, trong nhiều phút, giận dữ có, lo lắng có và bối rối cũng có. Tôi không biết nên hét, hay khóc, hay đấm đá một cái gì đó để giải tỏa. Tôi đã cố thử ngồi đọc truyện để tạm quên đi cuộc đời thê thảm của mình, và khi không thấy có kết quả gì, tôi quay sang bật TV. Nhưng tôi chẳng thấy hứng thú muốn xem chương trình nào cả, ngay đến các bài hát trong iPod của tôi cũng chỉ càng làm cho tôi nổi điên hơn.
Đầu óc tôi là một mớ hỗn loạn, các ý nghĩ cứ bay vèo vèo trong đầu, quá nhanh để nắm bắt. Và cho dù tôi có làm gì hay đứng ở đâu thì tôi cũng không sao chạy thoát được khỏi cái tâm trạng đang rối như tơ vò này. Tôi đang cân nhắc tới chuyện dùng một viên thuốc ngủ – với hy vọng có thể trốn đi đâu đó một lúc – thì thấy điện thoại trong túi rung.
Lại thêm một tin nhắn từ anh Nash. Em ok chứ?
Vâng. Tôi nói dối. Anh? Suýt chút nữa tôi đã nhắn là anh nói đúng. Rằng đáng ra tôi không nên kể chuyện này cho bác nghe. Nhưng nhắn như vậy thì dài quá.
Anh vẫn ổn. Đang ở chỗ anh Carter, anh nhắn lại. Sẽ gọi cho em sau.
Tôi định nhắn tin cho Emma, nhưng chợt nhớ ra là cậu ấy vẫn đang bị phạt cấm túc. Tôi quá hiểu tính mẹ cậu ấy, sẽ không có chuyện cậu ấy được giảm nhẹ tội đâu, kể cả khi vừa phải chứng kiến một người bạn cùng lớp qua đời.
Nản chí và kiệt sức, cuối cùng tôi ngủ thiếp đi trong lúc đang xem dở bộ phim trên TV, mà tôi cũng chẳng hiểu nó nói về cái gì. Gần một tiếng sau, theo như cái đồng hồ báo thức ở trên bàn, tôi choàng tỉnh dậy với tay tắt TV. Và tôi chợt nhận ra rằng suýt chút nữa đã bở lỡ một điều quan trọng.
Hay ít ra là một màn kịch hay.
Sau khi tiếng TV đã tắt, tôi nghe thấy tiếng hai bác tranh cãi nhau khá căng thẳng, nhưng không đủ to để tôi có thể hiểu được nội dung của câu chuyện. Tôi rón rén đứng dậy mở hé cửa ra và nín thở chờ đợi, cho tới khi chắc chắn không có ai nghe thếy tiếng kẹt cửa. Tôi ngó đầu qua khe cửa và dòm ra ngoài hành lang.
Hai bác đang ở trong bếp; cái bóng mảnh khảnh của bác gái lướt qua lướt lại trên tường. Và rồi tôi nghe thấy tiếng bác ấy thì thào nhắc đến tên tôi – thậm chí là hạ hẳn giọng khi nói tên tôi. Tôi nuốt nước bọt cái ực, có lẽ bác ấy đang cố thuyết phục bác Brendon mang tôi trở lại bệnh viện.
Tôi sẽ không đời nào để chuyện đó xảy ra.
Nóng máu, tôi mở to cửa ra và nhón chân đi ra hành lang. Nếu bác Brendon dám gật đầu, tôi sẽ bước tới nói thẳng cho họ biết rằng mình sẽ không quay trở lại đó. Hoặc có thể tôi sẽ nhảy lên xe và bỏ đi, cho tới khi hai bác ấy hiểu ra vấn đề mới thôi. Tôi có thể ở nhà Emma. Ơ mà khoan… Cậu ấy đang bị phạt cấm túc. Thế thì qua nhà anh Nash.
Nói chung là tôi qua nhà ai không quan trọng, miễn không phải khoa tâm thần là được.
Tôi nhúc nhích từng bước trên hành lang, mừng thầm vì đôi tất bông và cái sàn gỗ dưới chân không phát ra tiếng động. Tôi chỉ còn cách cánh cửa phòng bếp vài bước thì nghe thấy tiếng bác Brendon, giọng bác ấy vẫn đang thì thào nhưng khoảng cách này thì tôi có thể nghe thấy rõ mồn một.
“Em đang phản ứng hơi quá rồi đấy, Valerie ơi. Lần trước con bé chẳng phải đã vượt qua được rồi còn gì, lần này cũng sẽ thế thôi. Anh thấy chẳng có lý do phải làm phiền tới chú ấy, để yên cho chú ấy làm việc.”
Tôi rất biết ơn vì bác Brendon đã đứng về phía tôi, kể cả khi bác ấy cũng không hề tin vào mấy cái linh cảm của tôi nhưng tôi không cho rằng bác sỹ Nelson sẽ cảm thấy “phiền” vì một cuộc điện thoại liên quan tới bệnh nhân của mình. Nhất là khi bác ấy được trả tiền để làm điều đó.
“Ngoài cách đấy ra em cũng chẳng biết phải làm gì nữa” – bác Val thở dài – “Con bé rõ ràng đang rất bối rối, và em nghĩ là em đã làm cho tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn. Kaylee hình như đã đoán được có chuyện gì đó đang xảy ra. Em đã cố gắng thuyết phục con bé dùng một viên an thần, nhưng nó đã ném cả cái lọ thuốc vào tủ lạnh.”
Bác Brendon tủm tỉm cười. “Tại con bé biết là mình không cần phải dùng mấy viên thuốc vớ vẩn đó mà.”
Quá chuẩn! Hiếm khi tôi thấy bác dám đi ngược lại ý vợ như thế này và tôi rất sẵn sàng sát cánh bên bác ấy trong trận chiến này…
“Tất nhiên là không cần rồi” – giọng bác Val đầy mệt mỏi, và cứ theo cái bóng trên tường thì có vẻ như bác ấy vừa khoanh tay lại trước ngực – “Mấy viên thuốc đó chỉ là giải pháp tạm thời thôi, giống như việc anh đút một ngón tay vào vết nứt của một con đập ý. Cái con bé thực sự cần là cậu em trai của anh, và nếu anh không gọi cho chú ấy, em sẽ gọi.”
Bố tôi á? Bác Val muốn bác Brendon gọi cho bố tôi á? Không phải bác sỹ Nelson sao?
Bác Brendon thở dài. “Anh rất không muốn phải khơi lại chuyện đó, nếu chúng ta có thể trì hoãn thêm một thời gian nữa” – cửa tủ lạnh mở ra, liền sau đó là tiếng bật nắp lon soda và tiếng bác trai thì thào – “Có thể chỉ là ngẫu nhiên khi chuyện đó xảy ra hai lần trong vòng một tuần. Và sẽ không xảy ra trong vòng một năm tới, thậm chí là lâu hơn nữa.”
Bác Val hậm hực gắt lên. “Anh Bredon, anh đâu có nhìn thấy con bé lúc nãy. Không nghe thấy câu chuyện của nó. Con bé nghĩ mình đang bị mất trí. Kaylee phải sống nhờ thời gian đi mượn đã đủ thảm lắm rồi, con bé đâu cần phải sống nốt quãng thời gian còn lại của mình với ý nghĩ rằng mình đang bị điên.”
Thời gian đi mượn?
Tôi đã bị sốc toàn tập, choáng váng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bác ấy nói như thế nghĩa là sao? Tôi đang bị ốm? Tôi sắp chết? Tại sao trước giờ họ không hề nói gì cho tôi biết vậy? Làm sao tôi có thể sắp chết khi mà tôi vẫn cảm thấy khỏe mạnh thế này? Ngoại trừ việc tôi có thể biết trước, khi có người sắp chết…
Và nếu điều bác Val nói là sự thật, chẳng phải tôi sẽ là người biết đầu tiên nếu người sắp chết là tôi sao?
Bác Brendon thở dài ngồi phịch xuống ghế. “Thôi được rồi. Cứ gọi cho chú ấy nếu em muốn. Có thể em nói đúng. Chỉ là anh đã hy vọng rằng chúng ta sẽ có thêm một đến hai năm nữa. Ít nhất là cho tới khi con bé tốt nghiệp trung học.”
“Chúng ta cũng không chắc chắn được điều đó mà” – bác Val lộp cộp đi ra khỏi bếp và tôi cũng đã kịp rút thật nhanh về phòng của mình. Đột nhiên bác ấy dừng lại, quay đầu hỏi vọng vào bếp – “Số điện thoại để đâu ý anh nhỉ?”
“Đây, dùng luôn điện thoại của anh đây này. Cái tên thứ hai trong danh bạ ý.”
Cái bóng trên hành lang của bác Val kéo dài ra vào bếp, chứng tỏ bác ấy đang quay lại lấy điện thoại của chồng. “Anh chắc là không muốn gọi cho chú ấy chứ?”
“Chắc chắn.”
Có tiếng kéo ghế ở trong bếp, và chỉ độ một giây sau đã thấy bóng bác Val ngồi trên ghế hiện lên tròn ủng trên tường, và tiếng bác ấy bấm số điện thoại líu chíu. Tôi nín thở, chăm chú lắng nghe, như nuốt từng câu của bác.
“Chú Aiden đấy à? Tôi, Valerie đây” – bác ấy dừng lại một lúc, tất nhiên là tôi không thể biết bố tôi đang nói gì rồi – “Mọi người vẫn khỏe. Anh Brendon đang ngồi cạnh tôi. Anh chị gọi là để nói với chú về cháu Kaylee.” Lại khoảng lặng nữa trôi qua.
Bác Val lại thở dài và cái bóng trên tường đang ngả ra sau ghế. “Tôi biết, nhưng chuyện đó lại xảy ra.” Tạm ngừng. “Tất nhiên là tôi chắc chắn rồi. Hai lần, chỉ trong vòng ba ngày vừa qua. Con bé không hề nói với anh chị lần đầu tiên, nếu không chắc tôi đã phải gọi cho chú sớm hơn rồi. Tôi cũng không biết làm thế nào mà con bé có thể giữ im lặng về chuyện đó như vậy.”
Bố tôi lại nói gì đó.
“Tôi đã nói rồi, nhưng con bé nhất quyết không chịu uống, và tôi thì không hề muốn ép buộc con bé. Tôi nghĩ thuốc thang không còn có tác dụng gì nữa đâu, chú Aiden ạ. Đã đến lúc kể hết sự thật cho con bé nghe rồi. Chú nợ con bé điều đó.”
Bố nợ tôi á? Không sai, bố nợ tôi một sự thật – cho dù sự thật đó là gì đi chăng nữa. Cả ba người họ đều nợ tôi.
“Đành rằng như vậy, nhưng tôi nghĩ con bé nên được nghe từ chính miệng của bố mình.” – giọng bác ấy có vẻ đang bực bội thấy rõ.
Tiếng trong điện thoại vọng ra nghe giống như đang cố tranh luận lại với ý kiến của bác Val. Bố tôi nên hiểu rằng trên đời này không ai có thể cãi lý được với bác Val. Một khi bác ấy đã hạ quyết tâm thì không gì có thể thay đổi được.
“Aiden Cavanaugh, tốt nhất là chú hãy lên máy bay ngay trong ngày hôm nay nếu không tôi sẽ gửi trả lại con gái cho chú đấy. Con bé xứng đáng được biết sự thật, và chú sẽ phải là người nói ra điều đó, bằng cách này hay cách khác.”
TÔI CHUỒN VỀ PHÒNG, trong trạng thái vẫn chưa hết choáng váng, bối rối và có chút tự hào về bà bác dâu của mình. Cho dù cái sự thật bí ẩn đó là gì đi chăng nữa, thì bác ấy vẫn muốn tôi được biết. Và bác ấy không hề nghĩ rằng tôi bị mất trí. Cả bác ấy và bác Brendon.
Nhưng hình như họ đang nghĩ rằng tôi sắp chết.
Nếu thế thì tôi chẳng thà bị điên còn hơn.
Trước giờ tôi chưa một lần suy ngẫm về cái chết của bản thân, có lẽ bởi tôi sợ rằng ý nghĩ ấy sẽ khiến cho tôi kinh hãi và hoảng loạn. Nhất là khi tôi gần như vừa phải chứng kiến cái chết của một người chỉ mới hai tiếng trước. Tuy nhiên, thay vì khiếp sợ, toàn thân tôi chỉ lặng đi vì bất ngờ.
Phải mất một lúc sau, nỗi sợ hãi mới bắt đầu dâng trào trong tôi, siết chặt lấy cổ họng tôi và khiến cho trái tim tôi đập nhanh, như muốn rớt ra khỏi lồng ngực. Có điều, đó vẫn là một nỗi sợ xa xăm, bởi tôi vẫn chưa hề có ý niệm gì về cái chết của mình, về việc một ngày nào đó tôi sẽ không còn tồn tại trên thế gian này.
Có lẽ bởi cái tin đó ập đến quá bất ngờ nên tôi vẫn chưa kịp lãnh hội hết được. Hoặc đơn giản là vì tôi không tin. Dù là lý do nào đi chăng nữa thì cái tôi cần bây giờ là một người để tôi có thể tâm sự cùng, mà không phải nơm nớp lo rằng người đó đang có những bí mật khủng khiếp giấu giếm mình. Tôi nhắn tin cho Emma, với hy vọng mẹ cậu ấy đã gỡ lệnh cấm vận điện thoại.
Để rồi tiu nghỉu khi nhận được tin nhắn trả lời của cô Marshall rằng Emma vẫn đang bị cấm túc, và cậu ấy sẽ gặp tôi ngày hôm sau tại lễ truy điệu của Meredith, nếu tôi có kế hoạch tham dự.
Tôi nhắn lại thông báo là mình sẽ có mặt ở đó, rồi quăng cái điện thoại sang một bên đầy căm phẫn. Có công nghệ để làm gì khi mà bạn bè của bạn luôn bị cấm sử dụng? Hoặc đang mải đàn đúm với đồng đội của mình?
Không có gì khá hơn để làm, tôi đành quay ra bật TV xem, nhưng không sao tập trung được bởi đầu óc cứ mải suy nghĩ về đoạn hội thoại vừa nghe lỏm được trong bếp. Tôi ngồi phân tích từng từ từng chữ, cố gắng chấp nối các sự kiện lại với nhau để xác định xem rút cuộc họ đang giấu tôi chuyện gì.
Tôi đang bị bệnh; điều đó thì đã quá rõ rồi. Chứ không tôi nên phải hiểu câu “phải sống nhờ vào thời gian đi mượn” của bác Val như thế nào? Tôi bị bệnh gì nhỉ? Bệnh quái quỷ gì mà triệu chứng đầu tiên là “linh cảm được về cái chết” và sau đó người bị bệnh cũng chết là sao?
Trên đời này làm gì có bệnh nào như thế, trừ phi họ lại đang nói về chứng bệnh tâm thần phân liệt. Không thể nào, bởi vì chính mồm hai bác ấy đều đã công nhận là tôi không cần phải dùng mấy loại thuốc an thần đó.
Bệnh gì mà có thể khiến tôi nghĩ rằng mình đang bị điên nhỉ?
Để mặc TV đấy không buồn xem, tôi chạy ra chỗ bàn học và ấn nút bật máy tính lên. Đó là một chiếc máy xách tay hiệu Gateway, mà bố mua tặng cho tôi nhân dịp sinh nhật năm ngoái. Từng giây trôi qua, cảm giác lo âu ban đầu đã dần biến thành nỗi sợ hãi đang ngày một lớn dần trong tôi.
Tôi sắp chết rồi.
Chỉ bốn chữ đó thôi cũng đủ khiến tôi dựng hết cả tóc gáy. Tôi không thể ngồi yên, dù chỉ là vài phút đợi Windows khởi động. Khi thấy hai chân bắt đầu rung bần bật, tôi quyết định đứng dậy đi ra chỗ tủ quần áo và nhìn vào gương. Nếu tôi quả thực sắp chết thật thì tôi phải nhìn thấy bản thân mình chứ. Tôi vẫn nhìn thấy những người khác được mà.
Nhưng có một điều lạ là tôi chẳng cảm nhận được điều gì khi nhìn vào hình ảnh của mình trong gương, trừ một nỗi phiền muộn về làn da tai tái và thân hình không có gì là đặc biệt của mình. Riêng về khoản này thì tôi đúng là rất ghen tỵ với chị Sophie.
Hay là “năng lực” ấy không có tác dụng với các hình ảnh phản chiếu nhỉ? Tôi chưa bao giờ nhìn thấy chị Heidi hay Meredith ở trong gương. Hít một hơi thật sâu, tôi nín thở liếc xuống nửa thân dưới của mình, không biết nên sợ cái cảm giác bị tiếng thét cào cấu nơi cổ họng hơn hay là cảm giác không cảm nhận được điều gì.
Lại một lần nữa, tôi chẳng thấy gì hết.
Như thế có nghĩa là tôi không phải sắp chết, đúng không? Hay là cái “năng lực” chết người kia không có tác dụng với tôi? Hoặc đơn giản chỉ là chưa đến lúc nó hiện ra thôi? Aaaaaaaa! Mấy chuyện này đúng là làm người ta điên hết đầu.
Máy tính của tôi đã khởi động xong. Tôi lập tức gõ vào thanh công cụ tìm kiếm cụm từ “nguyên nhân tử vong chính thường gặp ở thanh thiếu niên” và hồi hộp chờ đợi.
Dòng kết quả đầu tiên hiện lên danh sách 10 nguyên nhân tử vong thường gặp ở người từ 15 đến 19 tuổi. Bị thương do không cố ý, bị sát hại và tự tử là ba nguyên nhân chính. Nhưng tôi chưa bao giờ có ý định tự kết liễu cuộc đời mình, và tai nạn là điều không thể đoán trước được. Cũng như các vụ án mạng, trừ phi hai bác nhà tôi có kế hoạch thủ tiêu tôi.
Bên dưới danh sách đó còn liệt kê một loạt các nguyên nhân khác, không kém phần kinh dị, ví dụ như bệnh tim, nhiễm trùng hô hấp, và đái tháo đường… Nhưng mấy bệnh này thường có những triệu chứng rất điển hình mà nếu có, chắc chắn tôi đã phải nhận ra.
Như vậy chỉ còn lại mỗi cái nguyên nhân thứ tư là nghe có vẻ hợp lý: Khối u ác tính. Mà các bác sỹ vẫn thường gọi ngắn gọn lại là ung thư.
Ung thư.
Đột nhiên mọi hy vọng tôi vẫn từng nuôi dưỡng, mọi giấc mơ tôi vẫn từng ấp ủ bỗng trở nên vô cùng mong manh dễ vỡ.
Tôi có một khối u trong người. Nếu không thì còn nguyên nhân nào khác đâu? Chắc tôi bị ung thư não, và nó tác động tới hệ thần kinh của tôi, khiến cho các giác quan của tôi trở nên khác thường như thế.
Như vậy có nghĩa là mấy cái linh cảm đó của tôi không phải là thật? Khối u trong não chính là thủ phạm gây ra ảo giác và là nguồn gốc của những cơn hoảng sợ của tôi? Không lẽ tôi cũng đã tưởng tượng cả ra việc dự báo về cái chết của chị Heidi và Meredith?
Không hề. Không thể nào. Dù là do bệnh đi chăng nữa thì cũng không thể nào thật đến như thế được.
