Nhà xuất bản: NXB Thanh Niên
Shared by: CCG –
Sau khi rời dinh thự của Thủ tướng khoảng hai mươi phút, Morton đi qua ba trạm kiểm soát an ninh để vào Tổng hành dinh cơ quan Mossad, một tòa nhà cao sơn màu nâu xám nhìn xuống con đường chạy vào Jerusalem. Ông chuồi cái thẻ nhựa màu dùng làm mật mã vào khe cửa thang máy, cửa thang mở ra, ông bước vào, và cửa đóng lại ngay. Một lát sau, một giọng nói đã được thu băng báo cho ông biết đã lên đến tầng bảy và cửa thang máy từ từ mở ra.
Ngay trước mặt Morton là một cánh cửa sắt nặng nề. Ông nói vào một thiết bị gắn trong hộp ở trên tường, hộp phát ra một giọng nói the thé. Hộp nối liền với một máy vi tính, và máy vi tính xác nhận mật khẩu hiện hành. Morton thay đổi mật khẩu hàng ngày, từ không giờ đến mười hai giờ khuya.
Lập tức cánh cửa mở ra, để lộ một căn phòng rộng lớn, thoáng đãng. Không khí trong phòng yên tĩnh, âm u thêm do ánh sáng của hàng chục máy hiện hình đang hoạt động. Những chuyên gia đang làm việc ở đây, họ thảo kế hoạch, đánh giá…
Morton liền đưa mắt nhìn vào một trong hai bản đồ nổi trên hai bức tường nối nhau. Hệ thống đèn xác định những điểm trọng yếu. Đèn đỏ chỉ những căn cứ không quân của Ả Rập rải từ Morocco cho đến IRan. Đèn vàng chỉ những căn cứ có đầu đạn. Đèn xanh chỉ những kho vũ khí. Không có đèn nào bật đỏ hết. Kẻ thù của Israel không chuẩn bị gây chiến.
Chiếc bản đồ kia cho thấy nước Israel đang ở trong tình trạng báo động. Các căn cứ từ Bắc Galilee cho đến vùng Ghor đều ở trong tình trạng báo động. Ở đâu có Saddam và Gomorrah thì ở đấy những căn cứ chứa đầu đạn đều chờ đợi, sẵn sàng. Hỏa tiễn đặt dọc theo Biển Chết đều sẵn sàng phóng đi. Rải rác trong các căn cứ này là những khẩu đội pháo của lực lượng Yêu Nước, lực lượng này đã giáng trả những đòn chí tử vào đầu đạn Scud của Saddam. Gần với Jerusalem, lực lượng Tạo hoà bình chuẩn bị sẵn sàng trong các hầm phóng đầu đạn hạt nhân, đây là lực lượng hỏa tiễn hùng mạnh nhất của Israel.
Ở Negev, một bóng đèn hồng bật sáng. Căn cứ chế tạo vũ khí nguyên tử của Israel đang được báo động.
Trưởng ban mật vụ bước đến. Ông ta là người còn sót lại trong tổ lùng bắt Adolf Eichmann vào năm 1960, tổ này đã đem hắn từ Argentina về Israel để đưa hắn ra tòa về tội diệt chủng, rồi hành quyết hắn ngay.
— Tôi đã tìm được mười người để sung vào tổ của anh. Tất cả đều là đàn ông. Anh có muốn có một phụ nữ không ?
— Tôi nhận một phụ nữ nếu có người như Michelle.
Người lãnh đạo mật vụ thở dài, đáp : — Tôi không có một Michelle thứ hai. Nhưng có một người khác cũng giỏi như thế. Được không ?
Ông gật đầu, đi sang phòng Đánh giá Tâm lý. Vị giáo sư xục mấy ngón tay vào mái tóc rối bù khi ông đang đọc bản báo cáo.
Morton nói, — Xin ngài góp ý cho tôi thôi, thưa giáo sư.
—Vâng, vâng, vâng – Vị giáo sư có thói quen lặp lại một từ. Morton đã không lầm. Đằng sau vẻ kỳ quặc của con người học rộng này là một đầu óc sắc sảo. Bỗng ông ta quay qua Morton.
– Vụ đánh bom khách sạn đã chứng minh rõ ràng câu ngạn ngữ : “Càng nhiều gian ác, càng nhiều truân chuyên”. Trước cảnh tượng xảy ra, rồi ra mọi người sẽ cho rằng chính sách khủng bố sẽ thắng. Vì thế chính sách này sẽ dẫn đến chỗ nên thương lượng. Dĩ nhiên là không công khai. Mà sẽ do sau hậu trường sân khấu. Do bọn chuyên hoạt động bí mật thực hiện.
— Do người Pháp lãnh đạo phải không ?
Vị giáo sư gật đầu liên hồi.
— Họ bào chữa cho việc này bằng cách nói rằng chính sách khủng bố có thể dễ dẫn đến những giải pháp chính trị. Rất Pháp !
— Nêu ra thế, những tu sĩ Hồi giáo sẽ làm gì ?
— Những tu sĩ Hồi giáo biết sự nguy hiểm khi họ tiến hành công việc quá xa quá nhanh. Nhiều người vẫn còn thận trọng. Ngay cả Muzwar cũng không muốn nâng số tiền cược lên cho đến khi họ thấy chắc chắn có cơ may thắng thật sự. Hắn ta sẽ cùng đứng vào phe những người chờ xem hậu quả những vụ đánh bom khách sạn được dư luận của dân theo Hồi giáo cho ra sao đã, có phải những vụ đánh bom này sẽ được chấp nhận là một hành động hợp pháp trong mặt trận giải phóng không ?
— Ông có cho là sẽ được chúng chấp nhận không ?
— Cái này còn tùy vào Raza, David à. Theo tôi thì tập đoàn tu sĩ vẫn còn chia rẽ vì hắn. Giới ôn hòa thực sự không muốn tắm trong máu chúng ta, họ vẫn lo lắng một ngày nào đó hắn sẽ phản lại họ.
— Hắn sẽ phản lại họ là cái chắc, thưa giáo sư. Nhưng theo ông thì hắn sẽ làm gì tiếp theo đây ? Có tin cho rằng hắn đe dọa sẽ gây nên những cảnh khủng khiếp hơn nữa phải không ?
— À ! – Vị giáo sư kéo những ngón tay dài, mảnh khảnh. Ngón tay của nhạc sĩ dương cầm. – Morton nghĩ thế, – Raza là một kẻ thù phức tạp nhất. Nidal, Arafat, tất cả những người khác đều tương đối ít rắc rối. Phương châm của họ là đánh thành công, là đánh lại tức khắc. Nhưng Raza thì không. Hắn đã vắng bóng một thời gian dài. Bây giờ hắn trở lại để phục hận, có thể hắn đã khoa trương hơn. Chúng ta chắc là phải nghĩ rằng hắn sẽ thực hiện những vụ khác tiếp theo liền. Nhiều nguồn tin cũng đều cho như thế. Nhưng trong khi đó thì hắn lại dừng lại.
— Tôi sợ ngài lầm rồi, thưa giáo sư – Morton đáp – Thật sự tôi sợ ngài lầm rồi.
Vị giáo sư liếc nhanh nhìn ông. — Anh muốn hắn tấn công à ?
— Tôi muốn hắn phạm phải sai lầm – Morton chỉnh lại nhẹ nhàng.
— Lạy Chúa, thật tôi không hiểu nổi anh, David ? Thật tôi không hiểu tí nào hết.
— Ngài cứ suy nghĩ đi thì sẽ hiểu – Morton từ tốn trả lời cho ông. Ông đóng cửa lại, trả lại cho vị giáo sư ở lại một mình trong cảnh im lặng.
Trở về phòng Hành quân, Morton thấy những ngọn đèn trên các bản đồ vẫn không thay đổi. Ông đi dến phòng Máy vi tính. Khi vừa mở cửa ra, hơi mát trong phòng bỗng phả vào người ông. Lester Finel luôn luôn giữ nhiệt độ trong phòng là năm mươi lăm độ F. Ông ta nói rằng như thế máy vi tính mới chạy chính xác được. Ông ta cũng chọn một đội lập trình viên toàn câm điếc. Finel nói vì ông không muốn thấy cảnh nhân viên của ông nói chuyện tầm phào.
Việc này đã gây cho Morton nhiều ấn tượng cũng như quá trình học tập của Finel, về IBM, Ampex, Honeywell. Trên hai mươi năm, anh ta đã dẫn dắt cả ba công ty trên đường thương mại thành công, trước khi anh tách ra khỏi họ.
Một buổi chiều, Morton ngồi với Finel tại San Francisco, bàn về khát vọng thật sự của người Do Thái. Sau đó, Finel quyết định về điều hành máy vi tính cho cơ quan Mossad.
Anh đứng dậy khỏi bàn làm việc kê ở cuối phòng, rồi bước ra đón Morton. Người anh gân guốc, gần bốn mươi mà tóc bạc sớm, anh mặc cái áo khoác thể thao bằng vải ca rô đơn giản, và mặc chiếc quần bằng vải len sọc của dân chơi gôn. Bàn tay trái của Finel đang làm một động tác kỳ lạ. Morton phải mất một lúc mới nhận ra anh đang bắt chước một cuộn băng đang quay.
— Chào anh, Dave. Chúng tôi đã cho đi tìm rồi. Tìm ra kẻ ăn khớp với những chi tiết của Cụ Gù đưa ra. Vấn đề khó khăn đấy. Phải cho khớp cũng khó đấy.
Ý kiến của Morton về phương pháp tách từng từ của Finel thì hoặc là phải nghe kỹ trên máy vi tính ngôn ngữ ký hiệu với nhân viên của anh ta.
— Bệnh nói lịu của cô ả cũng giúp ta được việc đấy. Nhưng không nhiều. Khó đấy. Chúng ta có mười ngàn âm lịu trong cuốn băng. Chúng ta sẽ tìm cho ra một người có giọng lịu như thế. Một kẻ ma lanh. Người Hy Lạp sống ở Beirut. Nhưng phải loại Hy Lạp gốc Ship cơ. Khó đấy. Có hàng ngàn người như thế.
— Những thẻ chứng minh của Lacouste có giúp gì không ?
— Đang nghiên cứu, Dave. Khó đấy. Không có dấu vết gì để lộ chân tướng của chúng ra hết. Có sẹo thì hay biết mấy. Tuy nhiên, có con mắt trông kỳ lạ, cũng đáng phấn khởi. Chúng tôi có danh sách năm ngàn tên có mắt trái kỳ lạ, cũng có nhiều tên có mắt phải đặc biệt. Khó đấy. Tất cả những tên chúng ta hiện có danh sách đều là mặt Ả Rập cả. Ngay cả các nhân viên ở khách sạn đã được huấn luyện để nhớ mặt, họ cũng đều chỉ thấy dân Ả Rập.
Khi hai người bước lui qua căn phòng, mắt Finel lướt từ máy vi tính này sang máy khác. Anh ta dừng lại bên cạnh một người câm. Mấy ngón tay anh chàng câm hoạt động thật nhanh nhẹn. Finel quay lại với thiết bị nối hai máy tính bằng đường dây điện thoại và cắt nghĩa cho ông biết.
— Anh ta đang kiểm soát những danh sách hành khách đi máy bay ra khỏi nước Anh, châu Âu và Bắc Mỹ. Để tìm ra bọn khủng bố còn sống sót mà chúng ta đã ghi băng. Khó đấy, danh sách có trên bốn mươi lăm ngàn tên, Dave à.
Finel chỉ những người câm khác. Một người đang kiểm soát những danh sách do Lacouste fax đến gồm khách đăng ký vào bốn khách sạn ở Paris. Một người khác đang kiểm soát những danh sách do Fuller gởi đến. Cuối danh sách ghi số khách ở khách sạn Connaught, Morton thấy tên của Steve và Dolly.
Ông quay mặt đi.
— Có tin gì ở New York không ?
— Talim có một danh sách khách của FBI. Không hoàn toàn đầy đủ. Nhưng cũng dùng khởi đầu được. – Finel liếc nhìn Morton – Nhìn những tên này, anh chắc là đau đớn lắm.
— Dĩ nhiên rồi.
Ông dừng lại trước một hệ thống máy tính khác. Finel quay qua nhìn Morton, anh nói :
— Anh ta đang tìm ra những tên giả. Thật lạ là rất nhiều tên khủng bố cùng dùng tên giả giống nhau. Chắc ông giáo sư đã nghĩ ra được một biện pháp rồi chứ ?
Morton thoáng cười. Ông cứ để cho phòng Đánh giá Tâm lý và phòng Máy vi tính ganh đua nhau. Ông khích lệ bất cứ cái gì có ích.
— Lester này, nhân viên của anh làm việc giỏi đấy.
Morton đi đến phòng Tình báo Hải ngoại, đến phòng của Chantal Bouquet nằm trong góc của tầng bảy. Khi ông bước qua cửa văn phòng của nàng, nàng chỉ tay mời ông ngồi ở ghế bành.
— Để trả lời cho câu hỏi của anh, xin đáp là không có gì thiệt hại cho chúng cả. Suông sẻ hết – Chantal nói.
Morton chăm chú nhìn nàng.
— Cô nói là TẤT CẢ mười hai tên đánh bom của Raza đều yên ổn ra đi cả à ? Và những nhân viên ưu tú nhất ở Phương Tây cũng không nắm được tí manh mối nào cả à ?
Chantal sửa lại cặp kính gọng màu ngọc lam trên mắt. — Tôi muốn nói thế đấy.
Ông đã bổ nhiệm nàng phụ trách Công tác Tình báo Hải ngoại đã ba năm rồi, sau khi nàng đã phục vụ tại Luân Đôn, Paris, Bonn và Washington.
— Ý kiến thiên hạ ra sao, Chantal ?
— Ngoài mặt thì có vẻ đoàn kết lắm. Mọi người như chung lưng đấu cật với nhau. Cơ quan CIA phân phát ra nhiều tài liệu viết về tiểu sử tâm sinh của Raza nhiều hơn là họ đã làm như trước đây với Nidal hay là Arafat. Người Anh thì lại cung cấp cho bất kỳ ai cần biết bản báo cáo của họ về vụ ở Westminster. Chỉ một năm trước đây thôi, họ đã giấu kín ta về bản báo cáo này.
— Bản báo cáo nói về việc Raza đã có đầu đạn Stinger tại chỗ một cách quá dễ dàng chứ gì ?
— Bản ấy đấy. Đúng là cái thời đại rối ren ở Luân Đôn. Ở Đức cũng thế. Cơ quan Tình báo BND bỗng đưa ra những tài liệu về Raza mà không ai biết đến. Người Pháp, người Ý, cơ quan tình báo nào cũng nhân danh hắn ta để đưa ra tài liệu hết.
— Cô không thấy giật gân à ?
Chantal viết nguệch ngoạc trên tập giấy để trên bàn. — Một canh bạc đấy, David. Họ chơi cái trò quỷ quyệt trút trách nhiệm lên đầu người khác đấy mà. Họ tung tin ra rồi ngồi yên.
— Để làm gì mới được chứ ? – Ông thừa biết, nhưng ông lại muốn để nàng nói cho ông hay.
— Để cho chúng ta lo liệu. Họ muốn chúng ta phải thương lượng với Raza. Nếu không thành thì họ coi như phủi tay, hết trách nhiệm. Họ có thể nói, rất thành thật, rằng họ đã cho chúng ta đủ thứ rồi, mà chúng ta lại lộn xộn.
Morton ngồi im lặng. Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan Mossad gặp phải cảnh khó xử như thế này.
— Họ có nêu ra giới hạn nào không, Chantal ?
Nàng lắc đầu. — Bình thường thôi. Chúng ta vẫn hợp tác mật với nhau, đến rồi đi tùy tiện. Chúng ta bố trí địa điểm cho họ. Và đừng để cho họ bị lộ ra.
Ông gật đầu. — Ý kiến chung thì bây giờ Raza ở đâu ?
Chantal đung đưa hai ống chân.
— Theo nguồn tin mới đây thì người Pháp nói hắn hiện hoạt động bên ngoài Afghanistan. Người Đức thì cho rằng hắn ở tại mũi Horn ở Phi châu. Người Anh và Mỹ cho là hắn đang ở Nam Mỹ.
— Tại sao lại không ở Bắc Phi ?
Nàng nhìn lên.
— Washington cho biết vệ tinh của họ đã chụp ảnh cả toàn vùng mà không thấy có dấu hiệu gi hết.
Morton càu nhàu :
— Họ có xem ở Li Bi không ?
— Cơ quan NSA, cơ quan an ninh quốc gia, đã lục soát từng tấc đất bằng máy mới loại đa camêra K.12 – vẫn không thấy gì.
— Còn phần lục soát của chúng ta có gì không ?
Vệ tinh gián điệp loại mới của Israel vừa được đặt vào quỹ đạo hai mươi bốn giờ qua để chụp ảnh toàn bộ khu vực Địa Trung Hải.
— Không có gì, nên Bitburg đã ra lệnh cho không lực thu hồi vệ tinh về.
— Tôi có linh tính Raza không ở xa như thế đâu. – Morton nói.
Máy bíp đeo bên thắt lưng ông phát tín hiệu khẩn cấp. Máy Honeywell đã hoàn thành việc tìm kiếm các mục tiêu đáng ngờ.
*
Ở bể nước tại Trekfontein, miếng gỗ mà Lila buộc cái chai đã trôi đến cửa miệng cống.
Sau một trận mưa hồi đêm, rác rưởi trôi lều bều khắp mặt nước. Có một vài mảnh gỗ hình thù kỳ dị trông hấp dẫn. Chính vì những mảnh gỗ này mà có hai chú bé trong thành phố đã ra ngồi đợi ở cửa ống cống để vớt lên. Chúng chạm những mảnh gỗ này thành thú vật để rồi bán cho du khách làm kỷ niệm.
Ống cống trơn trợt ; nước chảy nhanh hơn thường ngày. Hai chú bé cứ nhúc nhích, thay đổi thế ngồi trên cánh cửa cao, chúng bất kể đến việc xảy chân rơi xuống nền bê tông bên dưới cách mười thước. Hai chú bé cùng thấy cái chai. Thay vì đợi cái chai đến gần cánh cửa, một chú quăng lưới để bắt mảnh gỗ và cái chai. Chú kia nắm cái cần lưới để giúp bạn.
Bỗng cả hai loạng choạng đung đưa. Rồi chúng thét lên hãi hùng, cả hai rơi khỏi cánh cửa, nhào xuống con đường đắp qua cống nước. Một chú gãy lưng, một chú gãy cổ. Một mảnh chai vỡ bắn vào mắt của một chú bé. Trong lúc đó vi rút bệnh than B.c hòa hết vào nước, trôi vào trạm bơm để cung cấp cho cả thành phố Trekfontein.
*
Đồng hồ chỉ ba mươi phút đã trôi qua khi Morton trở về phòng Điều Hành. Ông bấm nút trên thiết bị nối hai máy tính bằng dây điện thoại của máy Honeywell, màn hình của máy hiện lên danh sách những mục tiêu có khả năng Raza chọn tấn công. Morton rà khắp cả châu Âu. Ông không thấy Raza tấn công kịch trường Passion ở Oberammergau hay là tấn công đền thờ Sistine ở Vatican. Chắc Raza muốn thấy nhiều máu hơn chứ không nhắm vào đền đài. Morton rà xem khắp Bắc Mỹ. Không có mục tiêu nào phi thường hấp dẫn cả. Nhưng có điều gì đó đã cho ông biết lần này không phải quyền của Raza.
Ông kiểm soát châu Úc và Nhật Bản. Vẫn không có âm mưu khủng bố ở hai nơi này. Linh tính lại cho ông biết Raza không có quyền chọn lựa địa điểm.
Trên màn hình xuất hiện danh sách các mục tiêu ở Nam Phi. Đứng đầu danh sách là Trekfontein.
Ngay lúc đó, giọng của Karshov vang lên ở loa phóng thanh được ráp vào thùng máy điện tử.
— Đã đến giờ điện đàm thượng đỉnh rồi.
— Tôi đến ngay đây – Morton đáp. Ông nán lại nhìn vào màn hình thêm một chốc nữa, rối ấn vào một nút khác. Trên màn hình hiện ra cảnh thành phố Trekfontein. Ông bấm vào nút khác, lại cảnh thành phố được máy tính thu vào đầy đủ hơn. Một bên rõ ràng là cảnh dãy núi có hình tháp. Bên kia màn hình là cảnh bể nước lờ mờ hiện ra. Morton vội gõ vào bàn phím, một hàng chữ xuất hiện “Báo động khẩn! Báo cho các vị có thẩm quyền biết Trekfontein có khả năng là mục tiêu cho Raza tấn công”.
Ông bấm nút chuyển lời nhắn này đến cho điệp viên của Mossad ở Cape Town. Morton biết chính là do linh tính báo cho ông, chứ không có gì hơn nữa.
— David ! – Karshov la lên trong loa.
*
Phòng thu hình nằm kế bên văn phòng của Karshov đều giống như bao nhiêu phòng khác. Có hai mươi cái ghế dựa êm ái kê thành hình bán nguyệt. Mỗi ghế là chỗ của một thành viên trong Hội đồng, tức là những chiến lược gia nổi tiếng của Israel. Đó là các vị tướng không quân và lục quân cùng những thành viên chủ chốt trong ban tham mưu của họ, là vị ngoại trưởng với các cố vấn, là vị chưởng lý cùng các phụ tá cao cấp, là Trưởng cơ quan an ninh quốc nội.
Những người này nhắc cho Morton nhớ lại một bức tranh in từ bản khắc gỗ mà Steve đã đưa cho ông xem, bức tranh vẽ cảnh tòa án Tối cao của Nhà nước Do Thái cổ đại đang họp tại đền thờ ở Jerusalem. Hội đồng cũng phô trương thái độ kiêu kỳ như thế. Sự thể vẫn không thay đổi trong hai ngàn năm nay : quyền hiện hữu cúa Israel vẫn tùy thuộc vào tính bất thường của kẻ khác.
Morton ngồi một bên Karshov, Bitburg ở bên kia. Thinh thoảng ông giám đốc nói nho nhỏ bên tai Karshov về hình ảnh của ai đấy xuất hiện trên ba màn hình giám sát lớn kê trước dãy ghế hình bán nguyệt, chỉ ông giám đốc cơ quan CIA, ông Trưởng ban tình báo Pháp, ông giám đốc cơ quan FBI, những ông trưởng cơ quan M15 và M16 của Anh. Bitburg biết hết. Bitburg quay qua Karshov.
— Đầy đủ cả rồi, thưa Thủ tướng. Dấu hiệu khả quan lắm.
Karshov càu nhàu trong miệng rồi tiếp tục xem cảnh tượng đang xảy ra ở Luân Đôn, Paris và Washington. Một cái điện thoại gắn vào tay dựa trên chiếc ghế ngồi của ông.
Trong phòng nội các tại số mười đại lô Downing, trong phòng Bầu dục, và trong phòng Tổng thống tại điện Elysée, các bộ trưởng và cố vấn đang cẩn thận ngồi quanh một chiếc ghế còn bỏ trống ở mỗi nơi. Chỗ còn trống đó dành cho Tổng thống Hoa Kỳ, Thủ tướng Anh và Tổng thống Pháp.
Morton thờ ơ nhìn những màn hình. Những anh chàng Ả Rập chắc đang ở bên cánh gà, lo việc báo cáo cho chủ, nhắc nhở chủ những gì đã thỏa thuận rồi. Mấy anh chàng Ả Rập này không bao giờ xuất hiện trước công chúng, nhưng ảnh hưởng của họ thì quá rõ rồi.
Trong vòng chưa đầy một năm nữa, cả hai vị Tổng thống chắc sẽ ra tranh cử đợt hai và Thủ tướng chắc có lẽ cũng cho lập thủ tục bầu cử quốc hội trong cùng thời gian. Những quốc gia họ lãnh đạo đã thay đổi một cách kỳ lạ kể từ khi họ đắc cử. Tiếp theo vụ chiến tranh vùng Vịnh là đợt suy thoái toàn cầu với những vụ khan hiếm thực phẩm mà trong đó có cả Liên Xô.
Tổ chức NATO bị cụt tay vì Hoa Kỳ rút lực lượng ở châu Âu về. Lực lượng Tân Quốc Xã Đức diễu hành ở Luân Đôn và Paris. Những tiếng kêu la uất hận âu lo của đông đảo quần chúng trải qua nhiều thế hệ nay rồi. Dân Do Thái bị trách móc vì đã gây ra chiến tranh vùng Vịnh, gây ra lạm phát và gây ra cảnh thất nghiệp đông đảo. Morton thấy những thứ ấy trên những khuôn mặt no đủ béo tốt trên màn hình, những con người có tài thỏa hiệp và ích kỷ.
Tiếng nói chuyện thì thào trong đám Hội đồng. Rồi mọi người bỗng yên lặng khi một tiếng nói vô hình phát ra trên màn hình :
— Tổng thống Hoa Kỳ.
Morton nhìn dáng người cao quen thuộc có mái tóc khiến ông nhớ đến John F. Kennedy, bước ra đi đến chỗ ngồi trên màn hình.
Tiếng nói vô hình lại vang lên : — Thủ tướng Anh quốc.
Năm tháng đã làm cho cả khuôn mặt lẫn vóc dáng của nhà lãnh đạo nước Anh trở nên hiền từ ra, nhưng vẫn không làm dịu được ánh mắt sắc như dao của ông. Như mọi khi, Thủ tướng không nhìn đến ai cả.
— Tổng thống Pháp.
Mặc dù cơ thể đã nhão rồi, nhưng theo Morton thì ông ta vẫn cố làm ra vẻ mình đang còn cường tráng lắm. Người ta thấy được điều này khi nhìn cách ông ngồi với hai tay nắm chặt vào nhau làm như cả Chúa cũng không gỡ ra được nữa. Điều này còn thể hiện trên đôi môi của ông, đôi môi mím chặt thành một đường gạch ngang thẳng băng. Nhưng đặc biệt nhất là đôi mắt. Chỉ có anh thợ nhồi bông vào da thú mới có thể tạo nên được một cặp mắt vô hồn như thế mà thôi.
— Quý vị ở Tel Aviv có nghe chúng tôi không ? – Giọng nói từ Luân Đôn hỏi.
— Nghe rất rõ, thưa Thủ tướng – Karshov trả lời – Và chúng tôi cũng nghe Washington và Paris rất rõ.
— Rất sung sướng được gặp ông, Isaac – Tổng thống Hoa Kỳ nói, đưa tay vẫy chào – Ước gì gặp hoàn cảnh chúng ta vẫn thế. Và nhất là vào giờ phút trọng đại như thế này.
Ở Washington trời đã khuya, ở châu Âu thì quá mười hai giờ đêm. Khoảng hai giờ nữa, trời sẽ lờ mờ sáng ở Tel Aviv.
— Tôi nhớ ba tôi đã nói rằng cái giờ phút đáng kể nhất chính là giờ phút chúng ta từ giã cõi trần này để làm những việc mà chúng ta không làm được – Karshov đáp.
— Kinh điển quá thế, Isaac ? – Giọng Tổng thống ngân nga. Từ màn hình Luân Đôn, giọng đằng hắng quen thuộc vang lên :
— Thì giờ là vàng bạc, chúng ta bắt đầu thôi.
Thủ tướng Anh đợi cho Washington và Paris gật đầu rồi mới nói tiếp : — Ông Karshov à, những chiến hữu của tôi yêu cầu tôi tổ chức buổi họp này. Nhưng tôi ao ước ông hiểu cho rằng những gì tôi sắp nói ra đây đêu là quan điểm chung của chúng ta.
Karshov nhíu mày. Giọng nói từ Luân Đôn nói tiếp : Trước hết là chúng tôi mong ông hiểu cho rằng ông không đứng một mình đuợc….
Karshov nghiêng đầu.
— Chúng tôi cũng mong ông hiểu cho rằng chúng tôi nhận thấy một hành vi phản ứng bằng quân sự đáp lại những gì đã xảy ra đều bất khả thi và không ai mong muốn cả. Bất kỳ một việc can thiệp bằng quân sự nào cũng đều được xem không phải là một cuộc trả đũa, mà là một cuộc trả thù dã man. Tóm lại, tất cả những gì cần làm là chúng ta phải tìm hiểu dân tộc này.
Karshov nhíu cặp mắt thật sít.
— Vậy thì các ông có ý kiến gì đây ?
Thủ tướng Anh không để ý đến câu hỏi cắt ngang lời ông ta. Ông nói tiếp:
— Rõ ràng là ta không thể buộc tội các nước Ả Rập vào những sự việc vừa xảy ra. Không có gì để chứng minh những hành vi ác độc này là nằm trong sách lược đỡ đầu chính sách khủng bố của các quốc gia này.
Khi Karshov lên tiếng, sự giận dữ đã tiêu tan đâu hết, mà giọng ông nghe thật lạnh lùng, cương quyết :
— Xin báo cáo cho quý vị biết nước Israel có quyền đương đầu với sự đe dọa theo phương pháp mà chúng tôi thấy thích hợp. Như thế có nghĩa là chúng tôi sẽ hành động theo cách mà chúng tôi thấy cần thiết.
Karshov lại nhìn vào từng máy giám sát.
— Những người này muốn tiêu diệt quý vị cũng như họ muốn xóa sổ chúng tôi. Xin các ngài vui lòng hiểu cho điều đó.
Giọng của vị Thủ tướng nước Anh lại càng lạnh lùng hơn và xa cách hơn nữa :
— Chúng ta đều biết rằng hôm qua là khủng bố, hôm nay là chính khách. Chúng ta thấy rõ điều này ở Shíp và châu Phi. Và dĩ nhiên kể cả vị tiền nhiệm của ngài nữa, đấy là ông Menachem Begin. Nếu chúng tôi bắt được tên khủng bố, chúng tôi sẽ treo cổ nó ngay. Nhưng khi anh ta đã lên làm Thủ tướng nước Israel rồi, thì chúng tôi phải ngồi bàn thảo với anh ta thôi. Chính trị là thế đấy.
Karshov lắc đầu.
— Không ai thúc ép tôi được. Tôi sẽ không nhượng bộ. Chúng tôi sẽ không rời khỏi mảnh đất này. Chúng tôi sẽ không đầu hàng. Và để cho quý vị hiểu tại sao, tôi muốn tất cả quý vị, mỗi vị, phải biết chính xác thực chất của mối đe dọa mà chúng ta đang gặp đây.
Mọi người nhìn nhau trên màn hình.
Karshov quay qua Morton : — Nói cho các quý vị ấy nghe đi, David. Nói cho họ nghe về vi rút than B.c. đi.
Giọng nói lạnh lùng từ Luân Đôn đã trấn át lên tất cả sự huyên náo :
— Có thật cần thiết…
— Cần lắm – Karshov nói – Nhân danh Chúa, xin quý vị lắng nghe cho ! Xin quý vị im lặng và nghe cho !
Trong cảnh im lặng nặng nề, Morton đứng dậy. Ông thọc tay vào túi, lấy ra một cái chai nhỏ có đậy nút. Cái chai chứa đầy nước không màu sắc. Ông đưa ra trước camêra. Karshov đã đưa cho ông cái chai khi hai người bước vào phòng máy.
— Chất vi rút bệnh than B.c. này có thể gây thương vong cho người ta nhiều hơn tất cả những vụ dội bom khách sạn nữa. Biết cách rải ra, nó sẽ giết chết hàng ngàn người một lúc.
Cả hội đồng lẫn khán giả của ông trên thế giới đều thở hổn hển khi ông mở nút chai và rải chất lỏng ra. Morton thoáng cười.
— Nước máy ở Tel Aviv – Ông đậy nút chai lại – Một ngàn chai nhỏ như thế này sẽ biến cả đất nước này thành một bãi tha ma. Nhưng sẽ không có ai chôn cất chúng tôi đâu, và sẽ không có ai dám bén mảng đến đây để làm chuyện này được.
Suốt ba mươi phút tiếp theo, ông nói cho họ nghe chuyến đi sang Trung Quốc của ông, và về Raza. Ông nói rất bình tĩnh. Ông giải thích cho họ biết cần phải tích trữ thật nhiều chất men PEG. Ông nhấn mạnh rằng không ai biết chắc chất thuốc này hoạt động ra sao, nhưng không còn thứ gì đáng giá hơn nữa. Khi nói xong, ông ngồi xuống trong cảnh im lặng nặng nề của mọi người.
Vị Thủ tướng Anh là người đầu tiên lên tiếng :
— Ông Karshov, nhân viên tình báo của tôi đã cho tôi biết cơ quan CIA đã thông báo cho ông giám đốc cơ quan Mossad biết rõ nội vụ việc này rồi. Nói trắng ra là họ không có bằng chứng nào chứng tỏ vi rút bệnh than B.c đã ra khỏi Trung Hoa. Cơ quan tình báo đều nhất trí rằng người xách cặp mà ông Morton đã giết hụt đấy đã được cơ quan mật vụ Trung Hoa biết rất rõ thành tích.
Morton nhìn Bitburg. Ông giám đốc gật đầu. Những người Ả Rập bao quanh Thủ tướng Anh gật đầu. Tổng thống Pháp cũng gật đầu. Tổng thống Hoa Kỳ xem ra cũng như muốn gật đầu, nhưng ông thấy không nên.
— Nhân viên của ngài sai lầm rồi – Karshov chậm rãi nói.
Thủ tướng Anh chồm người tới trước.
— Vậy thì xin ngài hãy chứng minh cho chúng tôi xem đi. Ai sẽ làm việc này giỏi hơn ông Morton của ngài ?
Ở Paris và Washington, hai vị Tổng thống gật đầu đồng ý.
Morton nghĩ : Ruth đã nói đúng. Họ đều cá mè một lứa. Thủ đoạn, chỉ điểm, được phép giết người. Cuối cùng đều giống nhau, đều sa vào vũng bùn dơ bẩn.
— Nếu không – Giọng nói từ Luân Đôn lại vang lên – Chúng tôi cứ đợi xem ông Morton nghĩ ra được điều gì cái đã, rồi chúng tôi mới đua nhau sản xuất ra số lượng thuốc đắt tiền như chúng tôi được yêu cầu.
— Tôi thấy đúng đấy – Tổng thống Hoa Kỳ lên tiếng.
— Tôi đồng ý – Tổng thống Pháp nói.
— Trong trường hợp này, ông hãy chứng minh đi, ông Morton – Thủ tướng Anh thúc – Ông không còn thì giờ nữa đâu. Giới hạn thời gian mà họ đưa ra đã hết rồi !
— Thưa Thủ tướng, chúng tôi không để cho ai ra lệnh hết… – Karshov đáp, vừa khi điện thoại trên tay dựa ghế bành reo lên lanh lảnh, ông nhấc lên với vẻ khoan khoái ra mặt. Khi nghe xong, mặt ông biến sắc.
— Xin vui lòng đợi cho một chút, thưa ngài – Giọng của Karshov bỗng nghẹn ngào.
Ông hạ ống nghe xuống rồi nhìn vào những bộ mặt nhăn nhó ; chăm chú của những người trong Hội đồng, rồi nhìn vào những khuôn mặt trên màn hình, ông nói :
– Thưa quý ngài – Giọng Karshov hơi run – Tôi đang nói chuyện với Tổng thống Nam Phi trên điện thoại.
Tiếng xì xào kinh ngạc vang lên quanh ông và trên các màn hình.
— Ông ấy thông báo cho tôi hay một tai họa chết người vừa xảy ra trong một thành phố của nước ông, một nơi mà nhiều người trong chúng ta đều biết. Đó là Trekfontein.
Tiếng ồn ào như muốn át hẳn những lời sau đó của Karshov.
— Ông ấy nói rằng tất cả nam phụ lão ấu và súc vật đều bị giết chết bằng một thứ mà nghe ra rất giống vi rút bệnh than này !
Khi Karshov quay lại điện thoại để nghe thêm các chi tiết khác nữa, thì Morton đã đứng dậy, ông bước nhanh ra khỏi phòng thu hình.