HỒI 120
Tiến Đỗ Dự, lão tướng dâng mẹo hay;
Bắt Tôn Hạo, tam phân lại hợp nhất.
Lại nói Ngô chủ là Tôn Hưu nghe tin Tư Mã Viêm đã cướp ngôi nhà Ngụy, biết cơ sắp đánh Ngô, lo lắng thành bệnh, nằm liệt một chỗ không dậy được. Hưu cho vời thừa tướng Bộc Dương Hưng vào cung, sai thái tử Tôn Quân ra lạy. Ngô chủ cần tay Bộc Dương Hưng trỏ vào thái tử rồi mất. Hưng bàn với quần thần, muốn lập thái tử lên nối ngôi. Tả điển quân Vạn Úc can rằng:
– Thái tử còn thơ ấu lắm, không coi nổi việc nước, không bằng đón Ô trình hầu Tôn Hạo về mà lập lên thì hơn.
Tả tướng quân Trương Bố cũng nói:
– Tôn Hạo kiến thức cao mà xử đoán minh, có tài làm nổi được đế vương.
Bộc Dương Hưng không quyết bề nào, vào cung tâu với Chu thái hậu.
Thái hậu nói:
– Ta là đàn bà, biết đâu được việc xã tắc! Các ngươi liệu châm chước, lập ai thì lập.
Hưng mới đón Tôn Hạo về lập làm vua. Hạo tự là Nguyên Tôn, con của thái tử Tôn Hòa tức là cháu Đại đế Tôn Quyền. Tháng bảy năm ấy, Hạo lên ngôi hoàng đế, cải niên hiệu là Nguyên Hưng năm đầu, phong cho thái tử Tôn Quân làm Dự Chương Vương: Truy tôn cha là Tôn Hòa làm Văn hoàng đế, tôn mẹ là Hà thị làm thái hậu, gia phong cho Đinh Phụng làm tả hữu đại tư mã.
Năm sau cải niên hiệu là Cam Lộ năm đầu. Hạo ngày càng hung bạo, say mê tửu sắc, tin yêu một tên trung thường thị là Sầm Hôn. Bộc Dương Hưng, Trương Bố hai người can ngăn. Hạo tức giận, giết cả hai người và ba họ. Bởi thế quần thần buộc miệng, không ai dám hé răng nữa.
Hạo lại cải niên hiệu là năm Bảo Đinh, cất Lục Khải, Vạn Úc làm tả hữu thừa tướng! Hạo đóng ở thành Võ Xương, nhân dân trong xứ Dương Châu phải ngược thuyền cung cấp, khổ ải trăm bề; tính Hạo lại xa xỉ không có chừng mực, của công của tư khan cạn. Lục Khải dâng sớ can ngăn rằng:
“Nay không gặp tai nạn gì mà tính mạng của dân nguy khốn; không xây dựng gì mà tiền của nhà nước sạch trơn, thần nghĩ đau lòng lắm.
Trước kia nhà Hán suy vi, ba nhà đứng lên thành hình chân vạc. Nay Tào, Lưu vô đạo, cơ nghiệp về cả nhà Tấn: đó là tấm gương tầy liếp trước mắt vậy.
Thần vì bệ hạ mà lo lắng nước nhà. Ở Vũ Xương, ruộng đất cằn cỗi, không phải là chỗ vua chúa đóng đô. Lại có ca dao rằng: “Nên uống nước Kiến Nghiệp, không nên ăn cá Vũ Xương. Nên về Kiến Nghiệp mà chết, không nên ở lì Vũ Xương”. Như thế đủ rõ lòng người cũng hợp với ý trời đó. Nay nước không đủ lương thực một năm, có cơ suy yếu dần mòn; quan lại quấy nhiễu nhân dân mà không hề thương xót, giúp đỡ. Thời Đại đế, cung nữ không đầy trăm người, từ Cảnh đế đến nay, hàng nghìn có lẻ, hao công tốn của vô cùng. Tả hữu lại toàn những người chẳng ra gì, bè kia đảng nọ lấn áp nhau, hại kẻ trung diềm người hiền, đều là mọt nước sâu dân cả.
