Chàng đang ngồi trên giường, trần truồng. Cô tình nhân trẻ của chàng, Akiko Hadaka, ở bên cạnh. Họ đang xem Mary Ashley trên đài Meet The Press.
Nàng đang nói:
– Tôi tin rằng Hoa Lục đang hướng về một xã hội Cộng sản cá nhân chủ nghĩa nhân đạo hơn với sự sáp nhập Hongkong và Ma Cao.
– Bây giờ bà ấy biết cái quái gì về Trung Hoa nhỉ? – Ben Cohn lẩm bẩm. Chàng quay sang Akiko. – Em đang nhìn một bà nội trợ ở Kansas đã trở thành một chuyên viên về mọi việc ban đêm đấy.
– Bà ấy trông có vẻ rất rực rỡ, – Akiko nói.
– Rực rỡ là ngoài đề tài. Mỗi lần bà ta cho phỏng vấn, các ký giả đều điên cả. Giống như nuôi dưỡng cả một sự điên cuồng. Làm thế nào mà nàng được lên đài Meet The Press? Anh sẽ giải thích cho em nghe. Có một người đã quyết định rằng Mary Ashley sẽ trở thành một nhân vật nối tiếng. Ai nhỉ? Tại sao thế? Charles Lindbergh chưa bao giờ được quang cáo như thế này cả!
– Charles Linderbergh là ai thế?
Ben Cohn thở dài.
– Đấy là vấn đề lỗ hổng giừa các thế hệ. Chẳng liên lạc gì với nhau được cả.
Akiko dịu dàng nói.
– Có nhiều cách khác để liên lạc.
Nàng nhẹ nhàng đẩy chàng nằm lại xuống giường và leo lên mình chàng. Nàng từ từ lần xuống thân thể chàng, quất nhẹ mái tóc mềm như lụa dài ngang ngực chàng, bụng chàng, và háng chàng và nhìn chàng cứng dần lên. Nàng vuốt ve chàng và nói:
– Chào Arthur!
– Arthur muốn đi vào trong em đấy.
– Chưa đâu. Em sẽ về lại với anh chàng.
Nàng đứng dậy và bước xuống bếp. Ben Cohn nhìn nàng đi ra khỏi phòng. Chàng nhìn vào truyền hình và nghĩ: “Người phụ nữ ấy làm mình thật lúng túng. Trong đó ít thấy những việc kinh khủng hơn là nhìn tận mắt và nhất định mình sẽ tìm xem đấy là việc gì.
– Akiko! Chàng thét lên. – Em đang làm gì đấy? Arthur buồn ngủ rồi.
– Bảo anh chàng chờ đi, – nàng gọi. – Em sẽ đến đấy ngay.
Ít phút sau, nàng trở lại mang theo một chiếc khay đầy kem lạnh, kem bánh và một quả anh đào.
– Trời ơi, – chàng nói. – Anh không đói. Anh cứng ngắc đây!
Khi chàng không còn chịu đựng lâu hơn nữa, chàng lật ngửa Akiko và cắm vào người nàng.
***
Trên truyền hình, Mary Ashley đang nói:
– Một trong những cách hay nhất để ngăn cản chiến tranh với các quốc gia đối lập với lý tưởng Mỹ là tăng cường giao thương với họ…
Khuya hôm ấy, Ben Cohn điện thoại cho Ian Villiers.
– Chào Ian.
– Benjie, em bé của tôi! Tôi có thể làm gì cho cậu nhỉ?
– Tôi cần một ân huệ.
– Nói ra đi và cậu sẽ có.
– Tôi hiểu rằng cậu phụ trách liên lạc báo chí cho vị tân đại sứ của chúng ta tại Rum ani.
Một tiếng “vâng” thận trọng.
– Ai ở đàng sau sự quảng cáo của bà ấy thế? Ian? Tôi quan tâm đến…
– Tôi xin lỗi, Ben. Đấy là công việc của Bộ ngoại giao. Tôi chỉ là một tay làm thuê. Cậu có thể gửi thư lên bộ trưởng ngoại giao!
Sau khi gác máy, Ben nói:
– Tại sao hắn không chỉ việc bảo mình cút đi? – Chàng đi đến một quyết định.
– Anh nghĩ rằng anh phải đi khỏi thành phố ít ngày.
– Anh sẽ đi đâu thế, anh?
– Thị trấn Junction, Kansas.
Kết quả, Ben Cohn đến thị trấn Junction, Kansas chỉ có một ngày. Chàng bỏ ra một giờ nói chuyện với Cảnh sát trưởng Munster và một trong những phụ tá của ông, rồi lái một chiếc xe mướn đến Pháo đài Riley và đến văn phòng CID. Chàng lên một chiếc phi cơ chiều đến Manhattan, Kansas và một chuyến bay liên lạc trở về nhà.
Khi phi cơ của Ben Cohn cất cánh, một cú điện thoại riêng được gọi từ Pháo đài đến một số nơi tại Washington DC.
***
Mary Ashley đang đi xuống hành lang dài của Toà Ngoại giao trên đường đến gặp mặt James Stickley, nàng bỗng nghe một giọng trầm của một người đàn ông sau lưng nàng nói:
– Nào, đây là điều mà tôi gọi là con số mười hoàn toàn.
Mary xoay lại. Một người lạ mặt cao lớn đang tựa vào tường, trắng trợn nhìn thẳng vào nàng, một điệu cười láo xược trên khuôn mặt hắn. Hắn trông thô lỗ, mặc quần Jeans, áo áo phông và giày tennis trông lùi xùi và râu ria lởm chởm. Có những đường hằn của tiếng cười chung quanh miệng hắn, và đôi mắt xanh long lanh của hắn có vẻ chế giễu. Hắn có một vẻ cao ngạo chọc giận người ta. Mary xoay lại và giận dữ bỏ đi, ý thức đôi mắt hắn đang theo dõi nàng.
Cuộc họp với James Stickley kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Khi Mary trở về văn phòng, kẻ lạ mặt đang ngồi trên ghế của nàng, chân gác lên bàn giấy và xem giấy tờ của nàng. Nàng có thể cảm thấy máu đang dồn lên mặt.
– Ông nghĩ là ông đang làm cái quỷ gì thế?
Gã đàn ông ném cho nàng một cái nhìn uể oải thật lâu và từ từ đứng dậy.
– Tôi là Mike Slade. Bạn bè gọi tôi là Michael.
Nàng lạnh lùng nói:
– Ông cần gì ở tôi, ong Slade?
– Thực ra, chẳng gì cả, – ông ta hời hợt trả lời. – Chúng ta là láng giềng. Tôi làm việc ở đây trong bộ, nên tôi nghĩ rằng tôi nên ghé qua và chào hỏi một chút.
– Ông đã nói rồi đấy. Và nếu thật sự ông là người trong bộ, tôi cho rằng ông có bàn giấy riêng đấy. Vậy, trong tương lai, ông sẽ không phải ngồi vào bàn giấy tôi và rình rập.
– Trời, thế là giận đấy! Tôi nghe người Kansas hoặc bất cứ người gì mà bà tự xưng, được xem là bạn bè đấy.
Nàng nghiến răng.
– Ông Slade, tôi cho ông hai giây để ra khỏi văn phòng tôi trước khi tôi kêu lính gác.
– Có lẽ tôi đã nghe lầm, – Ông ta lẩm bẩm một mình.
– Và nếu ông thực sự làm việc trong bộ, tôi đề nghị ông nên về nhà cạo râu và mặc đồ thích hợp một tí!
– Tôi đã có một bà vợ hay nói như thế, – Mike Slade thở dài. – Tôi không còn bà ấy nữa!
Mary cảm thấy mặt mình đỏ hơn.
– Đi ra.
Ông ta vẫy tay với nàng.
– Chào, em yêu. Anh sẽ gặp em lại.
– Ồ, không Mary nghĩ thế – Không, ông sẽ không gặp lại được đâu.
Suốt buổi sáng là một loạt kinh nghiệm khó chịu. James Stickley đối kháng ra mặt. Đến trưa, Mary quá giận nên không ăn được. Nàng quyết định bỏ ăn trưa, đi vòng quanh Washington để xoa dịu cơn giận của nàng.
Chiếc xe hòm của nàng đang đậu ở lề đường trước mặt Toà Ngoại giao.
– Chào bà Đại sứ, – người tài xế lên tiếng. – Bà thích đi đâu thế?
– Đâu cũng được, Marvin. Chỉ đi vòng quanh thôi.
– Vâng, thưa bà. – Chiếc xe nhẹ nhàng ra khỏi lề đường. – Bà thích đi thăm Toà đại sứ Rumani không?
– Tốt. – Bất cứ thứ gì để lấy khẩu vị của buổi sáng ra khỏi miệng nàng.
Ông ta rẽ sang tay trái ở góc đường và hướng về Đại lộ Massachusetts.
– Nó bắt đầu ở đây, – Marvin lên tiếng trong lúc ông ta rẽ sang con đường rộng. Ông ta cho xe chậm lại và bắt đầu đưa tay chỉ các Toà đại sứ.
Mary nhận ra Sứ quán Nhật vì có lá cờ Mặt Trời Mọc phía trước. Toà đại sứ Ấn Độ có một con voi phía trên cửa. Họ đi qua một nhà thờ Hồi giáo đẹp. Có những người đang quỳ cầu nguyện ở sân trước. Họ đến góc đường số 23 và đi qua một toà nhà đá trắng với những chiếc trụ hai bên ba bậc cấp.
– Đấy là Toà đại sứ Rumani, – Marvin nói. – Kế bên là…
– Anh làm ơn dừng lại!
Chiếc xe hòm rẽ vào lề đường. Mary nhìn ra cửa xe vào một tấm biển bên ngoài toà nhà: Toà đại sứ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Rumani.
Trong một cơn bốc đồng, Mary nói:
– Xin anh vui lòng đợi đây. Tôi sẽ vào bên trong.
Tim nàng bắt đầu đập nhanh hơn. Đây sẽ là cuộc tiếp xúc thực sự đầu tiên của nàng với quốc gia mà nàng được giảng dạy quốc gia sẽ là quê hương của nàng trong ít năm tới.
Nàng hít một hơi dài và bấm chuông. Im lặng.
Nàng thử mở cửa. Cửa không khoá. Nàng mở cửa và bước vào. Phòng tiếp tân tối và lạnh giá. Có một chiếc trường kỷ đỏ ở một góc và kế đấy là hai chiếc ghế đặt trước một chiếc máy truyền hình nhỏ.
Nàng nghe những bước chân và quay lại. Một người gầy, cao lớn đang vội vã đi xuống cầu thang.
– Vâng, vâng? – ông ta gọi – Gì thế? Gì thế?
Mary tươi cười.
– Chào ông. Tôi là Mary Ashley. Tôi là tân Đại sứ tại Rumani.
Người đàn ông đưa tay vả mặt mình.
– Ô, trời ơi!
Nàng giật mình.
– Có gì phiền không?
– Điều phiền là chúng tôi không mong bà, bà Đại sứ ạ!
– Ồ, tôi biết. Tôi chỉ lái xe qua và tôi…
– Đại sứ Corbeseue sẽ giận kinh khủng!
– Giận à? Tại sao thế? Tôi chỉ nghĩ là tôi chỉ đến chào thôi và…
– Dĩ nhiên, dĩ nhiên. Hãy thứ lỗi cho tôi. Tên tôi là Gabriel Stoica. Tôi là Phó trưởng phái đoàn. Xin vui lòng để tôi bật đèn và mở máy sưởi. Chúng tôi không mong khách khứa như bà có thể thấy đấy. Chẳng tí nào cả.
Rõ ràng là ông ta đang thật sự hoảng hốt nên Mary chỉ muốn bỏ đi, nhưng đã quá trễ. Nàng quan sát trong lúc Gabriel chạy quanh bật đèn trên trần cho đến khi phòng tiếp tân sáng loà.
– Chỉ mất ít phút để có nhiệt, – ông ta lên tiếng xin lỗi, – Chúng tôi cố gắng tiết kiệm xăng đến mức tối đa, Washington rất đắt đỏ.
Nàng ước gì nàng có thể độn thổ được.
– Nếu tôi đã ý thức được…
– Không, không. Chẳng có gì cả, chẳng có gì cả. Ngài đại sứ đang ở trên lầu. Tôi sẽ báo cho ngài rằng bà đến đây.
– Đừng phiền…
Stoica đã chạy lên lầu.
Năm phút sau, Stoica quay lại.
– Xin mời lên. Ngài đại sứ hài lòng việc bà đến đây. Hài lòng.
– Ông có chắc…
– Ngài đang đợi bà đấy.
Ông ta đưa Mary lên lầu. Ở đầu cầu thang là một phòng họp với mười bốn chiếc ghế quanh một chiếc bàn dài. Tựa vào tường là một chiếc tủ đựng đầy các đồ thủ công và các bức tượng điêu khắc của Rumani, và trên tường là một bản đồ nổi của Rumani. Có một lò sưởi với một lá cờ Rumani bên trên. Đến đón nàng là Đại sứ Radu Corbescue, khoác vội một chiếc áo khoác lòi tay áo sơ-mi. Ông ta là một người chắc nịch, cao lớn, nước da ngăm đen. Một người giúp việc đang vội vã bật đèn lên và điều chỉnh nhiệt độ.
– Bà Đại sứ? – Corbescue reo lên. – Thật là một vinh hạnh bất ngờ! Hãy tha thứ cho chúng tôi vì đã tiếp bà thật không đúng nghi thức. Bộ Ngoại giao của bà không cho chúng tôi biết rằng bà sẽ đến.
– Đấy là lỗi của tôi, – Mary lên tiếng xin lỗi. – Tôi đang ở vùng lân cận và tôi…
– Thật là hài lòng được gặp bà. Một điều hài lòng? Chúng tôi đã xem quá nhiều về bà trên truyền hình, báo chí và tạp chí, chúng tôi rất tò mò về vị tân đại sứ tại nước chúng tôi. Bà dùng trà
– À tôi, nếu ngài chắc rằng không phiền phức nhiều quá.
– Phiền à? Dĩ nhiên là không. Tôi xin lỗi vì chúng tôi đã không chuẩn bị một bữa ăn trưa long trọng cho bà. Hãy tha thứ cho tôi. Tôi thật lúng túng!
– Mình là người duy nhất lúng túng đấy, – Mary nghĩ thế. -Điều gì đã khiến mình làm điều điên rồ này thế? Ngu, ngu, ngu. Mình sẽ không thể kể cho các con nghe điều này đâu. Đấy sẽ là bí mật của mình cho đến khi xuống mồ.
Khi trà được mang lên, vị đại sứ Rumani thật căng thẳng đến nỗi ông ta đổ tràn ra.
– Tôi thực vụng về? Hãy thứ lỗi cho tôi!
Mary mong ông ta đừng nói như thế nữa.
Vị đại sứ cố gắng nói chút đỉnh, nhưng chỉ làm cho tình hình càng thêm tệ hại. Rõ ràng là ông ta bực mình một cách đáng thương hại. Ngay khi nàng có thể kín đáo đứng dậy, nàng nói:
– Thưa ngài, cám ơn ngài thật nhiều. Thật là hay được gặp ngài. Chào ngài!
Và nàng biến đi.
Khi Mary trở về văn phòng, James Stickley tức khắc cho mời nàng đến.
– Bà Ashley, – Ông ta lạnh lùng nói, – xin bà vui lòng giải thích cho tôi chính xác bà nghĩ gì về việc bà làm?
– Mình đoán việc ấy sẽ không là điều bí mật mà mình sẽ mang theo xuống mồ đâu. – Mary cả quyết như thế.
– Ồ, ông muốn nói về Toà đại sứ Rumani à? Tôi… Tôi chỉ nghĩ rằng tôi ghé vào và chào hỏi và…
– Đây không phải là một cuộc họp mặt nhỏ ấm cúng ở nhà, – Stickley đốp chát lại. – Tại Washington, bà không được ghé vào một Toà đại sứ. Khi một đại sứ đi viếng một đại sứ khác, đấy chỉ là do được mời thôi. Bà đã làm Corbeseue bối rối kinh khủng. Tôi đã phải bảo ông ta đừng làm một kháng thư chính thức gửi cho Bộ Ngoại giao. Ông ta tin rằng bà đã đến đấy, để do thám ông ta và làm ông ta mất cảnh giác đấy.
– Vậy à! Mà thôi, tất cả…
– Chỉ cần cố gắng nhớ lại rằng bà không còn là một công dân riêng tư nữa bà là một người đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ. Lần sau đến bà có một cơn bốc đồng ít cá nhân hơn việc đánh răng của bà, bà phải kiểm tra với tôi trước đã. Rõ ràng chứ, ý tôi rất rõ ràng chứ?
Mary nhẫn nhục.
– Tốt thôi.
– Tốt. – Ông ta nhấc điện thoại và quay một số.
– Bây giờ bà Ashley đang ở chỗ tôi. Mời ông đến?
– Phải. – Ông ta gác ống nghe.
Mary ngồi đấy lặng thinh, cảm thấy mình như một đứa bé bị đầy đoạ. Cửa mở ra và Mike Slade bước vào.
Ông ta nhìn Mary cười:
– Chào. Tôi đã nghe theo lời khuyên của bà và cạo râu rồi đấy.
Stickley nhìn lần lượt hết người này đến người kia.
– Hai người đã gặp nhau à?
Mary trừng mắt Slade.
– Thực sự thì không. Tôi thấy ông ta rình rập ở bàn giấy của tôi đấy.
James Stickley nói:
– Bà Ashley, đây là Mike Slade. Ông Slade sẽ là phó trưởng phái đoàn của bà đấy.
Mary trố mắt nhìn ông ta.
– Ông ấy là gì?
– Ông Slade làm việc tại tổ công tác Đông Âu. Ông ấy thường làm việc ngoài Washington nhưng ông ấy đã được quyết định làm phụ tá cho bà tại Rumani.
Mary bỗng bật ra khỏi ghế.
– Không. – Nàng phản đối. – Không thể được.
Mike nói nhẹ:
– Tôi hứa sẽ cạo râu mỗi ngày!
Mary quay sang Stickley.
Tôi nghĩ rằng một đại sứ được phép chọn phó trưởng phái đoàn riêng cho mình.
– Đúng đấy, nhưng…
– Vậy tôi không chọn ông Salde. Tôi không muốn có ông ấy.
– Theo những trường hợp thông thường, bà có quyền đấy, nhưng trong trường hợp này, tôi e rằng bà không còn cách nào cả. Lệnh đã đến từ Toà Bạch Ốc đấy!
Mary hình như không thể nào tránh được Mike Slade. Người đàn ông ấy có mặt khắp nơi. Nàng bất ngờ gặp ông ta tại Ngũ giác đài, trong phòng ăn của Thượng viện, trong hành lang của Bộ Ngoại giao. Ông ta thường mặc đồ vải bông chéo, áo phông hoặc đồ thể thao. Mary thắc mắc không biết làm sao ông ta có thể thành công được trong một môi trường thật nghi thức.
Một hôm, Mary trông thấy ông ta ăn trưa với đại tá Mc Kinney. Họ đang thảo luận sôi nổi và Mary thắc mắc không biết những người này thân mật với nhau như thế nào. Có thể nào họ là bạn cữ? Và có thể nào họ dự định hiệp lực để chống lại mình? Mình chỉ hoang tưởng thôi, – Mary tự nhủ – Mình còn chưa đến Rumani mà!
***
Charlie Campbell, trưởng Uỷ ban liên lạc Ngoại giao của Thượng viện chiêu đãi một bữa tiệc cho Mary tại Phòng Corcoran. Khi Mary bước vào phòng và trông thấy tất cả phụ nữ đều mặc áo dài trang nhã, nàng nghĩ “Mình còn chưa thuộc về nơi đây Họ có vẻ như được sinh ra từ nơi đài các cả”.
Nàng không có khái niệm gì về chuyện nàng trông đáng yêu như thế nào.
Có hơn một chục nhiếp ảnh viên hiện diện, và Mary được chụp ảnh nhiều nhất trong buổi chiều hôm ấy. Nàng khiêu vũ với nửa chục đàn ông, một số đã có gia đình và một số còn độc thân, và được hầu hết tất cả những người ấy hỏi số điện thoại.
Nàng chẳng hề phật ý hoặc quan tâm đến.
– Tôi xin lỗi, – nàng nói với một người trong nhóm, – Công việc và gia đình tôi làm tôi quá bận để nghĩ đến chuyện đi chơi.
Ý tưởng không chịu đi với ai cả ngoài Edward là điều không thể không nghĩ ra được. Sẽ chẳng bao giờ có thể có người đàn ông khác cho nàng.
Nàng ngồi cùng bàn với Charlie Campbell, vợ ông và nửa chục người của Bộ Ngoại giao. Câu chuyện chuyển sang giai thoại về các vị đại sứ
“Ít năm trước tại Madrid – một người khách kể chuyện, – hàng trăm sinh viên xuống đường đòi trả lại Gibraltar trước mặt sứ quán Anh. Trong lúc họ sắp sửa xông vào sứ quán, một bộ trưởng của tướng Franco điện thoại đến.
– Tôi thật lo lắng khi nghe sự việc xảy ra tại sứ quán của ông! – Ông ta nói. – Có cần tôi gửi thêm cảnh sát không?
“Không, – vị đại sứ nói, chỉ cần gởi đến ít sinh viên hơn”.
Có người hỏi:
– Có phải Hermes, là vị thần được những người cổ Hy Lạp xem như thần bảo hộ của các vị đại sứ không?
– Vâng! – có tiếng đáp. – Vị thần ấy còn là thần bảo hộ cho những kẻ lang thang, trộm cắp và nói dối nữa.
Mary thật vui buổi chiều hôm ấy. Mọi người đều rực rỡ, khôn ngoan và thú vị. Nàng đã có thể ở lại suốt đêm.
Người đàn ông cạnh nàng nói.
– Ngày mai bà không phải dậy sớm cho các cuộc hẹn à?
– Không! – Mary nói. – Chủ nhật rồi. Tôi có thể ngủ trưa được!
Một lúc sau một phụ nữ ngáp. – Thứ lỗi cho tôi, tôi đã trải qua một ngày dài.
– Tôi cũng thế – Mary tươi cười nói.
Nàng thấy hình như căn phòng im lặng bất thường. Nàng nhìn quanh và hình như mọi người đều nhìn nàng đăm đăm.
– Khỉ gì thế? – Nàng liếc đồng hồ. 2g30 sáng. Nàng bỗng kinh hãi nhớ lại điều Stanton Rogers đã bảo nàng: “Tại một bữa tiệc tối, người khách danh dự luôn luôn về trước”.
Và, nàng – là người khách danh dự! Ối trời ơi! – Mary nghĩ thế. – Mình đã bắt mọi người thức khuya đấy.
Nàng đứng dậy nói bàng một giọng nghẹn ngào:
– Chúc mọi người ngủ ngon. Thật là một buổi tối đáng yêu.
Nàng xoay lại và đi vội ra cửa và sau lưng nàng, nàng có thể nghe những người khách khác tranh nhau ra về.
