Tarzan 1: Con Của Rừng Xanh

Chương 20: Tuần dương hạm nhổ neo


Trung úy Ac nốt tỉnh dậy và thấy mình đang nằm trên chiếc đệm làm bằng cỏ và rêu. Lớp cỏ dưới lưng anh đã uốn cong lên làm thành một mái che kín đáo. Phía dưới chân anh có một lỗ hổng. Nhìn qua lỗ hổng đó, anh trông thấy một bãi cỏ xanh và một khoảng rừng lá ken dày, trông như một con đê lớn.

Trung úy cảm thấy mình hết sức yếu ớt. Anh càng tỉnh, càng bị những vết thương hành hạ, đau đớn. Chỉ cần cựa nhẹ một chút là anh thấy đầu đau như muốn vỡ. Anh chỉ muốn nằm im và nhắm mắt lại. Anh cố gắng nhớ lại thật kỹ những chuyện đã xảy ra để xác định hiện trạng của mình. Lúc này, thực ra anh vẫn chưa biết mình đang nằm ở đâu, trong tay kẻ thù hay trong tay đồng đội.

Sau một lúc cố gắng, cuối cùng anh đã nhớ tới cái người da trắng trần truồng đã giải thoát anh khỏi chiếc cọc hành hình và bế anh lên. Nếu như anh không mơ thì đúng là có chuyện ấy. Nhưng rồi sau đó thì sao? Còn bây giờ? Chuyện gì sẽ xảy ra với anh? Trong cái tổ làm bằng cỏ rất kín đáo này, anh chỉ nghe thấy vọng vào tiếng xạc xào của rừng già. Tiếng cành cây khô khốc. Tiếng lá rì rào. Tiếng côn trùng rên rỉ. Tiếng chim kêu vượn hú… Chẳng có một dấu hiệu gì của sự sống con người! Đầu óc anh lơ mơ. Một lát sau anh lại thiếp đi. Tới khi anh tỉnh dậy thì trời đã trưa. Lại lần nữa, anh phải cố gáng suy nghĩ mò lại đầu mối của các sự kiện đã xảy ra và tin chắc rằng mình đang sống. Nhìn qua lỗ hổng phía dưới chân, anh trông thấy có cơ thể rám nắng, săn chắc của một người đàn ông. Đó là một người da trắng. Anh lựa hơi thở, cố gắng gọi người lạ.

Người đàn ông quay lại và chui vào tổ cỏ. Đó là một thanh niên đẹp trai, có mái tóc rất dài. Ac nốt nói với chàng trai bằng tiếng Pháp nhưng chàng lại lắc đầu. Thật đáng tiếc! Người bị thương nghĩ rồi lại nói bằng tiếng Anh. Nhưng chàng trai vẫn không hiểu gì. Ác nột lại lần lượt thử nói bằng tiếng Italia, Tây Ban Nha rồi tiếng Đức. Kết quả vẫn thế. Là một thủy thủ lênh đênh bốn biển, trung úy Ác nốt còn biết vài tiếng Nauy, tiếng Nga và tiếng Hy Lạp nữa. Thậm chí anh còn thuộc một số từ ngữ của những thổ dân da đen đông Phi dọc bờ biển này. Nhưng chàng trai không hề biết một ngôn ngữ nào cả.

Một lát sau chàng trai xem qua các vết thương của trung úy rồi bỏ ra ngoài. Nửa giờ sau chàng ta quay lại với một ôm hoa quả và một ít nước, đựng trong vỏ một quả bí khô. Ác nốt uống nước và há miệng cho chàng trai đặt từng mẩu trái cây vào lưỡi. Ac nột lại thử nói với chàng trai đang chăm sóc mình vài câu. Nhưng mọi cố gắng của anh đều vô ích.

Chàng trai bí ẩn đó lại bỏ đi, có vẻ như vừa nhớ ra một điều gì đó. Vài phút sau chàng trở lại, mang theo một nắm vỏ cây mềm và một vật gì đó giống như chiếc bút. Ác nốt nình kĩ. Đúng là chiếc bút thật! Chàng trai ngồi bên cạnh Ac nốt, nhìn chăm chăm vào mặt anh một lúc rồi chỉ tay vào ngực mình. Từ cổ họng chàng bật ra hai tiếng: “TÁC DĂNG”

Hai âm thanh đó vang lên cùng với một cái lắc đầu. Ngay sau đó, chàng trai cúi xuống nhìn mảnh vỏ cây. Khuôn mặt chàng có vẻ rất căng thẳng. Chàng mắm môi mắm lợi, cầm bút bôi vào vỏ cây. Chàng bôi xong liền đưa mảnh vỏ cây cho Ac nốt. Viên trung úy giật mình khi nhìn thấy trên mảnh vỏ cây hiện ra những từ tiếng Anh: “Ông là ai? Hiểu không?”