Xin bệ hạ giảm những việc vô ích, bỏ những món quyên góp nặng nề, bớt bỏ cung nữ; lựa chọn trăm quan. Như thế trời đẹp ý, dân quy thuận, mà nước sẽ thái bình vậy.”
Hạo không bằng lòng, lại càng bày nhiều công việc thổ mộc, xây cung Chiêu Minh, sai cả các quan văn võ vào rừng tìm gỗ. Lại sai một người thuật sĩ là Thượng Quảng, bói xem việc lấy thiên hạ thế nào.
Quảng thưa rằng:
– Bệ hạ bói được quẻ này hay lắm; đến năm Canh Tí, lọng xanh vào được Lạc Dương.
Hạo mừng lắm, bảo với trung hư thừa là Hoa Hạch rằng:
– Tiên đế nghe lời ngươi, sai tướng chia ra giữ mạn bờ sông, lập vài trăm đồn, sai lão tướng Đinh Phụng thống lĩnh. Trẫm nay muốn đáng chiếm lấy đất nhà Hán, để báo thù cho Thục chủ, thì nên lấy xứ nào trước bây giờ?
Hoa Hạch can rằng:
– Nay Thành Đô thất thủ, xã tắc nhà Thục đổ rồi, Tư Mã Viêm tất có ý muốn nuốt Ngô, bệ hạ nên sửa đức yên dân là hơn cả. Nếu miễn cưỡng dấy động việc binh, thì chẳng khác gì mặc áo xô nhảy vào cứu lửa, hóa ra mình lại đốt mình, xin bệ hạ xét cho.
Hạo giận lắm, nói:
– Trẫm muốn nhân dịp này mở mang bờ cõi, ngươi sao dám nói gở miệng ra thế? Nếu không nể ngươi là mặt cựu thần, thì quyết chém đầu hiệu lệnh.
Liền quát võ sĩ đẩy ra ngoài cửa điện, Hoa Hạch ra khỏi triều than rằng:
– Tiếc thay! Giang sơn gấm vóc thế này, chẳng bao lâu sẽ về tay người khác!
Từ bấy giờ ẩn dật một nơi, không ra làm quan nữa.
Hạo sai trấn đông tướng quân là Lục Kháng đóng quân ở cửa sông, chực lấy Tương Dương.
Có người báo tin về Lạc Dương, Tấn đế Tư Mã Viêm nghe tin Lục Kháng muốn cướp Tương Dương liền hội các quan lại bàn bạc.
Giả Sung ra ban tâu rằng:
– Tôi nghe Tôn Hạo ở Ngô, không sửa việc nhân đức, mà chuyên một mặt làm những sự vô đạo. Bệ hạ nên sai đô đốc Dương Hựu đem quân ra chống cự đợi khi nào trong nước sinh biến, sẽ thừa thế mà đánh, thì chỉ giở bàn tay là lấy xong Đông Ngô.
Viêm mừng lắm, liền giáng chiếu sai sứ đem đến Tương Dương sai Dương Hựu cất quân ra đánh giặc. Dương Hựu phụng chiếu, chỉnh đốn quân mã, chuẩn bị đánh giặc.
Từ đó, Dương Hựu trấn thủ ở Tương Dương, được lòng quân dân lắm. Người Ngô nào đến hàng mà lại muốn về cũng cho về ngay; Hựu lại giảm bớt quân tuần phòng đồn thú, cho phá ruộng cày cấy, khẩn được hơn tám trăm khoảnh ruộng, (một trăm mảnh gọi là một khoảnh). Khi mới đến nhận chức, quân không có lương trữ sẵn trăm ngày. Đến cuối năm đã có thóc chứa đủ dùng được mười năm. Hựu ở trong quân, thường chỉ mặc áo cừu nhẹ nhàng, đóng bộ đai rộng rãi, không mặc đến áo giáp bao giờ. Quân hầu dưới trướng chỉ vẻn vẹn vài mươi người.
Một hôm, Bộ tướng vào bẩm rằng:
– Quân đi tiễu về báo quân Ngô trễ nải cả, nên nhân lúc không phòng bị mà đánh bừa đi thì được.
Hựu cười rằng:
– Các anh khinh Lục Kháng ư? Người ấy lắm trí nhiều mưu. Khi trước Ngô chủ sai hắn đánh Tây Lăng, chém chết Bộ Xiển và vài chục tướng sĩ, ta đến cứu không kịp. Người ấy làm tướng, ta chỉ nên giữ kĩ là hơn; đợi khi trong nước hắn có biến, thì mới đồ được. Nếu không biết thời thế mà khinh tiến, thì chỉ rước lấy thua mà thôi.
Chúng phục lời ấy, và chăm chú giữ vững bờ cõi của mình.
Một hôm, Dương Hựu dẫn các tướng sĩ đi săn, gặp ngay Lục Kháng cũng đi săn. Hựu truyền lệnh cho quân không được lấn sang cõi Ngô. Bởi thế các tướng sĩ bổ vây săn bắn ở bên cõi Tấn.
Lục Kháng trông thấy than rằng:
– Quân của Dương tướng quân có phép tắc thế này, không thể phạm được.
Đến chiều tối, quân tướng bên nào về bên ấy. Hựu về trại, xét hỏi những giống cầm thú nào mà người Ngô bắn bị thương trước thì cho mang giả hết. Quân Ngô mừng rỡ, vào trình với Lục Kháng.
Kháng gọi người ấy vào bảo rằng:
– Chủ soái mày có biết uống rượu không?
Người ấy bẩm:
– Chủ soái tôi có rượu ngon thì mới uống.
Kháng cười rằng:
– Ta có một bình rượu, lâu nay vẫn để dành. Nay đưa cho mày cầm về biếu đô đốc. Rượu này là ta tự nấu ra để uống; nay gọi là có chén rượu dâng đô đốc, để giả ơn tình nghĩa đi săn hôm qua đấy.
Người ấy vâng lời cầm rượu về.
Tả hữu hỏi Kháng rằng:
– Tướng quân đem rượu cho bên địch, là ý làm sao?
Kháng nói:
– Kẻ kia có bụng tử tế với ta, chẳng lẽ ta không đáp lại hay sao?
Chúng đều ngạc nhiên.
Đây nói người ấy về ra mắt Dương Hựu, thuật lại việc Lục Kháng hỏi han và biếu bình rượu.
Hựu cười rằng:
– Hắn cũng biết tính ta hay rượu à?
Liền sai mở rượu ra uống.
Bộ tướng là Trần Nguyên nói rằng:
– Đô đốc chớ nên uống vội, ngộ có thuốc độc thì sao?
Hựu cười rằng:
– Lục Kháng không phải là người đánh thuốc độc, bất tất phải nghi làm gì.
Nói đoạn, cứ việc rót rượu uống. Tự đấy, hai bên thường cho người đi lại hỏi han nhau.
Một bữa Kháng cho người lại thăm Dương Hựu, Hựu hỏi rằng:
– Lục tướng quân dạo này có khỏe không?
Sứ giả bẩm:
– Chủ soái tôi mấy nay yếu không ra ngoài được.
Hựu nói:
– Bệnh hắn tất như bệnh ta. Nay ta có thuốc đã bào chế sẵn, nên đem về cho chủ soái uống thì khắc khỏi.
Sứ giả mang thuốc về bẩm với Lục Kháng.
Các tướng thưa rằng:
– Dương Hựu là kẻ địch nhau với ta, thuốc này tất không phải là thuốc tốt.
Lục Kháng nói:
– Dương Thúc Tử có đâu lại đánh thuốc độc người ta bao giờ? Các ngươi chớ nghi.
Nói đoạn, cứ việc đem uống, hôm sau quả nhiên khỏi bệnh. Các tướng đều lạy mừng.
