– Đứng lại! – Người đàn ông cầm súng quát lên – Ông đi đâu?
– Tácdăng, đứng lại! – Trung úy Acnốt quát theo vì chàng trai của anh vẫn xăm xăm xông tới định giáp chiến – Họ sợ chúng ta làm hại họ thôi.
Tácdăng dừng lại chờ Acnốt rồi cả hai rảo bước tới chỗ người đàn ông đang cầm súng trước cổng làng. Người cầm súng nhìn hai người lạ với đôi mắt hết sức ngạc nhiên.
– Các ông là ai mà như hai con quỷ sứ thế? – Người cầm súng hỏi bằng tiếng Pháp.
– Chúng tôi đang cần ông giúp đỡ đây, – Acnốt trả lời ôn tồn – Chúng tôi bị lạc rừng.
Người đàn ông thả súng xuống đất rồi tiến lại gần với bàn tay thân thiện.
– Tôi là cố đạo Congxtantin của nước Pháp. Tôi truyền giáo nơi này. – Ông cố đạo lên tiếng tự giới thiệu – Tôi vui lòng đón hai ông nếu như hai ông là những người lương thiện.
– Chúng tôi đều là những người tử tế cả. Đây là… – Ac nốt ngập ngừng hắng giọng -… là Tácdăng, thưa cha Congxtantin! Còn tôi là Pôn đơ Acnốt, trung úy hải quân Pháp.
Thế là Tácdăng đã bước qua vọng gác đầu tiên để bước vào thế giới văn minh.
Hai “nạn nhân” của rừng già ở lại trong làng suốt một tuần liền. Họ hồi sức, khỏe mạnh và có quần áo mặc tươm tất. Trung úy Acnốt trở lại với cuộc sống của mình. Nhưng với Tácdăng thì tất cả đều là mới lạ. Lần đầu tiên anh trông thấy và tiếp xúc với những người da trắng ở mọi lứa tuổi khác nhau. Lần đầu tiên anh mặc quần áo của người da trắng. Lần đầu tiên anh cảm thấy rằng mình cần phải xử sự, hành động một cách khác chứ không phải theo thói quen lâu nay trong rừng già.
Cuộc hành trình tiếp theo của Tácdăng và viên trung úy đã trở nên xuông sẻ. Ít lâu sau hai người gặp một bến cảng nhỏ nằm ở cửa một con sông đổ ra biển. Trông thấy thuyền bè và dân cư đi lại đông đúc, lần đầu tiên trong đời, Tácdăng cảm thấy mình trở nên rụt rè, xấu hổ và thiếu tự tin. Anh phát hoảng lên như một con thú rừng bị săn đuổi. Nhưng dần dà Tácdăng hết sợ. Anh quen dần với nếp sống văn minh. Chỉ hai tháng sau, khó ai nhận ra cái chàng trai khôi ngô, tráng kiện trong bộ quần áo mùa hè lịch sự lại là một người rừng, cách đó không lâu đã leo trèo như khỉ, chẳng quan tâm gì ngoài chuyện săn mồi. Tácdăng đã thôi không ăn bốc nữa. Anh dùng bộ dao dĩa rất thành thục.
Từ bến cảng, trung úy Acnốt điện về cho hạm đội của mình biết là anh vẫn còn sống và xin nghỉ phép hai tháng. Đồng thời anh yêu cầu gửi tiền đến cho anh để anh tiếp tục cuộc hành trình. Trong thời gian ở bến cảng, “ngài Tácdăng” (mọi người đều gọi chàng ta là “ngài”) cũng gây ra lắm chuyện xôn xao.
Có hôm, một gã da đen mắc bệnh thần kinh, cầm dao găm chạy vào quán ăn đe dọa đám khách. Mọi người ù té chạy trốn. Gã da đen trông thấy Tácdăng vẫn ngồi nguyên trên ghế, liền chạy tới đâm. Tácdăng không hề giật mình. Lưỡi dao găm chưa chạm vào ngực Tácdăng thì cổ tay gã da đen đã bị tóm chặt. Con dao găm rơi xuống sàn nhà cùng với tiếng xương cổ tay gãy đánh rắc một cái. Gã da đen kêu ầm lên, bỏ chạy khỏi quán ăn. Hình như sự đau đớn và sợ hãi đã làm cho gã hết điên, lành bệnh. Trong khi đó Tácdăng vẫn ngồi bình thản trước cốc cà phê. Anh gọi thêm thức ăn rồi lặng lẽ húp hết đĩa súp, như chẳng có chuyện gì vừa xảy ra. Khách khứa trở vào quán ăn, trông thấy “monsieur Tácdăng” bình an vô sự thì vô cùng kinh ngạc.
Một lần khác Acnốt và Tácdăng ngồi ở hàng hiên khách sạn uống cà phê. Lúc đó trong rừng vang lên tiếng thú dữ gầm thét. Đám khách ăn bên cạnh liền bàn tới chủ đề sư tử. Người thì cho rằng sư tử là loài thú nhút nhát. Người thì cho rằng đó là loài thú dũng cảm. Tranh luận rất nhiệt liệt , nhưng cuối cùng thì ai cũng phải vui vẻ thừa nhận rằng: nếu đã nghe thấy tiếng sư tử thì tốt nhất là phải có khẩu súng bên cạnh.
– Kìa ngài! Sao ngài chẳng tham gia câu chuyện cho vui. – Một người trong nhóm quay sang hỏi Tácdăng – Ngài có gặp sư tử bao giờ không?
– Có gặp, – Tácdăng trả lời rất khiêm nhường – Tôi nghĩ rằng tất cả các ngài đều có lý. Vì các ngài đã trông thấy sư tử ở nhiều tình trạng khác nhau. Đúng là khi thì nó dũng mãnh, khi thì nó hèn nhát. Cũng như người vậy thôi. Có ai giống ai đâu. Chẳng hạn, hôm nay, ngài gặp trong rừng một con sư tử nhát gan. Vừa trông thấy ngài, nó cắm cổ bỏ chạy ngay. Nhưng ngày hôm sau, không may ngài gặp lại em trai của nó thì có thể bạn bè chờ mãi cũng chẳng thấy ngài trở về được nữa. Nhưng nói chung, với loài sư tử thì bao giờ tôi cũng phải hết sức cảnh giác.
– Sư tử chỉ hung dữ đối với những ai tỏ ra sợ nó, – một người trong nhóm tiếp lời Tácdăng.
Trung úy Acnốt ngồi bên cạnh nghe, chỉ cười, không nói gì.
– Tôi không hiểu ông nghĩ thế nào, – Tácdăng nói – chứ riêng tôi thì tôi rất thích khi săn được một con sư tử mạnh hơn tôi, tấn công tôi. Còn nếu tôi săn sư tử bằng khẩu súng trong tay thì chẳng thú vị tẹo nào. Bởi vì tôi biết trước là thế nào tôi cũng thắng.
– Hừ! Tôi có cảm giác là ngài thích săn sư tử bằng dao găm.
Một người ngồi phía xa cười nhạo.
– Đúng thế đấy, nhưng cần thêm một sợi dây nữa. – Tácdăng trả lời thật thà.
– Ngài có thể đi săn ngay bây giờ được không?
– Hiện giờ tôi không đói – Tácdăng trả lời gọn lỏn.
Tất cả phá lên cười, trừ trung úy Acnốt.
– Ngài có óc khôi hài đấy! Nhưng tóm lại thì ngài sợ thôi. Chúng tôi cũng thế.
– Tôi không sợ, – Tácdăng trả lời – Có điều là tôi không có lý do để làm việc đó. Làm thế thì được cái gì?
– Tôi cá ngài năm nghìn phơ-răng. Đó là lí do – Một người kêu lên – Tôi sẽ trả đủ 5000 phơ-răng cho ngài, nếu như ngài săn được nó trong điều kiện như ngài đã nói. Nếu như ngài vào rừng không mang súng và không võ trang, chỉ có dao và dây.
Tácdăng quay sang nhìn Acnốt. Viên trung úy nhoẻn cười rồi nói:
– Ông hãy cá 10.000 phơ-răng.
– Xong rồi! – Người cá tiền gật đầu. Ông ta là một nhà buôn đang phát đạt. Ông ta đang muốn khoe khoang cho mọi người biết doanh thu của mình.
– Được rồi, tôi sẽ cởi bỏ quần áo, bỏ ở bìa rừng. Muộn nhất là sáng mai tôi sẽ về đây.
– Ông muốn đi thật à? Ngay bây giờ, ban đêm? – Nhà buôn hỏi lại.
– Sao lại không? Ban đêm tôi nhìn thấy sư tử rõ hơn.
– Không! – Nhà buôn phản đối – Tôi không muốn suốt đời ân hận khi nhớ tới cái chết của ngài. Hãy để ban ngày. Ban ngày sư tử sẽ chậm chạp hơn.
– Tôi đi đây, – Tácdăng nói – Tôi đi lấy dao và dây.
Mọi người tiễn Tácdăng ra tận bìa rừng. Tácdăng trút quần áo ra, để lại ở một trạm gác rừng. Trước khi chàng định nhảy vào bụi rậm, nhóm người còn lo lắng hỏi lại, xem chàng có nhụt chí không. Tácdăng chỉ cười rồi lao vào rừng. Mọi người đứng im lặng một lát rồi quay về khách sạn. Họ cảm thấy vừa lo lắng, vừa khó chịu.
Tácdăng chạy một quãng cho khuất bóng người rồi mới nhảy tót lên cây. Chàng sung sướng vì cảm giác tự do đã trở lại. Đây mới là cuộc sống đích thực của chàng. Chàng rất thích thế này. Cái văn minh của loài người bị ràng buộc bởi đủ thứ áo quần chật chội. Làm sao sánh được với tự do của rừng xanh. Đến bao giờ chàng mới được trở lại miền nam, trở lại thăm ngôi nhà gỗ?
Chẳng cần tìm kiếm lâu la gì. Chỉ đi một lát, Tácdăng đã đánh hơi thấy mùi sư tử. Chàng nghe rõ tiếng chân bước nhè nhẹ của một cơ thể to lớn, uyển chuyển. Chàng chuyền cành vòng sang bên, bám sát con mồi trước khi nó chưa cảm thấy gì trên đầu. Chờ cho tới khi con sư tử bước ra khoảng trống, in rõ dưới ánh trăng mờ, Tácdăng mới vung cánh tay. Chiếc thòng lọng rơi trúng cổ con ác thú. Cũng giống như những lần trước kia, Tácdăng xiết mạnh sợi dây cho thòng lọng thít thật chặt cổ sư tử rồi mới cột đầu dây trong tay vào một cành cây to. Con sư tử vùng lên định chạy, nhưng vô ích. Tácdăng nhảy thẳng xuống lưng nó. Lưỡi dao găm trong tay chàng cắm ngập vào tim nó mấy nhát liền.
Sư tử nằm yên. Theo thói quen, Tácdăng đạp một chân lên cổ vị chúa rừng xanh, đập tay vào ngực rồi thét lên tiếng thét chiến thắng của bộ lạc mình. Thét xong, Tácdăng cảm thấy lòng mình bâng khuâng. Chàng nhớ bộ lạc của mình. Cuộc sống rừng xanh thật đáng yêu biết bao nhiêu! Nhưng còn Acnốt? Đi với Acnốt hay trở lại với rừng xanh? Trong đầu Tácdăng thoáng diễn ra một sự lựa chọn giữa tự do và tình bạn. Nhưng sau cùng thì nỗi nhớ về Gian Potorova đã chiến thắng tất cả. Tácdăng xốc con sư tử lên vai, quay ra bìa rừng.
° ° ° Lại nói tới nhóm người cá cược trong khách sạn. Họ ngồi ngoài hiên khách sạn suốt hàng tiếng đồng hồ không muốn nói chuyện với nhau. Một vài người tế nhị gợi sang những đề tài khác, nhưng chẳng ai có hứng tán gẫu nữa. Hầu như tất cả đều nghĩ tới chàng trai đang một mình trong rừng đêm. Câu chuyện thoạt đầu tưởng như chuyện đùa, mà cuối cùng đã thành chuyện thật. Biết đâu rồi sẽ sinh ra đủ chuyện rắc rối sau này?
– Lạy Chúa tôi! – Cuối cùng thì nhà buôn không chịu nổi không khí căng thẳng, phải lên tiếng. – Tôi không thể ngồi đây chờ được. Có lẽ phải đi cứu cái thằng điên ấy.
– Tôi sẽ đi với ông, – Một người khác nói.
Chỉ một lúc sau, tất cả mọi người đều muốn vào rừng xem sự thể ra sao. Họ tản về nhà lấy súng rồi tập trung thành một nhóm cứu viện, thận trọng tiến vào rừng.
– Lạy Chúa! Cái gì thế? – Một người đang đi kêu lên. Bởi vì ông nghe thấy trong rừng xa vang lên tiếng thét ghê rợn.
Cả nhóm nhìn nhau im lặng lắng nghe tiếng thét.