Trung úy Ác nốt định cầm bút nhưng sức anh còn quá yếu. Đồng thời anh cũng nghĩ ngay rằng chàng trai này viết tiếng Anh, hẳn chàng là một người Anh.

– Tôi hiểu, – viên trung úy nói – Tôi biết nói và viết tiếng Anh. Nhưng chúng ta nói với nhau thì tiện hơn. Trước hết tôi xin cám ơn anh vì…

Nhưng Tác dăng lại lắc đầu, chỉ tay vào mảnh vỏ cây và cây bút.

– Anh là người nước Anh, vì sao không nói tiếng Anh?

Nhưng vừa nói xong trung úy chợt nghĩ: “Chàng trai này vừa bị câm, vừa bị điếc.” Anh muốn cầm bút vào tay, nhưng vừa cựa mình anh đã phải nghiến chặt răng lại vì vết thương nhức nhối. Anh lại nằm thở.

Tác dăng hiểu rằng người đàn ông da trắng này vẫn còn cần nghỉ ngơi. Chàng viết thêm vào mảnh vỏ cây: “Ông ngủ đi! Sau đó tôi đưa ông về chỗ người của ông”

° ° ° Khi đội quân tiễu phạt từ rừng sâu thất vọng trở về, thuyền trưởng Dunran muốn nhổ neo, trở lại căn cứ hải quân của mình. Tất cả mọi người đều đồng tình với ý định đó, trừ Potorova.

– Không – Potorova lắc đầu kiên quyết – Tôi sẽ không đi! Các ông cũng không được đi! Biết đâu cả hai người của chúng ta còn đương lang thang vất vưởng đâu đó trong rừng? Một người là trung úy của các ông đấy, thưa ngài thuyền trưởng! Còn một người là chàng trai lạ mặt đã lần lượt bảo vệ tất cả chúng tôi trước cái chết. Hai hôm trước, anh ta đã cứu tôi và hộ tống tôi về tới tận bờ biển này. Sau đó lại chạy đi định cứu cha tôi và ông Clayton. Anh ta chưa quay lại đây. Có thể anh ta đang ở chỗ ông trung úy bị thương thì sao?

– Nhưng mà những thủy thủ của chúng tôi đã tìm thấy quân phục sỹ quan của trung úy trong đám dân da đen, cô Potorova ạ! – thuyền trưởng trả lời – Những người thổ dân đó đã tỏ ra rất hằn học, căm thù khi chúng tôi hỏi tới trung úy.

– Điều ấy là có thể, thưa thuyền trưởng! Nhưng chẳng có ai trong số thổ dân đó nói chính xác rằng trung úy đã chết cơ mà.

Viên thuyền trưởng lắc đầu buồn bã:

– Chàng trai người rừng của các vị có thể bị giết hoặc bị bắt làm tù binh rồi thì sao? – Viên thuyền trưởng vẫn tiếp tục tranh luận.

Cô gái bật cười, trả lời bằng giọng có vẻ tự hào:

– Các ông không biết anh ta đấy thôi, thưa thuyền trưởng!

– Tôi cũng công nhận là với cái con người siêu phàm đó chúng ta cần phải gặp, làm quen, – Thuyền trưởng gật gù bình luận – Nhưng còn nhiệm vụ của chúng tôi nữa.

– Đây chỉ là một dự đoán thôi, – Trung úy Sapinto nói chen vào – Chàng người rừng đó là người của bộ lạc đã tấn công đội tìm kiếm của chúng ta. Chàng ta bỏ cô ở lại là để chạy về giúp đỡ bộ lạc của mình.

Nghe trung úy Sapinto nói, Potorova liền quay sang nhìn mặt Clayton.

– Điều ấy là một giả thiết có cơ sở đấy – giáo sư Poto lên tiếng ủng hộ.

– Tôi phản đối! – Ông trợ lí Philando lên tiếng – Cái anh chàng người rừng kì lạ đó có thể ám hại chúng ta bất cứ lúc nào nếu anh ta thích. Anh ta có thể dẫn cả bộ lạc đến tấn công chúng ta. Thế mà đằng này chỉ thấy anh ta giúp đỡ chúng ta.

– Điều đó đúng! – Clayton góp lời – Nhưng chúng ta cần phải lưu ý một điều là: trong bán kính một trăm dặm rừng này, ngoài an ta ra thì không có một người da trắng nào sống ở đây cả. Toàn là những người dã man. Anh ta lại trang bị vũ khí cũng chẳng khác gì họ. Chắc chắn là anh ta có quan hệ tốt với họ.

– Tôi không tin, – Potorova lại lên tiếng – Nếu như các ông cũng tiếp xúc với anh ta như tôi, các ông cũng sẽ tin cậy anh ta như tôi. Anh ấy đã cứu tôi thoát chết. Không hề do dự, anh ấy đã đánh nhau với một con đười ươi hung dữ…

– Cô chủ yêu quý của tôi ơi! – Người đàn bà da đen từ nãy đến giờ lắng nghe đã sốt ruột kêu lên – Chả lẽ cô thích ở lại giữa đám thú rừng lởn vởn quanh đây hay sao? Trong khi đó cô có thể trở về bằng con tàu to lớn thế kia.

– Sao lại không? – Cô gái cau mày trả lời tức khắc – Thế cô không xấu hổ vì đã bội ơn người đã hai lần cứu cô thoát chết hay sao?

– Lạy thánh Gabrien! Quả đúng như vậy. Nhưng có điều là anh chàng ấy cứu sống chúng ta để chúng ta về, chứ không phải để ở lại đây. Tôi đã phải nghe tiếng hổ báo, sư tử gầm ban đêm quá nhiều rồi.

– Tôi cũng không cho là cô phóng đại đâu, Exme ạ! – Clayton nói – nghe tiếng sư tử gầm là tôi dựng hết cả tóc gáy.

– Được rồi! Anh và Exmeranda có thể lên tàu, nếu như các vị sợ hãi đến thế – Cô gái cười mai mỉa – Anh sẽ nói sao nếu như anh phải sống suốt đời trong rừng này, giống như người đã cứu anh?

– Tôi nghĩ rằng tôi sẽ trở thành một người rừng thuộc loại hạng bét, cô Potorova ạ! – Clayton trả lời ngay.

– Tôi chưa bao giờ tự hỏi: Mình thuộc loại đàn ông dũng cảm hay hèn nhát? – Trung úy Sapinto thốt lên – Nhưng mà đêm nay, khi người trung úy bất hạnh của tôi bị bắt đi, thì lần đầu tiên trong đời, tôi đã tự kết luận được về mình: “Tôi là một kẻ nhát gan”… Những âm thanh ghê rợn của rừng này: tiếng gầm rú, tiếng cành cây gẫy, tiếng bước chân rón rén… Đấy các vị nghe xem! Hình như bốn phía đang có hàng nghìn cặp mắt theo dõi chúng ta. Chúng ta không thấy, nhưng chúng ta chỉ cảm thấy thôi.

Tất cả mọi người im bặt. Lát sau Potorova mới lên tiếng. Cô chỉ tay vào rừng, nói:

– Anh ta cũng đang ở trong đó. Đôi mắt anh ta cũng đang nhìn. Nhưng có thể là nhìn trung úy Acnốt – bạn ông. Các ông có thể bỏ anh ta sao? Các ông không thể nán lại vài ngày hay sao?

– Cô thắng tất cả rồi đấy, – Viên thuyền trưởng lên tiếng kết luận – Tuần dương hạm sẽ chờ vài ngày nữa.

– Rất chí lý! Ông Philando kêu lên – Tranh thủ thời gian trong chờ đợi, ngày mai chúng ta có thể đi xem kho báu của mình.

– Ồ, ông thấy không? Giáo sư Poto vỗ tay vào trán, vui vẻ – Thế mà chúng ta hoàn toàn quên mất cái thùng gỗ sồi ấy. Thưa thuyền trưởng! Ngài có thể cho chúng tôi mượn vài thủy thủ để giúp sức được không? Một tay thủy thủ nào đó của thuyền Ơrâu phải đi để chỉ cho chúng tôi biết chỗ giấu hòm.

– Tất nhiên rồi! – Thuyền trưởng nói – Khi hỏi cung đám thủy thủ nổi loạn và hẩm hiu đó, trước hết chúng tôi nghĩ tới việc cứu các vị. Nhưng bây giờ chúng ta có thể điều tra xem vì cái gì mà đám người vô lại đó lại dám cướp thuyền của các vị.

Mọi việc đã được bàn tính, thỏa thuận. Sáng hôm sau trung úy Sapinto cử mười thủy thủ và kéo theo một tên tội phạm của thuyền Ơrâu đến nơi giấu kho báu. Tuần dương hạm sẽ nghỉ trong vịnh một tuần lễ nữa. Sau tuần lễ đó, nếu không thấy hoặc không còn nghi ngờ gì về cái chết của Acnốt nữa và chàng người rừng không hiện ra, thuyền Ơ râu và tàu tuần dương sẽ nhổ neo.

Sáng hôm sau, giáo sư Poto không đi cùng tốp người đào thùng tiền vàng. Khi thấy mọi người trở về tay không, ông vội chạy ra.

– Thùng đâu rồi? – Giáo sư gào lên hỏi Clayton từ xa.

Clayton vẫn thong thả bước, chán nản trả lời:

– Nó biến mất rồi.

– Mất? Không thể có chuyện đó! Ai lấy được nó? – Giáo sư gắt gỏng.

– Chúng tôi không biết. – Clayton trả lời – Lúc đầu chúng tôi nghĩ là gã thủy thủ dẫn đường đã nhớ nhầm chỗ. Nhưng đúng là dưới xác tên cướp biển đó đã có chôn thêm một cái gì đó nữa. Cái lỗ hình chữ nhật vẫn còn rỗng, đất rơi xuống không đầy 1 xô.

– Nhưng có ai biết mà lấy cái thùng đó đi? – Giáo sư vẫn hỏi.

– Các vị có thể nghĩ tới các thủy thủ của tuần dương hạm – trung úy Sapinto nói ngay – Thuyền trưởng của chúng tôi nói rằng, trong khi chúng tôi tìm cô gái trong rừng, ở tầu không có người nào lên bờ cả.

– Tôi không hề nghi ngờ thủy thủ tàu tuần dương – Giáo sư Poto nói như có ý xin lỗi.

– Chắc chắn là chiếc thùng đã bị moi đi từ lâu rồi, – Viên trung úy nói tiếp – bị moi đi từ trước khi cái xác bắt đầu ươn. Nếu chỉ bị moi gần đây thì cái xác không thể còn nguyên lành như thế.

– Thề trước Chúa Trời! – Clayton kêu lên – Chắc là một tốp người da đen nào đó đã làm chuyện ấy. Có thể một người nào đó trong bộ lạc đã trông thấy đám thủy thủ nổi loạn chôn chúng.

– Chúng tôi thực là những kẻ rủi ro! – Giáo sư thở dài ngao ngán – Thế là vàng đã mất, mất luôn rồi. Chúng tôi không bao giờ còn được trông thấy kho vàng đó nữa.

Sáu ngày sau, thuyền trưởng Dunran tuyên bố rằng ông không thể chờ lâu hơn được nữa. Ngày hôm sau tàu phải lên đường. Potorova định xin hoàn thêm một vài ngày nữa, nhưng sáu ngày qua quả thực chính cô cũng đã nghi ngờ về khả năng quay lại của chàng trai người rừng. Có lúc cô chợt nghĩ tới cái chết của chàng nhưng cô không thể nào hình dung được một kẻ nào đó có thể làm chàng ngã xuống. Có một điều cô tin chắc là: chàng trai không phải là kẻ ăn thịt người, mặc dù chàng có thể là đòng bọn với bộ lạc da đen nào đó.

Cô không phản đối chuyện tàu tuần dương ngày hôm sau nhổ neo. Nhưng cô đề nghị để lại súng đạn, thực phẩm và một số thứ cần thiết cho sinh hoạt con người, cho cái con người mà các thủy thủ chưa một lần nhìn thấy như cô. Cô cùng lưu ý mọi người rằng: biết đâu trung úy Ac nốt sẽ xuất hiện trong ngôi nhà gỗ này. Cô nói khá nhiều về viên trung úy nhưng trong đầu cô lại nghĩ nhiều nhất tới “thần rừng” – người đã giữ gìn cho cô sự sống, người mà cô khao khát được đền ơn.

Đề xuất của Potorova được chấp thuận và được thực hiện ngay. Clayton trước khi đi, còn để bên cạnh các thực phẩm một lá thư cảm ơn Người Bắn Cung, chuyển lời cám ơn của anh tới người rừng.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận