Nhà xuất bản: NXB Thanh Niên
Shared by: CCG –
Morton bước vào nhà hàng La Touche qua cánh cửa sơn mài màu đen, người quản lý trịnh trọng mở cửa, mái tóc anh ta chải láng mướt như các đồng nghiệp.
Bên trong nhà hàng, ánh sáng lờ mờ, nền nhà trải thảm hoa và tường nhà sơn trắng. Một cặp ngồi yên lặng ăn trong góc phòng. Một nhóm khác, nói tiếng Thụy Điển, ngồi đầy cả một chiếc bàn dài ở giữa phòng. Morton đã để lại cho Wolfie số điện thoại của nhà hàng.
Vừa ngồi vào bàn, ông gọi một chai Dom Perignon.
Nàng đến, ông gọi bồi rót sâm banh cho nàng. Mái tóc nàng cắt ngắn trước trán. Chiếc áo dài bằng lụa hoa, bước đi tự tin của con người được mến phục.
Ông vừa dợm đứng dậy thì nàng vội vẫy tay ra dấu ông ngồi xuống.
— Rót cho em một ly – nàng tươi cười nói.
Morton rót đầy ly cho nàng trong khi đó người phục vụ kéo ghế mời nàng ngồi, đặt khăn ăn, đưa thực đơn ra.
— Chúng tôi sẽ gọi sau – Morton nói, vừa đưa ly rượu cho nàng.
Người bồi bàn cúi đầu chào, bước lui, Morton nói :
— Gặp em thật tuyệt. Đã bốn tháng qua rồi.
— Ước gì sẽ có lúc sung sướng hơn, David – Nan đáp. Nàng với tay qua bàn chạm nhẹ lên tay ông – Em rất buồn, rất buồn vì Steve và Dolly.
Ông bóp tay nàng. — Gặp em ở đây là tuyệt quá rồi.
Nàng cười rồi rút tay lại. Im lặng một hồi như khi hai người nói chuyện trên điện thoại.
— Công việc ra sao ? – Ông nhìn nàng, hỏi.
— Tốt đẹp. – Còn anh ? Nàng lại ngần ngừ như khi nói trên điện thoại.
— Công việc này khiến mọi người phải căng thẳng.
Nàng để ly xuống bàn.
— Anh biết ai gây ra không ? – Nàng hỏi nhỏ.
— Raza.
Lần này thì nàng không ngần ngại nữa. — Ôi, lạy Chúa. Không thể để tái diễn nữa.
Một tràng cười vang lên từ bàn của nhóm người Thụy Điển. Morton đợi cho đến lúc tiếng cười dứt, ông bèn chồm người tới trước, hạ thấp giọng, nói cho Nan nghe chuyện Raza hăm dọa sẽ thả hết vi rút bệnh than B.C nếu những yêu sách của chúng không được đáp ứng.
Morton thấy nét kích động, hãi hùng hiện ra trên mặt nàng. Ông nhận ra ông đã ít chia sẻ ngọt bùi cùng nàng, ông thấy nhớ nàng; và mong muốn được cùng chịu gian khổ với nàng biết bao.
– Anh hạn ra năm ngày phải khử cho được hắn Nan à. Có thể sớm hơn nữa – Ông nói thêm.
— Không ai có đủ chất men PEG hết – Nan nói – Chúng ta chỉ có đủ chữa trị cho năm mươi người. Nếu Raza làm đúng như lời hắn nói, thì chúng ta phải cần đến số lượng nhiều hơn gấp trăm lần hiện có.
— Chắc là thế. Chúng ta đã có chương trình sản xuất hàng loạt chất men này rồi. Chính phủ nào có khả năng đều được yêu cầu sản xuất.
— Không phải là vấn đề có đủ thuốc hay không, David à, mà em thấy vấn đề chuyên môn mới quan trọng. Em nghĩ có lẽ không có nổi một tá người trong đất nước này có khả năng định bệnh kịp thời.
Người phục vụ lại đến, anh ta đọc những món đặc biệt của nhà hàng. Nan gọi cá hồi lát xông khói với tôm, trứng cá muối và cá đối chiên. Morton gọi thịt vịt nướng và thịt bê chiên bơ.
Ông nhớ hai người đã gọi thức ăn giống như hôm đầu tiên họ cùng đi ăn tối với nhau.
— Ngài vẫn dùng sâm banh chứ, thưa ngài ? – Người bồi bàn hỏi nhỏ.
– Vâng.
Morton nhìn anh bồi bàn đi vào nhà bếp, rồi ông quay qua Nan. — Phải học lớp đặc biệt mới đi được như thế.
Nàng mân mê cái ly trong tay.
— Anh thật nhớ em, Nan à !
Nàng lắc nhẹ mái đầu.
— Anh nói thế thôi, chứ anh bận bịu công việc biết bao nhiêu.
