Phượng Hồng Vô Tâm - Tiếng Chuông Gió

Chương 42: Chương 42



Thứ hai tuần sau, chúng tôi bắt đầu thi. Năm nay trường lại cho thi tập trung chia phòng, ngồi theo vần tên. Cũng kiểu na ná như hồi tôi đi thi lên phổ thông, cơ mà thế này thì mấy chiến sĩ chim ưng ngồi bó gối rồi, mỗi đứa một bàn thì tia bằng niềm tin. Ấy vậy mà vẫn có đứa nhòm thằng bên cạnh được, cứ chốc chốc lại ngoái, chốc chốc lại ngoái. Trong phòng tôi thi, có một thằng cũng L.T Hưng, trùng cả họ tên với tôi nhưng không hiểu sao mắt nó tinh thế, gấp mấy mắt mình. Nó ngồi bàn 3 liếc lên bàn 2 ngon ơ, giám thị không hay biết gì. Rồi nó giở đủ trò mèo ra, nào là phao dán đế giày, tài liệu dính trong áo khoác, tay áo trắng nó viết bằng mực gì vào mà phải soi đèn từ cái đồng hồ vào mới thấy được. Tôi ngồi ngay sau lưng nó, xem nó thủ thuật mà buồn cười, nãy giờ thầy nhìn nó chán chê rồi, cơ mà không bắt bẻ được bằng chứng nó quay cóp, cứ rình rình suốt giờ. Lúc tôi làm xong bài rồi, ngồi vểnh râu xoay bút mà nó vẫn cắm cúi chép thằng trên. Tôi nghi nghi, đếm lại dãy số báo danh. Quái lạ, đáng lẽ nó cùng đề với thằng bên kia, còn thằng bàn trên cùng đề với mình chứ nhỉ? Ngẫm nghĩ lúc thì ôi thôi! Thế là ông nhõi kia làm sai đề rồi. Đúng là đời nó phụ bạc nhân tài, mắt tinh thế mà lại sa cơ lỡ bước thế này. Thây kệ, ta cứ để gần cuối giờ thì nhắc khéo nó cho vui. Lát sau, trống tùng tùng vang lên, thầy giám thị gọi:
– Hết giờ làm bài! Đề 1-2-3 từ SBD 1001246-1001256 lên đây kí tên nộp bài! Tất cả dừng bút hết.
Tôi hiên ngang bước lên nộp bài, lúc đi qua thằng Hưng kia thì dặng hắng:
– Đề mấy đấy? Làm được câu 4 không?
Nó láo ngáo nhìn tôi, lại nhìn vào bài nó, rồi mặt nó đỏ gay lên, tay run run, thở hồng hộc như trâu cày. Nó lắp bắp:
– Thầy ơi! Em…em…làm sai đề ….sai đề rồi ạ!
– Sai là việc của cậu! Cứ nội quy mà làm, lên kí tên, nộp bài!
Nó cứ dằng dưa, xin xỏ mãi khiến thầ giám thị phát bực, nạt:
– Nộp bài, không viết nữa! Nguyên tắc là nguyên tắc!
Thế rồi chiến sĩ đại bàng kia đành ngậm ngùi cầm tờ giấy sai đề lên, thất thiểu đi khỏi phòng thi như người mất hồn, khốn khổ thay cho cái tội lười.
Thi thêm Lý nữa là chúng tối kết thúc buổi thi sáng đó. Vừa xuống dưới sảnh, tự nhiên có ai đứng đằng sau bịt mắt tôi. Bàn tay mát rượi, thoảng thoảng một mùi hương quen thuộc. Tôi mỉm cười, bảo:

