Một ngày mùa thu năm Chính Đức thứ mười ba, Từ Ưng Bạch chưa đầy năm tuổi nằm bò bên giường Từ mỹ nhân, cặp mắt hổ phách khẽ chớp, nắm tay nàng hỏi, “Mẹ sẽ khỏe lại chứ ạ?”
Cậu bé đội mũ của đạo sĩ nhỏ, giữa trán có một nốt ruồi son, tay cầm con bướm cỏ do Từ mỹ nhân vừa đan, đáng yêu như ngọc tuyết, nhưng vì bẩm sinh yếu ớt nên sắc mặt cậu hơi nhợt nhạt, cũng không khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường khác. Từ mỹ nhân ngồi tựa vào đầu giường, tuy gầy gò tái nhợt nhưng gương mặt lại cực kỳ xinh đẹp, nàng nghiêm túc nhìn vào mắt Từ Ưng Bạch, trong mắt là đau thương không thể vơi. Sinh mệnh của nàng đã gần đến hồi kết, giờ đây chỉ còn là hồi quang phản chiếu, chẳng mấy chốc sẽ mãi mãi không thể tỉnh lại nữa. Nhưng không thể nói vậy với Từ Ưng Bạch được, nàng xoa đầu cậu bé, nói dối, “Mẹ sẽ mau khỏe lại thôi.”
Từ Ưng Bạch vui mừng thấy rõ, “Đợi mẹ khỏe lại rồi mẹ con mình ăn bánh ngọt nhé.”
Từ mỹ nhân khẽ mỉm cười, lấy ra một một miếng ngọc buộc dây đỏ bên dưới gối, bề mặt ngọc là hai màu đỏ trắng đan xen. Nàng buộc ngọc bội lên hông Từ Ưng Bạch, nói, “Ở Gia Lăng có lễ tế thần, hồi còn nhỏ, thầy tế đã tặng nó cho mẹ, nói rằng có thể bảo vệ bình an.” Giọng nàng càng lúc càng suy yếu, “Mẹ để nó lại cho con, hi vọng nó có thể bảo vệ con cả đời bình an vô lo.”
Từ Ưng Bạch ngơ ngác nhìn Từ mỹ nhân, Từ mỹ nhân xoa đầu cậu, dịu dàng bảo, “Sau này Ưng Bạch phải nghe lời sư phụ đấy nhé, phải trở thành người tốt.” Dứt lời, dường như cảm thấy buồn ngủ, nàng chậm rãi tựa đầu vào gối.
Từ Ưng Bạch chớp cặp mắt to tròn nhìn mẹ, hạ giọng, “Mẹ mệt rồi sao, để con hát ru cho mẹ ngủ nhé.”
Từ mỹ nhân lẳng lặng nhìn Từ Ưng Bạch, gật đầu. Giọng hát non nớt của đứa trẻ vang lên làm hai mắt Từ mỹ nhân đỏ hoe, nàng hít mũi, giả vờ ngủ, nhưng thực chất lại đang lặng lẽ quan sát Từ Ưng Bạch. Đứa trẻ hát mệt, kê tay nằm gục xuống ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ, Từ Ưng Bạch mơ hồ nghe thấy giọng mẹ, “Liêu Viễn, Ưng Bạch đành giao cho ngài và quan chủ vậy.”
Không biết đã bao lâu, Từ Ưng Bạch tỉnh giấc, phát hiện mình không ở phòng mẹ mà là phòng sư phụ Huyền Thanh Tử. Cậu để chân trần xuống giường, mái tóc dài đen nhánh chưa hề cắt kể từ khi sinh ra đã chạm đến mắt cá chân. Đứa bé lo lắng nhìn quanh rồi chạy ra ngoài, trong lúc chạy còn bị vạt áo dài vướng chân ngã một cú, rồi lại loạng choạng chạy đến chỗ ở của Từ mỹ nhân. Đến nơi, Từ Ưng Bạch ló đầu vào nhìn, bên trong không một bóng người, chỉ có một dải lụa trắng treo trên xà nhà. Đứa bé ấm ức gọi, “Mẹ ơi, mẹ đâu rồi?”
Phía sau truyền đến tiếng bước chân dồn dập, Từ Ưng Bạch quay đầu lại, đó là Huyền Thanh Tử. Người thanh niên đứng ngược sáng nhìn cậu, thở dài. Từ Ưng Bạch khẽ hỏi, “Sư phụ, mẹ con đi đâu rồi ạ?”
Huyền Thanh Tử cúi xuống bế đứa bé lên, nhẹ nhàng vỗ lưng cậu, “Mẹ con… Đi đến một nơi rất xa, đợi con lớn lên sẽ biết.”
Đây là lần đầu tiên trong đời Từ Ưng Bạch trải qua cảm giác chia ly. Huyền Thanh Tử vốn muốn giấu cậu lâu hơn, nhưng Từ Ứng Bạch quá thông minh, chưa đầy hai ngày đã biết mẹ mình đã chết. Cậu ôm chặt bài vị của mẹ không buông tay, khóc đến nỗi thở không ra hơi. Huyền Thanh Tử và các sư huynh, sư tỷ trong đạo quan dỗ dành hai ba canh giờ mà không dỗ nổi, cuối cùng đứa bé cứ thế khóc đến ngất đi, khiến cho mọi người sợ hãi cực độ, vội vàng cõng xuống núi tìm thầy thuốc.
Từ Ưng Bạch đã ốm yếu từ lúc mới sinh, tại đạo quan hầu như cũng không có đứa trẻ nào nhỏ như vậy, vì thế mọi người đều cưng chiều, bảo vệ cực kỳ cẩn thận, sợ cậu bị bệnh. Tính cách mít ướt khó chiều cũng từ đó mà thành. Sau khi Từ mỹ nhân qua đời, vì sức khỏe không tốt lại thường xuyên ốm đau, suốt đêm không ngủ được, nhóc con Từ Ưng Bạch trở nên cực kỳ dễ khóc, hở tí là rớt nước mắt. Huyền Thanh Tử cũng bó tay, chỉ đành trông chừng suốt đêm, chỉ sợ cậu ngất đi rồi không tỉnh lại được nữa.
Có lần Từ Ưng Bạch phát hiện sư phụ không ngủ mà thức trông mình nên từ đó về sau, mỗi khi khóc vào ban đêm, nhóc không phát ra tiếng nữa, nếu đau sẽ cắn chăn hoặc ngón tay, lặng lẽ nức nở. Huyền Thanh Tử biết chuyện thì đau lòng muốn chết, vỗ lưng đứa bé an ủi, kết quả làm nó vỡ òa khó suốt một đêm, thiếu chút nữa đã ngất đi.
Khó khăn lắm cũng đã trụ được đến ngày đông chí, Từ Ưng Bạch vừa tròn năm tuổi. Sức khỏe cậu nhóc cuối cùng đã tốt hơn một chút, Huyền Thanh Tử cõng cậu xuống núi mua quà sinh nhật. Đây là lần đầu tiên Từ Ưng Bạch xuống núi, cậu mặc quần áo thật dày, bên ngoài khoác một chiếc áo choàng liền mũ trắng như tuyết, dựa vào tấm lưng rộng lớn của Huyền Thanh Tử, tò mò nhìn thị trấn muôn hình muôn vẻ.
Huyền Thanh Tử mua cho cậu một xâu kẹo hồ lô lớn, hai thầy trò ngồi xuống một sạp bán sủi cảo nhỏ. Đứa bé vừa sợ người lạ vừa sợ bị lạc mà núp bên chân Huyền Thanh Tử ăn kẹo, nắm chặt góc áo sư phụ không buông. Quán sủi cảo buôn bán không tốt, chủ quán mặt ủ mày ê đứng đếm tiền. Gia đình nọ có ba đứa con, anh cả tên Đại Hổ, thân hình cao lớn như nghé con, anh hai tên Nhị Hổ, gầy tong teo như cây sậy, em út tên Lục Thủy, cột hai bím tóc nhỏ hai bên. Ba đứa trẻ đều mặc áo bông cũ, nhìn xâu kẹo trên tay Từ Ưng Bạch không chớp mắt. Từ Ưng Bạch nhìn xâu kẹo trong tay rồi lại nhìn ánh mắt mong mỏi của ba anh em, đưa kẹo cho người em Lục Thủy, ngoan ngoãn nói, “Ta ăn không hết, cho mọi người ăn đó.”
Hai mắt Lục Thủy sáng ngời, cô bé nhận lấy, cười khúc khích cảm ơn, “Cảm ơn tiểu ca ca!”
Trẻ nhỏ rất dễ kết bạn, chẳng mấy chốc Từ Ưng Bạch đã quen thân với ba anh em. Huyền Diệu Quan chỉ có mình nhóc là trẻ con, đây là lần đầu được gặp gỡ và làm quen với bạn bè đồng trang lứa, ba đứa trẻ chơi đùa cả một buổi chiều. Từ khi mẹ qua đời, đây là lần đầu tiên Từ Ưng Bạch chơi đùa vui vẻ như vậy.
Chơi đùa một hồi lâu, ba anh em mới biết hôm nay là sinh nhật Từ Ưng Bạch. Tụi nhỏ lục lọi khắp chiếc áo lông cộc cỡn cũ kỹ mà vẫn không tìm được món quà nào ra hồn, chỉ đành xấu hổ gượng cười, hâm mộ nhìn quần áo sạch sẽ dày dặn của Từ Ưng Bạch. Cuối cùng Lục Thủy nhặt vài cọng cỏ, tết thành vòng đội lên đầu Từ Ưng Bạch. Từ Ưng Bạch vui vẻ sờ vòng cỏ trên đầu, tặng cho mỗi người một cái ôm. Sau đó, cậu nhóc lén cởi chiếc áo choàng ấm áp của mình đặt ở góc tiệm, thầm nghĩ có lẽ Lục Thủy sẽ mặc vừa.
Lúc chia tay, Đại Hổ cười nói, “Đợi xuân đến đệ đến chỗ bọn ta chơi đi. Ta sẽ dẫn đệ xuống sông bắt cá.”
“Mọi người sẽ luôn ở đây chứ?” Từ Ưng Bạch đã hơi buồn ngủ, dụi mắt hỏi. “Ta sợ tìm không thấy mọi người.”
Đại Hổ im lặng một lát, “Có lẽ vậy. Hẹn mùa xuân năm sau gặp lại nhé, đệ nhất định phải đến đấy.”
Lời hứa cứ thế được lập nên.
Trên đường về, Huyền Thanh Tử còn nhặt về hai bé gái ăn xin, người chị tên Diệp Vĩnh Nghi, người em tên Diệp Vĩnh Ninh. Hai tỷ muội ở lại đạo quan, thường ngày sẽ dọn dẹp, quét nhà, thỉnh thoảng sẽ thấy Huyền Thanh Tử dỗ dành chăm sóc Từ Ưng Bạch đến sứt đầu mẻ trán, cũng vì vậy mà hai người cho rằng đứa trẻ này là công tử bột chính hiệu, còn đặt biệt danh cho cậu nhóc là “Kiều Kiều”.
Từ nhỏ Từ Ưng Bạch đã không có bạn chơi cùng nên rất muốn làm thân với hai tỷ muội, lúc nào cũng trông mong mà nhìn các nàng. Khó khăn lắm mới có cơ hội đến gần Diệp Vĩnh Ninh, kết quả cô bé bĩu môi nói, “Không được, đệ là đồ Kiều Kiều, ta không dám chơi với đệ đâu.”
Từ Ưng Bạch tròn mắt, “Ta không phải Kiều Kiều!”
“Đúng rồi mà,” Diệp Vĩnh Ninh đỡ trán nói. “Đệ đúng là đồ mít ướt, ngày nào cũng phải dỗ dành.”
“Ta không phải đồ mít ướt!”
Diệp Vĩnh Ninh đang định cãi thì bị cốc đầu một cái, quay lại thì thấy Diệp Vĩnh Nghi khủng hoảng hô lên, “Muội im đi.”
Vừa dứt lời, Từ Ưng Bạch đã òa lên khóc, thút tha thút thít lau nước mắt, “Ta không phải đồ mít ướt!”
Hai tỷ muội hoảng sợ, luống cuống tay chân dỗ dành, dỗ mãi mới miễn cưỡng làm Từ Ưng Bạch tin rằng “Kiều Kiều” là một lời khen. Về sau cả đạo quan đều gọi cậu nhóc như vậy, đến cả quan chủ cũng trìu mến xoa đầu Từ Ưng Bạch gọi Kiều Kiều.
Đông qua xuân đến, vạn vật hồi sinh. Từ Ưng Bạch vì sức khỏe không tốt mà phải ở trong nhà suốt mùa đông, cuối cùng cũng đợi được mùa xuân trăm hoa đua nở. Cậu nhóc kéo ống tay áo Huyền Thanh Tử cả đêm, cuối cùng cũng khiến sư phụ đồng ý dẫn mình xuống núi. Thị trấn vẫn nhộn nhịp như trước, Từ Ưng Bạch như chim non được thả về rừng, vui vẻ chạy nhảy trên đường phố. Cậu đi đến sạp nhà Đại Hổ trong trí nhớ, nhưng lại không thấy quán sủi cảo quen thuộc mà lại là một quầy bán kẹo. Từ Ưng Bạch do dự một hồi lâu, rồi lấy hết can đảm bước tới, “Chào ông ạ.”
Ông lão ngẩng đầu lên nhìn cậu bằng cặp mắt mờ đục, khó chịu hỏi, “Chuyện gì?”
Từ Ưng Bạch bị dọa lùi một bước, nhỏ giọng hỏi, “Ở đây… Quán sủi cảo ở đây đâu rồi ạ?”
“Quán sủi cảo?” Ông lão cười khẩy, “Nhà cặp vợ chồng và ba đứa con đó sao? Quán đó đóng cửa từ lâu rồi! Tháng trước bị quan lại ép nộp thuế, cả nhà nhảy xuống hồ băng chết cả rồi!”
Từ Ưng Bạch như bị sét đánh, đứng sững tại chỗ. Ông lão trợn trừng mắt, “Ngươi có mua không? Không mua thì đi chỗ khác, đừng cản trở ta buôn bán!”
Ngày hôm đó, Huyền Thanh Tử bế Từ Ưng Bạch trở về, cậu nhóc vùi đầu vào vai sư phụ, “Đại Hổ lừa con, huynh ấy nói sẽ dẫn con đi bắt cá mà.”
Nước mắt lã chã rơi, Từ Ưng Bạch vừa vừa lau mắt vừa nhìn xung quanh. Lần đầu tiên cậu phát hiện có nhiều người ăn xin gầy gò dọc đường đến vậy, thảm cỏ xanh bát ngát và những đóa hoa muôn hồng nghìn tía ở ngoại ô che lấp đi xương trắng của những người chết rét trong mùa đông. Thú và chim ăn xác, xương cốt không ai chôn. Từ Ưng Bạch đỏ mắt nhìn tất cả, cuối cùng không còn khóc nữa.