Nàng có vẻ ngần ngại, làm như nàng đang muốn nói gì thêm.
— Còn em thì sao ? Em có nhớ anh không ?
Nan gật đầu. — Dĩ nhiên là nhớ. Em nhớ anh như… đang thấy cảnh chúng mình đi mua sắm ở nhà hàng – Nàng vội cười để làm cho câu chuyên tươi vui lên – Như thế là bây giờ chúng ta lại gặp nhau ở đây… lại đi mua sắm. Thực ra,thì em cũng chẳng cần…
— Em lại than vãn rồi đấy – Morton nói – Anh hỏi em chuyện này nhé. Em có nghĩ những điều em suy nghĩ không ?
Nàng từ từ gật đầu, không cười nữa. Ông cố giữ giọng nói bình tĩnh nhẹ nhàng.
— Em hẳn là đã biết anh nghĩ gì rồi đấy – Ba tháng truớc đây ông đã có ý kiến nàng đến Tel Aviv ở với ông.
— Em không giải quyết được, David à.
Nàng để ly xuống bàn và nhìn ông. Khi nàng nói, giọng của nàng đã quả quyết rồi, không như trước đó.
— Em xin lỗi anh, David à. Thực sự xin lỗi đấy. Nhưng tình thế không cho phép.
Ông nhìn nàng một hồi lâu. Cuối cùng, ông lại nói :
— Nếu cả hai ta đều muốn…
— David, em không yêu anh đủ để bỏ hết tất cả mà theo anh qua sống ở Tel Aviv được.
Ông để ly xuống. Ông đã đọc đâu đó viết rằng cật vấn người yêu thường sẽ làm cho vấn đề đổi ngược lại và người yêu sẽ thú nhận những điều mình không thích nghe tí nào hết.
— Em đã có ai ư ?
Lần này thì nàng ngần ngừ một hồi lâu mới đáp : — Có.
— Anh hiểu rồi… Mà có nghiêm túc không đấy ?
Nàng với tay qua bàn, chạm nhẹ vào tay ông : — Em xin lỗi. Em không muốn làm anh đau khổ, David à !
— Em phải thế thôi. Em biết là anh yêu em mà.
— Chúng ta vẫn là bạn bè với nhau. Em thích thế, David !
Ông trưởng bồi bàn cùng môt anh bồi bàn khác mang thức ăn ra, anh ta rót đầy sâm banh vào ly hai người. Morton đăm chiêu nhìn bọt sâm banh sủi tràn ra miệng ly. Đợi cho đến khi những người bồi bàn đi hết, ông lại hỏi :
— Em quen biết anh ta lâu chưa ?
— Ba tháng.
— Không lâu lắm mà !
Nan cắt cá hồi ra ăn , — Đủ lâu để hiểu nhau, David. Khi em cần anh ấy là có anh ấy liền. Chứ không phải gọi điện thoại.
Nàng lấy nĩa, xiên miếng cá.
— Anh nghĩ là em thích thế. Không ràng buộc. Không thúc ép.
— Em cũng nghĩ thế. Hóa ra là em lầm. Em không muốn ai thúc ép em hết.
— Thì anh có bao giờ thúc ép em đâu, Nan ?
Nàng nhìn thẳng vào ông, cái nĩa đưa lên ngang miệng.
— Có thúc ép đấy chứ, David. Không biết khi nào mới lại gặp anh. Không thể nào vạch ra kế hoạch cho được. Rồi bỗng anh hối thúc em đến Tel Aviv ở. Rồi ở đây em lại lâm vào tình trạng như thế, lại tự hỏi không biết anh ở đâu. Em muốn cái gì chắc chắn kia. David à – Nàng thoáng cười – Có lẽ như thế thì không hấp dẫn đấy, nhưng sống với anh, em thấy quá nguy hiểm.
Nan ăn miếng cá.
— Em muốn thành hôn với anh ta à, Nan ?
Nàng cắt miếng cá khác.
— Anh ấy hỏi em. Nhưng em chưa quyết định. Em cũng như anh, không phải loại người muốn ràng buộc vào hôn nhân.
Nan ăn miếng cá nữa.
— Anh vẫn muốn cưới em, Nan.
Nàng lắc đầu, vừa lấy mép khăn lau miệng.
— David, anh đã gắn chặt với công việc rồi. Anh là một kẻ cô đơn, anh mãi mãi như thế mà. Anh chỉ say mê công việc.
Nụ cười tắt trên môi Morton, mặt ông trở nên nghiêm trang vô cùng.
— Anh không thay đổi nguyên tắc được, Nan à. Nhưng anh sẽ cố gắng chung sống với em nhiều hơn là như trước đây anh sống với Shola.
— Em biết. Em không yêu cầu anh thay đổi nguyên tắc. Em chỉ yêu cầu anh hiểu cho, và chấp nhận cho là tại sao những nguyên tắc ấy của anh lại không hợp với em.
Morton phết ba tê lên bánh mì nướng.
— Anh không muốn để cho em đi đâu, Nan à.
Nàng đẩy cái dĩa sang một bên rồi chồm người qua bàn :
— Sẽ không có gì thay đổi trong mối liên hệ chuyên môn của chúng ta hết. Em vẫn muốn được giúp đỡ anh. Anh cứ thường xuyên gọi em. Và khi anh đến, em vẫn đón anh. Em sẽ tranh thủ thì giờ mà. David. Em hứa đấy. Chúng ta vẫn là bạn.
Ông uống ; nhưng bỗng rượu sâm banh nhạt thếch.
— Anh thấy như thế không dễ dàng gì đâu. Anh chưa bao giờ nghĩ về ai như anh nghĩ về em hết, Nan à – Morton để ly xuống, nhìn nàng – Anh rất sung sướng khi em vẫn tiếp tục giúp anh. Nhưng nếu chúng ta cứ thẳng thắn chia tay nhau thì mọi việc chắc sẽ dễ dàng cho hai ta hơn.
Nan nắm tay ông, nàng thoa nhẹ lưng bàn tay ông.
— Có phải anh thật muốn thế không ? – Nàng nhẹ nhàng hỏi.
Ông nhớ những khoái cảm trước đây, nhớ hơi ấm của da thịt nàng áp vào da thịt mình, nhớ mùi vị đôi môi nàng.
— Thật.
Nàng rút bàn tay về, nhìn đăm đăm vào mặt ông, vào mắt ông. Nàng đành chấp nhận như thế mà thôi.
— Cho em xin thêm sâm banh đi – Nàng nói.
Ông rót rượu vào ly, xong ông thấy người bồi bàn tiến đến bên bàn ông. Morton vẫy tay xua anh ta đi.
— Uống đế nhớ những kỷ niệm đã qua – Nan nói, nâng ly lên.
— Nhớ những gì đáng nhớ – Morton không nâng ly lên.
Anh bồi bàn trưởng lại bước đến, thì thầm bên tai ông. — Thưa ngài, ngài có điện thoại.
Morton đứng dậy, xin lỗi Nan. Cặp vợ chồng yên lặng trong góc phòng đã ra về. Những người Thụy Điển đang cụng ly khi ông nhấc điện thoại trên một cái bàn kế bên cạnh cửa vào phòng treo áo quần.
— Xin lỗi đã làm gián đoạn tối vui của ông – Wolfie nói – Nhưng Danny vừa mới nhận được một tin phát từ Athens. Đây là một trong những trạm đã phát sóng cuộn băng yêu cầu nước Pháp trả tự do cho những “Cảm tử quân” của Raza. Danny cho biết nội dung rất giống trong một cuộn mà Michelle đã lượm được. Nhưng lại là một giọng phụ nữ khác. Con này nói lịu và giọng của nó trẻ hơn.
— Danny đã tiếp xúc với Costas để nói về chuyện này chưa ?
— Chưa, Danny cho biết anh ta đã được lệnh phải trả lời rồi. Ban mật vụ phải mất một giờ nữa mới phái người tới được. Trong lúc đó thì Danny nhờ nhân viên của Gates đi lục soát quanh vùng.
Morton bèn quyết định ngay. — Có cái gì không ổn rồi đấy. Tôi về đây. Báo động cho lực lượng “Dove” đi.
Chiếc Concorde có thể chở ông đến Athens trong vòng hai giờ nữa. Ông quay lại bàn, đứng bên Nan, hơi cúi xuống nhìn nàng. — Anh xin lỗi…
— Em biết rồi – Nàng nói – Anh phải về.
— Anh đưa em về nhé … – Ông lại nói.
— Em ngồi lại đây đã. Không nên cả hai chúng ta đều làm buồn lòng ông đầu bếp.
Nàng ngẩng lên nhìn ông. Ông cúi xuống, nàng hôn nhẹ lên má ông.
— Hãy cẩn thận, David.
— Em cũng thế.
Morton trả tiền rồi bước ra khỏi nhà hàng, cố giữ không nhìn lại Nan đang ngồi uống sâm banh. Thế là hết.
*
**
Costas ngồi trong chiếc ghế bành ở phòng khách, cố gắng lấy lại bình tĩnh.
Cô gái Levantine đứng cách anh khoảng một bước, chĩa khẩu súng vào anh. Mặt chị bình tĩnh, cương quyết. Chị sẽ giết anh mà không ân hận chút nào. Cô gái kia nhìn anh, nét mặt hằn học, lo âu.
Khi cô ta vừa mở cửa ra thì Raza đánh mạnh vào anh. Trong lúc bất tỉnh, anh đã bị lột quần áo, chỉ còn mặc quần lót, và bị trói vào chiếc ghế bành.
Hắn đứng quay lưng lại với Costas. Bỗng trong phòng vang lên lệnh gọi của Danny yêu cầu gọi về Tel Aviv.
Raza quay lại, nắm trong tay cái máy MRT, tay kia nắm khẩu súng của Costas. Hắn biết tiếng Do Thái, cho nên nhận ra lệnh trong máy là tiếng Do Thái cổ. Hắn quá nghi ngờ. Con heo này hoặc là một thằng phục quốc Do Thái, hoặc là một tên cộng tác với hắn. Một thằng nguy hiểm.
Raza đưa máy MRT lên :
— Cái gì đây ?
Costas cố gắng giữ bình tĩnh, anh đáp :
— Máy liên lạc. Tôi là một thám tử, chuyên phụ trách về các vụ ly dị. Vì vậy mà tôi mang súng. Chuyện ngoại tình cũng là chuyên nguy hiểm lắm.
Anh nhìn Raza. Hắn không trả lời, không tỏ dấu hiệu nghi ngờ lời anh nói ra có đúng không. Giọng Danny lại vang lên một lần nữa. Raza tắt máy MRT.
Khi hắn nói, giọng hắn dữ tợn, lạnh lùng. — Gabriel là ai ?
— Là một tên Do Thái ! – Anna la lên.
Nadine nâng khẩu súng lên, chỉ ngay vào đầu của anh. Chị liếc nhìn Raza, thấy mặt hắn tím lại.
— Mày làm việc cho ai, hở thằng Do Thái ?
Mặc dù đau đớn, Costas cũng thấy được sự giận dữ dang bùng lên trong người hắn ta. Sự giận dữ và nóng nảy, thật nguy hiểm. Hắn không bình tĩnh. Anh bèn đáp.
— Tôi hành nghề tự do. Và tôi không phải Do Thái. Nếu ông thả tôi ra, tôi sẽ gọi về văn phòng và ông có thể hỏi cô thư ký của tôi thì biết. Cô ta sẽ xác nhận những điều tôi nói với ông.
Nếu anh nhấc được điện thoại, anh có thế gọi được số không đăng ký của Tòa đại sứ Israel. Có một lần, người sĩ quan mật vụ nghe anh yêu cầu nói chuyện với cô thư ký, ông ta đã phanh ra được cuộc gọi. “Thư ký” là mật mã hiện hành của Mossad để báo động khi gặp nguy hiểm.
Raza nói bằng giọng trầm, đanh : — Mày tưởng tao ngu hả ? Đã từ lâu, không bao giờ tao tin một thằng Do Thái cả. Lời nói của một thằng Do Thái không giá trị gì hết. Không giá trị gi hết ! Nào… mày làm cho ai ?
Không quay đầu lại, Nadine nói :
— Ha-Zoafim là dấu hiệu gọi từ ngọn núi đá lớn của bọn Do Thái, hòn núi đá nhìn xuống đền thờ Đấng Tiên tri ở Jerusalem.
Costas cố làm ra vẻ không sợ sệt. Anh đáp :
— Đấy là tên nơi sinh của người đàn ông mà bà vợ của khách hàng của tôi đã dan díu. Anh ta hiện ở trong ngôi nhà này. Tôi đang cố công đi tìm anh ta…
— Đừng nói láo với tao, thằng Do Thái ! Mày làm việc cho bọn khủng bố Do Thái phục quốc !
Giọng Raza cất cao, hắn đã nổi điên lên rồi. Costas nhìn vào mặt hắn. Anh đã từng thấy nét mặt như thế. Đấy là nét mặt của kẻ đang muốn giết người.
— Tôi không làm cho bọn khủng bố Do Thái.
— Tại sao mày theo dõi mấy cô gái này ? – Raza hét lên.
Costas lắc dầu. Chỉ cần cử động nhẹ cũng đủ làm cho anh đau đớn. — Tôi không theo dõi.
— Mày theo dõi họ từ Công trường cho tới phi trường. Tại sao ?
Costas cảm thấy hy vọng tiêu tan như sương giá tan dưới ánh mặt trời.
— Ông lầm rồi. Tôi không theo dõi họ. Tôi đi tìm người đàn ông đã ngủ với vợ ông khách hàng của tôi. Thỉnh thoảng hai người gặp nhau ở Công trường hay là ở phi trường.
— Hắn nói láo ! – Bỗng Nadine nói – Hắn theo dõi chúng tôi.
Costas nhìn vào mặt chị ta. Mấy phút kinh hoàng vừa qua chỉ là dấu hiệu khởi đầu cho sự lo sợ của anh. Chị ta muốn anh phải chết.
— Hắn là một thằng phục quốc Do Thái – Anna lại nói, – Chỉ có một thằng Do Thái phục quốc mới khiếp sợ như thế.
— Tôi là người Hy Lạp ! – Costas chống chế – Đúng thế, tôi đang sợ khiếp lên đây. Ai cũng phải sợ chứ – Anh cất cao giọng – Xin ngài vui lòng hãy cho tôi gọi về văn phòng.
— Mày tưởng tao là thằng ngu hả, thằng Do Thái ? – Raza la lên – Mày tưởng mày coi thường được tao và dân tộc tao hả ? Mày tưởng mày đến đây để dò thám được tao hả ?
— Thưa ngài, ngài vui lòng…
— Câm mồm, thằng Do Thái !
Raza quay đi. Bây giờ thì Costas biết chắc rồi. Ngay cả con đĩ ngựa kia cũng thấy được anh là thằng Do Thái đang khiếp sợ nữa mà. Khi Raza cất tiếng nói lại thì giọng của hắn quả quyết hết sức khô khốc :
— Tại sao Morton gởi mày đến đây ?
Costas cảm thấy nôn nao muốn ói. Anh cố gắng đáp. — Tôi không bao giờ nghe người nào có tên như vậy thế. Hắn là ai thế ?
Raza bước đến gần hơn, đứng bên cạnh Anna : — Mày có biết tao là ai không ?
Costas lắc đầu. — Không, thưa ngài. Tôi chưa khi nào gặp ngài…
Raza nhìn Costas, ánh mắt hắn độc ác, vô cảm. Trong phòng hoàn toàn im lặng. Rồi hắn hét lên :
— Tao là Raza !
Tiếng mở chốt khóa an toàn trên khẩu súng của Raza đã phá tan bầu không khí yên tĩnh ở trong phòng. Hắn gật đầu. Con heo này đã nhận ra tên hắn.
Nadine thấy mắt Raza long lên nét điên cuồng. Bây giờ thì không có gì ngăn hắn được nữa rồi. Anna nhìn chằm chằm vào Costas, miệng cô ta mấp máy để cố trấn tĩnh. Cô ta thấy Raza nâng khẩu súng lên. Hắn nhẹ nhàng nói :
— Anna, mày giống con heo nào đây ? Mày rất ngu xuẩn.
Raza bắn hai phát, cả hai viên đạn đều xuyên từ bên tai trái sang tai phải. Cô ta đứng thẳng như thế một chốc, một vòi não lẫn máu phụt ra theo một hình vòng cung lên trần nhà. Tuy đã chết, cặp mắt cô ta vẫn nhấp nháy như mắt của một con búp bê, rồi cô ta sụm xuống nền nhà. Cô ta cố vùng lên một lần nữa, bàn tay giật giật, nắm sờ vào tấm vải chéo đeo trên người, mấy ngón tay lướt trên hàng chữ vàng. Cơn chấn động qua đi, cô ta nằm yên.
Raza nhìn theo Nadine. — Nó chết nhanh quá, không xứng chút nào hết.
Hắn vẫn còn điên cuồng, mắt hắn vẫn long lên. Hắn lại hỏi Costas một lần nữa : — Tại sao Morton gửi mày đến đây ?
Costas không đáp. Anh cảm thấy nước tiểu đang chảy xuống hai đùi chân.
— Chả cần thiết nữa – Raza nói – Mày phải đền mạng cho Al Najaf.
Hắn đưa súng lên, bắn liên tiếp ba phát vào ngực Costas. Anh nảy người lên rồi gục xuống.
Raza quay lại nhìn Nadine. Chị đã hạ súng xuống. Bỗng chị thấy mắt hắn bình thường trở lại. Khi hắn lên tiếng nói, giọng hắn trở nên bình thường. Chị thấy vừa kinh hoàng vừa phấn khởi. Một người đàn ông thay đổi thái độ như thế là một người hoàn toàn tự chủ.
— Nào, ta phải làm việc thôi – Hắn nói.
Cả hai bước vào nhà bếp. Máy ảnh của Anna và những tấm hình Polaroid nằm bên cái túi xách của Nadine, tất cả ở trên kệ bếp. Cái túi vẫn còn chứa mấy chai nước hoa.
— Vứt hết đi ! – Raza ra lệnh.
Chị đổ hết nước vào bồn rửa rồi ném chai vào thùng rác. Raza trải hết ảnh Nadine chụp với Nancy trên chỗ nấu ăn.
— Đấy, em lựa lấy đi một tấm ! – Raza vui vẻ nói. Hắn hoàn toàn thay đổi tính tình.
Nadine lựa ra một tấm. Raza thu lại hết rồi xé vụn. Hắn bảo Nadine xả hết vào bồn rửa. Trong lúc chị lo xả nước, thì hắn mở tủ lấy ra một máy fax. Hắn gắn vào một ổ cắm điện trên tường. Dùng băng dán lấy trong hộc tủ, hắn dán tấm ảnh vào một tờ giấy ảnh. Hắn bấm số trên máy fax, đồng thời đút tờ giấy vào máy. Máy đã liên lạc được, phát ra tiếng kêu lanh lảnh và tờ giấy chạy qua máy.
Một lát sau, bản sao ở máy fax trong nhà của Rachid Harmoos ở Connecticut hiện ra.
Khi đã nhận tin máy fax đã nhận được, Raza bèn sử dụng bộ máy để gọi đi nhiều nơi trên thế giới.
— Vâng – Faruk Kadumi trả lời ở Luân Đôn.
Raza đưa cho y số chuyến bay của Bill Hardman đến Luton rồi ra lệnh cho y. — Anh phải dùng cách nào đó để đánh tráo đi – Hắn nói.
Raza gọi cuộc cuối cùng, thu xếp để người đại diện tại địa phương của tập đoàn tu sĩ Hồi giáo lo việc di chuyển các thây ma đi.
— Để thằng ấy tại chỗ nào cho chúng tìm ra hắn được. Xem như cảnh cáo chúng luôn. Còn con kia thì để chỗ nào không ai tìm ra được – Hắn ra lệnh.
— Xin tuân lệnh – Giọng nói bên kia đầu dây hứa với hắn.
Hai giờ sau, Raza và Nadine bay khỏi Athens.
*
**
Khi Morton đi quanh trong căn hộ thì bình minh bắt đầu xuất hiện qua các cửa sổ.
Chiếc Concorde đã bay từ Northolt đến đây mất một trăm phút. Ông đã dùng toàn bộ số thì giờ này để giám sát cuộc săn lùng Raza và những tên giết Costas. Thi thể của anh đã được tìm thấy bên ngoài văn phòng của Cơ quan El Al ở thành phố Athens một giờ trước khi chiếc máy bay hạ cánh.
Vừa lúc Morton đến căn hộ ; những kỹ thuật viên cảnh sát Athens ở hiện trường đã khám phá ra nhiều điều. Nhờ Danny đã fax toàn bộ dấu tay của Raza từ Tel Aviv đến mà nhân viên trong ban dấu tay đã tìm ra được một số dấu tay của Raza ở trong phòng.
Những kỹ thuật viên khác đã xác định rằng có hai người chết trong phòng khách. Phân tích máy cho thấy một người đúng Costas. Còn người kia, nhờ mẫu tóc, họ khẳng định là một phụ nữ.
Thỉnh thoảng Morton dừng lại nhìn xem các kỹ thuật viên làm việc. Họ làm rất giỏi, tranh thủ thời gian, không bỏ sót gì hết. Hai nhân viên đồng phục đã hạ ảnh của nhà lãnh đạo Hồi giáo Muzwaz xuống. Toàn bộ đồ đạc trong phòng đều được xê dịch một cách khéo léo để tìm ra bằng chứng.
Morton dừng lại trước một cửa sổ. Mới mấy giờ trước đó, Raza hẳn đã đứng ở đây. Hầu như ông còn ngửi thấy mùi của hắn ở đây. Có tiếng nói sau lưng ông cất lên.
— Tôi đã cho đóng các cửa khẩu. Chẳng lẽ hắn thoát ra qua ống cống ? – Zak Constantine cam đoan như thế.
Morton quay lại nhìn ông Giám đốc An ninh Quốc gia Hy Lạp.
— Bây giờ thì hắn đã đi rồi, Zak. Hắn ra đi trước lệnh ông phong tỏa.
Constantine gật đầu, nhận ra đã năm mươi tuổi đầu mà ông vẫn còn non nớt, thiếu kinh nghiệm.
— Ông đã kiểm tra danh sách hành khách đi tàu chưa ? – Morton hỏi.
— Dĩ nhiên là có. Không ai có dấu hiệu khả nghi cả.
Morton gật đầu, ông thấy kỹ thuật của ông ta còn quá nhiều hạn chế.
Constantine tức tối nói : — Đêm ấy, tên lính canh chậm chạp quá !
Người lính gác Israel ở văn phòng cơ quan El Al không giữ lại được chiếc xe hay là ghi lại số đăng ký xe.
— Từ ngày mai, hắn sẽ có nhiều thì giờ để hành động, chắc chắn thế, cứ canh chừng lạc đà ở sa mạc Sinai – Morton nói.
Hai người bước sang một bên khi hai binh sĩ lôi đi một cái ghế bành. Những vết máu đen bám lên vải bọc, — Thoạt tiên là chúng bắn Costas với súng của anh ấy. Rồi chúng cắt bộ phận sinh dục của anh. Thật là đồ mọi rợ. – Constantine nói.
Vị bác sĩ cảnh sát đã xác nhận rằng đạn từ trong súng của Costas, và anh đã chết trước khi bộ phận sinh dục bị xẻo rồi bị tống vào miệng anh.
Sau khi đã chính thức nhận diện ra Costas, Morton đã thăm đài phát thanh với Constantine. Ban nhân viên cho biết cuộn băng được tìm thấy trong thùng yêu cầu chương trình ở trong hành lang. Không ai thấy kẻ nào đã bỏ cuộn băng vào đấy. Morton đã lấy một cuốn. Cuộn băng được truyền về Tel Aviv qua trung tâm truyền thông trên chiếc Concorde. Ông thẩm vấn người liên lạc với cảnh sát của Costas hết một giờ. Anh chàng này đang trình bày sự việc khi thi thể của Costas được mang vào. Anh chàng Hy Lạp đã làm việc đúng theo yêu cầu được giao. Theo nguồn tin anh ta cho biết Costas đang đi đâu. Constantine đã phái nhiều người đến căn hộ này đủ sức để đánh nhau một trận nhỏ.
— Tôi đã huy động một lực lượng lớn liên lạc từ những nơi xa xôi nhất đến chỗ này – Constantine cau có nói – nhưng có lẽ chúng tôi không liên lạc xa hơn được nữa.
— Thế cũng hết sức rồi đấy, Zak. Nhưng rủi thay cho ta là Muzwaz đã che giấu tông tích của nó. Lão này rất giỏi ngón này.
Một kỹ thuật viên từ dưới bếp bước ra đem theo bao rác. — Ngài xem cái này thì biết.
Người kỹ thuật gia đổ cái bao rác lên nền nhà. Một nửa tá chai nằm lăn lóc. Morton cúi xuống kiểm tra. Ông lấy lên một cái chai, ngửi miệng chai. Có mùi thơm loại nước hoa rẻ tiền. Ông đứng dậy, cầm cái chai trong tay.
— Xem thử đây có phải là loại nước hoa ta chế tạo ra không Zak ?
Constantine liếc nhìn nhãn chai.
— Đêm Hy Lạp à ? Chưa bao giờ nghe đến. Nhưng chúng ta sẽ biết ngay thôi. Vì chúng tôi đã gia nhập vào Khối Cộng đồng Kinh tế Âu châu, tất cả nhãn hiệu sáng chế các sản phẩm cao cấp đều phải đăng ký hết – Ông gọi một phụ tá, ra lệnh cho ông ta kiểm tra cái chai.
Morton lấy một chai khác. Ông nói cho Constantine biết về tin chặn được của Danny khi theo dõi tin tức đánh đến Athens.
– Tôi muốn ông nhờ nhân viên pháp lý thử nước hoa trong này ra sao, và đối chiếu mảnh chai vỡ họ đã tìm thấy vụ nổ xe dầu với chai này xem thế nào.
Constantine có vẻ đắn đo :
— Ông dò la người phụ nữ đã mang vi rút bệnh than trong chai giống chai này khi cô ta bị chết cháy à ?
— Thì cứ để xem nhân viên của họ nghĩ sao, Zak à.
— Tôi sẽ đích thân đem theo mấy cái chai đến đó.
— Để lại cho tôi một cái, Zak.
Morton cầm cái chai vào nhà bếp.
Một kỹ thuật viên đang tìm dấu tay trên máy fax. Một người khác đang kiểm tra cái máy ảnh Instamatic. Anh ta dừng lại, nhìn Morton. Ông đưa cái chai lên, nói : — Tôi muốn lấy cái nhãn này.
Anh ta nhún vai rồi lại tiếp tục công việc. Mùi trong bồn rửa ngửi giống như mùi trong những cái chai. Tại sao có ai lại đổ nước trong chai ra ? Raza không cần làm trắc nghiệm lần nữa sau vụ Trekfontein à ? Hắn không muốn phí chất vi rút quý giá khi đem đi đổ vào ống cống ở Athens đâu. Chắc thế rồi.
Có vật gì bị mắc kẹt trong ống dẫn nước bên dưới bồn rửa. Morton yêu cầu một kỹ thuật viên khơi thông ra. Anh ta dùng một cái nhíp có cán dài để lôi giấy bị mắc kẹt trong ống. Đấy là một tấm ảnh chụp khuôn mặt của ai đó.
Morton mở cái nút ở dưới bồn rửa, rồi cho nước tuôn ra chảy vào cái xô. Những mảnh giấy ảnh xé vụn nằm dưới đáy nút rơi vào xô. Anh kỹ thuật viên nhìn Morton cười. Ông cười đáp lại rồi đem những mảnh giấy trải ra trên quầy bếp. Ông ghép những mảnh lại với nhau.
Khi Constantine trở về thì Morton đã ghép được nhiều tấm ảnh của hai thiếu nữ. Một người cầm một chai nước hoa. Morton thấy cái chai giống cái chai ông để trên quầy ở bên cạnh bức hình ông vừa ghép.
— Mảnh chai giống với mảnh tìm thấy lẫn lộn trong thi hài của người bán hàng dỏm – Constantine nói khi vừa bước vào nhà bếp – Nhân viên tòa án đã kiểm nghiệm chất nước trong chai đều xác nhận chai nào cũng chứa loại nước hoa xức sau khi cạo râu, nước hoa ô-đờ-cô-lôn và một chất mà họ cho là trà bạc hà.
Constantine lắc đầu rồi nói tiếp :
— Tại sao lại có nước trà pha bạc hà không biết ? Những nhân viên pháp lý cho biết tin mừng là họ không tìm ra dấu vết nào nguy hiểm hết.
— Chúng có thể dùng nước trà để đánh lạc hướng đi. Có lẽ chúng đã chế rất nhiều chai – Morton nói.
Constantine nhìn vào những tấm hình đã được ghép lại :
— Ông có cái gì thế này ?
Morton nói cho ông ta biết những hình ở đâu ra. Constantine chăm chú nhìn những tấm hình.
— Hình bên trái giống người Li Băng quá. Còn hình kia là một du khách.
— Và không ai trông có vẻ dân bán hàng rong cả, ông Zak à.
— Có thể bọn này đã cấu kết với Raza và con bán đồ dỏm trên một vài mặt nào đấy – Constantine nói – Rồi sau khi con này chết, Raza đã cố hủy hết bằng chứng. Vì thế mà hắn dã đổ hết nước trong chai đi.
Morton gật đầu.
— Tôi không biết có phải một trong các con này là người đã chết trong vụ nổ không ? Nhưng theo tin chặn được và theo việc so các mảnh chai của nhân viên ông, thì tôi thấy là có thể con đàn bà chết ở vụ nổ xe dầu đã mang theo một lượng vi rút bệnh than B.C, nhưng đã bị tiêu hủy với nó luôn. Không có cách nào chúng ta biết được lượng là bao nhiêu. Nhưng Raza chắc còn để lại một ít. Có thể hắn đã đổ chất pha chế trong chai đi để đổ vi rút vào. Nhưng phài chăng hắn đã để mất một số trong vụ nổ xe dầu, nên hắn không có đủ để đổ vào chai, vì thế phải vứt bớt chai dư đi ?
Constantine lắc đầu.
— Nhưng chắc chắn hắn phải có phòng thí nghiệm mới có thể thay chai được chứ ? Ở đây không có dấu hiệu gì về việc chúng đã làm như thế.
— Có thể hắn đã làm tại đâu đó. Còn đây có lẽ là một trung tâm phân phối mà thôi – Morton nói.
Người phụ tá giám đốc an ninh đi kiểm tra những nhà sản xuất nước hoa trở về, báo cáo rằng không có hãng nào là Đêm Hy Lạp hết. Constantine ra lệnh cho ông ta lục soát tất cả các phòng thí nghiệm trong vùng để tìm bằng chứng.
— Tôi cần gọi điện thoại, Zak – Morton nói-
— Ông dùng cái này đi – Người kỹ thuật viên đã lấy dấu tay xong máy fax lên tiếng.
Morton gọi cho Danny ở Tel Aviv.
— Nghe đây, Danny. Tôi thấy chúng ta đã nắm được mấu chốt rồi. Đó là những chai nước hoa có nhãn hiệu Đêm Hy Lạp. Báo cho Wolfie báo động với Fuller cho người lùng sục để thu hết những chai có nhãn ấy. Báo cho họ đừng mở chai. Nói Matti và Lacouste báo cho nhân viên Hải quan biết. Tôi sẽ fax cho anh một mẫu nhãn và một tấm ảnh. Nói cho mọi người biết phải chú ý xem giấy chứng minh của phụ nữ. Anh hãy báo động khẩn cho các nơi biết để mọi người đề phòng loại chai như thế.
— Tuân lệnh – Danny trả lời – Có Costas ở đấy với anh không ? Nếu có, anh làm việc luôn. Đã đến lúc trị anh ta rồi.
— Trễ rồi, Danny – Morton buồn rầu nói. Ông kể hết sự tình cho Danny nghe.
Sau khi gác máy, Morton lấy chai nước hoa nhúng vào bồn nước để lột cái nhãn ra. Ông lau khô cái nhãn rồi dán vào một tờ giấy ảnh. Ông dán một tấm ảnh đã ghép khi nãy trên một tò giấy khác, rồi fax cả hai cho Danny. Đoạn, ông bấm số đường dây điện thoại trực tiếp đến phòng lái chiếc máy bay Concorde, ra lệnh cho anh phi công thu xếp để chuẩn bị bay đi Frankfurt.