Quân Vương Ngự Nữ

Chương 265: Thú vị luận bàn


“Hừm, ba lần bốn lượt cố ý nhắc nhở ta. Thực sợ ta ám hại ngươi không bằng?”

Triệu Nhã âm thầm bất mãn, đối với sự cảnh giác của Trần Tĩnh Kỳ càng thêm khinh thị. Hắn cho Triệu Nhã nàng là hạng người gì chứ?

Cái bụng tiểu nhân thì nghĩ ai cũng tiểu nhân như mình?

Như để chứng minh, cũng là bày tỏ thái độ, Triệu Nhã nâng ly rượu vừa rót, một hơi uống cạn. Rồi nàng đưa mắt nhìn sang nam nhân phía đối diện.

Khiến nàng thất vọng, trên gương mặt Trần Tĩnh Kỳ vẫn bình thản an nhiên, nào có nửa phần xấu hổ.

“Công phu da mặt đúng là rất tốt a.”

Đem ly rượu trống không bỏ xuống, Triệu Nhã nói:

– Vẫn nghe thiên hạ đồn đại, bảo rằng An vương đây tài trí bất phàm, ngoài thi thư kì hoạ thì còn tinh thông rất nhiều thứ khác, kiến thức uyên bác vô cùng. Nay nhân dịp tương kiến, cho phép Triệu Nhã thỉnh giáo đôi điều.

“Cuối cùng cũng tới.”

Trần Tĩnh Kỳ sớm đã chuẩn bị tâm lý, liền đưa tay làm động tác mời:

– Triệu tiểu thư xin cứ tự nhiên ra đề.

Chính thái độ ngập tràn tự tin ấy đã khiến Triệu Nhã sinh lòng khó chịu. Nàng khẽ nhíu chân mày:

– An vương xuôi nam ngược bắc, chuyện trong thiên hạ xem thấy đã nhiều, đã thế cho ta hỏi: Thế gian chi sắc hơn dao? Chi sâu hơn biển? Chi cao hơn trời?

Ồ…

Trần Tĩnh Kỳ hơi ngoài ý muốn. Vốn hắn còn tưởng Triệu Nhã sẽ bắt đầu bằng một vế đối cao siêu văn phạm, hoặc là một câu hát đối dân dã nhưng hiểm hóc thâm sâu kia. Câu đố? Không nghĩ.

Tâm lý chiến sao?

Trần Tĩnh Kỳ hé môi để lộ ý cười. Triệu Nhã, nàng ta đánh giá sai rồi. Kì thực, lúc còn làm Án sát sứ ở quận Hà Nam, hắn đã từng nghe qua vô vàn những câu đố tương tự. Lê Ngọc Chân, trong bụng cô gái chân phương mộc mạc ấy chứa cả một kho tri thức dạng này.

Sớm đã quen thuộc nên cũng chẳng cần phải tốn công suy nghĩ, hắn lập tức đáp ngay:

– Triệu tiểu thư đã hỏi, vậy ta xin được trả lời: Thế gian mắt sắc hơn dao, bụng sâu hơn biển, trán cao hơn trời.

Rồi hắn dành tặng một cái nhìn ẩn ý:

– Triệu tiểu thư, đáp án không sai chứ?

Thâm tâm khó chịu song ngoài mặt Triệu Nhã vẫn tỏ ra trấn định như thường. Bất quá chỉ mới mở đầu, cần gì nóng vội?

– An vương thật sự là rất cơ linh.

Thu hồi tiếu ý, nàng tiếp tục, thanh âm lãnh đạm đi ba phần:

– An vương lại cho ta hỏi: Chữ chi là chữ chôn xuống đất? Chữ chi là chữ cất lên cao? Chữ chi nặng mà không ai mang nổi? Chữ chi mà gió thổi không bay?

Trần Tĩnh Kỳ trầm ngâm suy nghĩ. Mấy câu đố này vốn không có đáp án cố định, câu trả lời tùy thuộc ở quan điểm, cách nhìn nhận của mỗi người.

“Chữ chi là chữ chôn xuống đất?” Ý muốn hỏi điều ngươi xem nhẹ.

“Chữ chi là chữ cất lên cao?” Ngược lại câu trước, câu này lại muốn hỏi điều mà ngươi coi trọng.

Còn “Chữ chi nặng mà không ai mang nổi”, “Chữ chi mà gió thổi không bay”, ý tứ cũng là tương tự.

Với những câu đố, cũng là những câu hỏi này, người được hỏi có rất nhiều đáp án để lựa chọn, và mỗi một đáp án đưa ra, nó sẽ phản ánh nhân cách của họ. Dù rằng đó có thể chỉ là hình thức.

Trần Tĩnh Kỳ ư? Hắn đương nhiên sẽ chọn cho mình những điều tốt nhất.

– Triệu tiểu thư, cô nghe.

Rồi hắn đáp:

– Hai chữ “tiền tài” ta bỏ xuống đất, hai chữ “nhân nghĩa” ta cất trên cao, hai chữ “nhớ thương” muốn tha không nổi, chữ “tình” chữ “nghĩa” gió thổi bay cũng không bay.

Là như thế, đều là những phẩm chất tốt đẹp. Trần Tĩnh Kỳ, hắn nói cho Triệu Nhã biết hắn là người quân tử, xem nhẹ tiền tài, hiểu nhân nghĩa, trọng ân tình.

Liệu có đúng?

Đâu quan trọng. Như đã nói, đây chỉ là “hình thức”, dùng để trả lời. Không đem những thứ tốt đẹp dán lên người mình, lẽ nào lại lựa chọn những cái xấu, tự bôi nhọ bản thân?

Trần Tĩnh Kỳ hắn đâu có ngu. “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, cổ nhân đã dạy như thế.

Triệu Nhã? Dĩ nhiên là nàng không tin. Với thành kiến có sẵn thì câu trả lời của Trần Tĩnh Kỳ càng hay, càng đẹp thì trong lòng nàng lại càng khinh bỉ thêm thôi.

Quân tử? Có người quân tử nào lại đi ức hiếp một nữ nhân kia chứ?

– An vương, những con chữ của ngài tốt lắm.

– Tiểu thư quá khen.

Triệu Nhã cười nhạt, chẳng bình luận thêm. Thay vào đó, nàng tiếp tục đặt ra vấn đề:

– An vương, ngài lại nghe. Ta hỏi ngài chứ xưa kia ai xạ chín mặt trời? Ai dạo chơi âm phủ? Ai nằm ngủ quên ăn? Ai khóc cho măng mọc? Ai dạy học trò thi?

Hỏi về danh nhân, các bậc tiên hiền?

Trần Tĩnh Kỳ ung dung ứng đối:

– Buổi xưa kia: Ông Hậu Nghệ xạ chín mặt trời; ông Phạm Công dạo chơi âm phủ; ông Địch Nhi nằm ngủ quên ăn; nàng Mạnh Tông khóc cho măng mọc; đức Khổng Tử dạy học trò thi. (cũng có bản nói Mạnh Tông là nam)

Hừm…

– Ngài lại nghe tiếp: Một trăm thứ dầu, dầu chi không ai thắp? Một trăm thứ bắp, bắp chi chẳng ai rang? Một trăm thứ than, than chi không ai quạt? Một trăm thứ bạc, bạc chi bán chẳng ai mua?

– Triệu tiểu thư, xem ra trước khi tới đây đã chuẩn bị rất kỹ càng.

Triệu Nhã vờ không nghe thấy, chỉ hỏi:

– An vương, liệu có thể trả lời?

– Tất nhiên có thể.

Trần Tĩnh Kỳ không nói ngoa. Hắn đúng có thể trả lời, đáp án đưa ra còn rất chi mau lẹ, và trên hết: nó hoàn toàn chính xác.

– Một trăm thứ dầu, dầu thoa không ai thắp. Một trăm thứ bắp, bắp chuối chẳng ai rang. Một trăm thứ than, than thân không ai quạt. Một trăm thứ bạc, bạc tình bán chẳng ai mua.

Rồi quay qua nhìn Triệu Nhã, mắt cười như thể trêu ngươi:

– Triệu tiểu thư, câu trả lời của ta hẳn là không sai?

Nếu có ai hỏi Triệu Nhã muốn làm gì nhất lúc này thì đáp án sẽ là: Đấm vào mặt Trần Tĩnh Kỳ! Cái bản mặt của hắn bây giờ, nó sao mà đáng ghét…

– Triệu tiểu thư?

– Một trăm cái hố, cái hố chi không nước? Một trăm cái thước, cái thước chi không cây? Một trăm cái cây, cây chi không trái? Một trăm con gái, gái chi không chồng?

Rất gãy gọn, hoàn toàn không có nửa tiếng dư thừa. Chỉ là những câu hỏi, và muốn phải trả lời. Dễ thấy Triệu Nhã nàng đã bắt đầu mất bình tĩnh. Do tức giận? Hay bởi lo lắng?

Gì cũng được, với Trần Tĩnh Kỳ mà nói thì kết quả vẫn giống như nhau. Triệu Nhã càng nôn nóng, tâm tình càng kích động, bản thân hắn sẽ càng chiếm ưu thế, cuộc luận bàn này sẽ càng thêm thú vị.

Đang ngồi trước mặt hắn chính là phiên bản tuổi thanh xuân của “mẫu hậu tiện nghi” a. Đối với vị mẫu hậu tiện nghi kia, Trần Tĩnh Kỳ hắn thật không dám chính diện làm bừa, thế nhưng Triệu Nhã này thì lại khác. Trêu đùa một chút, hiếp đáp một chút… ừm, rất không tệ.

Trong đầu những ý xấu nảy sinh, Trần Tĩnh Kỳ từ tốn cất giọng:

– Một trăm cái hố, cái hố khoan không nước. Một trăm cái thước, thước thợ mã không cây. Một trăm cái cây, cây đàn không trái. Một trăm con gái, gái tố nữ không chồng…

………

Mạnh Tông, tự là Cung Võ, sanh vào đời nhà Ngô (Tam Quốc), quê ở Giang Hạ. Chẳng may cha mất sớm, Mạnh Tông sống với mẹ già, rất có hiếu với mẫu thân, sớm hôm phụng dưỡng chưa từng bê trễ.

Một ngày kia Mạnh mẫu mắc bệnh trầm kha, nhiều danh y diệu dược Mạnh Tông rước đến nhưng đều thúc thủ trước căn bệnh hiểm nghèo kia. Lòng Mạnh Tông rối tựa tơ vò, một mặt lo thuốc thang, một mặt ngày đêm khấn vái Phật Trời nhỏ phước cho mẹ được tai qua nạn khỏi.

Trong cơn bệnh, ngày kia mẹ Mạnh Tông bảo:

– Mẹ thèm bát canh măng, nếu ăn được chắc bệnh mẹ chóng lành.

Nghe vậy, Mạnh Tông liền đi khắp nơi lùng kiếm măng, nhưng mùa đông giá lạnh, nghịch thời tiết nên măng không có. Mạnh Tông lòng đau như cắt, ôm gốc tre mà than khóc thảm thương.

Lòng hiếu thảo cảm động đến Trời, bỗng nhiên từ dưới đất, ngay chỗ những giọt nước mắt rơi xuống, mấy mụt măng bắt đầu mọc lên. Mạnh Tông hết sức vui mừng, vội bẻ măng đem về nấu canh cho mẹ, từ đó bệnh bà từ từ thuyên giảm, chẳng bao lâu đã khỏi hẳn.

Về sau có loại tre màu xám, được đặt là tre Mạnh Tông. Tre có măng hình dáng rất đẹp và ăn rất ngon…


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận