Tiếng trống thùng thùng dồn dập từ cổng chính hoàng cung vang ra bốn phương tám hướng, sau đó tất cả các chòi canh trên các con phố lớn từ bốn phía đông tây nam bắc lần lượt thi nhau điểm canh, năm tiếng trống canh rõ ràng, tổng cộng gần tám trăm tiếng. Trong tiếng trống canh dồn dập, cổng chính của hoàng cung, cổng chính của hoàng thành, cửa các nhà trên các con phố lục tục mở ra.
Tất cả chùa lớn miếu nhỏ trong thành Lạc Dương cũng tham gia náo nhiệt, các tăng lữ sư sãi gõ mõ tụng kinh buổi sáng, tiếng trống dồn quyện lẫn trong tiếng chuông trầm lắng xa xăm thức tỉnh toàn thần đô Lạc Dương, trăm vạn dân chúng cùng chào đón mặt trời từ từ ló dạng ở phương đông.
Trên các phố phường, các tiệm ăn bình dân nhỏ cũng lục tục mở cửa buôn bán sau tiếng trống canh từ Tắc Thiên môn.
Trong phường Tu Văn, những hàng quán bình dân khắp nơi bắt đầu khơi bếp nhóm củi đốt lửa.
Viên sư phó người Hồ mình trần trùng trục đang đập bột làm bánh nướng “bộp bộp”…
Mạnh sư phó của tiệm Giao Đông Lai nhấc cái lồng hấp, một luồng hơi nước trắng xóa tỏa ra, mùi bột bay tứ phía…
Một lão nhân để hai hàng ria mép uốn cong như cái móc rề rà lấy cái kẹp bằng trúc gắp từng cái bánh vừng nướng vừa chín tới bày ra cái sọt bằng trúc, bánh vừng nướng kiểu người Hồ màu vàng óng, giòn tan, mùi thơm ngào ngạt xộc vào mũi…
Ở góc con phố lớn số mười và ngõ hẻm thứ hai, có dựng một căn lều nhỏ, căn lều đủ che một cái nồi lớn, bên cạnh kê một cái mặt bàn dài dài, một cô nương khoảng mười sáu mười bảy tuổi đeo cái tạp dề bằng vải xanh, tay áo xắn lên lộ ra hai cánh tay trắng như tuyết, một tay vừa làm vừa đon đả chào khách.
Cô chủ quán cũng có chút nhan sắc, nhất là đôi môi mọng hơi dẩu ra, nhìn thật tươi tắn.
Đừng trông thấy quán này của nàng nho nhỏ mà lầm, trong nồi nước súp sôi sùng sục có đủ tim gan tì phế thận các loại, dưới lò đốt củi, trên cái thớt bên cạnh có một khối bột mì nhào kỹ. Cái chày cán bột trong tay nàng thoăn thoắt tới lui, chẳng mấy chốc cán ra một tấm bánh mỏng. Nàng nhanh tay gấp nó thành nhiều lớp, lấy dao cắt ra nhiều sợi mì nhỏ.
Quán đông khách, công việc dồn dập túi bụi, nào là nhào bột, cán cho mỏng, cắt thành sợi, canh lửa nồi súp, chào mời khách… một mình nàng làm mọi thứ một cách gọn gàng đâu vào đó.
Một hán tử cao gầy mặc áo bào rộng, chân đi guốc gỗ già lâu năm, rất có phong thái cổ xưa của người thời Hán, thời Tấn, phơi phới đi đến trước quán, ngắn gọn gọi:
– Một tô mì!
Quán bán mì tàu, không cần gọi cũng biết là ăn cái gì, chẳng qua hán tử kia muốn chào cô chủ quán.
Cô chủ quán họ Giang, vì nàng là con một được cha mẹ cưng nên đặt cho nàng một cái tên là Giang Húc Ninh. Mì tàu của Giang cô nương là ngon nhất trong phường Tu Văn, sáng sớm thức dậy làm tô mì bụng vừa ấm lại vừa no, dân cư quanh vùng cũng quan tâm nên thường ghé quán ăn mì, sau một thời gian, mọi người đều gọi nàng là cô chủ quán mì mà không gọi tên.
– Có ngay!
Giang cô nương trả lời, cầm một cái tô lớn, gắp một vắt mì trong nồi nước sôi, múc thêm hai muôi nước súp. Vì là khách quen, nàng không cần hỏi cũng biết rõ khẩu vị của khách, nàng mau mắn bỏ vào tô một chút hành thái nhỏ, chút gừng và hẹ. Hán tử cao gầy ăn mặc theo phong thái cổ thời Hán Tấn trả nàng ba văn tiền, sắn một tay áo lên bưng tô mì rồi ngồi xổm xuống ven đường húp xì xụp.
“Người cổ xưa thời Hán Tấn” vừa rời khỏi, một người khách khác đã tới, vị khách này có vóc người nhỏ thó, chỉ cao nhỉnh hơn cái nồi súp lớn một chút xíu, trên đầu quấn một cái khăn kiểu cổ đại, tuy vậy đầu tóc vẫn bù xù như không quấn. Y ra chiều lịch sự khom người chào Giang cô nương bằng cái giọng Đại Đường cứng ngắc:
– Phần tôi, một tô, cảm ơn.
Đó là một người Oa (người Nhật Bản, theo cách gọi của người Trung Quốc thời xưa), tuy là người nước khác nhưng y vẫn chỉ phải trả bằng giá tiền, thái độ của y đối với cô chủ vô cùng khách sáo. Trước kia người Oa cũng không có thái độ khiêm nhường như vậy, nhưng sau “chiến dịch Bạch Giang” hồi mấy năm trước, quân Đại Đường tiêu diệt toàn bộ quân đội người Oa, từ đó người Oa không còn dám ra vẻ trịch thượng cuồng ngạo kiểu “Đông thiên hoàng ở trên Tây thiên hoàng” như cũ.
(Trận chiến Bạnh Giang khẩu nổi tiếng năm Long Sóc thứ ba thời Đường – năm 663. Lực lượng phục quốc Bách Tế – một nước thuộc bán đảo Triều Tiên – và một hạm đội hải quân Nhật Bản đã tập hợp tại miền nam Bách Tế để đương đầu với lực lượng Tân La và nhà Đường trong Trận Bạch Giang (Baekgang). Nhà Đường cử đến 7.000 binh lính và 170 tàu. Sau 5 trận hải chiến vào tháng 8 năm 663 tại Bạch Giang, được coi là khu vực hạ lưu của sông m hay sông Dongjin, lực lượng Tân La-Đường đã giành được chiến thắng)
Ở cái cổng chính lớn ra vào phường Tu Văn, một đám đông dân chúng đứng tụ tập chờ cổng mở để đi ra ngoài, bởi vì đám tránh đinh chậm chạp chưa mở cổng phường, có người nhịn không được chạy tới cái đình treo trống canh gõ trống thùng thùng liên hồi. Hai tên tráng đinh trực phường hôm đó lúc này đang khoan thai chậm rãi sóng vai trên con phố lớn số mười đi tới.
Tên tráng đinh đi bên trái khoảng chừng mười tám mười chín tuổi, vừa đi vừa ngoác miệng ngáp như hà mã ngáp. Gã vừa ngáp vừa lấy một tay dụi mắt, còn tay kia thò sang hông sờ tìm chìa khóa, quần của gã trễ xuống tới thắt lưng, khăn vấn đầu thì xộc xệch, bàn chân như có gắn lò xo, bước đi trên đường rầm rập rầm rập, đúng là hình tượng của một tên bất lương đầu đường xó chợ.
Chức năng của đám tráng đinh làm việc cho phường này (gọi tắt là phường đinh) cũng giống như bảo vệ khu phố thời hiện đại, phường thuê mướn bọn họ, tiêu chuẩn lựa chọn chủ yếu là giỏi đánh đấm, dữ dằn, có thể dùng vũ lực duy trì trật tự. Thời đó, những người làm công việc như bọn họ được gọi là “thành phần bất lương”, mà với cái kiểu du côn du đãng đàn áp người như thế, cũng không uổng khi bọn họ bị thiên hạ gọi như vậy.
Tráng đinh đi bên cạnh gã “bất lương” kia trông nhỏ hơn khoảng hai tuổi, rất ưa nhìn, eo nhỏ vai rộng, dáng người cao và thẳng tắp như cây thước, cả người toát ra vẻ hoạt bát lanh lợi.
Thiếu niên này nhìn khôi ngô tuấn tú, hai hàng lông mày sáng, mũi thẳng tắp, môi dày viền rõ nét, khuôn mặt có pha một chút thanh tú của con gái, khi cười lộ ra hai cái lúm đồng tiền nhỏ. Dáng đi của thiếu niên khác xa tên phường đinh kia, khi đi vai không rung, người thẳng tắp, bước vững vàng.
Tên phường đinh mặt mày ngái ngủ tên là Mã Kiều, là con một trong nhà nhưng có rất nhiều anh em họ, trong đám anh em họ gã đứng hàng thứ sáu cho nên người trong phường quen gọi gã là Mã Lục.
Người thiếu niên đi bên phải của gã tên là Dương Phàm, dọn đến thành Lạc Dương khoảng nửa năm trước, nghe nói là người ở vùng Giao Chỉ, ở quê nhà còn có một anh trai cho nên mọi người thường gọi chàng là Dương Nhị hay Nhị lang.
Các cô nương, các thiếu phụ lớn nhỏ trong phường khi rảnh thường tụ tập nhiều chuyện với nhau đều công nhận Dương Phàm là người tuấn tú đẹp trai nhất trong một trăm tám mươi bảy phường đinh của phường Tu Văn, hơn nữa tính tình chàng hoà đồng, thật thà chất phác, lại còn hay thẹn thùng xấu hổ khi gặp người khác phái, đó là một cái duyên – cái duyên với phụ nữ.
Lúc này, chàng đang mỉm cười gật đầu chào hỏi bà con láng giềng xung quanh, làn da màu lúa mì mạnh khỏe, hàm răng trắng bóng. Chàng thuộc mẫu người rất được phái đẹp ưa thích, nhất là khi chàng cười, nụ cười có chút bẽn lẽn, có chút thẹn thùng, đụng phải cô gái tinh nghịch nào đó liếc mắt đưa tình, mặt chàng liền đỏ tới mang tai. Điều này càng làm cho các cô nàng nổi lên tính thích trêu chọc.
Phụ nữ là một loại sinh vật kỳ lạ, giống như cái lò xo, ngươi tấn công mạnh nàng giãn ra, ngươi thờ ơ nàng sáp lại. Gặp phải một người trẻ tuổi tuấn tú đẹp trai, chưa nói tiếng nào mặt mày đã đỏ lựng, những cô nương thiếu phụ vô công rỗi nghề trong phường thường thích trêu chọc, trêu cho tới khi mặt chàng đỏ lên vì xấu hổ, nhân đó các nàng được một cơ hội cười vui vẻ thoải mái buổi sớm mai.
Mã Kiều đi tới trước cổng phường, lại nghe tiếng trống thùnh thùng liên hồi, tức mình gắt:
– Gọi cái gì mà gọi, gõ cái gì mà gõ, có phải kíp về chịu tang nhà đâu mà làm gì gấp thế!
Một lão nhân vỗ vào đầu của gã quát:
– Cút đi thằng của nợ, coi chừng tao về mách với mẹ mày! Học theo Nhị lang kìa, con người ta lễ phép, ngoan ngoãn, nhỏ hơn mày hai tuổi mà chững chạc hơn nhiều!
Mã Kiều bị bà con cô bác chòm xóm, những người biết gã từ tấm bé mắng cho một trận liền ngậm bồ hòn, nhủi như chuột cống, chen đám đông tới trước cổng phường móc chìa khóa ra mở, Dương Nhị cũng lấy chìa khóa của mình ra mở một cái khóa khác.
Cổng phường vừa mở ra, đám đông dân chúng chờ sẵn người xách giỏ, kẻ quang gánh, người đẩy xe, dắt lừa… cùng chen chúc ùa ra.
Mã Lục và Dương Nhị đang mở cửa không kịp tránh qua một bên, hai người bị đẩy tới đẩy lui như ngọn cỏ lau đung đưa trước gió. Mã Lục đang ngái ngủ, lại bị đẩy nghiêng ngả đầu óc quay cuồng, còn Dương Nhị thì… hì hì! Không biết là con gái nhà nào cố tình trong lúc chen lấn sờ mông chàng. Phụ nữ thời Đường của chúng ta rất can đảm, thưởng thức cái đẹp không chỉ là đặc quyền của cánh đàn ông, nếu các nàng thấy người khác phái nào đẹp trai ưa nhìn, hợp khẩu vị, các nàng sẵn sàng lợi dụng cơ hội để sờ mó.
Đợi cho đám đông trước cổng phường đi hết sạch, Mã Kiều và Dương Phàm bị quay mòng mòng như con vụ lúc này mới dừng lại, Dương Phàm quay sang rủ Mã Kiều:
– Kiều ca, đi ăn mì không?
Mã Kiều ngáp một cái dài, khoát tay nói:
– Không được, mẹ ta đã nấu cơm xong, ta về nhà ăn.
Mã Kiều nổi danh có hiếu trong phường, người trong phường thậm chí còn muốn tiến cử gã làm nhân tuyển cho danh hiệu hiếu thảo liêm khiết báo danh về triều. Đáng tiếc “danh hiệu hiếu liêm” điều đầu tiên phải hiếu thảo với cha mẹ, hơn nữa còn phải bác học đa tài, hành vi thanh liêm.
Mã Kiều chỉ được cái hiếu thảo với cha mẹ, đừng nói tới học rộng tài cao, tên đầu đất này ngay cả một chữ bẻ đôi cũng không biết, còn hành vi thanh liêm của gã thì… khỏi phải bàn tới!
Dương Phàm gật đầu đáp ứng, Mã Kiều với dáng đi của “phường đinh bất lương” rầm rập bỏ đi trên con phố lớn số mười. Gã đi được vài bước đột nhiên nhớ ra điều gì đó vội vàng xoay người dừng lại nói to với Dương Phàm:
– Tiểu Phàm, tối nay, chỗ cũ.
Mã Kiều đánh mắt hai lần với Dương Phàm trong lúc nói, Dương Phàm hiểu ý gật đầu cười đáp:
– Hiểu rồi! Kiều ca yên tâm, ta nhất định tới đúng giờ.
Mã Kiều gật gật đầu, ngáp thêm một cái rồi mới xoay người bỏ đi. Dương Phàm chợt gọi với theo, ngó trước ngó sau một phen rồi hồ nghi hỏi:
– Tối hôm qua chúng ta cũng không làm gì, ngươi vì sao lại mệt mỏi buồn ngủ như vậy?
Mã Kiều lập tức đứng lại, mặt tái xanh không còn hột máu trợn mắt quát:
– Mỗi ngày đều dậy sớm như vậy, ngươi không mệt mỏi buồn ngủ à?
Dương Phàm nhìn bóng lưng của Mã Kiều, lắc lắc đầu rồi đi về phía quán mì của Giang Húc Ninh.
Các thực khách đang ngồi xổm ven đường bưng tô mì thấy chàng đi đến đều nhiệt tình chào hỏi:
– Dương Nhị, dậy sớm ha!
– Nhị Lang, chào buổi sáng!
Thời gian thoi đưa, đó là năm Vĩnh Xương nguyên niên.
Đây là một buổi sáng ở đông đô Lạc Dương, cũng là một buổi sáng ở phường Tu Văn Lạc Dương!