Tâm Lý Học

Chương 11: C11: 11. Rối Loạn Căng Thẳng Hậu Chấn Thương Tâm Lý (1)


Post Traumatic Stress Disorder (PTSD) – Rối Loạn Căng Thẳng Hậu Chấn Thương Tâm Lý

Câu Chuyện Về Những Người Lính Và Chiến Tranh Không Phải Là Trò Chơi Quyền Lực…


Post Traumatic Stress Disorder (PTSD – hậu chấn thương tâm lý, rối loạn căng thẳng) là một chứng bệnh dạng lo âu, hoảng sợ, kinh hoàng, thường xảy ra sau khi người bệnh chứng kiến/ trải nghiệm bất kỳ sự kiện gì làm tổn thương tâm lý.

Trước chiến tranh Iraq, tức là trước năm 2002, PTSD vốn không được chú trọng gì nhiều bởi vì không ai thấy được biểu hiện vật lý gì ở người bệnh. Nhưng sau khi chiến tranh Iraq, càng ngày người ta càng phát hiện ra nhiều ca PTSD từ dạng nhẹ cho đến nặng, nổi lên như một phần hậu quả mà chiến tranh mang lại. Và PTSD từ đó nghiễm nhiên được coi là một chứng bệnh của quân đội.

Trước khi đi sâu vào triệu chứng bệnh, tôi xin bạn dành ra một vài phút để đọc về tâm sự người mẹ của một quân nhân, và cả bức thư của anh nữa. Noah Pierce, người tham gia cuộc chiến Iraq nhưng sau đó lại được đưa về do tâm lý không ổn định. Sau vài khóa điều trị, tinh thần của Noah không được cải thiện chút nào. Bị ám ảnh bởi những tiếng súng, tiếng hò hét, hình ảnh những người đồng đội của mình bị trọng thương, lần lượt ngã xuống đất, tiếng van xin của đối phương… những thứ ấy chưa bao giờ thôi ám ảnh Noah cả. Quá mệt mỏi, anh đã chọn cách ra đi, để lại cho mẹ mình một bức thư duy nhất. . .

“Đó là chiếc xe tải mà Noah đã lái lên đồi, rồi nó để miếng thẻ kim loại ngay trên thái dương, đặt họng súng trước tấm thẻ ấy. . . và. . . bóp cò. Một phát súng hoàn hảo. . . Nó đã ra đi. . .


Đây cũng chính là khẩu súng mà con trai tôi dùng để tự kết liễu mình. Để tôi nói cho bạn nghe một sự thật, khẩu súng này chẳng là gì cả, nó chẳng đáng giá gì ngoại trừ việc bạn có thể dùng nó. . . để giết chính mình, hoặc lấy đi mạng sống người khác.

Tôi vẫn còn giữ con dao bỏ túi của Noah, và Noah dùng nó để đâm ngay vào gương mặt mình trên những tấm thẻ chứng minh, hay bằng lái. Trước khi nó tự bắn mình, thì nó đã bắn nát tấm gương ở trong xe, chỉ để nó khỏi nhìn mặt mình.

Tôi ghét tấm hình này của nó, gương mặt phủ đầy sự giận giữ và mệt mỏi. Nó nghĩ nó không xứng đáng gì cả. Nó cho rằng nó là kẻ sát nhân không đáng được tha thứ. Bên trong nó tự chết dần, chết mòn. Và như một hệ quả, bề ngoài của nó cũng chết theo.

Đó là những gì mà PTSD gây ra cho bạn. Nó giết bạn dần dần. . . dần dần. . . từ bên trong ra đến bên ngoài.

Đây là bức thư nó viết cho tôi, được tìm thấy trong xe của nó. . .

“Mẹ, con xin lỗi rất nhiều. Cuộc sống con giống như địa ngục kể từ tháng 3, 2003, khi con là một phần trong cuộc chiến xâm lược Iraq. Nó không liên quan gì đến ai cả. Mẹ đừng quá buồn phiền vì điều đó. Con tự giải thoát bản thân mình khỏi vùng sa mạc cằn cõi này một lần và mãi mãi. Con cứ nghĩ những thứ chết tiệt ấy dần sẽ trở nên khá hơn, nhưng con đã sai rồi. Bây giờ con đang dùng thuốc, nên con dễ mở lòng mình hơn. Con đã dự định làm chuyện này từ lâu lắm rồi mẹ ạ. Rồi cuối cùng, thời điểm cũng đã tới. Con không phải là người tốt, con đã làm những chuyện xấu xa. Con đã lấy đi mạng sống của nhiều người, và bây giờ đã đến lượt con.”


Tôi đã không ngăn được nước mắt mình khi tôi nghe dòng thư ấy, cả tiếng nói run rẩy của người mẹ, và gương mặt hằn sâu nỗi đau. Và tôi nghĩ, nếu như bạn có trái tim, bạn kiên nhẫn ngồi xem hết 1 giờ 7 phút đoạn phim tài liệu về PTSD, Wartorn (1861-2010) của đài HBO thì bạn cũng sẽ khóc như vậy. Hoặc, chỉ đơn giản xem những trích đoạn ngắn về PTSD và những người lính, bạn cũng sẽ không thể nào kìm nổi mình. Vì, nó quá đáng sợ, vì, nó giết dần tâm trí con người ta, vì, nó dập tắt hết đi mọi hy vọng và dồn kẻ khác xuống hố sâu không đấy, và vì, nó là “món quà” mà chiến tranh mang lại.”

Theo cuốn DSM –IV, những nét đặc trưng của PTSD chính là sự phát triển của một loạt các triệu chứng đặc thù sau khi người bệnh trải nghiệm, chứng kiến, hoặc giáp mặt với những tình huống liên quan đến cái chết, nguy hại đến mạng sống của họ, có xu hướng hay gây ra những thương tổn nghiêm trọng đến bản thân và người khác.Phản ứng của bệnh nhân trước những sự kiện đó thường là sợ hãi tột độ, không thể làm gì hoặc kinh hoàng. Ở trẻ em thì phản ứng phải liên quan đến hành vi mất tổ chức hoặc kích động. Đặc biệt, chứng bệnh này thường có nguy cơ kéo dài, hoặc trở nên nghiêm trọng nếu nguyên nhân gây ra tình huống chấn thương tâm lý là con người ví dụ như cưỡng bức, hành hạ, đánh đập… Hay nói đơn giản là thảm họa thiên nhiên cũng không có hành hạ tâm trí con người bằng những hành động mà họ gây ra cho nhau.

Bệnh nhân với chứng PTSD thường trải nghiệm những tình huống chấn thương tâm lý theo một hay nhiều đường như cảm nhận được nỗi đau khổ, mệt mỏi, thấy được những hình ảnh từ sự kiện kinh hoàng mà mình trải qua không ngừng tái hiện lại trước mắt. Hay gặp những cơn ác mộng về nó, những sự kiện kinh hoàng ấy xuất hiện lại. Trong một số trường hợp hiếm gặp , bệnh nhân còn trải nghiệm trạng thái nhân cách tách rời tương tự như bệnh Đa Nhân Cách trong khoảng vài giây, cho đến vài giờ, hoặc vài ngày trong khi những phần của sự kiện kia sống lại, và bệnh nhân cư xử , phản ứng, hành động, cảm giác như thể mình vẫn còn đang ở trong sự kiện ấy (hoảng loạn, khóc lóc, giận dữ, la hét, tấn công người khác…) bao gồm cả việc thấy được ảo giác hay những mảnh hồi ức rời rạc, những đoạn phim hồi ức về sự kiện, những thứ ấy tuy đặc biệt ngắn gọn, nhưng có thể gây ra những cơn chấn động mạnh. Tâm lý bị trầm uất nặng nề ở bên trong, hoặc những dấu hiệu ở bên ngoài tượng trưng hoặc gợi lại sự kiện gây tổn hại đến tâm lý.

Đồng thời, bệnh nhân còn có những triệu chứng mà vốn không có trước khi chấn thương xảy ra như cố chấp tránh đi những suy nghĩ, cảm nhận hay những cuộc đối thoại về tình huống chấn thương tâm lý. Chứng tránh nhớ lại này thường đi song song cùng với chứng quên về những thứ quan trọng đã xảy ra. Ngừng đáp lại sự tác động của thế giới bên ngoài được biết tới như “Đóng băng tâm lý” hay “Mất cảm xúc” Đột ngột mất đi hứng thú với những hoạt động mà họ đã từng tham gia. Khả năng cảm nhận cảm xúc giảm đi rõ rệt (như không thể yêu người khác…)

Bên cạnh đó, những triệu chứng như, khó buồn ngủ, khó ngủ tròn giấc, cáu gắt, hoặc dễ nổi giận mà những cơn giận này thường quá mức bình thường, không thể tập trung vào việc gì, cảnh giác quá độ, có phản ứng hoảng hốt quá cường điệu… đều được coi như những dấu hiệu có thể gợi lên sự kiện chấn thương tâm lý đó nếu hai hay nhiều triệu chứng xuất hiện cùng một lúc.


Ngoài ra, những dấu hiệu trên phải hiện diện liên tục trong vòng một tháng để được xếp vào chứng Hậu chấn thương tâm lý rối loạn căng thẳng. Nói một cách chi tiết hơn thì, bệnh được xếp vào loại tạm thời nếu các triệu chứng bệnh kéo dài dưới 3 tháng, và được coi là kinh niên nếu nó kéo dài hơn 3 tháng

Nhìn các triệu như vậy đấy mà nó giết người bệnh từng chút một . Những người lính trong thế chiến thứ hai đã gọi nó là cuộc chiến mệt mỏi. Sau cuộc nội chiến ở Mỹ, hơn phân nửa bệnh nhân trong các bệnh viện tâm thần là thương binh, lính giải ngũ. Vào năm 1980, PTSD chính thức được chuẩn đoán cho những người lính quân đội với những vết thương tâm lý.

Trong cuốn phim tài liệu Wartorn 1861-2010, nhà sản xuất, James Gandolfini, có đến thăm Walter Reed Army Medical Center, ở đây, ông đã gặp với trưởng khoa tâm lý trị liệu, John Bradley, và đã có một cuộc đối thoại ngắn về PTSD :

“James: Vẫn còn có rất nhiều điểm mù mờ về PTSD, anh có thể nói rõ ra vài dấu hiệu vật lý của nó được không?

John: À… Những triệu chứng đáng lưu ý nhất của nó chính là sự cáu bẳn, kích động, luôn ở trong trạng thái căng thẳng, như kiểu, “tôi sẵn sàng chiến đấu, tôi sẵn sàng đi cứu mạng ai đó, hay tôi sẵn sàng đánh nhau với quân địch.” Và vấn đề với PTSD là những triệu chứng đó không, biến, mất, đi, khi chúng tôi được giải ngũ về nhà. Tôi có thể nói hầu như không ai có thể thoát ra được, họ không còn hứng thú gì với cuộc sống nữa.

“Tôi đã ở trong cuộc chiến Việt Nam 9 tháng,” Akinsanya Kambon, bộ thủy binh lục chiến nói, ” công việc của tôi là ở trong vòng chiến đấu và vẽ lại những gì mà tôi thấy, những xác chết. . . mọi thứ. Tấn công, tấn công, giết giết giết, bạn biết không, thủy binh dạy bạn cách trở thành thú vật, anh chìm trong cơn cuồng sát với những người mà anh không biết, giống như búp bê vậy, anh nhận chìm người ta, cắn họ, cố gắng giết họ, như một con chó điên. Và tôi không biết cách nào trốn khỏi nó cả. Chỉ có những xác chết không ngừng xuất hiện. Tôi nhìn thấy một người ở trên cây, bạn biết không, tôi nhìn mặt anh ta, và điều kỳ lạ là đôi mắt anh ta vẫn còn nháy. Anh ta vẫn còn sống, với nửa phần dưới đứt lìa. Đó là một trong những hình ảnh khiến tôi thét lên lúc giữa đêm và tỉnh giấc từ ác mộng . Nhưng mà, nó vẫn không chịu buông tha cho tôi.”

“Có phải PTSD đang dần trở nên nghiêm trọng trong cuộc chiến lần này hơn so với những cuộc chiến khác?” nhà sản xuất Wartorn hỏi đại tướng quân Raymond Odierno, người chỉ huy các hoạt động trong cuộc chiến Iraq, và ông đã trả lời như sau: ” Tôi nghĩ trong mấy năm qua, xã hội không ngừng thay đổi, tôi nghĩ chúng ta bây giờ biết cảnh giác nhiều hơn vì ngày càng có nhiều trường hợp liên quan đến PTSD. Tôi nghĩ, cuộc chiến ở Vietnam cũng là một phần nguyên nhân. Anh biết đấy, khi mới nhập ngũ thì chúng tôi đươc chuẩn bị và luyện tập để có được tinh thần lẫn thể xác thép. Thế nên khó ai chịu thừa nhận là mình đang mắc bệnh. Thật sự thì tầm khoảng 30% quân đội bị mắc chứng PTSD. Tôi nghĩ ít người ngoài kia hiểu được chuyện gì đang thật sự diễn ra ở đây. Anh không thể nào biết được ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì. Anh nghĩ anh vẫn bình thường, rồi đột nhiên, anh từ trạng thái cực kỳ bình tĩnh chuyển sang kinh hoàng, hoảng hốt chỉ trong vòng một cái búng tay.” “


Trong cuốn Case book, cũng có một trường hợp về một quân nhân người Việt từ chiến tranh Việt Nam bị mắc chứng PTSD được liệt kê :

“Một quân nhân người Việt 23 tuổi được đưa vào bệnh viện 1 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc dưới lời yêu cầu từ người vợ anh ta, sau khi cô thấy anh có vài dấu hiệu của chứng trầm cảm, mất ngủ, và có những hồi ức rời rạc về khoảng thời gian chiến tranh. 2 năm về trước, anh đã giải ngũ trong danh dự sau khi tham gia chiến đấu gần khoảng một năm. Anh hầu như gặp rất ít trở ngại trong việc hòa nhập lại với cuộc sống bình thường, tiếp tục học lên đại học, và kết hôn 6 tháng sau khi anh rời khỏi quân đội. Vợ anh cũng chú ý đến việc anh không thích nhắc về cuộc sống quân ngũ của mình lúc trước nhưng cô cũng không mấy quan tâm vì nó không phải là những ký ức tốt đẹp gì. Sau khi xem ti vi tin tức về Sài Gòn, anh dẩn có những dấu hiệu của PTSD. Đầu tiên là anh mất ngủ, và thường hay thức dậy nửa đêm vì những cơn ác mộng, mà trong đó, những ký ức về cuộc chiến tranh năm nào sống dậy một lần nữa. Vợ anh đặc biệt chú ý đến tình trạng của anh vì có một ngày, một chiếc trực thăng bay qua sân nhà họ, nó bay hơi thấp một chút, và anh đã hoảng loạn nằm bẹp xuống đất, quơ đại bất cứ thứ gì để che mình lại, và nghĩ rằng kẻ thù đang tấn công. Số lần anh xem ti vi tỷ lệ thuận với những lần giận dữ cáu gắt. Anh cảm thấy mình có lỗi và là một kẻ tệ bạc khi chỉ có mình anh được sống còn những người đồng đội thì đã hy sinh. Anh như tự nhốt mình vào thế giới khác, không hề có hứng thú với bất kỳ thứ gì , bất cứ ai, kể cả vợ anh.”

Người quân nhân này lúc nào bận tâm về khoảng thời gian một năm anh ở trong quân đội. Có thế thấy rõ ràng những trải nghiệm về những cuộc chiến mà anh đã tham gia có liên quan mật thiết đến những sự kiện làm chấn thương tâm lý anh ví dụ như những tình huống đe dọa đến tính mạng của anh và đồng đội làm gợi lên cảm xúc sợ hãi và kinh hoàng. Anh có lại những cảm xúc này thông qua từng cơn ác mộng mỗi đêm và những mảnh hồi ức rời rạc. Đồng thời anh còn mất đi hứng thú với những hoạt động thường ngày. Thêm vào đó, anh còn có triệu chứng mất ngủ, nổi giận , và phản ứng quá cường điệu trước một sự việc nào đó. Không còn nghi ngờ gì thêm, anh có đủ tất cả các điểm đặc thù của chứng PTSD thuộc dạng kinh niên vì nó kéo dài hơn 3 tháng.

Bạn đã thấy những gì mà PTSD mang lại cho những người lính chưa? Bạn đã thấy nó giết dần con người họ như thế nào? Càng ngày, số người lính không chết trận mà chết vì PTSD ngày càng tăng. PTSD không có thuốc trị, có chăng, họ cũng chỉ có thể dùng phương pháp nhận thức – hành vi, thay đổi nhận thức, tác động lên hành vi. Nhưng đó không phải là dễ làm, bởi vì không thể một sớm một chiều là có thể rũ bỏ đi những ký ức kinh hoàng của chiến tranh. Có người cả đời phải sống với nó vì có thể quay lại bất cứ lúc nào. Hoặc họ dùng thuốc chống trầm cảm chỉ để có được những khoảng khắc tâm hồn thanh thản. Họ không thể nào trốn tránh cũng không thể gạt bỏ được. Vì đó là những gì mà chiến tranh trao trả cho họ.

Và bạn thấy đấy, chiến tranh không phải là trò chơi quyền lực. ..


Cre: Hiroshimi.wordpress.com


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận