HỒI 34
Sái phu nhân nấp nghe chuyện kín;
Lưu hoàng thúc nhảy ngựa Đàn Khê.
Tào Tháo sai người đào được một con chim sẽ bằng đồng, bèn hỏi Tuân Du rằng:
– Điềm này là điềm gì?
Du thưa:
– Ngày xưa, mẹ vua Thuấn nằm mơ thấy con chim sẻ bằng ngọc bay vào bụng, sau sinh ra vua Thuấn. Nay thừa tướng được con sẻ bằng đồng cũng là điềm hay.
Tháo mừng lắm, sai làm một cái đài cao để kỉ niệm.
Ngay hôm ấy, bạt đất chặt cây, nung ngói đóng gạch, xây đài “Đồng Tước” ở trên bờ Chương Hà, chừng một năm mới xong.
Con thứ của Tào Tháo là Tào Thực bàn rằng:
– Muốn dựng đài cao hai tầng thì phải lập ra ba tòa: Tòa giữa cao nhất, gọi là “Đồng Tước”; tòa bên trái gọi là “Ngọc Long”; tòa bên phải gọi là “Kim Phượng”. Lại nên xây hai cái cầu vồng nối dài hai bên với đền giữa cho đẹp mắt.
Tháo nói:
– Ý kiến con ta hay lắm. Nay mai, đền này làm xong sẽ là nơi di dưỡng tuổi già của ta!
Nguyên Tào Tháo sinh được năm con, duy có Thực là thông minh, linh lợi, giỏi nghề văn chương. Tháo rất mực yêu mến, nên để Tào Thực và Tào Phi ở lại Nghiệp Quận trông coi việc xây đền; lại sai Trương Yên giữ Bắc Trại. Tháo dẫn năm mươi sáu vạn quân, gồm cả số quân của Viên Thiệu, về Hứa Đô; phong tặng cho các công thần; lại dâng biểu xin truy tặng Quách Gia làm Trinh hầu và đem con trai Quách Gia tên là Dịch về nuôi ở trong phủ.
Tháo lại họp các mưu sĩ bàn việc kéo quân xuống miền nam đánh Lưu Biểu, Tuân Úc nói:
– Đại quân đi đánh miền bắc mới về, chưa nên huy động vội. Xin hãy đợi nửa năm, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, chỉ một trận là dẹp xong Lưu Biểu và Tôn Quyền.
Tháo nghe lời, bèn chia quân ra các nơi đóng đồn, làm ruộng, đợi khi dùng đến.
Lại nói Huyền Đức từ khi sang Kinh Châu, được Lưu Biểu đãi rất hậu. Một hồi sau đương cùng nhau uống rượu, chợt có tin báo bọn hàng tướng là Trương Vũ, Trần Tôn ở Giang Hạ, âm mưu cướp bóc nhân dân, bàn mưu làm phản.
Biểu giật mình, nói rằng:
– Hai thằng giặc này làm phản sẽ gây tai họa không nhỏ.
Huyền Đức thưa:
– Đại huynh không phải lo, Bị xin đi đánh.
Biểu mừng lắm, lập tức điểm cho ba vạn quân. Huyền Đức lĩnh mệnh đi ngay. Không mấy bữa, đến Hạ Giang.
Trương Vũ, Trần Tôn đem quân ra đón đánh. Huyền Đức cùng Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân cưỡi ngựa ra cửa cờ. Trông thấy ngựa của Trương Vũ rất khỏe, Huyền Đức nói:
– Đây tất là ngựa thiên lí.
Nói chưa dứt lời, Triệu Vân vác giáo xông thẳng vào trận địa. Trương Vũ tế ngựa đón đánh, chưa được ba hiệp, bị Triệu Vân đâm chết. Vân nắm ngay lấy dây cương dắt ngựa chạy về.