Sáng hôm sau, nàng bỗng chạm mặt với Mike Slade trong hành lang. Ông ta cười nói:
– Tôi nghe bà đã bắt nửa thành phố Washington phải thức khuya tối thứ bảy đấy.
Vẻ mặt khinh khỉnh của ông ta làm nàng nổi sùng. Nàng lướt qua ông ta và vào căn phòng James Stickley.
– Ông Stickley, tôi thực sự không nghĩ ràng việc ông Slade và tôi cố gắng làm việc với nhau sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho toà đại sứ chúng ta tại Rumani.
Ông ta ngừng đọc một tờ giấy và ngẩng lên.
– Thực thế ư? Có vấn đề gì thế?
– Đấy là thái độ của ông ta. Tôi thấy ông Slade thô lỗ và ngạo mạn. Nói trắng ra, tôi không thích ông Slade.
– Ồ, tôi biết Mike có một số cá tính, nhưng…
– Cá tính à? Ông ta là một viên thạch anh chưa mài giũa. Tôi chính thức yêu cầu ông đưa một người khác thay cho ông ta.
– Bà xong chưa?
– Vâng!
– Bà Ashley, Mike Slade là chuyên viên hàng đầu của chúng tôi về vụ Đông Âu đấy. Công việc của bà là kết bạn với người bản xứ. Công việc của tôi là lo cho bà có được tất cả những sự trợ giúp theo khả năng của tôi. Và tên ông ấy là Mike Slade. Tôi thực sự không muốn nghe đến điều lạ nữa? Tôi diễn đạt rõ không?
– Vô ích – Mary nghĩ thế. – Hoàn toàn vô ích.
Nàng quay trở về văn phòng mình, thất bại và giận dữ. – Mình có thể nói chuyện với Stan – nàng nghĩ thế. – Ông ấy sẽ hiểu. Nhưng điều ấy sẽ là một dấu hiệu yếu ớt. Mình sẽ phải tự mình giải quyết vụ Mike Slade.
– Mơ mộng à?
Mary nhìn lên, giật mình. Mike Slade đang đứng trước bàn giấy của nàng, tay cầm một chồng bị vong lục.
– Lần sau nếu ông muốn vào văn phòng tôi phải gõ cửa.
Đôi mắt ông ta nhìn nàng chế giễu. – Tại sao tôi có cảm giác rằng bà không say mê tôi nhỉ?
Nàng cảm thấy cơn giận của nàng bùng lên.
– Tôi sẽ cho ông biết tại sao, ông Slade. Bởi vì tôi nghĩ rằng ông là một người ngạo mạn, bẩn thỉu, tự phụ.
Ông ta đưa một ngón tay lên.
– Bà nói thừa rồi.
– Đừng có đùa với tôi – nàng cảm thấy như đang thét lên.
Giọng ông ta hạ xuống đến một mức nguy hiểm.
– Bà muốn nói rằng tôi không thể theo đuổi các người khác à? Bà nghĩ gì về điều mọi người tại Washington đang nói về bà?
– Tôi không thực sự quan tâm đến điều họ nói.
– Có, nhưng bà nên quan tâm, – Ông ta chồm qua bàn giấy của nàng. – Mọi người đang hỏi bà có quyền gì để ngồi vào bàn giấy của một đại sứ. Thưa bà, tôi đã ở bốn năm tại Rumani. Đấy là một miếng dynamit sẵn sàng nổ, và chính phủ đang gửi đến một đứa bé ngu xuẩn nhà quê để đùa với nó.
Mary ngồi đấy lắng nghe và nghiến răng.
– Bà là một người không chuyên, bà Ashley ạ. Nếu có ai đấy muốn trả thù bà, có lẽ họ sẽ cho bà làm đại sứ tại Iceland đấy.
Mary không còn bình tĩnh. Nàng đứng bật dậy và tát mạnh vào mặt ông ta.
Mike Slade thở dài.
– Bà không bao giờ lúng túng trước một câu trả lời chứ?