. Đợi ta về sẽ viết tiếp.”

“Dù chưa viết xong, nhưng câu này rất đẹp, ta cảm thấy Đào Nguyên như hiện ra trước mắt.” Nguyên Diệu cười nói.

“Đào Nguyên à…” Vương Duy lại rơi vào trầm tư.

Khi mưa thu tạnh thì Vương Duy từ biệt ra về, hắn muốn mang nghiên mực hạt đào theo bèn nói với Bạch Cơ: “Ta muốn mua nghiên mực hạt đào này, bao nhiêu tiền thế?”

Nguyên Diệu nghĩ Bạch Cơ sẽ đòi giá cao nhưng không ngờ Bạch Cơ chỉ cười nói: “Vương công tử là biểu ca của Hiên Chi nên ta không lấy tiền. Nghiên mực hạt đào này ta tặng cho ngươi, nó có duyên với ngươi nên ngươi hãy trân trọng.”

Vương Duy cười nói: “Vậy, cảm ơn nhiều. Ta có một biệt viện ở ngoại ô, phong cảnh cũng đẹp, mấy ngày nữa đến Trùng Dương, Bạch Cơ cô nương và Hiên Chi có thể đến biệt viện của ta ngắm thu, uống rượu hoa cúc, ăn bánh Trùng Dương.”

Bạch Cơ cười đáp: “Được.” Nguyên Diệu cũng vui vẻ nhận lời mời của Vương Duy, tiễn Vương Duy ra đến đầu ngõ mới chia tay.

Tiễn Vương Duy xong, Nguyên Diệu trở về Phiêu Miểu các thì thấy Bạch Cơ đang tựa vào quầy, tay cầm tờ giấy thơ Vương Duy viết: “Ngư chu trục thủy ái sơn xuân, lưỡng ngạn đào hoa giáp cổ tân. Thú vị, thật thú vị.”

Nguyên Diệu không hiểu: “Thú vị chỗ nào?”

Bạch Cơ ngẩng đầu lên mới phát hiện Nguyên Diệu đã về, nàng đặt tờ giấy viết thơ xuống cười nói: “Nói cho Hiên Chi thì mất vui rồi.”

Nguyên Diệu không vui: “Ngươi nói gì vậy?”

Bạch Cơ cười mà không nói lại cầm lên tờ giấy khác: “Đây là thơ Hiên Chi viết phải không?”

“Phải. Ngươi thấy ta viết thế nào?” Nguyên Diệu cười hỏi, cảm thấy mình viết cũng không tệ.

Bạch Cơ cúi đầu xem kỹ hai lần, mới nói: “Chữ viết rất khá.” Nguyên Diệu bị đả kích, buồn bã đi ra sau viện.

Nguyên Diệu đi rồi Bạch Cơ mới nói: “Thơ cũng viết rất tốt. ‘Loạn thế phong yên tự thái tang’ câu này rất có ý cảnh.” Nói xong, Bạch Cơ ngẩng đầu lên nhưng Nguyên Diệu đã không còn ở đó.

Bạch Cơ nhìn quanh, ngạc nhiên hỏi: “Ủa? Hiên Chi đâu rồi?”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận