Triệu Nguyên chắc chắc là ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời con trai của ông. Mỗi nhận xét bình thường hay một tí thông tin vụn vặt của cha nó cũng đủ gợi hứng cho Triệu Phong lao vào một cuộc “điều tra” hăng hái nhất, điên rồ nhất, thường dính dáng đến những cuộc đào xới bở hơi tai. Triệu Nguyên luôn luôn tìm cách có mặt “đúng lúc bóp cò” trong những cuộc đào xới của con trai nếu ông nghi là sẽ có cái gì đó có giá trị khảo cổ chân chính được khai quật, nhưng phần lớn thời gian ông thích chúi mũi vào những cuốn sách cất dưới tầng hầm, tầng hầm của ông. Ở dưới đó ông có thể trốn ra khỏi đời sống gia đình, thả mình vào những giấc mơ của những đền đài Hy Lạp vang vọng và những trụ cột La Mã nguy nga diễm lệ.
– Ờ, à con hả, Phong.
Ông lơ đãng đáp lại lời chào của con trai sau một lúc im lặng hơi lâu, vẫn còn bị cái tivi thu hút. Triệu Phong phóng mắt qua khỏi cha nó để nhìn về chỗ mẹ nó ngồi, cũng đang mê mẩn theo dõi chương trình trên tivi.
– Thưa mẹ.
Triệu Phong nói xong thì đi ra khỏi phòng không chờ đợi câu trả lời.
Mắt mẹ nó – bà Nguyễn Thị Thơ – bị hút dính vào một chuyển biến bất ngờ va cực kỳ nguy hiểm trong bản tin ở phòng cấp cứu. Cuối cùng bà ta cũng chào lại, mặc dù Triệu Phong đã ra khỏi phòng:
– Ừ.
Cha mẹ của Triệu Phong gặp nhau lần đầu ở trường đại học khi Nguyễn Thị Thơ đang là một sinh viên của khoa truyền thông có triển vọng, toàn tâm toàn ý theo đuổi sự nghiệp truyền hình.
Không may, truyền hình vận vào đời bà lúc này vì một lý do hoàn toàn khác. Bà xem tivi với sự ngưỡng mộ gần như cuồng tín, tung hứng các chương trình bằng hai đầu máy ghi hinh khi các chương trình bà khoái chiếu trùng giờ nhau, mà mấy chương trình này hơi bị nhiều.
Nếu người ta có thể chụp hình được ấn tượng về một con người, một hình ảnh được nhớ tới trước tiên khi người ta nghĩ đến người đó, thì ấn tượng về Nguyễn Thị Thơ sẽ là hình ảnh bà nằm nghiêng trên chiếc ghế bành bà khoái nhất, trên tay ghế đặt ngay ngắn một hàng điều khiển tivi từ xa, còn chân bà thì gác trên một chiếc ghế đẩu chồng chất những trang chương trình tivi xé ra từ các tờ báo. Bà nằm đó, hết ngày này sang ngày khác, hết tuần này đến tuần khác, vây quanh bà là một mớ hỗn mang bừa bộn hững cuộn băng ghi hình, đông cứng trong ánh sáng nhấp nháy của màn ảnh nhỏ, thỉnh thoảng trở chân chỉ để cho người ta biết là bà vẫn còn sống.
Phòng khách, nơi ngự trị của bà, bày biện các thứ bàn ghế đã từng có một thời đối xử tử tế hơn bây giờ: Một bộ ghế gỗ gồm từng chiếc lẽ đủ loại được sơn màu tím hay lam, hai cái ghế bành không cùng một bộ được trùm lỏng lẻo bằng một thứ vải màu xanh đậm đã phai, và chiếc trường kỉ mà chỗ gác tay đã sờn chỉ, tất cả những thứ đó bà và Triệu Nguyên được thừa kế từ nhiều năm qua.
Tối nay, như hầu hết những buổi tối khác, gia đình Triệu Phong ngồi ăn tối với khay thức ăn để trên đùi của mỗi người và xem một hài kịch của thập niên 80 chiếu đi chiếu lại mà Triệu Nguyên có vẻ khoái lắm. Không ai nói năng gì trong suốt bữa ăn ngoại trừ Nguyễn Thị Thơ có lúc đã lầm bầm:
– Hay… cái này hay.
Câu đó có thể là khen ngợi món ăn hâm trong lò vi ba, hoặc có thể là đoạn kết của vở kịch hài cũ rích, nhưng chẳng ai buồn thắc mắc.
Ăn vội vã xong phần của nó, Triệu Phong rời căn phòng không nói một lời, đặt cái khay vô chậu rửa chén trong nhà bếp, đi như nhảy vọt lên cầu thang, tay nắm chặt một cái túi vải đựng các thứ vừa mới khám phá. Triệu Nguyên là người tiếp theo rời khỏi phòng, đi vô nhà bếp đặt cái khay lên bàn.
Triệu Phong thở dài, quay lại xem tiếp những phát hiện của nó thêm một lúc nữa, rồi gom chúng lại trong một tấm thảm chùi chân và cẩn thận rinh chúng về phòng ngủ của nó. Ở đó nó cẩn thận sắp xếp máy cái ống và cái túi da còn sũng nước bên cạnh nhiều báu vật khác trên mấy cái kệ kê chiếm hết một bức tường của phòng ngủ – nó gọi là viện bảo tàng của nó.
Phòng ngủ của Triệu Phong nằm ở phần phía sau căn nhà. Và lúc đó chắc là khoảng hai giờ sáng khi có một tiếng động đánh thức nó. Tiếng động đó vang lên từ ngoài vườn, mắt nó vừa mở ra là nó đã xác định được âm thanh. Nó nói:
– Tiếng xe cút kít? Một xe cút kít chở nặng?
Nó lồm cồm ra khỏi giường đi tới bên cửa sổ. Ở đó, nhờ ánh sáng của vầng trăng khuyết, nó thấy bóng một người đang đẩy xe cút kít trên lối mòn. Nó mở to mắt, cố gắng nhìn cho rõ.
– Ba!
Nó kêu thầm khi nhận ra dáng dấp đặc biệt của cha nó vả thấy ánh trăng phản chiếu trên gọng kính quen thuộc của cha nó.
Không hiểu ất giáp gì cả, Triệu Phong quan sát cha nó đi tới cuối vườn, chui qua lỗ trống của hàng giậu, đi ra công viên. Tới đó, một số cây che khuất tầm nhìn của Triệu Phong. Nó lẩm nhẩm một mình:
– Ba đang làm gì?
Triệu Nguyên thường có giờ giấc kỳ hoặc vì ông thường xuyên đánh giấc trong viện bảo tàng, nhưng lao động vào giờ này thì hơi hăng hái bất thường.
Triệu Phong nhớ lại, cách đây vài năm, nó đã giúp cha nó đào đất, hạ thấp nền của tầng hầm thêm gần một mét, rồi đúc một lớp sàn bê tông mới để tăng thêm chiều cao căn phòng dưới đó. Sau đó, khoảng một tháng hơn, Triệu Nguyên nảy ra một sáng kiến chói lọi là đào một lối thoát từ tầng hầm ra đến khu vườn và lắp đặt một cánh cửa mới, thì chẳng biết lý do gì, ông quyết định là ông cần một cách thức khác để vào chốn ở ẩn của ông dưới đáy căn nhà. Theo như Triệu Phong biết, công việc ở dưới đó đã xong rồi, nhưng về cha nó thì không thể nói trước được điều gì cả.
Triệu Phong cảm thấy nhói lên một nỗi giận hờn xót xa, điều cha nó đang làm đêm nay có nghĩa là ông quá ư kín đáo, mà tại sao ông không bảo Triệu Phong giúp ông một tay chứ?
Vẫn chưa tỉnh ngủ hẳn và đầu óc còn vương vấn những dự án ngầm của chính mình, Triệu Phong tạm thời gạt dấu hỏi về cha nó ra khỏi đầu và quay trở về giường ngủ tiếp.
…
Sau giờ học ngày hôm sau, Triệu Phong và Nguyễn Tuấn Tú lại tiếp tục công việc đào bới. Triệu Phong đang quay lại sau khi đổ đất xong, xe cút kít của nó chất ngất nghểu mấy cái xô rỗng khi nó hối hả đẩy về đường hầm chỗ Nguyễn Tuấn Tú đang đục đẽo lớp đá.
Triệu Phong hỏi Nguyễn Tuấn Tú:
– Sao rồi?