– Có một lần tôi đã nghe thấy tiếng thét ghê rợn này, – Một người lên tiếng. Đó chính là Benghitran, một người sống sót trên thuyền Ơrâu – Đó là tiếng thét trong vùng rừng già, rất nhiều thú dữ. Người ta nói rằng đó là tiếng thét của con khỉ đầu đàn khi nó săn được con mồi to.
Nhưng người đàn ông cầm súng bàn nhau chia thành từng toán, theo các hướng khác nhau để tìm kiếm. Nhưng ngay lúc đó họ giật mình vì nghe thấy tiếng cười trong bóng cây gần đó. Họ ngồi thụp xuống nhìn kỹ, và trông thấy một thân hình đàn ông lực lưỡng với con sư tử trên vai đang tiến lại gần.
Chính trung úy Acnốt cũng ngạc nhiên, không ngờ Tácdăng đã săn nhanh đến thế, lại có thể vác cả một con sư tử to đến thế trở về. Cả đám khách thả súng xuống, vây lấy Tácdăng hỏi chuyện tới tấp. Tácdăng chỉ cười, không nói. Anh chàng không nói, vì không thể trả lời kịp, và cũng vì việc giết con sư tử đối với chàng chẳng có gì là ghê gớm. Thấy Tácdăng cười, không nói, mọi người lại càng khâm phục. Trong mắt họ, Tácdăng hiện ra như một anh hùng. Nhà buôn sau đó liền đưa ra đủ 10.000 phơ-răng. Lúc này Tácdăng đã hiểu giá trị của đồng tiền. Chàng biết rằng trong cái thế giới mà mình vừa gia nhập này, không có tiền thì khó mà sống. Vì vậy chàng vui vẻ nhận tiền.
Có một khoản tiền lớn, Acnốt thuê luôn một chiếc thuyền buồm có động cơ, cùng Tácdăng quay lại lấy chiếc thùng vàng. Chỉ hai ngày sau thuyền đã tới nơi. Chiếc thùng vẫn nẵm nguyên chỗ cũ. Hai người dùng cuốc xẻng dọn lối đi và nhanh chóng moi lên. Thuận buồm xuôi gió, vài ngày sau hai người đã đưa được chiếc thùng trở về.
Ba ngày sau hai người đi thuyền tới Ly-ông. Tácdăng rất muốn đi ngay sang Mỹ, nhưng Acnốt bắt chàng cùng mình tới Pari trước. Viên trung úy tốt bụng muốn giúp Tácdăng một việc rất hệ trọng. Đó là vân ngón tay của đứa trẻ trong cuốn nhật ký. Acnốt phải thuyết phục, giảng giải cho Tácdăng tin rằng người ta dù giống nhau đến mấy, cũng vẫn khác nhau ở vân tay. Vân ngón tay và cổ tay của người ta không hề thay đổi hình dáng, đường nét. Cho dù con người ta lớn lên, già đi thì vân các đầu ngón tay và cổ tay vẫn thế.
– Nhưng nó là đứa trẻ, – Tácdăng vẫn chưa thông – Đằng nào thì nó cũng chết rồi. Chả lẽ nó lại là tôi?
– Cũng có thể đấy, – Acnốt nhún vai trả lời – Nếu như cậu không phải là con trai Clayton thì làm sao cậu tự nhiên lại có mặt ở rừng già châu Phi?
Cảnh sát hình sự Pari đã tiến hành nghiên cứu vân tay của Tácdăng. Họ rải bột màu lên tấm kính, sau đó dùng một con lăn bằng cao su lăn qua lăn lại cho thật mỏng. Tácdăng phải ấn các đầu ngón tay vào kính rồi lại ấn vào một tờ giấy trắng. Trong lúc đó, Acnốt trao cho cảnh sát cuốn nhật kí có vân tay đưa trẻ sơ sinh.
– Vết vân tay trong nhật kí rất mờ vì giấy đã ố vàng hết cả, – Một nhân viên cảnh sát thông báo – Chúng tôi phải kiểm tra bằng hệ thống kính phóng đại. Hai tuần lễ nữa chúng tôi mới có thể trả lời ông.
– Thật đáng tiếc! – Acnốt thở dài – Bạn tôi lại lên đường đi Mỹ ngay trong ngày mai. Anh ta đã lấy vé rồi.
Trung úy Acnốt rất quan tâm tới việc so sánh vân tay. Trong khi đó Tácdăng lại chẳng thèm để ý tới. Tácdăng đã không chờ kết quả kiểm tra, vì hiện tại chàng chỉ có một nguyện vọn duy nhất là: trông thấy Gian Potorova.