Trần Tôn trông thấy, đuổi cướp lại. Trương Phi quát to một tiếng, vác mâu ra đâm chết Trần Tôn. Quân địch tan vỡ, Huyền Đức chiêu dụ dư đảng, bình định xong vùng Giang Hạ, rồi kéo quân về.
Lư Biểu ra tận ngoại thành đón tiếp, mở tiệc ăn mừng. Rượu đến nửa chừng, Biểu nói:
– Hiền đệ tài giỏi, Kinh Châu thực được nhờ cậy. Như còn lo Nam Việt bất thần đến cướp; Tôn Quyền và Trương Lỗ cũng phải đề phòng.
Huyền Đức nói:
– Em có ba tướng có thể ủy thác được: Trương Phi đi tuần Nam Việt, Vân Trường giữ thành Cố Tử để trấn Trương Lỗ; Triệu Vân giữ Tam Giang cự với Tôn Quyền, như vậy còn lo gì nữa!
Biểu mừng, định nghe theo. Sái Mạo nói với chị là Sái phu nhân (vợ Lưu Biểu):
– Lưu Bị sai ba tướng giữ phía ngoài, còn hắn ở lại Kinh Châu, sau này sẽ gây tai họa cho ta.
Đến đêm, Sái phu nhân nói với Biểu:
– Tôi thấy ở Kinh Châu lắm người đi lại với Lưu Bị, phải nên đề phòng mới được. Nay để cho hắn ở trong thành cũng vô ích, sao bằng để cho hắn đi nơi khác.
Biểu nói:
– Huyền Đức là người nhân nghĩa đấy.
Sái phu nhân nói:
– Tôi chỉ sợ người ta chẳng được như bụng ông nghĩ thôi.
Biểu lặng yên nghĩ ngợi không trả lời. Hôm sau, Lưu Biểu đi ra ngoài thành, trông thấy con ngựa của Huyền Đức cưỡi tốt lắm, hỏi ra, biết là ngựa của Trương Vũ. Biểu tấm tắc khen mãi, Huyền Đức đem biếu ngay, Biểu mừng lắm, cưỡi về.
Khoái Việt trông thấy, hỏi. Biểu nói:
– Của Huyền Đức cho.
Việt nói:
– Xưa nay anh tôi là Khoái Lương xem ngựa rất giỏi. Tôi cũng võ vẽ chút ít. Con ngựa này dưới mắt có “chỗ trũng chứa nước mắt”, cạnh trán lại có điểm trắng, gọi là giống ngựa “Đích Lư”, dùng nó thì hại chủ. Trương Vũ cũng vì ngựa này mà chết, chúa công không nên cưỡi.
Biểu tin ngay. Hôm sau Biểu mời Huyền Đức đến ăn tiệc, nhân nói rằng:
– Hôm qua hiền đệ cho con ngựa rất tốt, tôi xin cảm tạ; nhưng hiền đệ thỉnh thoảng phải đi chinh chiến, xin trao lại để hiền đệ dùng.
Huyền Đức đứng dậy tạ lại. Biểu nói tiếp:
– Hiền đệ ở lâu đây, sợ xao lãng việc võ. Nay có huyện Tân Dã thuộc ấp Tương Dương, đầy đủ lương thực, hiền đệ nên dẫn quân mã bản bộ ra đấy đóng đồn. Hiền đệ thấy thế nào?
Huyền Đức vâng theo, hôm sau vào từ biệt Lưu Biểu rồi dẫn quân bản bộ đến Tân Dã.
Vừa ra khỏi thành thấy một người đứng đón, vái rạp xuống tận đất, nói rằng:
– Con ngựa của ông, không nên cưỡi.
Huyền Đức nhìn ra là Y Tịch, mạc tân Kinh Châu tên tự là Cơ Bá, quê ở Sơn Dương, Huyền Đức vội xuống ngựa hỏi, Tịch nói:
– Hôm trước, tôi nghe thấy Khoái Việt nói với Lưu Kinh Châu rằng ngựa này là giống “Đích Lư”, cưởi thì hại chủ, nên Lưu Kinh Châu. Ông còn cưỡi làm gì?
Huyền Đức nói:
– Xin thành thật cảm ơn lòng tốt của ông. Nhưng người ta sống chết có mệnh, con ngựa hại thế nào được?
Tịch Phục là cao kiến, từ đấy thường hay đi lại thăm hỏi.
Huyền Đức từ khi đến Tân Dã, quân dân đều vui mừng. Việc chính trị đổi mới hẳn.
Mùa xuân năm Kiến An thứ mười hai, Cam phu nhân sinh được Lưu Thiệc. Đêm hôm đó có một con hạc trắng bay đến đậu trên nóc nhà, kêu to hơn bốn mươi tiếng rồi bay về phía tây. Lúc trở dạ, mùi thơm tỏa khắp phòng. Cam phu nhân trước khi có mang, thường nằm chiêm bao thấy ngửa mặt lên trời nuốt sao bắc đẩu nên đặt tên là A Đẩu.
Hồi ấy, Tào Tháo đang đem quân đi đánh phương bắc, Huyền Đức bèn đến Kinh Châu nói với Lưu Biểu:
– Nay Tào Tháo đem hết quân đánh phương bắc, Hứa Xương bỏ ngỏ. Nhân dịp này, ta đem quân Kinh, Tương đến đánh úp, nhất định sẽ thắng lợi.
Biểu nói:
– Ta ngồi giữ chín châu cũng đủ rồi, còn cần mưu đồ chi nữa?
Huyền Đức ngồi lặng yên.
Biểu mời vào nhà uống rượu. Rượu ngà ngà say, Biểu thở dài một tiếng, Huyền Đức hỏi:
– Huynh trưởng có việc chi mà thở dài?
Biểu nói:
– Ta có việc riêng khó nói ra lắm.
Huyền Đức đang định hỏi thêm, thì ngay lúc ấy Sái phu nhân nấp sau bình phong bước ra, Lư Biểu không nói gì nữa. Một lát tiệc tan, Huyền Đức lại về Tân Dã.
Đến mùa đông năm ấy, nghe tin Tào Tháo tự Liễu Thành về, Huyền Đức rất tiếc Biểu không nghe lời mình.
Một hôm, Biểu sai sứ mời Huyền Đức đến Kinh Châu họp mặt. Huyền Đức theo sứ về, Lưu Biểu tiếp đón và mời vào nhà trong dự tiệc. Nhân bảo Huyền Đức rằng:
– Mới đây, nghe Tào Tháo trở về Hứa Đô, uy thế ngày càng mạnh, tất muốn thôn tính Kinh, Tương. Ta rất ăn năn trước kia không nghe lời hiền đệ, bỏ lỡ mất cơ hội tốt.
Huyền Đức nói:
– Thời buổi này, thiên hạ chia xẻ, chiến tranh nổ ra càng nhiều, cơ hội bao giờ hết được? Nếu biết ứng phó sau này thì cũng không đáng tiếc lắm.
Biểu nói:
– Lời hiền đệ thật chí lí!
Hai người cùng nhau chén tạc chén thù. Rượu say, Lưu Biểu tự nhiên ứa nước mắt, Huyền Đức hỏi vì cớ gì. Biểu nói:
– Ta có việc tâm sự, trước dây đã toan nói với hiền đệ, nhưng chưa thuận tiện.
Huyền Đức nói:
– Huynh trưởng có việc gì khó giải quyết? Nếu cần đến dù chết em cũng không từ.
Biểu nói:
– Con trưởng tôi là Kỳ, do vợ trước là Trần thị sinh ra. Nó hiền lành nhưng nhu nhược lắm, xem chừng không coi nổi việc nước. Con thứ tên là Lưu Tôn, vợ sau Sái thị sinh ra; thằng này tư chất thông minh hơn. Tôi có ý muốn bỏ trưởng lập thứ, nhưng lại sợ trái với lễ pháp; muốn lập con trưởng thì lại sợ tôn tộc họ Sái đều nắm binh quyền, sau tất sinh loạn. Do đó ta lo nghĩ mãi chưa quyết.
Huyền Đức nói:
– Xưa nay, bỏ con trưởng lập con thứ vẫn là rước lấy những chuyện rối ren. Nếu huynh trưởng lo họ Sái quyền to, thì nên dần dần tước bới đi, chứ không nên quá yêu mà lập con thứ.
Biểu nín lặng.
Nguyên Sái phu nhân vẫn có ý nghi Huyền Đức. Hễ thấy Huyền Đức nói chuyện với chồng thì thế nào cũng rình nghe cho kì được. Lúc ấy, chính mụ nấp sau bình phong; nghe thấy Huyền Đức nói câu đó, mụ rất căm tức.
Huyền Đức biết mình lỡ lời, liền đứng dậy đi tiểu. Nhân đó trông thấy thịt vế mập ra, tự nhiên thương cảm ứa nước mắt. Một lát Huyền Đức lại trở vào, Biểu thấy Huyền Đức nét mặt rầu rầu, ngạc nhiên hỏi làm sao. Huyền Đức thở dài nói:
– Từ trước đến nay, em không lúc nào rời yên ngựa, bắp thịt chân thường sắt lại; lâu nay không cưỡi ngựa, thịt lại đẫy ra; ngày tháng trôi qua, già đến nơi rồi mà chưa làm nên trò trống gì. Bởi thế nên em thương cảm mà khóc.
Biểu nói:
– Ta nghe trước kia hiền đệ ở Hứa Xương, cùng Tào Tháo uống rượu nồng với mơ xanh mà bàn luận anh hùng. Hiền đệ kể hết tên danh sĩ thời nay, nhưng Tháo không công nhận một ai, mà nói thẳng ngay rằng: “Thiên hạ anh hùng duy chỉ có sứ quân với Tháo.” Xem đó, quyền thế lừng lẫy như Tào Tháo, còn chưa dám nhận là hơn hiền đệ; hiền đệ lo gì không dựng nên nghiệp bá.
Huyền Đức đang lúc tửu hứng buột miệng đáp rằng:
– Nếu em có cơ sở, thì chẳng cần đếm xỉa gì đến những bọn tầm thường trong thiên hạ cả.
Biểu nghe nói ngồi lặng yên.
Huyền Đức biết mình lỡ lời, mượn cớ đứng dậy, về khách xá nghỉ.
Đời sau có thơ khen rằng:
Tào công tính đốt kể từng người,
Thiên hạ anh hùng có Bị thôi,
Thịt vế mập đầy từng cảm thán,
Chia ba thiên hạ tự đây rồi.
Lại nói Lưu Biểu nghe mấy lời của Huyền Đức miệng tuy không nói, lòng như không vui, liền từ biệt Huyền Đức trở vào nhà trong.
Sái phu nhân nói:
– Mới rồi, thiếp ở sau bình phong, nghe thấy những lời Lưu Bị nói khinh người thậm tệ, đủ biết hắn có ý nuốt Kinh Châu. Nếu không trừ trước, ắt sinh hậu hoạn.
Biểu không nói, chỉ lắc đầu.
Sái thị triệu ngay Sái Mạo vào bàn việc ấy, Mạo nói:
– Chị để em ra ngoài nhà khách giết hắn, rồi báo với chúa công sau.
Sái thị đồng ý. Mạo liền ra điểm quân.
Lại nói, Huyền Đức ở trong nhà khách đốt đèn ngồi chơi. Độ cuối canh ba, sắp sửa đi ngủ, bỗng có một người đẩy cửa vào, trông ra là Y Tịch. Nguyên Tịch biết Sái Mạo định hại Huyền Đức, nên đang đêm đến báo tin giục Huyền Đức cấp tốc lánh đi. Huyền Đức nói:
– Chưa từ biệt Cảnh Thăng, đi sao cho tiện.
Tịch nói:
– Ông mà đến từ biệt tất bị Sái Mạo nó hại.
Huyền Đức tạ ơn Y Tịch rồi gọi ngay tùy tùng nhất tề lên ngựa, đang đêm chạy về Tân Dã.
Khi Sái Mạo đem quân đến, thì Huyền Đức đã đi rồi. Mạo tức lắm, làm ngay một bài thơ viết ở trên tường, rồi vào nói với Biểu:
– Lưu Bị có ý làm phản, nên đề một bài thơ phản trên tường, không từ biệt mà đi ngay.
Biểu không tin, thân ra tận nhà khách, quả nhiên thấy bốn câu thơ:
Khốn đốn lâu nay giữ phận hèn,
Ngồi buồn coi ngắm nước non quen,
Rồng đâu phải giống trong ao nhỏ,
Cưỡi sấm lên trời cũng có phen!.
Lưu Biểu đọc xong giận lắm, tuốt gươm ra, nói:
– Ta thề giết chết bọn bất nghĩa này!
Đi được vài bước, lại sực nghĩ ra:
– Ta cùng ở với Huyền Đức một thời gian dài, không thấy hắn làm thơ bao giờ. Đây tất là âm mưu chia rẽ của kẻ nào đây.
Nghĩ xong lại trở vào, lấy mũi gươm cạo sạch bài thơ ở tường, vứt gươm rồi lên ngựa về.
Sái Mạo trình rằng:
– Quân sĩ đã điểm sẵn, xin cho đến Tân Dã bắt Lưu Bị.
Biểu nói:
– Không nên vội vàng, để ta nghĩ kĩ đã.
Sái Mạo thấy Lưu Biểu dùng dằng không quyết, bèn lẻn vào bàn với Sái thị:
– Nên mở ngay đại hội các quan ở Tương Dương, rồi nhân dịp giết ngay Lưu Bị ở đây.
Hôm sau, Mạo vào bẩm Lưu Biểu:
– Mấy năm nay được mùa, nên họp các quan ở Tương Dương để tỏ sự săn sóc của chúa công. Xin mời chúa công đến dự.
Biểu nói:
– Ta mấy hôm nay có bệnh đau tức, không sao đi được. Nên mời hai công tử làm chủ để tiếp khách.
Mạo nói:
– Công tử còn ít tuổi lắm, sợ không quen lễ nghi.
Biểu nói:
– Thế thì sang Tân Dã mời Huyền Đức đến.
Sái Mạo thấy Biểu trúng mẹo mình, lập tức sai người đi mời Huyền Đức đến Tương Dương.
Huyền Đức từ khi chạy về Tân Dã, biết rằng mình lỡ lời rước vạ, chưa kịp nói chuyện với ai, thì chợt có sứ giả tới mời sang Tương Dương.
Tôn Càn nói:
– Hôm nọ thấy chúa công ở Kinh Châu về có dáng buồn. Tôn chắc bên ấy có xảy ra việc rủi ro gì. Nay tự dưng lại thấy mời chúa công đến hội, phải nên thận trọng.
Lúc ấy, Huyền Đức mới kể lại chuyện trước. Vân Trường nói:
– Từ khi xảy ra chuyện lỡ lời đến nay, Lưu Kinh Châu không hề trách móc gì hết, những tiếng đồn ngoài vội tin sao được. Vả Tương Dương cách đây không xa, nếu anh không đến họ sẽ sinh nghi.
Huyền Đức nói:
– Lời Vân Trường đúng lắm.
Trương Phi nói:
– Tiệc chẳng ra tiệc, hội chẳng ra hội. Thà đừng đi.
Triệu Vân nói:
– Tôi xin đem ba trăm quân mã đi theo, có thể bảo vệ chúa công vô sự.
Huyền Đức nói:
– Thế càng hay lắm!
Rồi cùng Triệu vân ngay hôm ấy sang Tương Dương! Lưu Kỳ, Lưu Tôn dẫn văn võ bách quan ra đón. Sái Mạo cũng ra khỏi thành đón rất là kính cẩn. Huyền Đức thấy có cả hai công tử nên không nghi ngờ gì nữa.
Hôm ấy Huyền Đức tạm nghỉ ở nhà khách, Triệu Vân dẫn ba trăm quân bảo vệ xung quanh. Vân mặc giáp đeo gươm, không rời Huyền Đức nửa bước.
Lưu Kỳ thưa với Huyền Đức:
– Cha tôi bị bệnh đau tức, không thể đi lại được, nên sai mời chú sang tiếp khách và phủ dụ các quan thú mục các nơi.
Huyền Đức nói:
– Lẽ ra tôi không dám đảm nhiệm, nhưng anh đã sai không dám từ chối.
Hôm sau, người vào báo các quan chức trong chín quận, bốn mươi hai châu, đã đến đông đủ.
Sái Mạo mời Khoái Việt đến bàn:
– Huyền Đức là kẻ kiêu hùng đời nay, cho hắn ở lâu sau tất làm hại ta. Nên nhân hôm nay giết đi.
Việt nói:
– Sợ mất lòng dân.
Mạo nói:
– Ta đã vâng mật lệnh của chúa công rồi.
Việt nói:
– Có phải như thế thì nên chuẩn bị trước.
Mạo nói:
– Cửa đông, đại lộ Nghiễn Sơn, cửa nam, cửa bắc đã có các em ta là Sái Hòa, Sái Trung và Sái Huân canh giữ. Chỉ còn cửa tây không cần phải giữ, vì trước mặt có suối Đàn Khê chắn ngang, dù chục vạn quân cũng khó vượt qua được.
Việt nói:
– Tôi thấy Triệu Vân không rời Huyền Đức phút nào, sợ khó hạ thủ.
Mạo nói:
– Tôi sẽ huy động năm trăm quân mai phục sẵn trong thành.
Việt nói:
– Nên sai Văn Sính, Vương Uy đặt một tiệc riêng ngoài sảnh chiêu đãi các võ tướng, hãy mời Triệu Vân ra trước rồi mới hành động được.
Mạo theo kế ấy.
Hôm đó, giết bò mổ ngựa, mở tiệc rất to. Huyền Đức cưỡi ngựa Đích Lư đến chầu, sai đắt ngựa buộc trong vườn sau; các quan lại đã đông đủ ở công đường, Huyền Đức ngồi chủ trì giữa, hai công tử ngồi hai bên, còn quan lại cứ ngồi theo thứ tự.
Triệu Vân đeo gươm đứng cạnh Huyền Đức, Văn Sính, Vương Uy vào mời Triệu Vân ra ngoài dự tiệc, Vân từ chối. Huyền Đức bảo Vân, Vân miễn cưỡng vâng theo.
Sái Mạo ở ngoài bố trí bao vây kín như rào sắt, rồi cho ba trăm quân lui về nhà khách, chỉ đợi tiệc đến nửa chừng thì hạ thủ.
Rượu được ba tuần, Y Tịch đứng dậy cầm chén đến trước mặt Huyền Đức đưa mắt nói sẽ:
– Xin ông thay áo!
Huyền Đức biết ý, lập tức đứng dậy ra nhà tiêu. Y Tịch mời rượu xong, đi nhanh vào vườn sau, rỉ tai Huyền Đức nói:
– Sái Mạo bày kế hại ông. Ba mặt thành đều có quân mã canh giữ, chỉ còn cửa tây bỏ ngỏ, ông trốn ngay đi.
Huyền Đức sợ hãi, vội cưỡi ngựa Đích Lư, mở cửa vườn dắt ra, nhảy phắt lên yên. Phi một mạch về phía cửa tây không kịp hỏi đến bọn tùy tùng.
Lính gác hỏi. Huyền Đức không đáp, gia roi chạy miết. Lính gác chặn lại không được, vội phi báo với Sái Mạo. Mạo lập tức đem năm trăm quân đuổi theo.
Lại nói Huyền Đức ra khỏi cửa tây, đi được vài dặm, trước mặt có một suối lớn chắn ngang. Suối Đàn Khê này rộng độ vài trượng, chảy ra Tương Giang mạnh quá, sóng vỗ rất to. Huyền Đức đến sát bờ, thấy không thể qua được, gò ngựa trở lại, nhìn về phía tây thành, bụi bốc mù mịt, quân đuổi theo sắp đến nơi. Huyền Đức nói: “Phen này chắc chết!”, rồi quay ngựa lại bờ suối. Lúc ấy quân đuổi đã kéo đến nơi, Huyền Đức hoảng sợ, quất ngựa xuống suối. Đi được vài bước, ngựa ngã quỵ hai chân trước, ướt hết cả áo bào, Huyền Đức liền giơ roi hô lớn:
– Đích Lư! Đích Lư! Nay mi hại ta rồi!
Huyền Đức vừa dứt lời, con ngựa bỗng rún mình nhảy vọt cao ba trượng sang bờ phía tây. Huyền Đức như vừa bay bổng lên mây.
Về sau, Tô học sĩ (tức Tô Đông Pha) có làm một bài cổ phong vịnh việc ấy. Thơ rằng:
Tuổi già vui cảnh xuân tàn,
Ngẫu nhiên lần tới khe Đàn qua chơi.
Ngẩn ngơ dừng ngựa đứng coi,
Bông hoa trước mặt tả tơi cánh hồng,
Nhớ xưa vân Hán đã cùng,
Nào hùm đua sức, nào rồng chọi nanh,
Tương Dương mở tiệc linh đình,
Không may Huyền Đức thình lình gặp nguy!
Cửa tây trốn nạn ra đi,
Sau lưng đã thấy quân truy đến gần.
Mông mênh mặt suối cách ngần,
Nước sâu thăm thẳm muôn phần khó thay.
Vó câu rẽ sóng như bay,
Lưng trời gió cuốn một roi vẫy vùng…
Tai nghe tiếng kị dè chừng,
Hai rồng cất cánh giữa dòng bay lên.
Rõ ràng chân chúa Tây Xuyên,
Người này ngựa ấy phỉ nguyền vua tôi.
Khe đàn cuốn nước ra khơi,
Chúa hiền ngựa tốt nay thời ở đâu?
Nhìn sông tuống phủ đốc sầu,
Bóng chiều bảng lảng phơi đầu núi không…
Tam phân một giấc mơ màng,
Chỉ còn vết tích ghi trong cõi đời.
Huyền Đức sang đến bờ bên kia, ngoảnh lại đã thấy Sái mạo dẫn quân đến nơi, gọi to rằng:
– Sao sứ quân bỏ tiệc mà đi thế?
Huyền Đức đáp:
– Ta cùng ngươi không thù không oán, sao muốn hại ta?
Mạo nói:
– Tôi đâu có mưu ấy, sứ quân đừng tin lời người ta nói.
Huyền Đức thấy Mạo sửa soạn cung tên, liền quất ngựa chạy về phía tây nam. Mạo bảo với tả hữu rằng:
– Người ấy có thần nào giúp vậy?
Mạo sắp sửa trở về thành thì thấy Triệu Vân đem ba trăm quân từ trong cửa tây ruổi tới.
Thế là:
Long câu cứu chủ vừa qua suối,
Hổ tướng đem quân rắp báo thù.
Chưa biết Sái Mạo phen này sống chết thế nào, xem hồi sau mới rõ.