– Chắc chắn là không dễ hơn chút nào hết!
Nguyễn Tuấn Tú đáp, lau mồ hôi trên trán bằng ống tay áo dơ hầy và do vậy quẹt đất tèm lem khuôn mặt nó.
– Khoan, để tao coi qua một cái. Mày nghỉ giải lao đi.
– Ừ.
Triệu Phong rọi ngọn đèn soi gắn trên mũ cối của nó vào bề mặt vách đá, vằn vện những vệt màu nâu và vàng huyền ảo của vỉa đá bị mũi cuốc đục ngẫu nhiên, rồi nó thở ra thành tiếng.
– Tao thấy tụi mình nên ngừng lại để suy nghĩ về chuyện này một chút. Cứ dộng đầu vô một bức tường bằng sa thạch thì chẳng được tích sự gì! Uống miếng nước cái đã!
Nguyễn Tuấn Tú mừng rỡ tán thành.
Hai đứa quay lại gian phòng chính, Triệu Phong đưa cho Nguyễn Tuấn Tú một chai nước. Nó nói với Nguyễn Tuấn Tú lúc đó đang nhìn lơ đễnh khoảng không trước mặt.
– Mày chịu làm tiếp vụ này tao mừng lắm. Dễ ghiền hén?
Nguyễn Tuấn Tú quay nhìn Triệu Phong đáp:
– Ờ, thật ra thì cũng chẳng biết đúng hay không. Tao đã nói là tao sẽ giúp mày đục đá, nhưng sau đó tao không chắc lắm. Hồi hôm cánh tay tao nhức kinh khủng.
– Ôi, mày sẽ quen thôi, với lại, mày có tài bẩm sinh.
Nguyễn Tuấn Tú cười rạng rỡ:
– Thật không? Mày thấy vậy hả?
– Chắc chắn. Mai mốt mày sẽ giỏi gần bằng tao.
Nguyễn Tuấn Tú đùa giỡn véo cánh tay nó và cả hai đứa cùng cười vang, nhưng tiếng cười của tụi nó xìu xuống khi nét mặt của Triệu Phong trở nên nghiêm trang.
Nguyễn Tuấn Tú hỏi:
– Gì vậy?
– Chúng ta sẽ phải tính toán lại việc này. Vân đá này có lẽ quá dầy, tụi mình không thể đục thủng được.
Triệu Phong nhíu mày lại, ngón tay đan nhau trên đỉnh đầu, một động tác nhiễm từ cha nó.
– Mày thấy sao nếu mình… đào vòng xuống phía dưới nó?
– Phía dưới hả? Mình có buộc phải xuống quá sâu không?
– Không, trước đây tao từng xuống sâu hơn nữa.
– Hồi nào?
Triệu Phong nói lảng:
– Có hai đường hầm của tao ăn xuống sâu hơn cả cái này. Nếu mình đào vòng xuống phía dưới, tụi mình có thể dùng được tảng sa thạch này, mày hiểu không, vì nó là một lớp đá nguyên chắc chắn, mình có thể dùng nó làm nóc một đường hầm mới. Có khi cũng không cần tới trụ chống nào hết.
Nguyễn Tuấn Tú hỏi lại:
– Không cần trụ chống hả?
– An toàn tuyệt đối.
– Nếu không thì sao? Nếu nó sập xuống lúc mình ở dưới hầm thì sao?
Nguyễn Tuấn Tú tỏ ra không hồ hởi lắm trước viễn cảnh đó.
– Mày lo lắng thái quá. Thôi, tụi mình làm tiếp đi!
Triệu Phong đã quyết định rồi và đi luôn xuống đường hầm. Nguyễn Tuấn Tú gọi với theo:
– Ê, mắc gì tụi mình phải đào cụp xương sống hả…? Ý tao nói, kế hoạch này có mục tiêu gì không? Để làm gì hả?
Triệu Phong khựng lại vì câu hỏi đó, mấy giây sau nó mới trả lời. Nó nhìn nhận:
– Không, chẳng có gì ghi trên bản đồ Địa hình của ban Quân nhu hay bản đồ lưu trữ của ba tao.
Nó hít một hơi thật sâu rồi quay lại nói với Nguyễn Tuấn Tú:
– Đào là để đào thôi.