Kháng nói:
– Bên họ dùng nhân đức, bên ta thì hay làm sự bạo ngược, thế là họ không cần đánh mà ta sắp phải chịu rồi đấy. Từ rày, ta cũng nên cứ giữ bờ cõi của mình, chớ nên tham lợi nhỏ.
Các tướng vâng lệnh. Chợt có sứ giả Ngô chủ sai đến. Kháng ra tiếp vào. Sứ giả nói:
– Thiên tử truyền cho tướng quân phải tiến binh kíp ngay đi, chớ để người Tấn vào cõi ta trước.
Kháng nói rằng:
– Ngươi cứ về trước đi, ta sẽ có biểu chương tâu lên vua.
Sứ giả trở về. Kháng cho ngay người mang sớ đến Kiến Nghiệp tâu với Ngô chủ rằng Tấn chưa nên đánh và khuyên Ngô chủ sửa đức, thận trọng việc hình phạt, cốt cho dân được yên, chớ không nên dùng binh thái quá.
Ngô chủ Tôn Hạo xem xong, nổi giận mà rằng:
– Trẫm nghe Kháng ở ngoài biên cảnh tư thông với giặc, nay quả nhiên như thế thực.
Bèn sai sứ ra tước binh quyền, giáng xuống làm tư mã, rồi sai tả tướng quân là Tôn Ký thay lĩnh chức ấy.
Quần thần không dám can ngăn gì cả.
Tôn Hạo lại đổi niên hiệu là Kiến Hành, đến năm Phượng Hoàng thứ nhất, lại càng rông rỡ làm càn, hết đánh chỗ nọ lại đi thú chỗ kia, trên dưới ai cũng ta thán. Thừa tướng Vạn Úc, tướng quân Lưu Bình, đại tư nông Lâu Huyền thấy Hạo vô đạo, lấy lời thẳng can ngăn, cũng đều bị giết. Trước sau mười năm trời, giết mất hơn bốn mươi người trung thần. Hạo ra vào thường đem năm vạn quân thiết kị hầu hạ, quần thần sợ hãi, không ai dám nói gì cả.
Đây nói, Dương Hựu nghe tin Lục Kháng bị bãi chức, mà Tôn Hạo thì thất đức lắm, biết là Ngô có cơ lấy được, mới dâng biểu về Lạc Dương xin đánh Ngô.
Biểu rằng:
“Ôi! Thời vận tuy trời cho, nhưng công nghiệp tất phải do người mới nên được. Nay Giang Hoài không hiểm bằng Kiếm Các, mà Tôn Hạo bạo ngược tệ hơn Lưu Thiền. Người Ngô khổ hơn người Ba Thục, mà sức binh Đại Tấn lại thịnh hơn trước kia; không nhân dịp này nhất thống cả bốn bể, mà cứ đóng quân giữ nhau, để cho thiên hạ khổ ải về việc chinh chiến, trải hết đời thịnh sang đời suy, như thế thi lâu bền sao được.”
Tư Mã Viêm xem biểu mừng lắm, bàn việc cất quân, Giả Sung, Tuân Húc, Phùng Thẩm, ba người cố sức can ngăn không nên đánh vội, nên việc ấy lại thôi.
Hựu thấy vua không nghe lời mình, than rằng:
– Việc thiên hạ mười phần thì thường tám chín phần không được như ý. Nay trời cho mà không lấy, khá tiếc lắm thay!
Đến năm Hàm Ninh thứ tư, Dương Hậu vào chầu, tâu xin từ chức về quê dưỡng bệnh.
Viêm hỏi rằng:
– Ngươi có mẹo gì yên được nước, dạy cho trẫm không?
Hựu tâu rằng:
– Tôn Hạo bạo ngược tham quá, có thể không đánh cũng phá được. Nếu Hạo bất hạnh mất đi, họ lập được vua hiền khác lên, thì đất Đông Ngô không bao giờ về tay bệ hạ nữa.
Viêm nghĩ ra, nói rằng:
– Nay ngươi cất quân sang đánh, thế nào?
Hựu thua:
– Tôi năm nay đã già yếu lắm bệnh, không kham nổi được. Xin bệ hạ kén người trí dũng khác thì hơn.
Bèn từ trở về. Tháng chạp năm ấy, Dương Hựu mệt nặng gần mất. Tư Mã Viêm thân đến tận nhà hỏi thăm, Hựu ứa nước mắt khóc nói rằng:
– Tôi tuy muốn chết, cũng chưa báo được ơn bệ hạ!
Viêm cũng khóc rằng:
– Trẫm tiếc vì không dùng kế đánh Ngô của ngươi, nay có ai nối được chí của ngươi không?
Hựu thưa rằng:
– Thần chết đến nơi rồi đấy, còn chút lòng thành nào, xin bày tỏ hết: Có hữu tướng quân là Đỗ Dự đương nổi việc đánh Ngô, bệ hạ nên dùng ngay đi.
Viêm lại nói:
Cử kẻ thiện, tiến người hiền, cũng là một việc rất hay. Ngươi tiến người trong triều, liền đốt ngay bản tâu đi, không để cho họ biết, là cớ làm sao?
Hựu thưa rằng:
– Cử người trong triều, mà để cho họ đến tận nhà riêng của mình tạ ân, tôi thiết nghĩ không muốn như thế.
Nói xong thì mất.
Viêm khóc ầm lên, trở về cung, sắc tặng cho làm thái phó Cự Bình hầu. Trăm họ nghe tin Dương Hựu mất, thương khóc bỏ cả chợ búa không họp. Các tướng sĩ giữ ngoài biên cảnh cũng đau xót. Người Tương Dương thấy Hựu khi còn sống, thường hay ra chơi núi Nghiễn Sơn, mới lập miếu tạc bia bốn mùa cúng tế. Kẻ qua người lại, trông thấy văn bia, đều phải ứa nước mắt, cho nên thành tên là bia “Sa nước mắt”.
Có thơ than rằng:
Trèo non ngắm cảnh nhớ người xưa
Bia tạc nghìn thu mảnh đá trơ
Lác đác ngọn thông sa giọt nước,
Còn nghi nước mắt tự bao giờ!
Tấn chủ vì có lời Dương Hựu, bèn cất Đỗ Dự lên làm trấn nam đại tướng quân, đô đốc cả việc Kinh Châu.
Dỗ Dự vào bậc lão thành, từng trải việc đời đã nhiều, tính lại ham học không biết mỏi. Thường hay xem truyện Xuân Thu của ông Tả Kỳ Minh, ngồi đứng không rời quyển sách lúc nào, đi đâu thì treo quyển Tả truyện trên đầu ngựa, người bấy giờ gọi là “Bệnh Tả truyện”.
Khi ấy Đỗ Dự phụng mệnh Tấn chủ ra trấn thủ Tương Dương, yên dân nuôi lính, sửa soạn đánh Ngô. Bấy giờ Đinh Phụng, Lục Kháng bên Ngô đã mất. Tôn Hạo mỗi khi hội quần thần ăn yến, bắt uống rượu thật say lả ra mới thôi. Lại sai mười người hoàng môn thị lang làm quan dò xét trong đám uống rượu. Khi tan tiệc, phải tâu các điều nhầm lỗi của các quan, ai phạm phải điều gì, hoặc lột da mặt, hoặc khoét mắt. Bởi thế cả nước ai cũng sợ hãi.
Thứ sử Ích Châu bên Tấn là Vương Tuấn dâng sớ xin đánh Ngô. Trong sớ nói rằng:
“Tôn Hạo hoang dâm hung ác, nên đánh ngay đi; nếu một mai Hạo mất mà lập vua hiền khác, thì giặc sẽ mạnh mất. Thần đóng thuyền bảy năm nay rồi, mỗi ngày để mục nát dần. Thần nay đã bảy mươi tuổi, chưa biết sống chết dường nào, trong ba việc ấy mà hỏng một điều, thì khó lòng mà đồ được Ngô nữa; vậy xin bệ hạ đừng để lỡ mất cơ hội hay này.”
Tấn chủ xem sớ, bàn với quần thần rằng:
– Lời Vương Tuấn, hợp với ý Dương đô đốc, trẫm quyết ý đánh Ngô.
Thị trung Vương Hồn tâu rằng:
– Tôi nghe Tôn Hạo muốn cướp Trung Nguyên, quân ngũ chỉnh tề, thanh thế đang thịnh, khó lòng đánh nổi. Nên hoãn lại một năm nữa, đợi cho quân kia mệt mỏi, rồi ta sẽ đánh thì mới thành công được.
Tấn chủ nghe lời tâu, giáng chiếu, hoãn việc cất quân. Rồi lui vào hậu cung, cùng bí thư thừa là Trương Hoa đánh cờ tiêu khiển.
Cận thần vào tâu ngoài biên đình có biểu gửi về.
Tấn chủ mở ra xem, thì là biểu của Đỗ Dự. Trong biểu viết đại ý rằng:
“Trước kia, Dương Hựu không nói cho triều thần biết mưu kế ấy, mà chỉ tâu kín với bệ hạ, khiến cho triều thần dị nghị linh tinh. Phàm việc gì cũng phải so sánh lợi hại. Cứ xem phen này có tám chín phần lợi, mà cái hại ở chỗ là không gắng công mà thôi. Từ mùa thu đến nay, tình hình đánh giặc đã gần lộ ra rồi; nếu nửa chừng hoãn lại, thì Tôn Hạo dời đô Vũ Xương, sửa sang các thành trì Giang Nam, di chuyển dân cư; khi ấy thành trì không thể phá vỡ, đồng ruộng không còn gì đáng chiếm. Như vậy, việc định sang năm cũng không làm kịp được nữa.”
Tấn chủ xem biểu vừa xong, Trương Hoa đứng phắt dậy, đẩy bàn cờ ra một bên, rồi chắp tay tâu rằng:
– Bệ hạ thánh võ, nước giàu dân mạnh. Bên Ngô chủ thì hoang dâm bạo ngược, nước suy dân khốn. Nếu đánh ngay đi, thì cũng không khó nhọc mà cũng bình định được. Xin bệ hạ đừng nghi ngại nữa.
Tấn chủ nói:
– Ngươi bày rõ đường lợi hại như thế, trẫm còn nghi ngại gì!
Lập tức lên điện, sai trấn nam đại tướng quân Đỗ Dự làm đại đô đốc, dẫn mười vạn quân ra mặt Giang Lăng; sai trấn đông đại tướng quân lang nha vương Tư Mã Du ra mặt Từ Trung; yên đông đại tướng quân Vương Hồn ra mặt Hoành Giang; kiến oai tướng quân Vương Nhung ra mặt Vũ Xương; bình nam tướng quân Hồ Phấn ra mặt Hạ Khẩu; mỗi người dẫn năm vạn quân tuân theo hiệu lệnh của Đỗ Dự. Lại sai Long Nhương tướng quân Vương Tuấn, quảng võ tướng quân Đường Bân xuôi thuyền xuống phía đông. Quân mã thủy bộ cả thảy hơn hai mươi vạn, chiến thuyền vài vạn. Lại sai quán quân tướng quân là Dương Tế ra đóng ở Tương Dương để coi xét các mặt.
Có người báo tin ấy về Đông Ngô, Ngô chủ Tôn Hạo giật mình, kíp vời thừa tướng Trương Để, tư đồ Hà Thực, tư không Đặng Tu vào bàn bạc việc đánh giặc.
Để tâu rằng:
– Nên sai xa kị tướng quân Ngũ Diên làm đô đốc, tiến ra Giang Lăng, địch nhau với Đỗ Dự, phiêu kị tướng quân Tôn Hâm tiến binh đánh mặt Hạ Khẩu; tôi thì xin làm quân sư, lĩnh tả tướng quân Thẩm Oánh, hữu tướng quân Gia Cát Nghiễn, dẫn mười vạn quân đóng ở bến Ngựu Chử, để tiếp ứng các mặt quân mã.
Hạo nghe lời, sai Trương Để dẫn quân đi.
Hạo lui vào hậu cung, có dáng lo lắng, hạnh thần là Sầm Hôn hỏi cớ làm sao, Hạo nói:
– Quân Tấn kéo sang, các mặt đã có các quân ra chống cự hết cả. Duy còn mặt Vương Tuấn dẫn vài vạn chiến thuyền, thuận dòng kéo đến, thanh thế to lắm, nên trẫm lo ngại.
Hôn tâu rằng:
– Tôi có một mẹo này, khiến cho thuyền của Vương Tuấn tan vụn ra như cám.
Hạo mừng, hỏi kế gì.
Sầm Hôn tâu rằng:
– Giang Nam ta nhiều sắt, nên đánh ra hơn một trăm cuộn dây xích, mỗi cuộn dài vài trăm trượng, mỗi vòng xích nặng hai ba mươi cân. Dọc theo bờ sông, nội chỗ nào khẩn yếu, thì giăng dây xích ra mà chắn lối thuyền đi. Lại đúc vài vạn cọc sắt, mỗi cái dài hơn một trượng, cắm ngầm ở dưới đáy nước, nếu thuyền của Tuấn nhờ gió lướt sang, chạm phải cọc thì vỡ tan cả, còn sang làm sao được?
Hạo mừng lắm, truyền sai thợ rèn ra bờ sông, ngày đêm đúc cọc sắt và xích sắt, đem dàn cắm các nơi hiểm yếu.
Nói về đô đốc Tấn là Đỗ Dự kéo quân đến Giang Lăng, sai nha tướng Chu Chỉ dẫn tám trăm thủy thủ chở thuyền nhỏ sang ngầm sông Trường Giang, đêm úp lấy Lạc Dương, cắm nhiều cờ quạt trong rừng rậm, ban ngày thì phóng pháo khua trống, đêm đốt lửa làm hiệu. Chỉ vâng lệnh, dẫn quân qua sông, phục ở Ba Sơn. Hôm sau, Đỗ Dự tiến quân cả hai mặt thủy bộ.
Tiền tiêu báo rằng:
– Ngô chủ sai Ngũ Diện ra mặt bộ, Lục Cảnh ra mặt thủy, Tôn Hâm làm tiên phong, tất cả ba đường đến nghênh địch.
Đỗ Dự dẫn quân tiến đi, gặp ngay thuyền Tôn Hâm tới. Hai bên vừa mới giao chiến, Đỗ Dự đã rút lui ngay, Tôn Hâm mang quân lên bờ đuổi theo, chưa đầy hai mươi dặm, pháo hiệu nổ vang, quân Tấn kéo tràn cả đến; quân Ngô vội vàng rút về. Đỗ Dự thừa thế đánh bừa sang, quân Ngô tổn hại rất nhiều. Tôn Hâm chạy về đến thành, thì tám trăm quân của Chu Chỉ nhân lúc nhốn nháo, cũng chạy lẫn cả vào trong thành, rồi đốt lửa lên.
Hâm giật mình mà rằng:
– Quân bắc dễ thường bay qua sông chắc?
Bèn vội vàng kéo quân chạy, thì đã bị Chu Chỉ quát to một tiếng, chém nhào xuống ngựa.
Lục Cảnh ở dưới thuyền, trông về nam ngạn, một dải lửa đỏ rực; trên núi Ba Sơn lá cờ to gió bay phấp phới, trông rõ hàng chữ “Tấn trấn nam đại tướng quân Đỗ Dự”. Lục Cảnh giật mình, toan chạy lên bờ đi trốn, bị tướng Tấn là Trương Thượng tế ngựa xốc tới chém chết.
Ngũ Diên thấy quân các mặt thua cả, bỏ thành chạy trốn, bị quân phục tóm được, trói nộp Đỗ Dự. Dự sai võ sĩ chém nốt; liền hạ được thành Giang Lăng.