Mồ hôi vã ra như tắm, tôi hấp tấp mở thanh công cụ tìm kiếm mới và gõ cụm từ “các triệu chứng của bệnh ung thư não.” Kết quả đầu tiên tìm được là một trang web về ung thư với bảy loại ung thư não, kèm theo các triệu chứng điển hình của từng loại. Nhưng tôi chẳng có bất kỳ một triệu chứng nào trong số đó cả. Không buồn nôn, co giật hay mất thính lực. Cũng chẳng gặp khó khăn trong nói năng, vận động hay bị rối loạn tầm nhìn. Không hoa mắt chóng mặt, đau đầu hay suy nhược cơ. Lại càng không bị chảy máu hay phù nề bất thường, hoặc có những hành vi không kiểm soát được.
OK, có thể một số người sẽ cho rằng việc tôi lén tới CLB đêm là dấu hiệu của việc không kiểm soát được hành vi, nhưng tôi dám khẳng định rằng trong đám bạn bè đồng trang lứa của mình, không phải ai cũng có được những kỹ năng ra quyết định tốt như tôi, đấy là chưa nói đến khả năng kiềm chế và kiểm soát bản thân của tôi còn khá hơn rất nhiều người. Ví dụ như bà chị họ được-nuông-chiều-quá-mức-suốt-ngày-say-bí-tỉ của ai đó, mà tôi không tiện nói tên ra ở đây.
Nếu chỉ dựa trên các triệu chứng lâm sàng ấy, chắc có lẽ tôi đã loại bỏ khả năng ung thư não ra khỏi danh sách từ lâu rồi, cho tới khi tôi đọc được thông tin về những khối u ở thùy thái dương. Theo đó, các khối u tại thùy thái dương thỉnh thoảng làm giảm khả năng nói và gây ra co giật. Người bệnh gần như không có biểu hiện gì là bị bệnh.
Giống y như trường hợp của tôi.
Thôi, thế là đúng rồi. Tôi có một khối u trong thùy thái dương. Nhưng làm thế quái nào mà bác Val và bác Brendon biết được nhỉ? Quan trọng hơn là hai bác ấy đã biết được bao lâu rồi? Và tôi còn bao nhiêu thời gian nữa?
Tôi đóng sập cái nắp máy tính lại, thậm chí chẳng buồn tắt máy. Tôi cần phải nói chuyện với ai đó. Ngay bây giờ.
Tôi đẩy cái ghế sang một bên và bò lên giường bằng hai tay hai chân, không quên chộp lấy cái điện thoại trên gối. Ngồi dựa lưng vào tường, hai đầu gối co lên đến tận ngực, tôi vừa mở danh bạ tìm số điện thoại của anh Nash, nước mắt chảy ròng ròng trên má. Tôi đang đưa tay lên lau nước mắt thì anh Nash bắt máy.
“Alo?” – giọng anh đầy vẻ xao nhãng. Tôi nghe thấy tiếng hò reo ầm ỹ đằng sau, cùng vài tiếng ồ lên đầy tiếc nuối.
“Em đây” – tôi khịt khịt mũi để nước mũi không chảy xuống.
“Kaylee à?” – tôi nghe thấy tiếng đệm lò xo cọt kẹt lúc anh đứng dậy. Cuối cùng tôi cũng đã thu hút được sự chú ý của anh – “Sao thế em?” – anh vội hỏi – “Chuyện đó lại xảy ra à?”
“Không. Thế… anh vẫn đang ở chỗ anh Scott à?”
“Ừ. Đợi anh chút” – anh lấy tay che điện thoại, và tôi nghe loáng thoáng tiếng anh bảo ai đó bên cạnh – “Êu, cậu chơi hộ mình cái” – Sau đó là tiếng bước chân hối hả, và tiếng ồn phía bên kia đầu dây cũng đã giảm hẳn đi, cho tới khi tắt hẳn – “Anh đây, có chuyện gì thế?”
Tôi ngập ngừng, lăn người nằm sấp xuống giường. Chắc khi quyết định tiến đến với tôi, anh Nash cũng không thể ngờ rằng sẽ bị kéo vào tấn bi kịch này của tôi. Nhưng ít ra thì anh ấy đã không bỏ chạy trước những linh cảm của tôi về cái chết, mà tôi thì đang rất cần có người để nói chuyện, không anh Nash thì là mẹ của Emma. “OK, em biết chuyện này nghe có vẻ hơi điên nhưng em cũng không biết phải nghĩ sao nữa. Lúc nãy em nghe thấy hai bác nhà em cãi nhau, sau đó bác gái gọi điện thoại cho bố em” – tôi cố nuốt nước mắt – “Anh Nash… em nghĩ em sắp chết rồi.”
Ở phía đầu dây bên kia, anh Nash lặng thinh, tôi nghe có tiếng một chiếc ô tô vừa chạy vụt qua. Chắc là anh ấy đang đứng ở sân trước nhà anh Scott. “Khoan đã, anh không hiểu. Sao em lại nghĩ là mình sắp chết?”
Tôi gập cái gối lại làm đôi và dựa một bên má lên đó, để mặc cho nước mắt thấm ướt vỏ gối. “Bác em nói bác ấy cứ nghĩ em còn thêm thời gian, sau đó vợ bác ấy gọi cho bố em bảo là cần phải nói cho em biết sự thật, để em không nghĩ rằng mình bị điên. Em nghĩ chắc em bị ung thư não mất”
“Kaylee ơi, em đang 2+2=7 rồi đấy. Anh nghĩ em hiểu sai ý họ thôi” – anh Nash ngừng lại và tôi nghe thấy tiếng chân anh lộp cộp trên nền xi măng, giống như đang đi trên vỉa hè vậy – “Họ đã nói như thế nào, em kể chính xác lại cho anh nghe xem?”
Tôi ngồi thẳng người dậy và hít một hơi thật sâu cố gắng lấy lại bình tĩnh. Nãy giờ tôi nói chẳng ra đầu ra đuôi hèn gì anh ấy không hiểu gì là phải. “Là thế này… Bác Val nói em đang sống bằng thời gian đi mượn, và rằng em không nên uổng phí thời gian nghĩ rằng mình bị điên. Bác ấy nói với bố em rằng đã đến lúc em cần phải biết sự thật” – tôi đứng dậy và đi đi lại lại trên giường – “Như thế có nghĩa là em sắp chết đúng không anh? Và bác ấy muốn đích thân bố em phải nói với em điều đó, đúng không anh?”
“Đúng là họ có chuyện gì đó quan trọng muốn nói với em, nhưng anh không nghĩ nó có liên quan gì tới một khối u não đâu. Nếu em bị bệnh thật sự, chắc chắn đã phải có những triệu chứng biểu hiện của bệnh rồi.”
Tôi lao ra chỗ bàn học và di di con chuột để mở lại màn hình. “Em đã tra cứu về bệnh đó rồi, và…”
“Em đã tra cứu về các khối u não ý hả Kaylee? Chiều nay á?” – anh Nash ngập ngừng hỏi, tiếng bước chân cũng dừng lại – “Mấy chuyện này có phải vì Meredith không em?”
“Không phải!” – tôi trượt ghế ra khỏi bàn mạnh đến nỗi va cả vào thành giường – “Em đâu phải là một đứa bị ám ảnh bệnh tật! Em chỉ đang cố tìm hiểu tại sao chuyện này xảy ra với em và ngoài căn bệnh đó ra thì chẳng còn cách lý giải nào nữa” – tôi đưa tay lên ôm trán, cố hít tiếp một hơi thật sâu để lấy bình tĩnh – “cả hai bác ấy đều nói em không bị điên, như vậy có thể loại trừ bệnh liên quan đến tâm lý rồi. Chỉ còn lại bệnh về thể chất.”
“Và em nghĩ đó là ung thư não…”
“Em không biết phải nghĩ gì khác nữa. Có một loại ung thư não đôi khi không thể hiện bất kỳ triệu chứng nào. Chắc là em bị loại ung thư đó rồi.”
“Khoan đã…” – anh lại dừng lại – “Em nghĩ mình có một khối u trong đầu bởi vì em không có biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào à?”
OK, đúng là càng nói tôi càng thấy mấy cái lý do của mình đưa ra nghe rất buồn cười. Tôi nhắm mắt lại, ngả đầu ra sau ghế. “Hoặc có thể mấy cái linh cảm của em chính là triệu chứng. Một dạng hoang tưởng.”
Anh Nash cười phá lên. “Em không hề đang hoang tưởng, Kaylee ạ. Trừ phi cả Emma và anh cũng có u trong đầu. Bọn anh chẳng phải đều có mặt trong cả hai lần linh cảm của em và đã tận mắt chứng kiến một trong hai trường hợp đó xảy ra còn gì. Em không hề tưởng tượng ra mấy thứ ấy.”
Tôi ngồi thẳng dậy trên ghế, và thở phào nhẹ nhõm. “Em đã rất hy vọng là anh sẽ nói như ậy.” Thôi ít ra như thế tôi cũng còn được chút an ủi, rằng nếu có chết, tôi cũng ra đi với một tinh thần lành lặn và khỏe mạnh.
“Rất vui vì đã giúp được em” – tôi có thể cảm nhận được nụ cười của anh qua điện thoại, và như một phản ứng tự nhiên, tôi cũng nhoẻn miệng cười đáp lại.
Tôi gác một chân lên thành giường và ngửa mặt nhìn lên trần nhà. “OK, vậy là rất có thể em có được những linh cảm đó là do khối u trong đầu. Nó đã kích hoạt một phần nào đó trong bộ não của em mà hầu hết những người khác không thể.Giống như trong một bộ phim có John Travolta đóng ý.”
“Phim Saturday Night Fever á?”
“Không cũ tới mức ấy” – nụ cười trên miệng tôi lại tươi hơn một chút nữa, mặc dù bản thân đang ở trong một tình cảnh vô cùng bi đát. Tôi thích cái cách anh Nash có thể dễ dàng làm cho tôi bình tâm trở lại, dù chỉ là qua điện thoại. Giọng nói của anh giống như một thứ thuốc an thần, có sức thôi miên rất lớn, khiến cho người nghe cảm thấy vô cùng dễ chịu – “Bộ phim mà chú ấy có thể dịch chuyển đồ vật bằng ý nghĩ và nói được thứ tiếng mới chỉ sau khi đọc xong một quyển sách ý. Mãi đến cuối cùng mới phát hiện ra là vì chú ý bị ung thư não và sắp chết.”
“Hình như anh chưa xem bộ phim ấy thì phải.”
“Chú ấy có rất nhiều khả năng kỳ lạ thế mà cuối cùng lại chết. Đúng là bi kịch. Em không muốn cuộc đời mình cũng trở nên bi kịch giống như thế đâu anh Nash ạ. Em muốn được sống.” Nước mắt tôi lại ứa ra, không sao ngăn chúng lại được. Mấy ngày qua tôi đã chứng kiến đủ người chết rồi, không muốn lại có thêm tên mình trong danh sách đó đâu.
“OK, em phải tin anh, Kaylee ạ” – tôi lại nghe thấy tiếng bước chân, và rồi một tiếng sập cửa, và không còn tiếng gió rít trong điện thoại của anh nữa. Giọng anh dịu dàng cất lên – “Linh cảm của em không phải do bị ung thư não mà có. Không cần biết câu chuyện hai bác em nói khi nãy là chuyện gì, nhưng có điều chắc chắn không phải là chuyện đó.”
“Làm sao anh biết được?” — tôi chớp mắt cho nước mắt rơi xuống nốt khỏi lông mi, tự cảm thấy bực bội với chính mình vì bỗng trở nên dễ xúc động như vậy. Chẳng phải đó cũng là một trong các triệu chứng của bệnh ung thư não sao?
Anh Nash thở dài, nhưng nghe giống như đang lo hơn là chán nản. “Anh có chuyện này cần nói với em. Anh sẽ đến đón em, khoảng mười phút nữa.”