– Ngộ Không cái thành nào đó vậy?
Tôn Hành Giả thưa rằng:
– Ði tới đó mới biết.
Thầy trò đi mà nói chuyện, đã đến cửa thành.
Tam Tạng liền xuống ngựa.
Bốn thầy trò đi đến cửa thành thấy một tên lýnh già, đứng dựa vách tường mà ngủ gục, Tôn Hành Giả đi tới, vỗ tên lính già ấy mà kêu rằng:
– Bớ ông!
Tên lính già ấy giựt mình thức dậy, ngó ba chớp ba nháng, thấy bộ Tôn Hành Giả hỏi, hãi kinh quì lạy, kêu bằng gia gia.
Tôn Hành Giả hỏi:
– Sao kêu bằng gia gia?
Lính gia nói:
– Tôi chắc ông là Thiên lôi nên kêu như vậy.
Tôn Hành Giả nói:
– Ðừng nói xàm, ta là Hoà thượng ở Ðông Ðộ, đi thỉnh kinh bên Tây Phương. Ðến đây không rõ xứ nầy tên chi, nên hỏi thăm chi tiết.
Lính nghe nói mới vửng bụng, ngáp một cái, vung vai và nó rằng:
– Xin thầy miễn chấp, Xứ nầy khi trước là nước Tì khưu, nay cãi lại là thành Tiểu tử.
Tôn Hành Giả hỏi rằng:
– Trong nước nầy có vua chăng?
Lính già nói:
– Có.
Tôn Hành Giả liền trở ra, thuật chuyện lại cho thầy nghe.
Tam Tạng lấy làm lạ nói rằng:
– Ðã hiệu nước Tì Khưu, sao cãi lại là thành Tiểu tử?
Bát Giới thưa rằng:
– Chắc là vua Tì khưu băng rồi, Thế tử còn nhỏ lên thế ngôi, nên cãi hiệu là thành Tiểu tử.
Tam Tạng nói:
– Không lẽ nào như vậy? Thầy trò ta hãy vào thành tới chợ sẽ hỏi thăm cho rõ.
Vào tới cửa thứ ba, đi ngang qua chợ, thấy ao xiêm rực rỡ nử tú nam thanh, xe ngựa dập diều, phố phường đông đảo.
Bốn thầy trò thấy nhà nào cũng có để cái lồng ngỗng trước cửa.
Tam Tạng nói:
– Ðồ đệ ôi, xứ nầy nhà nào cũng để cái lồng ngỗng trước cửa làm chi vậy?
Bát Giới nghe nói liền ngó hai bên thấy chưng lồng ngỗng cả dọc, ngoài lồng bao phủ màn ngủ sắc.
Bát Giới cười rằng:
– Thưa thầy chắc bữa nay là ngày huỳnh đạo, nên họ sửa soạn đám cưới đó chăng?
Tôn Hành Giả nói:
– Nói xàm nà, lẽ nào mỗi nhà đều có đám cưới? Chắc cũng có cớ chi, để ta đi thử coi thế nào?
Nói rồi liền bắt ấn niệm chú, hóa ra con ong mật, bay vào trong màn ấy mà xem, ngó thấy đứa con nít ngồi trong lồng ngỗng. Rồi lại bay tới một hai nhà khác mà coi, thấy trong lồng cũng cò con nít. Coi luôn tám chín nhà, cũng là con trai nhỏ ở trong lồng ngỗng, đứa thì ngồi trong lồng mà chơi, đứa thì ngồi trong lồng mà khóc!
Tôn Hành Giả xem rồi, hiện nguyên hình về thưa Tam Tạng rằng:
– Những con nít lên năm lên sáu ở trong lồng ngỗng mà thôi, không hiểu cớ gì lạ vậy?
Tam Tạng nghe nói càng sanh nghi!
Khi ấy đi gần tới cửa nha môn, coi lại là nhà trạm, một là hỏi thăm nước chi, hai là tá túc đêm tối.
Bốn thầy trò hăm hở bước vào.
Quân liền báo quan trạm.
Quan trạm rước vào ra mắt, mời ngồi hỏi thăm rằng:
– Thầy ở đâu đền đây?
Tam Tạng nói:
– Bần đạo ở Ðông độ, vưng chỉ đi thỉnh kinh Tây Phương. Nay đến chốn nầy, có điệp văn quan, xin trình cho người xét, và xin tá túc một đêm.
Quan trạm bèn khiến đem trà ra đãi.
Tam Tạng nói rằng:
– Bây giờ vào chầu đặng hay không?
Quan trạm nói:
– Nay tối rồi vào trạm không đặng, đợi mai sáng sẽ vào đền.
Giây phút dọn cơm chay, mời bốn thầy trò ăn uống, rồi bảo dọn phòng cho thầy trò nghỉ.
Tam Tạng cảm ơn lắm, ngồi xuống hói thăm rằng:
– Bần tăng có một điều chưa rõ, xin cắt nghĩa cho rành: Chẳng hay ở đây nuôi con nít ra thế nào?
Quan trạm nói:
– Trời không hai mặt nhựt, trời không lẽ khác nhau, cũng nhờ khí huyết cha mẹ mà có thai, trong mười tháng mới đẻ, rồi cho bú ba năm, có lạ chi việc nuôi con mà hỏi!
Tam tạng nói:
– Cứ theo lời ông nói, thì cũng như nước tôi. Song khi Bần tăng mới vào thành, thấy hai bên phố đều để lồng ngỗng trước cửa, đựng con nít trong lồng tôi không hiểu ý gì, mới hỏi thăm cho biết.
Quan trạm kê miệng vào tai mà nói nhỏ rằng:
– Xin thầy đừng hỏi làm chi. Hãy đi nghỉ cho sớm, đặng mau có lên đường.
Tam Tạng nghe nói liền kéo lại muốn hói cho rành.
Quan trạm lắc đầu và khoát, bảo rằng:
– Chẳng nên nói nhiều lời!
Tam Tạng không chịu buông quyết nói cho rõ.
Quan trạm không biết tính sao, túng phải đuổi các quân lính, một mình nói nhỏ với Tam Tạng rằng:
– Thầy hỏi chuyện lồng ngỗng hồi nảy ấy là vua nước nầy vô đạo bày ra, mà thầy hỏi làm chi mãi?
Tam Tạng hỏi:
– Vua vô đạo làm sao, xin dạy cho rõ, thì tôi mới an lòng.
Quan trạm nói:
– Nguyên khi trước nước nầy là nước Tì Khưu, bây giờ đây gọi là thành Tiểu tử. Bởi cách ba năm trước có một đạo sĩ già dắt một đứa con gái mười sáu tuổi, người ấy hình dung xinh tốt, nhan sắc như tiên, đạo sĩ già dưng nàng ấy cho vua, vua yêu dấu gọi là mỹ hậu, say mê chẳng luận ngày đêm, đến nay tinh thần liệt nhược, mình vóc ốm o, ăn uống không đặng, mạng còn có ba phân. Quan thái y cho thuốc không lành, bây giờ con đau nặng. Còn đạo sĩ già bởi dưng con gái cho vua, nên sắc phòng làm Quốc Trượng. Quốc Trượng có phương thuốc tiên uống thì trường thọ, kỳ trước Quốc Trượng di lên các núi tìm thuốc, đủ vị rồi, ngặt còn thiếu cái vị thuốc sắc nước mà uống theo, lấy làm độc địa lắm. Phải lấy cho đặng, một ngàn một trăm mười một cái gan và trái tim con nít, sắc lấy nước mà uống thuốc ấy, thì một ngàn tuổi cũng không già. Cho nên mấy đứa con nít ở trong lồng ngỗng đó là vua bắt con của dân, nuôi để dành mà làm thuốc. Bởi cha mẹ chúng nó sợ phép vua nên khóc dám than, tức mình mới kêu nước nầy là thành Tiểu lữ, vì bắt con nít lấy tim gan mà làm thuốc! Ấy chẳng phải là vua vô đạo hay sao? Mai thầy có vào đền lo xin ghi điệp thông quan mà thôi, đừng nói chuyện ấy.
Nói rồi đứng dậy đi liền, Tam Tạng nghe nói kinh hồn, tay chơn bủn rũn! Cầm lòng không đậu, rơi lụy chứa chan, kêu lớn nói rằng:
– Hôn quân, hôn quân, đắm sắc cho sanh bịnh, nở nào giết con nít dư ngàn, tội nghiệp quá chừng, ta thương đứt ruột!
Bát Giới lại gần nói rằng:
– Sao thầy không khiêng thọ đường người ta về nhà mà khóc! Thôi, thầy đừng phiền não làm chi, họ giết dân họ, không động phạm tới thầy, hãy đi ngủ cho khỏe, hơi nào lo việc người dưng?
Tam Tạng khóc mà nói rằng:
– Ðồ đệ ôi! Mình là người tu hành, phải làm điều phước đức, thiệt hôn quân tin lời phi lý. Thuở nay chưa thấy ăn đồ lòng con nít mà trường thọ bao giờ, chuyện bất nhơn quá chừng, ta chẳng động lòng sao đặng?
Sa Tăng thưa rằng:
– Xin thầy bớt sầu thảm. Ðợi sáng ngày vào đền ra mắt vua Tì Khưu mà ghi điệp sẻ coi thử Quốc trượng hình dạng ra thế nào, không biết chừng Quốc Trượng là yêu, muốn ăn gan con nít, nên bày ra như vậy?
Tôn Hành Giả nói:
– Ngộ Tịnh nói nhằm lắm! Mai Lão Tôn theo thầy vào đền, coi Quốc Trượng cho rõ, như nó thiệt người ta, thì chắc là nó theo tả đạo. Lão Tôn sẽ cắt nghĩa mà khuyên nó bỏ đạo tà. Nếu nó là yêu, thì Lão Tôn bắt nó cho vua coi và khuyên vua bớt sự tình dục mà dưỡng mình, chẳng nên giết con nít.
Tam Tạng nghe rõ, mừng rỡ đứng dậy, bắt Hành Giả mà nói rằng:
– Ðộ đệ tính hay lắm! Song ra mắt hôn quân, chẳng nên hỏi tới việc ấy, e hôn quân không biết phải quấy làm tội đến mình, ừ tính sao cho đặng?
Tôn Hành Giả cười rằng:
– Ðêm nay Lão Tôn làm phép, trước đem lồng ngỗng ra khỏi thành thì nó hết lấy tâm can mà làm thuốc, chi cho khỏi ngày mai các quan dưng sớ mà tâu, vì sự mất lồng ngỗng, sao cho hôn quân cũng truyền chỉ bắt con nít khác, chừng đó mình thừa dịp can vua, thì chẳng tội chi mà hòng sợ.
Tam Tạng mừng rỡ hỏi rằng:
– Bây giờ làm sao mà đem lồng ngỗng ra khỏi thành? Nếu làm đặng thì tính cho mau vì sự ấy có đức lắm.
Tôn Hành Giả đứng dậy bảo Sa Tăng, Bát Giới rằng:
– Hai đứa bây ngồi đây với thầy, đặng ta đi làm phép, hễ nghe gió thổi lớn thì biết là lồng ngỗng bay khỏi thành
Tam Tạng, Bát Giới, Sa Tăng đồng niệm Phật cứu nạn.
Còn Tôn Hành Giả ra ngoài cửa, hút gió một tiếng liền nhảy lên mây, bắt ấn niệm chú đòi Thanh Hoàng, Thổ Ðịa và các vị Du thần, đồng tới bái mà hỏi rằng:
– Ðại Thánh kêu chúng tôi tới ban đêm có chuyện chi gấp?
Tôn Hành Giả nói rằng:
– Bởi nay ta đi ngang qua nước Tì Khưu, nghe nói hô quân tin lời yêu, muốn lấy tâm can con nít mà làm thuốc trường sanh, thầy ta nghe nói bất nhẫn muốn trừ quỷ mà cứu người, nên Lão Tôn mời các vị, xin làm phép thần thông đem những nhỏ ở trong lồng ngỗng ra khỏi thành để ở trên rừng trên núi, cho ăn lót lòng bằng trái cây, và đừng cho nó sợ bữa ta trừ yêu xong rồi sẽ đem trả lại.
Các vị thần vâng lịnh, tức thì nổi giông tố, làm như lời Hành Giả đã truyền.
Khi ấy Tôn Hành Giả trở vào nhà trạm, thấy ba thầy trò còn niệm Phật om sòm.
Tôn Hành Giả mừng rỡ nói rằng:
– Thưa thầy tôi đã về đây, khi giông tố hồi nãy chư thần đà đem trẻ nhỏ khỏi thành cả thảy, đợi xong việc sẽ trả lại như thường.
Tam Tạng mừng quá liền nói:
– Cám ơn.
Thầy trò đồng đi ngủ.
Ðến sáng Tam Tạng thức dậy nói với Tôn Hành Giả rằng:
– Ta sửa soạn vào đền xin ghi điệp.
Tôn Hành Giả thưa rằng:
– Ðể Lão Tôn đi với coi Quốc Trượng ra thể nào?
Tam Tạng nói:
– Nếu ngươi vào đền chăác không chịu lạy, e Quốc Trượng quở chăng?
Tôn Hành Giả thưa rằng:
– Tôi làm phép hóa hình lén theo bảo hộ thầy, và xem Quốc Trượng.
Tam Tạng mừng rỡ ra đi.
Quan trạm bước theo dặn nhỏ rằng:
Xin thầy đừng chác việc thiên hạ.
Tam Tạng gật đầu.
Còn Tôn Hành Giả hóa ra con bồ hong, bay lên mão Tam Tạng mà đậu.
Khi đến ngọ môn, Tam Tạng bái Hoàng môn quan mà thưa rằng:
– Bần Tăng ở nước Ðại Ðường, vâng chỉ Thiên tử qua Tây Phương thỉnh kinh, nay đến quý bang, xin vào chầu ghi điệp.
Hoàng môn quan vào tâu lại.
Quốc Vương khen rằng:
– Sải ở Ðại Ðường đi thỉnh kinh Tây Phương chắc ngươi có đức hạnh.
Tức thì truyền chỉ cho vào.
Tam Tạng đền sân chầu làm lễ tung hô xong xả, Quốc Vương cho ngồi.
Tam Tạng tạ ơn rồi ngồi xuống, ngó thấy Quốc Vương gầy mòn yếu đuối, thở chẳng ra hơi, coi bộ gần cởi hạc.
Tam Tạng dâng lá điệp thông quan.
Quốc Vương con mắt lờ mờ, coi hèn lâu mới đóng ấn phê rồi đưa cho Tam Tạng.
Xảy thấy Hoàng môn quan vào tâu rằng:
– Có Quốc Trượng đến trào.
Quốc Vương rán vịn thì thần, bước xuống ngai nghinh tiếp, Tam Tạng thấy Quốc Trượng ăn mặc đồ đạo sĩ coi bộ kiêu căng, lên đền không làm lể, Quốc vương bái chào và mời ngồi trên ghế cẩm đôn.
Tam Tạng vừa làm lể thưa rằng:
– Bần Tăng ra mắt Quốc trượng.
Quốc trượng ngồi trơ trơ không thèm đáp lễ liền hỏi Quốc vương rằng:
– Sải nầy ở đâu mà đến đây?
Quốc vương nói rằng:
– Ðường Tăng ở Ðông Ðộ vưng chỉ Thiên tử qua Tây Phương thỉnh kinh, nay đến giấy thông quan, xin ngài ghi điệp.
Quốc trượng cười rằng:
– Ðường đi Tây Phương mù mù, có vui chi mà tìm đến?
Tam Tạng thưa rằng:
– Từ xưa đến nay cỏi Tây Phương là nước Cực Lạc, sao gọi không vui?
Quốc vuơng phán hỏi rằng:
– Trẫm nghe người xưa nói rằng: Thầy chùa là đệ tử của Phật, là khiêng người cãi dữ làm lành, cấm việc sát sanh hại mạng, chẳng cho đắm sắc gian tham, tánh ở hiền lành, lời nói chơn thiệt, giữ lòng thanh tịnh thì đặng sống lâu, chớ như nói uống thuốc mà trường sanh, ấy là điều huyển hoặc.
Quốc trượng nghe nói cười rằng:
– Hòa Thượng nói nhăn quá, tuy đạo Phật dụng điều phước đức, song ngồi lim dim mà tưởng, gọi là thanh tịnh thì lầm lắm! Ấy là tu đui luyện mù! Lời tục ngữ nói rằng: Ngồi tượng Phật đít chai ngắt, e cho lâu ngày sanh ra bịnh ngặt. Sao cho đạo tiên, trước dưỡng tinh thần, sau dùng linh dược, đã cho phép trừ yêu trị quỷ, lại có tài chế thuốc cứu người, ngày sau đặng thần tiên, chẳng phải như thầy chùa dối thế.
Quốc vương nghe nói vui mừng, các quan đều khen rằng:
– Ðạo tiên hơn đạo Phật.
Tam Tạng hổ thẹn trăm bề!
Quốc vương truyền dọn tiệc chay, thiết đãi Tam Tạng, Tam Tạng tạ ơn lui ra, Tôn Hành Giả ở trên mảo bay xuống, nói bên tai Tam Tạng rằng:
– Thầy ôi, Quốc trượng là yêu quái, Quốc vương mắc khí yêu nhiều lắm! Thầy hãy về nhà trạm mà đợi tiệc chay, để Lão Tôn ở đây nghe tin thữ.
Tam Tạng y lời.
Còn Tôn Hành Giả bay vào đền, đậu tại bình phong.
Xảy thấy quan Ngủ thành binh mã tư tâu rằng:
– Trận bão tố ngày hồi hôm bay mất hết những lồng con nít.
Quốc Vương nghe tâu rất buồn, nói vói Quốc Trượng rằng:
– Ấy là trời hại trẫm. Bịnh mấy tháng nay ngự y trị không hết, nay Quốc trượng cho bài thuốc tiên tưởng giờ ngọ nầy lấy tâm can mà uống thuốc, không dè sự rủi như vầy
Quốc Trượng cười rằng:
– Trận bão tố ấy là trời cho Bệ Hạ đặng thuốc trường sanh
Quốc Vương phán hỏi rằng:
– Con nít bay mất hết, sao Quốc Trượng nói trời cho trẩm thuốc trường sanh?
Quốc Trượng nói:
– Tôi mới vào chầu, gặp ngươi quý lắm, dầu một ngàn một trăm mười một trái tim con nít cũng không bằng, tim con nít bất quá sống một ngàn tuổi mà thôi, chớ vật nầy sống đặng muôn tuổi.
Quốc Vương nghe không rõ nên hỏi phăn đôi ba lần, Quốc Trượng nói:
– Hòa Thượng ở Ðại Ðường tu hành mười kiếp, tự bé đến lớn chưa vợ con, nên trái tim và lá gan mạnh hơn của con nít.Nếu sắc mà uống thuốc ấy, thì sống đặng nuôn năm.
Quốc Vương nghe nói, mừng rỡ hỏi rằng:
– Sao Quốc Trượng không nói cho sớm?
Quốc Trượng nói:
– Có khó chi, nó còn đợi ăn tiệc rồi mới đi, xin Bệ Hạ truyền chỉ đòng các cửa thành, đem binh vây nhà trạm. Trước đem lễ vật mà xin trái tim, nếu chịu, thì mổ bụng mà lấy sẽ chôn vỏ mà mổ ngang cũng được.
Quốc vương truyền chỉ y lời. Tôn Hành Giả nghe rõ bay về trạm, hiện hình bước vào thuật chuyện lại, Tam Tạng kinh hãi đổ mồ hôi, nói không ra tiếng.
Bát Giới cười rằng:
– Làm phước cứu con nít, bây giờ mắc họa rồi!
Tam Tạng run lặp cặp, níu Hành Giả mà nói rằng:
– Ðồ đệ ôi, bây giờ biết tính làm sao?
Tôn Hành nói:
– Có khó chi, muốn khỏi chết, thời lớn làm nhỏ nhỏ làm lớn.
Sa Tăng hỏi:
Anh nói sao tôi nghỉ thấu?
Hành Giả:
– Muốn sống thì đệ tử giả làm thầy, thầy giả làm đệ tử.
Tam Tạng nói:
– Miễn là còn mạng ta, ta chịu là đệ tử.
Tôn Hành Giả nói:
– Chịu như vậy thì đặng, Bát Giới đi móc đất cho mau.
Bát Giới sợ chúng bắt, không dám đi xa, lấy đinh ba cuốc đất khô sau hè trộn với nước đái cho dẽo, mà đưa cho Hành Giả.
Khi ấy Tôn Hành Giả cực chẳng đã phải lấy đất ấy nắn mỏng in trên mặt mình, rồi bảo thầy rằng:
– Xin thầy cứ làm thinh đừng nói chi hết.
Dặn rồi bảo lấy đất ấy đắp lên mặt Tam Tạng thổi một hơi coi giống tạc mình, rồi cởi quần áo cho thầy thay đổi.
Còn Tôn Hành Giả bận đồ Tam Tạng niệm chú biến ra hình thầy.
Xảy nghe chuông trống vang tai, ngó thấy gươm đao rầm rộ!
Ấy là hàn ngàn quân ngự lâm đến vây nhà.
Có một ông quan Cẫm y thị vệ vào nhà trạm hỏi rằng:
– Hòa Thượng Ðại đường ở đâu?
Quan trạm thưa rằng:
– Ở trong phòng khách.
Cẫm y thị vệ đến phòng khách nói rằng:
Bệ Hạ cho mời Ðường trưởng lão.
Tam Tạng giả bước ra bái mà nói rằng:
– Cẫm y đại nhơn, Bệ Hạ đòi bần tăng làm chi?
Cẫm y thị vệ bước lại nắm tay Tam Tạng mà nói rằng:
– Thầy đi với tôi vào trào có việc dùng cần kíp.