– Vui cái gì mà ra bịt mắt tao vậy Búp?
Nó bỏ tay ra, vòng đến trước mặt tôi, cười hì hì, hỏi:
– Hưng bất tài có làm được bài không?
– Chuyện! Tao mà lại, có mỗi Lý là bỏ câu c, d thôi!
Nó cau có nhìn tôi, bĩu môi trách:
– Thấy chưa? Cái tội học lệch cơ
Tôi ngượng ngịu gãi đầu gãi tai, nói lảng đi:
– Thế! Thế mày làm có tốt không?
– Lè! Tao chẳng bỏ câu nào nhé! Siêu chưa?
Tôi trầm trồ:
– À ghê! An cún hôm nay giỏi nhỉ? Đúng là đầu óc động vật nên thông minh đột xuất!
Nó cười rung cả chỏm tóc, bảo:
– Mày cứ quá…ơ…ơ…mày bảo ai động vật cơ!
Tôi cười phá lên, con An thì cầm tập đề cương đuổi theo đập đôm đốp vào tôi, hai đứa đuổi nhau chạy vòng quanh sảnh. Con An lạch bạch chạy sau, hớt hải:
– Đứng lại! Đã bảo là đứng lại mà! Sao mày chạy nhanh thế hả?
Đuổi mãi không bắt nổi tôi, con An ngúng nguẩy đi về. Tôi nhăn nhở đi cạnh nó, nghịch nghịch hai cái tai thỏ trên balo, nói:
– Xẻo tai này đi thi hay phết đấy! Tao mượn một cái tai nhé Búp!
Nó đứng lại, dậm chân thét lên:
– Khôngggg! Mày cắt thế con thỏ của tao đau đấy!
– Ờ ờ! Thế thôi không cắt nữa!
Đúng lạ thật. người đâu mà như trẻ con. Nhớ hồi bé đi mẫu giáo, có con bé cùng lớp Lá với tôi cứ nằng nặc không chịu cho cô giáo khâu tai con gấu bông lại vì sợ nó đau. Nhưng đằng này con An lớp 10 rồi còn thế này, chắc suốt đời nó cứ tồ tồ thì hay thật, cứ tưởng tượng vài chục năm sau có bà cụ ham ăn ham ngủ, không chịu để bác sĩ tiêm cho cháu. Rồi… biết đâu đấy, bên cạnh sẽ có một cụ ông dỗ dành cụ bà thì sao nhỉ? Nhưng mà mình để râu bạc thì nhìn ngu lắm, chắc không được đâu. Đng nghỉ phí phởn thì con An vỗ vai tôi, gọi to:

– Ê này! Làm gì mà vừa đi vừa cười như thằng thiểu năng thế?
– Ơ đâu…làm gì đâu…tao tự nhiên nhớ ra chuyện cười nên tao cười mà.
Tôi ấp úng chống chế, nó nghiêng nghiêng đầu, nghi ngờ nhìn tôi hỏi:
– Mày đang nghĩ xấu về tao đúng không?
– Cái gì cơ!
– Tao biết mà…tao biết mà…con lợn Hưng suốt ngày nghĩ tao xấu xa, đanh đá, vô duyên chứ gì? Mày …mày… chơi đểu!
Nói rồi nó mếu mếu xong khóc ngon ơ. Quái lạ thật, không biết nó dự trữ nước mắt ở đâu mà lắm thế, tự nhiên khóc được ngay. Báo hại tôi phải ngọt nhạt dỗ lên dỗ xuống, thề thốt đủ kiểu. Thế là nó lại nín, cười toe toét như không có gì. Líu lo chán chê, con An vừa đi vừa cười cười, chạy tung tăng lên đi giật lùi, đi được một quãng dài không làm sao, nó hí hửng vênh cái mặt lên khoe với tôi. Bỗng bịch một tiếng, nó ngã lăn quay ra đất. Lóp ngóp đứng dậy song lại ngã bịch xuống phát nữa. Tôi hốt hoảng chạy lại, xem chân cẳng nó có làm sao không. Hóa ra bị trầy chân nên không đứng dậy nữa, sợ rách da thì xấu. Tôi ghé lưng cõng nó lên, đi mãi mới tới khu gửi xe, đặt nó ngồi yên rồi chở về. Dọc đường đi, nó chẳng nhăn nhó kêu đau gì cả, tíu tít chuyện trò với tôi. Trời trưa thì nắng mà con An cứ hò hét inh ỏi, đi đến đâu là ầm ĩ đến đó, còn tôi thì hồng hộc phi xe đi dưới cái nắng gắt cháy cả da. Con gấu lười kia không biết nỗi khổ người đèo xe, cứ ngồi sau trêu chọc, cười đùa. Đã thế mình rắp tâm báo thù, phải rình hôm nào nó đang ăn thì cướp luôn mới được.
Liền 2 hôm sau, tất cả những môn thi tập trung đều đã xong xuôi cả. Còn 2 tuần đệm, 1 tuần chuẩn bị bế giảng là nghỉ hè. Từ sau hôm thằng Thủy bị tôi nện què chân, không thấy bọn thằng Vĩ tới gây sự nữa. Cũng phải thôi, sắp thi ĐH rồi, hơi đâu chúng nó phí thời gian đi lung cái thằng tôi chứ. Giờ thằng Vĩ có muốn cũng chẳng làm gì nổi tôi.
Mấy hôm nay, đến lớp chỉ có tổng kết điểm với ngồi chơi phè phỡn. Điều khiến tôi ngạc nhiên là mình lại được những 5’ Lý, vừa đủ để học sinh Tiên tiến. Con An được học sinh Giỏi, ti toe ra khoe với tôi, đòi thưởng quả nữa chứ. Tôi đùa:
– Thưởng à? Thưởng cho phát đấm nhé!
Nó phụng phịu về chỗ, tôi đánh cờ với thằng Minh xong, ra chỗ nó thấy vẫn tiu nghỉu nằm bò ra bàn, hệt như trẻ con dỗi đòi quà vậy. Tôi cười hỏi:
– Thế thích thưởng cái gì hả Búp Bông!
Nó cau có:
– Có giỏi thì lấy cành hoa phượng xuống cho tao chơi kìa!
Ấy vậy mà tôi tưởng nó thích cành hoa đó thật, giờ ra về tôi rình rình cho người về gần hết, trèo tót lên cây phượng, đu mình với lấy cành hoa. Bẻ được rồi, tôi mới tụt dần xuống dưới gốc, chạy lên lớp tìm nó. Nó đang cất cặp đi về, thấy tôi lên thì cười hì hì, hỏi:

– Đi đâu thế? Mà mày giấu cái gì sau lưng thế? Cho tao xem với!
Tôi quay người lại, giấu giấu cành phượng đằng sau. Nó cứ quay vòng vòng theo, ríu rít cả lên:
– Đi mà! Cho tao xem đi mà! Xem một tý thôi mà!
Tôi mỉm cười, giơ cành hoa ra. Nó im bặt, ngạc nhiên nhìn tôi hỏi:
– Mày trèo cây hả? Sao nghịch dại thế, nhỡ ngã thì làm sao!
– Ngốc thế! Tao đã trèo thì ngã thế nào được. Cho mày chơi này!
Nó đỏ bừng mặt, cầm cành phượng lên ngắm nghía, mắt hấp háy trông ngộ thật! Lúc về, nó cứ giữ khư khư mấy bông hoa phượng, ngồi sau tôi hát linh tinh. Tôi đùa:
– Nóng quá nên não bị ung hả?
– Ừ! Hì hì
Lạ nhỉ, hôm nay lại không chọc lại mình cơ đấy. Đúng là con gái thất thường, nãy còn giận dỗi mà giờ lại hiền lành, cười tít cả mắt. Cành hoa đó, con An ép khô để giữ mãi, giá như tôi mãi mãi bên cạnh nó, năm nào hè về, tôi cũng sẽ trèo cây hái phượng tặng nó, bất kể có là cậu học sinh 16 tuổi hy ông lão lụ khụ 86 đi chăng nữa. Nhưng giá như, muôn vàn cái giá như vẫn không thể thành hiện thực.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận